© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
23.1.2003
Nguyễn Hoàng Sơn
Dùng chữ Quốc ngữ là “một tai hoạ” ư?
 
Với chủ trương thông tin và thảo luận đa chiều, talawas cố gắng giới thiệu nhiều quan điểm và phong cách khác nhau, dù có thể là những quan điểm và phong cách mà BBT talawas không nhất thiết chia sẻ.
talawas
Ai nói ra cái câu “động trời” này nhỉ? Xin thưa, đó không phải là một người vô danh tiểu tốt nào mà là một tên tuổi chói sáng trong ngành ngôn ngữ học, Việt ngữ học: Giáo sư Cao Xuân Hạo. Chính cái tên được nhiều người yêu mến và tin tưởng này khiến tôi phải đắn đo rất nhiều khi viết bài báo này. Tôi đã từng say mê những trang văn xuôi của Puskin, Tônxtôi do ông dịch, từng khoái chá đọc những bài ông viết về tiếng Việt, về tính hiếu học của người Việt đăng trên báo Văn Nghệ...Tôi tự hỏi: một người trung thực như thế, thông thái như thế, mới mẻ như thế tại sao lại có thể có những ý kiến...lạ lùng như thế khi bàn về thứ chữ viết riêng của dân tộc ta là chữ Quốc ngữ?

Trong cuốn sách “Tiếng Việt, văn Việt, người Việt” ( NXB Trẻ, 2001) GS Cao Xuân Hạo hơn một lần đã bày tỏ sự tiếc nuối vì dân ta đã bỏ mất thứ Quốc tuý, Quốc hồn là chữ Hán để dùng chữ Quốc ngữ là thứ chữ “khó lòng thích hợp với tiếng Việt và cách tri giác của người Việt đối với tiếng mẹ đẻ của họ” (tr105). GS Cao Xuân Hạo cho biết ông đã bỏ công ra viết một cuốn sách tiếng Pháp để chứng minh điều ấy (chắc là cho các ông Tây), cuốn “Âm vị học tuyến tính”, Paris, 1985. Dân ta chắc ít người được đọc công trình ấy nên GS phải nhắc đi nhắc lại những luận điểm của mình trong nhiều bài viết liên tiếp. Trong bài “Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?” (đăng lần đầu trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 141, năm 1994), trước tiên ông làm thao tác “nói ngược” để gây ấn tượng: “Có khá nhiều người Việt nghĩ đến những ai đã đem chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán, chữ Nôm với một lòng biết ơn sâu xa, cho rằng việc đó đã đưa nước ta tiến vào hiện đại. Nghĩ như như thế tôi e có phần vội vàng” (tr 102). Xin lưu ý từ “những ai”, rất đúng: để có chữ Quốc ngữ được dùng phổ biến như hiện nay, công lao không chỉ thuộc về ông Tây A-ếch-xăng đờ Rốt (mà động cơ còn nhiều nghi vấn), công ấy còn thuộc về hàng triệu hàng triệu người, có tên và không tên đã bền bỉ truyền bá, phổ biến, hoàn thiện nó, trước hết phải kể đến các nhà trí thức trong Ðông kinh nghĩa thục (1907), trong phong trào Truyền bá chữ Quốc ngữ những năm 40, những chiến sĩ diệt dốt và Bình dân học vụ sau Cách mạng Tháng Tám...Tại sao GS Cao Xuân Hạo khuyên chúng ta không cần biết ơn những bậc tiền bối trên? Lí do rất đơn giản: vì chữ Quốc ngữ ABC là thứ chữ...chả ra gì, kém xa chữ Hán, và việc dùng nó để thay thế chữ Hán là một sự nhầm lẫn lịch sử, “một trong những biến cố có hại, nhưng không thể hoán cải, đã trót xảy ra rồi, một trận hồng thuỷ, một tai hoạ”...Tóm lại, rất nhiều từ ngữ được GS huy động để “tổng xỉ vả” thứ chữ cả nước và chính ông đang dùng hàng ngày. Muốn hạ thấp vị thế chữ Quốc ngữ thì phải đề cao chữ Hán.GS Cao Xuân Hạo rất hứng thú với cái thí nghiệm của một nhóm ngữ học người Mỹ năm 1978: một nhóm trẻ em mắc chứng alexia (không đọc được chữ) được người ta dạy đọc tiếng Anh nhưng viết bằng chữ Hán, “chẳng hạn câu He came to a high mountain được viết bằng sáu chữ Hán làTha đáo cập nhất cao sơn”. Sau năm đầu, các em đọc và