© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
31.10.2002
Nguyá»…n NhÆ° Huy
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
(Ðể nói rõ hơn về vấn đề "thao tác nghệ thuật bằng ngôn ngữ nghệ thuật " tôi xin có mấy ý kiến sau:

Cái mà tôi cho rằng nghệ sỹ VN hiện nay thiếu là việc họ thao tác nghệ thuật mà phần lớn không hiểu hay không để ý tới sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật. Nói cách khác, họ không có một ý thức nghiêm túc về vai trò quan trọng của ngôn ngữ nghệ thuật (mối quan hệ của tất cả những thứ được dùng để tạo nên tác phẩm) trong nghệ thuật.

Vào thời điểm hiện nay, một số nghệ sỹ của VN đã và đang làm nghệ thuật theo hướng không coi sơn dầu là một chất liệu tối thượng trong hội họa nữa. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là: đã có thể coi các tác phẩm của những nghệ sỹ này là những minh chứng cho cái gọi là sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật VN hay không?

Vấn đề này cần phải bàn kỹ hơn.

Theo tôi nghĩ, người sử dụng một chất liệu hay hình thức nghệ thuật mới (xin lưu ý, nhìn từ một góc độ nào đó, những hình thức mới của nghệ thuật cũng được sinh ra từ sự thay đổi các quan niệm về chất liệu) phải có ý thức rõ rệt về khả năng, lợi thế của sự biểu hiện, sự phát triển hay những hạn chế của chất liệu đó - để cho, ít nhất không dùng sai, hay phí phạm chất liệu hay ngôn ngữ nghệ thuật trong việc thể hiện ý đồ của mình.

Tôi xin lấy một ví dụ về việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đúng lúc, đúng chỗ và đúng mục đích trong nghệ thuật điện ảnh chẳng hạn. Trong bộ phim " Kagemusa " của đạo diễn Nhật bản Kurosawa: bộ phim nói về một kẻ đóng thế vai cho một vị lãnh chúa đã chết. Trong phim có cảnh kẻ đóng thế bước đi ngược chiều ánh sáng. Cái bóng của hắn đổ dài và dần dần lớn lên sau lưng hắn và khi máy zoom lên cao, có cảm giác rằng cái bóng của kẻ đóng thế (không còn của kẻ đóng thế nữa) -bằng ngôn ngữ điện ảnh - đã trở thành cái bóng của chính vị lãnh chúa đang đè nặng lên đôi vai của kẻ đóng thế bất hạnh.

Thử tưởng tượng cũng ý đồ này mà lại được thể hiện bằng cách khác, phi hình ảnh, chẳng hạn như bằng lời thoại thì sẽ mất hay đi đến thế nào.

Bản thân tôi có cảm giác rằng hầu hết các nghệ sỹ VN hiện nay, những người đang sử dụng những hình thức (gọi là) mới của nghệ thuật có vẻ như không hiểu lắm về cái mà họ đang sử dụng và vì thế mà cho tới nay (riêng tôi có cảm giác rằng) họ chưa bao giờ sáng tác trong tư thế của một nghệ sỹ bình đẳng trước chất liệu (chứ chưa nói đến làm chủ chất liệu hay sáng tạo ra một cách thể hiện mới), hay nói cách khác, họ chưa bao giờ sử dụng chất liệu như một người lành nghề sử dụng công cụ của mình.

Theo nhận xét của tôi, hầu như tất cả những tác phẩm sắp đặt, trình diễn hay video của các nghệ sỹ VN - dù là về đề tài nào đi nữa (dân tộc hay hiện đại) - vẫn chỉ như là tiếng kêu ngỡ ngàng của các nghệ sỹ trước các chất liệu hay hình thức, ngôn ngữ mới, hay nói cách khác, những điều mà họ thể hiện bằng chất liệu mới vẫn chỉ là những thứ mà nếu có thể hiện bằng các ngôn ngữ cũ hay hình thức cũ cũng chẳng bớt rõ ràng hoặc bớt hay đi bao nhiêu, thậm chí còn hay và rõ ràng hơn nhiều nữa - đấy là chưa kể những nghệ sỹ sử dụng những ngôn ngữ hay chất liệu mới chỉ đơn giản để có dịp sử dụng chất liệu mới, chứ thật ra không có gì để nói cả. (Nếu cần tư liệu đọc thêm, xin xem cuốn "Họa sỹ, kẻ sáng tạo nên mình " của Nguyên Hưng - bài "Ðôi điều về nghệ thuật sắp đặt" ).

