© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.10.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Phần thứ nhất: Đi vào ý thức mới
  1. Định nghĩa: Ý thứ tự vấn
  2. Khai triển những hình thái của ý thức mới
Ý thức bất nhị
Ý thức giải phóng
Ý thứ siêu thoát
Ý thức bất diệt
Ý thức sinh tồn
Ý thức thể hiện
Ý thức siêu thực
Ý thức chấp nhận
Ý thức siêu thể


Mở đầu

Ý thức tự vấn - Thế nào là ý thức mới?

Kinh nghiệm của bảy nỗi niềm cô đơn. Thinh quan mới để nghe điệu nhạc mới. Thị quan mới để tìm thấy những gì xa xôi nhất, và Ý THỨC MỚI để trực nhận những sự thực mà từ lâu vẫn còn câm lặng.

(Nietzsche, Lời tựa quyển Der Antichrist, 1885)

Ý thức mới là một danh từ rất hàm hồ và không có một định nghĩa rõ ràng dứt khoát.

Chính ý thức là danh từ rồi. Có thể dùng danh từ để định nghĩa danh từ?

Hàm hồ và không thể định nghĩa được, đó cũng là những đặc tính của chính ý thức.

Làm sao định nghĩa được ý thức?

Tất nhiên, chỉ có ý thức là mới định nghĩa được ý thức. nhưng nếu ý thức muốn định nghĩa ý thức thì ý thức phải đi ra ngoài ý thức thì mới có thể định nghĩa ý thức được.

Bóng ma của Hegel ám ảnh đâu đây? Dù lúc viết trang này tôi coi Hegel là tử thù!

Tương quan, chữ của Husserl?

Nói đến định nghĩa là nói đến xác định ý nghĩa này giữa những ý nghĩa khác, là nói đến tương quan giữa những thực thể này với những thực thể khác. Nói đến định nghĩa là nói đến tương quan và thực ra chính ý thức cũng là sự tương quan; một câu đã thành sáo là: ý thức là ý thức về cái gì.

Husserl là người xáo trộn mọi sự với một trật tự chẻ hai để rồi rơi vào sự xáo trộn nguyên thủy, vô phương cứu chữa.

Trong sáo ngữ ấy chứa đựng một sự thật khó phủ nhận: không có ý thức nào là ý thức cô độc tuyệt đối vì ý thức cô độc tuyệt đối cũng vẫn là ý thức về sự cô độc tuyệt đối.

Ý thức là tương quan; nói đến tương quan là nói đến sự chuyển động từ vị trí này đến vị trí khác; sự thực thì không có vị trí vì sự chuyển động ấy liên tục, thay đổi hướng đi luôn chứ không ngừng; chỉ có vị trí là khi nào có sự bất động hay sự ngừng lại. Định nghĩa là chặn đứng, là tìm một vị trí cố định, chặn đứng sự chuyển động thì định nghĩa ấy chỉ xây trên ảo tưởng, không có giá trị, vì định nghĩa ấy đã xoay vào sự bất động, một thực thể chết cứng; định nghĩa ấy không còn là định nghĩa ý thức nữa mà chỉ là định nghĩa hình ảnh của ý thức. Tất nhiên ai cũng hiểu hình ảnh một sự vật không phải là chính sự vật ấy.

Hình ảnh chính là sự vật. Biểu tượng là thực tại. Không có biểu tượng thì sự vật cùng tiêu mà đi. Nhưng sự khó khăn là biết thế như là thế trong chân trời yathabhutam của Phật giáo.

Hình ảnh giữ vai trò của một biểu tượng. Mà biểu tượng không phải là thực tại. Người ta thường đồng hoá biểu tượng với thực tại, đó là tất cả bi kịch của triết học và đời sống.

Lộ trình của ý thức lướt qua ba giai đoạn: vô thức, ý thức, và ý thức mới.

Ba giai đoạn thực ra chỉ là giả tưởng. Ý thức mới chỉ là vô thức được đánh tráo qua một ảo giác nào đó, ảo giác đeo đuổi cái mới của trí óc con người.

Từ vô thức đến ý thức là một phép lạ, là một chặng đường đầy gió loạn, nhưng từ ý thức đến ý thức mới là một sự thay đổi mãnh liệt và huyền bí hơn nữa.

Ý thức bị giam trong vô thức; ý thức kháng cự vùng vẫy nổi loạn; từ sự vùng vẫy giằng co giữa ý thức và vô thức thoát ra một ý thức mới.

Vô thức, ý thức và ý thức mới nằm trong ba giai đoạn của biện chứng pháp.

Biện chứng pháp là cái thùng rác mà mọi người vứt tất cả sự ngu xuẩn của họ vào đó. Phá hủy biện chứng pháp vì biện chứng pháp là con đẻ của nền văn minh đồi trụy của Tây phương.

Ý thức mới chính là ý thức về sự tuyệt vọng của chính ý thức trong vọng giam hãm của vô thức.

Ý thức mới không phải là ý thức nữa: vì nếu là ý thức thì không thể nào ý thức được chính thực chất của mình, thực chất ấy là sự mơ hồ, sự quờ quạng, vùng vẫy tuyệt vọng trong vô thức.

Ý thức mới là ý thức về hư vô tính của ý thức.

Bóng ma của Sartre ám ảnh đâu đây. Sartre tên ngu xuẩn cuối cùng của nền văn minh Tây phương. Sartre đã lên tiếng can thiệp cho Việt Nam nhưng chính tư tưởng của Sartre là đứa con trung thành của thế lực gây chiến tranh Việt Nam. Ai thấy được mâu thuẫn ấy?

Nói một cách rõ ràng hơn, ý thức mới là ý thức rằng không có ý thức. Không có ý thức thì lấy gì để ý thức rằng không có ý thức? Chính câu hỏi này cũng do ý thức đặt ra. Ý thức đặt ra câu hỏi rồi ý thức trả lời, ý thức trả lời rồi ý thức lại không bằng lòng; ý thức lại đặt ra câu hỏi; cứ thể quay cuồng trong vòng luẩn quẩn, liên miên không bao giờ dứt, ad infinitum.

Chính vòng luẩn quẩn này là hố thẳm mà tất cả triết gia đều thụt lùi sợ hãi. Một nền triết lý lớn mạnh phải đối mặt với cái ad infinitum này. Jorge Luis Borges đã thấy được ý nghĩa trầm trọng của cái ad infinitum này. Trái lại Saroyan thì sợ hãi và né tránh lý luận ad infinitum trong l’ Être et Néant.

Đó chính là sự tuyệt vọng của ý thức.

Khi ý thức tuyệt vọng thì ý thức sẽ làm một cuộc tự tử theo hai nghĩa đen và bóng. Theo nghĩa đen thì ý thức tự tử thực sự như trường hợp Marilyn Monroe, Hemingway, Hedayat... vân vân. Theo nghĩa bóng thì ý thức lột xác để hoá thân, chết đi để sống lại, đóng đinh trên cây thập giá để ba ngày sau sống lại và thăng thiên như vậy sự tự tử ấy không phải là sự tự tử nữa, mà chính là một sự giải phóng hay giải thoát, ý thức đã tự giải thoát khỏi vùng tối tăm của vô thức, ý thức tự giết ý thức để biến thành ý thức mới: ý thức không còn là ý thức nữa mà là tự do. Đó là trường hợp của Henry Miller, William Saroyan và Nietzsche. Đó cũng là tư tưởng Thiền tông và Lão tử.

Không có sự giải thoát, sống với cái-không-có-giải-thoát mà không rơi vào nihilisme hoặc nói theo chữ Phạn nhà Phật, không rơi vào “abhàva”. Đó mới là điều khó.