viết được 1600 từ đơn, và về khả năng hấp thụ tri thức, chúng tỏ ra không đần độn chút nào, mà kết quả học tập của chúng lại có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC” (tr 101). Từ thí nghiệm duy nhất này (mà chắc GS cũng chỉ đọc trên báo, chưa được kiểm nghiệm- câu ví dụ trên cũng rất đáng ngờ vì thiếu một chữ “toà” trước chữ “cao sơn”), ông say sưa thuyết giảng về những ưu việt tuyệt đối của chữ Hán so với mọi thứ chữ trên thế giới, trước hết là so với hệ thống chữ viết có nguồn gốc latin. Nào là “chữ Hán hơn hẳn chữ Tây” (về phương diện Gestalt, tức “diện mạo tổng quát”); “sách Tây rất khó đọc theo cách nhất mục thập hàng như sách chữ Hán”; từ cổ đại, loài người đã có một hệ thống chữ viết gần đạt tới mức lí tưởng ấy: chữ Hán; bằng chứng sáng rực của tính ưu việt của chữ Hán là hiệu quả tuyệt vời của việc sử dụng nó cho một ngôn ngữ thuộc một loại hình hoàn toàn khác tiếng Hán: tiếng Nhật; Một nhà ngữ học Pháp gọi chữ Hán là một thứ esperanto cho đôi mắt của các thần dân Trung Hoa. Thứ esperanto này còn có tầm tác dụng vượt xa bờ cõi Trung quốc: nó còn là phương tiện giao tiếp đắc lực giữa người Hán và các sứ giả man tộc” (!) như người Hàn, người Nhật, người Giao Chỉ, người Hồ, và các thứ rợ” (!) khác, vốn thường bút đàm với người Hán (và với nhau) nhiều hơn là ngôn đàm ( tr111)...Nhiệt liệt nhất là mấy câu này “Ngày nay nhiều người, trong đó có cả những nhà ngữ học phương Tây, đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng chỉ vài ba mươi năm nữa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc (theo họ, đến lúc ấy các hàng rào ngôn ngữ-barrières linguistiques- xưa nay vẫn ngăn cách các dân tộc, sẽ bị vô hiệu hoá) (tr 106) Rồi còn câu này nữa “Dựa vào những thành quả ngoạn mục của việc dạy tiếng Anh bằng chữ Hán cho các học sinh Mỹ mắc chứng dislexia (không học được cách đánh vần- vẫn chỉ một thí dụ ấy! NHS), một số nhà ngữ học Mỹ đã thấy rõ tính ưu việt của một hệ thống văn tự phi ngữ âm và đã đi đến chỗ tin rằng đó chính là thứ chữ tương lai của nhân loại” (tr111) Chà chà, thế này thì có cơ Việt Nam ta sẽ đứng hàng đầu trong phong trào Hán hoá toàn thế giới, vì chúng ta đã có căn bản nho học, người biết chữ Hán còn nhan nhản kia. Một GS có tiếng là uyên bác về Tây học, giỏi cả tiếng Nga, tiếng Pháp , tiếng Anh mà nói thế, còn nghi ngờ gì nữa, mau mau cắp sách đi học tiếng Hán thôi. GS còn dẫn một cuốn sách nổi tiếng (của một ông Tây, tất nhiên), để nói rằng sở dĩ nước ta chưa thành “rồng” như Trung Quốc (?), Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng (!), Ðại Hàn, Singapore là vì đã ...trót dại “bỏ mất chữ Hán mà trước kia nó từng dùng. GS cũng đủ khôn khéo để chỉ dẫn ý kiến người khác, nhưng ta có quyền nghĩ rằng đây cũng là quan điểm của chính ông vì ông hoàn toàn không nghi ngờ gì về sự đúng đắn của ông Tây ấy. Xin tạm dừng việc trình bày nhiều luận điểm còn li kì hơn nữa của GS để bàn qua mấy lời về cái chuyện “hoá rồng” này. Trong lịch sử tư tưởng đã có nhiều tác giả tìm cách lý giải tại sao một dân tộc, một đất nước lại có trình độ phát triển cao hơn hoặc thấp hơn những nước khác. Thuyết địa lý thì cho là tại khí hậu: người ở vùng lạnh chịu suy nghĩ hơn người xứ nóng, vì thế nên châu Âu công nghiệp hoá sớm hơn... châu Phi chẳng hạn. Chủ nghĩa Mác thì tìm sự tương thích giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc... Nay phải chăng GS Cao Xuân Hạo và ông Léon