© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
4.1.2003
NhÆ° Huy
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 

Ở một góc độ nào đó, sự phát triển của nghệ thuật tạo hình trong thế kỷ 20 chính là sự phát triển của triết lý về chất liệu. Có thể nói, chất liệu chính là một phần không thể tách rời được của nghệ thuật. Vẽ, từ thời cổ đại, đã luôn là việc: dùng cái gì - để vẽ - lên cái gì. Cái gì để vẽ lên cái gì chính là hình thái sơ khai của chất liệu. Từ những tranh minh họa bằng mầu tự nhiên lên vách hang đá cho đến hôm nay, thân hình của những con bò sữa được ngâm trong hocmon (Damien Hirst, "Some comfort gained from the Acceptance of the Inherent Lies in Everything", 1996), hay đến những tác phẩm sử dụng chính thân thể làm chất liệu - quả thực đã có những sự thay đổi lớn lao của triết lý về chất liệu. Có thể nói ngắn gọn như thế này về những sự thay đổi của quan niệm chất liệu trong nghệ thuật tạo hình:
  1. Chất liệu không còn dùng để diễn tả một chất liệu khác
  2. Tính nguyên gốc của chất liệu không còn quan trọng
  3. Tính bền vững của chất liệu không còn quan trọng
Lấy ví dụ về lý do của sự tồn tại của sơn dầu (một chất liệu"kinh điển"của nghệ thuật tạo
hình), từ khi ra đời cho tới nay, những năm đầu thế kỷ 21, vì:
  1. Sơn dầu có một năng lực vô song trong việc diễn tả những chất liệu khác: sắt, thép, da thịt, tóc, mây trời...
  2. Tính bền vững của sơn dầu: có thể giữ đuợc trong vài thế kỷ nếu được bảo quản và không bị tàn phá bởi con người, chiến tranh hay tai họa thiên nhiên...
  3. Tính nguyên gốc: sơn dầu giữ lại và đưa ra bằng chứng của cái được gọi là bút pháp của các họa sỹ để phân biệt người này với người khác.
Những nỗ lực thay đổi hay mở rộng thêm khả năng của sơn dầu đã được các nghệ sỹ của chủ nghĩa trừu tượng khởi đầu, lấy ví dụ về bức tranh"white on white"của Kasimir Malevich. Với bức tranh này, chất liệu (sơn dầu) đã không dùng để diễn tả chất liệu khác, tuy nhiên tính bền vững và tính nguyên gốc của chất liệu vẫn được các nghệ sỹ của chủ nghĩa trừu tượng coi là quan trọng. Mặc dù vậy, đã có một số rất ít nghệ sỹ, như họa sỹ Vasarelly (nghệ sỹ gốc Hung), bắt đầu đặt vấn đề nghi ngờ tính bền vững và nguyên gốc của chất liệu và đưa ra những phương án khác cho nghệ thuật ví dụ như triết lý về những module trong nghệ thuật.

Chúng ta cũng không thể quên Marcel Duchamp, người đã đưa ra, cùng với tác phẩm "Fountain" của mình, một triết lý mới mẻ của chất liệu, có thể gọi là một"triết lý với cây búa" - đập tan mọi ảo tưởng về tính bền vững và tính nguyên gốc. Không phải vô cớ mà ảnh hưởng của ông và các nghệ sỹ phái Dada vẫn còn đang chi phối nghệ thuật đương đại. Phải tới những năm nửa cuối của thế kỷ 20 sự thay đổi triệt để trong quan niệm về chất liệu mới thực sự nở rộ trong các trường phái mới như video, perfomence, concept, fluxus, instalation... Quan điểm mới, không coi trọng tính nguyên gốc trong chất liệu và quan niệm về những chất liệu sẵn có, được sử dụng lại cũng là một bước tiến dài dẫn đến việc câu hỏi lãng mạn muôn thủa "nghệ thuật là gì" đã bị chiếm chỗ bởi câu hỏi "những gì có thể là nghệ thuật" và câu hỏi "những gì sẽ là nghệ thuật"...