Khi ý thức trở nên tuyệt vọng mà ý thức không tự tử (hoặc theo nghĩa đen hay nghĩa bóng) thì ý thức chạy trốn, nếu chạy trốn mà không lường gạt mình thì một thời gian sau trở nên điên loạn hoặc mang bệnh lao tâm mà chết như Kafka và Wolfe.

Kafka và Wolfe là những người kẹt vào “nihilisme”.

Kafka, một người không tận dụng hết sức mình và chết vì hối hận, tiếc nuối vô cớ.

Còn Wolfe thì lại tận dụng hết sức mình và chết vì kiệt lực. Chỉ có một sức mạnh duy nhất là sự yếu đuối rất khôi hài của con người. Đâm vỡ bức tường chắn ngang, chặt đứt cái gút thắt chặt đó là sức mạnh của Gordion, sức mạnh ấy của Tây phương có thể thống trị Á châu nhưng chính sức mạnh ấy cũng sẽ quay ngược lại giết chết Tây phương. Á đông vẫn sống với cái gút mà không cần phải tìm cách mở, vì cái gút ấy chính là Á châu. Sống với vấn đề bế tắc, sống với sự khủng hoảng mà không cần giải quyết. Đó chính là quẻ Bỉ trong Kinh Dịch.

Còn nếu chạy trốn mà lường gạt mình rằng mình không chạy trốn hoặc tự lường gạt mà không biết rằng mình tự lường gạt thì ý thức ấy trở nên chìm vào trong đời sống tầm thường đầy công thức; và ý thức ấy không còn là ý thức nữa mà là vô thức; sống mà sống một cách vô thức; như thế không khác gì chết giữa cuộc sống. Đó là tình cảnh của hầu hết mọi người trong chúng ta hiện nay. Tình cảnh mà Heidegger gọi là “Enftremdung”( sự xa lạ ly cách đối với chính mình) hay cũng gọi là (Absturz: sự sa ngã) mà đặc tính chuyển động là “Wirbel” (sự xoay vòng) nghĩa là xoay xuống tình cảnh tầm thường của thiên hạ, sự xoay chuyển ấy vén mở tình cảnh “Geworfenheit” (sự bỏ rơi, bị quăng ném vào đời ) con người bị giam hãm trong đời sống thường nhật tầm thường (“Alltäglichkeit”) đó chính là tình cảnh thất sủng sa đoạ (“Verfallen”) của hiện sinh con người (“Dasein”).

Con người bị giam hãm trong đời sống tầm thường thường nhật vì chính con người là tầm thường. Nếu tôi thành Phật thì cả vũ trụ này cũng đều thành Phật, không ngoại trừ ai, không ngoại trừ cái gì cả.

Tóm lại, ý thức mới là ý thức về sự tuyệt vọng của ý thức. Sự tuyệt vọng ấy rất là đau đớn hãi hùng. Nhưng nếu ý thức không chạy trốn sự tuyệt vọng ấy thì con đường giải thoát sẽ mở cửa.

Vô môn Quan.

Sự tuyệt vọng cùng cực đưa đến hy vọng cùng cực; giữa sự điên loạn và sự giác ngộ chỉ cách nhau có một sợi tơ rất mong manh.

Giác ngộ là điên loạn, một thứ điên vượt ra ý nghĩa thông thường của tất cả bệnh lý.

Bởi thế, đi tìm đường giải thoát cũng có nghĩa là đi tìm tuyệt vọng.

Không thể đi tìm tuyệt vọng vì tuyệt vọng là tuyệt vọng.

Đi đến đường cùng, ý thức và vô thức chỉ là một.

Đi đến đường cùng? Người Pháp hay nói “jusqu’au bout”. Thực sự đường cùng chỉ là “ Grund” mà “ Grund” chính là cái tác hại nhiều nhất đến nhân loại hiện nay. Vì lẽ đó mới có phương trình bí mật của Heidegger: “Grund: Abgrund”. Phương trình này của Heidegger còn quan trọng gấp triệu lần hơn phương trình nổi tiếng của Einstein.

Và đi sâu hơn nữa thì sự đồng nhất này cũng không có thực. Sau cùng lại chỉ còn sự im lặng mênh mông, thăm thẳm và vô biên.

Tất cả mọi sự còn lại chỉ là im lặng” (Shakespeare?)


Chương nhứt

Ý thức bất nhị - Nghệ thuật phi nghệ thuật của Saroyan. Tinh thần bất nhị của Phật giáo Thiền tông và Jean-Paul Sartre.

1.

Sống vào thời đại đổ nát, một xã hội đồi trụy và chứng kiến bao nhiêu biến chuyển điêu đứng bên ngoài cũng như bên trong tâm hồn,

Tình trạng này có khác nào ở Việt Nam hiện nay mặc dù Việt Nam hiện nay lại còn đen tối gấp trăm ngàn lần hơn nước Mỹ ở giữa hai trận chiến. Thế mà ở Việt Nam có mấy người tài lớn như O’ Neill, T. S. Eliot, Dos Passos, vân vân? Việt Nam bây giờ chỉ toàn là một lũ bồi bút, một lũ nhái con văn nghệ và làm dáng cô đơn tuyệt vọng.

Chỉ có Bùi Giáng là người duy nhất có tài lớn, lớn bằng (hay lớn hơn) O’ Neill, T. S.Eliot, Dos Passos, vân vân.

nhà văn Mỹ ở giữa hai trận chiến tranh đều ít nhiều mang chung một tâm trạng và một thái độ trước cuộc đời. Nhìn chung, nền văn học Mỹ giữa hai trận thế chiến bị sơn qua một lớp màu quá đen tối phũ phàng: con người hoàn toàn cảm thấy bất lực trước cuộc đời, bàng hoàng, khắc khoải, lạc lõng, bơ vơ, mất gốc, cô đơn, xao xuyến, chán chường, phẫn nộ, điêu đứng, đau khổ, hoang mang, thất vọng hay tuyệt vọng (như Eugene O’Neill, T. S. Eliot, John Dos Passos, Hemingway, Robinson, Jeffers, A. MacLeish, Joseph Wood Krutch…)

Giữa bầu trời ảm đạm đen tối mù mịt như vậy, sức sống mãnh liệt và giấc mộng huy hoàng

Saroyan đến sau Wolfe, nhưng Saroyan chỉ yêu đời một cách “đánh lận con đen”. Sự giản dị chất phác của Saroyan là một mặt nạ khó hiểu. Có lẽ Saroyan là người chán đời nhất mà vẫn gắng gượng cười ầm lên để “pha trò” cho một tấn kịch u ẩn?

của nhân dân Mỹ vẫn còn sống nồng nàn trong Thomas Wolfe, Robert Frost, Glasgow, Cather.. nhưng phong phú nhất vẫn là Wiliam Saroyan. Trong một số tác phẩm quá nhiều (chẳng hạn như truyện ngắn , tiểu thuyết và kịch) Wiliam Saroyan đã nói lên hơi thở nhịp nhàng của con người. Mặc dù bị đắm chìm trong bao thực tại cay đắng, Saroyan vẫn sung sướng ca ngợi ngày hôm nay tuyệt vời và rực rỡ. Saroyan nói lên đức tin mãnh liệt nơi con người, nơi lòng tốt tự nhiên của con người, nơi hạnh phúc (trong đau khổ) của con người trên mặt đất tươi đẹp này; cùng chung một giọng nói như Anne Frank: “ánh mặt trời này, bầu trời xanh lơ này, khi tôi còn có sống để nhìn thì tôi không thể nào mà không hạnh phúc”, dù tất cả những gì không tốt đẹp đã xảy ra, tôi vẫn còn tin rằng con người thực sự vẫn tốt.

