© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
16.11.2006
Trần Kh.
Em, anh, ta và tôi
 
Cách đây mấy tuần, khi đọc tác phẩm Người đọc (Der Vorleser) của Bernhard Schlink do Lê Quang dịch đăng trên talawas chủ nhật, tôi đã có dịp tủm tỉm vì sự biến hoá khôn lường của ngôn ngữ.

Đấy là câu chuyện tình khá đặc biệt của hai con người, một nam và một nữ, điều này thì cũng thường thôi, nhưng một trong những điểm hơi "khác thường" ở tiểu thuyết này là sự khác biệt tuổi tác của hai nhân vật chính. Chàng: Michael, 15 tuổi và nàng: Hanna, 36 tuổi. Cứ làm một phép tính theo cụ Adam Riese thì ta thấy ngay là tuổi nàng và chàng chênh nhau đến 21 năm, kể ra cũng hơi bị nhiều. Với tình cảnh éo le như thế này, tôi đồ là người dịch đã phải đắn đo khi cho hai nhân vật người Đức xưng hô với nhau bằng tiếng... Việt.

Kết quả như ta thấy, Lê Quang đã cho hai người thỏ thẻ với nhau tuần tự như sau:

Ban đầu thì là quan hệ cô - cháu: "Cháu có định đi giày và mặc quần vào bồn tắm không đấy? Cô không nhìn đâu, cậu bé ạ."

Rồi: Cô vòng tay ôm, một tay để lên ngực tôi, tay kia đặt lên dương vật tôi cương cứng. "Cậu đến đây vì thế chứ gi!"

Và sau khi hai người đã lên giường với nhau, trong tư thế nào thì hình như Bernhard Schlink không tả rõ, nhưng về thứ bậc xưng hô thì Hanna hẳn đã tự nguyện nằm phía dưới:"Đọc cho em nghe đi!" "Em tự đọc lấy đi, anh đem sách lại đây cho em." "Anh có giọng rất hay, cậu bé ạ, em thích nghe anh đọc hơn là tự mình đọc." (Nguyên văn tiếng Đức: Lies es mir vor! - Na, lies selbst, ich bring's dir mit. - Du hast so eine schöne Stimme, Jungchen. Ich mag dir lieber zuhören als selbst lesen.)

Tôi trích một câu tiếng Đức ở đây để ta thấy rõ cái nghèo nàn của tiếng Đức, gì mà quanh đi quẩn lại chỉ du, dir với lại ich, mir, rõ là kém xa tiếng Việt với những cô, cháu, tôi, cậu, anh, em... (tớ, đằng ấy, mình, bác, mợ...)

Ủa, mà hình như tôi hơi bị sa đà với chuyện tủm tỉm (của riêng tôi), suýt chút nữa quên phắt cái lý do khiến tôi viết những dòng này, đó chính là bài viết của Thường Nhân bàn về chuyện Hữu Thỉnh đạo văn, vừa đăng trên talawas.

Tôi không chắc là Christa Reinig có cười (mếu) được hay không khi nghe Thường Nhân đòi ghép khổ thơ cuối cùng của bà vào bài thơ "Bò lợn chó" và bảo là sẽ... không chê vào đâu được. Chuyện hai bài thơ có giống nhau về cách lập tứ, cách hỏi và cách lập ngôn hay không thì tôi không rõ lắm, cái này thì phải để tôi đi hỏi ông Đặng Tiến. Nhưng khi Thường Nhân bảo hai bài thơ giống nhau về tinh thần, giống nhau về tư tưởng, và buộc tội Hữu Thỉnh đã đạo thơ thì tôi thấy hình như ông đã đi quá xa.

Tôi có cảm giác rằng nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn trong đánh giá cũng chỉ vì cả hai bài dịch tiếng Việt, một của miền Nam trước 1975 (?) và một của Quang Chiến, đều không cho người đọc có cơ hội chọn lựa cách hiểu khác nhau của mình, như khi ta đọc nguyên bản tiếng Đức. Chung qui theo tôi cũng chỉ tại cái khả năng biến hoá của tiếng Việt mà tôi đã nói trên.