Vài nét rất sơ lược để đề cập tới những thay đổi về triết lý của chất liệu, từ những thay đổi này đã dẫn tới sự thay đổi về bản thân nghệ thuật: chức năng, giá trị và căn bản mỹ học. Với mỹ thuật VN, nỗi băn khoăn về chất liệu, theo tôi, hầu như còn quá xa lạ. Nhìn lại những thay đổi trong nghệ thuật VN trong vài thập kỷ qua, thông qua các tác phẩm, chúng ta thấy rằng, hầu hết những sự thay đổi ấy chỉ nằm ở khía cạnh chủ đề hay đề tài cũng như một số quan niệm về đồ vật.
Phải kể đến những nỗ lực đáng kể của một số nghệ sỹ phía Nam như Nguyễn Trung, Hoàng Tường, Trần Văn Thảo v.v…, đặc biệt là Nguyễn Trung. Theo nhận xét riêng tôi, có thể nói đó là những người gần như đầu tiên của nghệ thuật tạo hình VN, ở thập kỷ 90, quan tâm tới vấn đề chất liệu và quả thực đã có một số thành tựu nhất định trong việc mở rộng khả năng chất liệu. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì về cấu trúc bên trong, những tác phẩm của các nghệ sỹ này vẫn bị sự chi phối mạnh mẽ của triết lý, dùng chất liệu để diễn tả một chất liệu khác, cũng như ảnh hưởng của sơn dầu vẫn tràn đầy trên bề mặt tranh của họ.

Ở các nghệ sỹ miền Bắc cùng thời như Nguyễn Quân, Ðặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng hay Trần Lương (trước khi làm giám đốc trung tâm đương đại), dù trong tác phẩm có một vẻ hấp dẫn bề mặt nhất định (thông qua sự thông minh sắc sảo trong việc lựa chọn đề tài), nhưng những tư duy để thay đổi về cấu trúc nghệ thuật, cụ thể là những tư duy về chất liệu, hầu như không có.
Các nghệ sỹ trẻ ở thập niên sau 90 cùng vị chúa ba ngôi installation, perfomence và video, theo tôi, cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đem một quan niệm mới về chất liệu giới thiệu cho nghệ thuật đương đại VN. Tuy nhiên, nhìn chung, những nỗ lực này có vẻ như không nẩy sinh từ sự quan tâm hay một triết lý riêng về chất liệu của mỗi nghệ sỹ, dẫn đến việc những tác phẩm của họ có vẻ giống nhau và thường là giống như những"bài tập hiện đại" hơn là những tác phẩm có tư duy nghiêm túc về chất liệu cũng như về đời sống đương thời hay về bản thân nghệ thuật. (Tôi thấy nhận định của anh Bradford Edwards về sự né tránh các đề tài đương thời của các nghệ sỹ VN là rất tinh tế).

Ở VN hiện nay, những nghệ sỹ của trào lưu này, theo những gì tôi biết, có lẽ chỉ có Vũ Dân Tân là đáng kể. Tuy nhiên, cái vòng kim cổ của triết lý "chất liệu dùng để diễn tả chất liệu khác" có vẻ như vẫn chi phối các sáng tác của ông, mặc dù trong những tác phẩm của mình ông đã hướng sự diễn tả theo xu hướng "giễu nhại" và "nghịch dị". Có lẽ cũng chính vì thế mà các tác phẩm của ông có vẻ dễ chịu hơn và "đương đại" hơn nhiều so với các tác phẩm sắp đặt hay trình diễn của nhiều nghệ sỹ trẻ khác (nếu xét về tuổi thì có vẻ "đương đại" hơn ông nhiều), hầu hết đều mang một "đại tự sự" già nua về cái đẹp, tính dân tộc, hay hình ảnh Việt Nam. (Hy vọng sẽ có dịp đề cập kỹ hơn tới nghệ sỹ này).