Sartre. Tôi hổ thẹn vì đã nhắc Sartre ở đây vai trò “angoisse”. Ngược lại, Saroyan. Sartre là người yêu đời mà “giả đò” chán đời, xao xuyến đầy “ angoisse”! Merde!.

Sartre chỉ là con khỉ của Céline. Ồ, Céline!

Céline mới đúng là cái “ angoisse” được nhập thể bằng xương bằng thịt. Tôi muốn quỳ lạy Céline như quì lạy sự thất bại của chính đời mình.

Đúng Céline mới là kẻ bị “sali, outragé, persecuté, braqué, broyé, depuis tant d’années et de mille manières…”

Sartre chỉ là một thứ nôn mửa sa lòng!…

Tất cả các tác phẩm của W. Saroyan đều trở về một chủ đề duy nhứt: “tôi đang sống”(I am alive). Nói theo Sartre, “con người là xao xuyến” (l’homme est angoisse) hay “con người là tự do” (l’homme est liberté); trái lại đối với Saroyan, thì “con người là sống” (Man is to be alive). Mà sống thì có nghĩa là chiến thắng sự xao xuyến và đó mới là tự do thực sự.


2.

Năm 1940 Wiliam Saroyan được giải thưởng văn chương giá trị nhất nước Mỹ, giải Pulitzer.

Tại sao không nhận, lại làm dáng anh hùng, thái độ của Paul Valéry khi nhận mặc áo hàn lâm viện Pháp mới đúng là vĩ đại. Valéry bỏ viết im lặng trong mười, mười lăm năm, sống với hư vô bàng bạc để rồi trở về “làm chuyện tầm thường” với thiên hạ trong tinh thần “diệu hữu”.

Tính cách “diệu dụng” của Valéry lại còn phi thường cao siêu hơn là bọn siêu thực làm trò nhát gừng.

Chàng thản nhiên từ chối không thèm nhận. Saroyan đã nổi tiếng từ năm 1934, năm ông cho xuất bản tác phẩm đầu tiên The Daring Young Man in the Flying Trapeze (Người trẻ tuổi gan dạ trên cái đu bay). Từ năm ấy cho đến nay, Saroyan con người trẻ tuổi gan dạ, vẫn tiếp tục hiên ngang thoăn thoắt trên cái đu bay, khơi vơi lướt trên những lời hoan hô tán thưởng khiếp sợ của người đời, từ lớp này đến lớp người khác; đến nay thế hệ trẻ lô nhô sung sướng trố mắt ngó nhìn người nghệ sĩ tài ba của họ đang vẫn còn đung đưa nhẹ nhàng trên cái đu bay như độ nào; và họ đón nhận Saroyan như người bạn gần gũi nhất của thế hệ họ: một người bạn vẫn luôn luôn tươi trẻ và gan dạ (The daring young man…).

Trước khi tìm hiểu thế giới nghệ thuật của Saroyan, ta cũng nên ghi nhớ những điều quan trọng sau đây về con người của Saroyan:

Cuộc đời riêng tư của một con người
không có gì đáng nhớ.
Những chi tiết tiểu sử chỉ cần
cho những tên công an mật vụ!
Xin kê khai lý lịch (năm bản)?
Về cuộc đời Saroyan ta thấy còn nhiều điều đáng để ý, nhưng đáng để ý nhất vẫn là năm điều trên; đó là cửa rừng trong khu rừng mênh mông thăm thẳm của tâm hồn Saroyan. Muốn gặp con

Sống trong tác phẩm!

Tôi muốn chữa lại cho đúng: mơ màng qua tác phẩm.

Đọc một quyển sách là mơ màng qua quyển sách. Sách chỉ là cái cớ để tha hồ mơ mộng mà không bị gọi “đãng trí”.

người của Saroyan ta cứ đi thẳng vào tác phẩm và hãy sống trong tác phẩm.


3.

Nghệ thuật của Wiliam Saroyan là nghệ thuật phi nghệ thuật (the art of artlessness). Nghệ thuật

Viết gì thì viết, với điều kiện là phải trải qua cái kỉ luật triệt để.

Điều quan trọng là kỉ luật, kỉ luật sắt. Thức dậy lúc 4 giờ sáng là mỗi ngày phải làm đúng như vậy, ngồi im lặng trong 1 giờ đồng hồ, rồi mới bắt đầu viết, muốn viết gì thì viết.

Cái “hostinato rigore” (obstinée rigueur) là cái điều quan thiết nhất (Leonard de Vinci?)

chỉ là biểu tượng về cuộc đời bởi thế, đối với Saroyan, vấn đề nghệ thuật không bao giờ được đặt ra một cách nghiêm trọng như các nhà văn khác. Saroyan cũng không bao giờ có một quan niệm lý luận phân minh đàng hoàng về nghệ thuật; ông muốn nói gì thì ông nói, ông muốn viết gì thì ông viết; có lúc ta thấy ông viết một truyện ngắn có bố cục chặt chẽ đàng hoàng, một truyện ngắn hoàn toàn mẫu mực cho nghệ thuật, nhưng có lúc khác ta lại thấy ông viết chuyện ngắn chả ra chuyện ngắn và cũng không hiểu ông muốn nói gì. Tôi đã nói nghệ thuật của Saroyan là nghệ thuật phi nghệ thuật. Sự thực thì cũng chưa đúng hẳn. Hiện nay, ta thấy có hai thứ quan niệm nghệ thuật: nghệ thuật có nghệ thuật và nghệ thuật không có nghệ thuật.

Trong quá trình và tiến trình diễn biến của văn nghệ, mỗi phản ứng chỉ gây ra một phản ứng khác: văn nghệ hay tư tưởng chỉ là phản ứng liên tục. Nghệ thuật không có nghệ thuật chỉ là phản ứng của

Lý luận như thế này dễ rơi vào thảm trạng của D.T. Suzuki.

Thảm trạng của Schelling mà Hegel đã nhạo báng: “Đêm tối mà các con bò đều đen”.

Phải phân ly một cách hoàn toàn triệt để rồi mới bắt đầu nói đến hoà đồng.

Phải bỏ Đồng Tính mà đạt Như Tính.

Sự khác nhau giữa “le Même” và L’ Identique” mà Heidegger đã khai thác một cách sâu sắc.

nghệ thuật có nghệ thuật. Có đến không, rồi không đến có, rồi có đến không, như vậy cứ triền miên mãi với nhau không bao giờ dứt; bởi thế vượt lên trên thời gian và đứng ở bình diện cao hơn, ta có thể nói nghệ thuật không có nghệ thuật là nghệ thuật có nghệ thuật và nghệ thuật có nghệ thuật là nghệ thuật không có nghệ thuật. Có là không, không là có, trắng là đen, đen là trắng, trúng là sai, sai là trúng; tốt là xấu, xấu là tốt; thành công là thất bại, thất bại là thành công; no là đói, đói là no; en-soi là pour-soi, pour-soi là en-soi.

… Tôi đã chơi chữ; nhưng thực ra, chơi chữ nghĩa là không chơi chữ. Lý luận trên là lý luận Bất Nhị của Phật giáo. Mấy vị thiền sư nói: “một cái núi không phải là một cái núi và một con sông không phải là một con sông, tuy nhiên một cái núi là một cái núi và một con sông là một con sông. Sự phủ nhận là xác nhận và xác nhận là phủ nhận” [1] . “Thực là không thực và chân là không chân” (le réel est le non-réel et le vrai est le non vrai) (cf.D.T. Suzuki, l’Essence du Bouddhisme, tr. 70)


4.

