© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.11.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
(Tiếp chương bảy)

6.

Tập Alcools là tập thơ tuyệt vời nhất của Apollinaire; tập Calligrammes mang nặng màu sắc “avant-gardiste”; những tập thơ khác của Apollinaire (như Poèmes à Lou, Le Guetteur mélancolique, II y a, Vitam Impendce Amori, v.v…) chứa đựng hương sắc trữ tình nồng nàn ân ái vô tận.

Tập thơ đầu tiên của Apollinaire là tập Le Bestiaire ou cortège d’ Orphée. Tập thơ này không lôi cuốn như tập Alcools, nhưng thỉnh thoảng tập Le Bestiaire cũng loé lên vài ánh ngọc lung linh như:

Belles journées, souris du temps
Vous rongez peu à peu ma vie

Phòng của tôi có vài ba con chuột: tối ngủ mấy con chuột ấy cứ gặm phá ồn ào, tôi bực mình lắm. Đọc hai câu trên của Apollinaire tôi toát mồ hôi, tôi không bao giờ nghĩ được hình ảnh lạ lùng như thế. Ôi chuột thời gian mi gặm nhấm ăn mòn cuộc đời của ta!...

Belles journées, souris du temps
Vous rongez peu à peu ma vie

Tập Alcools mở đầu với bài thơ “Zone”, một trong những bài thơ lạ lùng nhất của Apollinaire và của thi văn hiện đại ở thế giới:

A la fin tu es las de ce monde ancien
Bergère ô tour Eiffel le troupeau des pónt bêle ce matin.

Thế rồi sau cùng mi chán thế giới cũ kỹ này
Ô kẻ chăn cừu Hỡi tháp Eiffel đoàn cừu của nàng là những cây cầu kêu be be sáng nay

Chắc Apollinaire là một thiên thần mới có thị quan khơi vơi như trên? Phải chăng thiên thần Apollinaire bay liệng trên thành phố Paris và tưởng tháp Eiffel là một kẻ chăn cừu và những cây cầu rải rác là một đoàn cừu? Kẻ chăn cừu ấy là một nàng con gái:

Bergère ô tour Eiffel…

Thành phố Paris hiện ra huy hoàng, tôi bước đi lang thang vào một con đường xinh xinh mơ màng quên hết mọi sự:

J’ ai vu ce matin une jolie rue don’t j’ai oublié le nom
Neuve et propre du soleil elle était le clairon.

Sáng nay tôi thấy một con đường xinh đẹp mà tôi đã quên tên
Mới tinh và sạch sẽ như kèn lính của mặt trời

Thành phố huyên náo nhộn nhịp, ốc hụ, chuông gắt gỏng (“cloche rageuse”), những bảng hiệu, những tờ cáo thị, con đường kỹ nghệ yêu kiều (“la grace de cette rue industrielle”) tôi nhớ tuổi thơ ngoan đạo hồn nhiên trong trắng (“vous priez toute la nuit dans la chapelle du collège”), dĩ vãng xinh đẹp chim én bay đầy trời, nhưng hỡi ơi, hiện tại chỉ là nỗi cô đơn buồn sầu héo:

Maintenant tu marches dans Paris tout seul parmi la foule
Des troupeaux d’autobus mugissants près de toi roulent
L’angoisse de l’amour te serre le gosier

Bây giờ mi đi bách bộ ở Paris và cô đơn chiếc bóng giữa thiên hạ người đời
Những đàn cừu ô tô buýt kêu rống chạy gần mi
Nỗi đau đớn ray rứt của tình yêu bóp cổ họng mi.

Đi giữa thành phố Paris, bước lang thang vào con đường xinh xắn, Apollinaire bỗng dưng nhớ đến tuổi thơ của chàng, người thi sĩ ấy nhớ lại tuổi hoa niên ngây ngô trong trắng, chưa lấm bụi đời, cái tuổi đầy mơ mộng, cậu bé nhỏ mặc áo xanh trắng ấy đã đọc kinh ngoan đạo và mơ mộng hồn nhiên ngây thơ vô cùng; nhưng hỡi ơi dĩ vãng xanh mộng ấy đã qua rồi và hiện tại chỉ phũ phàng cay đắng, ngày xưa là xinh đẹp vô tư lự, nhưng bây giờ chàng đau khổ cô đơn, đang bước đi lang thang giữa đường phố đông người và đang đau đớn thất tình:

L’angoisse de l’amour te serre le gosier.

