© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.11.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Chương sáu
Ý thức thể hiện – Phác hoạ về Somerset Maugham hay là con người hoạch định mẫu sống

1.

Đi vào tác phẩm của Somerset Maugham là đi vào cuộc đời, miên man lạc vào thế giới tạp sắc của tâm hồn con người, là khơi dậy trong ta một niềm phẫn nộ, một lòng trắc ẩn, một mối hoài nghi xao xuyến, một thoáng nhìn chan chứa đối với thân phận mong manh của con người. Đi vào tác phẩm của Somerset Maugham là soi kính để thấy hình bóng của mình, là tự vấn, là tra gạn ý nghĩa của vận mệnh mình, là đi tìm ý thức thể hiện để hoạch định mẫu sống. Chẳng những thế, đi vào tác phẩm của Somerset Maugham còn là thâm thiết đi vào ngã tư của trần gian, là hít mạnh hương vị nồng đượm của mười phương trời thanh sắc, của Thái bình dương “chóng thay đổi và bất thường như lòng người” (The trembling of a leaf), của đảo Tahiti “khả ái như một trinh nữ tuyệt trần lãng phí một cách duyên dáng sức mê hoặc và vẻ diễm kiều của mình” (The Moon and Sixpence), của những đêm Á châu huyền ảo, vạn lý trường thành sương phủ thoang thoảng mùi vị nha phiến và hương trà Khổng Trang (On a Chinese Screen), của miền thị tứ Trung Hoa ngột ngạt dưới sự tiêu diệt tàn nhẫn của bệnh dịch “như người ta bị những bàn tay của một kẻ điên bóp cổ” đang lúc đó “màu xanh lơ của bầu trời vẫn trong suốt như cõi lòng của một đứa trẻ ngây thơ” (The Painted Veil) của những dấu chân người trong nẻo rừng huyền hoặc ở Mã Lai (Ah King), của một nội địa Ấn Độ nhiệm màu thoang thoảng “mùi vị Đông phương vừa chát vừa thơm” (The Razor's Edge).


2.

Somerset Maugham đã để lại đời những nhân vật đáng ghi nhớ nhất:

  1. Nhân vật Larry Darrell của quyển tiểu thuyết The Razor's Edge.

  2. Nhân vật Mayhew của truyện ngắn “Mayhew” trong quyển Cosmopolitans;

  3. Nhân vật Strickland của quyển tiểu thuyết The Moon and Sixpence.

  4. Nhân vật Edward Barnard trong quyển The Fall of Edward Barnard.
Tất cả những nhân vật trên đều là những tâm hồn nghệ sĩ; họ làm cuộc đời họ trở thành một bài thơ tuyệt vời; Larry Darrell là hình ảnh lý tưởng của mọi người thanh niên thời đại, con người nghệ sĩ lang thang khao khát đi tìm Tuyệt Đối trên những phương trời xa lạ, từ Âu châu đến Ấn độ; Mayhew và Larry Darrell đều từ bỏ nước Mỹ để sống vô danh trên những đất trời miên viễn để thực hiện những mộng đời miên man của họ; Strickland và Edward Barnard khước từ nền văn minh Tây phương để trở về sống hồn nhiên trên hải đảo Thái bình dương.

Chúng ta có thể quên hết tất cả những tác phẩm của Maugham và chỉ nhớ nhân vật Larry Darrell thôi cũng là đủ lắm rồi. Mỗi thanh niên đều ngạc nhiên thấy Larry Darrell là chính hình bóng của mình, một hình bóng thân yêu của Mộng đời bất tận.

Larry Darrell đi vào tâm hồn mình như là một chất rượu mạnh; Larry Darrell là hình ảnh nên thơ nhất của con người nghệ sĩ giang hồ, của lãng tử lang thang, của những giấc mộng đẹp nhất ở trần gian này.

Somerset Maugham đã tạo ra Larry Darrell bằng chữ bằng lời; nhưng Larry Darrell đã nhập thể, trở thành con người bằng da bằng thịt: Larry Darrell trở thành thần tượng của thế hệ thanh niên ngày nay. Hơn thế nữa, Larry Darrell đã trở thành chính hơi thở của mọi người trai trẻ ở thời đại này. Mỗi người thanh niên hiện nay phải xem quyển The Razor's Edge của Somerset Maugham là Thánh kinh của thế hệ mình và nên tôn thờ Larry Darrell như là đấng Cứu Thế của thời đại điêu đứng này.


Chú thích

Nói đến tác phẩm của Somerset Maugham người ta thường ca tụng Philip Carey trong quyển Of Human Bondage (Servitude Humaine), nhưng thực ra Philip Carey không đáng được ca tụng; Philip Carey chỉ đáng thương hại và chẳng có gì đáng nói. Philip Carey chỉ là một hình ảnh thanh niên nhu nhược, yếu đuối, vướng bệnh thương thân trách phận (“self-pity”) và tầm thường khờ khệch, lăng nhăng, không dám vươn lên những bầu trời phiêu lãng của Hư vô và Tuyệt Vọng.


