© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
18.11.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Chương ba
Ý thức cô lập – Nỗi quằn quại của Kafka

Di chúc của tôi rất giản dị, tôi van xin anh đốt hết tất cả mọi sự.
(Kafka, “Thư gửi bạn”)

1.

Một thi sĩ đọc tác phẩm của Kafka sẽ hiểu gấp ngàn lần hơn một triết gia, học giả hay nhà phê bình.

Tại sao Kafka khó hiểu?

Bởi vì chúng ta cố gắng tìm hiểu Kafka.

“Gõ cửa đi, cửa sẽ mở.”

Xin đừng gõ cửa, vì cửa không bao giờ mở. Chúng ta đã đi lầm nhà, vì nhà của Kafka không có cửa.

Đi đến Kafka, xin đừng chuẩn bị. Hầu hết những nhà phê bình Âu Mỹ đã viết cả một thư viện vô ích khi họ cố gắng giải thích Kafka. Giải thích Kafka sẽ thất bại như giải thích Hư vô. Trong những nhà phê bình Âu Mỹ, chỉ có Alfred Kazin và Paul – Louis Landsberg là hiểu rõ thái độ của người đọc trước tác phẩm Kafka. Những nhà phê bình khác đã cố gắng trình bày Kafka như là một bài toán khó hiểu, rồi họ cố gắng tìm đáp số. Họ không thể nào tìm đáp số được; vì tác phẩm của Kafka không phải là một bài toán.

Tại sao Kafka viết văn? Kafka không viết. Nỗi cô đơn của Kafka đã viết. Ta không thể nào hiểu được nỗi cô đơn của Kafka, vì mỗi người có một nỗi cô đơn riêng; mỗi người cảm riêng nỗi cô đơn của mình. Không có siêu hình học Kafka; chỉ có nỗi cô đơn Kafka. Không có vấn đề Kafka mà chỉ có kinh nghiệm Kafka; không có “problème” mà chỉ có “expérience” hoặc “sensibilité” hoặc “mystère” (theo nghĩa triết lý của Gabriel Marcel).


2.

Tác phẩm Kafka là kinh nghiệm đau thương của những đêm ngày thao thức bên hố thẳm Hư vô, Hư vô kinh khiếp đã biến đổi Kafka thành một kẻ xa lạ, một người bị lưu đày, một kẻ mất gốc, một người phạm tội và một con vật.

KẺ XA LẠ

Kẻ xa lạ là một người cô đơn tuyệt đối, sống giữa những người thân thuộc như sống giữa những sỏi đá, nhìn mười phương trời chỉ toàn là cỏ khô cháy nắng, đi giữa đời như đi vào một nghĩa địa hoang vu:

Tôi là một người lầm lì, ít nói, trốn vào bản ngã, không thích giao thiệp với đời và bất mãn… Tôi sống trong gia đình, giữa những người thân yêu nhất, thế mà tôi vẫn cảm thấy còn xa lạ hơn là một kẻ xa lạ. Đối với mẹ tôi, trong những năm gần đây, tôi không nói trên hai mươi tiếng mỗi ngày; với cha tôi, tôi chỉ chào hỏi đôi lời thôi. Đối với mấy đứa em tôi, tôi không hề nói chuyện với chúng. Lý do rất giản dị: tôi chẳng có gì để nói (Kafka).

Cha mẹ tôi chơi đánh bài: tôi cảm thấy cô đơn ở bên song thân và cảm thấy xa lạ tuyệt đối… Cha tôi bảo hãy vào bàn mà chơi cho vui… tôi từ chối.

(Nhật ký Kafka, ngày 15 tháng 8)

Vạn vật trơ trơ, thế giới dày đặc, hòn đá lạnh lẽo xa lạ, cảnh sắc muôn màu phủ nhận tôi, bầu trời xanh lơ, đồi kia và cây lá kia xa xôi quá, xa xôi như một thiên đàng đã mất. Kẻ xa lạ là một người bị lưu đày khỏi thiên đàng mến yêu.

KẺ BỊ LƯU ĐÀY

Kẻ lưu đày là một người cô đơn tuyệt đối. Xác ở đây mà hồn ở phương nào. Ở bên kia đám mây hay ở bên kia chân trời, đôi mắt mình vẫn mỏi mòn trông tìm quê hương. Lưu đày bao giờ chấm dứt để mình trở về vương quốc?

Ôi lưu đày và vương quốc! L’Exil et le Royaume… Nhìn về sa mạc mông lung, mình buồn đau hiu quạnh. Cát phẳng lì và không gian hiu quạnh hứa hẹn những gì? Hai dòng nước mắt chảy vào đêm lạnh thiên thu. Lưu đày là lưu đày tâm hồn.

Vô cảm giác. Tôi bị xa lìa mọi vật bằng một khoảng cách mênh mông vô tận.

