© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
22.11.2006
Nguyễn Đình Chính
Sẽ chẳng có ma nào đọc Ngồi
Lý Đợi thực hiện
 
Về tiểu thuyết Ngồi (Nxb Đà Nẵng, quý III – 2006), Nguyễn Bình Phương phát biểu: “Tôi vẫn cho rằng viết tiểu thuyết, cũng giống như làm thơ, là một hành trình trôi dạt lang thang. Sức quyến rũ của hành trình ấy là ở những khúc ngoặt bất ngờ và khả năng tạp lai. Đặc điểm này các thể loại khác khó đạt tới. Trong tiểu thuyết Ngồi, tôi dùng cây cột kim loại để khoá thời gian: chiếc cột đồng xuất hiện ở đầu và chiếc cột đèn tín hiệu giao thông ở cuối tiểu thuyết là hình ảnh lộn ngược của nhau. Nó gợi đến hình ảnh chiếc đồng hồ cát. Và mọi thứ hiện ra trong ấy, trôi dạt trong khoảng ấy và biến mất cũng trong khoảng ấy. Ngoài ra, tôi cũng muốn miêu tả lại sự lùng nhùng của con người thời hiện tại này, họ ở giữa cái muốn với cái không thể, giữa thánh và phàm, giữa tâm lý buông xuôi và một khát vọng cố gắng tự giải thoát.” Để có cái nhìn đa diện và khách quan hơn, TT&VH thực hiện một cuộc trao đổi giữa nhà thơ Lý Đợi [người gợi chuyện] và nhà văn Nguyễn Đình Chính [người trả lời] về tiểu thuyết này. (Lời toà soạn báo Thể Thao Văn Hoá)

*


Lý Đợi: Trên báo Văn Nghệ số 45, ra ngày 11.11.2006, trong bài “Tiểu thuyết như là trạng thái tìm kiếm ý nghĩa của đời sống”, Phạm Xuân Thạch viết: “Có lẽ Ngồi không thuộc loại tiểu thuyết dành cho những tâm hồn ngây thơ và đơn giản, những tâm hồn tìm kiếm sự thoải mái từ những câu chuyện ngụ ngôn, những cuộc phiêu lưu giả tưởng và những chân lý “prêt-à-porter” [1] . Không thể là cái gì khác nó là một tiểu thuyết về chính đời sống của chúng ta. Nó mờ ảo và phức tạp, lộn xộn và rối mù như chính đời sống của chúng ta. Nó không là một chân lý về đời sống mà là một tiểu thuyết về chính cái trạng thái kiếm tìm ý nghĩa của đời sống. Nó là một cuộc mời gọi đặt vấn đề phản tư về đời sống và ý nghĩa của đời sống. Nó là một tiểu thuyết bắt người ta phải suy tư và làm điều ấy, nó xứng đáng là một tiểu thuyết và một tiểu thuyết xuất sắc.” Tôi hơi nghi ngờ về nhận định này, dù toàn bài tác giả viết rất chặt chẽ về logic, cảm giác chung của anh Chính khi đọc Ngồi là gì?

Nguyễn Đình Chính: Không gây sốc cho tôi. Thậm chí tôi hơi thất vọng giống như lần thứ ba Nguyễn Bình Phương lại rủ tôi đến cái quán cũ và vẫn ăn lại cái món ăn mà hai lần trước Phương đã cho tôi ăn. Dù đó có là món chân gấu hầm thuốc Bắc.

