© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
9.10.2006
Quỳnh Thi
Vài nét ở Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ II
 
Hội nghị

Trong hai ngày (4-5 tháng 10) Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ II với tiêu đề “Phát huy thành tựu đổi mới văn học, phấn đấu có thêm tác phẩm chất lượng cao” đã được ba bộ đồng tình tổ chức tại Ðồ Sơn với sự tham gia đồng tổ chức của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. “Ba bộ” đây là Văn hoá Thông tin, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Trên 300 giấy mời được gửi tới các thành phần tham dự trong cả nước, con số thực dự trên 200 người.

Sau bữa trưa ngày 3/10, đại biểu chia làm hai đoàn, một đi thăm mộ danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, một tham quan khu thiên nhiên Hòn Dấu và Casino Ðồ Sơn. Tối cùng ngày có họp báo. Trong ngày, các đại biểu được tặng tạp chí Cửa Biển (của Hải Phòng), báo Văn Nghệ... những tờ tỏ ra nhanh nhậy, đã có một vài tham luận, trích tham luận, ý kiến của một số nhân vật...


Diễn đàn

Bà Vũ Giáng Hương đọc diễn văn khai mạc. Sau đó là phần giới thiệu đại biểu (có ông Ðào Duy Quát, Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương; ông Dương Anh Ðiền, Phó Bí thư Thành uỷ Hải Phòng; bà Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật). Tiếp đến ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lên diễn đàn nêu mục đích lý do, rồi hội nghị nghe phát biểu của ông Dương Danh Ðiền và ông Ðào Duy Quát. Mỗi ông nói khoảng 10 phút (theo quy chế hội nghị, mỗi bài phát biểu hay tham luận không dài quá 15 phút. Nếu tác giả có bài dài hơn thì phải tóm tắt các ý chính, dành thời gian đọc những chỗ cần nhấn mạnh. Trong phát biểu của vị lãnh đạo tư tưởng văn hoá trung ương có câu: “Đây là việc rất có ý nghĩa trong đời sống văn học thời kỳ đổi mới”. Ông nhắc đến “con đường mà Ðảng lãnh đạo và nhân dân đã chọn” là: “xây dựng chủ nghĩa xã hội với quy luật kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ông nhắc đến sự yếu kém của công tác lý luận phê bình trong thời kỳ qua, và một trong những nguyên nhân, ấy là cơ quan lãnh đạo chưa nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của hoạt động này, chưa có một chính sách thoả đáng, chưa đầu tư đúng tầm... để có tác phẩm lý luận phê bình chất lượng cao.

Ông Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch (gồm ông Hữu Thỉnh, ông Nguyễn Trí Huân, ông Lê Thành Nghị - nhà lý luận phê bình, phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội): “Cảm ơn ý kiến chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Ðào Duy Quát”.

Ông Nguyễn Văn Hạnh là người đầu tiên, được mời lên bục diễn đàn. Ông đọc bản tham luận có tiêu đề “Tự do tư tưởng - Tự do sáng tạo và hoạt động văn học nghệ thuật”. Ông nhấn mạnh “Không có tự do tư tưởng, tự do sáng tạo thì không nhà văn nào có thể tạo nên những công trình có giá trị thể hiện được tài năng, phẩm giá của mình. Ngay từ ngày đầu cách mạng, chúng ta đã nêu cao các ý tưởng, cũng là mục tiêu chiến đấu lớn: độc lập, tự do, hạnh phúc. Nhưng tự do ở đây là tự do cho dân tộc, cho đất nước. Mà tự do của cộng đồng và tự do cá nhân không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Có thể cộng đồng tự do mà cá nhân không tự do. Nhưng nếu mọi cá nhân tự do thì cộng đồng nhất định sẽ tự do, vì theo tinh thần của Tuyên ngôn Cộng sản, tự do của mỗi người là điều kiện để phát triển tự do cho tất cả mọi người...”. Bài tham luận của ông Hạnh dài hơn 2000 từ, vừa phân tích các khái niệm tự do như thế vừa phát triển cái logic không có tự do tư tưởng và tự do sáng tạo (theo ông là những điều kiện cơ bản) thì không có công trình có giá trị... Mới đến nửa chừng của bản tham luận đã bắt đầu mất trật tự. Có ai đó nói: “Về hưu rồi ông mới bàn đến tự do. Nếu trước đây biết nghệ sĩ không có tự do thì không đẻ được thì ông thôi nhiệm Phó ban Tư tưởng Văn hoá Thành phố mới phải”. Lại có người bảo: “Con người ta là tiến hoá hàng ngày. Cổ nhân từng nói ‘kẻ sĩ ba ngày không gặp, đã khác’ đấy thôi”.