Chính vì không nắm rõ các cách diễn đạt mới trong nghệ thuật (mà vẫn làm vô tư) nên đã xẩy ra một tình trạng tuyệt đối không chuyên nghiệp như hiện nay. Có nghĩa là - nhìn bề mặt - nghệ thuật VN cũng có đủ gần hết các hình thức nghệ thuật đã và đang phát triển trên thế giới - tuy nhiên, cái chủ nghĩa đương đại này ở nghệ thuật VN (theo tôi) chỉ là một thứ chủ nghĩa đương đại "mang máng " hay nói cách khác, cái gọi là những cách tân của nghệ thuật đương đại ở VN chỉ là những phương cách vội vàng, để các nghệ sỹ VN chứng minh với thế giới tình trạng ngoại phạm của mình - trước hiện thực đang có thật của nghệ thuật VN hiện nay, một hiện thực mà nếu muốn có một sự thay đổi nào đó, dù là rất nhỏ, người ta có lẽ cũng sẽ phải làm rất nhiều việc (đây là một đề tài rộng lớn khác) chứ không chỉ bằng cách thỉnh thoảng quét sơn đỏ lên bò hay trâu, múa may quay cuồng ngoài bờ đê, hay ngồi trước đàn piano đánh những hợp âm ngô nghê và mặc nhiên coi đó là vô điệu tính.

Qua những bức xúc của chị Natasha hay Veronica, tôi hiểu rằng các chị - bằng các nỗ lực rất văn hóa của mình - đang rất muốn thay đổi bộ mặt của nghệ thuật VN và đang rất khó chịu với tình trạng nghệ thuật souvernir thật (đang) tồn tại ở VN. Là một nghệ sỹ, tôi xin chia sẻ với các chị những cảm xúc đó.

Tuy nhiên, cũng chính vì lý do là một nghệ sỹ mà tôi cho rằng còn có một tình trạng nguy hiểm hơn đang chi phối nghệ thuật VN, tình trạng mà có lẽ - ở vị thế của mình - các chị không muốn quan tâm, đó là tình trạng của cái gọi là: nghệ thuật cách tân giả hiệu (cũng đang) tồn tại ở VN, và theo tôi, đây chính là một tình trạng nghiêm trọng hơn cả.

Nhân tiện đây cũng xin kể với các chị một câu chuyện.

Ở trong chương Ứng đế vương của Nam hoa kinh có một câu chuyện thế này: Có 2 ông bạn, một ông tên Thúc, một ông tên Hốt cùng chơi thân với 1 ông bạn khác tên là Hỗn Ðộn. Ông Hỗn Ðộn thì rủi thay (hay may thay) chẳng có đủ mắt, tai, miệng và mũi như 2 ông bạn kia. Một hôm ba người gặp nhau, hai ông Thúc và Hốt nghĩ bụng, cái ông Hỗn Ðộn này không có đủ mắt mũi và miệng tai giống mình thì làm sao có thể sống được, bèn đè ngay ông bạn (dại) ra để khoét mắt mũi tai mồm cho ông bạn. Mỗi ngày khoét một lỗ và tới ngày thứ bẩy, tất nhiên ông bạn chết tươi.

Các chị thấy không, từ thời Trang Tử, làm việc gì mà vội quá và không hiểu thực rõ về việc mình làm (dẫu cho mục đích rất tốt) cũng gây ra chết người đấy.

(31.10.2002)

© Talawas 2002
Bản dịch