Tất cả chỉ là tưởng tượng, gia đình, bàn giấy, bạn bè, con đường, tất cả chỉ là tưởng tượng và xa hơn hay gần hơn, người đàn bà. Nhưng sự thực gần gũi nhất là tôi áp đầu tôi vào bức tường của phòng giam nhỏ bé không có cửa sổ mà cũng không có cửa ra vào (Kafka).

Kafka đau đớn và lạnh run. Trong đêm tối vĩnh viễn, Kafka bị ném vào giữa những bức tường phi lý. Kafka ngơ ngác khóc thầm. Ngày xưa khi còn bé thơ… Người cha hung dữ đã hành hạ Kafka; thuở thơ ấu, Kafka đã muốn chết. Tuổi xanh non dại như thế, hư vô đã nỡ nào đuổi theo? Một lần khóc đêm, cậu Kafka bị cha đem ra bỏ ngoài balcon, đứng trước cánh cửa đóng kín, lòng cậu bé ngây thơ đau đớn tủi hận. Suốt mấy đường đời, nẻo nào, phố nào, Kafka vẫn không bao giờ quên được cảnh tượng đau buồn trên. Nét mặt hầm hầm thịnh nộ của người cha vẫn đè nặng hơi thở của Kafka suốt đời. Kafka vẫn nhớ mình đã bị quăng ném ra ngoài và đứng cô đơn trước cánh cửa lạnh lùng kia. Cảm giác đau đớn vẫn theo đuổi Kafka đến chết. Kafka không thể nào quên được. Kafka luôn cảm thấy bơ vơ lạc loài và nghĩ rằng mình là kẻ bị lưu đày khốn khổ tuyệt vọng.

Người Do Thái lang thang ấy không bao giờ được trở về đất hứa:

Chanaan là giải đất hy vọng duy nhất, không có giải đất thứ ba cho con người (Nhật ký Kafka ngày 28 tháng giêng năm 1922).

Bốn mươi năm trời lầm lũi, Kafka không biết bám vào đâu để tìm ra ánh lửa hy vọng giữa nẻo đời. Bám vào đâu? Sông đã chảy xa nguồn; chim trời đã bay xa tổ ấm; con tàu đã vượt trùng dương heo hút, bỏ lại đằng sau một bến hoang sơ mỏi mòn; cây đã ngã và gốc rễ chằng chịt đã
xa lìa lòng đất tương tư…

KẺ MẤT GỐC

Kẻ mất gốc là một người cô đơn tuyệt đối; những chiều mưa u ám, mình bâng quơ đứng nhìn dòng sông xa xôi và bỗng nhiên hoảng hốt, ý thức rằng mình đã bị dòng đời cuốn trôi phũ phàng xa khỏi nguồn đến ngàn vạn dặm.

Kafka là người Do thái, sinh trưởng ở Tiệp khắc. Không có mẫu ngữ, không có quê hương, nói viết bằng ngôn ngữ Đức, sống giữa người Tiệp dưới thời chiếm đóng của Áo Hung, Kafka đã bị mất gốc bên ngoài xã hội và cả bên trong tâm hồn:

Không tổ tiên, không gia đình, không giòng giống, với lòng thèm khát mãnh liệt muốn có tổ tiên, gia đình, giòng giống (Nhật ký Kafka).

Bi kịch Kafka cũng là bi kịch ngàn năm của Van Gogh: Kafka muốn sống tầm thường như mọi người, nhưng không thể nào được, Kafka đã mất gốc ngay từ trong lòng mẹ. Kafka bị trốc rễ và đung đưa chết đắm giữa biển đời. Hai tay chới với kêu gọi cầu cứu:

Hãy để tôi xa nơi đây! Hãy để tôi xa nơi đây!... Bàn tay người đâu?... Ước gì tôi có thể cầm lấy bàn tay người, tôi tin người sẽ không còn quăng ném tôi nữa. Người có nghe tôi không? Có phải người đang ở trong phòng tôi không? Có lẽ người không có ở đây (Kafka, "Hochzeitsvorbereitungen auf dem Lande", trang 272).

Tiếng than của Kafka có vọng đến lưng trời?

Lại bị đày, lại bị đày rất xa, đày rất xa. Núi, sa mạc, những xứ mênh mông… ("Hochzeitsvorbereitungen…" trang 273).

Kafka tuyệt vọng, mọi sự đều thất bại, đời sống gia đình thất bại, tình bạn thất bại, hôn nhân thất bại, nghề nghiệp thất bại, văn chương thất bại. Vì sao?

Vì thiếu đất, thiếu không khí, thiếu lề luật (Nhật ký Kafka, ngày 23-2-1910).

Nhân vật chính trong quyển Das Schloss (Le Château) của Kafka cũng “thiếu đất, thiếu không khí, thiếu lề luật”. Hắn đến một làng để đi tới lâu đài kế cận, nhưng hắn không thể nào đến được lâu đài ấy, Das Schloss là bi kịch của một người đi tìm gốc rễ, sự mạo hiểm riêng lẻ của một tâm hồn đi tìm thánh sủng, của một con người đòi hỏi sự huyền bí tối thượng của những sự vật trần gian này (Albert Camus, Mythe de Sisyphe, tr. 173).