Nền văn minh nhân loại hiện nay đang bị phá sản bởi vì con người không bao giờ thoát

Lời nói của một kẻ giác ngộ không thể là giác ngộ.

khỏi ra ngoài tinh thần phân hai; nghĩa là phân chia thực tại và làm hai phần đối nghịch nhau: Thượng Đế và tạo vật, linh hồn và thể xác, tinh thần và vật chất, lý và phi lý, vân vân… Sự chia đôi chỉ là sản phẩm của tri thức và tuy trí tuệ thức có ích lợi, nhưng ngày nay, không còn giữ địa vị độc tôn như xưa kia nữa. Tri thức có ích lợi trong một lãnh vực nào đó, nhưng ta đừng để nó can thiệp dính líu với giòng đời. Cuộc đời là cuộc đời, trọn vẹn, đầy đủ, phong phú, muốn nhìn được hình ảnh trọn vẹn được của cuộc đời, ta hãy vượt ra ngoài trí năng; vì chính trí năng đã phân tán mất mát đi tất cả hình ảnh trung thực và toàn diện.

Bóng ma của D.T. Suzuki ám ảnh đâu đây, phải phân hai, nếu cần phân ba, nếu cần cứ phân ra một trăm, một ngàn lần. Sự phân hai chỉ có với óc phân hai. Giác ngộ là tự nguyện phân hai!

Tôi có giác ngộ? Có hề gì chuyện ấy! Không bận tâm đến giác ngộ nữa.

Khi nói đói là no, no là đói thì không có nghĩa là ta hãy nhịn đói đi: ăn vô ích vì no có nghĩa là đói; khi nói phải là sai, không có nghĩa là ta làm sai đi: làm phải vô ích, vì phải là sai, vân vân… không thể nói như vậy được vì không có sự lựa chọn.

Sartre đã biến cái “choix” thành ra một “présupposition” trong triết lý của ông vì lý do ấy, ý nghĩa của tác động “néantiser” trong triết lý ông đã mất ý nghĩa tiêu cực xứng đáng, khiến cho triết lý ông trở thành một thứ “siêu hình học” thủ cựu nhất trong những nền siêu hình học lỗi thời của Tây phương.

Ta không nên chọn đường tốt hoặc đường xấu, bởi vì thực ra trên đời không có cái gì tốt mà cũng chẳng có cái gì xấu. Chúng ta nghĩ như thế nào thì nó như thế đó. Sự lựa chọn “choix” là một vấn đề quan trọng trong triết học hiện sinh của Sartre; khi ta nói không có sự lựa chọn thì cũng chưa đúng hẳn, bởi vì đó cũng là lựa chọn thái độ không lựa chọn, như thế tức là cũng lựa chọn nữa rồi. Je peux toujours choisir, mais je dois savoir que si je ne choisis pas, je choisis encore(Sartre, L’existentialisme est un humanisme, 73), vì thế, tôi phải nói lại: sự lựa chọn không đặt thành vấn đề, ta không theo thái độ lựa chọn mà cũng không theo thái độ không lựa chọn, ta vượt tất cả mọi thái độ kể cả thái độ vượt hay kể cả thái độ không thái độ: nói như thế nghĩa là ta tự mình giải thoát khỏi vòng triền phược chấp trước của tri thức vọng kiến, và vượt lên tất cả mọi sự mâu thuẫn đối nghịch để mà có thể đạt đến hình ảnh trọn vẹn của cuộc đời toàn diện.

Hình ảnh trọn vẹn của đời sống toàn diện, tư tưởng trung tính hôm nay phải phá bỏ luôn mọi hình ảnh trọn vẹn của đời sống toàn diện, bôi sạch vết tích cuối cùng của Hegel (đồng thời trên một bình diện khác của Marx).

Tôi xin trở lại với William Saroyan. Tôi đã nói: nghệ thuật của Saroyan là nghệ thuật phi nghệ thuật (the art of artnessless) thực ra thì chỉ đúng một phần chứ không đúng hẳn. Thoạt đầu nghệ thuật của Saroyan là phi nghệ thuật, nhưng rồi sau cùng Saroyan vượt hết tất cả mọi quan niệm mọi thái độ, vượt hết, hết,… việc làm Saroyan, nếu nói theo danh từ đạo Phật thì gọi là “Achintya”.

Giữa Saroyan và “vô niệm” của Phật giáo có một sự sai biệt trong một kẽ tơ rất vi tế. Điều cần yếu cho Saroyan là nhảy.

Achintya nghĩa là không chia sẻ, vượt qua tác dụng của tri thức tương đối hay tất cả vọng tưởng mê chấp. Achintya cũng có cũng có nghĩa là “bất tư nghì”.

Nói cho gọn lại: nghệ thuật ở đây là Saroyan; Saroyan là nghệ thuật, chứ không còn sự phân chia ra hai phần cách biệt như Saroyan và nghệ thuật của Saroyan. Chính chữ “ của” này làm ta có vọng tưởng là có hai thực thể đối đãi như chủ và vật.


5.

Hầu hết nghệ thuật hôm nay là biểu tượng về cuộc đời chứ không phải là cuộc đời. Saroyan đem nghệ thuật ra ngoài biểu tượng mà trở thành cuộc đời, chứ không phải là biểu tượng về cuộc đời; nghệ thuật hôm nay có giới hạn, Saroyan phá tung giới hạn ấy.

Cái nhìn hay sự vật được nhìn, chính cái nhìn mới quyết định?

Vết tích của chủ thể tính còn vướng ở đây. phải bôi sạch luôn mọi hình thức của chủ thể tính, chiến thắng “subjectivisme”.

Nếu hỏi Saroyan có thành công hay không thì chính ta phải trả lời câu hỏi ấy khi đọc thẳng tác phẩm của ông; bởi vì chính tinh thần thưởng ngoạn nghệ thuật của ta cũng phải là tinh thần sáng tạo. Khi ta nói rằng Saroyan không thành công tức là ta nói ta không thành công, khi ta nói ông thành công tức là ta nói ta thành công chacun accomplit des actes similaires à ceux qu’il attribue aux autres; que la protection de soi – même est la destruction de soi même, etc [2] .

Sáng tạo là mang nợ, không có sáng tạo thuần tuý từ hư vô biến ra hữu th. “Thiên tài là kẻ mang nợ nhiều nhất” (Emerson).

Khi thưởng thức một nghệ phẩm như tác phẩm của Wiliam Saroyan, ta phải có tinh thần sáng tạo (chứ không phải là một độc giả thụ động) ta phải sáng tạo lại, ta sống tinh thần sáng tạo ấy như khi ta ngắm bức tranh trắng đen Sumiye của Thiền tông hay như khi ta đọc thơ Haiku của văn chương Nhật (chẳng hạn như mấy bức tranh đời Đường và những bức tranh của thiền sư Sesshu và mấy bài thơ của Basho hoặc Saigyo) [3] . (Xin xem quyển Zenga của Kurt Brash).

Triết học là học về sự thất bại. Không bao giờ có một nền triết lý thành công. Triết lý “dấn thân” là triết lý ấu trĩ.

Nói đến nghệ thuật Saroyan, gián tiếp ta đã đặt ra nhiều vấn đề triết học quan trọng; nói đến triết học là nói đến sự thất bại của lý trí con người, là nói lên sự mâu thuẫn liên tục của suy tư; người viết đến đây cảm thấy bàng hoàng vô cùng.


6.

