© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
1.11.2002
Nora Taylor, Mai Chi
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Nora Taylor: Cám ơn Natasha với những ý kiến thú vị và trung thực của chị. Tôi vừa từ Nhật về, vẫn còn bị lệch giờ. Tôi có thăm Fukuoka và rất để ý tới mối quan tâm của người Nhật tới mỹ thuật Đông Nam Á. Tại Nhật, mối quan tâm đặc biệt không phải là mỹ thuật Việt Nam mà là mỹ thuật Đông Nam Á. Tôi không quan tâm tới việc phỏng đoán rằng người Nhật có coi mỹ thuật Đông Nam Á là "primitive" hay không, tôi quan tâm hơn tới cách nhìn của công chúng mỹ thuật. Chúng ta đã trao đổi nhiều về nghệ sĩ và về việc họ có nuôi dưỡng những cách nhìn về "chất Việt Nam" hay không, có tìm cách đưa bản sắc (identity) của họ vào trong sáng tác hay không, về những chiến lược "tiếp thị" và những cách thức làm kinh tế khác. Nhưng mặt khác tôi quan tâm tới công chúng nói chung. Nhật Bản có vẻ có một công chúng mỹ thuật rất rõ ràng mà Việt Nam không có. Tôi không nói đến người mua hay sưu tầm, tôi nói đến những người thăm bảo tàng, phòng tranh, những người tìm hiểu một cách có suy nghĩ về mỹ thuật, dùng mỹ thuật trong những cuộc tranh luận trên báo chí, v.v… Bảo tàng Fukuoka Museum of Asian Art là một bảo tàng "quốc tế" nhưng thực sự nhằm tới công chúng Nhật Bản. Nghệ sĩ tới đó xem để tìm hiểu những gì đang xẩy ra tại Trung Quốc, Triều Tiên hay Indonesia. Nhưng nó cũng mặc định là người xem biết được những ý kiến gì đang đáng lưu ý tại những nước đó. Nhiều tác phẩm có thông điệp chính trị và nhiều nghệ sĩ các nước này thể hiện sự giận dữ của họ với chính quyền. Tôi tự hỏi liệu các nghệ sĩ Việt Nam có quan tâm tới việc sáng tác cho một công chúng Việt Nam "tưởng tượng"/"imagined", một công chúng phản ứng với sáng tác của họ, thích hoặc không thích, hay nhận được thông tin từ đó. Tôi biết một số nghệ sĩ dùng sáng tác của mình để xuất phát những tranh luận trong công chúng về mỹ thuật nói chung, nhưng những người như thế hiếm. Cũng đáng lưu ý là bảo tàng Singapore Art Museum và bảo tàng Fukuoka cũng thích sưu tầm mỹ thuật từ thời thực dân. Cả hai nơi này đều đều đặn mua các tác phẩm từ Việt Nam, vậy tôi không muốn nói là mỹ thuật Việt Nam không được phổ biến trên quốc tế, nhưng người xem chỉ giới hạn là người xem của những bảo tàng châu Á, và những người sưu tầm châu Âu thích "trâu". Đố ai nêu lên được một bảo tàng phương Tây đã mua sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam.

Cuối cùng, để đi xa hơn cuộc trao đổi về chất Việt Nam, tôi thấy rằng từ khi Việt Nam xích lại gần ASEAN và với những cố gắng trưng bày mỹ thuật Việt Nam của các bảo tàng và phòng tranh Singapore và Malaysia, đã xuất hiện một các bản sắc tập thể của ASEAN trong việc marketing mỹ thuật Việt Nam. Tại Fukuoka, Việt Nam chỉ là một trong nhiều nước Đông Nam Á được giới thệu.