Vandermeersch nào đó muốn đưa ra “thuyết Hán tự” để soi sáng con đường đi cho các dân tộc? Trong xu thế “Hành trình về phương Ðông”, nếu một số học giả phương Tây có đề cao quá đáng văn hoá Trung Quốc (trong đó có chữ Hán) thì cũng là điều dễ hiểu và có thể thông cảm được. Nhưng nâng chữ Hán lên hàng “đấng cứu thế” cho dân tộc ta thì thật là điều kì quặc, phi lịch sử và dễ gây nên những ngộ nhận cho thế hệ trẻ. Nếu chữ Hán mà là “phương thuốc vạn năng” như thế thì nước Việt Nam thời vua Tự Ðức đã hoá rồng từ bấy giờ rồi, khỏi đợi chúng ta ngày nay phải loay hoay tìm trăm phương ngàn kế. Ông Nhật, ông Hàn, ông Sinh, ông Ðài Loan phất lên, phần lớn là nhờ chớp được thời cơ Mỹ đương sa lầy ở Việt Nam, cộng với một chính sách phát triển đúng đắn chứ đâu phải vì biết bảo tồn ba cái chữ khối vuông? Trung Quốc trước năm 1980 vẫn dùng chữ khối vuông đấy chứ, nhưng kinh tế thì “đứng bên bờ vực”, xã hội thì rối loạn, chỉ từ khi ông Ðặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, thực hiện chính sách cải cách, mở cửa, hướng về phương tây, hướng sang Mỹ thì họ mới phát triển, thanh niên kéo đến các trung tâm học tiếng Anh như nước chảy. Mới đây CCTV đưa tin TQ đã đưa tiếng Anh (nghĩa là đưa cái chữ ABC... không ưu việt) vào bậc tiểu học rồi. Năm lần bảy lượt, người TQ đã định la tinh hoá chữ viết của họ mà chưa làm được, hẳn GS phải biết rõ hơn chúng tôi điều ấy. Trong những nước và lãnh thổ “hoá rồng” mà GS nêu để làm gương cho nước Việt ta thì ít ra cũng có một nước không duy trì chữ Hán là nước Hàn (nam Triều Tiên). Với họ chữ Hán tượng hình chỉ là “quốc tuý” được các viện nghiên cứu và một tầng lớp trí thức bảo tồn thôi (như ở nước ta), còn đại đa số dân chúng đều dùng chữ ghi âm cả. Tôi có một tài liệu của sứ quán Hàn Quốc về tiếng Hàn và chữ Hàn. Xin thưa với GS là thứ chữ mà toàn thể người dân Hàn dùng từ thế kỷ thứ XV đến nay không phải là chữ Hán mà là chữ Hàn 100% ghi âm. Ðó là thứ chữ có tên gọi “Han-gil được tạo ra dưới thời vua Sejong, triều đại Choson (1392-1910). Năm 1446, hệ thống chữ cái đầu tiên của Hàn Quốc được công bố dưới cái tên là Hunmin Chong-um, nghĩa đen là Những âm thanh chính xác dùng để dạy học (trích từ trang web của sứ quán Hàn Quốc). Cũng tài liệu này viết “Trong thời gian trị vì đất nước, vua Sejong luôn cảm thấy xót xa vì người dân thường không biết đọc và biết viết chữ Trung Quốc vốn là một hệ thống chữ phức tạp được các học giả thời đó sử dụng; ông thông cảm khi thấy họ thất vọng vì không thể đọc, không thể giao tiếp hay biểu lộ tình cảm bằng văn bản...” “Cảm thông với những nỗi khó khăn của họ, ta đã tìm ra một tập hợp 28 kí tự rất dễ học. Mong mỏi thiết tha nhất của ta là chúng có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống của tất cả moị người. Lời tuyên bố đó thể hiện quyết tâm của vua Sejong và những cống hiến của ông cho nền văn hoá độc lập và khát khao mong mỏi của ông làm cho nhân dân thịnh vượng ( nt). Người Hàn Quốc rất tự hào về thứ chữ ghi âm khác hẳn với chữ Hán của họ “Ðây được coi là một hệ thống chữ cái hiệu quả nhất trên thế giới và được các chuyên gia đánh giá là rất khoa học và rất tuyệt vời (nt). Một dẫn chứng trên có đủ để chỉ ra sự vô lí của học giả Cao Xuân Hạo khi ông thần thánh hoá chữ Hán? Có cần nói thêm rằng tuy cùng dùng chung một thứ văn tự (và chắc là cùng bảo tồn một phần Hán tự) nhưng Bắc Hàn và Nam Hàn ở hai trình độ phát triển rất khác nhau?