Đau khổ quá, chàng lẩm rẩm đọc kinh giữa đường phố, nhưng chàng giật mình hổ thẹn khi bắt chợt mình đang đọc kinh (bởi vì từ lâu, chàng đã mất đức tin và không còn ngoan đạo nữa, tuổi thơ sùng đạo mất rồi), chàng cười ra nước mắt:

Vous avez honte quand vous surprenez à dire une prière
Tu te moques de toi et comme le feu de l’ Enfer ton rire pétille
Les étincelles de ton rire dorent le fonds de ta vie

Anh hổ thẹn lúc anh bắt chợt anh đang đọc kinh
Mi chế nhạo mi và như lửa ở Hoả Ngục tiếng cười mi nổ lẹt đẹt.
Những đóm lửa của tiếng cười mi mạ vàng đáy sâu của cuộc đời mi

Cười chua chát, chàng tiếp tục bước đi lang thang giữa đường phố Paris:

Aujour d’hui tu marches dans Paris les femmes sont ensanglantées

Hôm nay mi đi bộ ở Paris những người đàn bà loang máu

Lòng chàng, tim chàng cùng loang máu, tình yêu ám ảnh chàng vô cùng mãnh liệt, tình yêu hành hạ chàng một cách tủi nhục (“l’amour dont je souffre est une maladie honteuse”), bước đi lang thang ở Paris, chàng nhớ đến những chuyến giang hồ, những chuyến viễn trình trong đời chàng những mẩu tình vụn vặt chàng đã gặp trên bước lang thang hải hồ, những chuyến đi ở Prague, ở Marseille, ở Coblence, ở Rome, Amsterdam…

Chàng làm những chuyến giang hồ vui và buồn, chàng đã thất tình lúc hai mươi tuổi và lúc ba mươi tuổi.

J’ai vécu comme un fou et j’ai perdu mon temps.

Tôi đã sống như một thằng điên và tôi đã đánh mất thời gian.

Chàng không dám nhìn hai bàn tay chàng (“tu n’oses plus regarder tes mains’) và chàng muốn khóc nức nở, khóc cho chàng, cho người chàng yêu, cho tất cả những khi bẽ bàng kinh hãi.
Chàng tiếp tục bước đi giữa thành phố Paris và đến một quán nước, chàng dừng chân lại:

Tu es debout devant le zine d’un bar crapuleux
Tu prends un café à deux sous parmi les malheureux
Tu es la nuit dans grand le restaurant.

Mi đứng trước quầy rượu bẩn thỉu dâm ô.
Mi uống cà phê rẻ tiền giữa những người đau khổ.
Ban đêm mi đang ở trong một nhà hàng sang trọng.

Đêm sắp tàn bình minh ló dạng:

Tu es seul le matin va venir,
Les laitiers font tinter leurs bidons dans les rues

Mi cô đơn và ngày sắp đến
Những người bán sữa khua động bình thiết trên những đường phố.

Những âm thanh của buổi sáng tinh mơ trỗi dậy: đường phố khua động du dương, chàng nâng ly lên uống rượu trước khi rời bỏ quầy hàng.

Et tu bois cet alcool brûlant comme ta vie
Ta vie que tu bois comme une eau-de-vie.

Và mi uống rượu nồng cháy như cuộc đời mi
Cuộc đời mi mà mi uống như rượu mạnh.

Chàng bước trở về nhà để ngủ một giấc miên man. Mặt trời lưng chừng thoáng hiện.

