© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
5.10.2006
Bùi Ngọc Tuấn
Kỷ niệm với Nguyễn Đức Sơn
 
Ngôi nhà gỗ mầu xanh với hàng hiên cao khỏi mặt đường chừng ba bốn bậc thang, cửa sổ đóng, ngôi nhà trông tối lạnh. Nguyễn Văn Xô dắt tôi tới đó, anh đứng chờ, không nói. Tôi dựa lưng vào vách tường ngôi nhà đối diện nhìn sang. Lòng bàng hoàng khôn tả. Nguyễn Đức Sơn, đã từng ở đó, sống những ngày tháng với trí tưởng mênh mang, với tâm tình sôi nổi. Nơi anh đã viết những bài thơ, những truyện ngắn rất Nguyễn Đức Sơn, cực hay. Ngôi nhà gỗ mầu xanh thuộc về một người chú họ của Sơn, anh đến đây, ở với gia đình ông, rồi yêu cô em họ. Mối tình đã làm ông chú nổi giận, la mắng nặng lời. Sơn bỏ đi.

Rừng núi Đơn Dương trùng trùng điệp điệp, đẹp như một thế giới bị văn minh bỏ quên. Con đường Đà Lạt đi Phan Rang, khi vượt cao độ 1.700 mét ở Cầu Đất xuống, nhập với con đường từ Tùng Nghĩa băng qua, chạy thêm chừng hai cây số, qua sông Đa Răng đến đập Đa Nhim, xuôi đèo Ngoạn Mục đổ xuống Sông Pha, rồi đâm về hướng Đông ra biển, đến Phan Rang. Chỗ hai quốc lộ gặp nhau ấy là quận lỵ. Phố chính là khúc ngã ba quốc lộ đi Phan Rang đến gần bờ phía đông hồ Đa Nhim, phố chính thứ hai là con đường ngắn từ khoảng ngã ba quốc lộ chạy qua chợ Đơn Dương đến bờ Tây hồ Đa Nhim. Con phố ngắn ấy tên là đường Nguyễn Công Trứ. Ngôi nhà của ông chú Sơn ở gần cuối đường này. Từ nhà chú Sơn, đi thêm khoảng nửa cây số nữa, khi vừa qua khỏi cây cầu bắc ngang con suối nhỏ là nhà tôi. Từ đó, con đường chạy dọc theo chân núi, qua những đồng dâu, trái thơm ngào ngạt, những vườn rau xanh mướt, những vườn hồng nặng trái, trước khi chấm dứt ở bờ Tây đập Đa Nhim. Đơn Dương, Đơn Dương, ”dòng nước Đa Nhim như dòng thơ, rừng núi Đơn Dương như thành lũy”. Đơn Dương-Cầu Đất là vùng đất rất lạ lùng, nhiều người tới đó rồi suốt đời mang theo trong hồn mầu trắng của sương mù, mầu xanh của rừng thông, mùi thơm của dâu chín, mầu hồng của hoa đào rực đồi rực núi, những vườn rau nõn nà, những đám lửa cháy rừng bập bùng trên sườn núi đêm mùa hè, những con đường khúc khuỷu, quanh co bất ngờ. Nguyễn Văn Xô sinh ở đó, nguyền không bao giờ rời đi, Phùng Quyên bỏ đi rồi lại phải trở về, Nguyễn Đạt không ngừng viết những bài thơ tuyệt vời của rừng thông bên sân ga vắng (“Mùa hạ vừa qua tôi có về Đa Thọ - Cây cối đứng dậy quanh nhà ga - Ngủ một đêm sáng hôm sau tôi đi nữa - Rừng thông sửng sốt đứng ngây mình”), Vũ Đức Nghiêm ghé qua rồi suốt đời cũng không ngừng gọi người yêu dấu ở Đơn Dương. Tôi rời Đơn Dương để có những ngày còn nhìn thấy trong trí tưởng thời trẻ tuổi đứng trên đầu núi giữa những vùng sương mù và những đêm mùa đông nghe gió vật vã, quằn quại tìm nhau trên mái nhà, rú gào thảm thiết... Còn Sơn ra đi với một mối tình đớn đau, không đường về.