Lý Đợi: Trên eVăn, post lên ngày 03.10.2006, tác giả Ng. Hà thì viết: “Tính huyền ảo của Ngồi xem chừng phức tạp hơn so với những tác phẩm trước của Nguyễn Bình Phương như Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Thoạt kỳ thuỷ. Ngay cả đến phần kết, người ta cũng dễ nhầm tưởng rằng nhân vật ngồi thiền giữa hè phố, thực ra đấy chỉ là hình ảnh ‘ở nơi vời xa nào đó’ mà anh ta thấy mình như thế. Chứ thực ra thì anh ta đang ngồi xổm trên hè phố. Điều đáng chú ý nữa là nhân vật thường giao tiếp với các truyền thuyết. Cả cái cuộc tình mà anh ta nhớ lại do vô tình hay hữu ý mà các chi tiết đều liên quan tới truyền thuyết cho nên có cảm tưởng cuộc tình ấy cũng là một thứ truyền thuyết.” Khi gặp một đoạn viết như thế này, tôi chợt nghĩ ngay đến quan điểm tiếp nhận của từng người đọc. Khác cách tiếp nhận thì sẽ khác về nhận định. Quan điểm của riêng anh về cách tiếp cận một tiểu thuyết như Ngồi của Nguyễn Bình Phương sẽ là?

Nguyễn Đình Chính: Khi tiếp cận một tiểu thuyết mới, về mặt tình cảm thì cần phải không được hung hãn, trịch thượng. Về nhân cách thì không được ghen tị, kiêu ngạo, ác độc. Và về học thức thì cần phải bỏ lại đằng sau rất nhiều những lý thuyết về tiểu thuyết đã bị nhồi vào sọ mình… Ngồi gọi là mới nếu đặt cạnh những tiểu thuyết viết theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng Ngồi không có gì là mới cả nếu đặt nó trong dòng chảy tiểu thuyết của nhân loại cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỉ 21. Đọc một tiểu thuyết nguyên bản tiếng Pháp của một nhà văn có tên loằng ngoằng nào đó ở Paris thì tìm được cách tiếp cận Ngồi.

Lý Đợi: Về mặt “tình cảm”, về mặt “nhân cách” khi đọc tiểu thuyết, tôi nghĩ đây là những khái niệm khá mơ hồ, dù nó vẫn tồn tại, vì theo tôi, những ai tự nhận mình có đọc sách thì thường hay nghĩ rằng tình cảm của mình rất lành mạnh, trong sáng, còn nhân cách thì trên cả tuyệt vời; mà sự thật thì đâu phải thế. Còn về mặt lý thuyết khi đọc tiểu thuyết, tôi không chia sẻ với anh Chính điều này, tôi không có thói quen phiêu lưu kiểu “bịt mắt bắt dê”. Tôi cho rằng cách viết của Ngồi dùng thủ thuật cắt dán từng ý rời, có tất cả 49 ý rời như thế, mỗi ý rời làm một đoạn, tác giả chắp vá trong thời gian từ tháng 6.2002 đến tháng 10.2006. Thỉnh thoảng cuối mỗi ý rời, mỗi đoạn như thế là những chữ “cốc”. Có khi một chữ, có khi ba chữ, đa phần thì nhiều chữ. Như một vở kịch đời thường, như một chầu kinh cầu hồn, vang vọng đây đó những tiếng gõ mõ. Nó không chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng về thủ pháp, tôi cho rằng Ngồi có bóng dáng của tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 của Thuận. Nếu phải có so sánh với các tiểu thuyết trước của tác giả này, anh Chính sẽ nói sao?

Nguyễn Đình Chính: Phương vẫn kiên trì một cách viết mà anh thích thú. Ngồi có thể coi là anh em sinh ba với Những đứa trẻ chết giàThoạt kì thuỷ. Phương vẫn đang tìm tòi. Ông này hy vọng có thể tìm thấy một cái gì đấy qua cái cách bắt bộ não của mình làm việc tối đa. Tôi không tin Phương sẽ đạt được mong ước tuyệt vời của mình. Lý do: Tôi thấy rất rõ. Nhịp đập của trái tim và những hơi thở hổn hển của Phương ngày một ít đi trong khi anh viết Ngồi. Ấy là chưa kể Phương quá sáng suốt, quá thông minh, quá tỉnh táo đến độ thỉnh thoảng anh ấy cứ lẫn lộn ngỡ là mình đang mộng du.

