© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
11.10.2006
Võ Thanh Liêm, Lê Huy Lượng
Một Monaco Champa cho Việt Nam
 
Phần giới thiệu

Chúng tôi xin phép được trình bày trong bài viết này ước vọng và sau đó là đề nghị bảo tồn một di sản nhân văn quí giá của toàn thể dân tộc Việt Nam. Di sản dân tộc Chăm bao gồm ngôn ngữ, văn hóa, âm nhạc, phong tục, và những di tích kiến trúc độc đáo đã làm giàu thêm cho nền văn hiến của Việt Nam từ nhiều thế kỷ qua. Trong bài viết này chúng tôi đưa ra đề nghị tái lập vương quốc nhỏ bé Champa tại Phan Rang. Tái lập trên danh nghĩa để bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử, không tự trị và không biệt lập. Như tựa đề bài viết, một đề nghị mô phỏng theo tiểu vương quốc Monaco ở cạnh nuớc Pháp. Chúng tôi cũng đồng thời nêu lên những sự việc bảo tồn văn hóa đa nguyên, đa dạng đáng được khích lệ tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đưa ra những yếu tố lịch sử, nhân đạo, văn hóa, kinh tế và ngoại giao để biện minh cho ý kiến của chúng tôi. Mọi ý kiến ủng hộ, phản bác từ các giới trí thức và học giả Việt Nam đều mang tính tích cực trong thời đại ánh sáng và trí tuệ ngày hôm nay.

Nước Việt Nam là một quốc gia có nhiều nguồn gốc văn hóa và nhiều pha trộn chủng tộc; yếu tố này làm cho nước và người Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng. Lịch sử và văn hóa Việt Nam đã và đang tạo sự hấp dẫn và thán phục từ người ngoại quốc, điều mà chúng ta có thể cùng hãnh diện. Ở thế kỷ 21 thế giới văn minh đang tiến đến một thời đại mới, chúng ta có thể gọi là thời đại Nhân Bản. Ngày nay thế giới văn minh bao dung và trân quí sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.

Những khác biệt được người ta tìm hiểu và bảo tồn cho bức gấm lịch sử nhân loại thêm màu sắc rực rỡ. Khi chúng ta và thế giới đang quan tâm đến việc bảo tồn các loài như voi, tê giác, cá sấu, gấu rừng, chim muông quí giá của Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng thì tại sao chúng ta có thể làm ngơ với dân tộc và văn hóa Chăm đang bị mai một, đồng hóa và nguy cơ tuyệt chủng là có thật vì hiện nay chỉ còn 100.000 người Việt gốc Chăm [1] giữa 82 triệu người Kinh (0.0012% dân số).


Trường hợp Monaco, Tô Cách Lan và Tân Tây Lan

Sự thành công về kinh tế và văn hóa của tiểu vương quốc (principality) Monaco là một sự hãnh diện cho chính phủ Pháp từ số thuế thu được cho đến lợi ích du lịch, thương mãi, tài chính, và ngoại giao. Monaco có diện tích đất đai là 150 héc-ta, nhỏ bằng 1 cái đồn điền cà phê, chỉ có 30.000 dân nói tiếng Pháp và lệ thuộc Pháp. Monaco nhờ kinh doanh vào du lịch, tài chính và sòng bạc nên trở nên phồn thịnh. Kinh tế của tiểu vương quốc này đã tăng nhanh từ 3.2 tỉ năm 1975 lên đến 40 tỉ tiền Phật Lăng năm 1995 [2] . Lợi tức đầu người năm 1999 là $27.000 US [3] . Sự hiện diện của Monaco không là một mối nguy mà chỉ mang lại nhiều phúc lợi cho nước Pháp.

Tô Cách Lan (Scotland) thuộc liên hiệp các Vương quốc Anh (United Kingdom) vào ngày 1 tháng 7 năm 1999 cũng có được quốc hội riêng sau gần 300 năm bị sáp nhập vào Anh quốc bằng đạo luật "Acts of Union 1707”. Ngày nay Tô Cách Lan vẫn phát triển cùng nhịp với Anh quốc, mọi liên hệ sâu sắc về kinh tế, luật pháp và hoàng gia vẫn duy trì một cách tốt đẹp [4] .