Một điểm khác biệt của người nghệ sỹ với người quan sát thông thường chính là việc anh ta phải trải nghiệm chính bản thân của anh ta với chủ đề mà anh ta quán chiếu, có thể là đời sống, bản thân nghệ thuật, xã hội v.v... Anh ta không đứng ngoài để nhận xét đời sống dựa trên sự thông minh hay những kinh nghiệm chung cũ rích, mà anh ta sống. Sự trải nghiệm với toàn bộ tâm trí, cảm xúc, v.v… (cả chiều nổi và chìm) của nghệ sỹ sẽ tạo nên sự riêng tư, độc đáo và bất ngờ trong tác phẩm, đặt ra những suy tư mới, tác động được vào nhận thức của người xem. Khốn thay, sự độc đáo lại chính là cái đang quá thiếu trong cái gọi là nghệ thuật mới ở VN, mặc dù cái nghệ thuật ấy đang thừa mứa những chất liệu như: nhang, đèn, nến, chuông, khánh, chiếu, phướn, nón, guốc, nêu, vàng mã, nhà sàn, chân dung các bà già thuần Việt răng đen hay chân dung tự họa của chàng trai mắt to đầu trọc - copy loạt tranh phú quý, nhân nghĩa, lễ trí, tranh dân gian Ðông Hồ (xem "Ðồ họa cổ VN" - Phan Cẩm Thượng/Lê Quốc Việt/Cung Khắc Lược). Theo tôi, chừng nào những sáng tác video, perfomance hay installation của hầu hết các nghệ sỹ VN còn bị chi phối bởi những "đại tự sự" về quê hương đất nước, về những phong tục tập quán Việt Nam, ví dụ như như những tác phẩm tranh thờ tục ăn trầu và nhuộm răng đen của các bà già Việt hay là chuỗi tác phẩm giới thiệu về sự hòa hợp giữa văn hóa các dân tộc Việt: Tục lên đồng cốt của người Kinh và văn hóa nhà sàn của người Thái, cũng như khai thác văn hóa cây nêu của Tây nguyên v.v…, thì chúng ta chưa thể nói đến một cuộc thay đổi nào về chất của nghệ thuật tạo hình VN. Vắng thiếu những suy tư thuần khiết về bản thân chất liệu, những triết lý về chất liệu "của mình", các nghệ sỹ chúng ta sẽ vô cùng khó khăn khi muốn thay đổi một chút gì trong mỹ thuật. (Trong bài này tôi xin phép chỉ đề cập tới những nghệ sỹ hiện đang làm việc tại VN).

Tiện đây, tôi cũng muốn đề cập tới một vấn đề của bàn tròn. Tôi có cảm giác một số người trong bàn tròn này luôn có xu hướng biến cuộc tranh luận về mỹ thuật VN đương đại, như chủ đề của bàn tròn này được đưa ra từ lúc đầu, thành cuộc"thánh chiến"của cái mới, chống lại những cái cũ, bảo thủ trì trệ (tất nhiên trong cuộc tranh luận đó họ luôn giữ vai trò là những hiệp sỹ bảo vệ cái mới, họ là những người tương lai (future man, chữ của Alvin Toffler). Theo tôi, xu hướng "đánh tráo" này là không lành mạnh, và nó sẽ cản trở cuộc tranh luận thẳng thắn của chúng ta, cuộc tranh luận, nếu có, ở bàn tròn này luôn phải là cuộc tranh luận để tìm ra cơ chế của: sự thật, giả, cái sáng tạo, sự cóp nhặt, sự tồn tại thực hay chỉ là ảo ảnh của mỹ thuật đương đại VN, sự phát triển của mỹ thuật VN từ khi vô danh tới giờ thật sự đã có gì khác, khác thế nào và nếu có thể đưa ra một dự báo về xu hướng của nó....

Ðến giờ phút này theo - nhận định của tôi, có thể nói bàn tròn phần nào đã thành công khi trưng ra đươc một lát cắt sống (fresh slice) của mỹ thuật đương đại VN và tạo ra cơ hội để chúng ta có thể nói chuyện thẳng thắn. Tuy nhiên, theo tôi, những cơ hội mà chúng ta đã bỏ phí cũng không ít. Theo tôi, chúng ta đã mất quá nhiều thời gian dành cho sự phẫn nộ về cái gọi là nghệ thuật "souvenir", mà không để ý rằng cái loại nghệ thuật như thế, đã, đang và sẽ còn tồn tại và quả thực, chúng ta phải học cách chung sống với nó, và bằng giáo dục chiếm lại dần những công chúng của nó. Chúng ta cũng đã phí phạm thời gian khi bàn đến sự hiện diện của mỹ thuật VN trên trường quốc tế, mà không để ý rằng liệu mỹ thuật VN đã hiện diện tại chính VN chưa? Và nó hiện diện thế nào (các gallery? Nghệ sỹ? Công chúng? Tác phẩm? Tác giả?) - một nền mỹ thuật phải phát triển đến bậc nào để có thể sản sinh ra tác giả?

