© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
10.10.2006
Lê Tất Điều
Thần dược trừ khủng bố
 
Tổng thống Bush tuyên bố biến Iraq thành nước dân chủ kiểu mẫu để dân Trung đông bắt chước, khiến Mỹ có thể dân chủ hoá toàn vùng. Chuyện ấy ngớ ngẩn, nhưng mới là chiến thuật nhỏ, nằm trong chiến lược lớn: dân chủ hoá toàn cầu, đưa tới mục tiêu vĩ đại: thế giới thanh bình an lạc. Vì ông Bush tin rằng tự do dân chủ là thần dược diệt trừ khủng bố.

Ngoài những bài diễn văn, bất cứ có dịp nào nói dài dài một chút, đủ để khoe sự nghiệp lớn của triều đại mình, ông Bush đều nêu rõ cái chiến lược, mục tiêu hiếm thấy trong lịch sử Hoa Kỳ: Mỹ sẽ triệt hạ các bạo chúa, các chế độ độc tài và gieo rắc tự do dân chủ khắp thế giới. Khi công nghiệp vĩ đại đó hoàn tất thì cái giống khủng bố sẽ bị thuốc dân chủ tiêu diệt hết trơn.

Ai chỉ cho ông Bush môn thuốc kỳ diệu này?

Tháng 2/05 để gián tiếp báo tin mừng cho dân chúng là Tổng thống Bush đã bỏ được tật xấu không đọc sách, toà Bạch Ốc tiết lộ với Wall Street Journal tên hai cuốn sách ông đang đọc say sưa: cuốn I am Charlotte Simmons của Tom Wolfe và cuốn The Case For Democracy của Natan Sharansky. Đồng thời Amity Shlaes của tờ Financial Times, viết rõ hơn, “President George W. Bush has said that his plan to democratize the Middle East was inspired by Natan Sharansky, the former Soviet dissident and now Israeli politician. Indeed, Mr. Bush has made Mr. Sharansky’s recent book, The Case For Democracy, his own Middle East Bible.

Không biết ai xúi ông đọc Tom Wolfe, nhưng Sharansky thì tôi tin chắc Đảng Cực hữu đã giới thiệu cả người lẫn sách cho Tổng thống để ông học tập đường lối lãnh đạo đúng chính sách của đảng. The Case For Democracy: The Power of Freedom to Overcome Tyranny and Terror là Thánh kinh Trung Đông của quí ông bà cực hữu từ lâu.

Sharansky là chiến sĩ lừng danh chống độc tài cộng sản, bị giam 9 năm tại Gulag ở Nga. Sau, ông trở thành chính trị gia nặng ký của Do Thái, từng giữ chức Phó Thủ tướng. Ông viết chung cuốn này với Ron Dermer.

Lý thuyết của ông nghe rất hay: Trong một nước tự do dân chủ, người dân không bị chèn ép, đàn áp tàn bạo. Bất mãn, oan ức thì có nhiều cách phản đối không cần đến bạo lực. Lá phiếu có sức thay đổi lãnh đạo an toàn, đẹp đẽ hơn chiến thuật khủng bố. Người dân được đối xử công bình, sống thoải mái, chuyện bất mãn, thù hận trong xã hội cũng giảm đi nhiều.

Các nước tự do dân chủ cũng thường sống hoà bình với nhau, ít có chuyện anh này thình lình gây hấn với anh kia. Nhà lãnh đạo độc tài có thể tùy hứng một mình quyết định chuyện tuyên chiến, khởi chiến với lân bang. Trong một nước dân chủ, chuyện ấy phải thảo luận với Quốc hội, nghĩa là hỏi ý dân. Ý dân thường không thích chiến tranh, thế là nhà lãnh đạo đành ngậm ngùi dẹp bỏ nhu cầu, sở thích được chém giết, để miễn cưỡng chấp nhận hoà bình.

Tóm lại: chế độ dân chủ không tạo ra khủng bố mà cả nước cũng không dễ bị lùa đi gây hấn, đánh đấm, khủng bố các nước khác.

Lý thuyết hay, nhưng thực tế không hay ho như thế. Mỹ dân chủ, tự do quá trời, nhưng muốn đem bom đạn đi đánh chiếm A Phú Hãn, Iraq thì cũng dễ thôi, nếu tìm được lý do chính đáng để thuyết phục dân. Sau đại hoạ 9/11 dân Mỹ hãi hùng, ông Bush cứ việc chỉ tay vào bất cứ chỗ nào, hô hoán lên “khủng bố đấy” là muốn sai quân đội đi đánh giết ở đâu cũng được. Anh, Ý cũng tự do dân chủ hết xẩy, lại không có thù riêng với Bin Laden, nhưng là đồng minh gắn bó quyền lợi và an ninh với Mỹ, cũng “Tổng thống Mỹ chỉ đâu đánh đó”.