Tại sao Kafka lại cảm thấy mình là kẻ xa lạ, kẻ bị đày, kẻ mất gốc? Kafka không thể hiểu được, Kafka đã làm gì mà phải ra nông nỗi như thế?

KẺ PHẠM TỘI

Ngay từ lúc nhỏ, khi cha bị hành hạ đau đớn, Kafka đã mang mặc cảm tội lỗi. Lớn lên, đi vào cuộc đời, Kafka lại nghĩ rằng mình là một kẻ phạm tội. Tại sao tôi lại bị đày, bị mất nguồn, mất gốc? Tôi không biết. Chắc tôi đã phạm một tội lỗi nào đây. Người khác sung sướng, thảnh thơi, bình thường, hạnh phúc yên vui, thoải mái, bình lặng. Còn tại sao tôi lại đau đớn, khó chịu, khó thở, ngột ngạt, cảm thấy xa lạ mất gốc rễ. Có lẽ Trời đã đày tôi như thế. Có lẽ Trời đã hành phạt tôi như cha tôi đã hành phạt tôi khi tôi còn bé. Hành phạt một cách vô cớ (hay là có cớ mà tôi không biết?). Tôi là một kẻ phạm tội mà không biết phạm tội gì:

Hãy thương hại tôi… Đừng ném quăng tôi vào giữa những kẻ bị xử phạt (Kafka).

Lời van xin của Kafka thống thiết vô cùng, thế mà trời xanh vẫn thản nhiên im lặng;

Con đã bị ném quăng, bị phán xử và bị hành phạt, chà đạp. Chỉ có ý nghĩ trốn thoát bất cứ nơi nào cũng đã an ủi con nhiều. (Kafka, "Thư gửi cho cha")

Nhân vật chính trong quyển Der Prozess (Le Procès) của Kafka bị buộc tội là phạm nhân mà hắn cũng chẳng biết phạm tội gì. Hắn chỉ biết có điều là hắn vô tội.

Quyển Der Prozess mở đầu: “Có lẽ là một người nào đó đã vu cáo Joseph K. bởi vì chẳng làm gì quấy cả mà hắn đã bị bắt vào một buổi sáng tươi đẹp”.

Sống và không biết mình sống làm gì. Đi và không biết mình sẽ đi đâu. Chết và không biết tại sao mình chết. Bị buộc là kẻ phạm tội và không biết mình đã phạm tội gì. Đó là tất cả ý nghĩa của Phi lý.

MỘT CON VẬT

Thế giới này là thế giới của những con người lành mạnh, trí óc quân bình, có tổ tiên, có truyền thống, có nguồn gốc, sống thoải mái trong vòng xã hội tôn ti trật tự.

Kẻ xa lạ là kẻ bị đày hay kẻ mất gốc hay kẻ phạm tội vốn là một đứa bé rụt rè nhút nhát - “ein ängstliches Kind”; tính từ ängstlich có nghĩa là “lo âu, cảm thấy khó chịu, đau đớn, bực bội, sợ sệt dè dặt, rụt rè, nhút nhát…” Tuổi thơ đã quyết định cuộc đời sau này; vì khi lớn lên vào đời, kẻ xa lạ ấy (hay kẻ bị đày hay kẻ mất gốc hay kẻ phạm tội” có cảm tưởng mình là một con vật, một con sâu bọ phá hoại (das Ungeziefer) hay một con thú rừng (Waldtier) giữa xã hội loài người.

Truyện “Die Verwandlung” (“La Métamorphose”) của Kafka mở đầu như vầy: “Một buổi sáng sau một cơn mộng mị, Gregor Samsa thức giấc và thấy mình biến thành con sâu bọ kinh khủng[1] .

Hằng ngày Gregor Samsa đã cực khổ hết sức để giúp đỡ gia đình; mỗi ngày, hắn phải thức dậy sớm để đi làm việc kiếm tiền về nuôi cha mẹ và em gái, hắn chịu mọi nhọc nhằn để cho gia đình được sống ấm cúng đầy đủ. Bỗng nhiên, một hôm giựt mình thức giấc, hắn thấy mình không còn là người nữa và đã hoá thân thành một con vật. Thể xác là vật nhưng tinh thần của Gregor Samsa vẫn còn là người; đó mới là bi kịch thảm khốc của hắn. Gia đình hắn kinh tởm hắn. Ông cha ném một trái pomme vào mình hắn. Hắn bệnh, rồi chẳng bao lâu hắn chết. Cả gia đình hớn hở. Người đọc cảm thấy lạnh xương khi đi vào gian phòng lạnh lẽo của Gregor Samsa; Kafka không có ý dàn bày để người đọc phải hoảng hốt; Kafka chỉ viết với giọng điệu lạnh nhạt dễ dãi; đọc truyện Kafka, ta không thể đọc theo lối truyện thông thường. Tôi không nghĩ cần phải đọc lại Kafka nhiều lần mới hiểu được Kafka.