Viết thêm về Somerset Maugham

Somerset Maugham là tác giả văn chương đầu tiên tôi đọc trong đời; lúc bé nhỏ khoảng 9 – 10 tuổi gì đó, tôi chỉ đọc loại sách văn chương con nít, những quyển sách của Contesse de Ségur, Trilby, Swift, Ed. de Amicis, vân vân (tôi mong rằng lúc nào tôi già được khoảng 80 tuổi thì tôi sẽ viết về những tác giả của tuổi thơ tôi với những dòng tuyệt đối cao siêu nhất). Tác giả văn chương người lớn đầu tiên tôi đọc vào khoảng 10-15 tuổi chính là Somerset Maugham; quyển sách đầu tiên ấy là quyển Of Human Bondage dày khoảng 700 trang. Dạo ấy, tôi còn sống với cha mẹ tôi ở Mỹ Tho, tôi còn nhớ nằm dài trên ghế sofa và đọc trọn quyển sách dày 700 trang từ 6 giờ chiều cho đến 9 giờ sáng trọn đêm không hề ngủ quên một giây! Ôi cái tuổi 15, cái tuổi 16! Cái tuổi yêu đương rạo rực, khát khao lãng mạn, chứa đựng tất cả những phiêu lưu vĩ đại sau này của trọn đời người…

Từ 15 tuổi cho mãi đến 18 tuổi, tôi đọc bao nhiêu sách của Maugham, truyện ngắn, truyện dài, cảo luận, kịch. Tôi nhớ dạo ấy thư viện Anh British Council còn ở đường Nguyễn Huệ, suốt ngày tôi cứ ngồi ở đó đọc tất cả những quyển sách của Somerset Maugham. Năm 18 tuổi, tôi có viết một loạt bài về Maugham đăng trong tạp chí Bách Khoa, nhưng vì toà soạn Bách Khoa chỉ cho đăng có một lần thôi và bỏ dở dang (có ý cho rằng tôi viết dòng lê thê quá), tôi nổi giận bỏ luôn ý định viết hẳn một quyển sách về Maugham. (Dạo nhỏ tuổi ấy, tôi thường thích viết bài đăng trong Bách Khoa, nhưng tôi vẫn thường nổi giận và bị cụt hứng thường xuyên vì toà soạn Bách Khoa có cái tật kỳ quái là hay cắt bỏ bài viết của tôi, chẳng hạn tôi viết 20 trang thì họ cắt lại chỉ còn 5 trang là nhiều!)

Chừng khoảng 19 tuổi gì đó, tôi bỏ đọc Maugham, vì lúc ấy, tôi cảm thấy Maugham là một văn sĩ hạng bét, ông chỉ kể chuyện và tôi thì đã chán tất cả những truyện kể; tâm hồn tuổi trẻ tôi khao khát những lương thực khó tiêu khác, tôi xô đẩy Maugham vào loại tác giả viết cho những người chưa trưởng thành! Rồi từ 19 tuổi đến bây giờ, khoảng 10 năm, tôi đã quên Maugham như quên một câu truyện cổ tích bỏ rơi trong kẹt cửa.

Bây giờ tôi gần 30 tuổi, tôi mới khám phá lại rằng thích Somerset Maugham đã ảnh hưởng tôi nhiều nhất vào chính thời gian tôi bỏ quên ông ta! Vì trong khoảng 10 năm gần đây, bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình đã sống y hệt như những nhân vật của Somerset Maugham! Ngay đến cái tật kỳ quái của tôi, cái tật hay nghi ngờ rằng tất cả đàn bà con gái đều là kẻ ngoại tình, chính cái tật này đã được( bị) di truyền từ những tác phẩm của Somerset Maugham! Ô, tôi đã tìm ra thủ phạm (ân nhân) rồi!

Bây giờ tôi coi nhân vật Larry trong quyển The Razor's Edge như anh chàng nghệ sĩ làm trò con nít (như cái việc lang thang, nghệ sĩ, tìm đạo, vân vân), nhưng lúc 18 tuổi, đối với tôi, Larry là một cái gì phóng hiện ra để nói lên mười năm sau tuổi trẻ tôi.Trong khoảng mười năm gần đây, giống như Larry trong The Razor's Edge (Le Fil du Rasoir), tôi cũng bày đặt lãng mạn lung tung, cũng lang thang, nghệ sĩ, tìm đạo, ôi đủ chuyện nhảm nhí buồn cười. Hiện tại, tôi đã chấm dứt những chuyện lung tung ấy và tôi đang bắt đầu mở một chu kỳ khác cho mười năm sắp tới; và trong chu kỳ tới, tôi quyết định sống lung tung, sẽ lang thang tới nơi tới chốn gấp triệu lần lúc trước. Nghĩa là tôi sắp đẩy tất cả cái chất nghệ sĩ trong tôi cho nổ vỡ tan hoang, một cơn nổ vỡ tan hoang trong sự Im Lặng, trong một ngàn nỗi im lặng trên tận đỉnh Hy mã lạp sơn.