Cũng xin nói thêm: Theo danh sách, thấy trên 60 bản tham luận. Nếu chia cho 3 buổi, mỗi buổi cật lực 3 giờ, mỗi giờ 4 người thì sẽ chỉ có trên 30 tham luận sẽ được trình bày. Ban tổ chức cho biết những tham luận đọc hay không đọc hôm nay đều được in lại, xuất bản và lưu trữ. Ban tổ chức cũng hy vọng các đại biểu tham dự không chỉ đọc những bản viết sẵn mà khuyến khích tranh luận, trao đổi trực tiếp, nói vo càng hay. Các máy quay VTV, VTC... liên tục chĩa ống kính vào các tham luận viên đang đọc trên bục và vào các đại biểu đứng ngoài hành lang. Có vẻ như lý luận văn học là rất quan trọng thật...

Tôi không thể liệt kê ra đây toàn bộ những tên tuổi đã đứng trên diễn đàn và toàn bộ danh sách tham luận đã gửi đến hộI nghị chỉ vì ngại bài này sẽ dài quá. (Nhưng bạn đọc quan tâm thì tìm trong các tạp chí, báo, kỷ yếu được phát hành trong dịp này, chắc là phải đầy đủ.)


Chất và số lượng tham luận

Sau Nguyễn Văn Hạnh là những: Vũ Tú Nam - “Coi trọng dòng văn học tư liệu”; Phong Lê - “Hai mươi năm đổi mới nhìn từ lực lượng viết”; Lâm Tiến - “Văn học các dân tộc thiểu số, thành tựu và tồn tại”; Ngô Thảo - “Rất cần các nhà phê bình”; Văn Giá - “Sex với những xúc cảm thiêng liêng”; Thuý Toàn - “Giới nghiên cứu lý luận phê bình cũng nên quan tâm đến mảng sách văn học dịch”; Nguyễn Văn Dân - “Lý luận phê bình văn học, nhìn lại 20 năm đổi mới”; Nguyễn Hữu Nhàn - “Nói thật hay...”; Lại Nguyên Ân -“Phê bình văn nghệ trong đời sống xã hội”; Vân Long - “Nhà thơ và công chúng”; Nguyễn Xuân Khánh -“Tâm sự của một nhà văn với lý luận phê bình”; Lê Ðạt - “Một văn hoá mới”; Nguyễn Khắc Phê - “Ðừng lệ thuộc, đừng tự trói mình vào bất cứ ‘chủ nghĩa’ và ‘phương pháp sáng tác’ nào”; Nguyễn Ðăng Mạnh - “Mấy nhận xét về tình hình phê bình văn học hiện nay”; Inrasara - “Thơ hậu đổi mới, đã và đang... khủng hoảng”; Thi Hoàng - “Hai mươi năm đổi mới thơ bây giờ...”; Hoàng Quốc Hải - “Những vướng mắc thường gặp trong sáng tác”; Hoàng Hưng “Tự do sáng tạo và sự điều chỉnh của xã hội”; Huệ Chi “...”; Từ Sơn “....”; và Nguyễn Hoà - “20 năm lý luận phê bình, ngày rất gần và chuyện chưa xa”...

Bạn đọc sẽ thấy ở đây có hai người tôi để ngỏ với dấu ngoặc kép và dấu ba chấm “...”, bởi tôi khó có thể tóm lược những điều rất sinh động mà 2 tham luận viên Huệ Chi và Từ Sơn “nói vo” trong 15 phút. Nhưng phải thừa nhận, đó cũng là hai người nói vo duy nhất ở hội nghị mà trong vài ba phút đầu đã tạo được cái không khí muốn lắng nghe.

