© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
25.11.2002
Trịnh Thanh Thủy
Tại sao giới thưởng ngoạn nghệ thuật lại là yếu tố tối cần cho nền mỹ thuật Việt Nam?
 
Nghệ thuật thế giới đương đại đã và đang xôn xao với bao hình thái nghệ thuật đa dạng từ Visual Art, Contemporary Art, Modern Art tới Post-Modern Art. Fine Art vẫn còn chỗ đứng trong lòng người thưởng lãm nghệ thuật ngoại quốc. Tuy nhiên nó đã chắp thêm cánh tạo thêm sự đa dạng bằng nghệ thuật tạo hình Collage (Nghệ thuật cắt dán báo chí, những hình ảnh mỹ thuật hoặc kết hợp với sơn dầu tạo thành tranh). Ðôi khi sống động hơn và giao duyên với nghệ thuật sân khấu để hình thành Performance Art (Nghệ thuật sân khấu tự nhiên). Theo như tinh thần những bài thảo luận về mỹ thuật Việt Nam trên Talawas, có một vài nhận xét, nền mỹ thuật Việt Nam thuần túy là nền mỹ thuật xuất khẩu với tranh thương mại, tranh chép, tranh trâu hay tranh Đông Hồ cũ xưa, tôi tự hỏi vị thế mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu? Có phải đang tụt hậu hay nằm ngoài phạm vi sáng tạo của nghệ thuật thế giới? Con người đã bước vào kỷ nguyên mới của thế kỷ 21 và Hypermedia. Những nhà nghệ sĩ tạo hình có khuynh hướng tích cực dấn thân cho sự nghiệp sáng tạo.Ý niệm nghệ thuật giờ trải rộng đến mức toàn cầu hoá và văn minh kỹ thuật xâm chiến thế giới tạo nên những nhu cầu giải trí cấp tiến. Nền văn hoá hậu kỹ nghệ ra đời. Để đáp ứng những yêu cầu phục vụ hiện đại, nhiều hình thái nghệ thuật có sức sáng tạo mới lạ cũng khai sinh. Khả năng truyền thông của người nghệ sĩ và người thưởng ngoạn đã trở nên một yêu cầu khẩn thiết. Nghệ thuật sáng tạo không còn nằm hẳn trong tay người nghệ sĩ. Nó đòi hỏi sự tương tác giữa người xem và người làm nghệ thuật. Khán giả bây giờ là người trực tiếp cảm nhận và tiếp tay vào sự sáng tạo trong khoảnh khắc mà họ chứng kiến hay sống với nghệ thuật. Vì giá trị đầy nhân bản của lối cảm thụ nghệ thuật mới này, nghệ thuật thế giới đã chuyển hướng qua nghệ thuật tạo hình có bối cảnh là xã hội thực sự hiện tại và người thưởng thức có thể đóng góp sáng tạo. Do đó giới thưởng ngoạn nghệ thuật không những cần yếu cho mục đích thương mại mà nó còn trở nên một điều kiện ắt có và đủ trong những tác phẩm sáng tạo. Nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay chỉ có một thiểu người ngoại quốc thưởng thức và hầu như không có bóng dáng khán giả Việt Nam. Sự thưởng ngoạn, nâng đỡ, làm nên nền mỹ thuật VN phải chính là người dân VN. Không kể đến yếu tố sáng tạo thiếu vắng trong tranh thương mại hay tranh chép, điều kiện ắt có của sinh hoạt nghệ thuật thế giới là người thưởng ngoạn, Việt Nam lại không có. Như vậy làm sao chúng ta định được vị trí mỹ thuật Việt Nam trong lòng nền mỹ thuật thế giới. Mời các bạn xem một bài viết của tôi về một hình thái nghệ thuật đặc thù kết hợp nghệ thuật hội họa, sân khấu, điêu khắc, nhiếp ảnh và âm nhạc. Sự tương tác của hai giới xem và làm nghệ thuật đóng vai trò then chốt trong nghệ thuật sáng tạo độc đáo này.