Lý Đợi: Tôi thích mối quan hệ “tưởng như không” và cũng khá nhì nhằng của nhân vật trung tâm (Khẩn) với các nhân vật khác như Hùng, Nhung, Nghĩa, Thuý, Thái, Chích Bông, lão Việt, Quân, Vận, Kim, Sáng, Minh, Hoàng Lân… Đặc biệt là nhân vật Hùng nói ngọng, chính Hùng đã làm cho cái ván bài nhân sinh này lộ ra, phơi bày hết những bi hài kịch và những phi lý tiềm tàng. Còn tất cả những cách ăn nói thô tục, bỗ bã; những cuộc làm tình được mô tả chân xác… thì tôi cho đó là chuyện quá bình thường, vì đời sống nó vốn thế, thậm chí còn hơn thế. Anh Chính thì nghĩ sao về cách xây dựng nhân vật Khẩn trong tiểu thuyết này?

Nguyễn Đình Chính: Tác giả tiểu thuyết không thể sáng tạo ra một nhân vật thời đại phức tạp, đa chiều, đầy mâu thuẫn nếu anh thờ ơ với phân tâm học hoặc là nghiên cứu phân tâm học một cách cẩu thả. Nhân vật Khẩn trong Ngồi không được sáng tạo bởi một mặc cảm bí ẩn nào đó. Nói thẳng tưng nhé, Khẩn là đứa con của ý thức rất minh bạch của tác giả, cho nên Khẩn đã bị ninh nhừ thành một món khoái khẩu cho các nhà phê bình văn học nửa mùa, đói khát, chiếm đa số trong đội ngũ các nhà phê bình văn học hiện nay đang hành nghề rất hợp pháp ở nước ta.

Lý Đợi: Tôi rất thích thú với cái ý: Số đông thì thấp kém, độc ác. Anh có thể chứng minh một tí về sự độc ác này không? Anh lý giải thế nào khi các nhà sách nói rằng: tiểu thuyết bán được nhiều hơn thơ, tiểu luận và truyện ngắn?

Nguyễn Đình Chính: Có một điều cực kì xui xẻo khi thế kỉ này lại là thế kỉ của những đám đông. Tôi rất dị ứng với cái gọi là đám đông. Dù đó là đám đông những văn nghệ sĩ, trí thức có văn hoá cao... Một cá nhân nhập cuộc với đám đông thì trước sau óc của hắn ta sẽ biến mất… Cái đám đông ấy mà ngồi nhậu nhẹt thì thế nào cũng chửi nhau. Cái đám đông ấy mà bàn chuyện văn chương thì sẽ hoá thành một cái chợ bát nháo, độc ác, đạo đức giả. Tôi không bao giờ tin vào cái gọi là dư luận đám đông, dư luận quần chúng chung quanh một tác phẩm văn học nghệ thuật. Những ngày qua ta đã chứng kiến cái đám đông ấy đối xử thế nào với những cây bút viết nhiều về tính dục và tình dục. Họ dốt nát và ác lắm. Nồi cơm thiu. Anh thích thú mở nắp vung ra à?

Tiểu thuyết hiện nay bán chạy hơn thơ ca, tiểu luận, và truyện ngắn ư? Chưa chắc. Nói chính xác hơn những tác phẩm nào viết nhiều về tình dục, hoặc là chửi bới, chống đối mà ta quen gọi là có vấn đề thì bán chạy. Đó - khoái khẩu của cái gã có tên là đám đông. Có tin được gã không?

Lý Đợi: Đọc rải rác các bài đã viết về Ngồi, tôi thấy một số dư luận cho rằng tiểu thuyết này quá sex, quá thiên về tình dục. Thật công bằng mà nói, tôi thấy tiểu thuyết này giống như một bản photocopy về một vài khu dân cư Việt nào đó, chẳng có gì được “hình tượng hoá, được nhân hoá” lên cả. Đó là bối cảnh của chúng ta ngày này, qua cái nhìn hẹp của tác giả.

