© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
19.2.2003
Trịnh Hữu Tuệ
Một vài nhận xét về việc Nguyễn Hoàng Sơn vs. Cao Xuân Hạo
 
Đọc bài "Dùng chữ quốc ngữ là một "tai hoạ" ư?" của Nguyễn Hoàng Sơn (VNQĐ tháng 6.2002, talawas 23.01.2003), trong đó tác giả phê bình những quan điểm của GS Cao Xuân Hạo về chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, ta thấy có hai điểm không ổn. Thứ nhất, GS Cao Xuân Hạo nói một đằng, Nguyễn Hoàng Sơn phê bình một nẻo. Thứ hai, Nguyễn Hoàng Sơn phê bình những cái hoàn toàn không đáng phê bình.

Hãy xem xét trường hợp thứ nhất. GS Cao Xuân Hạo nói rằng xét "trên bình diện ngôn ngữ học lý thuyết, chữ quốc ngữ không phải là một cách viết thích hợp với tiếng Việt".[1] Tất nhiên ông nói như vậy là vì ông đã nghiên cứu cấu trúc âm vị học của tiếng Việt, so sánh nó với các thứ tiếng dùng chữ La-tinh khác. Kết quả nghiên cứu được trình bày đầy đủ trong một cuốn sách, được in bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, và trong cả các bài viết ở đây ở kia, muốn đọc là có ngay. Vậy nếu muốn phê bình Cao Xuân Hạo thì ta phải làm gì? Tất nhiên là ta phải đọc những gì ông viết về vấn đề này để rồi chỉ ra rằng kết luận trên của ông là vô lý, tức là chỉ ra rằng xét trên bình diện ngôn ngữ học, chữ quốc ngữ thích hợp với tiếng Việt. Một việc làm hết sức hiển nhiên. Nhưng Nguyễn Hoàng Sơn có làm như vậy không? Không! Thay vì đó, ông tuyên bố "chữ quốc ngữ là một hạnh ngộ của dân tộc ta, một động lực to lớn trên con đường canh tân đất nước". Ông đưa ra một loạt ví dụ các nhà nho tên tuổi đã ca ngợi chữ quốc ngữ ra sao, nói rằng "chính lòng yêu nước, thương nòi đã khiến ông cha ta nhanh tróng nhận ra thứ chữ mới là một lợi khí để chấn hưng dân khí, mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài, vấn hồi lại độc lập." Sau đó ông trách GS Cao Xuân Hạo đã "làm người đi học phân tâm, làm giảm lòng yêu và tự hào về chữ viết, rộng ra là văn hoá của dân tộc, lòng kính trọng với các bậc tiền bối". Về chữ Nôm cũng vậy. GS Cao Xuân Hạo nói rằng "theo một chuyên gia Hán Nôm...chữ Nôm khó hơn chữ Hán rất nhiều".[2] Một nhận xét mang tính khoa học, có thể dễ dàng phủ nhận bằng khoa học. Nhưng Nguyễn Hoàng Sơn đã không dùng khoa học để phản bác, mà chỉ nhắc nhở rằng "chính nhờ thứ chữ phức tạp ấy và những người không ngại mang tiếng nôm na mách qué chúng ta ngày nay mới có "Quốc âm thi tập" (Nguyễn Trãi)..., "Truyện Kiều (Nguyễn Du), thơ Xuân Hương, thơ Bà Huyện... để mà ngâm ngợi, tự hào và giới thiệu với bạn bè thế giới đấy", và lên án GS Cao Xuân Hạo nghĩ như vậy là "vô ơn với chữ Nôm và những người sáng tạo ra nó..." Ta có thể thấy rằng Nguyễn Hoàng Sơn đi lạc đề hoàn toàn. GS Cao Xuân Hạo nói trên cơ sở khoa học, Nguyễn Hoàng Sơn nói trên cơ sở chẳng hiểu là gì học nữa. Những gì Nguyễn Hoàng Sơn nói ngẫu nhiên đúng - tất nhiên là Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm rồi - và có thể có một giá trị hùng biện nào đấy trong một cuộc tranh luận khác, nhưng khi phạm vi bàn luận là ngôn ngữ học lý thuyết, thì chúng chẳng đúng cũng chẳng sai, và chẳng có bất kì một giá trị gì. Nguyễn Hoàng Sơn không hề chỉ ra được rằng GS Cao Xuân Hạo nói sai, ông chỉ lớn tiếng nhắc nhở rằng không được phép nói như vậy. Chúng ta không thể không nghĩ đến những lời lên án Galileo của nhà thờ châu Âu thời trung cổ.

