© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
27.1.2003
Cao Xuân Hạo
Tiếng Việt: xuống cấp hay hội nhập?
Giáo sư Cao Xuân Hạo trả lời phỏng vấn của báo Lao Động
 
LTS (báo Lao Động): Trong xu hướng hội nhập, ngôn ngữ là một trong những thành tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của một dân tộc và là đối tượng để nghiên cứu và gìn giữ. Bằng tâm huyết và những công trình khoa học của mình trong suốt 20 năm qua, GS, dịch giả Cao Xuân Hạo là một trong những người đầu tiên tìm cách nghiên cứu tiếng Việt đích thực bằng cách quan sát chính lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt một cách có hệ thống (chứ không phải bằng cách sao chép ngữ pháp tiếng Âu Châu).

Cùng với Tiểu ban tiếng Việt của Hội Ngôn ngữ học TPHCM, ông (vốn là Phó Chủ tịch của Hội, kiêm Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN) và các đồng sự đang cùng soạn thảo một bộ sách nhằm thay thế những sách giáo khoa đang dùng ở các trường của ta mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có ý định hủy bỏ, mặc dầu đã từ lâu công nhận rằng kết quả của "12 năm học tiếng Việt qua những cuốn sách ấy là một con số không tròn trịa". Trong bộ sách này, các tác giả sẽ trình bày 300 quy tắc cơ bản mà học sinh phải nắm vững để nói, viết và hiểu đúng tiếng Việt, diễn đạt chính xác những cảm nghĩ của mình và thanh toán những lỗi nặng mà nhà trường chưa bao giờ dạy cách sửa.

Vì sao ông lại cho rằng "tiếng Việt chưa bao giờ được giảng dạy thực sự ở nhà trường"? Nói như thế có phần cực đoan quá chăng?

Trong sách giáo khoa tiếng Việt dùng ở nhà trường trung học trong mấy chục năm nay, ngữ pháp tiếng Việt chỉ có mặt trên danh nghĩa, chứ xét về thực chất thì đó là ngữ pháp tiếng Âu Châu được minh hoạ bằng những câu tiếng Việt. Những câu này được sàng lọc rất kỹ: Chỉ có những câu nào giống hệt câu tiếng Pháp mới được đưa vào sách, thành thử chỉ có khoảng vài chục kiểu câu (trong số mấy trăm) được giảng và phân tích cho học sinh dùng. Rốt cục là trong sách hầu như không nói một câu nào về tiếng Việt, về những quy tắc ngữ pháp mà học sinh phải nắm vững để nói, viết và hiểu cho đúng tiếng Việt. Bất cứ nhà ngữ học ngoại quốc nào tình cờ đọc sách dạy tiếng Việt cũng phải thấy ngay rằng đây là một thứ tiếng Châu Âu tiêu biểu, điển hình, thuần tuý; thứ tiếng đó chắc chắn không phải là ngôn ngữ của Nguyễn Du, của Hồ Chí Minh, của Xuân Diệu, của Tố Hữu... của ca dao tục ngữ VN.

Trong khi đó, ai cũng biết rằng tiếng Việt và tiếng Châu Âu nằm ở hai cực đối lập với nhau đến mức tối đa, có thể nói là một trời một vực. Làm sao có thể chép ngữ pháp tiếng Việt từ tiếng Châu Âu, nhân danh là "hội nhập"? Có khá nhiều người lấy làm tự hào khi thấy dưới ngòi bút của một số tác giả, nhất là các dịch giả, tiếng Việt bây giờ càng ngày càng Tây, nghĩa là càng giống thứ tiếng Việt bồi của mấy ông Tây mới học tiếng Việt. Theo tôi, "hội nhập" chưa bao giờ có nghĩa là gột cho thật sạch những bản sắc của dân tộc để bôi lên mình một lớp sơn thật Tây.

Ngôn ngữ vốn là sản phẩm tinh túy nhất của văn hoá dân tộc, và đồng thời lại chính là công cụ chi phối mọi hành động, mọi suy nghĩ của một dân tộc. Khi một người Việt không còn biết cách diễn đạt ý nghĩ và tình cảm của mình bằng tiếng mẹ đẻ của mình và của cha ông mình, mà phải bắt chước mấy ông Tây để nói những câu như Em đã, đang, và sẽ được yêu tha thiết bởi anh... chẳng hạn, thì đó là sự suy vong của tiếng Việt.

Tôi đã nói và viết khá nhiều về sự xuống cấp nhanh đến chóng mặt của tiếng Việt. Tình hình ấy, chính nhà trường của ta phải chịu trách nhiệm. Nếu không bắt đầu dạy tiếng Việt đích thực trong nhà trường ngay từ thập kỷ này, thì những nỗi lo sợ như trên chẳng mấy chốc mà trở thành hiện thực.

Có người nói rằng thứ tiếng Việt mà ông và các đồng sự của ông ở Hội Ngôn ngữ học TPHCM muốn bảo vệ chỉ là một thứ tiếng Việt đã lỗi thời. Trong khi đó, một trong những đặc tính của ngôn ngữ chính là sự uyển chuyển, biến hóa linh hoạt theo môi trường, xã hội và thời đại...

Đúng là ngôn ngữ có chuyển biến, nhưng phần chuyển biến nhanh nhất là từ vựng. Trong khi đó ngữ pháp lại thay đổi rất ít và rất chậm. Từ thế kỷ XV (thời Nguyễn Trãi) cho đến nay về cơ bản ngữ pháp tiếng Việt vẫn là một. Tất cả những quy tắc ngữ pháp của thời ấy nay vẫn còn nguyên hiệu lực. Hầu như không có thêm một quy tắc nào mới.

Còn có cách gì cải thiện được tình hình hiện nay không?

Dĩ nhiên tôi không bi quan đến mức như một vài bạn đồng nghiệp của tôi. Tuy vậy, nguy cơ vẫn còn đó. Nhưng nếu hoài bão của chúng ta khi xây dựng chương trình tiếng Việt chung quy là mong sao học sinh quên hết những gì đã học, thì tại sao không cố gắng đưa vào chương trình những điều không những không sai trái (vì cố ép bằng được những sự kiện của tiếng Việt vào cái khuôn của tiếng Châu Âu) mà còn cần thiết cho việc hiểu biết tiếng Việt một cách đủ chính xác và nhuần nhị để có thể hiểu đúng hơn, sâu hơn nền văn học của nước nhà và biết diễn đạt một cách chính xác và tinh tế những cảm nghĩ của chính mình?

Thời hội nhập, tiếng Việt có cần tuân theo những quy tắc truyền thống quá cứng nhắc nữa không; hay cần đơn giản hóa, thưa ông?

Làm sao tiếng Việt chấp nhận những kiểu nói của tiếng Châu Âu? Tôi không hẹp hòi, nhưng rõ ràng có một điều kiện tiên quyết và quyết định là đừng làm mâu thuẫn những quy tắc ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt. Duy nhất trước đây có Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đặt vấn đề về một trong những quy tắc mà ngay chính các nhà ngôn ngữ học cũng không giải thích được, chỉ dùng theo bản năng. Nhiệm vụ của nhà ngôn ngữ học là hiển ngôn hóa những gì mà em bé năm tuổi chưa hiển ngôn được. Tôi đã viết gần xong 300 quy tắc như thế cho riêng tiếng Việt.

Xin cảm ơn giáo sư.
Nguồn: Lao Động số Tết 2003