…Tôi xin đánh mật hiệu bằng ba dấu chấm (…) cho mười năm sắp tới…

Phạm Công Thiện
Sài Gòn, ngày 12-8-1970



Chương bảy

Ý thức siêu thực – Tình yêu trong thơ Apollinaire hay là sự đồng nhất giữa Thơ và Tình

Tặng thi sĩ Ninh Chữ và xin cảm ơn một ngày ở Đà Lạt.

1.

Apollinaire là người dân của thế giới, ta không biết gọi chàng là người nước nào; mẹ chàng là người Ba Lan, cha chàng là Ý đại lợi, trước kia quốc tịch chàng là Nga, sau chàng đổi lại quốc tịch Pháp, chàng sinh tại La Mã, học ở Monaco và Pháp, sinh sống ở Đức, giang hồ luân lạc khắp Âu châu, yêu một cô gái Anh, sau chàng trở về sống ở đất Pháp, làm thơ đăng tạp chí Đức, tham dự chủ động vào tất cả những phong trào văn nghệ mỹ thuật ở Âu châu vào đầu thế kỷ; cũng như Blaise Cendrars chàng là lãng tử, lấy tất cả vũ trụ làm quê hương.

Apollinaire sinh tại Rome vào ngày 26 tháng 8 năm 1880: tên thực của chàng là Guillaume - Albert- Wladimir-Alexandre-Apollinaire- Kostrowitzky, thông minh ngay từ nhỏ, học lớp nào ở ban trung học cũng đều lãnh rất nhiều phần thưởng ưu hạng; mới 17 tuổi, chàng đã là thi sĩ, thuở nhỏ ngoan đạo lắm, nhưng sau bỏ đạo, tuy còn nhỏ tuổi, chàng đọc rất nhiều sách và bỏ học lúc chưa đầy hai mươi tuổi, bước vào đời sống văn nghệ, rồi năm hai mươi tuổi yêu một cô gái Do Thái, tên là Linda, làm thơ dâng tặng nàng, nhưng lòng nàng (cũng như lòng của nhiều cô gái) không khác gì chiếc lá khoai “đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu); còn trái lại lòng chàng (cũng như lòng của tất cả chàng trai) thì như biển sóng còn “chứa muôn con nước ngàn con sông dài”, Apollinaire thất tình, sang Đức làm thầy dạy chữ Pháp trong một gia đình quí phái, rồi lại yêu một cô gái người Anh cũng làm việc ở đó và chàng lại thất tình, rong chơi phiêu lãng mấy nước Âu châu, trở về làm việc ở Paris, cô đơn đau khổ, tham gia đời sống văn nghệ, kết bạn tâm giao chí thiết cùng Picasso và Max Jacob, sống đời nghệ sĩ lang thang, la cà những quán cà phê cùng bạn bè văn nghệ, lòng vẫn hướng về cô gái người Anh thuở ấy (tên là Annie Playden) nhưng chàng đành tuyệt vọng và suốt đời là một kẻ thất tình; năm 1907, chàng gặp Marie Laurencin, hai người yêu nhau say đắm, nhưng sau này cũng chẳng đi đến đâu, nàng lấy chồng vào năm 1914; ít lâu sau, Apollinaire tự ý xin nhập ngũ, chàng thi sĩ quan nhân ấy gặp lại nàng Louise de Coligny Châtilion (tức là Lou trong những bài thơ của chàng) và chàng say mê nàng; thi sĩ vốn đa tình, trong một chuyến xe lửa, chàng gặp một cô gái khác tên là Madeleine Pages, chàng cũng say mê luôn; năm 1916, chàng bị một mảnh tạc đạn đâm thủng vào đầu, chàng bị thương, rồi băng đầu trở về Paris lay lắt sống đời nghệ sĩ trong mấy quán cà phê văn nghệ và Apollinaire chết vào ngày 9 tháng 11 năm 1918; chàng chết lúc mới 38 tuổi, cuộc đời chàng bị cắt đứt lưng chừng nhưng chàng vẫn trở thành mặt trời sáng rực trong vũ trụ thi ca hiện đại.


2.

Apollinaire trông to lớn; tướng người hiên ngang, nhưng nét mặt buồn buồn, nhất là đôi mắt, đôi mắt đau khổ mơ mơ màng màng.

Jean Cocteau nói rằng Apollinaire có con mắt tròn tròn của con chim hoạ mi [1] ; André Billy nói rằng Apollinaire vốn vui tính, yêu đời, tò mò, tọc mạch,ham thích dị vật hiếm, thích lông bông và tế nhị (ce bon vivant, cet amateur de raretés et de curiosités, ce dilettante, ce raffiné) [2]

Gertrude Stein có nhắc nhiều đến Apollinaire. Bà nói rằng Apollinaire rất khả ái, dễ cảm, dễ thương, đẹp trai thông minh rực rõ dị thường “Guillaume Apollinaire was very wonderful… Apollinaire was very attractive and very interesting…Guillaume was extraordinarily brilliant…) [3] . Bà nói thêm rằng từ ngày Apollinaire chết, những bạn văn nghệ đều chia rẽ nhau, nếu Apollinaire còn sống thì chàng sẽ nối kết lại hết vì chàng có đức tin ràng buộc giữ gìn tình bè bạn giữa anh em (Guillaume would have been bond of union, he always had a quality of keeping people together, and now that he was gone everybody ceased to be friends…).