Tự do, dân chủ làm hận thù, tranh chấp giảm đi nhiều, nhưng bảo nó tiêu diệt hết mọi hận thù như trong diễn văn của ông Bush thì ngây thơ lắm. Hận thù, xung đột có nhiều bà mẹ khác nhau, chế độ độc tài chỉ là một. Bà mẹ độc tài nổi bật vì mắn đẻ, hơi đông con một tí.

Tuy nhiên, khi ông Bush tuyên bố sẽ đem lý thuyết Sharansky ra thực hành tạo hoà bình cho toàn thế giới thì cả nước phục lăn. Những ông bà Đảng Dân chủ to mồm nhất cũng nín khe, không dám hó hé tỏ sự ngờ vực. Ông Bush khoe chiến lược mới trong diễn văn đọc trước Liên Hiệp Quốc, đại diện các quốc gia lớn nhỏ năm châu không ai phì cười.

Tôi chỉ gặp được hai bài chê thuốc trừ khủng bố của ông Bush hơi nặng.

Mark Helprin, tác giả cuốn The Pacific and Other Stories (Penguin, 2004) trong bài “Our Blindness” (Sự mù loà của chúng ta) trên tờ Wall Street Journal ngày 24 tháng Giêng, 2005, có những phân tích sâu sắc, tinh tế và chê chiến lược toàn cầu của ông Bush như sau: “… no law of nature says a democracy is incapable of supporting terrorism, so even if every Islamic capital were to become a kind of Westminster with curlicues, the objective of suppressing terrorism might still find it death in the inadequacy of the premise. Even if all the Islamic states became democracies, the kind of democracies they might become might not be the kind of democracies wrongly presumed to be incapable of supporting terrorism.”

Mark Helprin nhắc triều đình ông Bush là chẳng có luật thiên nhiên nào bảo rằng chế độ dân chủ mất khả năng yểm trợ khủng bố, rằng nếu tất cả các nước Hồi giáo được dân chủ hết trơn thì cũng đừng bé cái lầm, tưởng bở rằng loại dân chủ ấy sẽ mất tiêu khả năng yểm trợ khủng bố. Cũng trong bài này, Helprin quạt luôn cái chiến thuật “Dân chủ kiểu mẫu” của Paul Wolfowitz: “And if Iraq were to become the kind of democracy that is the kind wrongly presumed (and for more than a short period), there is no evidence whatsoever that another Arab or Islamic states, without benefits of occupying armies, would follow. And if they did, how long might it last? They do not need Iraq as an example, they have Britain and Denmark, and their problem is not that they require a demonstration, but rather their culture, history, and secret police.”

Hai tháng sau, ngày 5 tháng 3/05, Harvey Morris, trưởng văn phòng đại diện tờ Financial Times ở Jerusalem viết:

“One has to look no further than the election in Iraq. The satisfaction felt by the US administration when millions of Iraqis turned up at polling stations in defiance of insurgent threats was tempered by results that showed a majority had shunned Washington’s preferred candidates in favour of a clergy-backed Shia slate.

The trouble with democracy is that, given a free choice, electorates will often make the “wrong” one, opting for whichever option best challenges the status quo. In many parts of the Middle East, that means the Islamists.

Similar shocks might be in store if and when democracy advances elsewhere in the region. Should the Islamic Hamas party contest Palestinian parliamentary election in July, it will almost certainly dent the secular Fatah movement’s dominance.

… In Lebanon, where street demonstration have forced the resignation of a pro-Damascus cabinet, there is no guarantee that an eventual withdrawal of the Syrian army will not strengthen the legitimacy of Hizbollah, which Washington also regards as a terrorist organization.”

Chưa đầy một năm sau, thời cuộc diễn ra đúng như các ông Helprin, Morris phân tích, tiên đoán. Thực tế còn thê thảm hơn dự kiến của hai vị. Palestine sau khi được Mỹ cho uống thuốc dân chủ thì có ngay chính phủ Hamas, không phải chỉ yểm trợ khủng bố, mà chính là một tổ chức khủng bố đàng hoàng. Thế là bà Ngoại trưởng Rice vừa phải leo lẻo ca ngợi chiến lược dân chủ hoá Trung Đông của Tổng thống Bush vẫn hay quá là hay, khôn quá là khôn, vừa lo tất tả ngược xuôi vận động cả thế giới phong toả, bóp mũi, bỏ đói cháu bé dân chủ sơ sinh này cho nó chết lẹ, khỏi làm phiền đồng minh Do Thái.