Đọc Kafka (cũng như đọc Rimbaud hay những thiên tài phi lý khác), nếu ta hiểu được là hiểu ngay lập tức, còn nếu ta không hiểu được thì dù có công phu khó nhọc đọc đi đọc lại đến mười lần cũng không thể nào hiểu được. Kafka (hay (Faulkner) viết văn không phải cố ý làm cho khó hiểu kỳ hoặc. Nếu Kafka (hay Faulkner) có khó hiểu chăng; đó là chính ta đã làm ra khó hiểu, vì trước khi đọc, ta cố ý đi tìm xem Kafka (hay Faulkner) muốn nói những gì; đừng nên tìm kiếm gì cả, cứ đến tác phẩm Kafka (hay Faulkner) như đến một nghĩa địa vào buổi hoàng hôn. Và ta sẽ hưởng được nhiều cảm giác mông lung lạnh lẽo. Nếu đem cái óc lý luận phê bình của ta mà đọc Kafka, ta sẽ thấy vô lý và chán nản ngay bởi vì giọng văn của Kafka lơ thơ lạnh lùng như mấy cơn gió hiu hắt ở bãi tha ma và phản luận lý học như những nấm mồ xơ xác…

Một buổi sáng, sau một cơn mộng mị, Gregor Samsa thức giấc và cảm thấy mình biến thành một con sâu bọ khủng khiếp. Als Gregor Samsa eines Morgens…

Đọc xong đoạn văn trên rồi ta cứ tiếp tục đọc tới, đừng phân vân thắc mắc lý luận.

Tất nhiên ta sẽ ngạc nhiên, với lời mở đầu lạ lùng trên nhưng đừng ngừng lại tra hỏi làm gì, cứ đọc tới, sự ngạc nhiên ấy sẽ dồn dập biến thành bao nhiêu cảm giác. Gregor Samsa (hay Kafka hay chúng ta) một buổi sáng thức dậy thấy mình không còn mang xác người nữa; cả gia đình xôn xao và sợ hãi nhưng Gregor Samsa lại bình thường như chẳng có việc gì xảy ra, vẫn lo lắng sợ trễ giờ đi làm việc, vẫn những cử chỉ, những thói quen như hàng ngày; hắn ngạc nhiên thấy người nhà hắn khiếp sợ hắn.

Nếu Gregor Samsa hoàn toàn là một con vật thì truyện “Die Venwandlung” (“Métamorphose”) chẳng có ma lực gì để có thể đưa ta vào thế giới bi đát ấy. Bi đát không phải Gregor Samsa là một con vật; bi đát là Gregor Samsa không phải hoàn toàn là con vật mà cũng không phải hoàn toàn là con người; Samsa ở chính giữa nửa người nửa vật và không biết mình thuộc về đâu; loài người không nhận Gregor Samsa mà loài vật cũng không nhận hắn. Trời không nhận mà đất không nhận. Khi Gregor Samsa chết, người đầy tớ đem quét bỏ và thùng rác. Gregor Samsa của Kafka nhắc ta nhớ đến nhân vật Yank của Engene O’Neill trong vở kịch The Hairy Ape (Con khỉ có lông); Yank cũng chết vì loài vật không nhận Yank vào loài chúng mà loài người cũng chẳng nhận Yank vào loài họ. Yank không biết mình thuộc về loài gì? Mọi nơi đều phủ nhận hắn. Cộng sản cũng như tư bản, loài người cũng như loài vật đều khước từ hắn.

Trước khi chết Gregor Samsa “nghĩ đến gia đình hắn với lòng dịu dàng yêu thương”.

Đọc xong truyện “Métamorphose”, mình cảm thấy cô đơn lạ lùng. Tác phẩm “Métamorphose” đã chung đúc cô đọng lại tất cả bi kịch chua xót của Kafka và quyển Château hay Procès chỉ lập lại một vài khía cạnh của “Métamorphose”.

Những nhà phê bình hay đặt tầm quan trọng vào quyển ProcèsChâteau: dường như họ bỏ quên “Métamorphose” hoặc chỉ để ý sơ sài thôi (trừ ra Paul-Louis Landsberg, triết gia hiện sinh Đức, đã lưu ý đến tầm quan trọng của tác phẩm “Métamorphose”; ông đã viết riêng một bài về tác phẩm trong tạp chí Esprit, Sept. 1938-cf. Landsberg, “Problèmes du Personnalisme”, tr. 83-98).

Kafka xa lạ, Kafka bị đày. Kafka mất gốc, Kafka phạm tội: tất cả Kafka xa-lạ-bị-đày-mất-gốc- phạm-tội đều nằm trong “Métamorphose”.