Khó hiểu vì sao GS Cao Xuân Hạo lại quá nhiệt thành với chữ Hán đến thế. Vì sự nhiệt thành này, ông có cái nhìn sai lệch với lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ. Ông cho rằng “chữ Quốc ngữ đắc dụng trong thời Pháp thuộc, khi mà người ta cần thanh toán việc học đọc học chữ Pháp và tiếng Pháp. Nó cũng đắc dụng trong thời kháng chiến, khi cần thanh toán mù chữ cho thật nhanh để còn lo đánh giặc (tr 103). Có thực là mọi người Việt Nam trước năm 1945 đều chỉ học tiếng Việt “cho nhanh để chuyển sang học chữ Pháp và tiếng Pháp” không? GS đánh giá quá thấp tình yêu tiếng mẹ đẻ của người Việt Nam ta rồi. Nhà thơ Tản Ðà, nhà văn Ngô Tất Tố, rồi Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan...tất cả những nhà văn lớn ấy, những chuyên gia Việt ngữ không có học hàm học vị ấy đều học chữ Quốc ngữ để sáng tạo văn chương, làm giàu cho tiếng mẹ đẻ, cho tâm hồn dân tộc, không phải học “cho nhanh” cho xong lần rồi mải mốt đi học tiếng Pháp, đi viết văn Pháp đâu. Trong kháng chiến chống Pháp (và chống Mỹ) cũng vậy, đánh giặc cứ đánh giặc, học cứ học, học để đánh giặc cũng là để làm văn hoá, làm kinh tế, chứ có phải “thanh toán mù chữ cho thật nhanh để còn lo đánh giặc đâu”, nếu chỉ như thế thì thanh toán mù chữ để làm gì? GS càng nói càng lạc. Dường như cay cú vì sự “đắc dụng” của chữ Quốc ngữ ông quay sang “đổ tội” cho chữ Nôm “Trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta còn có một điều làm cho quốc ngữ đâm ra có vẻ ưu việt đặc biệt: đó là sự tồn tại của chữ Nôm hồi bấy giờ. Trước khi có chữ quốc ngữ, ông cha ta dùng chữ Nôm để viết tiếng mẹ đẻ. Mà chữ Nôm thì khó hơn chữ Hán rất nhiều (theo một chuyên gia Hán Nôm, nó khó gấp 5 lần). Chính nhờ sự tương phản với thứ chữ phức tạp, khó học ấy mà chữ quốc ngữ có vẻ như tiện hơn hẳn (tr103, xin lưu ý đến những dấu ngoặc kép hàm ý mỉa mai). Theo lôgic của GS thì có thể hiểu: giá như đừng có “cái anh chữ Nôm” rắc rối làm mất mặt “Ngài” chữ Hán cao quý thì chắc “thằng cha” chữ Quốc ngữ “loằng ngoằng giun bò” khó mà chiếm được địa vị độc tôn như ngày nay! Nghĩ như thế e vô ơn với chữ Nôm và những người sáng tạo ra nó quá. Chính nhờ “thứ chữ phức tạp” ấy và những người không ngại mang tiếng “nôm na mách qué” chúng ta ngày nay mới có “Quốc âm thi tập” (Nguyễn Trãi), Bạch vân quốc ngữ thi (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Chinh phụ ngâm (Ðoàn Thị Ðiểm), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều), Truyện Kiều (Nguyễn Du), thơ Xuân Hương, thơ Bà Huyện ...để mà ngâm ngợi, tự hào và giới thiệu với bạn bè thế giới đấy. Trách chữ Nôm chưa đã, GS lại oán sang ông cha mình “Giá hồi ấy, ông cha ta không sáng tạo ra chữ Nôm, mà cứ dùng chữ Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn như người Nhật Bản đã làm (và hiện nay vẫn làm) nghĩa là mỗi chữ có hai cách đọc, Hán âm (Kan-on) và Quốc âm (Go-on) thì tình hình có lẽ đã khác” (tr 104). Quả thực là tấm lòng “thương hoa tiếc ngọc” đáng làm cảm động cả trời đất, các cụ ta dưới chín suối cũng phải ngậm ngùi mà than rằng “Hậu sinh khả uý, tiếc thay hồi ấy chúng ta không thông minh được như con cháu bây giờ!”