Còn hai nước tân dân chủ Iraq và A Phú Hãn thì ôi thôi, dân Iraq liều mình đội bom đạn, thách thức khủng bố đi bầu nhiều lần hăng hơn cả dân Mỹ, tân chính phủ, quốc hội đã ngồi đầy trong Green Zone, chiến tranh vẫn càng thêm dữ dội, chẳng biết đến thời tổng thống Mỹ nào mới có hoà bình.

Thần dược gì mà kỳ vậy?

Thuốc tự do dân chủ hay dở thế nào, Natan Sharansky là bác sĩ giỏi hay lang băm hạng bét? Chuyện ấy cần phân tích luận bàn dài dòng, sẽ nói sau.

Hãy nói về cái hoạ trước mắt: Tổng thống Bush đang cho nước Mỹ uống lộn thuốc.

Cho dù thuốc Sharansky rất công hiệu, có khả năng tiêu diệt nạn khủng bố trong các nước dân chủ tự do, như thầy lang hứa hẹn, nó vẫn không thể trừ được loại khủng bố Mỹ đang cần trừ như Bin Laden.

Độc tài, bạo chúa tạo ra phản kháng, chống đối, khủng bố, Sharansky nói đúng. Nhưng cẩn thận, loại khủng bố đó thường được chúng ta gọi một cách thân ái và kính trọng là “chiến sĩ của tự do”, những “nhà dân chủ”, những “anh hùng phản kháng” v.v… Họ vùng lên chống độc tài, Natan Sharansky là một trong những vị ấy. Chống đối ôn hoà hay dùng bạo lực, họ chỉ nhắm vào bạo quyền đang đàn áp, đầy ải dân tộc họ mà thôi. Không có ai vì căm thù, chống đối chính phủ độc tài của mình mà đùng đùng ôm bom đi tấn công giết dân nước… khác.

Saudi Arabia là nước quân chủ chuyên chế, nhưng Bin Laden không là nạn nhân của chế độ. Gia đình giầu có, thuộc thành phần trí thức được ưu đãi, hắn không chống đối những vua chúa của Saudi Arabia về tội độc tài, và có lẽ cũng không quan tâm gì đến nhân quyền, nữ quyền của dân tộc mình. Hắn chỉ lên án chính phủ Saudi Arabia về tội thân Mỹ.

Mà giả thử Bin Laden thực sự là nạn nhân của chế độ, bất mãn vì thiếu tự do dân chủ, thì hắn phải khủng bố triều đình Saudi Arabia chứ sao lại tối ngày tính kế đem bom qua Nữu Ước giết dân Mỹ!

Cả thế giới có dân chủ, tự do, những tên khủng bố kiểu Bin Laden thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Không vì Mỹ chưa có thể chế tự do dân chủ toàn hảo, mà vì chính quyền Mỹ không ăn ở, xử sự tử tế, đúng như ý muốn của những tên ấy.

Lý do thù Mỹ, Bin Laden nói rõ ngay từ đầu: Mỹ đóng quân trên đất Saudi Arabia. Hắn coi quê hương mình là thánh địa, không muốn gót giầy binh lính ngoại quốc, nhất là binh sĩ Mỹ, làm dơ dáy. Mười lăm trong số 19 tên khủng bố 9/11 là đồng hương, đồng chí của Bin Laden. Rồi để có chính nghĩa bành trướng đoàn quân khủng bố, hắn thêm dần những chuyện Mỹ tiếp tay Do Thái đàn áp Palestine, Mỹ mở thánh chiến chống Hồi giáo v.v…

Do đó nếu có theo đúng sách Sharansky, đem quân đánh chiếm Saudi Arabia, biến nước này thành dân chủ kiểu mẫu, thuốc dân chủ tự do sẽ không làm loại khủng bố như Bin Laden suy giảm lòng căm thù.

Cũng như Mỹ dân chủ tự do hạng nhất thế giới mấy trăm năm rồi, vẫn không thoát nạn khủng bố của Tim MacVeigh, Eric Rudolph hay Edgar Ray Killen.