Khi Huệ Chi thấy nhắc tên mình chuẩn bị, ông cười cười trong hàng ghế: “mấy cái mình định nói thì Hoàng Hưng vừa nói xong mất rồi”. Tuy nhiên, đến lượt, ông cũng bước lên: Rành mạch, súc tích, ông nói đến sự tự ý thức về tự do của mỗi người cầm bút. Ông nhấn mạnh đến hai căn bệnh cơ bản của giới cầm bút đó là bệnh tự lệ thuộc và bệnh “ăn dâu són ra dâu”. Ông nói, nhà phê bình thì phải chắc lý luận, nhà sáng tác văn học cũng có thể lý luận phê bình, phê bình như cách Nguyễn Khắc Phê là lối trực cảm lý thuyết đôi khi cũng sinh động và gần gũi. Ông đề nghị công khai hơn sự vứt bỏ khẩu hiệu “văn nghệ phục vụ chính trị”, khẳng định rằng văn học bao giờ cũng viết từ trái tim và trái tim đó thuộc về cộng đồng của mình. Ông nói thêm về sự tồn tại hữu ích của tổ chức Hội Nhà văn trong giai đoạn lịch sử hiện tại. Ông nói rằng những người tham gia Ban Chấp hành là những người vất vả và phải chịu nhiều áp lực, những áp lực từ lịch sử khách quan và cả những áp lực khác vốn có của mọi tổ chức...

Sau, đến nhà văn Từ Sơn. Không có giọng hào sảng như Huệ Chi, giọng trầm ấm của ông đưa ra một vấn đề tưởng nhỏ mà rất... đáng chú ý. Ðó là: thiết chế văn hoá chưa thích hợp với yêu cầu phát triển. Ông chia sẻ ý kiến của Lại Nguyên Ân. (Diễn nôm ra, theo ông độc quyền là nguyên nhân và trở ngại lớn nhất của sáng tạo.) Ông nói: Nên hình thành các tập hợp nhỏ theo khuynh hướng và hứng thú sáng tạo. Tạo các diễn đàn mới. Nên có báo chí và xuất bản của các nhóm (trường phái). Ông khẳng định: “Nhà văn 100% là yêu nước, gắn bó với dân tộc. Không có phẩm chất này là tự sát”. Xu thế tất yếu là cổ phần hoá (cả trong lĩnh vực báo chí xuất bản như mọi hoạt động khác của đời sống) để tăng trách nhiệm cá nhân trước xã hội. Ông đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Văn Nghệ mở trang web.

Cho phép tôi không giải thích vì sao Huệ Chi và Từ Sơn lại được chú ý. Cũng như Lê Ðạt, Hoàng Hưng, Bùi Ngọc Tấn... khiến cho hội trường im lặng đôi chút. Còn thì rất mất trật tự - đến nỗi một phóng viên đã dẫn lời Văn Giá trên VietNamNet rằng “hội nghị gồm 3 phần: lễ, hội và chợ”. Nhưng không khí im lặng chờ đợi lại xuất hiện khi nghe Chủ tịch đoàn nhắc tên Nguyễn Hoà. Trước đó, ở ngoài hành lang có phát không số báo Văn Nghệ Trẻ. Trong số này, ngoài những tham luận toàn văn hoặc trích thì có hai bài, một của Nguyễn Hoà “Khi nhà thơ ‘nổi cơn tam bành’ và... ‘trông gà hoá cuốc’”, một của Trịnh Thanh Sơn (nhà thơ) “Trả lời ông Nguyễn Hoà nhân đọc bài ‘Khi nhà thơ...’”. Có người còn lo ngại một trận tranh luận có màu sắc quả thụi. Song, cái kiểu đoán nhầm như thế đã nhanh chóng được giải toả trước một Nguyễn Hoà hùng hồn, mạnh mẽ, ráo riết.