Nguyễn Đình Chính: Ý kiến của anh chưa đủ ý. Dư luận nào. Nếu là dư luận của đám đông không rõ danh tính, không rõ mặt thì tôi không hoài công luận bàn. Vì sao? Vì cái thị hiếu đọc của cái nhân danh gọi là đám đông ấy hiện nay đầy sự a dua và vô cùng thấp kém. Đã thấp kém lại độc ác, đạo đức giả. Họ chẳng hiểu gì về tính dục và tình dục trong tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương và một số sáng tác của mấy cây bút trẻ hiện nay. Cơm thiu. Cho qua vấn đề khác đi.

Lý Đợi: Vấn đề khác mà chúng ta cần đề cập phải là các nhà phê bình, nói như anh là nửa mùa, đói khát? Anh có nghĩ chính họ đã làm cho “môi trường” văn học thêm bát nháo, lẫn lộn các giá trị và thêm chán phèo vì những nhận định sai lạc và ấu trĩ không?

Nguyễn Đình Chính: Đã lâu rồi chúng ta không có nhà phê bình văn học. Chúng ta chỉ có những nhà giáo làm cái công việc này. Vì vậy họ không chuyên nghiệp chứ chưa nói đến hai chữ nhà nghề. Đã thế họ lại phạm một sai lầm rất ấu trĩ là lúc nào cũng mộng du ta là thầy của thiên hạ. Họ rất thiếu lễ phép với những sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ. Ông Nguyễn Tuân khi còn sống đã phải sống chung trần gian với họ, nhưng khi chết thì ông không chịu cùng một thế giới âm với họ. Chỉ xem những năm qua họ chê bôi những gì, họ xưng tụng những gì thì cũng thấy quá rõ chính họ là thủ phạm đã làm cho môi trường văn học vẩn đục đúng như ý kiến của bạn. Điểm tên những nhà phê bình nổi tiếng nhất của nền văn học thời gian qua viết cái gì? Tác phẩm lớn nhất, để đời của họ chỉ là ra sức nhọc nhằn tranh nhau ngợi ca một nhà thơ nổi tiếng mà thôi. Chấm hết. Nồi cơm thiu. Vâng đúng như vậy. Không nên mở nắp vung ra. Cho qua ý này đi.

Lý Đợi: Hỏi một câu thẳng thắn, với những độc giả bình thường, khi đến nhà sách, anh “khuyến cáo” họ điều gì khi trước mắt họ là Ngồi, và họ có dự định mua?

Nguyễn Đình Chính: Tôi khuyên họ ư, tư cách gì mà khuyên? Tôi không dại tự dưng bị chửi. Ai cao hứng hỏi thì tôi cũng cao hứng mà rằng… Bạn ơi đừng có tin vào bất kì ai xui bạn mua Ngồi hoặc không mua Ngồi; hoặc mua hay là không mua bất kỳ một cuốn sách nào đó… Có tiền thì mua. Đọc thấy thích thì đọc tiếp. Chán thì quăng đi hoặc lừa bán lại cho một ai đó. Riêng về tiểu thuyết Ngồi tôi nói thế là quá nhiều rồi và cũng hơi vô lễ với ông Phương rồi. Nghe đồn ông này cũng cục tính.

Lý Đợi: Tự truyện của Lê Vân vì tiếp thị tốt nên bán khá chạy, anh nghĩ gì về “công tác” tiếp thị, quảng bá của các tác phẩm văn học ngày nay? Nếu được tiếp thị tốt, anh nghĩ Ngồi có thể làm được điều gì không?

Nguyễn Đình Chính: Cách đây mấy chục năm, hồi bác Phạm Văn Khoa còn sống, có lần bác rắp ranh làm mối tôi cho Lê Vân, nhưng hồi đó tôi chưa nổi tiếng bằng cái người ấy như trong tự truyện của Lê Vân. Đứng xa nhìn tôi tự thấy mình thua kém quá nhiều chưởng lực nên tôi xuất chiêu ù té quyền. Kết quả bác Khoa đá đít tôi chửi tôi là thằng hèn. Tôi chẳng quan tâm tới cái gọi là tiếp thị, quảng bá văn chương.

