© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
21.12.2002
Laurent Colin
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 

Có lẽ tôi đã diễn đạt sai ý kiến của mình, Natalia (09.12.02), nếu chị đã đi đến kết luận rằng tôi mong muốn các nghệ sĩ Việt Nam khép cửa lại trước những ảnh hưởng/tác động nghệ thuật từ bên ngoài và co mình lại mà không xem những gì đang xảy ra bên ngoài biên giới của họ. Dù chỉ có chút kiến thức ít ỏi về lịch sử nghệ thuật, tôi không quên rằng ảnh hưởng là một khái niệm cơ bản và quí giá (mặc dù đáng bàn cãi), và nếu chị đến Paris chúng ta sẽ cùng nhau đi xem một cuộc triển lãm hiện đang diễn ra, mang tên "Manet-Velázquez, la manière espagnole au XIXe siècle", cho thấy ảnh hưởng của các họa sĩ Tây Ban Nha vào thế kỷ XIX (đáng kể nhất là Goya, Velázquez và Murillo) lên những đồng nghiệp người Pháp. Việt Nam không phải là ngoại lệ: hệ thống giáo dục bị áp đặt bởi chủ nghĩa thực dân cũng là một vectơ cho phép giới thiệu một cách khá nhanh chóng và đơn giản cái gọi là "Ecole de Paris (Trường phái Paris)" (một sự liên hệ cần được định nghĩa lại một cách nghiêm túc) với những họa sĩ như Marquet, Rouault, Matisse, và đôi khi những phong trào nghệ thuật khác (ví dụ như chủ nghĩa lập thể với Tạ Tỵ). Như tôi đã đề cập trong bài viết trước đây, sự cởi mở với những hình thức nghệ thuật bên ngoài đã tiếp tục nuôi dưỡng những tác phẩm chân thành và sau nữa là giúp đỡ cho các nghệ sĩ phát triển tính sáng tạo và đổi mới từng cá nhân. Theo suy nghĩ của tôi, tranh Việt Nam luôn luôn là tranh chịu những ảnh hưởng (phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc, hay sự thiếu ảnh hưởng của Trung Quốc - như lời phê bình của Nam Sơn vào những năm 30 - là một vấn đề khác cần được thảo luận) và tôi hy vọng rằng khi nói những điều này, mọi người hiểu rằng tôi không phải đang cố sức hạ thấp nghệ thuật Việt Nam bằng cách này cách nọ. Tôi cũng hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ có một nhà nghiên cứu người Việt Nam chủ động tìm tòi về vấn đề này.

Natalia, điều tôi muốn nói là những ảnh hưởng sẽ tốt chừng nào mà chúng được tiêu hóa và được thích nghi, và không bị ăn cắp một cách thẳng thừng bằng cách đào xới vụng về những thần tượng hiện đại. Điều này cần thời gian nhưng theo sự hiểu biết của tôi thì những nghệ sĩ Việt Nam đã không đi đúng hướng và điều đó giải đáp cho những kết luận không chút ảo tưởng của tôi mà dường như chị cũng chia xẻ. Tại sao vậy? Tôi nghĩ rằng mở rộng cửa cho những ảnh hưởng bên ngoài sẽ dễ dàng hơn chừng nào mà anh đủ mạnh để đón tiếp chúng mà không bị chúng cuốn phăng đi. Ở đây tôi giả sử là anh có chút kiến thức là anh đến từ đâu và anh sẽ về đâu, hay chính xác hơn là anh cố gắng đi đến đâu. Biết anh đến từ đâu có nghĩa là bắt đầu đề ra một suy nghĩ chân thành và tự đặt ra cho mình những câu hỏi (dù chưa tìm được câu trả lời) về nền tảng (background) của mình (trước tiên là [nền tảng] về cá nhân nhưng cũng bao gồm xã hội, chính trị, và dĩ nhiên là, nghệ thuật), và bước vào trong quá trình xác định xem anh phải nói lên điều gì. Có nghĩa là có cái gì đó để nói và không chỉ trưng bày kỹ thuật. Kỹ thuật không quan trọng đến như vậy mặc dù nó đóng vai trò quan trọng trong những hình thức mỹ thuật mới. Vì vậy, tôi không thể đồng ý với Natalia khi chị nói rằng kết quả hiện thời nghèo nàn là do các nghệ sĩ không làm chủ được kỹ thuật.

