© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
27.9.2006
Bùi Ngọc Tuấn
Thanh Tâm Tuyền trong văn học Việt Nam
 
Không ai có thể phủ nhận được vai trò của Thanh Tâm Tuyền trong văn chương Việt Nam. Có những người mang ảnh hưởng trực tiếp từ thơ ông, có những người mang ảnh hưởng gián tiếp. Khi biết, khi không. Khi rõ ràng khi ẩn kín. Trước đây, trong bài “Tính thơ trong nhạc Trịnh Công Sơn” tôi đã phân tích và kết luận rằng thơ Thanh Tâm Tuyền đã ảnh hưởng sâu đậm đến lời ca của nhạc Trịnh Công Sơn như thế nào. Hơn thế nữa, một số từ ngữ, hình ảnh của Thanh Tâm Tuyền cũng hội nhập vào ngôn ngữ thường ngày (đêm màu hồng, nắng thuỷ tinh…)

Người ta có thể thích hay không thích, có thể hiểu hay không hiểu thơ Thanh Tâm Tuyền, nhưng người ta không thể không nhìn nhận rằng Thanh Tâm Tuyền (cùng các bạn ông, trong nhóm Sáng tạo) đã khai mở ra một con đường văn học mới ở miền Nam Việt Nam từ năm 1955-1956.

Viết về Thanh Tâm Tuyền không phải là việc mới xảy ra gần đây. Người ta đã viết, đã nghiên cứu, đã tìm hiểu thơ Thanh Tâm Tuyền và vai trò của ông trong nền văn học miền Nam Việt Nam suốt từ khi tập thơ đầu tay của ông Tôi không còn cô độc được phát hành, năm 1956. Những nghiên cứu về Thanh Tâm Tuyền sẽ vẫn còn tiếp tục, nhất là sau khi sách vở miền Nam bị thiêu hủy, bị cấm đoán từ sau năm 1975, khiến gần một nửa nước Việt Nam chỉ mới nghe nói đến Thanh Tâm Tuyền trong thời gian gần đây. Cuộc nghiên cứu, tìm hiểu nền văn học miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 và nền văn học Việt Nam lưu vong từ 1975 đến nay, sẽ còn được tăng gia nhiều về lượng cũng như về tính cách nghiêm chỉnh, chân thành, khoa học và công bằng. Vì thế những bất đồng trong các ý kiến này là những sinh động tốt đẹp. Tuy nhiên đó phải là những bất đồng dựa trên sự nghiên cứu khoa học và chân thành, chứ không phải là những luận cứ hồ đồ, dựa trên một niềm tin mù quáng, dựa trên những hiểu biết nông cạn, sai lạc, dựa trên những quan điểm lịch sử một chiều, lạc hậu.

Trong bài “Sự lập lờ trong đánh giá về thơ Thanh Tâm Tuyền”, đăng trên báo Người Hà Nội, ông Vũ Đức Tân có trích một nửa câu trong bài “Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng” tôi viết khi Thanh Tâm Tuyền qua đời, và có vẻ không hiểu rõ tôi muốn nói gì. Vì thế tôi thấy cần phải nhắc lại đủ hai câu trong bài ấy:

“Cuộc từ giã của Thanh Tâm Tuyền dù không được báo chỉ ở Việt Nam nhắc đến, nhưng người yêu thơ, yêu văn học Việt Nam vẫn biết, và chính sự ra đi của Thanh Tâm Tuyền rồi sẽ tạo nên những cơn sóng đòi hỏi người ta phải khôi phục lại giá trị đích thực của sự nghiệp văn học của ông. Sự đòi hỏi khôi phục lại giá trị thơ Thanh Tâm Tuyền sẽ đưa đến sự đòi hỏi khôi phục lại giá trị văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam của giai đoạn 1954-1975, và cũng sẽ đưa đến sự xác nhận giá trị của những tác phẩm văn học nghệ thuật của người Việt Nam lưu vong ở khắp nơi, kể cả những người đang lưu vong trên chính quê hương mình.”