Sở dĩ có câu hỏi “như thế nào” là vì con người sợ sự hỗn mang và muốn nhốt sự hỗn mang vào một dạng thức, một hình thức (forme). Con người xuống thang sa đoạ là con người đòi hỏi một pattern, một “forme” cho tất cả mọi sự. Aristote!

William Saroyan viết truyện ngắn như thế nào? Trước khi trả lời, ta phải tự hỏi: phải đọc truyện ngắn của Saroyan như thế nào?

Tôi thấy có hai nguyên tắc dẫn đạo để giúp ta tìm hiểu nghệ thuật viết truyện ngắn của Saroyan; đây cũng có thể gọi là Ý thức Bất Nhị.

Ý thức Bất Nhị không phải là Bất Nhị.

Nguyên tắc thứ nhứt: không có gì là hấp tấp vội vã. Nguyên tắc thứ hai: Không có gì để nói cả.

Hai nguyên tắc cao nhất của tư tưởng và nghệ thuật.

Nhưng tại sao lại gọi là “nguyên tắc”? chữ Hy lạp là “arché” đã bị xuyên tạc thành ra chữ La Tinh “principia”. Tất cả sự thất bại của truyền thống văn hoá Tây phương nằm ở sự xuyên tạc liên tục này. Newton đã đặt vòng vương miện qua nhan đề tác phẩm khoa học của ông với chữ “principia” (và Descartes!)

Đọc truyện ngắn của Saroyan ta thường gặp Saroyan nhắc đi nhắc lại nhiều lần những câu sau đây: “tuyệt đối không hấp tấp”, There is absolutely no haste (truyện “My self upon the Earth”) “tuyệt đối không có gì để nói cả”, There was absolutely nothing to say (truyện “The Earth, Day, Night, Self”). Ta thử ngưng lại và suy nghĩ xem Saroyan muốn nói những gì, khi ông nhắc đi lập lại hai câu trên.

Ta còn nhớ: ở đời không có gì tốt không có gì xấu, không có phải, không có sai, không có thiện, không có ác, không có không, cũng không có có.

Nói như thế thì rất dễ vượt qua tính cách “oihilisme” này mới quan trọng.

Nam Tuyền thiền sư đã vượt qua “đoạn-diệt”.

Thiền sư Nam Tuyền nói: “Đại Đạo nhất thế thật vô phàm thánh. Nhược hữu danh tự giai thuộc hạn lượng. Sở dĩ Giang tây lão túc vân “Bất thị tâm bất thị Phật bất thị vật”. Tất cả đều có sự phân chia “tốt” hay “xấu”, vân vân, đều là do trí năng ta. Hãy ném trí thức đi. Hãy giết trí thức đi [4] .

Ý nghĩa của Yatha (như thị! như thị) của Phật giáo.

Cuộc đời là cuộc đời, là như vậy, không có cái này mà cũng không có cái kia, nên ta không thể lựa chọn được. Tất cả triết lý Sartre đều quay về sự lựa chọn (choix); thực ra, ta không nên lựa chọn gì cả (và cũng không lựa chọn và không không không không vân vân); nghĩa là sự lựa chọn không đặt ra thành vấn đề; vì cuộc đời này không cái này mà cũng không cái kia hay là cái này mà cũng là cái kia.

“Nhậm tánh”- cưu mang thể tánh như là thể tánh, so với một bình diện khác,“cưu mang nỗi chết qua nỗi chết” (Heidegger: den Tod als Tod zu übernahmen).

“Chi Đạo vô nan, duy hiềm giản trạch, nhậm tánh hiệp đạo, tiên diên tuyệt não hệ niệm quai chơn, vật ố lục trần, lục trần bất ố, hoàn đồng chánh giác, vân vân…”

Ý nghĩa chữ “grundlos” của Schopenhauer.

Cuộc đời không mục đích, không ý nghĩa, không cứu cánh; khi ta có một mục đích nào đó để đạt đến thì ta hấp tấp vội vã cho mau đến đích; ta không hiểu rồi đây ta sẽ đi về đâu; ta không hiểu cho nên ta không hấp tấp vội vã, vì nếu là hấp tấp vội vã thì gián tiếp tự cho mình có mục đích để đến.

Ý nghĩa của chữ “Langeweile” mà Johann Georg Hamann đã dùng. Hamann người tự nhận là “tình nhân của Langeweile” nghĩa là “kẻ thích sống không làm gì cả”.

“Vội vã hấp tấp” là cơn bệnh trầm trọng của tâm hồn (ai nói thế, Rilke? Kafka? Simone Weil?)

Saroyan không bao giờ xem trọng nghệ thuật và cũng không bao giờ có quan niệm chặt chẽ, đàng hoàng về nghệ thuật viết văn, ông không đem một mục đích cứu cánh cho việc viết văn của mình, bởi thế, ông không vội vã hấp tấp: vội vã và hấp tấp để làm gì, để đi về đâu khi không có mục đích cứu cánh gì cả. Đọc tác phẩm của Saroyan, ta thấy ông muốn viết gì thì viết, cứ theo đà xung đột mãnh liệt của lòng ông, ông không bao giờ để ý lo lắng đến lối viết văn, hình thức, không khí nghệ thuật, vân vân. Nói đến đây, ta nhớ đến mấy lời của Whitman [5] .

Cũng chưa lôi thôi và rườm ra như Faulkner, một thứ rườm rà, dài dòng, thôi thôi thần thánh của thiên tài!

Có nhiều chuyện ngắn của Saroyan dài dòng, lôi thôi rườm rà (chẳng hạn truyện “Seventy Thousand Assyrians”, truyện “Myself Upon the Earth”...) ta nóng lòng, ta hấp tấp vội vã muốn tác giả nói thẳng đi, nói mau đi cho rồi; bởi vì ta thấy ông ra ngoài đề quá xa, ông nói đi rồi nói lại, nói bên trong rồi lại nói ra bên ngoài, loanh quanh, luẩn quẩn nhì nhằng như kẹo cao su, thay vì đi đường thẳng, ông lại bình thản từ từ đi một vòng tròn thật rộng; ta sốt ruột cả lên và ông ung dung trả lời “ khoan, sao mà hấp tấp thế, tuyệt đối không có gì vội vã” (there is absolutely no haste).

Bùi Giáng là người duy nhất

thể hiện mãnh liệt nhất

lối viết đi ngoài khung khổ hạn định.

Văn nghệ Việt Nam đến bây giờ còn lết bết đi sau Bùi Giáng đến một trăm năm. Nhưng nỗi nguy hiểm nhất của Bùi Giáng vẫn là “hubris” trong ý nghĩa Hy Lạp. Hölderlin: “Wo aber die Gefahr ist, wächst das Rettende auch”!

Người ta viết văn thường có quan niệm nghệ thuật vững chãi, nào là bố cục phải phân minh, nhập đề, thân kết, vân vân… nghĩa là người ta có mục đích đàng hoàng, người ta phải hấp tấp không dám đứng lại nhì nhằng, nhập đề phải gọn, kết luận phải ngắn và sắc, vân vân… người ta không dám ra ngoài khung khổ hạn định; con đường đi ấy ngắn, người ta phải cố gắng vội vã đi trong vòng mấy phút, không được đi lố giờ trong trung bình mà bao nhiêu người khác đã đi; trái lại, Saroyan không giống như vậy, ta hãy tưởng tượng một con đường ngắn đáng lẽ chỉ mất mấy phút, ông lại đi hoài đi mãi mà không bao giờ tới; bởi vì Saroyan bước đi chậm chạp, khoan thai, bước chừng vài bước lại dừng chân lại, ngồi ngủ dưới gốc cây, rồi thức dậy, ngắm mây trắng bồng bềnh, nghe chim kêu, rồi lại bước đi, đi chừng vài bước lại dừng chân ngắm đoá hoa và bướm vàng bên vệ đường rồi lại bước đi, cứ như thế đi hoài đi mãi mà không bao giờ tới nơi tới chốn. Nói đến Saroyan, ta dễ nhớ đến tư tưởng mấy thiền sư: “Đi là sống; tới là chết[6] .