Sơn ở đó, viết những bài thơ tuyệt trần nhưng tôi xúc động hơn hết khi nhìn thấy ngôi nhà ấy lần đầu tiên, sống lại một phần cảm giác đớn đau, của mối tình đắm say, nồng cháy và vô vọng của Sơn với người em gái họ mà Sơn viết lại trong một truyện ngắn tôi cho là hay nhất của anh. Tôi hỏi Nguyễn Văn Xô về cô em họ ấy, anh nói cô gái rất đẹp, dáng cao, da trắng, tóc dài, lúc đó đã xuống Sài Gòn học rồi, thỉnh thoảng lắm mới về thăm nhà. Tôi không bao giờ gặp người em họ làm điên đảo tâm hồn, đời sống của Sơn. Một đêm Giáng sinh ở Đà Lạt, trời lạnh buốt, Nguyễn Đạt và tôi đi lang thang ngoài đường, vừa run lạnh vừa đọc thơ Nguyễn Đức Sơn. Tôi biết Đạt có về Đơn Dương coi ngôi nhà gỗ mầu xanh nơi cô em họ Sơn cư ngụ.

Tôi đọc Sơn và yêu thơ văn của anh từ lúc Sơn còn ký tên là Sao Trên Rừng. Thật ra lúc đầu tôi rất ghét cái bút hiệu này. (Tên gì vớ vẩn, nghe cải lương. “Sao Trên Rừng” có thể hiểu là “ngôi sao đơn độc ở trên rừng núi hoang sơ”, mà cũng có thể hiểu là “vì sao lại bị đày ở trên rừng núi cô đơn?”). Tuy nhiên thơ văn anh hay quá sức, riết rồi tôi thấy thân thiết với cái bút hiệu đó của Sơn. Rồi từ khi Sơn dùng tên thật làm bút hiệu thì thơ văn Sơn cũng biến đổi thêm, sâu thẳm, huyền hoặc, bát ngát mà cao ngạo ngỗ nghịch. Thơ Sơn thoát một cách tự nhiên, bởi vì tâm hồn, con người Sơn đã thoát thật sự, không phải kiểu cách, ép buộc chữ nghĩa, làm dáng của nhiều người làm thơ khác.

Hai bài, “Đêm khơi” thời trước, ký tên Sao Trên Rừng, và “Nhắn”, thời sau, ký tên Nguyễn Đức Sơn, hé cho ta thấy cái diễn tiến trong cách bày tỏ tâm tưởng của Sơn:

Đêm khơi

Lênh đênh thuyền dạt xa miền
Nửa đêm bừng tỉnh man thiên một trời
Trăng lên thượng đế đi rồi
Hỏi mây thái cổ con người vân vi
Lối mòn cỏ mộ xanh rì
Ngoài ra còn chẳng có gì nữa sao
Đảo buồn thổi gió lao xao
Ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya

(Sao Trên Rừng)

Nhắn

Mai sau người nhớ đến ta
Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi
Đường xa xin chớ bồi hồi
Mồ hoang nhảy đại lên ngồi đi cha

(Nguyễn Đức Sơn)

Hãy đọc những vần thơ của Sơn, khi đọc xong, xin đừng nói gì thêm, cũng xin đừng hỏi gì nữa, vì thơ Sơn đã đến gần chỗ vô ngôn, nói gì nữa cũng chỉ làm tan biến những ý không lời:

Mang mang

Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều trong kinh
Còn một mình, hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghỉ đất dài
Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên

Tiếng ru em

Buồn sao như là héo hon
Đồi nghe ú ớ hãy còn sơ khai
Nghe đời đau quặn trong thai
Tiếng ru chan chứa đêm dài còn mang

Anh chưa nắm tay em

Anh chưa nắm tay em mà muốn chết
Trong khu rừng huyền hoặc của chiêm bao
Ôi! Hạnh phúc mong manh như sắp hết
Giữa đêm nào trăng thở quá xôn xao

Anh quỳ xuống dưới vòm trời khao khát
Dù thật lòng em chưa muốn cho xem
Đời anh đó đâu lớn bằng hạt cát
Đã vô tình vương ở gót chân em

