© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
17.9.2002
Võ Ðình
Xa xỉ?
Ðoản văn 2002
 

Như một nghệ sĩ thứ thiệt, tôi thích dân giàu hơn dân nghèo. Người giàu cũng làm cho tôi chán ngấy như những kẻ nghèo, nhưng ít nhất họ rủng rỉnh tiền bạc. (...) Tôi ước ao rằng tiền bạc ấy, nếu tôi đủ khôn ngoan lanh lợi, sẽ may ra tìm đường chui vào túi áo tôi. Với những độc giả nhạy cảm, điều tôi vừa nói có vẻ như công nhận có một thứ tinh thần ký sinh trùng đâu đây. Nhưng thử hỏi trong một xã hội như xã hội ngày nay, chúng tôi, bọn nghệ sĩ thứ thiệt, biết làm sao bây giờ?

George Grosz, Autobiography (The Dial Press, New York, NY 1946)




Nhớ trưa hôm ấy, dưới gốc phong lớn, tôi ngồi khắc mộc bản. Một việc làm vừa nhọc nhằn, vừa đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Anh bạn nãy giờ yên lặng xem tôi khắc gỗ bỗng dưng chắc lưỡi, lên tiếng: "Té ra cái đồ xa xỉ, làm cũng mệt dữ!" Thuở ấy, tôi còn trẻ, tính nóng nảy, nghe tí gì không thuận tai là... sửng cồ lên ngay. Tôi ngừng tay, quắc mắt: "Xa xỉ!? Cái gì xa xỉ?!" Anh bạn đấu dịu: "À, mình nói đối với đa số thiên hạ, tác phẩm nghệ thuật là đồ xa xỉ ấy mà... Với chúng mình, khác..."

Chỉ có thế mà không ngờ mấy tiếng "đồ xa xỉ" ở lại với tôi mấy chục năm qua. Ở lại và, đôi lúc, dày vò. Suốt đời, nhắc lại, suốt đời, tôi làm nghệ thuật. Trước 1975, tôi vẽ tranh: tranh sơn, tranh nước, tranh phấn; tôi khắc và ấn mộc bản... Cũng tí toáy viết lai rai, không đáng kể. Sau 1975, ngoài việc vẽ tranh tôi còn ham viết, một đam mê từ thiếu thời: truyện, tùy bút, tiểu luận,v.v... Ðôi khi, những vấn đề như "ý nghĩa", như "sứ mệnh" của nghệ thuật được nêu lên, tôi không bận tâm. Tôi lười lĩnh để dành các thắc mắc đó cho những "bậc cao minh". Phần tôi, cứ tà tà vẽ, tà tà viết. Không thể, không muốn, làm gì khác.

Mấy tiếng "cái đồ xa xỉ", thế là chúng ở với tôi đã xém bốn chục năm. Có lúc tôi hoàn toàn phản đối quan niệm cho rằng tác phẩm nghệ thuật là đồ xa xỉ. Tin tưởng rằng từ thuở ăn lông ở lỗ, con người đã bắt đầu cần đến nghệ thuật. Nghệ thuật là một bộ phận không thể tách rời khỏi văn hóa. Tán đồng ý kiến của ông cụ Bernard Berenson, bậc trưởng thượng trong giới mỹ thuật học (một ý kiến đọc được đâu đó từ lâu quá, nay không còn nhớ xuất xứ), rằng không có nghệ thuật, thế giới này chỉ là rừng rú hoang dại thôi. Núp bóng ông cụ, tôi yên tâm một thời gian dài. Nhưng rồi có lúc đụng đầu với thực tế (thực tế của quần chúng, nói chung, của giới gọi là "nghệ sĩ", nói riêng), tôi giật mình, hoang mang. Ðâm ra hoài nghi cái vị trí lâu nay được coi như hiển nhiên, vững chãi, và... cao quí của nghệ thuật.

Nhìn quanh nhìn quất, tôi chỉ thấy một số trong những người gọi là "nghệ sĩ" bứt tóc bứt tai vì nghệ thuật chứ có thấy ai "ke"* gì đâu. Ðại đa số quần chúng nói chung "hổng ke"*, dễ hiểu. Ðối diện với nghệ thuật, họ thường có thái độ khá phức tạp: e dè, nghi ngại nhưng lại khinh khi, dè bĩu. E dè, nghi ngại vì không biết, không hiểu, không thẩm thấu. Và khinh khi, dè bĩu vì cho rằng nghệ thuật là thứ vô bổ và nghệ sĩ là những người làm dáng, thời thượng. Vì có thái độ ấy, phản ứng ngược lại là kéo nghệ thuật đến gần hơn, thấp hơn, tầm thường hóa nó, biến nó thành một trò giải trí. Chẳng phải vô cớ mà cụm từ "văn học nghệ thuật" trở thành những tiếng nói đùa. Ðùa mà có ý mỉa mai. A mời B đến dự một "party". B hỏi: "Vậy chớ có văn nghệ văn gừng gì không?"