Adieu Adieu
Soleil cou coupé

Giã biệt giã biệt
Mặt trời cổ bị cắt

Bài thơ “Zone” chấm dứt như trên. Tôi muốn trích trọn bài “Zone” vào đây, nhưng bài thơ dài quá, dài đến sáu trang giấy. (Xin xem phần chú thích) [1] . Bài “Zone” là bài thơ tiêu biểu nhất của Apollinaire. Người ta than rằng bài “Zone” khó hiểu. Tôi đã đọc hết cả những tập thơ Apollinaire từ xưa, thế mà từ đó đến nay không có bài thơ nào ảnh hưởng tôi mãnh liệt như bài “Zone”, có những bài thơ mà hồi còn trẻ nhỏ ta rất say mê nhưng đến lúc lớn khôn ta không thích, nhưng ngược lại cũng có những bài thơ mà càng lớn tuổi ta càng say mê hơn nữa. “Zone” nằm trong trường hợp sau. Thực ra, bài “Zone” chẳng có gì khó hiểu. Có khó hiểu chăng là vì quá nhiều hình ảnh lạ lùng dồn dập hoà lẫn với nhau và biên giới thời gian không gian đã mờ nhạt đi, không còn thứ tự thường lệ nữa. Hầu hết thi ca hiện đại đều thế. Ta từng đọc những quyển tiểu thuyết khác thường của Faulkner và James Joyce, James Joyce và Faulkner đã sử dụng lối độc thoại nội tâm (monologue intérieur) trong tiểu thuyết. Apollinaire (và nhất là T. S. Eliot) đã xử dụng lối độc thoại nội tâm trong thơ. Bài “Zone” (hay bài “Cortège”) của Apollinaire chỉ là những bài độc thoại nội tâm thường khó hiểu đối với những người quen đọc lối văn cũ. Chủ đề bài “Zone” là gì? Theo tôi đó là một bài trầm buồn của một người thất tình Apollinaire là một nhà thơ của Tình yêu; những bài thơ tuyệt vời nhất của Apollinaire đều là những bài hát của kẻ thất tình. Bài “Zone” đưa ta vào những đường phố Paris; Apollinaire buồn chán đi lang thang trên những đường phố Paris từ sáng đến chiều tối, rồi đến khuya sáng hôm sau mới trở về nhà mà ngủ. Đang lúc Apollinaire lững thững bước đi, những hình ảnh tưng bừng của Paris và ngày xưa trở về xuất hiện lộn xộn trong tâm tưởng chàng, chàng thấy lại lúc bé thơ ngây thơ hồn nhiên, chàng thấy lại những lúc bé thơ ngây ngô hồn nhiên, chàng thấy lại những lần lang bạt kỳ hồ ở bờ Địa trung hải, ở Prague, ở Marseille, ở Coblence, Rome, Amsterdam; đang lúc chàng đi lang thang ở Paris, những hình ảnh ấy sống lại trong tâm tưởng chàng; mỗi bước chân chàng gợi lại những quãng đời chàng, những hình ảnh hiện tại và quá khứ xuất hiện lẫn lộn trong tâm tưởng của một chàng thi sĩ thất tình đau khổ; đêm tàn buổi sáng trở về; trước khi về nhà ngủ, chàng uống một ly rượu mạnh như uống cuộc đời chàng:

Et tu bois cet alcool brûlant comme ta vie.
Ta vie que tu bois comme une eau – de – vie.

Hai câu thơ trên là hai câu thơ hay nhất của bài “Zone”; Apollinaire đã lấy chữ Alcool trong hai câu thơ ấy để đặt nhan đề tập thơ Alcools. Khi viết bài “Zone”, Apollinaire muốn nói gì?

Đi trên thành phố phai nhầu
Bước chân xiêu vẹo nghe sầu vọng âm
Lời em trên mắt âm thầm
Khua chân phố nhỏ giọt đầm đìa tuôn

(Hoài Khanh)

Có thể lấy mấy câu thơ trên để làm chủ đề cho bài “Zone” là một buổi lang thang xiêu vẹo “nghe sầu vọng âm” trên thành phố phai nhầu Paris.

Tôi không hiểu tại sao tôi lại thích mê đi lang thang trên những đường phố, bất cứ một đường phố nào. Chỉ bước đi lang thang và ngó nhìn bâng quơ, chỉ bấy nhiêu thôi là đủ hạnh phúc lắm rồi.

Nhứt là đi lang thang từ tối khuya đến sáng tinh mơ. Tôi nghĩ rằng bất cứ kẻ nào đã từng lang như chó hoang, khi đọc bài “Zone”, sẽ càng thấm thía vô cùng. Nếu có đọc “Zone”, chắc Sherwood Anderson thích thú lắm. (Sherwood Anderson là kẻ lang thang bâng quơ nhất trên những đường phố Mỹ quốc).