Tôi quen Sơn ở nhà Hồ Thành Đức và Bé Ký, một mùa hè từ Đơn Dương về thăm nhà. Rồi trở thành bạn anh. Mùa hè ấy, chiều nào Sơn cũng đến chơi, hai đứa tôi ngồi cả buổi chiều trước hiên đọc thơ, nói chuyện văn chương, nhắc đến núi rừng Đơn Dương-Cầu Đất, nơi cả hai đứa tôi đều cho là chốn đẹp nhất trên thế giới. Nơi Sơn dừng chân để rồi nhận mối thương lòng không bao giờ nguôi. Nhắc nhở đến vùng rừng trăng sương khói mịt mù ấy, là đi về một cõi tuyệt vời của vọng tưởng. Hết mùa hè, tôi sẽ lại về Đơn Dương đứng trên sườn non vắng nhìn xuống quận lỵ dưới thung lũng sâu, nhìn xuống hồ Đa Nhim mịt mù sương khói, nơi tôi đang ở, nơi Sơn không thể quay về.

Những người hàng xóm đưa mắt ngạc nhiên nhìn Sơn với chiếc nón mê, với áo chùng lam cửa Phật, đạp một chiếc xe đạp rất cũ đến nhà tôi ngồi chơi mỗi ngày, đến tận chiều tối, đều đặn. Họ không biết rằng Sơn đã phải đạp xe hơn mười cây số, suốt từ một ngôi chùa ở bên kia Gò Vấp đến tận Xóm Vẹc để chơi với tôi. (Xóm Vẹc với nhà văn Triều Đẩu cặm cụi ngồi viết Trên vỉa hè Sài Gòn, với nhà văn Trúc Sĩ, vượt tuyến qua Lào vào Sài Gòn năm 1956 mỗi tối đọc thơ vang xóm, nơi tiếng đàn của anh em Vũ Đức Nghiêm thánh thót mỗi chiều, nơi Võ Phiến cư ngụ đôi năm mà hàng xóm vẫn không mấy ai biết ông là nhà văn, nơi Thái Lăng Nghiêm trầm ngâm triển khai chủ thuyết Duy Dân của Lý Đông A. Mé bên kia đường Trần Quang Diệu thì có vợ chồng Hồ Thành Đức - Bé Ký, có Trần Dạ Từ - Nhã Ca, cách một quãng ngắn là nhà Phan Nhật Nam).

Nơi đó có phở gà Nam Xuyên, và rất nhiều món ăn ngon khác mà tôi lại chỉ có thể mời Sơn uống cà phê đá buổi chiều ở phở Lý Quảng, vì Sơn (và cả gia đình anh) ăn chay trường. Đến một hôm, nói mãi Sơn mới nhận mấy trái bí tôi lấy của mẹ tặng anh, để mang về luộc cho con ăn. Một ông sư phiêu phiêu hốt hốt mà vợ con đùm đề, mà mọi người vẫn thấy tự nhiên như ngày như đêm. Một ông sư không thật sự tu hành mà còn sư hơn cả nhiều ông sư chính cống. Tôi thuở ấy, nhìn Sơn mà vẫn nghĩ anh là một hóa thân của Lý Bạch, khi Lý Bạch đã quên hết cả rượu để chỉ còn thơ, độc nhất thơ, thuần tinh thơ, không gì khác.

Vì thế càng chơi với Sơn tôi càng nhận rõ rằng, ở Việt Nam tuy có rất nhiều người làm thơ hay, nhưng chỉ có ba người thật sự sống cuộc đời thi sĩ, họ và thơ là một, ngoài thơ ra họ không có gì khác, không còn gì khác, không muốn gì khác, không là gì khác. Sơn là một, hai người kia là Bùi Giáng và Trần Tuấn Kiệt. Đó là chỉ ở miền Nam mà thôi, còn miền Bắc thì từ năm 1954 không còn ai biết làm thơ nữa, chỉ có những người viết khẩu hiệu và làm vè mà thôi, đến người đọc thơ còn không có nổi, nói chi tới thi sĩ!