Sân khấu phẳng

Nhân viên hóa trang vừa sửa xong nếp gấp chiếc váy người nữ diễn viên, sân khấu di động lập tức thu hẹp diện tích lại. Nó chuyển mình về phía trước để tự lồng vào khung hình sơn son thiếp vàng. Thiếu nữ trong trang phục cổ th ời La mã đổi thế đứng lần cuối, tay gươm sáng đặt thẳng lên vai người hiệp sĩ tạo thành góc sáu mươi độ. Hoạt cảnh đang xôn xao bỗng ngừng. Thời gian treo ngang giai đoạn trước Phục hưng cuối thế kỷ thứ mười lăm. Đèn mờ đi và sạm xỉn màu giấy cũ. Giàn nhạc đại hoà tấu dìu dặt trổi dậy những âm giai cổ điển. Khán giả bây giờ chỉ còn nhìn thấy trước mặt bức tranh " The Accolade" nổi danh của Edmund Blair Leighton trong tầm vóc vĩ đại của sân khấu nhưng là một sân khấu phẳng và dựng đứng. Những nhân vật trong tranh đều là người thật nhưng nghệ thuật dàn dựng sân khấu siêu đẳng đã tạo cho khán giả một cảm giác trái ngược. Tất cả những hữu thể sống như giãn ra, tan mất bề dày, dán vào mặt vải, phẳng lì và bất động. Không gian ba chiều giờ chỉ còn là một.






Hoạt cảnh vừa mô tả trên bạn chỉ có thể tìm ra trong " Pageant of the Masters " ở
" The festival of Arts" của thành phố Laguna Beach, California, USA. Những kiệt tác nghệ thuật về khung cảnh lịch sử tự ngàn xưa đã được vẽ, dàn dựng, đóng lại bằng người thật và chỉ được trình diễn trên sân khấu này. Có nghĩa là nó độc nhất vô nhị.
Mỗi năm sân khấu " Pageant of the Masters " đều chọn diễn một đề tài lịch sử khác nhau.
" Pageant of the Masters " thực ra đã có 70 tuổi đời trong ngành mỹ thuật; nhưng có lẽ còn rất lạ lẫm với giới thưởng ngoạn nghệ thuật thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng vì tính đặc thù và vô nhị của nó.
Xin tạm gọi " Pageant of the Masters " là Sân Khấu Phẳng hay Sân Khấu Lặng vì nó có tính bất động.
Giá trị sáng tạo của Sân Khấu Lặng nằm trong sự tái tạo, chuyển sinh và bất tử.
Khái niệm này luân lưu theo một vòng sinh tử tương tự Vòng Luân Hồi trong thuyết nhà Phật. Các hoạ sĩ và điêu khắc gia ghi lại hình tượng, con người, vật thể vào khung vải, trang giấy, thạch cao, cẩm thạch, đồng đen. Họ có khả năng của thượng đế chuyển đổi cảnh sống thành cảnh chết. Nghệ thuật Sân Khấu Lặng tái tạo, hoá sinh con người ,vật dụng, khung cảnh trong tranh sống lại và hiện hữu. Cuối cùng họ đẩy sự sống trở vào trong tranh và thân tượng để thắp sáng sự bất tử đời đời của những kiệt tác lịch sử nghệ thuật.
Sân Khấu Lặng là một kết hợp khéo léo của nghệ thuật sân khấu, điêu khắc, hội hoa, nhiếp ảnh và âm nhạc. Nó đòi hỏi sự góp sức nhiệt tình và vô vụ lợi của những tâm hồn yêu, sống chết, hay có cảm tình với nghệ thuật. Đi gần với ý niệm " Sân khấu tự nhiên " hay Performance của mỹ thuật đương đại; Sân khấu lặng tạo nên mối tương quan truyền thông đặc thù nhân bản. Đó là sự tương tác giữa hoạ sĩ, nhà điêu khắc, người tái tạo và giới thưởng ngoạn. Một phần người xem được trực tiếp cảm nhận và tiếp tay vào việc sáng tạo qua hình thức tự nguyện tham gia. Con người là những cá thể có khả năng cảm thụ và biểu hiện nghệ thuật. Hầu như ai ai cũng có những khả năng sáng tạo tiềm ẩn nên việc dự phần vào việc tạo lập Sân Khấu Lặng là cơ hội cho họ bộc lộ những cảm tính đó. Năm nào số người tình nguyện góp sức hoàn thành sân khấu " Pageant of the Masters "cũng lên tới trên năm trăm người. Đó là con số 60,000.00 giờ tặng hiến của những người đam mê nghệ thuật, chưa kể số người trong ban tổ chức và hàng trăm người còn chờ đợi trong danh sách dự khuyết. Nó là tâm hồn, mạch máu, nhịp tim, cảm xúc của nghệ nhân và cư dân vùng Laguna Beach. Tình nguyện viên có thể là người không hiểu biết chút gì về nghệ thuật sân khấu. Nếu là một cô gái
- Sau khi ghi danh, cô sẽ được chụp hình, đo tầm vóc và được giao phó vai trò thích hợp. Những chuyên viên hóa trang ( cũng là tự nguyện) sẽ giúp cô trở thành nhân vật trong tranh. Cô phải học cách trình diễn và thuộc lòng phần vụ của mình. Cuối cùng, trước lúc mở màn, cô sẽ được máy trục đỡ lên sân khấu và các nhà chuyên môn về tư thế sẽ sửa lại thế đứng của cô cho phù hợp với cảnh tượng trong tranh. Cô phải bất động như thế cho tới khi tấm màn nhung cảnh đó hạ xuống.