Tôi nghĩ rằng ý nghĩ về nền tảng này không đòi hỏi trong giai đoạn này một sự can thiệp của những chuyên gia ngoại quốc đến Việt Nam với một mớ những lý thuyết cấu trúc của họ và những kinh nghiệm phát triển dưới sự bảo trợ của những kênh thiết chế phương Tây (một ngày nào đó chúng sẽ cần được đặc biệt xem xét lại ở Châu Âu và các kết quả có thể sẽ không mang tính tích cực). Tôi nghĩ rằng sự phân tích này có thể trước tiên được diễn ra "nội bộ" ở Việt Nam. Về khía cạnh này, tôi đã từng rất ngạc nhiên (nhưng tôi sẽ rất vui nếu nhận được hồi âm của những người tham dự rằng tôi sai) vì sự thiếu hào hứng, thiếu quan tâm về việc trao đổi và thiếu sự tự đánh giá (introspection) trong cộng đồng nghệ sĩ ở Việt Nam. Đi xa hơn một chút, tôi không chắc rằng có sự tồn tại của cộng đồng nghệ sĩ ở Việt Nam. Hiển nhiên là có nhiều nghệ sĩ, họ thỉnh thoảng gặp gỡ nhau để uống bia hoặc chơi bi-da và trò chuyện ("Tôi mới ở Brisbane về và tôi sẽ đi Osaka tuần tới, còn anh thì sao?" - "Mới từ Toronto về") nhưng như vậy có tạo thành một cộng đồng nghệ sĩ chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc, tư tưởng, lo lắng và nghi ngại hay không, thì tôi không dám chắc. Trong quá khứ, theo tôi thì dường như có sự tranh luận giữa những nghệ sĩ/trí thức với những quan điểm rõ ràng và, trong lúc sự khác biệt đôi khi sắc nét, cuộc tranh luận đã này trở thành sôi nổi. Tôi nghĩ rằng vào thời đó các thi sĩ nói với họa sĩ, nhà sử học với nhà văn, nhiếp ảnh gia với nhà tạc tượng, người làm phim với nhạc sĩ. Phòng trưng bày Phái gồm những phác họa/chân dung theo tôi đã là một minh họa của giai đoạn gần gũi giữa các nghệ sĩ này, và nếu ta đề cập đến vụ Nhân văn Giai phẩm (hay thậm chí những cuộc tranh luận vào thời cải cách ruộng đất đầu tiên) ta sẽ thấy rằng tất cả các thể loại trí thức đều tham gia vào những phong trào này ở cả hai bên. Một ví dụ khác là những cuốn sách thơ hay tiểu thuyết của những năm 60-70 thường được minh họa bởi những họa sĩ nổi tiếng. Hiện nay tôi không thấy sự năng động sôi nổi như vậy. Họa sĩ dường như không nói chuyện với văn sĩ và ngược lại; văn sĩ và họa sĩ thậm chí không muốn lập ra một cuộc đối thoại giữa họ với nhau, đó là chưa nói nếu họ thuộc vào những thế hệ khác nhau. Dĩ nhiên, chúng ta đã thấy những họa sĩ tham gia vào một vài chuyện làm phim gần đây nhưng hầu hết do ngoại quốc điều khiển và tôi không tin rằng sự hiện diện bất ngờ của những bức tranh của Trần Trọng Vũ trong cuốn phim mới nhất của Trần Anh Hùng cũng như sự xuất hiện rời rạc của những họa sĩ đã là một bằng chứng của sự liên hệ xuyên suốt (inter-penetration) trong nghệ thuật (nhưng dù sao cũng là một quan điểm tức cười y như thể hai anh em sống ở Hà Nội ngày nay có xu hướng đầu tư vào mỹ thuật hiện đại để trang trí nhà họ, một trường hợp tôi chưa từng thấy cho đến tận bây giờ). Phải chăng là một sự thiếu sự tò mò văn hóa nào đó đang lan rộng ngày hôm nay?