Gần với Việt Nam hơn là Tân Tây Lan (New Zealand), cũng từ lâu có sự hiện diện của một tiểu vương tượng trưng cho thổ dân Maori. Vị nữ vương bộ lạc Maori vừa mới từ trần vào ngày 15 tháng 8 năm 2006 là Te Arikinui Dame Te Atairangikaahu [5] . Con trai của bà là Tuhetia Paki đã lên ngôi vua bộ lạc với sự ca ngợi của nhân dân và chính phủ Tân Tây Lan, nhân dân và chính phủ Úc và các nước đa đảo châu Á Thái Bình Dương. Sự ca ngợi đây phải được hiểu rằng dành cho tâm lý trưởng thành, tinh thần bao dung, chung sống hài hòa và ý thức bảo tồn văn hóa Tân Tây Lan của chính nhân dân Tân Tây Lan. Dân tộc Maori là cư dân địa phương của Tân Tây Lan và họ chiếm 15% dân số Tân Tây Lan. Số còn lại đa số là người gốc Anh và di dân Ấn Độ, Việt Nam.

Tất cả những trường hợp điển hình trên đây đều mang lại sự phồn thịnh, hài hòa và quan trọng hơn cả là một bằng chứng của sự trưởng thành của những dân tộc này. Trừ Monaco có duy trì đại diện tại Liên Hiệp Quốc nhưng Pháp nắm giữ an ninh và chia tiền thuế, tiểu vương Maori của Tân Tây Lan và Tô Cách Lan chỉ có sự công nhận của Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị và vẫn thuộc Liên hiệp Anh (Commonwealth).


Những hoạt động bảo tồn văn hóa hiện đang xảy ra tại Việt Nam

Trong khi những cuộc xung đột giữa chính quyền với đồng bào Thượng ở Tây Nguyên là một đám mây đen, chúng tôi ghi nhận hiện có những hoạt động đáng khích lệ với mục đích bảo tồn văn hóa và di tích lịch sử của dân tộc Kinh và dân tộc Chăm tại Việt Nam. Có những công cuộc trùng tu di tích lịch sử do UNESCO bảo trợ và nhà nước Việt Nam ủng hộ tại quần thể di tích Chàm ở Mỹ Sơn và quần thể di tích Việt Nam tại Kinh Thành Huế và cổ tích Thăng Long tại thủ đô Hà Nội. Song song với sự hồi sinh cho lễ Nam Giao của triều Nguyễn, nhà cầm quyền hiện nay đã có những hành động tích cực, cụ thể là cho dạy tiếng Chăm ở khoảng 20 trường tiểu học khu vực tỉnh Ninh Thuận, cho tổ chức lễ hội Chăm Ka-tê và từ năm 2004 đã có đài phát thanh tiếng Chăm phát sóng mỗi ngày. Chúng tôi ghi nhận đó là những bước tiến bộ. Thật ra những hành động tích cực trên chỉ có giá trị đối với quá khứ không bao dung của Việt Nam, nhưng so với các nước tiền tiến thì phát thanh và dạy tiếng sắc tộc là việc hiển nhiên và lúc nào cũng được chính phủ lo lắng rất chu toàn.

Chúng tôi đoan chắc rằng phải có một số người có lương tâm trong chúng ta tự chất vấn là tại sao các chính phủ Việt Nam bỏ tiền ra và khuyến khích, đôi khi còn bắt buộc người dân học những ngoại ngữ như Pháp, Anh, Nga, Tàu mà tiếng nói của dân tộc Chăm, hay nói rộng ra hơn, tiếng nói của các dân tộc ít người khác tại Việt Nam lại không được quan tâm hoặc có khi còn cấm đoán! Còn gì mỉa mai hơn không? Một dân tộc biết tự trọng không coi rẻ những gì họ có.


Nhìn lại lịch sử và văn hóa

Champa (Chiêm Thành) là một vương quốc ở miền Trung Việt Nam có biên giới từ Quảng Bình đến Biên Hoà. Champa được hình thành vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, tức là trước lúc Ngô Quyền giành độc lập cho Đại Việt khoảng 800 năm. Nhân dân Champa đã mang thủy quân hợp lực với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đẩy lui quân Mông Cổ vào thế kỷ 13. Mối tình vương giả giữa Huyền Trân Công chúa và Chiêm vương Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) vào năm 1306 đã chính thức hóa hai châu Ô và Ri thuộc về Đại Việt. Dưới triều Chiêm vương Chế Bồng Nga (1360-1390) Champa đã hơn 7 lần chiến thắng quân sự ở Thăng Long. Trong khi đó năm 1471 Hoàng đế Lê Thánh Tôn xuất đại binh chỉ một lần chiến thắng tại Đồ Bàn, có tàn sát đẫm máu hàng trăm ngàn người, vị Hoàng đế nhà Lê đã thành công trong ý định khuất phục Champa [6] . Từ đó Champa bắt đầu suy yếu. Năm 1802 Hoàng đế Gia Long tấn phong cho Po Saong Nhung Ceng làm Quốc vương Champa (bấy giờ thu nhỏ lại ở phạm vi Ninh Thuận, Phan Rang mà tiếng Chăm gọi là Panduranga). Tiểu vương quốc Champa tại Phan Rang được Hoàng đế Gia Long đặt dưới quyền bảo hộ của Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt.