. Nhưng chắc chắn sẽ có một cụ cãi lại rằng: hồi ấy tôi đã thử làm rồi đấy nhưng không ăn thua! Ðấy là cụ Nguyễn Trường Tộ (1830-1871). Trong bản điều trần nổi tiếng có tên là “Tế cấp bát điều” (Tám việc cần làm gấp) gửi lên vua, đề ngày 20/10 năm Tự Ðức thứ 20 (tức ngày 15/11/1867), Nguyễn Trường Tộ dành hẳn mục 5 trong điều thứ tư để kiến nghị “Dùng quốc âm”, cụ thể và thiết thực hơn CXH nhiều. Xin được trích ra đây, tuy có hơi dài: “Chả lẽ ở nước ta không có ai giỏi có thể lập ra một thứ chữ để viết tiếng ta hay sao? Vì ta dùng chữ nho đã lâu nên không cần thay đổi tất cả, sợ làm cho người ta lạ tai lạ mắt. Vậy xin dùng chữ Hán làm mẫu, lựa âm của chữ nào hợp với âm tiếng ta, nhất định không thay đổi thì đọc như tiếng ta không cần giải nghĩa. Chữ nào có âm gần giống tiếng ta thì thêm nét phụ vào rồi đọc ra tiếng ta. Ngoài ra gộp hết tiếng ta lại chia thành môn loại, làm từ điển, trước tiên ban hành trong các cơ quan chính quyền và trường học cho người học dễ dàng sử dụng. Khi nào chữ Hán đã được đọc thành âm tiếng ta rồi thì bất cứ ai biên chép việc công việc tư đều phải dùng thứ chữ đã ban hành, không được thay đổi. Còn các nhà văn ai muốn dùng chữ Hán theo âm nho tuỳ ý nhưng trong công việc làm thì phải dùng thứ chữ Triều đình đã ban hành (“Nguyễn Trường Tộ- Con người và di thảo”, NXB Tp HCM, 2002, tr 297). Có thể thấy thực chất đề nghị của Nguyễn Trường Tộ là hoàn thiện, quy chế hoá, chính thức hoá chữ Nôm theo một nguyên tắc thống nhất. Nguyễn Trường Tộ viết những lời này gần 50 năm sau ngày Nguyễn Du qua đời (1820), là khi Truyện Kiều, cũng tức là chữ Nôm đã phổ biến rất rộng rãi. Chữ Quốc ngữ ABC cũng đã được một bộ phận dân chúng sử dụng, nhất là ở Nam Bộ và trong cộng đồng Thiên chúa giáo mà cụ Tộ là một thành viên. Theo Bằng Giang (“Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930”, NXB Trẻ, 1998), Trương Vĩnh Ký đã có sách in bằng Quốc ngữ ở Sài Gòn từ năm 1866, nhan đề “Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích”.Gia Ðịnh báo ra đời từ 1865, đến năm 1869 thì do Trương làm chủ bút. Cũng chính Trương là người phiên âm chú giải, xuất bản Kim Vân Kiều truyện bằng Quốc ngữ năm 1875...Có thể ức đoán mà không sợ sai rằng Nguyễn Trường Tộ cũng biết chữ Quốc ngữ, vì ông vốn là một người thông minh, giỏi tiếng Pháp, tiếng Latin và có vị trí trong giới trí thức Thiên chúa giáo, đi nhiều, biết rộng. Vậy tại sao ông vẫn kiến nghị một phương án thống nhất văn tự từa tựa như...phương án của Cao Xuân Hạo 127 năm sau (1994)? Thì chính ông đã giải thích rồi “vì ta dùng chữ nho đã lâu nên không cần thay đổi tất cả, sợ làm người ta lạ tai lạ mắt”. Nghĩa là ông tính đến yếu tố sức ì của tâm lý, chứ ông quá biết về những nhược điểm của thứ chữ khối vuông mà ông khổ sở cả đời vì nó, thứ chữ “học cho đến chết cũng chưa nhớ nổi một phần ba;người có tài trí phải mất đi tinh lực nửa đời người dùi mài vào cái học ấy, không còn thì giờ tâm trí để học những cái khác”...Ðề án của Nguyễn Trường Tộ, mặc dù khá tiến bộ và đã tính đến yếu tố tâm lý nhưng vẫn phải chịu thất bại trước sức “bành trướng” của chữ Quốc ngữ, một thứ chữ rõ ràng là “ngoại lai”, ít “tính dân tộc” (!) hơn chữ Hán tượng hình, biểu nghĩa! Thất bại ấy nói lên điều gì? Nó nói lên sức sống của chữ Quốc ngữ, nói lên tính ưu việt của nó và nhờ nhưng ưu điểm vượt trội ấy mà cả cộng đồng Việt thông minh và mềm dẻo đã vui vẻ chấp nhận, coi đó là chữ “của ta”. Thật ra ban đầu các cụ nhà ta vì ghét người Pháp mà ghét lây, ghét oan cái chữ “loằng ngoằng, giun dế” ấy. Cũng phải kể thêm đến cái sức ì tâm lí, ngại và sợ thay đổi, một trong những điểm yếu kém rõ nhất của người Việt. Cho nên Tú Xương mới nguây nguẩy “Thôi thôi lạy mợ xanh- căng lạy/ Mả tổ tôi không