Một buổi tối gần đây, trong lúc ngất ngư chuếnh choáng, tôi buột miệng nói điều này với một tài tử ngạo mạn khác: Phan Nhật Nam. Nam đang rót rượu, tay bỗng run lên, chai đụng vào ly lanh canh, nói: “Mẹ! Ông nói sướng quá, những ông khác làm thơ rất hay, nhưng họ vẫn còn đời sống, ba ông này không còn đời sống nữa, chỉ còn thơ”.

Mỗi buổi tối mùa hè ấy, khi Sơn đạp xe đi rồi, tôi bàng hoàng hồi lâu. Nguyễn Đức Sơn, kẻ hý lộng quỷ thần ngôn ngữ đó ư. Kẻ có đôi mắt nhìn thấu suốt lẽ nhân sinh, giỡn chơi với chữ nghĩa, hiển lộng cái thần của thơ dưới cái vẻ giả trá của hình ảnh táo tợn, của lời lẽ ngang tàng đó ư.

Mùa hè năm sau, khi tôi về Sài Gòn, Sơn đã đưa gia đình anh về lại Bảo Lộc. Rồi sau này không còn gặp Sơn nữa tôi vẫn bàng hoàng mỗi lần đọc lại những bài thơ anh viết, mỗi lần nghe có người nhắc tên Sơn. Tôi biết, sau hơn ba chục năm, chúng tôi sẽ còn có dịp gặp nhau lần nữa. Lần này, biết đâu chừng cả hai chúng tôi sễ có dịp trở về Đơn Dương nhìn lại ngôi nhà cũ, đắm mình lần nữa giữa rừng trăng sương khói của núi đồi Đơn Dương-Cầu Đất. Nguyễn Văn Xô bây giờ ra sao? Mấy năm trước, tôi được tin Xô ngồi trước chợ Đơn Dương vá giầy dép khi không còn được phép dạy học nữa. Người kể chuyện nói Xô ngồi trước chợ vá giầy, cười rộng miệng, ngâm thơ, ngạo nghễ như hảo hán thời Xuân Thu. Khách vá giầy luôn gọi anh là “thầy”, rất kính nể. Chao ơi! Kẻ sĩ đời nay vẫn còn bị đọa đày đến thế sao? Năm nay không biết Nguyễn Văn Xô còn được ở đó không nữa? Phùng Quyên có còn trầm ngâm giữa rừng thông Cầu Đất? Không biết bây giờ ai ở ngôi nhà gỗ mầu xanh đường Nguyễn Công Trứ? Ngôi nhà đó còn không? Cô em họ ngày xưa bây giờ lưu lạc phương nào? Cô có còn nhớ tới Sơn và những bài thơ anh viết không? Còn Sơn, Sơn vẫn phiêu phiêu hốt hốt ở Phương Bối Am. Dù đời sống vô cùng gian nan vất vả, Sơn vẫn còn thơ, Sơn vẫn là thơ.

Nhìn lại lịch sử, nhân loại còn gì đâu. Duy chỉ còn thơ mà thôi. Trong đó có thơ Nguyễn Đức Sơn, riêng một cõi.

Thơ gửi Nguyễn Đức Sơn

rượu rót ra ba chén
một đặt mời vầng trăng
trăng lên đêm bàng bạc
một uống lòng mang mang

bằng hữu phương nào nhỉ
không cùng soi ánh trăng
rừng xưa mù sương núi
vời vợi ngoài trùng dương

rượu uống như nước mắt
lòng có nghìn dao đâm
trăng sâu trong đáy chén
rượu sầu men trăm năm

chiều xưa về góc núi
đứng trông mù sương bay
gió đêm gào qua mái
còn lộng cuồng đêm nay

trong núi có thơ cổ
gió huyền hoặc ngân lời
đêm soi mình trên vách
thấy những dòng mây trôi

rượu uống thêm hai chén
lòng già thêm muôn năm
bên trời cùng một lứa
nhớ nhau lệ đầm đầm

thời loạn làm thi sĩ
thơ thành lời tiên tri
tịnh khẩu đi vào núi
giỡn vầng trăng dưới khe

rượu rót thêm ba chén
uống cạn lòng mang mang
đọc lời thơ thuở nọ
sương đêm nhoè bóng trăng

(Bùi Ngọc Tuấn)


Nguồn: Khởi Hành số 71, tháng 9.2002