Năm 1832 Hoàng đế Minh Mạng xóa sổ Champa trên bản đồ Đông Dương. Quyết định tiêu diệt hoàn toàn vương quốc phụ dung Champa của Hoàng đế Minh Mạng là vì ngài có thù với Lê Văn Duyệt, người đỡ đầu của Champa. Sau cái chết của Lê Văn Duyệt, Hoàng đế đã ra tay hành động [7] . Đó là động lực chính chứ không phải Hoàng đế Minh Mạng có chủ thuyết tập trung chính trị. Vào thời Minh Mạng, làng xã vẫn do dân bầu ra người lãnh đạo và nhà vua cũng đã từng ra chiếu công nhận nhiều bộ lạc người Lào đến xin thần phục như Hỏa Xá, Thủy Xá v.v. như là những nước chư hầu và Hoàng đế đã phong Vương cho các vị tù trưởng ngang hàng với các vua Ai Lao, Chân Lạp phụ thuộc Nguyễn Triều. Đã có nhiều học giả nghiên cứu về sự suy vong của Champa và qui cho nhiều yếu tố như chính sách bành trướng của Đại Việt qua các triều đại, thuyết Thiên Tử của vua Việt, sự xung đột văn hóa và tín ngưỡng và sự gia tăng dân số mạnh mẽ tại Bắc Việt so với sự sụt giảm dân số của Champa [8] .

Dân tộc Chăm theo đạo Hồi và đạo Hindu do ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ. Cũng giống như người Việt cổ (trước thời vua Hùng), người Chăm theo chế độ mẫu hệ [9] . Đàn bà được thừa hưởng gia tài và chính đàn bà đứng ra cưới chồng về nhà mình. Đàn ông Chăm khi có vợ thì theo về gia đình bên vợvà không có quyền về tài chánh. Các con theo dòng hệ tộc mẹ (nguời Chăm không có họ) thay vì theo họ cha như trong chế độ phụ hệ.

Trung Quốc thời cổ đại cũng theo chế độ mẫu hệ rồi đứng trước họa diệt chủng vì dân số không tăng lại bị các rợ bốn phương ùa vào giết hại nên hai bộ lạc Hoàng Đế và Yan Đế đã hợp nhất và đổi ra chế độ phụ hệ [10] . Vào cái thời xa xưa đó bệnh dịch hoành hành, trẻ con khó nuôi, chiến tranh triền miên, các vua chúa phong kiến lại có thói quen chém đầu và tru di tam tộc bừa bãi thì chế độ mẫu hệ không đủ đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số. Vì chiến tranh nhiều, đàn ông trở nên hiếm, nên đa thê là để tận dụng khả năng sinh nở của người dân. Nếu theo chế độ phụ hệ thì phải ủy thác quyền hạn cho nam giới nhiều hơn, ít ra là ở phương diện quốc gia và xã hội. Số phận sắp tuyệt chủng của người Chăm cũng đã có thể là số phận của người Việt (Kinh) nếu chúng ta còn giữ lại chế độ mẫu hệ [11] .

Ngày hôm nay toàn cõi Việt Nam đang bị nạn nhân mãn. Nhu cầu gia tăng dân số không còn nữa cho nên phong tục đa thê cũng biến mất và kết quả là nam nữ bình quyền. Tất cả những dân tộc và quốc gia có nam nữ bình quyền kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, dẫn đầu là nước Đức, đều ghi nhận sự sút giảm dân số thấy rõ và đồng thời gia tăng phát triển kinh tế. Tương lai Việt Nam cũng không là ngoại lệ và nạn nhân mãn sẽ được tránh khỏi bằng nam nữ bình quyền và phát triển kinh tế. Thế nhưng dân tộc và văn hóa Chăm có còn bên cạnh chúng ta trong 100 năm tới hay không? Chúng ta sẽ làm gì, quản lý như thế nào di sản có tầm vóc nhân loại và lịch sử này?