Đọc lại những tập hồi ký của André Rouveyre, Vlaminck, André Salmon, Toussaint Luca, Francis Carco, Faure Favier, vân vân, tôi thấy tất cả bạn bè của Apollinaire đều tỏ lòng yêu quí, mến thương chàng vô cùng tính tình của Apollinaire hiền lành lịch sự dễ dãi, hết lòng tử tế với anh em bạn.[tran1] Mặc dù là một nhà thơ rất “avant- gardiste”, rất “lập dị” nhưng tính tình của Apollinaire không “du côn ngang tàng xấc xược” như Rimbaud, Apollinaire không phải là loại poète maudit; tính tình chàng không khó khăn, không cuồng loạn đầy thịnh nộ như những poète maudits (như Lucrèce, Rimbaud, Antonin Artaud, Ezra Pound, Hart Crane, Baudelaire, Mayakovsky…)

Những nhà thơ thường hay lười biếng, thi sĩ thường hay ít đọc sách, nhưng Apollinaire lại đọc sách rất nhiều, nhiều hơn cả những học giả (T. S. Eliot, Pound hay Kenneth Rexroth cũng thế) nhưng mặc dù đọc sách rất nhiều, thơ của Apollinaire không nhiễm không khí bác học thông thái như thơ của T. S. Eliot, K. Rexroth hay Pound, Apollinaire cũng giống như Leopardi, là nhà học giả trước khi là nhà thơ, nhưng khi họ làm thơ, thì thơ họlà thơ thuần tuý.

Đứng giữa thời đại kỹ nghệ, cơ khí, Apollinaire không có những bực bộ phẫn nộ phản kháng; chàng không phải là l’ homme révolté; chàng không cảm thấy “xa lạ, mất gốc, bị đày” như Melville hay Kafka; chàng không có cảm giác bi đát trước cuộc đời như Unamuno; chàng không phũ phàng cuồng nộ bơ phờ như Knut Hamsun, Strindberg hay D. H. Lawrence; đời sống thành phố không làm náo động thần kinh chàng (Knut Hamsun nghĩ rằng đời sống thành thị đã ăn mòn con người).

Đứng trước chiến tranh, chàng không phản kháng chống đối theo kiểu Hermann Hesse, Romain Rolland hay Bertrand Russell; đối với chàng, những trái phá tạc đạn rực trời đẹp đẽ không khác gì pháo bông; ở giữa mặt trận, chàng mơ màng ngắm tạc đạn nổ tung “như cây trinh nữ trổ hoa.”

Un obus éclatant sur le front de l’armée
Un bel obus semblable aux mimosas en fleurs
(Poèmes à Lou)

Chàng không mạt sát văn minh, chàng không chạy trốn bỏ Âu châu và Mỹ châu lại đằng sau như Rimbaud hay Lafcadio Hearn. Chàng không có những khắc khoải siêu hình như những thiên tài khác.

Ta thấy những thiên tài khai sinh nền văn học hiện đại đều là những kẻ xao xuyến khắc khoải, thác loạn (như Nietzsche, Kierkegaard, Lautréamont, Dostoievsky, Melville, Strindberg, Kafka, Joyce, Rimbaud.)

Rimbaud và Apollinaire đã khai sinh ra nguồn thơ hiện đại (Blaise Cendrars và Max Jacob cũng có tham dự vào việc khai sinh này).

Trường thơ siêu thực đã tôn Apollinaire (cùng Rimbaud và Lautréamont) là những kẻ tiền phong, những người cha khai sinh ra thơ mới. Cùng với Rimbaud và Lautréamont, Apollinaire đã mở ra những chân trời bát ngát cho thi ca hiện đại, nhưng ngược lại với Rimbaud và Lautréamont, Apollinaire không sống ở hoả ngục, Apollinaire không điên loạn ma quỷ như Rimbaud và Lautréamont, Apollinaire rất “trần tục”; Apollinaire cũng có những khắc khoải, Apollinaire cũng đau khổ; nhưng những khắc khoải đau khổ của Apollinaire không đến nỗi khiến chàng điên cuồng hoặc tự tử, những khắc khoải đau khổ của chàng không đến nỗi khiến chàng phải bỏ làm thơ như Rimbaud; trái lại càng đau khổ, Apollinaire lại càng làm nhiều thơ.