Kafka (cũng như Leopardi, thi sĩ thiên tài bi đát của Ý ở thế kỷ XIX) đều là kẻ cô đơn tuyệt đối: Kafka (hay Leopardi) đều muốn sống tầm thường như mọi người nhưng rút cục rồi họ đều thất bại chua xót: cả hai đều chết khoảng bốn mươi tuổi, chết vì bệnh: nguyên nhân gây bệnh là không thể sống nổi trên đời này: Kafka coi bệnh lao của ông như là sự tràn trề thái quá của cơn bệnh tâm linh. Lúc biến thành con vật và nằm trong nỗi cô đơn khốc liệt, Gregor Samsa nghe em gái đàn vĩ cầm, Gregor Samsa cảm xúc vô cùng và bò ra khỏi phòng đi đến em gái để tỏ lòng mến thương của hắn, nhưng hắn đã thất bại, vì khi hắn bước ra phòng khách, mấy người đứng nghe nhạc sửng sốt và cô gái ngưng đàn. Hắn thất vọng: hắn có biết đâu hắn là con quái vật đã phá hoại cuộc vui: hắn không còn là một người anh hay là một người con trong gia đình, hắn chỉ là một kẻ xa lạ, một kẻ bị đày, kẻ mất gốc, kẻ phạm tội hay gọn hơn là một con vật ở giữa phòng khách lịch sự của loài người. Đó là những lý do sau này khiến hắn hết lặng lẽ trong phòng.

Kafka cũng thế. Nẳm trong nỗi cô đơn khốc liệt, Kafka đã nghe được tiếng vĩ cầm du dương của thiên hạ, cũng như Gregor Samsa, Kafka cảm xúc vô hạn và nhận ngay rằng tiếng nhạc thướt tha ấy là “con đường mở ra đưa đến lương thực xa lạ” mà Kafka đã thèm muốn suốt đời.

Cũng như Gregor Samsa, Kafka bước ra khỏi phòng và vừa mới bước ra đã bị xua đuổi…Mấy lần định lập gia đình để sống cuộc đời tầm thường như bao kẻ khác, để tìm “lương thực xa lạ” cho tâm hồn cô đơn mãnh liệt của mình,thế mà Kafka đã bị thất bại. Cũng như bao đêm ngày thao thức, tâm hồn cô đơn của Kafka đã đi tìm “lương thực xa lạ” nơi Văn chương; đối với Kafka, viết văn là “đọc kinh”. Kafka cũng thất bại luôn. Trước khi chết, Kafka đã dặn một người bạn đốt hết mấy tác phẩm của ông.

Hư vô đã tàn phá Kafka, ăn mòn ruỗng Kafka từng giờ từng phút. Kafka đã chạy trốn Hư vô. Nơi nào? Que faire? Fuir? Mais òu? Et à quoi bon? (Milosz). Chạy trốn ở đâu? Kafka chạy trốn tìm giải thoát ở Tình yêu, nào là em Felice B., em Milena Jesenska, em Dora Dymant vân vân, nhưng rồi các em cũng chỉ là những người đàn bà như nhiều người đàn bà khác và linh hồn tôi suốt đời vẫn buốt giá cô đơn? Cần gì tình yêu? À quoi bon? Phải không người con trai già không vợ tên là Nietzche, tên là Schopenhauer?

Không thể giải thoát bằng Tình yêu được. Das ist unmöglich. Kafka chết.

Tôi phải trở về bóng tối, tôi không thể chịu đựng nổi mặt trời, tôi đã đi lạc đường lạc lối không khác gì một con vật mất hướng. (Kafka)

Tình yêu, Văn chương. Tất cả đều thất bại. Kafka đã trốn Hư vô, nhưng làm gì trốn được, bởi vì Hư vô ở ngay trong người Kafka; trốn Hư vô là trốn minh, giết Hư vô là giết mình; bởi vì Kafka và Hư vô. Bởi thế khi Kafka vừa diệt được Hư vô thì vừa lúc ấy, bóng tối kêu gọi Kafka trở về…

Tôi phải trở về bóng tối…

Vâng, Kafka hay tất cả mọi người ai cũng thế sớm hay muộn gì cũng phải trở về bóng tối, dù muốn hay không; nhưng trước khi trở về bóng tối, chúng ta hãy cất tiếng lên ca tụng ánh sáng mặt trời.

Không. Không. Không. Nein. Nein. Riêng tôi, tôi không thể nào hát nổi; vì mặt trời đã thiêu đốt buồng phổi tôi. Có lẽ Kafka sẽ trả lời như thế?


3.