Apollinaire đi lang thang ở nhiều nước ngay từ lúc còn trẻ. Blaise Cendrars cũng thế. Valéry Larbaud cũng thế. Hơi thở của “Zone” nhắc ta nhớ đến “Prose du Transbérien” hoặc “Pâques à New York” của Blaise Cendrars.

“Zone” mạnh và dồn dập thôi thúc hơn bài “Le Pont Mirabeau”. Dở tập Alcools, ta thấy sau bài “Zone” là bài “Le Pont Mirabeau”; cả hai bài đều bất hủ; nhưng cái style nouveau được thể hiện rõ ràng mãnh liệt trong “Zone” hơn là trong “Le Pont Mirabeau”.

Bài “Le Pont Mirabeau” nằm trong truyền thống thi ca trữ tình Pháp:

Sous le pont Mirabeau coule la Seine

Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy.

Apollinaire đứng nhìn sông Seine trôi chảy và thi nhân đau đớn khắc khoải sống lại dĩ vãng và những mối tình xưa:

Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut – il qu’il m’en souvienne

Tôi nhớ đến mấy câu thơ của Hoàng Trúc Ly; Hoàng Trúc Ly sống lại dĩ vãng và những mối tình xưa:

Tôi đứng bên bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi
Những người con gái bên kia ấy
Ai biết chiều nay có nhớ tôi
Tôi muốn hôn bằng môi của em
Mùa mưa thao thiết nắng hoe thềm.

(Hoàng Trúc Ly)

Hoàng Trúc Ly “Thương về con nước ngại ngùng xuôi” mang theo mất những mối tình của thi nhân cũng như Apollinaire thổn thức “Tình yêu trôi đi như dòng nước chảy”:

L’amour s’en va comme cette courante
L’amour s’en va
Comme la vie est lente
Et comme l’Espérance est violente
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure

Tình yêu trôi đi như dòng nước chảy. Tình yêu trôi đi, cuộc đời chậm chạp, hoài vọng mãnh liệt. Đêm đến, giờ điểm, thời gian trôi chảy, chỉ còn thi nhân ở lại bên cầu thương dĩ vãng. Chẳng biết có chịu ảnh hưởng Apollinaire hay không mà Hoài Khanh cũng có những lời thơ tuyệt tác có thể khiến ta nhớ đến những câu thơ của Apollinaire.

Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.

(Hoài Khanh)

Mỗi nhà thơ mang một giọng điệu riêng, nhưng ta có thể lấy câu “ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng” để giải thích câu “je demeure” của Apollinaire trở nên bất hủ; ý nghĩa cô đọng súc tích mông lung vô cùng, ta muốn hiểu thế nào cũng được. Thời gian trôi đi mất, chỉ còn nỗi khổ triền miên ở lại cùng tôi! Đoạn thơ hay nhất trong bài “Le Pont Mirabeau” là đoạn này:

Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l’onde si lasse
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure

Tay trong tay mặt hãy nhìn mặt
Đang lúc dưới
Cầu của những cánh tay đôi ta lướt dòng nước mệt mỏi của những thoáng nhìn thiên thu
Hãy để đêm về giờ điểm
Ngày trôi tôi vẫn còn đây.

Thi nhân nhớ lại ngày xưa cũng tại nơi đây, thi nhân cùng người yêu âu yếm nhìn nhau, tay trong tay, mặt đối mặt, đang lúc ấy cánh tay của hai người chàng qua như một cây cầu (“le pont de nos bras”) và dưới cầu tay ấy là những thoáng nhìn thiên thu của đôi tình nhân không khác gì dòng nước mệt mỏi lướt chảy dưới cầu (“l’onde des étenrnels regards”).

Bài “Le Pont Mirabeau” chấm dứt thật tái tê thê lương:

Passent les jours et passent les semaines
Nile temps passé
Nil les amours riviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Vienne la nuit sonne l’heure

Ngày đi, tháng đi, năm đi, những tuần lễ trôi đi, thời gian bên ngoài trôi xuôi đi mất, chỉ còn thời gian bên trong tâm tưởng là không đi và những mối tình cũng không trở lại (“Ni les amours reviennent”) và nước sông Seine vẫn “xuôi lạnh một dòng sầu” dưới cầu Mirabeau để cho “mấy mầu thời gian” trôi đi mất và chỉ còn lại thi nhân đứng nhìn con sông xa nguồn mà tê tái (“je demeure”)

Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian

(Hoài Khanh)

Sous le pont Mirabeau
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont ….

