© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
24.11.2002
Văn Sáng, Kaomi Izu, Nguyên Hưng
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Văn Sáng (độc giả):

Thứ nhất, thế giới nghệ thuật không phải là lớp tiểu học, có em nào lười, em nào ăn gian cóp bài, em nào dốt nhưng được cô giáo che ô là có thể chỉ mặt gọi tên mang ra kiểm điểm như anh Như Huy mong muốn. Thế giới nghệ thuật ở đâu ở thời nào cũng là Hội chợ phù hoa, thật và giả ăn chặt vào nhau không gỡ ra được. Xin đừng quyết tâm biến nó thành một cửa hàng ngăn nắp có treo rõ bảng giá trị cho từng thứ một. Nguy hiểm lắm và cũng chán lắm! Ông Dalí đã rêu rao khắp nơi rằng ông Picasso đại bịp. Ông Dalí đấy nhé! Chứ không phải một ông con con. Thế cuối cùng thì ông Picasso bịp hay không bịp, chắc anh Như Huy cũng không dám phán quyết. Xem đến bức tranh thứ 10 của Hartung thì thấy ông này cũng đại bịp, lặp lại mình, gian lận (như lời tố cáo của anh Nguyên Hưng với những đồng nghiệp Việt Nam nào đó-mà sao anh không đưa ra một ví dụ nhỉ?) nhưng trò bịp của ông ấy kích thích người ta đi tìm những trò mới (biết đâu cũng là trò bịp) hơn mấy ông con con cứ đấm ngực bảo mình rung động chân thành. Cái thời vẽ áp phích bắn rơi máy bay Mỹ thì chân thành quá đi chứ. Họa sĩ miền Nam tập kết mà vẽ Bác Hồ thì làm gì có cảm xúc giả tạo.Tôi thấy những tiêu chuẩn lòng thành đem ra đây nghe cũng như kiểu đấm ngực thùm thùm. Có khi mỹ thuật Việt Nam bị cản trở chính vì cái trò đấm ngực kêu gào đạo đức đấy ạ! Chính vì những ai đó cứ tự cho mình là thẩm phán của lương tâm đấy ạ!

Thứ hai, thưa anh Nguyên Hưng là tôi không chỉ tung hô người nuớc ngoài ở góc độ của riêng mình và của thương mại đâu. Không có người Hàn Quốc với những phim truyền hình rả rích của họ thì lý tưởng của quần chúng Việt Nam về cặp môi phụ nữ mãi mãi là mầu đỏ thắm của cánh hồng. Bây giờ môi phái đẹp đã được phép thâm mà không bị rủa là thâm như môi người chết nữa. Hãng sơn De Luxe quảng cáo ác liệt, đã cho phép tường nhà của người Việt mang những gam mầu ngược hẳn với mọi quy định đã biết trong mỹ thuật nhà cửa. Chính các sản phẩm tiêu thụ tầm thường của ngoại quốc tràn vào đã khiến quan niệm về mầu sắc, hình khối, tốc độ, cảm xúc, tư duy, mỹ cảm, ý thức nghệ thuật của toàn thể xã hội Việt Nam ngày nay thay đổi, chứ giới mỹ thuật bản xứ không có đóng góp gì đáng kể. Vì chúng ta còn bận phục vụ những người nuớc ngoài khác, chúng ta còn mải suy nghĩ về việc đi dự cái Documenta nào đó mà thú thật qua bàn tròn này lần đầu tiên tôi được nghe nói. Và bận nhất là nghĩ ngợi về đạo đức!
(23.11.2002)


Kaomi Izu:

Trên bàn tròn này, tôi cũng là một người nước ngoài. Tôi không biết rằng ở Việt Nam, người ta có "lo ngại bị thực dân hóa" hay không, nhưng điều tôi biết chắc, nỗi lo ngại phải nhận lấy đủ các loại sản phẩm thừa dư từ các nước tân tiến là điều có thật. Và theo tôi, nỗi lo ngại này hoàn toàn chính đáng. Tôi có cảm tưởng, cái emotion của chị Birgit, ít nhiều, mang tính cách "thực dân". Chị cảm thấy bị "xúc phạm" vì sự "mỉa mai" của Nguyên Hưng, nhưng chị đã không băn khoăn gì về tình huống đã dẫn đến sự "mỉa mai" đó. (Xin đọc lại ý kiến ngày 14.11 của Nguyên Hưng, và ý kiến ngày 08.11 của chị Veronika). Trong tranh luận, điều quan trọng là phải đối diện với các vấn đề đã được đặt ra.