Apollinaire đau khổ, nhưng đau khổ của Apollinaire là nỗi đau khổ của một con người hồn nhiên; chàng ngây thơ lắm; đọc thơ chàng (nhất là trong tập Poèmes à Lou), ta thấy chàng hay làm thơ với những danh từ tục tĩu “đỏ mặt” (Henry Miller, D. H. Lawrence cũng thế). Những dòng chữ tả chân “tục tĩu” của Alberto Moravia (hay Erskine Caldwell) mang một dụng ý phong phú, nhưng không ngây thơ hồn nhiên như Apollinaire (Tôi nhớ đến truyện “The Innocent” của Graham Greene; truyện này giúp ta hiểu rõ hơn về tương quan giữa sự tục tĩu và sự ngây thơ.)
Đó là những nét chính mà tôi đã thấy trong con người Apollinaire. Những nét chính trên đã đi ngược hẳn với trào lưu văn học và tư tưởng hiện đại.

Văn học hiện đại thì quá già dặn, hết ngây thơ hồn nhiên, có chứa phức cảm tội lỗi, bạo động, phẫn nộ, điên loạn, thù ghét chiến tranh, chán mứa văn minh kỹ nghệ máy móc; nhìn chung, tiểu thuyết hay kịch hiện đại đều là nặng nề về tư tưởng; thơ hiện đại chỉ thừa hưởng những khám phá kỹ thuật của Apollinaire (và của Blaise Cendrars) còn về đường tư tưởng thì thơ ca hiện đại đi ngược hẳn màu sắc trữ tình; thơ hiện đại là thơ triết lý hoặc thơ tôn giáo. Về nội dung tư tưởng, Apollinaire đã đi ngược lại những trào lưu chính của nền văn học hiện đại, nhưng về kỹ thuật hình thức, thì thi ca hiện đại đều nằm trong hơi thở của Apollinaire.


3.

Nói đến con người Apollinaire mà không nói đến Tình yêu là không nói được gì cả. Có những người sinh ra đời chỉ để yêu đàn bà và mọi sự trong đời họ đều bị đàn bà chi phối mãnh liệt. Apollinaire thuộc vào hạng người này. Tình yêu đã ảnh hưởng quyết định đến sự nghiệp thi ca của Apollinaire. Đối với Apollinaire, Cuộc Đời, Thơ và Tình Yêu chỉ là Một; Cuộc Đời là Tình Yêu, tất cả mọi sự đều dẫn về Tình Yêu. Ta có thể gọi những thi sĩ nào ở thế giới là thi sĩ của Tình yêu? Robert Burns? Giacomo Leopardi? Christopher Marlowe? So wol Kim? Byung Wha Cho? Sappho? Pétrarque? Heine? Tất cả những thi sĩ không nhiều thì ít đều ca tụng Tình yêu; Tình yêu đã ảnh hưởng mãnh liệt đến Rainer Maria Rilke, nhưng Rilke vẫn xem tình yêu như “gia tăng thêm sự cô đơn” và suốt đời Rilke vẫn lang thang đi tìm “một quê hương tâm linh” mặc dù Rilke đã chết vì đoá hoa hồng của Tình yêu, nhưng phải gọi Rilke là thi nhân của Tâm linh (Gabriel Marcel gọi Rilke là “témoin du spirituel”; danh từ “Thi nhân của Tình Yêu” phải dành cho Pétrarque hay, gần đây hơn, phải dành cho Apollinaire. Pétrarque đã bất tử nhờ mối tình của thi nhân đối với Laura; Apollinaire đã bất tử là nhờ những mối tình của thi nhân đối với Anne với Marie, với Lou, với Madeleine. Tất cả nhân sinh quan hay vũ trụ quan của Apollinaire đều trở về trung tâm điểm là người đàn bà. Có người làm bao nhiêu bài thơ chỉ để ca tụng con người trong đời sống hiện đại (như Walt Whitman), có người làm bao nhiêu bài thơ khóc than cho nỗi bi thương của mình (như Leopardi), có người làm thơ để đọc kinh cho nỗi cô đơn mãnh liệt của mình (như Hàn Mặc Tử và Hoài Khanh), có người làm thơ ca tụng Thượng đế, để tìm Vô hạn (l’inépuisable) trong Hữu hạn (như Paul Claudel), có người làm thơ để tìm Thượng Đế ở Hoả Ngục (như Rimbaud), có người làm thơ chỉ để ca tụng “ngày mai ca hát” (như Bertolt Brecht), nhưng cũng có người làm hàng ngàn bài thơ chỉ để ca tụng một người đàn bà đó là Apollinaire.