Tôi cũng phải nhắc đến không khí hội nghị trong bài phát biểu tham luận của Phạm Quang Trung: “Rất cần một hệ thống lý luận văn chương dành cho nhà văn”. Ban đầu, cũng chuyện ai người ấy nói với bạn ngồi bên, ồn ào và phân tán. Nhưng khi Phạm Quang Trung nói được nửa chừng, rồi phân tích thêm về tự do, ý thức tự do, về khả năng sáng tác, thái độ ứng xử với hệ thống và đời sống xã hội v.v. của nhà văn thì đã 6 lần bị hội trường vỗ tay kèm theo tiếng hô “Thôi!”, “Thôi, xuống đi. Dưới này không phải là học sinh của ông ở Ðà Lạt đâu!”.

Song, cũng cái cách nói trên bục giảng của người đã từng là giảng viên như Nguyễn Hoà, một tay chém nhẹ vào không khí mỗi khi có một ý muốn nhấn mạnh, Nguyễn Hoà đã “thuận buồm xuôi gió” trước sự lắng nghe của cử toạ với một bản tham luận dài khoảng 6000 từ. Sau 6000 từ là nói vo. Cũng rất mạch lạc, rõ ràng, có khẩu khí bổng trầm của một người biết tham luận. Tuy nhiên, tham luận của Nguyễn Hoà dù được coi là một trong những tham luận chắc tay, có tính chuyên nghiệp nhất của hội nghị lại bộc lộ một thiếu sót lớn. Theo tôi, với một nhà nghiên cứu thì cơ sở của nghiên cứu là tính khoa học của vấn đề chứ không phải là vị trí của anh ta trong đội ngũ. Nếu không thì còn đâu là khoa học nữa, và nhất định sẽ rơi vào bè phái, cục bộ...

Nguyễn Hoà đã hoàn toàn không nhắc đến những tác phẩm của các tác giả được đánh giá cao thời kỳ đổi mới như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài... Có người cho rằng, không thể bắt một nhà nghiên cứu phải nghiên cứu tất cả. Dĩ nhiên. Song, với tiêu chí do chính Nguyễn Hoà đặt ra “20 năm lý luận phê bình...” và tiêu chí của hội nghị là “phát huy thành tựu đổi mới văn học...”, hơn nữa ông lại là người ở báo Nhân Dân, tờ báo luôn coi là đã đưa ra những ý kiến chính thống, và nhất là dù còn trẻ nhưng ông cũng có cái uy nhất định trong hàng ngũ người viết lý luận phê bình thì không thể nói như vậy là đầy đủ và có tính khoa học được. Phải chăng, ông ý thức về ý nghĩa (đã ghi trên các đề dẫn của hội nghị) là; “mở đầu cho chương trình hành động của toàn giới nhà văn nhằm đưa Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng vào đời sống văn học”? Và, ông đã ý thức về vị trí cầm bút của mình?

Trong tham luận của mình, nhà văn của Chuyện kể năm 2000 có nhắc đến nỗi oan ức của ông, sách bị nghiền thành giấy vụn cách đây 6 năm. Ông đề nghị, các nhà quản lý phải trả lời ông tại sao lại thế? Nếu cần hãy mở một phiên toà. Ông gửi đơn xin cấp phép để tự tái bản cuốn sách đó... Nhiều tham luận khác cũng đã nêu ý kiến chia sẻ với ông, riêng khi ông ngừng nói trên diễn đàn tiếng vỗ tay đồng tình với ông đã vang lên.

Cũng không nên quên trường hợp tham luận của ông Vũ Hạnh. Ông cũng tham luận kiểu nói vo. Sau khi nói về tự do, tự do sáng tác, ý thức công dân của nhà văn ông nhấn mạnh đến sự xuống cấp một của số cây bút và một số nhà quản lý xuất bản. Ông nói: “Những kẻ viết bôi nhọ tổ quốc là lập tức được Ðại sứ quán Mỹ mời đến ăn tiệc... Tôi đã cảnh cáo Ðại sứ quán Mỹ... Còn về xuất bản thì sao, những cuốn sách trước 75 giờ đây được in lại rất nhiều, chỉ một vài cuốn chống cộng sản quá lộ liễu thì mới không, còn lại là in tất... Tôi được giao nhiệm vụ... nhưng không xuể với tình trạng xuất bản lậu hiện nay... Tôi không phải là đảng viên nhưng thấy cái gì... là tôi cũng báo cáo Thành uỷ...”. Có tiếng nói nhỏ sát bên tôi: “Sao vẫn còn cái nhìn cũ rích từ trước 75 thế nhỉ?... Chết với ông ta chưa? Bây giờ, giả dụ được mời cơm ở Ðại sứ quán Mỹ nhân Việt Nam gia nhập WTO thì sẽ phải báo cáo với ông ấy thế nào?”