Nhưng Trung Quán Luận của Phật giáo: “Trước hết sự vận hành thành tựu rồi thì không phải là vận hành, mà sự vận hành chưa thành tựu thì cũng không phải là vận hành. Sự vận hành hiện tại ở ngoài hai sự vận hành kia (đã thành tựu và chưa thành tựu) thì không thể có nghĩa được” (nguyên bản Tây Tạng: re zig son la mi’ gro ste “ma son ba’ la’ an’ gro ba med” son dan ma son ma gtogs par “bgom pa ses pas par mi’ gyur ro”).

Đọc tác phẩm của Saroyan, ta đừng quên nguyên tắc thứ nhất “tuyệt đối không hấp tấp vội vã”, ta cứ đọc chầm chậm, đừng nóng lòng chờ đợi kết cục thế nào, câu chuyện sẽ đưa đến đâu, vân vân… Câu chuyện sẽ không đưa đến đâu cả bởi vì:

Nguyên tắc thứ hai: Không có gì để nói cả.

Mỗi nhà văn khi cầm bút đều sẵn có một số quan niệm nào đó trong đầu.

Lại Sartre nữa! Hãy đọc lại mấy bài Sartre viết về Flaubert thì thấy rõ!

Họ viết để nói một cái gì, chẳng hạn như những vở kịch và tiểu thuyết của Jean-Paul Sartre đều dùng để nói lên triết lý hiện sinh của ông chẳng hạn như quyển tiểu thuyết La Nausée, đã được Sartre viết ra là vì ông đã có sẵn trước một ý niệm (qui s'est inspiré d’un concept) ý niệm về triết lý hiện sinh, ý niệm về quyển La Nausée, nghĩa là Sartre đã có sẵn một kỹ thuật trứ tác, một recette (une technique de production préalable que fait partie du concept, et qui est au fond une recette), như vậy, quyển La Nausée là một cuốn sách (một sự vật) đã được trước tác ra trong một đường lối nào đó và chứa đựng một sự ích lợi được xác định đàng hoàng: dùng để nói lên triết lý hiện sinh (un object qui se produit d’une certaine manière et qui, d’ autre part, a une utilité définie [7] , khi viết La Nausée, Sartre đã muốn dùng quyển ấy để làm gì rồi, bởi thế ta có thể dùng danh từ của

Thực ra, essentiaexistentia của Sartre ở đây đã bị Heidegger vạch ra bộ mặt của Thần học công giáo Trung cổ. “Lật ngược một mệnh đề siêu hình học vẫn là siêu hình học”.

Sartre để mà nói gọn lại rằng bản chất yếu tính (l’essence) của quyển (La Nausée) đã có trước sự hiện hữu (l'existence) của quyển ấy (l’essence - c’est-à-dire l’ensemble des recettes et des qualités permettent de le produire et de le définir-précède l'existence) [8] ; sự có mặt của La Nausée đã được xác định trước rồi; bởi thế ta có thể nói rằng khi viết tiểu thuyết hay kịch, Sartre đã có một cái nhìn kỹ thuật (une vision technique du monde), nghĩa là về con người thì Sartre cho rằng sự hiện hữu có trước yếu tính (l'existence précède l’essence) nhưng về nghệ thuật văn nghệ thì Sartre gián tiếp cho rằng yếu tính có trước hiện hữu (l’essence précède 'existence).

Nên đặt lại ý nghĩa của “existence” của Saroyan trong ý nghĩa xuất (ex-) của chữ Exsistenz của Heigeger thì mới đúng hơn vì existence của Sartre kẹt vào existentia của kinh viện Trung cổ.

William Saroyan khác Sartre; nếu nói theo danh từ của Sartre thì đối với Saroyan, về nghệ thuật văn nghệ: hiện hữu có trước yếu tính (l'existence précède l’essence) chẳng hạn như trường hợp của Sartre viết quyển La Nausée và Saroyan viết truyện Common Prayer. Yếu tính của La Nausée có trước hiện hữu của La Nausée; còn hiện hữu của Common Prayer có trước yếu tính của Common Prayer. Trước khi viết La Nausée, Sartre đã có trước một ý niệm; trước khi viết Common Prayer, Saroyan chẳng có ý niệm nào cả.

Sự trống rỗng của Saroyan ở đây là ý nghĩa chữ “le vide” trong nghệ thuật (xin đọc, Le Vide, expérience spirituelle en Occident et en Orient, trang 290-307, loại sách Hermès, Paris, 1969).

Đầu óc của Saroyan trống rỗng. Saroyan cứ lại bàn ngồi rồi lấy bút ra viết (vì cảm thấy ngứa tay) và để ngòi bút chạy đi đâu thì chạy. Sartre có một cái gì để nói; còn Saroyan hoàn toàn chẳng có gì để nói hết. Thiền tông “Nhử đản vô sự ưu tâm vô tâm ư sự tắc hư nhi linh không nhi diệu”. Ta chẳng lấy làm lạ đối với Sartre, viết văn là “une entreprise” [9] , Sartre nói khi viết, Saroyan sống khi viết; Sartre viết để nói, Saroyan viết để sống. Saroyan: “tôi chỉ là người trẻ tuổi, tôi viết để mà viết, vì tôi chẳng biết làm gì cả” (“Myself upon the Earth”). Việc viết lách, đối với Saroyan, là một công việc thông thường của cuộc sống, như ăn, uống, ngủ hay đi tiểu tiện, đại tiện, vân vân. Saroyan viết là viết, chứ không nghĩ gì cả; bởi thế một số lớn tác phẩm của Saroyan là cuộc đời chứ không phải nói về cuộc đời. Thực sự tuyệt đối không có gì để nói: there was absolutely nothing to say (Saroyan).

Giới hạn của ngôn ngữ thông thường. Trả ngôn ngữ lại vị thế ban đầu của nó thì ngôn ngữ chính là cuộc đời. Thực ra chữ quan trọng không phải là “cuộc đời” mà chính là chữ “là”. Ý nghĩa của chữ Hy Lạp “eĩvai” rất quan trọng ở đây.

Thi ca của Thiền tông cũng thế. Những bài thơ sống nhất của Thiền là những bài thơ chẳng nói gì hết, không có gì để nói hết; những bài thơ ấy là cuộc đời chứ không phải triết lý hay chú giải về cuộc đời (cf. Alan. Watts: the most expressive Zen poetry is that which “says nothing”, which, in other words, is not philosophy or commentary about life) [10] .

“Con người” là gì? Phải tránh “nhân trung thuyết” ở đây.

Một số tác phẩm của Saroyan không phải là tác phẩm, sách, truyện hay tiểu thuyết: ai rờ vào đây là rờ vào một con người. Camerado, this is no book, who touches this touches a man (Walt Whitman, so long).

Henry Miller đã đi ra ngoài tất cả những hạn chế của nghệ thuật. Walt Whitman vẫn còn kẹt vào đôi hạn chế (như Restif de la Bretonne).

Đọc Henry Miller, Restif de la Bretonne (thiên tài dị thường của Pháp ở thế kỷ XVIII), Walt Whitman hay Saroyan ta đều có cảm giác như trên.

Đối với Saroyan, Henry Miller, Walt Whitman, Restif de la Bretonne viết là sống, sống là viết.