Trong cả hai bản dịch, chữ Ich/mir được dịch là tôi và chữ dir được dịch là em. Nghĩa là các "nhân vật" trong bài thơ ngắn này chỉ có thể là gió, mặt trời, các vì sao và con người. Bài thơ, theo tôi, sẽ có một chiều kích khác nếu ta đem yếu tố tôn giáo vào. Tôi ở đây không nhất thiết phải là người mà rất có thể là thượng đế. Nếu cảm nhận theo cách này, và đây cũng là cách cảm nhận của riêng tôi lúc đọc bài thơ bằng tiếng Đức, thì ta có thể dịch bài thơ như thế này:

Thượng đế đã tạo ra mặt trời

ta gọi gió
này gió hãy trả lời ta
gió nói con
luôn ở bên ngài

ta gọi mặt trời
mặt trời hãy trả lời ta
mặt trời nói con
luôn ở bên ngài

ta gọi các vì sao
hãy trả lời ta
các vì sao nói tất cả chúng con
đều ở bên ngài

ta gọi con người
hãy trả lời ta
ta gọi - im lặng
không ai trả lời ta

Dĩ nhiên là dịch theo kiểu này thì, tương tự như kiểu dịch kia, cũng sẽ không còn chỗ cho người đọc hiểu theo một cách khác. Để tìm hiểu thêm tác giả bài thơ thực sự viết theo nghĩa nào, tôi google một phát và thấy buồn cười vì bắt gặp trong kết quả tra tìm một... bài giảng đạo [1] của một mục sư có tên là Stefan Mai. Ông lấy bài thơ của Reinig làm nội dung bài thuyết giảng mang tên "Adam, con ở đâu?" của mình, tôi trích dịch những đoạn chính của bài giảng dưới đây:

"Người ta có thể nhớ bài thơ ngay tức thì. Nó có bốn khổ và được xây dựng theo một kiểu giống nhau. Mỗi khổ thơ đều bắt đầu với chữ "tôi" không được chỉ định rõ ràng. "Tôi" đây là ai? Đó là người hay là Thượng đế?
...

Thượng đế gọi những thứ mà ngài đã tạo ra. Gió, mặt trời, các vì sao và con người được nêu tên. Ngài đã gọi như thể một người chăn cừu gọi những con thú của mình, để biết chắc rằng chúng vẫn còn ở bên ông. Một niềm lo lắng sâu xa, lo rằng một trong những tạo vật của ngài lạc mất, vọng lên từ những câu thơ. Gió, mặt trời và các vì sao trả lời ngay tức khắc: "Chúng con ở bên ngài". Sự hoà hợp, cảm giác được che chở và thuộc về nhau phát ra từ câu trả lời. Ngay cả ngọn gió phiêu lãng, thứ thường chẳng thể nắm bắt được, và vũ trụ vô tận với những hệ tinh tú và thái dương cũng ở với Thượng đế, sát bên ngài. Chính vì thế mà sự tách biệt của khổ thơ thứ tư càng kinh khủng hơn:

ta gọi con người
hãy trả lời ta
gọi - im lặng
không ai trả lời ta

Thượng đế kiếm và gọi con người. Nhưng ngài không nhận được trả lời. Không có được lấy bốn chữ: con người im lặng, mà chỉ là: im lặng. Ôi, cả một sự trống rỗng, một sự nặc danh tàn nhẫn hiện diện ở cuối bài thơ.

Nữ thi sĩ đã sống đến năm 1964 ở CHDC Đức. Tôi không rõ là ở những vần thơ này, Christa Reinig có còn trong đầu cái không khí vô thần của chế độ Đông Đức hay là bà muốn ám chỉ cái tình trạng của con người ở Tây Đức. Trong mọi trường hợp, nhất định bà đã có nghĩ đến một câu chuyện trong Sáng thế ký. Đó là câu hỏi đầu tiên mà Thượng đế đã đặt ra trong Thánh Kinh: Adam, người ơi, con đang ở đâu?..."

Ngoài ra xin nói thêm, theo những gì tôi đọc được về Christa Reinig, thì trước khi trở thành thi sĩ với xu hướng nữ quyền, đã có một giai đoạn - và giai đoạn này cũng là thời điểm bài thơ "Gott schuf die sonne" ra đời - tôn giáo, bao gồm Thiên chúa giáo và sau đấy là Phật giáo, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong thơ của bà.

Dài dòng như thế vì muốn nói rằng kết luận của Thường Nhân, cho hai bài thơ hoàn toàn giống nhau về tư tưởng, tôi e là có hơi vội vã. Theo thiển ý của tôi, ngay cả khi ta chấp nhận lối diễn dịch của Quang Chiến, nếu phân tích cho kỹ thì hai cái "tư tưởng" trong hai bài thơ chưa hẳn đã hoàn toàn giống nhau, còn nếu hiểu như ông mục sư Stefan Mai, thì rõ ràng hai thứ này chỉ có thể là anh đi đường anh tôi đường tôi, một đằng là tình yêu bao la của... Thiên chúa, còn một đằng là những suy tư đầy tính thế tục hình như hơi có... định hướng xã hội chủ nghĩa, có một tí gì như là muốn rao giảng đạo đức. "Hỏi" - tôi nhấn mạnh: hỏi chứ không phải là gọi - theo kiểu của ông Hữu Thỉnh thì theo tôi chỉ có một câu trả lời mà thôi. Sau khi ông hỏi đất, hỏi nước, cây cỏ và nhận được những câu trả lời khá mẫu mực của bọn chúng, thì, mặc dù ông (thống thiết) hỏi đến ba lần, câu trả lời của con người cùng lắm chỉ có thể là: người với người sống để yêu nhau. Chứ nếu không thì... thật đáng xấu hổ với loài cây cỏ.