Sẽ chẳng có ma nào đọc Ngồi. Tôi cam đoan như vậy. Ai bỏ tiền in Ngồi cho Phương kẻ đó chết chắc. Để tôi mách cho một mưu hèn gỡ lại vốn. Bây giờ cứ thuê người chạy tứ tung ba miền Trung Nam Bắc tung tin ầm ĩ Ngồi là cuốn sách phản động sắp bị thu. Tung tin là phản động thôi chứ đừng tung tin là sách sex. Phương viết về tình dục vớ vẩn như một gã đang có nhu cầu chuyển đổi giới tính. Quá nhẹ với khẩu vị sex hiện thời của đám đông hiện nay.

Lý Đợi: Cuối cùng, với tất cả những nhận định như thế, tôi không biết phải gọi anh Chính với danh xưng nào cho thật chính xác? Một người viết phê bình, một phán quan văn học, một hộ pháp của người đọc… Trong cuộc trò chuyện này, nói thì nghe cho sang vậy, chứ thực chất tôi chỉ là người gợi chuyện, hỏi chuyện mà thôi, lấy tư cách gì mà đối thoại.

Nguyễn Đình Chính: Xin anh đừng tặng tôi mấy danh hiệu cao quý đó. Cũng như anh, tôi chỉ là một người viết văn. Là người viết văn, cá nhân tôi không đại diện cho ai cả. Anh hỏi thì tôi nói là đề nghị anh nhắn giùm những người đang làm cái công việc hợp pháp, hộ pháp ấy là tránh tôi ra. Tôi không thích sống chung với họ dù họ có là lũ lụt... Hãy để tôi làm việc và kiếm ăn. Nếu họ say máu thì hãy vác long đao ra oánh nhau tiếp với nhà thơ Trần Mạnh Hảo ấy. Nhưng nghe đồn ông bạn thi nhân Hảo của tôi dạo này chán thơ ca rồi. Ông ấy nhiễm bệnh buồn ngủ thích làm nhà dân chủ...

ghi ngày 16-11-2006

“Xét trên bình diện chung thì cả một quãng thời gian khá dài tiểu thuyết của ta xem ra có dấu hiệu dư thừa những sự kiện trọng đại mang tính cộng đồng mà còn ít sự kiện của cá thể. Những biến cố lớn của dân tộc tràn ngập trong các tiểu thuyết với đầy đủ cơ số bom đạn, thương vong, thiệt hại, trong khi nội tâm cá nhân con người cũng đã từng có, đang có những cuộc chiến khủng khiếp không kém thì lại chịu số phận hiu hắt, gần như vắng mặt trong các trang viết ở thể loại này. Nói theo cách nói của một nhà văn nổi tiếng, tiểu thuyết của chúng ta cần thêm những chiếc máy ca-mê-ra gắn vào bộ não nhân vật. Lịch sử chả là gì cả nếu không có những cá nhân và cá nhân chẳng là gì cả nếu bản thân nó không vang lên bất kỳ một ý nghĩ nào. Trong chừng mực này, có thể khẳng định rằng kích thước của một tiểu thuyết phụ thuộc vào tổng số kích thước ý nghĩ của tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết đó, không thiên vị chính hay phụ… Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu? Câu trả lời ngắn gọn nhất là: cuộc sống của chúng ta, của dân tộc ta đang ở đâu thì tiểu thuyết của chúng ta ở đấy.”

Nguyễn Bình Phương từng trả lời như thế trên VietNamNet ngày 21.10.2005.



[1]Đồ may sẵn, đem về là mặc -TTVH
Nguồn: Phần chính đã in tại Trang văn học trong tháng, báo Thể thao & Văn hoá, số 137, ra ngày 17-11-2006, tr. 42 & 43. Bản đăng trên talawas là toàn văn bài phỏng vấn.