Chị Birgit đã nói về vai trò của người nước ngoài đối với sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Trong ý kiến này của chị cũng có hơi hướm "thực dân". Cho dù dùng những chữ có vẽ khiêm tốn như "một cầu nối", "một nguồn cung cấp thông tin", nhưng bản thân sự diễn giải này, tự nó cũng đã mang hàm nghĩa "khai sáng". Chúng ta cần phải khiêm tốn tự thể hiện mình, bằng công việc và bằng lý luận. Bởi vì, thực tế, không phải người nước ngoài nào vào Việt Nam cũng có một động cơ giống nhau. Và, không phải ai cũng "hiểu biết sâu sắc về Việt Nam cũng như về giới mỹ thuật quốc tế"…(Những chữ đặt trong ngoặc kép là của chị Birgit)
(23.11.02)


Nguyên Hưng:

Công chúng Việt Nam ngày nay, biết về mỹ thuật Việt Nam, trong đa số trường hợp, chỉ là những câu chuyện, những giai thoại, những huyền thoại… Chẳng mấy khi được tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm, lại không được trang bị kiến thức mỹ thuật cơ bản, phê bình mỹ thuật nhắm đến từng tác giả, tác phẩm cụ thể, đối với họ, là cái gì rất thừa. Đa số không muốn đọc. Một số đọc, nhưng qua tiếp xúc có thể nhận thấy, hiệu quả, thường, chỉ đủ đắp dày ảo tưởng về "cái biết" của mình mà thôi. Với công chúng trong nước như vậy, mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã tồn tại như một ảo ảnh. Những phát hiện mới mẻ nếu có trong nghệ thuật, cũng không được chuyển hóa thành các giá trị văn hóa. Cả nền mỹ thuật không có cơ may phát triển.

Còn với các nghệ sĩ. Bối cảnh xã hội "đổi mới', 'mở cửa" hơn 10 năm qua, đã cho họ một khoảng không gian tương đối tự do để "muốn làm gì thì làm" (Ít nhất là trong hoạt động sáng tác. Phổ biến là chuyện khác). Tuy nhiên, qua giai đoạn đầu rộn ràng, với số lượng nghệ sĩ phát triển nhanh, và phân hóa thành nhiều thành phần đa dạng, tiếp thu nhiều luồng ảnh hưởng khác nhau,v.v…càng ngày, tất cả, đều chùng xuống, mòn mỏi. Cho đến nay, đã lộ rõ, dường như chẳng mấy ai làm công việc sáng tạo thực sự, tự biểu hiện mình thực sự. Đa số, tiếp thu "người khác", từ "hiện đại" đến "hậu hiện đại", cũng chỉ "sáng tạo" được theo kiểu, nắm lấy một số hình thức, một số biện pháp kỹ thuật nào đó, nắm lấy hay tạo ra vài mô-típ nào đó, bấu vào một mảng đề tài nào đó v.v…và, cứ vậy mà "nhân bản", hết năm này sang năm khác, không thay đổi. Tự do, hội nhập đã trở thành một thách thức. Họ cần có phê bình, cần được phê bình. Nhưng phê bình thực hành, đối với họ, thực tế, rất dễ thành thừa. Thậm chí nhảm. Nó, nếu không chỉ là "chiêng trống làm rộn ràng phiên chợ", thì cũng dễ trở thành "việc của những kẻ thừa hơi".