Ta cũng khó có thể chối bỏ là lúc mới thoạt đọc - nhất là nếu sử dụng bản dịch của Quang Chiến - thì thấy hai bài thơ có cái gì đó na ná nhau. Nhưng từ "na ná" cho đến "đạo thơ" tôi nghĩ là có một quãng cách dài. Tôi đồ rằng, nếu ta không tính mấy em nhỏ của nhóm Mở Miệng - bọn hắn không chút ngượng ngùng khi công khai nhìn nhận là đã "đạo" và "chế biến thơ ca" của người khác - thì chắc không có một ông hoặc bà thi sĩ nào chịu nhìn nhận là thỉnh thoảng thơ của mình hình như có hơi giống thơ của một ai đó khác. Nhưng tôi ngờ rằng nếu đem tất cả thơ Việt tự cổ chí kim ra mà xét thì chắc cũng có khối bài "na ná" nhau. Ta có thể bị ảnh hưởng Tàu, rồi Tây, và Ta cũng có thể bắt chước Ta, tự nguyện hay là vô thức.

Tôi biết rằng ở thời điểm này, ông Hữu Thỉnh, qua vụ phát giải thưởng thơ cho ông của cái Hội do chính ông làm Chủ tịch, đã gây phật lòng ở nhiều người. Quả thực thì cũng là điều khó hiểu, khi một người ở cương vị ông và cũng là người đã từng nhận được mấy cái giải thơ tương tự như vậy, và ông lại là thi sĩ, chủng loài thường tự nhận là có cần ăng-ten tinh nhạy nhất, lại tỏ ra thiếu hẳn một chút nhạy cảm tối thiểu khi không tự giác rút tập thơ của mình ra, không để cho đồng nghiệp và những người dưới trướng của mình bình xét. Điều này có dính dáng gì không với cái câu người ta thường nói: Quyền lực làm hư hỏng?

Tôi chưa đọc tập thơ mới của ông để biết kết quả ông thương lượng với thời gian là như thế nào; nói chung ra thì tôi không đọc thơ của ông nhiều, trừ một tập thơ trong đó có trường ca Đường tới thành phố do một anh bạn đi Việt Nam về tặng vào giữa những năm 80. Hiểu biết về thơ ông hình như chỉ còn đọng lại trong tôi vài câu thơ chắp vá đại loại Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn hoặc Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch và một bài hát người ta phổ thơ ông, từ cái thời mà bọn chúng tôi, những kẻ tự nhận mình là yêu nước, đã tự nguyện ô-rơ-voa (mà sau cơn bồng bột thì cũng có rơ-voa thật, nhưng đấy là chuyện về sau...) những Mùa thu chết với lại Diễm xưa để hát khản cả giọng những bài ca cách mệnh đại loại Nổi lửa lên emTrường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây. Và dĩ nhiên là trong top ten không thể thiếu bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng phổ thơ của cụ. Trước khi chấm dứt bài viết, và để thay đổi không khí, cho phép tôi hát... góp vui cho quí vị nghe nhé, xin lưu ý là bài này phải hát theo điệu quân hành và những chỗ luyến láy thì theo giọng Hà Tĩnh hay tệ lắm cũng phải là Thừa Thiên thì nghe mới phê:

Năm anh em trên một chiếc xe tăng
Như năm bông hoa nở cùng một cội
Như năm ngón tay trên một bàn tay
Đã xung trận là năm người như một
Ừ... hứ
Vào lính xe tăng anh trước anh sau
Cái nết ở ăn mỗi người một tính
Nhưng khi hát là hoà cùng một nhịp
Một người đau là tất cả quên ăn...

Thế mới biết là cộng sản tuyên truyền... hay thật, mấy chục năm sau mà câu chữ cứ như còn in trong đầu.

Đấy, quan hệ "sâu sắc" nhất giữa tôi và Hữu Thỉnh chỉ có ngần ấy, chỉ qua một bài hát, không hơn không kém, nghĩa là chưa có mặn mòi quá đáng để đến nỗi tôi thiên vị, không chịu nhìn ra cái chất đạo thơ ở ông.

Tôi nghĩ: Đánh giá thơ, và không chỉ có thơ, cần sự công bằng và trung thực.

Chúa nhật, 12.11.2006

© 2006 talawas



[1]
http://www.maximilian- kolbe.com/mk/predigten.php?do=predigt_on&data_file=predigten/2003/030316.dat