táng bút chì”, còn Nguyễn Bính thì thở dài,vẫn chưa dứt được giấc mơ lều chõng “Mực tàu giấy bản là thôi/ Nước non đi hết những người áo xanh? Lỡ duyên búi tóc củ hành/ Trường thi Nam Ðịnh hoá thành trường bay...Nhưng rồi chính lòng yêu nước, thương nòi đã khiến ông cha ta nhanh chóng nhận ra thứ chữ mới là một lợi khí để chấn hưng dân khí, mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài, vãn hồi lại độc lập. Và các cụ quay ra ủng hộ “chữ Tây” trong cuộc “cạnh tranh lành mạnh” của nó với chữ khối vuông. Hãy nghe chính các cụ nhà nho cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, những ông con dòng, con thừa tự của nền văn hoá chữ vuông trì trệ, phát biểu chống chữ Hán, ca ngợi chữ Quốc ngữ. Họ quả là những người dũng cảm, dám “học Phật trở lại mắng Phật”, nghĩa là làm một việc vạn bất đắc dĩ, không thể không làm, như Nguyễn Trường Tộ tự nhận. Vũ Bội Liêu, một nhân vật trong Ðông Kinh nghĩa thục viết trên Ðăng cổ tùng báo 28/3/1907 “Chữ Hán quả là một cái hàng rào hiểm chắn ngang đường văn minh, làm cho kẻ đi học mỏi lưng, tốn biết bao nhiêu cơm gạo mới dùng được chữ. Khi dùng được chữ thì trán đã nhăn, lưng đã còng vì nỗi dùi mài một đời học các điều cao xa quá. Chữ thảm chữ hại làm cho ai mó đến cũng phải quên cả việc thường đời nay, để học việc thời xưa, đời xưa thực chết rồi, thực xa rồi” (theo Chương Thâu “Ðông kinh nghĩa thục”, NXB Hà Nội 1982, tr43). (Cụ Vũ Bội Liêu chắc đã từ “kinh nghiệm bản thân” của mình mà nói ra những lời cay đắng ấy, còn GS Cao Xuân Hạo của thế kỉ 21 thì lại xuýt xoa, tiếc cho con em ta không “được” “dành vài ba năm tiểu học cho việc học chữ”, mà lại “phải” học...chỉ có vài ba tháng đã đọc thông viết thạo như hiện nay!). Cụ Phan Châu Trinh, một nhà khoa bảng cũng kết án chữ Hán bằng bài viết nổi tiếng “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc!” (Không bỏ chữ Hán, không cứu được nước Nam). Hãy nghe cụ Tiến sĩ Trần Quý Cáp (1870-1908) “Khuyên người nước học chữ Quốc ngữ”: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta/ Sách Âu Mỹ, sách Chi-na/ Chữ kia nghĩa nọ dịch ra tỏ tường...Một người học muôn người đều biết/ Trí đã khôn trăm việc phải hay/Lợi quyền đã nắm vào tay/Có ngày tấn hoá có ngày văn minh...” Còn đây là thơ của cụ Nguyễn Phan Lãng, cũng là một giáo sư ÐKNT: “Trước hết phải học ngay Quốc ngữ/ Khỏi đôi đường tiếng chữ khác nhau/ Chữ ta ta đã thuộc làu/Nói ra nên tiếng viết câu nên bài” ...Các nhà nghiên cứu có uy tín đã khẳng định rằng với chữ Quốc ngữ, từ 1907, các cụ nhà ta đã làm một cuộc cách mạng văn học, cả về chữ viết, đề tài, thể văn, hình tượng..., sớm hơn phong trào dùng bạch thoại của Trung Quốc do Hồ Thích, Trần Ðộc Tú đề xuất đúng một thập kỉ. Chữ Quốc ngữ là một hạnh ngộ của dân tộc ta, một động lực to lớn trên con đường canh tân đất nước, cả hôm qua và hôm nay. Không hiểu sao GS Cao Xuân Hạo bỗng nhiên trở nên hoài cổ một cách quá đáng đến như thế nhỉ? Chỉ để chứng minh cho tính đúng đắn của cái lý thuyết “âm vị học tuyến tính” của ông ư? Theo “mốt”, trở về phương Ðông ư? Lập ngôn ư? Hay là ông chỉ lập dị, muốn nói ngược chơi chơi vậy thôi? Nhưng cái chơi của GS, nếu đúng như vậy, lại không có lợi, làm người đi học phân tâm, làm giảm lòng yêu và lòng tự hào về chữ viết, rộng ra là văn hoá của dân tộc, lòng kính trọng với các bậc tiền bối. Ông còn công kích rất vô lối vào phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, hạn chế sử