Thật ra, vị thế của mỹ thuật so với các ngành khác ở VN là thế nào? Theo tôi, đó là một vị thế quá thảm hại - thảm hại ít nhất nếu chỉ so nó với toán học (mathematic), nếu như trong toán học ai cũng biết là muốn hiểu toán thì phải học, muốn làm được toán thì phải học, và toán cao cấp khác với toán sử dụng bản cửu chương thì cho tới giờ này (chưa cần nói đến công chúng) các nghệ sỹ của VN vẫn - như lời của chị Natalia: "...họ đầy năng lượng, đầy nhiệt tình, háo hức muốn thay đổi, biểu hiện, sáng tạo, nhưng... học ngôn ngữ mới đối với họ là một việc buồn tẻ, nghiên cứu tìm tòi một chút trước khi làm một sắp đặt trên một khái niệm không quen thuộc lắm thì chưa phải là thói quen của họ...".

Tôi đồng ý với họa sỹ Bùi Quang Ngọc về vấn đề trước 1975 đã có một vùng mỹ thuật sáng giá với nhiều tư liệu, tác giả, tác phẩm. Bản thân tôi vẫn nhớ mãi một kinh nghiệm đẹp đẽ trong những năm đầu Ðại học khi tìm mua sách cũ và đọc số báo "Văn" số 93, ra ngày 1-11-1967, chủ đề viết về mỹ thuật. Trong đó có những bài viết về mỹ thuật của Thái Tuấn, Duy Thanh, Nguyễn Quỳnh, Ðoàn Thêm, Huỳnh Hữu Uỷ, Trịnh Cung, Tạ Tỵ, Vũ Ðình Lưu ... và một số bài dịch rất hay những tiểu luận nghệ thuật của Paul Klee, Kandinsky và Mondrian.

Một vấn đề nữa cũng phải xét tới, theo tôi, các anh chị phê bình nước ngoài tuy đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của văn nghệ VN - nhưng có một vấn đề mà tôi ít thấy mấy ai thoát ra được, đó là cách nhìn: nghệ thuật VN chỉ hiện diện kể từ khi các anh chị quan tâm đến nó. Đây là một cách nhìn mà thật ra, nếu anh chị là công chúng hoặc nghệ sỹ thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu là một nhà phê bình thì rất nguy hiểm, bởi với cách nhìn này mỹ thuật đã không được nhìn như một một quá trình, theo bản chất của nó, và vì thế, kết quả khảo sát do anh chị thu được sẽ không chân thực, dẫn đến việc phán đoán xu hướng cũng không chính xác, dẫn đến đôi lúc tư biện, duy ý chí và áp đặt.

Ðặc biệt lịch sử VN với những khúc ngoặt (mỗi khúc ngoặt mang rất nhiều trải nghiệm về xã hội, thẩm mỹ... khác nhau) sẽ có tác dụng gì với sự tồn tại và phát triển của mỹ thuật. Viết đến đây tôi lại nhớ tới nhận định rất sắc sảo của anh Hoàng Ngọc Tuấn (thì phải?) trong bài viết về chủ nghĩa hậu hiện đại về tình trạng những độc giả ở VN đọc những tác giả hậu hiện đại có khi trước lúc họ đọc những tác giả cổ điển hay hiện đại. Theo tôi, về mỹ thuật cũng xẩy ra tình trạng tương tự như vậy, và liệu điều đó có lợi hay có hại với chúng ta? Làm cách nào để loại bỏ những cái hại và gia cố những cái lợi từ đó? Tại sao bàn tròn chưa đặt ra những vấn đề như vậy?

Hy vọng những bàn tròn sau (có những bàn tròn sau không Mai Chi?) của chúng ta sẽ đa dạng, và ít phí phạm những cơ hội được ngồi lại gần nhau của chúng ta hơn.
(04.01.03)

© 2003 talawas
Bản dịch