Trời càng về khuya càng trở lạnh, mưa vừa dứt, nhưng gió vẫn thổi ào ào ngoài bãi đất hoang; hắn nhìn về hướng rừng núi. Trời tối đen, hắn chỉ nghe tiếng chim rừng vọng lại xa xôi. Hắn ngồi lừ đừ trước hai cây đèn cầy. Hắn cô đơn. Mấy năm nay, cuộc đời hắn lênh bênh như mấy đám lục bình trôi sông. Sau mấy ngày bơ phờ vất vưởng trên những hè phố Sài gòn bây giờ hắn trở về đây để sống đỡ cho qua ngày tháng. Phi Nôm là một làng bé nhỏ, núi đồi vây phủ chung quanh, chim về rất nhiều bởi vì làng nằm ngay bên rừng; thỉnh thoảng nai và heo rừng về kiếm ăn; nhất là chim, giàn đậu năm nay thất mùa, chim chim. Đêm nay, hắn ngồi trước hai cây đèn cầy và hắn cười. Cuộc đời là danh từ trừu tượng, hắn cười ra nước mắt. Hắn nhìn bức ảnh Kafka để ngay nơi bàn viết. Hắn nhìn đôi mắt Kafka, Ngọn đèn cầy leo lét. Ôi quê hương, ôi miền hoa thơm cỏ biếc… Kennst du das Land, wo die Zitronen blühn? Im dunklen Laub die gold Orangen glühn, ein sanfter Wind vom blauen Himmel weht, die Myrte still und hoch der Lorbeer steht (Goethe). Hỡi Kafka, người có biết dải đất mà nơi đó những cây chanh trổ hoa, những quả cam vàng lóng lánh trong những lá đen, một ngọn gió dịu dàng tự trời xanh tha thướt thổi về, cây sim dại lặng lờ và cây nguyệt quế cao chênh vênh. Người có biết giải đất ấy chăng? có biết chăng? Hỡi Kafka, hỡi Kafka, người có biết miền hoa thơm cỏ biếc ấy chăng?

Đôi mắt Kafka khắc khoải trả lời yếu đuối: Không phải vì cuộc đời Moise quá ngắn, nên Moise không đến được Chanaan, mà bởi vì đó là cuộc đời của con người. Đôi mắt Kafka vương cả nỗi buồn quê hương. Làm sao trở về Chanaan? Làm sao trở về đất hứa? Đứng trên ngọn núi Nébo, Kafka đau đớn rưng rưng nhìn về Chanaan hai dòng lệ chảy dài chua xót: “ôi quê hương thân yêu… Quê hương, Quê hương… Dunkel ist das Leben und der Tod. Cuộc đời đen tối và đen tối cõi chết…” Kafka không bao giờ được trở về quê hương, bởi vì Kafka chỉ là một con người.

Connais – tu le pays òu les citrons fleurissent? Kennst du das Land, wo die Zitronen glühn?…

Người có biết giải đất mà những cây chanh đang trổ hoa? Những quả cam vàng lóng lánh… Hắn không hỏi nữa, vì hắn chợt thấy đôi mắt Kafka rưng rưng và hai giọt lệ chảy dài đau đớn. Hắn cảm thấy xót xa vô hạn bởi vì hắn cũng là một kẻ nhớ quê hương da diết như Kafka. Có những chiều tê tái, mưa đổ bâng quơ, hắn nhớ quê hương quá đến nỗi hắn run rẩy bò lên triền núi chênh vênh để mà ngóng tìm mơ hồ…

Nẻo nào trở về Tipasa? hắn nhắm mắt nghẹn ngào bởi vì hắn chỉ nhìn thấy mặt biển hư vô đen tối, hắn rùng mình ớn lạnh và thỉnh thoảng hắn muốn nhảy xuống để thoát lìa ngục tù thân thể… Ôi cô đơn. Ôi, cô đơn khốc liệt!

Cô đơn, cô đơn hoàn toàn cô đơn,
Cô đơn trên mặt biển bao la!
Không có một thần thánh nào thương xót
Linh hồn quằn quại của ta.
(Coleridge)

Những đêm thao thức, hắn đã bàng hoàng nghĩ ngợi? Tại sao từ lúc nhỏ đến lớn, không lúc nào hắn lại cảm thấy hạnh phúc? Tại sao tất cả những mộng đời huy hoàng đều biến thành số không? Tai sao dâng trọn cả tấm lòng chân thành cho đời mà vẫn bị đời hành hạ? Tại sao hắn đã già trước tuổi, đã nỡ để thanh xuân phôi pha úa tàn theo dòng man dại đắng cay?

Hỡi ôi! Tôi không bao giờ được trẻ; khi hãy còn thanh xuân, tôi đã già một ngàn tuổi hơn một cụ già. (Kierkegaard)

Nửa đêm chợt thức, hắn lại giựt mình tự hỏi tại sao mình nằm ở đây? Rồi mai mình chết ư? Chết. Chết. Tôi là ai sống để làm gì? để làm gì? Không có được không? Chết. Hắn sợ loạn óc, nên không dám tự hỏi vớ vẩn nữa, hắn bịt mắt lại, cố gắng nằm nghĩ chuyện khác. Mỗi ngày, hắn chỉ sống bơ phờ chán nản, hắn nghĩ rằng ngày mai sẽ khá hơn, sẽ đỡ hơn, sẽ tươi tốt hơn, nhưng nào ngờ càng ngày hắn càng chìm xuống, chìm xuống một cách đau thương không lối thoát. Tiếng chim quốc vọng lại sau núi.