Muốn xem loại nghệ thuật độc đáo này bạn cần phải đem theo ống nhòm. Với mắt thường bạn chỉ thấy tổng quan của bức tranh mà không thể quan sát rõ những chi tiết sắc sảo của nghệ thuật tái tạo này. Tỷ như với ống nhòm bạn mới có thể thấy được nét trơn mướt, bóng láng của đồ sứ trong bộ bát tiên của Trung hoa thế kỷ thứ 19 ( Eight Immortals, Ceramic, Chinese) mà sân khấu này đã dựng lại bằng người thật. Điều kỳ diệu là bạn thấy những diễn viên ấy bằng sứ. Quả thật bằng sứ !!! Có phải lúc ấy nhãn quan con người đã bị đánh lừa?
Sân khấu lặng cấu thành bởi những suy tư về môi trường sống kinh nghiệm xã hội Những biến cố của nhân loại được bộc lộ qua hình tướng thân thái của con người trong một thời gian và không gian nhất định. Điểm son làm xúc động khán giả nhiều nhất là
cái chết anh dũng của những người lính cứu hoả vô danh được tôn vinh
Màu đồng sáng rực trước ngọn đèn pha làm sáng gương can đảm hy sinh của người lính chữa lửa đang ôm một em bé trong taỵ
Đó là bức " Wildland Firefighters Monument ", của David Nelson.
và " Stockton F. D. Fallen Firefighter Memorial" của Bettety Saletta
Những tác phẩm điêu khắc cũng được tái tạo. Tượng vị nữ anh hùng " Saint Joan of Arc " gần Place de la Concorde, Paris, French oai hùng trên lưng ngựa sống lại ở một góc Sân Khấu Lặng, sạm tối màu đồng đen. Nghệ thuật và lịch sử nối kết mật thiết vào nhau làm sáng huyền thoại các anh hùng, mỹ nhân và ác thần ở phương Tây lẫn phương Đông. Bức " The Diana of Anet " thế kỷ thứ 16 sẽ cho bạn thấy rõ vân đá tươi mát và bóng lọng của cẩm thạch đã lên men.
Nét uy mãnh lồng lộng nam tính của vị thần anh hùng thời cổ Hy Lạp được nhắc đến qua bức " Hercules and the Hydre " của Rudolf Tegner. Người nam diễn viên đóng Hercules đã phô bày tột đỉnh vẻ đẹp thẩm mỹ cấu trúc thân hình một nam lực sĩ.
Ngoài ra sự vinh danh những người lính chiến đấu cho lý tưởng tự do cũng được nhắc nhớ qua điêu khắc phẩm " Three Soldiers" của Frederick Hart ( bronze, 1984).
Cuối những buổi trình diễn lúc nào cũng là hoạ phẩm " The Last Supper" của Leonardo da Vinci. Jesus-Đấng cứu rỗi đã đến, đi và sống lại cho loài người bình an dưới thế.
" Pageant of the Masters " mãi mãi là nơi ẩn chứa những giấc mơ tràn ánh sáng. Nơi sự sống tắt ngang, hồi sinh và trở thành bất tử.

© Talawas 2002


Tài liệu tham khảo
- The festival of Arts- California's Premier Fine art Exhibition.-70 Years
- Pageant of the Masters- Where art comes to life
- Art-a-fair Festival. Connecting you to Art