(Apollinaire)

Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi

(Hoài Khanh)

Sous le pont Mirabeau coule la Seine

Les jours s’en vont je demeure

(Apollinaire)

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh

(Đoàn Phú Tứ)

Màu thời gian không còn xanh nữa, màu thời gian đã tím ngát và chỉ còn Apollinaire đứng lại bên cầu Mirabeau bẽ bàng mơ màng ngửi lại “hương thời gian” như dịch mấy chữ “Odeur du temps” trong bài “Adieu” của Apollinaire (chắc Đoàn Phú Tứ không đọc Apollinaire và đây chỉ là trùng nhau thôi).
Bài “Le Pont Mirabeau” chấm dứt với hai chữ “je demeure” để lại những âm vang đồng vọng mãi suốt cả đời tôi:

Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang

(Quách Tấn)

Tiếng dội lưng mây ấy là tiếng “je demeure” của Apollinaire. Suốt đời tiếng “je demeure” vẫn quyện lấy lòng tôi như tảng mây trắng quyện lấy núi đồi.

Je demeure

Phải chăng đối với:

….Je suis l’Autre

(Gérard De Nerval)

Hay là:

Je est un autre

(Rimbaud)

Giao hoà cùng:

Ta có là Ta chăng hề Ai chứ là Ngươi

(Vũ Hoàng Chương)

Ngoài hai bài tuyệt tác như “Zone” và “Le Pont Mirabeau”, tất cả những bài thơ khác trong tập Alcools đều tuyệt vời, bất cứ bài nào trong tập Alcools cũng đều đặc sắc. Tôi khó lòng quên những câu du dương lướt thướt như:

Voie lactée Ô soeur lumineuse
Des blancs ruisseaux de Chanaan
Et des corps blancs des amoureuses
Nageurs morts suivrons-nous d’ ahan
Ton cours vers d’ autres nébuleuses
(…)

L’ amour est mort j’ en suis tremblant
J’ adore de belles idoles
(…)

Juin ton soleil ardente lyre
Brule mes doigts endoloris
Trisle et mélodieux délire
J ‘erre à travers mon beau Paris
Sans avoir le coeur d ‘y mourir

Apollinaire suốt đời vẫn lang thang ở Paris, thành phố đẹp tuyệt trần của lòng chàng (“mon beau Paris”…); đời sống Paris vẫn gắn bó nồng nàn cùng bài hát thất tình của chàng thi nhân đau khổ ấy; oô những buổi chiều Paris… những chiều bàng bạc men nồng…

Soirs de Paris ivres de gin

Câu trên là câu thơ hay nhất của bài “La Chanson du Mal – Aimé.”

Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai
Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của Ai

(Vũ Hoàng Chương)

Ôi, men khói đêm Paris…

Soirs de Paris ivres de gin

(Apollinaire)

Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai

(Vũ Hoàng Chương)

Ừ, chỉ say với những đêm Paris…

Soirs de Paris ivres de gin

(Apollinaire)

Apollinaire yêu một cô gái người Anh tại Đức. Chàng yêu say đắm; chàng yêu nàng ngây ngất khi nàng trở về Anh, chàng đã lững thững sang đến Luân Đôn để hỏi cưới nàng, chàng bị từ khước; thất vọng chàng làm bài “La Chanson du Mal – Aimé”; cùng với bài “Zone” và “Le Pont Mirabeau”, bài “La Chanson du Mal – Aimé” cũng trở thành bất hủ:

L’ amour est mort j’ en suis tremblant

Đời đã vắng em rồi…Đời vắng em rồi…L’ amour est mort… L’ amour est mort… từ đây anh bơ vơ lang thang khắp phố phường Paris, J ‘erre à travers mon beau Paris… lòng khô đắng, ôi tình anh đã chết, men khói đêm nay sầu dựng mộ…