Vậy câu hỏi của tôi là: tại Việt Nam, ai là công chúng của mỹ thuật Việt Nam? Ai là công chúng của mỹ thuật nói chung? Có phải nghệ sĩ cũng chính là công chúng của họ, hay công luận quan tâm đến, tư duy tới và được kích thích bởi mỹ thuật Việt Nam. (31.10.02)


Mai Chi: Xin cám ơn các anh chị đã tiếp tục đóng góp ý kiến. Đáng mừng là chúng ta bắt đầu có một số khán giả tham gia. Để bàn tròn hoạt động hiệu quả hơn, tôi xin phép đưa ra một số quy định:

Quay lại với cuộc thảo luận, và cũng để đóng lại chủ đề " chất Việt Nam và bản sắc dân tộc", với tư cách của moderator, tôi xin phép có một số lời đáp lại ý kiến vừa rồi của anh Nguyên Hưng:

  1. Câu chuyện xung quanh " bản sắc dân tộc ", " hội nhập ", etc., tuy đã được bàn đến một cách bão hoà ở Việt Nam, nhưng không phải chỉ là mối quan tâm của riêng của các vị cán bộ văn hoá ở Việt Nam. Quá trình toàn cầu hoá với sức ép tinh thần và văn hoá của nó, trong thời gian qua, đã dẫn đến những phản ứng khác nhau tại các nước ngoài phương Tây. Ở Trung Quốc, từ những năm 90 đã xuất hiện những tranh cãi xung quanh sự tự chủ của mỹ thuật Trung Quốc cũng như ảnh hưởng và quyền lực của giới mỹ thuật nước ngoài. Tại Thái Lan, đặc biệt sau khủng hoảng châu Á vừa rồi, người ta từ chối " cái phương Tây " và đi tìm " chất Thái " (tôi không muốn bàn đến họ thành công hay không thành công). Ở Singapore, thanh niên hô khẩu hiệu "We don't want to copy the West, we don't want to be second-best". Cuộc tranh luận về "Asian values", không chỉ riêng trong nghệ thuật, đã kéo dài hàng chục năm nay và chưa nhìn thấy kết thúc.

  2. Không may, tại Việt Nam cuộc tranh luận này nằm gọn trong tay của luồng "chính thống" (mainstream), và do đó một chiều, cũ kỹ và mệt mỏi. Đây là những lý do cơ bản tôi muốn đem đề tài này vào bàn tròn. Nếu như bàn tròn này có một giá trị nào đó với người nghe thì đó là việc chúng ta cung cấp cho họ những thông tin mới, những cách đặt vấn đề mới, những câu hỏi mới (không nhất thiết phải là câu trả lời). Đánh giá rằng những ý kiến được phát biểu trong thời gian qua, về nội dung giống ý kiến của các cán bộ văn hoá Việt Nam, là một đánh giá sai lệch.

  3. Tôi không muốn bình luận thêm về hình ảnh "trò chơi tung hứng" của anh Hưng, chỉ muốn lưu ý rằng, những so sánh như vậy không đóng góp tích cực gì cho nội dung bàn tròn và do đó, không cần thiết.


Tiếp tục với vấn đề đạo đức và nhân cách của người nghệ sĩ, tôi cho rằng anh Hưng đã đưa ra một điểm quan trọng khi anh nói hiện nay những nghệ sĩ "không có suy nghĩ độc lập" và không có "bản lĩnh của con người tự do". Hou Hanru (một trong những curator quan trọng nhất của Trung Quốc, sinh năm 1963), khi được hỏi thế hệ anh tới nay đã làm được điều gì đáng kể nhất, trả lời: "điều quan trọng nhất là chúng tôi đã thực sự trở thành những cá nhân (individuals)" Có lẽ chúng ta chỉ đang chứng kiến những bước đầu tiên của quá trình này tại Việt Nam? Nghệ sĩ Việt Nam cần những năm tới, những thập kỷ tới để đi ra ngoài, hiểu bên thế giới bên ngoài hơn, hiểu Việt Nam hơn, hiểu mình hơn để có thể giải phóng mình, trở thành những cá nhân độc lập?
(1.11.02)



© Talawas 2002
Bản dịch