Tôi không nói rằng các nghệ sĩ nên lấy một bằng tiến sĩ dân tộc học nhưng khi đã nói trên diễn đàn này về George Condominas, Edward Said và chúng ta có thể thêm vào danh sách đó Paul Mus hoặc những tên tuổi Việt Nam như Từ Chi. Có bao nhiêu nghệ sĩ đã mở sách của các tác giả này, thay vì sưu tập các danh mục hội chợ tranh ngoại quốc?

Cuối cùng, chúng ta cũng có thể thấy rằng có tương đối ít nghệ sĩ Việt Nam cho đến tận hôm nay đã tham gia diễn đàn này, dường như là họ không thích thú gì trong việc tham gia tranh luận hoặc là, mà điều này còn tệ hơn nữa, dường như là họ thích hoặc cảm thấy dễ dàng hơn nếu để cho những vị cố vấn ngoại quốc giải thích về tác phẩm của họ.

Để kết luận, tôi muốn nhấn mạnh rằng một công trình phê bình thấu đáo về nghệ thuật Việt Nam đang chờ được viết ra, hy vọng là bởi người Việt Nam, để phát biểu một cách khách quan và cô đọng nhiều vấn đề đã được đề cập đến trong diễn đàn này (đặc tính quốc gia, các ảnh hưởng, các truyền thống...) dựa trên tài liệu có sẵn ở Việt Nam và qua cuộc đối thoại có kết quả giữa những thành phần trong nước (nghĩa là tất cả các loại nghệ sĩ khác nhau nhưng cũng bao gồm cả những người kinh doanh tranh, các curator, các nhà nghiên cứu, các giáo viên...).

Những nghiên cứu cần thiết cấp bách kiểu này chính là kết quả của sự hình thành ngành phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp, chúng có thể sẽ giúp cho các nghệ sĩ đang đối diện với sự xáo trộn nhưng cũng giúp cho (và điều này là rất quan trọng) thị trường mỹ thuật trong nước trưởng thành hơn với một lớp khán giả và những người buôn bán tác phẩm mỹ thuật ở vào tư thế hiểu được, chấp nhận được, và tại sao không nhỉ, mua/ủng hộ những loại hình nghệ thuật đương đại. Ở khía cạnh này, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy rằng những người hiện đang lên án phong cách Đông Phương (orientalism) và cái gọi là tính cách Việt Nam (Vietnameseness) thì lại không cảm thấy sai trái khi khuyến khích/yểm trợ những loại hình nghệ thuật mới của hôm nay (nghệ thuật sắp đặt-video-biểu diễn) mà đa số công chúng Việt Nam không hiểu nổi chúng (hoặc nếu họ có hiểu chút nào, thì cũng chủ yếu là do những sự giới thiệu quá dễ hiểu như tôi đã đề cập trước đây). Nhưng cuối cùng, phải chăng những loại hình nghệ thuật này, hơn tất cả các tranh lưu niệm, là nghệ thuật phục vụ cho người ngoại quốc (nghĩa là nghệ thuật được đỡ đầu và được mong chờ bởi người nước ngoài)?

Đó là lý do tại sao lần trước tôi muốn chỉ ra sự nguy hiểm của chủ nghĩa tân thuộc địa lan rộng ra trong không khí đầy sự cảm thông của phương Tây đối với các nước thế giới thứ ba và sự hiếu kỳ có tính cách nhân đạo được bày ra để chứng tỏ chúng ta thiếu cái chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism [chủ nghĩa coi dân tộc mình là nhất - ND]) và điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến việc nghệ thuật Việt Nam chỉ dành cho người ngoại quốc, với những hậu quả còn nghiêm trọng hơn chủ nghĩa Đông Phương bị lên án hôm qua. Tôi thành thực hy vọng rằng những ý kiến tôi cố gắng diễn đạt ở đây có thể được khích lệ mà không dán cho tôi cái nhãn là Khơ me Đỏ hoặc là một tên thực dân lạc hậu.
(21.12.02)

© Talawas 2002
Bản dịch