Sự thiếu (khoa) học của Nguyễn Hoàng Sơn còn thể hiện ở một loạt những lời chỉ trích hết sức vô lý. Ví dụ, khi nhắc đến cuốn sách "Âm vị học và Tuyến tính", Nguyễn Hoàng Sơn nói rằng GS Cao Xuân Hạo đã "bỏ công viết một cuốn sách tiếng Pháp", rồi thêm vào một cách mỉa mai rằng "chắc là cho các ông Tây". Sự mỉa mai này hoàn toàn vô căn cứ. Thứ nhất, cuốn sách đó có cả bằng tiếng Việt. Thứ hai, lý do tại sao GS Cao Xuân Hạo viết bản đầu tiên bằng tiếng Pháp là hoàn toàn dễ hiểu. Ngôn ngữ học hiện đại, cũng như nhiều môn khoa học khác, được xây dựng trên những thứ tiếng châu Âu, trong đó có tiếng Pháp. Dịch toàn bộ số lượng khổng lồ những khái niệm khoa học ra tiếng Việt để viết một cuốn sách tiếng Việt mà vào thời đó chắc chỉ để cho một vài ông bạn đều biết tiếng Pháp đọc là một việc dở hơi! Khi thấy có nhu cầu, GS Cao Xuân Hạo cũng đã bỏ rất nhiều công dịch cuốn sách đó ra tiếng Việt. Ta tự hỏi bản tiếng Việt đối với Nguyễn Hoàng Sơn có dễ hiểu hơn bản tiếng Pháp không. Thứ ba, ngôn ngữ không phải là tiêu chuẩn để đánh giá một công trình khoa học. Chỉ có người không bình thường về trí tuệ mới đi trách Newton đã viết bằng tiếng La-tinh chứ không phải tiếng Anh.

Khi GS Cao Xuân Hạo nhắc đến kết quả thí nghiệm của một nhóm học giả Mỹ về chứng alexia để củng cố ý kiến của mình, Nguyễn Hoàng Sơn chỉ trích rằng đây chỉ là một "thí nghiệm duy nhất... mà chắc GS cũng chỉ đọc trên báo, chưa được kiểm nghiệm". Lời chỉ trích này cho thấy Nguyễn Hoàng Sơn không có khái niệm gì về cách làm việc khoa học. Nếu mới chỉ có một thí nghiệm, hoặc ta chỉ biết về một thí nghiệm, thì việc trích kết quả của thí nghiệm ấy là hoàn toàn bình thường, chẳng việc gì ta phải đợi đến thí nghiệm thứ hai, thứ ba cả. Còn việc chỉ đọc trên báo mà chưa kiểm nghiệm thì gần như là điều tất nhiên. Chính vì thế nên mới có hàng nghìn tờ chuyên san khoa học, để mọi người có thể đọc mà không cần đến tận nơi kiểm nghiệm.

Nguyễn Hoàng Sơn nói "lý do CXH phản đối từ thuần Việt là vì nó... dễ hiểu quá, ông nói "từ thuần Việt dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó"! Trời đất ơi, cứ cái đà này chắc ông sẽ là người ủng hộ cho việc nói những câu thật cầu kì như các ông đồ gàn ngày xưa, mỗi câu là một điển cố, người nghe phải nát óc ra mới hiểu được thì mới là thông minh sâu sắc ư?" Hãy xem có đúng GS Cao Xuân Hạo ủng hộ "nói những câu thật cầu kì như các ông đồ gàn ngày xưa" không. Đoạn văn đầy đủ của GS Cao Xuân Hạo là, "Từ "thuần Việt" dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó, vì khi một thuật ngữ quá dễ hiểu, thì cách hiểu "quá dễ" ấy có rất nhiều xác suất là lối "vọng văn sinh nghĩa" - tức là cứ nhìn chữ mà đoán mò ra nghĩa, cho nên có thể sai hoàn toàn. Trong nhiều ngành, trên thực tế đã có hàng ngàn thuật ngữ được hiểu như thế, chẳng hạn như tình thái, hàm nghĩa, ngữ dụng, sở chỉ, v.v. là những thuật ngữ có vẻ dễ hiểu đến nỗi ai cũng cho là mình hiểu rồi, cho nên không thấy cần đọc sách nữa. Chính tính chất trừu tượng, khó hiểu (?) của thuật ngữ Hán-Việt tránh được cho ta cái hiểm họa ấy." Ta có thể thấy ông hoàn toàn có lý trong trường hợp này. Chẳng phải vô cớ mà khái niệm chủ chốt trong lý thuyết thông tin được gọi là entropy, một từ mà thoạt đầu nhìn cả tây lẫn ta đều không ai hiểu. Cha đẻ của lý thuyết thông tin, Claude Shannon, đã phải dùng từ này vì "không ai hiểu nó là cái gì",[3] để ai muốn hiểu được nó thì phải tìm hiểu kỹ càng chứ đừng có đoán mò. Tóm lại, việc dùng những từ lạ, không hiểu được một cách thông thường trong khoa học là một việc hết sức bình thường. Nguyễn Hoàng Sơn một là không hiểu nổi điều này, hai là không hiểu nổi GS Cao Xuân Hạo muốn nói gì.

Một bài phê bình như bài của Nguyễn Hoàng Sơn, nếu không đọc với một thái độ canh chừng, xem xét kỹ quan điểm, lời nói của người bị phê bình, thì có thể dẫn đến những cái nhìn sai lạc. Nhưng nếu biết được rằng phần lớn những cái nó phê bình một là không tồn tại, hai là không đáng để mang ra phê bình, thì ta sẽ nhìn ra bài viết giá trị được bao nhiêu: rất ít.

© 2003 talawas


[1] Cao Xuân Hạo, "Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ". CXH còn nói thêm sau đó "trên bình diện thực tiễn, dùng chữ quốc ngữ...vẫn có một thuận lợi khá quan trọng ở chỗ nó đưa nước ta vào cái khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ La Tinh trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu".
[2] Cao Xuân Hạo, "Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?"
[3] Jerry Campbell, Grammatical Man, tr. 32.