Soirs de Paris ivres de gin

Anh đi trên những buổi chiều Paris, men khói cuồng say, ôi Tố của Hoàng hay Tố của Ai? Ôi, những buổi chiều Paris men khói cuồng say, đời vắng em rồi say với ai? Apollinaire lang thang đau đớn trên những buổi chiều Paris… Soirs de Paris… Apollinaire lắng nghe tiếng xe điện khua động điên cuồng trên đường phố (“Les tramways feux verts…”) những quán cà phê bồng khói (“Les cafés gonflés de funée ”); đời sống Paris quay cuồng và lòng thi nhân xót xa hướng vọng về người yêu. L’ amour est mort j’ en suis tremblant, Duyên trăm năm đã chết…

Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thủa còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngắt

(Đoàn Phú Tứ)

Hỡi ơi, tình một thủa còn hương, nhưng Hương đã chết rồi và suốt đời chàng lang thang đau khổ để lại “La Chanson du Mal – Aimé” giữa cuộc đời lạnh lẽo này. Chàng đi vào nghĩa địa hoang vu:

Dans ce cimetière presque dérzst…
(“La Maison des morts”)

Hoặc chàng đi tìm hương thơm của mấy dòng sông để cho đỡ nguôi sầu nhớ em Hương thủa ấy:

L’ odeur des fleuves dans leurs villes
(“Cortège”)

Hoặc chàng rưng rưng gõ cửa, nước mắt chàng ràn rụa, hỡi ôi, cuộc đời luân lưu bất định như dòng Euripe, chàng rưng rưng gõ cửa, nhưng cửa vẫn đóng kín, em nỡ lòng nào tàn nhẫn thế?

Ouvrez-moi cette porte où je frappe en pleurant
La vie est variable aussi bien que l ‘Euripe
(“La Voyageur”)


Hoặc những lần nhìn lá thu rơi lác đác chàng thấy hai bàn tay nàng thu thướt:

Et tes mains feuilles de l’automme
(“Marie”)

Hoặc chàng lững thững bên bờ sông Seine, tay cầm sách cũ, dòng sông giống như nỗi khổ đau đớn của chàng, sông vẫn chảy mãi và không bao giờ khô cạn, biết về đâu hỡi mấy mầu thời gian?

Je passais au bord de la Seine
Un livre ancien sous le bras
Le fleuve est pareil à ma peine
Il s’ écoule et ne tarit pas
Quand donc finira la semaine
(“Marie”)

Hoặc Nguyệt lên trời chàng đau thương nhìn thấy Thu đã chết, Hương thủa ấy không còn, giờ đây Thu cũng mất, Hương và Thu đã bỏ chàng bơ vơ:

L’ automne est morte souviens-t’ en
(“Adieu”)

Đã chết mùa thu em biết chưa
Anh không khóc nữa để mong chờ
Buồn không chở nổi bao niềm nhớ
Rưng rức đâu từ vạn cổ sơ

(Hoài Khanh)

Hoặc chàng buồn bã lắng nghe tiếng hát biến mất xa xôi, tê tái:

J’ entends mourir et remourir un chant lointain
(“La porte”)

Some song that I might hear little by little
Dying into the distance down a lane

(G. Leopardi)

Hoặc chàng say lúy túy để phá tan “vạn cổ sầu”, li rượu lung linh leo lét như một ngọn đèn óng ánh:

Mon verre est plein d’un vin trembleur comme une famme
(“Rhénanes”)

Chàng say; men lên chuếnh choáng; chàng “gắng say say để lên hề tận độ” và li rượu bể tan tành như một tiếng cười vang động thiên thu:
Mon verre s’est brisé comme un éclat de rire
(“Rhénanes”)

Hoặc bị giam hãm giữa đường đời, mọi lối thoát không còn, chàng khóc than những năm trời trôi mất và những người con gái quá xa xôi:

Ô mes année ô jeunes filles
(“A la Santé”)

Những hoàng hôn mưa ướt cuộc đời
Em cách xa rồi xa rồi em ơi!