Khi trích nửa câu từ chữ “Sự đòi hỏi…” cho đến chữ “… 1954-1975” ông Vũ Đức Tân viết thêm: “Theo chỗ tôi hiểu thì đây là việc khôi phục lại các giá trị nội dung là chính”. Ông Vũ Đức Tân có vẻ lo sợ rằng sẽ có người khôi phục lại các quan điểm chống cộng chăng? Vì tưởng lầm rằng thơ Thanh Tâm Tuyền chỉ có một chủ đích độc nhất là chống cộng, nên ông Vũ Đức Tân vội vàng chống Thanh Tâm Tuyền? Ông Tân hình như không phân biệt được tác giả và tác phẩm, hình như không hiểu được rằng ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 người ta có quyền viết những gì người ta nghĩ (miễn là đừng công khai cổ võ cho đảng cộng sản). “Người ta” đây là bao gồm cả những đảng viên cộng sản cầm bút ở Sài Gòn (như ông Vũ Hạnh chẳng hạn). Hình như ông Tân không hiểu rằng ngay cả những người chống cộng, những sĩ quan hay công chức Việt Nam Cộng hoà, không phải lúc nào người ta cũng viết thơ văn chống cộng, mà ngược lại, người ta thường sáng tác theo cảm quan riêng của một người nghệ sĩ (không bó buộc, không hiệu lệnh, không giống như ở miền Bắc vào thời đó). Ở miền Bắc, tất cả văn chương, nghệ thuật chỉ nhằm vào mục tiêu cuối cùng của chính tri, còn ở miền Nam, văn chương, nghệ thuật để phục vụ chính trị chỉ là một phần, lại là phần ít ai chú tâm đến. Phần lớn những tác phẩm sáng tạo ở miền Nam vào giai đoạn 1954-1975 là những tác phẩm hoàn toàn được sáng tạo từ tâm ý nghệ sĩ của tác giả. Hình như ông Vũ Đức Tân không hiểu được điều đó, và cho rằng tất cả văn học miền Nam chỉ có mục đích phục vụ chính trị. Hình như ông Tân cũng không hiểu rằng trong văn chương không thể tách rời được nội dung và hình thức, nhất là trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Cái mới, sự khai phá của Thanh Tâm Tuyền không chỉ ở ý tưởng, mà ở chỗ tạo dựng hình ảnh, nhạc điệu. Để hiểu thêm về thơ Thanh Tâm Tuyền, xin mời ông Vũ Đức Tân đọc lại bài “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy” của Bùi Vĩnh Phúc, đã đăng trên talawas cách đây một năm, ngày 12 tháng 9 năm 2005. Một bài viết rất hay, rất xác đáng về Thanh Tâm Tuyền.

Điều tôi muốn nói trong hai câu văn trong bài “Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng” rất rõ ràng:

  1. Thơ Thanh Tâm Tuyền đang được và sẽ còn tiếp tục được người Việt Nam yêu thích chỉ vì cái đẹp cái hay của những bài thơ ấy. Họ có thể yêu thích công khai hay lén lút, nhưng họ cứ vẫn yêu thích.

  2. Những người yêu thơ Thanh Tâm Tuyền sẽ đưa chúng ta đến sự xác định giá trị của sự khai phá, của cái đẹp trong ý tưởng, nhạc điệu, hình ảnh và cách dùng chữ của thơ Thanh Tâm Tuyền.

  3. Từ đó người ta sẽ nghiên cứu văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 một cách khoa học, chân thành và khách quan. Rồi nối tiếp bằng sự nhìn nhận, nghiên cứu giá trị của nền văn học Việt Nam lưu vong.

Chế độ, triều đại có đến thì có đi, nhưng văn chương có giá trị thì mãi mãi bền vững. Cho dù trong một lúc nhất thời nào đó người ta tìm cách phủ nhận. Bởi vì ngọc sáng dù bị vùi dưới bùn thì sớm hay muộn cũng được tỏ sắc.

© 2006 talawas