Ða số quần chúng "hổng ke"*, dễ hiểu. Khó hiểu chăng là ngay trong số những người gọi là "nghệ sĩ", không phải ai cũng nặng lòng, cũng sống chết với nghệ thuật. Có người "làm nghệ thuật" như một công việc quen thuộc, khai thác cái khéo léo của mình, cái "nghề" của mình mà không tha thiết tìm tòi cái duy nhất, cái phẩm chất riêng của mỗi nghệ sĩ. Lại có người "làm nghệ thuật" như một cách "chơi". Nhưng cái "chơi" của họ mới là "chơi" chơi, chưa phải "chơi" thiệt vì "chơi thiệt" vất vả lắm; bởi ai cũng biết rằng "nghề chơi cũng lắm công phu"! Ðã đành, "nghề chơi" trong Kiều là "nghề chơi" hoa nguyệt. Nhưng "nghề chơi" nghệ thuật cũng vô cùng phiền toái, gian nan. Rất "lắm công phu". Và cũng vì "lắm công phu", ít ai dấn thân vào con đường nghệ thuật mà chỉ tham gia những sinh hoạt nghệ thuật như một thứ mua vui nhuốm mùi nghệ thuật.

Nếu sinh hoạt nghệ thuật là một thứ mua vui thì tác phẩm nghệ thuật lại được (bị) coi như một xa xỉ phẩm. Xa xỉ vào hạng khó "chơi" nhất. Lấy chiếc xe hơi làm thí dụ. Chiếc xe mắc tiền, ngoài niềm hãnh diện nó đem lại cho người sử dụng, còn có thể được coi như một lợi ích vì là phương tiện di chuyển nhanh chóng, êm ái. Bức tranh, cuốn sách, bản nhạc có giá trị, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Không có cũng chẳng sao, nhưng vẫn có, vẫn phải có. Ðịa vị và thể diện đòi hỏi phải có. Vì thế, trong tay những kẻ, có phương tiện tài chánh, không cần đến tác phẩm nghệ thuật mà vẫn sở hữu được nó, tác phẩm nghệ thuật bị xếp vào loại "hàng thần lơ láo". Nó tự xác định lại thân phận của nó: xa xỉ phẩm.

Khi thì tin tưởng hết mình ở vị thế cao cả của nghệ thuật, khi thì hoang mang ngờ vực cả sự hiện hữu của nó, tôi cứ lắc lư như vậy trong mấy chục năm. Thật vất vả. Hết núp bóng cụ Berenson tôi lại đọc, không biết bao nhiêu lần, lá thư của một họa sĩ mà tôi tôn sùng rất mực. Vincent van Gogh viết cho mẹ già ở quê nhà Zundert, Hòa lan: "Con gửi mẹ cái tự họa này để mẹ coi, sau bao năm tháng lang thang ở Paris, London và nhiều thành phố lớn khác, con vẫn còn giữ được cái dáng dấp mấy bác nhà quê ở vùng Zundert ta." (...) "Mẹ ơi, (...) họ làm nhiều việc có ích cho đời hơn con nhiều. Chỉ lúc nào người ta đủ ăn, đủ mặc, đủ các thứ khác rồi, người ta mới cần đến tranh ảnh, sách vở. Mẹ ơi, thật con còn thua cả mấy bác nhà quê!"**

"Thật con còn thua cả mấy bác nhà quê!" Trước và sau Van Gogh, không ai nói lên sự kiện đau đớn ấy. Người nghệ sĩ sáng tạo, thôi thúc bởi nhu cầu nội tại có lúc giật mình, ý thức công việc của mình. Và thấy rằng, như Van Gogh, lăn lộn trên khung vải không có ích cho đời bằng cày lên mặt đất. "Thấy" như vậy, nhưng, lại như Van Gogh viết cho mẹ, "nói thì nói chứ con vẫn tiếp tục vẽ, vẫn ngày ngày còng lưng mà cày lên mặt bố giống hệt mấy bác nhà quê cày ruộng đó."** Cái ông Van Gogh! Ðọc thư, e bà cụ sinh ra ông, lo cho con thì vẫn lo nhưng phải nổi đóa!

Cụ Berenson bảo rằng không có nghệ thuật thì thế giới này chỉ là rừng rú hoang dại. Ông Van Gogh thì lại tâm sự với mẹ già ở quê nhà là làm nghệ thuật thật ra không có ích cho đời bằng mấy bác nhà quê cày ruộng. Berenson là một học giả về mỹ thuật. Van Gogh là một họa sĩ sáng tạo. Hai vị đến với nghệ thuật bằng hai con đường khác nhau. Có lẽ vì thế mà họ có những ý nghĩ khác nhau. Cụ Berenson tin tưởng ở sự hiện hữu của nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu tinh thần và tình cảm của con người. Ông Van Gogh, biết rằng làm nghệ thuật không có ích cho đời bằng cày ruộng, nhưng vẫn ngày ngày "cày" lên mặt tranh. Vì sao?