dụng từ Hán Việt, một phong trào lúc nào cũng giữ nguyên tính thời sự. Những ví dụ ông đưa ra để diễu cợt những ai cố gắng thay thế những từ Hán Việt bằng những từ được cho là thuần Việt hơn chẳng mấy thuyết phục. Chẳng hạn để chỉ những chiếc máy bay cất cánh không cần chạy khởi động trên đường băng, đâu cần phải “vội vàng dùng lại hai chữ trực thăng” mà chỉ cần viết là “máy bay cất cánh thẳng đứng” cũng được chứ sao? “Giáo cụ trực quan” thay bằng “đồ dùng dạy học” là phải quá rồi còn gì? Chẳng ai thay “vùng biển” bằng “lãnh hải” như giáo sư nói đâu, “vùng biển” rộng hơn “lãnh hải” nhiều chứ, nó bao gồm “thềm lục địa” , rồi “vùng đặc quyền kinh tế” (rộng hơn khái niệm lãnh hải xưa thường không vượt quá 12 hải lí) cơ mà? “Tên lửa” dùng để dịch từ tiếng Anh missile là đúng chứ, nó không giống y như mũi tên ngày xưa nhưng vẫn hao hao đấy, kể cả tên lửa vượt đại châu, không cần níu kéo cái chữ “hoả tiễn” làm gì. Còn hoả hổ, theo tôi hiểu, là một loại súng phun lửa thời Tây Sơn, không phải “thứ tên có châm lửa để bắn vào những mục tiêu có thể bốc cháy được” như giáo sư nói đâu. Chẳng ai “đề nghị thayÐại hội Phụ nữ toàn quốc bằng Buổi sum họp lớn của đàn bà cả nước” như giáo sư bịa ra để diễu cợt. Ðể giữ vẻ trang trọng hoặc tế nhị, người ta biết giữ lại những từ Hán Việt cần thiết đấy, không cá mè một lứa đâu. Sách giải phẫu và sinh lí người gọi chỗ ấy là âm nọ, dương kia, không “dịch” búa xua ra cái nọ con kia đâu. Ðể bảo vệ luận điểm của mình, bênh vực việc dùng từ Hán Việt, giáo sư viết “Về ngữ pháp, các từ tổ Hán Việt tuy đã chứa đựng những mối quan hệ cú pháp (đẳng lập hay chính phụ) rõ rệt không kém các từ tổ thuần Việt, nhưng mối quan hệ này chặt hơn nhiều, một phần là nhờ cái trật tự ngược (phụ trước chính sau) so với các từ tổ thuần Việt. Chẳng hạn, quan hệ cú pháp chính phụ trong xạ thủ hay phi công chặt hơn nhiều so với mối quan hệ tương đương trong người bắn hay người lái: trong khi xạ thủ Nam chỉ có thể hiểu một cách thì người bắn Nam không cho biết đó là kẻ đã bắn anh Nam hay là người lính tên Nam (chắc hẳn cách hiểu thứ nhất tự nhiên hơn cách hiểu thứ hai) (Tiếng Việt,văn Việt, người Việt, tr 85). Ðúng là “đã yêu yêu cả đường đi/đã ghét ghét cả tông ti họ hàng”, tiếng Hán, chữ Hán đã hay thì cú pháp cũng hay hơn, “chặt hơn nhiều”. Tôi thì chẳng thấy từ “phi công” hay hơn, “chặt hơn” từ “người lái” chút nào, tôi cho rằng cái từ tiếng Việt còn có lượng thông tin cao hơn, nó chỉ ra rằng cái người mà ta nói đến không “phi”, không bay từ ...nóc nhà 10 tầng xuống chẳng hạn, mà anh ta “lái” một cỗ máy bay trên trời. CXH tán tụng chữ “phi công” là hay là đẹp, vậy ông có định đổi chữ “lái xe” tầm thường thành chữ “tư cơ” cho sang, cho chặt, cho đúng ...ngữ pháp tiếng Hán không? Lại còn cái chữ “xạ thủ” với “ người bắn” nữa. Ðể xưng tụng chữ Hán, tiếng Hán, CXH đã vô tình(?) xuyên tạc tiếng Việt. Có ai lại ngớ ngẩn dịch “xạ thủ” ra “người bắn” bao giờ, người ta dịch là “tay súng” chứ. (Cũng như “cung thủ” dịch là “tay cung”, không ai dịch là “người nỏ” cả!) Xem tin thể thao trên tivi, người ta nói “tay súng số 1 Ðặng Thị Ðông đã vào bệ bắn”, ai cũng hiểu cả. CXH dịch và ghép là “người bắn Nam” ngọng ngiụ cốt để chứng minh cú pháp tiếng Việt không hay, không chặt bằng tiếng Hán, vậy thôi. Lí do CXH phản đối “từ thuần Việt” là vì nó...dễ hiểu quá, ông nói “Từ thuần Việt dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó”! Trời đất