Apollinaire tham lam, suốt đời chỉ chạy loanh quanh lẩn quẩn với hình bóng nàng này và mái tóc nàng kia, Apollinaire nhìn ở đâu cũng thấy những giai nhân; suốt đời chàng cứ bận rộn với những nàng con gái “xinh như mộng”; mặc ai đánh giết nhau, thế giới có tơi bời lửa đạn đi nữa, Apollinaire cũng chẳng hề nhọc óc, chàng cứ thản nhiên làm thơ gửi về “những nàng con gái bên kia ấy”; đang lúc khỏi lửa và đạn bay vèo đầy trời, Apollinaire vẫn thản nhiên mơ mơ màng màng ở giữa trận tuyến; chàng nhìn mọi sự vật trên đời với cặp mắt mơ màng của một người đang yêu, bởi thế chiến tranh không ảnh hưởng gì đến chàng cả; cả vũ trụ của chàng chỉ có nàng: nhìn ở đâu, chàng Gui (Guillaume) Apollinaire cũng đều thấy nàng Lou; ở giữa trận tuyến lửa đạn nghi ngút đầy trời, thi nhân mơ màng:

La nuit
S’achève
Et Gui
Poursuit
Son rêve
Où tout
Est Lou
On est en guerre
Mais Gui
N’y pense guère

Đêm tàn
Và chàng
Mơ màng
Chỉ thấy
Tất cả
Là nàng
Chiến tranh
Nhưng chàng
Vẫn chẳng hề màng

Đứng trước cuộc đời, chàng cũng có thái độ như thế. Cần gì bạo động cần gì phẫn nộ phản kháng, ai muốn làm gì cứ làm, ai muốn nghĩ gì nghĩ, tôi chẳng xao xuyến gì cả, tôi dửng dưng hết, bởi vì thế giới của tôi chỉ có một hình bóng mà thôi. Apollinaire chẳng cần thắc mắc xao xuyến trước ý nghĩa của cuộc đời, chẳng cần run run đi tìm Thượng đế, bởi vì đối với Apollinaire, Thượng đế là nàng Anne, là nàng Lou, là nàng Marie, là nàng Madaleine, là nàng có tên gọi là la Jolie Rousse.

Có những kẻ thất tình vài lần thì mất tự tin và tuyệt vọng rồi trở thành triết gia hoặc kẻ độc tài (như Hitler); Nietzsche và Schopenhauer rút cục lại chỉ là những kẻ thiếu tình yêu của đàn bà và trở thành thù ghét đàn bà; những misogynes chỉ là những kẻ đại thất tình; nhưng càng thất tình, chàng càng đeo miết mấy cô, mỗi lần bị thất tình, chàng cũng đau khổ dữ dội lắm, chàng cũng thất vọng, nhưng không bao giờ tuyệt vọng; nàng Anne không yêu chàng, chàng đau khổ quằn quại lắm, nhưng rồi chàng lại đi tìm nàng Anne khác (như Marie, như Lou, vân vân).

Xin hoan hô tư cách “đàn ông” của Apollinaire. Dại gì khổ mãi? Hãy bôi sạch những nàng tiên đã đi qua trong đời mình, vì cả vũ trụ này còn có những mấy mươi trăm triệu nàng tiên khác đang rụt rè chờ đợi mình!

Có những triết gia mà cả đời không trả lời được một câu hỏi; trái lại, ta tưởng chừng như Apollinaire trả lời rất dễ dàng. Nếu ta hỏi cuộc đời là gì? Có lẽ Apollinaire sẽ trả lời: là chàng yêu nàng. Thơ là gì? Thơ là em. Triết học là gì? Là lời em thỏ thẻ.

Nietzsche đã từng gọi “chân lý” là một “cô nàng”! Và ai thấy lời thỏ thẻ nào của nàng Lou Salomé đang run rẩy đằng sau những trang triết lý cuồng nộ của Nietzsche!

Apollinaire không chạy trốn cuộc đời (như Kafka, Hemingway, Sadegh Hedayat, vân vân); chàng bám vào cuộc đời, chàng nghiến ngấu cuộc đời như nhai một trái đào tươi, chàng uống cuộc đời như say mê uống ly rượu mạnh; bởi vì đối với chàng, cuộc đời là tình yêu. Đối với Apollinaire, tất cả đều mất hết biên giới: Cuộc Đời, Thơ và Tình Yêu lộn lẫn với nhau và chỉ có một ý nghĩa với nhau, Hư và Thực chỉ là một, Vô Hạn và Hữu Hạn chỉ là một, L’intérieur L’extérieur của L’existant chỉ là một; Phénomène và Noumène chỉ là một, Trắng hay Đen chỉ là một, Chiến tranh hay Hoà bình chỉ là một, Essence và Existence chỉ là một; En – soi và Pour – soi chỉ là một; Sunyata và Tathata chỉ là một; Logique và Alogique chỉ là một; Xấu và Đẹp chỉ là một; Thành phố và Đồng quê chỉ là một; Tầm Thường và Cao Siêu chỉ là một; Dơ dáy và Sạch sẽ chỉ là một, và Một là gì? Một là Nàng. Một là chàng yêu nàng và nàng yêu chàng. Khi Hai trở thành Một thì cả vũ trụ giao hoà thuận hợp. Khi Hai trở thành Một thì Hỗn Độn trở thành Trật Tự. Một là gì? Một là Tuyệt đối. Một là Siêu Thực Tại (Surréalité). Apollinaire đã khai sinh ra chữ “Surréalité” và từ đó phong trào Surréalisme chào đời để khai thác lĩnh vực hoang vu mà Apollinaire đã tìm ra.