Có thể bỏ viết mà vẫn sống được không? Chỉ có Henry Miller là làm được việc khó khăn này.

Saroyan đã tự thú như vầy:

“Trong vòng sáu tháng qua, tôi phải bị xa lìa việc viết lách của tôi và tôi không còn là gì nữa hay là tôi đã bước đi quanh quẩn như một cái xác không hồn, một bóng mơ hồ trong ác mộng của vũ trụ” [11] .

Đây cũng là thảm kịch của tôi trong nhiều năm. Thảm kịch này giống như người bị bệnh cuồng thiền. Tham thiền một thời gian rồi nghiện thiền như nghiện thuốc lá. Đó là sự nguy hiểm dễ sợ nhất.

Khi nào không viết, Saroyan có cảm giác rằng ông đã mất đi, chết đi (unalive), bởi vì Saroyan sống trong lúc viết là viết trong lúc sống, đối với Saroyan đọc, viết, sống chỉ là một. Tác phẩm của Saroyan chính là Saroyan, là một “quyển sách sống” (mượn chữ “Livre vivant” của Restif de la Bretonne).

Đây là một cách thủ dâm bằng chữ nghĩa. Cuộc sống như một người đàn bà. Con người luôn luôn trễ tàu. Chỉ sống sau khi hoặc chỉ sống trước khi, còn đang sống là sợ hết. Tai nạn thường trực.

Kinh nghiệm phi thường của Edmond Jabès. Đối với Jabès, chỉ thoát được ra ngoài quyển sách là trong quyển sách: quyển sách không ở trong thế giới là chính thế giới ở trong Quyển sách. Edmond Jabés: “Nếu Thượng đế hiện hữu thì sở dĩ là thế vì Thượng đế ở trong quyến sách” (Si Dieu est, c’est parce qu’il est dans le livre). Kinh nghiệm thần bí của Jabès: “Thế giới hiện hữu bởi vì cuốn sách hiện hữu” (Le monde existe parce que le livre existe). Khủng khiếp nhất là giây phút trực nhận của Jabès: “Quyển sách là tác phẩm của quyển sách” (le livre est l’oeuvre du livre).

So sánh Edmond Jabès et la question du livre trong quyển L’ Écriture et la Différence của Jacques Derrida, trang 99 – 116 vaf 429 – 436). Viết về quyển Yael của Edmond Jabès, Gabriel Bounoure trong Critique (Juin 1968, trang 587) nói: “…Le livre de Yael n’est pas fini, qu’il se poursuivra dans un livre intérieur au livre”.

Trái tim của con người đập nhịp nhàng ngay trong tác phẩm của Saroyan; muốn gọi gì thì gọi, muốn nói gì thì nói, tác phẩm của ông đang thở. “What difference does it make what you call it, just so it breathes” (Saroyan). Tác phẩm của Saroyan không phải là nói về trái tim: chính tác phẩm ấy là trái tim; trái tim nằm trong ấy và máy động nhịp nhàng ở trong ấy [12] .

Nhưng chính Marquis de Sade là nạn nhân tàn nhẫn của sự ngộ nhận vĩ đại!

Những tác phẩm của Restif de la Bretonne hay Saroyan (hay Henry Miller, Walt Whitman) đều cũng thế. Những tác phẩm của họ thường bị người đời hiểu lầm; một Marquis de Sade làm gì hiểu nổi Restif de la Bretonne; một John Brown có bao giờ hiểu được thiên tài lung linh của William Saroyan; một Bertrand Russel bao giờ hiểu được thiên tài mãnh liệt của D.H. Lawrence? (cf. Portraits from Memory, tr. 111-116). Cả dân tộc Mỹ đã bỏ quên thiên tài phi thường của Henry Miller trong mấy chục năm trời và giờ đây mới chỉ bắt đầu mở mắt ra mà nhìn tầm vóc vĩ đại của Henry Miller.

Thực ra ở thế giới này có mấy người hiểu được Henry Miller? Ngày trước số người hiểu được thuyết Einstein có thể đếm trong đầu ngón tay, nhưng ngày nay số người hiểu được Henry Miller thì lại khó tìm thấy hơn.

Người ta chê Saroyan (hay chê Henry Miller, Restif de la Bretonne, Marc Chagall, vân vân), người ta chê những thiên tài này là”con nít, ngây ngô…”. Saroyan lại nghĩ rằng “con nít là nòi giống duy nhất của con người thực sự; tất cả những gì còn lại đều là giả dối” [13] . Restif de la Bretonne lại trả lời: “những chi tiết trẻ con ngây ngô mới thực là cần thiết” [14] .

Người ta chê họ là “tầm thường, nói những điều ai cũng biết rồi”. Saroyan lại hãnh diện nói: “Tôi không có ý lãnh giải Pulitzer hay giải Nobel hay bất cứ giải thưởng nào khác, tôi ngồi đây trong gian phòng nhỏ bé, viết một bức thư gửi những người tầm thường và bằng một ngôn ngữ giản dị đơn sơ, tôi kể cho họ nghe những điều họ đã biết rồi”. [15]

Chúng ta nhớ lại khi Marquis de Sade khinh chê Restif de la Bretonne viết những điều ai cũng biết – ce que tout le monde sait. Restif de la Bretonne trả lời rằng chính những điều tầm thường ấy, những điều ai cũng biết, ce que tout le monde sait, chính những điều ấy mới chứa đựng chân lý của cuộc đời, sự huyền diệu của cuộc đời, sự bí mật phong phú, phi thường của con người.

Người ta chỉ có viết những điều có thể biết.

Giẫm lên giới hạn của điều có thể biết là điều khó đạt nhất và bí mật nhất.

Ta đã đau đớn biết bao khi thấy con người sống tù hãm trong những định thức thành kiến gò bó.

Chừng nào những Sade mới biết im lặng để cho những Restif de la Bretonne, những Saroyan, những Henry Miller được thung dung thổi gió về vi vu trong lòng ta? Người ta cười những lời ngây thơ của Saroyan, Restif de la Bretonne và Henry Miller; người ta cười lúc họ thành thật hơn bao giờ hết. Hãy cười đi - Người ta đã cười Picasso, đã cười Chagall, đã cười những kẻ “điên, ngu, dại, ngây ngô, khờ khệch”. Người ta cứ mải miết loanh quanh đi tìm cao siêu, sâu sắc, uyên bác, thâm trầm, trông thái, già giặn, vân vân… Một ngàn cụ Einstein cũng không thể nào sánh được với một người nhà quê dốt nát, nghèo khổ, ngây ngô, dại dột: và mộng của Einstein cũng chỉ muốn được như vậy mà thôi, được làm một người nhà quê dốt nát. Tolstoi có những điệu bộ nào vào lúc già mà khiến cho tâm hồn ta phải xao động lạ lùng như vậy?

Con người cứ mải miết đi tìm Niết bàn. Niết bàn không có ở đâu cả; Niết bàn ở ngay trong vòng Luân hồi, Luân hồi là Niết bàn [16] , các người có nghe rõ chưa?

Nhưng trước khi thể hiện được như vậy, phải sống cho qua giữa một mùa hoả ngục.

Khi ta đọc vài ba truyện ngắn nào đó của Saroyan mà ta chưa kịp hiểu hoặc ta thấy “tầm thường” quá thì ta hãy nhớ nguyên tắc thứ hai: “Không có gì để nói hết”.

Con người bị đoạ, vì biết nói. Nhân vật vĩ đại nhất của Carson Mc Cullers là những người câm (The heart is lonely hunter).