(Hoàng Trúc Ly)

Chàng khóc những giờ phút trôi đi thê lương như đám ma:

Que lentement passent les heures
Comme passe un enterrement
(“A la Santé”)

Hoặc khi Thu trở về, chàng khóc như gió khóc, rừng khóc, tiếng Thu rơi xào xạc, chàng yêu Thu chàng yêu những tiếng mùa ào ạc, trái rơi, những giọt lệ thu rơi từng lá, tiếng chân ai khua động đạp trên những chiếc lá, tiếng tàu hoả buồn buồn và cuộc đời trôi chảy lênh láng:

Et que j’aime ô Sàigòn que j’aime tes rumeurs
Les fruits tombant sans qu’on les cueille
Le vent et la forêt qui pleurent
Toules tours larme en automme feuille à feuille
Les feuilles
Qu’on foule
Un train
Qui roule
La vie
S’ écoule
(“Automne malade”)

Ừ, em nghe chăng mùa thu? Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô thu…ôi tiếng thu!…

Les feuilles
Qu’on foule
Un train
Qui roule
La vie
S’ écoule

Một chiều trở về nhà, đi dọc theo bờ sông hoang tối, chàng lắng nghe tiếng hát trầm buồn văng vẳng đồng vọng:

Un soir passant le long des quais désertsy et sombres
En rentrant à Auteuil j’entendis une voix
Qui chantait gravement se taisant quelque fois
Pour que parvint aussi sur les bords de la Seine
La plainte d’autres voix limpides et lointaines

Chàng lắng nghe tiếng hát của Paris trỗi dậy trong đêm tối tưng bừng són nhạc:

Et j’ écoutais longtemps tous ces chants et ces cris
Qu’éveillait dans la nuit la chanson de Paris?
(“Vendémiaire”)

Máu giang hồ sống lại, chàng khát khao những thành phố Pháp, ở Âu châu và khắp ở hoàn cầu.

J’ai soif des villes du France, d’ Europe et du monde
Venez toutes couler dans ma gorge profonde
(“Vendémiaire”)

Chàng từng làm bao nhiêu chuyến đi ngoại quốc, bao nhiêu chuyến viễn trình, nhưng giờ đây chàng lại khao khát muốn lên đường nữa, chàng muốn đi vào biển cả mênh mông, để “chôn chuyện yêu đương vào quá khứ” như người thủy thủ cô đơn này:

Biển cả mênh mông với nhiều đảo hoang cô độc
Sóng bạc trùm lấy đầu anh, với những tảng mây trắng vướng trên đầu anh
Kết thành vòng hoa tang chôn chuyện yêu đương của Phương Anh ngày xưa vào quá khứ
(…)

Anh sẽ chôn em dưới lớp lá mùa thu, mỗi buổi chiều không tên để khuôn mặt đừng thiếu máu thời gian cho người đời rẻ rúng
Rồi người thủy thủ trẻ con trở về những bài thơ cuộc đời đầy bão loạn, đống dây thừng buộc chặt lấy đời anh
(…..)

Anh trở về hành lí ngày xưa chỉ còn dăm ba hàng mây trắng

(Định Giang)

Chàng khao khát những thành phố ở thế giới, vì thế chàng đã uống say mèm vì đã uống cả vũ trụ:

Je suis ivre d’ avoir bu tout l’ univers
(“Vendémiaire”)

Ừ, hãy say lên, say để chôn em dưới lớp lá mùa thu. Bài “Vendémiaire” là bài thơ cuối cùng trong tập Alcools của Apollinaire.

Tôi xếp tập Alcools lại và cả tâm hồn thể xác tôi say lúy túy, tôi bước chuếnh choáng hơi men, đã đưa cho tôi li rượu mạnh nồng cháy và tôi đã uống cuộc đời tôi như uống rượu mạnh:

Et tu bois cet alcool brûlant comme ta vie
Ta vie que tu bois comme une eau de vie.

Xếp tập Alcools lại, tôi say tận độ, tiềm thức bừng cháy, thời gian chới với, không lẫn lộn men lên ngào ngạt, tôi uống cạn Alcools, tôi đã uống cạn cuộc đời tôi.

O mes années ô jeunes filles…

Hỡi ôi, tôi đã chôn quá khứ dưới lớp lá chết mùa thu…



[1]Ý thức siêu thực bàng bạc mênh mông trong thi phẩm của Apollinaire; sau đây, tôi xin dịch những bài thơ hay nhất của thi nhân. (Do phần chú thích này của tác giả quá dài nên chúng tôi chuyển thành phần phụ lục cuối bài viết –talawas)
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.