Đặt vấn đề nhân đạo

Khi nghe tin Việt Nam chỉ còn lại 70-80 con voi ở Ban Mê Thuột, 7 con tê giác ở Cát Tiên, một vài con vượn sắp tuyệt chủng ở Việt Bắc, Cát Bà và Phú Quốc [12] chúng ta cảm thấy tiếc nuối. Có lẽ chúng ta cũng nên tiếc nuối cho sự suy tàn của một dân tộc anh em từng chia sẻ cay đắng nhục vinh với chúng ta trong suốt đoạn đường lập quốc. Dân tộc Chăm đã chia sẻ với chúng ta âm nhạc, nghệ thuật, huyết thống và nhiều nữa. Sự giàu có của một dân tộc lâu đời như Việt Nam không thể chỉ đo lường bằng tiền mà bằng nhiều thứ khác. Giàu văn hóa, giàu tình thương, giàu di tích, giàu nhân luân, giàu tự do, giàu ngôn ngữ, giàu động vật thiên nhiên, giàu thực vật, hoa cỏ tươi, quí và giàu lòng tự tôn trọng.

Chúng ta hãnh diện trước tháp Chàm sừng sững và điêu khắc tuyệt vời. Chúng ta cũng nên yêu thêm nữa một dân tộc đã hy sinh và chịu đựng với chúng ta quá nhiều bất hạnh. Bảo tồn danh hiệu tượng trưng Champa và văn hóa Champa là trách nhiệm và là lương tâm của cả dân tộc. Chúng ta không thể thay đổi lịch sử, nhưng có thể hành động tích cực trong hiện tại để giảm đi nghiệp lực xấu và đôi khi tàn nhẫn của quá khứ.

Những ai từng oán thán về số phận của người Việt, từng trăn trở, căm hận vì bị ngoại thuộc, vì mất những đất đai, hang động gì đó mà Mạc Đăng Dung dâng cho Trung Quốc, nếu ở hải ngoại thì có đôi lúc bất bình vì chính phủ nuớc người không tài trợ đúng mức cho trường Việt ngữ v.v. hãy suy nghĩ lại. Nước và dân tộc Việt Nam vẫn còn dù cho tên nước, niên hiệu vua chúa có thay đổi tùy theo thời kỳ. Trong lòng nước Việt Nam, dân tộc Chăm đã mất hết tất cả, mất luôn tiếng nói và mất cả tên.


Một vương quốc tí hon trên thực tế nhưng to lớn trong ý nghĩa bao dung

Phan Rang (Panduranga, tỉnh Ninh Thuận) có diện tích đất đai là 3360 km2 và dân số là 532.000 người,trong số đó có 60.000 người Chăm. Tức là ngay cả ở cứ điểm cuối cùng của mình, dân tộc Chăm vẫn là thiểu số [13] . Tuy nhiên Panduranga dưới triều Hoàng đế Gia Long vẫn còn giữ tên gọi Chiêm Thành quốc. Đề nghị tái lập tên gọi Vương quốc Champa tại Phan Rang rất hợp lý và không thiệt hại gì cho người Việt mà chỉ có lợi về nhiều mặt. Phục hoạt tiểu vương quốc Champa chỉ cần những việc làm rất nhỏ nhưng là một bước tiến vĩ đại của tình yêu dân tộc và sự trưởng thành của chính dân tộc Việt Nam. Sự trưởng thành ở lòng tin vào nhau, sự trưởng thành ở sự không sợ hãi sự thật, sự trưởng thành ở quyết tâm hàn gắn vết thương lịch sử.

Chính quyền Việt Nam giờ đây đã công nhận gia đình Hoàng gia bà Nguyễn Thị Thiềm là truyền nhân của vị vua cuối cùng của Champa. Bà Thiềm còn giữ được nhiều lưu vật của Hoàng đế Gia Long phong cho tổ tiên bà và từ lâu nay đã đứng ra chủ trì nhiều lễ hội Chăm. Nhà nước Việt Nam có thể tiến thêm một bước nữa là phong Vương cho Bà và người thừa kế, hoặc bầu ra, hoặc được chỉ định ngôi vị này song song với sự phục hoạt những truyền thống Hoàng gia Chiêm Thành. Người giữ danh hiệu lịch sử này cần có phương tiện tài chánh, một thửa đất, một cơ sở kinh doanh có tầm vóc xứng đáng để đủ tiền hoạt động phục vụ cho cộng đồng và dân tộc. Đa số tuyệt đối tại Phan Rang đã là người Việt gốc Kinh thì không có một lý do gì chúng ta lại còn lo sợ. Đây sẽ là một con đường tốt đẹp và bằng phẳng. Như tiền lệ thời Gia Long, tiểu vương quốc Chiêm Thành là một phần của Việt Nam. Tấm gấm văn hóa Việt Nam sẽ lóng lánh hơn bằng nhiều màu sắc. Lịch sử Việt Nam sẽ đẹp đẽ mãi với nghĩa cử này.