McVeigh giận chính phủ vụ tấn công ở Waco, đặt bom giết gần hai trăm người. Rudolph căm thù người đồng tính luyến ái, những vụ phá thai, cũng khủng bố bằng bom, làm chết vài người. Killen kỳ thị dân da đen, không muốn họ có dân quyền, nhân quyền, cũng ra tay giết luôn ba mạng. Căm thù chính quyền Mỹ như Tim Mc Veigh, Bin Laden hay chỉ thù ghét một nhóm người Mỹ riêng biệt như Rudolph, Killen, loại khủng bố này thuốc Sharansky không trừ được. Ở đây, thể chế quốc gia chẳng dính dáng gì tới nguyên do phát sinh thù hận.

Mà càng tự do dân chủ thì loại khủng bố này càng dễ sinh sôi nẩy nở. Chúng được hưởng nhiều tự do khi âm mưu, sửa soạn tấn công (nguyên liệu chế bom, súng đạn mua dễ dàng), được pháp luật che chở khỏi bị trừng phạt quá đáng khi bị bắt, và có quyền tự do ngôn luận để tha hồ tuyên truyền, dụ khị người khác đi theo chủ trương đường lối kỳ thị, căm thù của mình. Trên đất tự do, quyền gieo mầm thù hận được bảo vệ kỹ như quyền trồng hoa yêu thương.

Cứ vào thăm khu rừng Website, đọc văn chương của những trùm kỳ thị chủng tộc, những lãnh tụ đảng “Da trắng là thượng đẳng”, những văn sĩ KKK… thì biết tinh thần thù hận kiểu Edgar Ray Killen sẽ còn tồn tại trong nhiều thế hệ thanh niên Mỹ. Cứ nghe lời giảng dạy của những bậc tu hành về tội lỗi của người đồng tính luyến ái, nghe họ hùng hồn ghép tội giết trẻ con cho bác sĩ phá thai thì biết trong tương lai, những tân Eric Rudolph còn xuất hiện đều đều.

Trái lại, trong chế độ độc tài, khủng bố khó hoạt động, mà cũng khó sống. Các bạo quyền, bạo chúa giữ độc quyền hành nghề khủng bố, gieo rắc kinh hoàng. Dân đen có hành động chống đối, gây rối loạn, bị bắt đã đành, mới hé lộ tí ti tư tưởng “phản động” cũng bị cum luôn. Nhiều khi, mới bị “nghi” có tư tưởng hắc ám, đã bị tóm cổ, giam giữ mút mùa. Thế nên trong những nước độc tài như Cuba, Bắc Hàn, Trung Cộng, loại khủng bố kiểu Bin Laden, hay Eric Rudolph rất hiếm.

Thành ra, để đối phó hữu hiệu với loại ấy, cần làm… ngược lời dậy của thầy Sharansky, phải bớt tự do dân chủ đi, mà tăng thêm cái khoản độc tài, độc đoán.

Thế mới phiền. Khó cho lũ phó thường dân chúng tôi quá. Chẳng lẽ, để tiếp tay chính phủ Mỹ diệt trừ khủng bố, bà con phải xúm nhau viết thư khuyên Tổng thống Bush dẹp bớt dân quyền, nhân quyền đi?

Khỏi lo. Đừng dại dột làm thế, Phó Tổng thống Dick Cheney cười cho vỡ mặt. Chuyện ấy, chính phủ Mỹ và cả chính phủ Anh đã làm rồi.

Sau vụ khủng bố ở Luân Đôn ngày 7-7-05, do chính những công dân Anh gây ra, thủ tướng Tony Blair vội đòi Quốc hội chấp thuận đạo luật mới, hơi thiếu tự do dân chủ một tí, là nhà nước từ nay có quyền giam người ba tháng không kết tội, lập những phiên xử bí mật (secret trials), bố ráp đều đều những nhóm quá khích, đóng cửa một số tiệm sách. Và tu sĩ Hồi giáo nào tuyên truyền bậy bạ, ca ngợi hành động đánh bom tự sát, sẽ lập tức bị tống cổ ra khỏi nước Anh, trả về nguyên quán, hoặc gửi đến một quốc gia có công an được phép tra tấn tù binh cho các ngài đau quá quên luôn quyền tự do ngôn luận đi. Thủ tướng Blair cũng doạ sẽ coi lại đạo luật Nhân Quyền, chắc là để tịch thu bớt những quyền tự do gây nguy hại cho việc chống khủng bố.