Từ điểm nhìn này, tôi cho rằng, đối tượng hàng đầu của phê bình mỹ thuật Việt Nam hiện nay, không gì khác hơn, chính là cái thiết chế văn hóa đã không sản sinh ra nổi công chúng nghệ thuật như thế; chính là cái cơ sở học thuật "điều kiện hóa" con người không tạo ra được khả năng tự thân đổi mới ở người nghệ sĩ như thế; chính là cái nền tảng văn hóa với đầy dẫy những thành kiến, định kiến và mặc cảm, những sản phẩm không được ý thức của lịch sử, để cho mỗi người trở thành tù nhân của một thứ chủ nghĩa "mình- thì- khác" không có khả năng thâu hóa, dung hóa những cái thực sự mới mẻ của nhân loại một cách tự chủ như thế v.v…Nói chung, cần hơn ở Việt Nam, là một thứ phê bình lý thuyết, phê bình học thuật, phê bình văn hóa.

Trên đây là lý do vì sao đến với diễn đàn này, tôi đã thiết tha với những vấn đề tổng quát. Đó là những vấn đề cần được nhìn từ "cái nhìn người khác". Và, cần một diễn đàn tương đối tự do, cởi mở.

Chị Veronika và chị Nora đã cho rằng nói về cá nhân là việc quan trọng. Tôi không phản đối ý kiến này. Đúng là nói về một nền mỹ thuật, không thể bỏ qua vấn đề cá nhân. Nhưng chính yếu là thái độ và cách thức tiếp cận. Khi chúng ta nói đến những "tên tuổi tiêu biểu nhất", thì dù muốn hay không, chúng ta cũng đụng chạm đến toàn bộ hệ thống giá trị của một nền mỹ thuật, cũng biến cái hệ thống giá trị mà chúng ta qui chiếu (để đánh giá) trở thành những qui phạm. Và do đó, sự hay dở của chúng ta, một cách hiển nhiên, hoặc có tác dụng soi sáng, hoặc ngược lại, chỉ là tha hóa…

Chị Veronika đã nhắc đến Nguyễn Minh Thành. Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên về điều này. Ở điểm nhìn của mình, ai cũng có thể đưa ra được một tên tuổi "tiêu biểu" nào đó. Tuy nhiên, chúng ta cần sự phân tích, diễn giải. "Phán" về một họa sĩ là việc dễ dàng.

Những thành công của Nguyễn Minh Thành, xét trên bình diện xã hội, như được đi nước ngoài, được nổi tiếng, được nhiều người yêu thích, được nhiều người bắt chước, và, "được" nhiều người "ghen tỵ"v.v…, thực ra, chẳng nói lên được điều gì. Sự bất cần "tổ chức" của Nguyễn Minh Thành, cũng chẳng nói lên được điều gì. Bởi vì, thực tế, nhìn ở góc độ này, ở Việt Nam, có không ít họa sĩ thành công hơn.

Trong nghệ thuật, "là mình"(hiểu như "tính cá nhân" của chị) là một giá trị. Thậm chí là giá trị cơ bản. Với giá trị này, "cái mới" là thước đo. (Có lẽ, tôi không cần phải diễn giải). Nghệ thuật Nguyễn Minh Thành có thực sự mới không? Lấy bản thân mình, lấy "cuộc đời của mẹ", lấy cuộc sống "người ở làng"v.v… làm chất liệu, chưa phải là một bảo đảm để nghệ thuật Nguyễn Minh Thành đạt đến một phẩm chất nào đó. Chất liệu chưa phải là nội dung. Chất liệu phải được nhìn trong một thái độ, một ý thức thẩm mỹ nào đó, được xây dựng trong một cấu trúc mang tính nghệ thuật nào đó , mới vang nghĩa, mới trở thành nội dung. Và từ đây, mới có thể bàn đến chuyện nghệ thuật, chuyện "là mình".

Chị đã bỏ qua điều này. Chẳng lẽ, "sự đào tạo quốc tế và việc sử dụng những hình thức mỹ thuật của thế giới", "sự chống đối tính hàn lâm" (như chị nói), đã là một bảo đảm chắc chắn cho sự thành công rồi, không cần phải phân tích, mổ xẻ gì nữa? Điều này thật lạ!

Tôi chưa bàn đến Nguyễn Minh Thành. Trên đây, tôi chỉ mới đề cập sơ lược cách nhìn của chị. Rất mong chị trả lời cho các câu hỏi của tôi.
(24.11.02)

© Talawas 2002
Bản dịch