Nhưng chính trường phái gọi là Surréalisme” lại đánh mất Surréalité! Giống như Bouddhissme đánh mất Bouddha và Christianisme đánh mất Christ!

Sống và Chết chỉ là một. Thực tại và Tưởng tượng chỉ là một, Quá khứ và Tương lai chỉ là một, Trên và Dưới chỉ là một. Khi Hai trở thành Một thì mọi Mâu Thuẫn đều chấm dứt. TÔI LÀ CUỘC ĐỜI, TÔI LÀ ÂM THANH, và ÁNH SÁNG, TÔI LÀ XÁC THỊT ĐÀN ÔNG.

Je suis la Vie… Je suis le Son et la Lumière
Je suis la Chair des Hommes
(Poèmes retrouvés)

Khi HAI ôm thành MỘT, ta có thể khiêu khích thách đố cả sự chết và ta có thể gọi xanh là đỏ, gọi trắng là đen, gọi sáng là chiều:

Et liés l’un à l’autre en une étreinte unique
Nous pouvons défier la mort et son destin
Quand nos dents claqueront en claquement panique
Nous pouvons appeler soir ce qu’on dit matin
(Poèmes à Lou)

Đứng trước Tình yêu, Kafka cảm thấy bàng hoàng trước cái vật “gớm tởm” (abscheulich) và “dơ dáy” (schmutzig). Kafka chán sợ trước cái nhầy nhụa của xác thịt, bởi thế khi Kafka định tìm giải thoát khỏi sự ám ảnh Hư Vô, Kafka không thể tìm trong Tình Yêu và chàng đã thất bại đau đớn. Đối với Apollinaire thì trái ngược hẳn với Kafka, Apollinaire thần tượng hoá Tình Yêu; Apollinaire ngây thơ, chứ không mang nặng phức cảm tội lỗi như Kafka. Apollinaire hồn nhiên và trước sự nhầy nhụa ấy Apollinaire vẫn hoàn toàn “trong sạch như bầu trời đẹp”.

Tu peux défier ma volonté sauvage
Je peux me prosterner comme vers un autel
Devant ta croupe qu’ensanglantera ma rage.
Nos amours resterons pures comme un beau ciel.
(Xin miễn dịch)
(Poèmes à Lou)

Đối với chàng, những mối tình cao thượng không bao giờ xấu xa tội lỗi. Tình yêu là thiêng liêng.


4.

Không hiểu mấy ngày vừa qua, tôi lừ đừ bơ phờ như một kẻ bị giam hãm trong ngục tù. Chẳng có lý do gì. Bỗng nhiên chán nản hết mọi sự. Thù ghét hết mọi sự. Lấy bút ra định viết ít bài đăng báo, viết được chục trang rồi xé liệng, toàn là những ý tưởng lăng nhăng bệnh hoạn. Lấy tiểu thuyết ra đọc để lấy tinh thần, đọc chừng năm trang đã thấy mệt và cũng chẳng biết mình đang đọc gì; đôi mắt nhìn vào mấy dòng chữ mà tâm trí đang bềnh bồng nơi khác. Đứng dậy định bước chân ra ngoài nhưng rồi ngồi xuống vì không biết đi đâu. Đi mà không biết đi đâu. Ngồi: không biết ngồi làm chi. Viết: chẳng biết viết gì. Muốn làm một cái gì: chẳng biết làm gì bây giờ.

Tôi bước đi quờ quạng trong phòng; tình cờ bàn tay thờ ơ rờ mó vào tập thơ Hàn Mặc Tử. Tôi bơ phờ giở ra đọc bâng quơ. Thời gian bỗng ngừng lại. Đôi mắt tôi sáng lên. Tôi ngồi xuống.

Trời tối. Ánh nắng chiếu vàng vọt yếu ớt. Tôi cố gắng trừng mắt đọc. Tôi đọc. Chừng năm phút sau tinh thần tỉnh lại. Thần kinh hết căng thẳng. Hết những chán chường thất vọng. Tôi cười. Một người bệnh nan y và cô đơn ở trong một túp lều tranh tồi tàn. Nỗi chán chường bơ phờ của tôi không có nghĩa lý gì cả nếu so với nỗi bơ phờ tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử:

Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên

Tôi hết thất vọng chán mứa. Tôi hết mất mát. Thơ làm tôi sống lại. Thơ giải thoát tôi ra khỏi vòng tù hãm nhọc nhằn của cuộc sống. Thơ đặt tôi trước đời sống.