Tổng thống Bush còn ngon hơn. Ông cho phép nghe lén khỏi cần án lệnh toà như luật pháp đòi hỏi. Ông cho lập những nhà tù bí mật ngoài nước Mỹ, để nếu cần tra tấn nghi can khủng bố cũng không đứa nào biết. Ông muốn chính phủ được quyền giam nghi can khủng bố vô hạn định. Tháng 12/05, Phó Tổng thống Dick Cheney khăng khăng đòi quyền tra tấn tù binh, bất chấp luật quốc tế. Từ nay, mọi người không bình đẳng trước pháp luật, và chỉ được coi là vô tội cho đến khi bị… tra tấn.

Thượng nghị sĩ John McCain sợ quá làm luật can ngăn. Toà Bạch Ốc không muốn tranh chấp quá hung hăng với chính người của Đảng ta, đành nhượng bộ. Trong cuộc họp báo chào mừng luật McCain, Tổng thống Bush hoan hỉ tuyên bố: “We’ve been happy to work with him (McCain)… to make it clear to the world that this government does not torture and that we adhere to the international convention on torture”.

Nhưng vừa nói rõ cho cả thế giới biết là Mỹ không chủ trương tra tấn xong, ngay khi Quốc hội thông qua điều khoản cấm tra tấn, ông Bush lập tức gắn vào đạo luật một tuyên cáo (statement) cho phép Tổng thống, trong thời chiến, có toàn quyền… ngồi xổm lên luật ấy.

Vẫn chưa hài lòng, tháng 9/2006 ông Bush lại nỗ lực vận động cho CIA được quyền khai thác tin tức bằng cách dìm tù binh xuống nước cho nó gần chết ngạt (water-boarding) v.v… mà ông gọi một cách văn hoa là thẩm vấn “nặng tay”.

Trong bài bình luận ngày 23 tháng 9/06, nhật báo The San Diego Union-Tribune, thuộc Đảng Cộng hoà, cũng đành phải gọi toà Bạch Ốc là “… a White House that has repeatedly asserted that when it comes to war, a president can do whatever he pleases” .

“Có thể muốn làm gì thì làm” là lời mô tả uy quyền của lãnh tụ một quốc gia không có dân chủ.

Thành ra, chính sách chống khủng bố của triều đình ông Bush dẫn tới những biện pháp, chiến thuật chiến lược mâu thuẫn và khôi hài.

Ở ngoài nước thì nhất quyết gieo rắc dân chủ tự do, tốn mấy trăm tỉ, gần ba ngàn mạng binh sĩ, vẫn stay the course, sẵn sàng tốn thêm của, chết thêm người. Trong nước thì hăng say tước bớt nhân quyền, dân quyền, lăm le cai trị theo kiểu ngồi xổm lên hiến pháp, luật lệ.

Ai chỉ trích chính sách của ông Bush ở Trung Đông thì bị chửi là chủ bại, làm lợi cho khủng bố, vô trách nhiệm, bỏ mặc các thế hệ tương lai cho khủng bố hành hạ. Nhưng yêu cầu Tổng thống tôn trọng dân chủ, tự do trong nước, đừng ngồi xổm lên hiến pháp nữa, và kiềm chế bớt niềm khao khát được tra tấn tù binh của Phó Tổng thống đi, thì cũng là… bó tay chính phủ, yểm trợ khủng bố, mời gọi chúng nó tấn công thêm.

Thần dược Sharansky, hoá ra chỉ để xuất cảng, xuất khẩu, cấm dùng trong nội địa!

Chuyện ngược ngạo, mâu thuẫn và khôi hài xảy ra vì ông Bush và các cố vấn đã không hiểu, lượng giá sai, áp dụng lầm lý thuyết Sharansky.

Thuốc tự do dân chủ của ông này, nếu công hiệu thật, có thể trừ được một vài loại khủng bố thôi, ông Bush lầm tưởng là thuốc chữa bách bệnh. Thuốc cũng chỉ thuộc loại chủng ngừa, uống vào vi trùng khủng bố sẽ mất môi trường sinh sản, thế thôi. Nó ngừa bệnh cho tương lai, không chữa bệnh hiện tại.

Đem thuốc đi chích ngừa lại cần một y sĩ nhà nghề. Sai y tá dỏm Paul Bremer chích thuốc tự do dân chủ cho Iraq, hắn vừa rút mũi kim ra là bệnh nhân giẫy đùng đùng, lên cơn nóng sốt điên cuồng, vừa đấm đá Mỹ vừa tự cào cấu mình, máu me be bét. Càng ngày vết thương càng lan rộng, có vẻ hết thuốc chữa.