ơi, cứ cái đà này chắc ông sẽ là người ủng hộ cho việc nói những câu thật cầu kì như các ông đồ gàn ngày xưa, mỗi câu là một điển cố, người nghe phải nát óc mới hiểu được thì mới là thông minh sâu sắc ư? Nói đã như vậy thì viết cũng phải thật rắc rối, thật khó khăn thì mới hay. CXH viết “Nhược điểm của chữ quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương...những chỗ bị người ta coi là bất hợp lý chính là những chỗ làm cho nó phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như gia và da, lý và lí (trong lí nhí) vv Ðáng tiếc là những chỗ như thế không lấy gì làm nhiều” (tr113). Có thể diễn đạt lại những lập luận của CXH: nói càng trừu tượng càng hay, viết càng rắc rối càng tốt, giá mà trở lại dùng chữ Hán được thì tuyệt! (Với các nước A- rập thì trở lại với những chữ tượng hình kì bí trên kim tự tháp chứ nhỉ?) Ðể làm gì nhỉ: “Ðể bảo tồn một truyền thống quý giá đi đôi với những nghệ thuật cao cả như thư pháp, vốn là tài sản chung của các dân tộc Viễn Ðông và có thể làm thành một mối dây liên lạc giữa các dân tộc rất gần gũi nhau về văn hoá này” (tr106). Tóm lại là để bảo tồn, để viết cho đẹp, xem cho vui mắt và có cái để đi khoe với mấy ông bạn cũ châu Á. Nhiệm vụ của chữ viết dân tộc chỉ để làm bấy nhiêu việc thôi ư, thưa giáo sư?

Tôi ủng hộ ý kiến của GS Cao Xuân Hạo về việc dạy một số tiết chữ Hán nhất định cho học sinh phổ thông trung học. Ðiều quan trọng hơn là phải có một đội ngũ chuyên gia Hán Nôm đủ giỏi và được bổ sung thường xuyên để bảo tồn vốn văn hoá quá khứ. Tôi cũng phản đối việc vày vò, “cải tiến” chữ quốc ngữ mà thực chất là “cải lùi”, phá hỏng vẻ đẹp của chữ viết truyền thống, gây nhiễu loạn cho việc tiếp thu cái vốn sách báo quốc ngữ khổng lồ chúng ta đã có từ 1865 đến nay. Hiện nay người ta còn tiếp tục phá hoại chữ viết của dân tộc một cách công khai và trên quy mô lớn bằng cách nhùng nhằng không chịu thống nhất bộ gõ tiếng Việt trên máy tính, theo kiểu “anh hùng nhất khoảnh”, khiến người vùng này không đọc được người vùng khác. Cần phải có một bộ luật mang tính pháp lệnh hẳn hoi về việc viết và dùng chữ Quốc ngữ theo chuẩn mực thống nhất, tiên tiến .Ðấy là một việc làm cấp bách để bảo vệ tiếng Việt, chữ Việt, cũng có nghĩa là bảo vệ sự thống nhất quốc gia, thống nhất dân tộc. Bây giờ mà ngồi than tiếc “giá như chúng ta đừng thay chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ” thì vừa lạc lõng, vừa tức cười, một kiểu “nhiễu sự khoa học” mang màu sắc giật gân! Ðể kết thúc bài viết thật khó nhọc này, xin được kể hầu GS và các đệ tử một chuyện mà rất có thể các vị cũng biết rồi: khi vua Sejong của triều đại Choson (Triều Tiên) ban hành thứ chữ ghi âm Han- gil rất dễ học, ngay cả với trẻ con và người ngoại quốc, thì trớ trêu thay, nó lại bị các học giả chỉ trích chính vì sự đơn giản của nó! “Họ phê phán kịch liệt, gọi hệ thống chữ cái mới là các chữ cái của phụ nữ. Họ cho rằng chữ này quá dễ, phụ nữ không có trình độ học vấn gì cũng học được nên nó không đáng học vì ở thời đó, việc học hành, đọc sách và viết lách được cho là lĩnh vực đặc ân của một số độc giả. Chính quan niệm sai lầm này đã làm họ nhầm lẫn giữa việc học một thứ chữ đơn giản với sự học hành uyên bác” (trích từ trang web của sứ quán Hàn Quốc). Thì ra tâm lí muốn độc quyền tri thức thời nào cũng có!



* Bài viết vừa được tặng thưởng năm 2002 của tạp chí VNQĐ
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 551, tháng 6.2002