Hội nghị thành công?

Tôi không phải là người thấy hội nghị nào cũng thành công rực rỡ như người ta vẫn nói. Song, tôi vẫn nói rằng cần phải có những hội nghị tương tự vì tôi không tin người Việt Nam có khả năng nhảy vọt, có nhiều nhân tài cô đơn, tự khắc và tự tiến. Những người tổ chức hội nghị đã rất cố gắng, đã rất chu đáo và có lẽ thực lòng họ đã rất hy vọng vào cái tâm và cái tầm của các nhà văn, nhà lý luận-phê bình văn học Việt Nam. Ăn thì ngon. Biển thì đẹp. Khách sạn để ở thì tiện nghi không thiếu. Ðề dẫn của Ban tổ chức cũng bày tỏ: ai có thể nói thì nói, nói đừng quá thời gian trong quy chế, đừng xúc phạm cá nhân. Ai không nói thì gửi tham luận viết. Ai không viết, không nói thì hẳn nhiên là nghe. Song hội nghị ít người nghe quá. Hay tại vì ít những bản tham luận thực sự có lý luận và có sức thuyết phục? Hoặc đã phải ngồi nghe một cách vất vả trong sự mất trật tự? Phải chăng mất trật tự là một phẩm tính không thể thiếu của nhà văn? Hay tại bởi diễn giả của ta chưa biết gây sự chú ý? Hay phải đưa tất cả các đại biểu đi tham quan những hội nghị ở nước ngoài để học cách làm một diễn giả, một thính giả, một người dự thính và một nhà truyền thông hội nghị?

Nếu hội nghị chỉ là những gặp gỡ vui vẻ, cọ sát trao đổi thật sự nhưng diễn ra tại hành lang (có thể cũng là một cách để đạt hiệu quả) thì Hội nghị LLPBVH lần thứ II được coi là thành công. Song, nếu là một hội nghị chuyên ngành, dành cho người có khả năng chuyên nghiệp, có thái độ chuyên nghiệp với những hoạt động của cả một giới thì có nhiều điều chưa chấp nhận được.

Trong tư cách cá nhân của mình, tôi xin đề nghị những hội nghị sau không nên mời quá đông người. Nếu vẫn cần phải đông thì chia nhóm, và thêm thời gian. Chữ nghĩa trong lý luận không phải là ca từ, diễn giả không làm được như ca sĩ trong suốt thời gian tham luận. Và cũng xin những ai không muốn nghe, không muốn thấy những gì diễn ra trong hội nghị (vì nó chưa hoàn chỉnh, chưa hấp dẫn) thì đừng đến. Ðến như thế vừa mất thời giờ của bản thân lại tốn tiền của nhà nước.

Và tôi cũng muốn nhắc đến những người đã không đến, dù được mời nhưng đã gửi tham luận, đã đóng góp ý kiến trên các trang báo. Có lẽ họ bận một công việc nào đó quan trọng hơn... Ðọc những tham luận, những ý kiến đó tôi nghĩ, có thể họ đã đoán ra cái không khí tôi vừa kể, cho rằng ở nhà còn hiệu quả hơn lại không mang tiếng tiêu tiền của dân. (Vâng, kinh phí hội nghị do nhà nước cấp. Tiền nhà nước là do dân đóng thuế mà có, chứ ở đâu nữa nào?)

Vâng. Tôi cũng đã đi từng bước khó nhọc trong sự thăng tiến nhận thức, cũng đã từng vô ý thức trong một số hội nghị nào đó. Tôi xin viết ra hôm nay như là một chia sẻ và để cùng đổi mới.

© 2006 talawas