Hắn nhớ lại ngày cuối cùng trước khi giã biệt Đà Lạt, bà chủ cho thuê phòng có buồn rầu nói với hắn; “ngày đầu tiên ông mới đến đây, ông đã nói rằng đây là thiên đàng của ông, ông sẽ ở đây sau này và sẽ chết luôn tại đây, vậy sao nay ông lại bỏ đi? Ôi cuộc đời thực là buồn nhỉ? Ông đi rồi còn có nhớ thành phố này không?”

Câu nói ấy ngày nay vẫn văng vẳng bên tai hắn. Ừ, hắn đã bỏ Đà Lạt mà đi. Ngày trước, hắn đã chửi bỏ nơi sinh đẻ hắn mà bỏ đi biệt luôn; hắn thù ghét nơi hắn đã sinh trưởng và bỏ đi không bao giờ trở lại; trên nẻo đường xuôi ngược một hôm tình cờ hắn đến Đà lạt, hắn sung sướng tự nhủ: “Nơi đây, nơi đây chắc mình tìm được thanh bình”.

Hắn tươi cười dừng chân lại và ở luôn tại Đà Lạt. Hắn đã hạnh phúc. Những đêm trăng lang thang trên đường phố đầy sương, những chiều mưa lạnh ngồi trong quán cà phê lặng lẽ nghe nhạc, những buổi chiều nắng vàng nhuộm cả đồi thông. Ừ, hắn đã hạnh phúc. Hắn ở Đà Lạt gần hai năm, thế rồi bỗng nhiên một hôm đang đi lang thang giữa đường phố, bỗng nhiên hắn chợt thấy rằng hắn đã mất mát và hắn cảm thấy nhơ nhớ…

Hắn cũng chẳng biết nhớ gì, hắn chỉ thấy có gì chán chán… Ừ, Đà Lạt vẫn đẹp, nhưng bỗng nhiên hắn thấy vẻ đẹp ấy lạnh lùng quá, thờ ơ quá; vẻ đẹp ấy không còn nồng nàn đón tiếp hắn như những ngày đầu tiên… Thế rồi một sáng kia hắn cuốn cả hành lý bỏ Đà Lạt và định sẽ không bao giờ trở lại nữa. Ngày lên đường hắn chẳng lấy gì hối tiếc. Hắn về ở Sài Gòn, nơi mà trước kia hắn thù ghét vô cùng. Mấy tuần lễ, hắn sống vui sướng ở thủ đô.

Rồi bỗng nhiên, một chiều kia, cũng đang lang thang trên mấy đường phố đông người giữa Sài Gòn, hắn bỗng cảm thấy mất mát và cảm thấy nhơ nhớ. Hắn nhớ Đà Lạt mà hắn vừa mới bỏ đi. Hắn muốn trở về lại, nhưng… và bây giờ hắn ngôi đây trước hai cây đèn cầy trong một gian nhà lạnh lẽo ở một vùng rừng núi. Cô đơn. Nơi đây chỉ cách Đà Lạt có hai mươi cây số, nhưng hắn sẽ không trở về Đà Lạt nữa.

Hắn nhớ Đà Lạt lắm, nhưng không về. Hắn muốn làm một Tantale. Tâm trạng hắn kỳ quái.

Ở thiên đàng thì hắn lại chán và muốn đi xuống hoả ngục và khi đã xuống hoả ngục thì hắn lại muốn trở về thiên đàng, rồi khi được về thiên đàng thì ở một thời gian rồi hắn bỗng chán và muốn trở về hoả ngục. Phải chăng đó là ý nghĩa cuộc đời? Con người chỉ hạnh phúc khi chưa đạt được và lúc đã được rồi thì lại bỗng chán. Hắn than rằng hắn cô đơn, nhưng khi hắn không còn cô đơn nữa thì lúc bấy giờ hắn lại thèm muốn cô đơn. Như vậy nghĩa là gì? Hắn có hiểu Kafka chưa? [2] Ngoài kia mưa lại bắt đầu rơi. Tiếng dế vang rền ngoài bụi hoa. Hắn muốn được Tự do; hắn lại van xin muốn được Nô Lệ. Con người là thế?

Thần thoại Hy Lạp trở về lảng vảng bên tai. Tantale đói khát kinh khủng và trái ngon đung đưa ngang miệng, thế mà khi Tantale hả miệng muốn ăn thì thần thánh lại không cho ăn. Tantale bị hình phạt bi đát thế, nhưng ta phải nghĩ rằng Tantale hạnh phúc. Il faut imaginer Tantale heureux (Mythe de Tantale…).