Tôi mỉm cười bước xuống nhà dưới, tình cờ thấy tờ giấy báo dơ nằm dưới đất, tôi lượm lên đọc bâng quơ:

Mùa thu đêm mưa
phố cũ hè xưa
công viên lá đổ
ngóng em kiên khổ phút giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
ngồi quen ghế đá,
không em buốt giá từ tâm
mùa thu nơi đâu
người em tóc nâu
tóc vàng sợi nhỏ?
Mong em chín đỏ trái sầu…

(Cung Trầm Tưởng)

Tôi ngạc nhiên. Tim tôi máy động. Cung Trầm Tưởng là ai mà làm thơ tài hoa vậy? Tôi mơ màng. Tôi hình dung những chiếc lá rơi. Tôi nhìn thấy dòng sông Seine lững lờ trôi chảy. Kia là tả ngạn Rive Gauche… Kia là đường phố Aumont- Thiévil và l’ avenue des Ternes… Kia là những kẻ tứ chiến giang hồ… Kia là cầu Mirabeau… Kia là mùa thu rơi… Kia là Pont – Neuf. Ôi Paris Souvenir Souvenirs… Remember to Remember…

Cung Trầm Tưởng làm tôi nhớ đến Apollinaire. Ừ, chỉ có Apollinaire mới có những giòng thơ bất tuyệt để làm sống lại Paris. Nói đến Paris là nói đến Kỷ niệm, nói đến Nghệ sĩ, là nói đến Tình yêu và Tuổi trẻ. Paris là thành phố của những kẻ tứ chiếng giang hồ, của những clochards của những femmes de joie, của những Henry Miller, những Hemingway, những Gertrude Stein, những Picasso, những Apollinaire…

Mùa thu nơi đâu
người em mắt nâu
tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu

Cung Trầm Tưởng làm tôi nhớ đến Apollinaire….

J’ ai cueilli ce brin de bruyère
L’ automne est morte souviens t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t' attends

Cũng vào mùa thu, Cung Trầm Tưởng ngóng người yêu “kiên khổ phút giờ” và “chín đỏ trái sầu”, ngóng chờ mong đợi như Apollinaire đã ngóng chờ mong đợi giữa hương thời gian và mùi thạch thảo:

Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t' attends

Trời tối hẳn rồi. Tôi bước vào giường nằm ngủ, mắt nhắm lại, những dòng thơ của Hàn, của Cung, của Apollinaire chan hoà thướt tha đưa tôi vào giấc ngủ triền miên…


5.

Sáng sớm, tôi sực thức giấc. Tôi thở khoan khoái. Giấc ngủ êm đềm đã xoá nhoà tất cả những khắc khoải của mấy ngày qua. Tôi bước ra ngoài vườn; gió cao nguyên lạnh buốt. Mặt trăng còn chiếu sáng. Bỗng nhiên tôi sực muốn viết về Apollinaire. Bỗng nhiên… Ừ, chắc những dư vang của tối hôm qua còn đọng lại sau giấc ngủ nhẹ nhàng. Tôi bước vào nhà vội vã ngồi vào bàn.

Nhưng…nhưng mà viết gì đây? Có thể viết về Apollinaire sao? Viết thế nào? Viết về thơ Apollinaire? Không thể được. Có thể phê bình thơ Apollinaire? Không. Ừ, không gì vô lý bẩn thỉu bằng cái việc phân tích phê bình thơ. Nói đến thơ thì chỉ có việc ca tụng hoặc thờ phụng.

Nói đến Thơ không khác gì nói đến Thượng đế. Phê bình Thơ là làm việc phạm thánh, là “blasphème.”
-
Nhưng thi sĩ không phải là loài người, họ là những thiên thần, những thánh hoặc những quỉ ma. Nếu ta không chấp nhận họ được thì ta phải ca tụng họ hết lời. Ta không được quyền có thái độ của học giả hoặc giáo sư hoặc nhà phê bình. Phải giết hết những nhà phê bình để cho Keats sống, để cho Chatterton đừng chết lúc mới 18 tuổi xanh!

Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng; còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những nhà phê bình thơ mà chỉ nên có những kẻ ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người; không có ai làm thầy ai cả. Phê bình văn nghệ ư? Đau đớn lắm.

Giở lại mấy trang của André Rousseaux trong quyển Littérature du vingtième siècle (cuốn thứ 6), tôi đọc đôi lời thú nhận của học giả già dặn: “Il est très difficile de parle vraiment d’ Apollinaire.”

Ừ, không thể nào nói về Apollinaire cho đàng hoàng được. Đối với những thi hào đều thế. Đối với Rimbaud cũng thế. Blaise Cendrars cũng thế. Miloz, Lorca, Georg Trakl, Seferis, Cummings, Blake, Dylan Thomas, Kathleen Raine, Cavafis cũng thế.

Đây không phải là một bài khảo luận. Xin anh đừng kiếm sự quảng bác thông minh. Tôi không biết lý luận; tôi không biết phân tích và phê bình. Tôi chỉ biết ca ngợi.

Tôi ca ngợi: Apollinaire là thiên tài của nhân loại; Apollinaire là hiện thân của thơ; Apollinaire là mây trắng của vòm trời xanh bất diệt…



[1]Les Écrivains célèbres, éditions Lucien Mazenod cuốn III, trang 195.
[2]Apollinaire, Oeuvres poétiques, bibliothèque de la Plélade, préface, Paris. XXXII.
[3]Gertrude Stein, The Autobiography of Alice B. Toklas, trang 58-63 (Random House, N.Y.)
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.