Đặt vấn đề lợi ích kinh tế và ngoại giao

Một điểm nổi bật của tiểu vương quốc Monaco là sự phồn thịnh của nó. Việt Nam không cần phải phát minh trở lại cái bánh xe. Chúng ta chỉ việc noi theo sự thành công của Monaco. Một Monaco-Chàm Việt Nam sẽ có du lịch văn hóa truyền thống Chàm nhiều hơn. Sẽ có một vương quốc tí hon huyền thoại, sẽ có biển xanh, rừng thẳm và tháp cổ ngàn năm. Tiền sẽ theo bước chân khách du mà đổ vào nhiều lần hơn xưa với sự đầu tư sẽ gia tăng. Kỹ nghệ phát hành tem thư, sản phẩm thổ cẩm sẽ tiếp tục phát triển. Trên phương diện ngoại giao Việt Nam sẽ có một bộ mặt nhân đạo hơn và bao dung hơn.


Kết luận

Ý kiến phục hoạt và duy trì vương quốc Champa trên danh nghĩa và hình thức song song với chú tâm bảo tồn tiếng nói và văn hóa dân tộc cổ xưa này là một đề nghị lịch sử. Nghĩa cử này mang ý nghĩa hàn gắn bao dung. Chúng tôi hy vọng ở sự đồng tâm của nhiều người Việt thường ưu tư đến đất và nước Việt Nam. Chăm là một dân tộc đồng hành với chúng ta và họ đã mất hết tất cả. Chúng ta có nên tiếp tục làm ngơ?

Australia 2006

© 2006 talawas


[1]http://en.wikipedia.org/wiki/Cham_people
[2]http://www3.monaco.mc/monaco/info/economy.html
[3]http://www.theodora.com/wfbcurrent/monaco/monaco_economy.html
[4]http://en.wikipedia.org/wiki/Parliament_of_Scotland
[5]http://www.nzherald.co.nz/section/story.cfm?c_id=1&ObjectID=10396348
[6]http://chamyouth.com/phpBB2/xculture.php
[7]http://www.chamyouth.com/phpBB2/xchampaka.php#thoi1
[8]Tiến sĩ Po Dharma, “Nguyên nhân sự suy tàn của Champa”. Nguyệt san Champaka 13 năm 2006
[9]http://www.muinebeach.net/chamculture.htm
[10]Người Trung Hoa đã áp đặt chế độ phụ hệ lên người Việt, nhưng người Champa cho đến hôm nay vẫn theo chế độ mẫu hệ. Chúng tôi nghĩ rằng yếu tố dân số đã quyết định số phận của Champa. Ở chế độ phụ hệ, một người đàn ông và 4 bà vợ, họ có khả năng sinh ra 20 đứa con. Chế độ mẫu hệ có thể đã không đạt được mức độ gia tăng như thế. Khi không có quyền tài chánh thì bản năng tự nhiên của nam giới là muốn tạo thêm hậu duệ, tăng thêm ảnh hưởng xã hội cũng bị thiêu chột. Đó là chưa nói tới lúc đánh nhau những đội nữ binh không thể nào cự lại đàn ông trên trận mạc. Hai Bà Trưng là một ngoại lệ nhưng đường dài không bền lâu.
[11]Vào thời điểm Vua Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, Đại Việt có 7 triệu dân và Champa có từ 3 đến 4 triệu dân. Ngày nay nhân số người Việt gốc Kinh là 82 triệu và người Việt gốc Chăm là 100.000. Lý do thiên nhiên của miền Trung khô cằn không giải thích được cho hiện tượng dân số người Chăm quá ít vì rằng miền Trung hiện nay có 21 triệu người Việt sinh sống.
[12]http://www.animalinfo.org/country/vietnam.htm
[13]http://www.citypopulation.de/Vietnam.html