Tôi nghĩ rằng vì làm nghệ thuật là một nhu cầu không thể không thỏa mãn. Luận về nghệ thuật Ðông-Tây, cổ kim, chúng ta ngày nay có thiên kinh vạn quyển. Chúng ta tha hồ nghiền ngẫm sách này vở nọ, bàn về nghệ thuật từ quan điểm này, "góc độ" kia, xã hội, chính trị, kinh tế, tâm lý, sinh lý, trí thức, tâm linh, tình cảm... Chúng ta biết ở mỗi thời đại, động cơ gây nên công trình sáng tạo nơi người nghệ sĩ mỗi khác. Thời nay, thời chúng ta, làm nghệ thuật là một nhu cầu căn bản. Và khẩn thiết. Ví như ăn, ngủ, bài tiết. Và tác phẩm nghệ thuật là thành quả, đúng hơn, là phó sản của việc làm nghệ thuật đó. Làm nghệ thuật là chuyến đi, tác phẩm là nơi đến. Tác phẩm có đó như một chứng tích, một dấu giày, một vết tay, một tố cáo. Vâng, một tố cáo. Tố cáo rằng con người tạo ra nó đã quằn quại, nhọc nhằn, đã bò, đã lết như thế nào. Tác phẩm như chứng tích của một vượt thoát khỏi tuyệt vọng.

Ðối với nhiều người, tác phẩm nghệ thuật có thể là đồ xa xỉ. Nhưng người nghệ sĩ làm nghệ thuật không phải là làm một việc xa xỉ. Ở đây có sự mâu thuẫn giữa hành động và thành quả. Người làm nghệ thuật loay hoay vùng vẫy trong sự mâu thuẫn ấy. Và tác phẩm, thường được coi như phần thưởng cho một công trình, thật ra là vòng nguyệt quế vây quanh một cái đầu đầy thương tích.

Bốn mươi năm trôi qua. Anh bạn ngồi xem tôi khắc gỗ đã qua đời. Những mộc bản tôi khắc và ấn đã nhiều lần được gom góp, chọn lựa, trưng bày. Tuy trong nhiều năm, nhờ bán tranh mà có tiền mướn nhà, đi chợ, tôi vẫn không quên cái chắc lưỡi và câu nói bâng quơ của anh bạn: "Té ra cái đồ xa xỉ, làm cũng mệt dữ!" Anh bạn đã có lý. Ðúng như anh nói, "đối với đa số thiên hạ, tác phẩm nghệ thuật là đồ xa xỉ". Xa xỉ vào bậc nhất. Người ta có thể bỏ ra hàng chục ngàn đô-la mua một bộ bàn ghế sang trọng và giàn âm thanh tân kỳ cho phòng khách, nhưng trên bức tường chính chỉ treo một tấm tranh vào hạng tầm thường nhất, tầm thường hơn cả cái khung của nó. Người ta có thể mua một tủ kính bằng gỗ đẹp, thật đắt tiền, để chưng dăm ba thứ bá láp, nhưng trong nhà tuyệt nhiên vắng bóng những cuốn sách có giá trị. Tranh, sách... như tác phẩm nghệ thuật, là những thứ xa xỉ không cần đến. Nói đúng hơn, chính vì ta không cần đến mà tác phẩm nghệ thuật trở thành đồ xa xỉ. Nếu ta cần, nó lại là cơm cho người đang đói, nước cho người đang khát. Và nếu là cơm, là nước, nó không phải là đồ xa xỉ, nó là thứ căn bản, không có không được. Tác phẩm nghệ thuật mà còn cần thiết như vậy (cho người thưởng ngoạn) huống hồ làm nghệ thuật (bởi người nghệ sĩ).

Tác phẩm nghệ thuật có thể là đồ xa xỉ. Nhưng làm ra nó, dù "làm chơi" đi nữa, không phải là chuyện chơi. Làm ra nó, lao tâm khổ tứ, không, không phải khổ tứ mà là khổ xác, vô vàn. Nghĩ cho cùng, "khổ", là chỉ vì muốn làm cho hay hơn, đẹp hơn. Không ai nêu lên điểm này vắn tắt và đầy đủ cho bằng nhà thơ, nhà phê bình mỹ thuật Anh quốc, Sir Herbert Read: "Ý niệm về phẩm chất chính là ý niệm về cái đẹp, và rốt cuộc, ý niệm về cái đẹp mang ý chí sống còn. Không có nó, chúng ta tiêu tùng."***

© Talawas 2002




* Chú thích cho bạn đọc ở ngoài Hoa kỳ: "ke" là do từ "care" mà ra. Nghe đâu đó là sáng chế của người Việt gốc Nam: "Tui hổng ke", có nghĩa là tôi không lưu tâm, không màng, không thèm, không muốn, không để ý...
** W. Jos de Gruyter & Emmy Andriesse, Le Monde de Van Gogh, Les Editions Lumière, Bruxelles, 1953, tr. 13
*** Herbert Read, To Hell With Culture, Schocken Books, New York, NY, Fourth Printing, 1970, tr.177.