Thuyết Bất nhị của Thiền tông Phật giáo lại trở về phiêu diêu… Tất nhiên, con người đã sinh ra đời không thể nào im lặng, vì im lặng cũng có tiếng nói của nó, và khi ta bảo rằng: “Tuyệt đối không có gì để nói hết” thì cũng là có gì để nói rồi; không có gì để nói là có gì để nói và có gì để nói là không có gì để nói; bởi thế có khi ta thấy tác phẩm của Saroyan nhờ thế này, có lúc ông lại đổi khác đi -

Làm sao lý luận như vầy mà không rơi vào “ba phải”?

tựu trung, Saroyan vượt lên tất cả mọi suy tư- Khi ông muốn nói thì nói; lúc ông không muốn nói thì không nói; lúc ông muốn viết thì ông ngồi bàn mà viết; lúc không muốn viết thì thôi; lúc ông muốn suy nghĩ, ông suy nghĩ- Saroyan không tự bắt buộc phải trung thành với bất cứ cái gì, dù trung thành với những cái gì tự ông đã đặt ra.

Thoát ra ngoài “ý tính”, vấn đề khó khăn nhất của con người.

Saroyan muốn trước rồi nghĩ sau; Sartre nghĩ trước và muốn sau. Saroyan thấy thích viết thì viết, chứ cũng chẳng nghĩ gì hết, ngay đến chuyện nghĩ cũng thế, ông thích nghĩ thì cứ nghĩ…

Nhưng Saroyan không phải là một thiền sư.

Hành động của Saroyan, danh từ Phật giáo gọi là “diệu dụng”. Thiền tông: “Bất khả dĩ hữu tâm đắc; bất khả dĩ vô tâm cầu”.

William Saroyan viết truyện ngắn thế nào?

Ông muốn viết thế nào ông viết; ông muốn, chứ không nghĩ. Khi nào Saroyan muốn viết thì cứ ngồi xuống viết, I just sit down and write [17] .

Muốn chính là nghĩ.

Ông không nghĩ gì hết, những lúc nào ông muốn nghĩ về nghệ thuật viết truyện ngắn, ông muốn nghĩ rằng:
Nhưng con người chính là một thể, một “form”? rồi?
Không ai thoát khỏi cái nghiệp nhà văn dù là một người không viết văn gì cả thì cái óc của kẻ ấy cũng viết văn.

Tôi định phân tích những truyện ngắn tiêu biểu cả Saroyan, nhưng không thể nào phân tích cho đàng hoàng được: tác phẩm của Saroyan là con người ông. Tôi chỉ có thể diễn tả đại khái về con người ấy như sau: yêu thương những người nghèo khổ, yêu thương nhân loại (truyện “Seventy Thousand Assyrians”) xót xa chan chứa giao cảm với con người lạc loài, bị xã hội ruồng bỏ hiếp đáp (truyện “Among the Lost”), tâm hồn bơ vơ cô độc (truyện “1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8,”) thương mến sự hồn nhiên ngây ngô của kẻ nghèo (truyện “Dear Greta Garbo”), thương xót tâm hồn lạc lõng của gái giang hồ (truyện “Love”), khóc than sự ngộ nhận hiểu lầm trên đời (truyện “And Man” và truyện “Laughter”), đau khổ lạc lõng xa lạ nơi quê hương mình (truyện “Going Home”), tình yêu rạo rực (truyện “Romance”), phẩm giá con người (truyện “The Man with the French Postcard, khóc than vì sự xấu tồn tại ở trần gian này (truyện “War”), chống đối chiến tranh (truyện “Fight your own War”), sự kỳ lạ nhiệm màu của nòi giống của con người (truyện “The Earth, Day, Night, Self” ), sức sống miên man của con người vươn lên trên nghịch cảnh (truyện “A Cold Day”), sự va chạm phũ phàng của một thiếu niên trước cuộc đời, trước ái tình (truyện “Seventeen”), ca ngợi cuộc đời, vinh hạnh vì biết mình sống, chống văn minh, chống tiến bộ, công thức, giả tạo, chống tất cả những lề luật, những truyền thống, gò bó, khuôn khổ (truyện “Myself Upon The Earth”), bơ vơ, đói khổ nhưng vẫn thiết tha với đời (truyện The Daring Young Man on the Flying Trapeze), vân vân.

Sống chính là nhớ. “Sứ mạng của con người trên mặt đất này là nhớ” (Henry Miller). Phải hiểu nhớ trong nghĩa Andenken của Heidegger.

Con người của Saroyan không phải chỉ có thế thôi. Ta hãy tìm thẳng vào tác phẩm của Saroyan và khi đọc, nhớ sống.



[1]D.T.Suzuki. L’ Essence du Bouddhisme, tr. 104: Une montagne n’est pas une montagne et une rivière n’est pas une rivière; cependant une montagne est une montagne et une rivière est une rivière. La negation est une affirmation et l’affirmation est une negation. Ceci n’est pas simplement un jeu de mots. Si c’est ce que nous en comprenons, nous restons sur le plan de l’intellection et nous ne parvenons pas à sortir du cercle vicieux
[2]Henry Miller, “L’obscénité et la loi de réflexion”, xem Souvenir Souvenirs, trang 237, NRF 1953.
[3]cf. D.T. Suzuki, “Painting, Swordsmanship, Tea ceremony”, trong Zen Buddhism, edited by W. Barrett, Doubleday, New York, 1959, trang 194.
cf. Alain W. Watts, “Zen in the Arts” trong The way of Zen, New American, Library N.Y.1959, trang 194
[4]Daisetz T. Suzuki, L’Essence du Bouddhisme, trang 80 (Cercle de Livre Paris 1955).
[5]cf. Alain Bosquet, Whitman, trang 149 (NRF).
[6]cf. Alan W. Watts, The Way of Zen, trang 190: zen has no goal, it is a traveling without point, with nowhere to go. To travel is to be alive, but to get somewhere is to be dead for as our own proverb says: “to travel is better than arrive”.
[7]Jean – Paul Sartre, L’ Existentialisme est un humahisme, tr. 18 (Nagel, Paris, 1958).
[8]Jean – Paul Sartre, L’ Existentialisme est un humahisme, tr. 18 (Nagel, Paris, 1958).
[9]Jean – Paul Sartre, L’ Existentialisme est un humahisme, tr. 18 (Nagel, Paris, 1958).
[10]Alan W. Watts: The way of Zen, trang 177
[11]Saroyan: And for the past six months I have been separated from my writing, and I have been nothing Or I have been walking about unalive, some indistinct shadow in a nightmare of the universe (“My self upon the Earth”).
[12]cf. Maurice Blancnot: “Un livre vivant” trong Critique, tome IV, No. 22, pp, 105 – 205, Mars, 1948).
[13]Saroyan: Babies are the only race of the earth, the race of man all the rest is pretense (“Seventy Thousand Assyrians”).
[14]Restif de la Bretonne: “Il est peu de vos écrivains polis et de vos jolis versificateurs qui puissent vous appendre ce que je vous apprendrai. Lisez -moi avec courage, malgré mes details enfantins car ils sont nécessaires et vous verrez, après m’avoir lu, que vous saurez des choses don’t vous ne doutez pas”. (cf Maurice Blanchot: “Un livre vivant”, trong Critique, tr. IV No 22).
[15]Saroyan: I am not out win the Pulitzer Prize or the Nobel Prize or any other prize. I am not out here in the Far West, in San Francisco in a small room on Carl Street writing a letter to common people telling in simple language things they already know.
[16]D. T. Suzuki: “The sense of Zen” trong Zen Buddhism, edited by William Barret, p. 15 (Doubleday, N-Y, 1956)
[17]Saroyan: Preface to the first edition of The Daring Young Man on the Flying Trapeze.
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.