Thế là nước Mỹ tiền mất tật mang. Càng nỗ lực gieo rắc dân chủ, triều đình ông Bush càng làm khủng bố mọc lên như nấm. Chỉ vì ông Bush bắt cả nước uống đầy một bụng toàn thuốc chủng ngừa, may lắm thì vài trăm năm nữa mới có ép phê.

Trong khi đó, những việc quan trọng, thiết yếu cần làm ngay là triệt hạ kẻ tử thù của Mỹ, trùm khủng bố Bin Laden, thì ông sao nhãng, quờ quạng. Thế nên năm năm qua rồi, số binh sĩ hy sinh cho thần dược Sharansky đã cao hơn số nạn nhân 9/11, siêu cường Mỹ vẫn chưa bắt hay giết được Bin Laden, mà tình báo, gián điệp của siêu cường cũng chẳng biết bây giờ hắn ở đâu!


*


Nhắc đến nước Anh, bỗng thấy ái ngại cho Thủ tướng Tony Blair. Vì Mỹ, ông ta lãnh mấy cái búa tạ.

Giữ đúng vai trò đồng minh cật ruột, ông gửi con dân Anh đi theo Mỹ chiếm đóng Iraq, đã chết hơn trăm mạng, bị dân chúng oán than, phải tuyên bố sẽ từ chức.

Trong những phiên họp quốc tế, ông cặp kè thân thiết, hăng say bàn luận kế sách với ông Bush, được Bush đáp lại bằng thái độ hơi thô lỗ, ngôn ngữ thì kẻ cả, đàn anh… khiến báo chí tặng ngay cho ông Thủ tướng một tước hiệu làm cả nước Anh xấu hổ: “Bush’s poodle” -Con chó nhỏ lẩn quẩn theo hầu ông chủ Bush.

Tổng thống Mỹ bất tài, bất trí làm con dân Anh bị chết lây. Tổng thống Mỹ cư xử kiêu căng, thô lỗ, nói năng hách dịch như… bố chó xồm, làm ông thủ tướng Anh lãnh thêm cái tước hiệu nhục nhã.

Chưa hết, thỉnh thoảng ông Bush lại phang ông Blair một búa bằng diễn văn.

Để thuyết phục dân Mỹ rằng chiếm đóng Iraq suốt năm năm nay là biện pháp cần thiết vô cùng cho an ninh Mỹ, ông Bush lâu lâu lại nhắc nhở toàn dân rằng: “Chúng ta chiến đấu với quân khủng bố trên đường phố Iraq để khỏi chiến đấu với chúng ở đường phố Nữu Ước.” Danh ngôn này ông nói nhiều lần, đếm không kịp.

Đặc biệt, sau vụ khủng bố đánh bom ở Luân Đôn khoảng hơn hai tuần, trong một bài diễn văn phát thanh thông lệ hàng tuần, Tổng thống Bush cũng dõng dạc nói câu đó. Thế mới chết! Lúc ấy, đường xe điện ngầm Luân Đôn bị phá còn tan hoang, dân Anh đang kinh hoàng, và chẳng biết đã chôn xong nạn nhân cuối cùng chưa?

Sự cực kỳ vô ý thức của ông Bush và nhóm người viết diễn văn cho ông làm Thủ tướng Tony Blair kẹt cứng, sợ tái người.

Ông sợ dân chúng Anh nghe Tổng thống Mỹ nói vậy, có thể xúm lại chất vấn ông thế này:

“Binh sĩ Mỹ chiến đấu ở Iraq để dân Mỹ khỏi chiến đấu ở đường phố Nữu Ước, sao binh sĩ Anh cũng chiến đấu và chết ở Iraq mà dân Anh ở Luân Đôn vẫn bị tấn công? Hay là thủ tướng bắt lính Anh chiến đấu trên đường phố Iraq cũng chỉ để cho dân… Nữu Ước của Mỹ được an toàn thôi? Sao ông Tổng thống Mỹ khôn mà ngài Thủ tướng Anh của chúng em lại ngu quá vậy?”

Lúc đó, Thủ tướng Anh chắc chỉ có nước hoá thân thành con poodle thật. Vì con vật lông xù nho nhỏ, rất dễ thương này không phải nghe diễn văn của Tổng thống Mỹ, và không biết xấu hổ.

9/2006

© 2006 talawas