Gió ào ào qua mái nhà. Hắn cười sung sướng khi nghĩ đến việc đổi tên Sisyphe lại là Tantale, ừ, thay vì Mythe de Sisyphe phải đổi lại là Mythe de Tantale. Gió thổi ào ào quá mạnh, mái nhà lay chuyển dữ dội; hắn rùng mình, hai ngọn đèn leo lét. Hắn ngồi dở lại từng trang Tân Ước Kinh và nói thầm bâng quơ: “bởi vì tôi đã là cô đơn ngay từ lúc chào đời và rồi đây tôi cũng sẽ chết cô đơn; tôi chỉ là con người và tôi chỉ muốn làm người ở trần gian hiu quạnh này; thiên đàng tươi đẹp, trần gian xấu xa đen tối, nhưng bởi vì tôi đã là người, tôi xin làm người đến trọn đời và tôi sẽ luôn luôn thuộc về trần gian này, tất nhiên tôi sẽ khổ nhưng tôi vẫn khước từ hạnh phúc. Nơi nào có Tình yêu, nơi đó sẽ hết cô đơn… Tôi xin khước từ Tình yêu. Nơi nào có Tình yêu nơi đó sẽ hết hư vô… Tôi xin khước từ Tình yêu và tôi xin chấp nhận hư vô, chấp nhận cô đơn”.

Hắn sung sướng nhìn bức ảnh Kafka, Hỡi Kafka, tại sao người không chấp nhận cô đơn? Tại sao người cứ mãi trốn cô đơn? Người có trốn được không? Hỡi cô đơn, người em gái thân yêu của tôi! Hỡi Kafka, tôi là, và tôi vẫn muốn luôn luôn tôi là, tôi không muốn trở nên, tôi chỉ muốn là: trở nên thì lừa dối lường gạt; không lừa dối: trở nên thì hạnh phúc; thì đau khổ; hạnh phúc chỉ lường gạt; đau khổ là tôi, là con người, là trần gian này; tôi rờ mó nhìn thấy được Đau khổ.

“Là” có nghĩa “là tôi”; “là tôi” có nghĩa là “Hư vô” mà “hư vô” là “không”; bởi thế “Là” cũng có nghĩa “không là”. “Trở nên” ở chính giữa, nửa “Oui” “Ja”, nửa “Non” “Nein”.

Tôi là chết, là hư vô, là cô đơn; tôi chấp nhận thế và tôi không muốn trở nên cái khác. Trước cái chết, tôi nói oui, yes, ja; sự chất dính liền với cuộc đời, bởi thế khi tôi nói oui với sự chết thì có nghĩa tôi nói oui với cuộc đời, Hỡi Kafka, người đã lưỡng lự, người nửa muốn nói oui, ja, nửa muốn nói non, nein; đó là bi kịch khốc liệt của người. Hỡi Kafka, đêm nay, tôi cô đơn, cô đơn vô hạn, nhưng tôi không muốn trốn cô đơn nữa, từ đây cô đơn là tình nhân của tôi. Hỡi cô đơn, người em gái thân yêu của tôi!

Giữa đêm khuya, bên hai ngọn đèn ma quái, hắn đã nói những gì với Kafka? Hắn đã tâm sự những gì? Mưa bắt đầu rơi lại; giọt mưa gõ tiếng lào rào trên mái nhà. Hắn gọi hồn Kafka về để hắn được chia sớt đôi chút tâm tình chua xót đau thương. Một cơn gió lạnh nổi lên ào ào. Đầu tóc rối xoả, Kafka bỗng hiện hồn về trừng mắt đau đớn nhìn hắn. Ánh đèn cầy chập chờn muốn tắt.



[1]Nguyên văn: Als Gregor Samsa eines Morgens aus unruhigen Träumen erwachte, fand er sich in seinem Bett zu einem ungeheuren Ungeziefer verwandelt (“Die Verwandlung”, cf. Franz Kafka, Die Erzählungen) S. Fisher Verlag, Berlin 1961, trang 39.
[2]Ý nghĩa tác phẩm Kafka rất phong phú và phức tạp, có lẽ phức tạp nhất trong văn học hiện đại. Những nhà phê bình đều có những nhận định hoàn toàn phản nghịch nhau. Theo nhà văn Anh J. B. Priestley thì tất cả những nhà phê bình đều không lãnh hội được ý nghĩa tác phẩm Kafka, vì những nhà phê bình ấy đã không đi vào được niềm bí ẩn của nghệ thuật Kafka, khi họ đồng hoá lầm lẫn nghệ thuật tượng trưng (symbolism) với lối sử dụng ngụ ngôn (allegory). Đối với J. B. Priestley, sở dĩ Kafka lôi cuốn hấp dẫn được đủ mọi hạng người trí thức là vì Kafka đã viết văn theo lối tượng trưng một cách chân thành và sâu thẳm nhứt (xin đọc J. B. Priestley, Literature and Western Man, tr. 410-420). Lời nhận định của J. B. Priestley có giúp gì thêm cho niềm suy tư của ta không?
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.