© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
23.11.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Chương sáu

Ý thức khước từ - Con người chạy trốn và phân tâm học nhân bản của Erich Fromm

1.

Trong chương này, tôi sẽ trình bày tư tưởng của Erich Fromm viết dựa theo sát một chương trong quyển Escape from Freedom của Erich Fromm.

Sự thành công lớn của Freud là đã khám phá những khía cạnh sinh lý của bản chất con người; nhưng sự thành công ấy cũng là sự thất bại của Freud: vì Freud quá nhấn mạnh những khía cạnh sinh lý ấy và bỏ quên những khía cạnh cốt yếu khác.

Fromm đi ngược lại Freud; đối với Fromm, vấn đề cốt yếu của tâm lý học là mối liên hệ đặc biệt của cá nhân đối với thế gian bên ngoài, chứ không phải là sự thoả mãn hoặc sự dồn ép nhu cầu bản năng nào đó; chẳng những thế, Fromm quả quyết rằng mối tương quan giữa con người và xã hội là một tương quan sống động; chứ không phải tĩnh chết bất động. Sống động ở đây có nghĩa là trao đổi qua lại, lưu thông giữa hai chiều uyển chuyển. Mối tương quan giữa con người và xã hội không phải tĩnh lặng bất động, không phải là hai ý niệm trừu tượng khô cứng đứng đối diện với nhau: một bên là cá nhân với những khuynh hướng bản tính nào đó và một bên là xã hội, hai bên đứng lìa ra như hai thực thể riêng lẻ; mà cá nhân giữ vai trò thụ động còn xã hội giữ thế chủ động, như chủ với đầy tớ, nghĩa là xã hội có thể làm thoả mãn những khuynh hướng bẩm sinh của cá nhân hoặc có thể chà đạp dồn ép những khuynh hướng ấy, tuỳ theo từng hoàn cảnh đặc biệt.

Quan niệm như thế thì ta vẫn còn đi bên ngoài vấn đề, chứ chưa đi vào được bên trong, ta đã bất động hoá một vấn đề linh động, vì ta đã xem xã hội như là một sự vật đứng bên ngoài ta, cách biệt hẳn ta.

Sự thực thì xã hội không ở ngoài cá nhân và cũng không phải một cái gì đứng tách biệt hẳn cá nhân. Xã hội là cá nhân, nhưng cá nhân cũng là xã hội; nói thế có nghĩa là xã hội và cá nhân nằm trên tương quan qua lại. Mọi người đều có những nhu cầu căn bản giống nhau, như ăn, uống, giải quyết sinh lý dục tình; nhưng những tính tình của con người khác nhau là do tình yêu thương,sự hờn ghét, lòng tham quyền cố vị, sự đầu hàng quai phục, sự hưởng thú nhục lạc, mối sợ hãi nhục dục v.v…; tất cả những tính tình xã hội. Những khuynh hướng cao đẹp nhất, cũng như những khuynh hướng xấu xa nhất của con người không hẳn xuất phát từ bản chất sinh lý cố định của con người; những khuynh hướng ấy là kết quả của tiến trình xã hội; tiến trình xã hội đã tạo tác con người .

Chúng ta để ý rằng khi lập luận đại khái như trên, Erich Fromm đã dùng từ ngữ “tiến trình xã hội”(the social process).

Tiến trình (process) là dùng để chỉ một cái gì đang diễn tiến, thay đổi, bất định, triển khai, di động, sống động. Chúng ta cũng nên nhớ rằng nguyên tắc căn bản mà Fromm đặt ra để chống lại Freud là nguyên tắc: tương quan giữa con người và xã hội không phải là tương quan tĩnh chết và bất động (Fromm: “the relationship between man and society is not a static one”).

Xã hội chẳng những đè nén, chà đạp, mà lại còn giữ vai trò sáng tạo (creative function).
Bản tính con người, những khát vọng, tính tình và những nỗi lo sợ hãi hùng của con người đều là sản phẩm văn hoá; nói như thế, chính nỗ lực của con người đã và đang sáng tạo ra con người; chính con người là sáng tạo và sự thành tựu quan trọng nhất do nỗ lực liên tục của con người.


2.

Có thể định nghĩa một cách giản dị rằng lịch sử là sự ghi chép những nỗ lực không ngừng của con người.

Tìm hiểu tiến trình sáng tạo con người trong lịch sử chính là đối tượng của khoa tâm lý xã hội. Mỗi giai đoạn lịch sử mang một sắc thái đặc biệt; tính tình con người không phải nhất định: bản tính con người uyển chuyển thay đổi không ngừng. Hiển nhiên, ai cũng nhận rằng tính tình con người thay đổi từ giai đoạn lịch sử này đến giai đoạn lịch sử khác. Tâm trí con người thời lãng mạn khác thời cổ điển, thời Đường khác thời Minh, thời Văn nghệ Phục hưng ở Âu châu khác thời Trung cổ. Cơ cấu tính tình con người ở thời Tư bản độc tôn khác hồi thế kỉ XIV.

Khoa tâm lý học xã hội phải cắt nghĩa lý do tại sao những khả năng mới và những đam mê mới, tốt hoặc xấu, đã xuất hiện trong một giai đoạn nào đó, Fromm cho ví dụ rằng từ thời Phục hưng văn nghệ ở Âu châu cho đến nay, con người thường nung nấu say đuổi danh vọng; ngày nay việc chạy đuổi theo danh vọng rất là thường tình, nhưng ở xã hội thời Trung cổ, con người ít có tham vọng như vậy. Cũng vào thời đó, con người Âu châu phát triển cảm giác thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên mà trước kia, họ chưa phát triển cảm giác ấy. Ở những nước Bắc Âu, từ thế kỷ XVI trở đi, con người đã phát triển khuynh hướng lao công; ở vào những thế kỷ trước, con người chưa phát triển khuynh hướng ấy.

Lịch sử làm ra con người; nhưng tương quan giữa con người và lịch sử không phải chỉ một chiều như vậy; vì đồng thời con người cũng làm ra lịch sử.


3.

Con người thực hiện nỗ lực và nỗ lực thực hiện con người; nói một cách khác, con người tạo ra nỗ lực và nỗ lực tạo ra con người. Tiến trình sự sáng tạo con người trong lịch sử đi như sau; con người tạo ra lịch sử và rồi lại nô lệ vào lịch sử; sau đó, con người cố gắng tự giải thoát khỏi lịch sử, rồi lại sáng tạo ra lịch sử, sau cùng lại cũng nô lệ vào lịch sử. Cứ thế, lịch sử đi vòng tròn;
cũng như con người đi vòng tròn theo như lịch sử.

Hiện nay, tiến trình con người và lịch sử đang nằm vào thế thắng của lịch sử. Thế kỷ XX là thế kỷ con người trở thành nô lệ của lịch sử nghĩa là lịch sử sáng tạo ra người. Thoạt nhiên, con người sáng tạo ra máy móc, rồi hiện nay bị nô lệ máy móc và trở thành máy móc.

Nhưng con người không phải chỉ bị lịch sử sáng tạo; mà lịch sử cũng bị con người sáng tạo (Fromm: But man is not only made by history - history is made by man).

Erich Fromm cho rằng sự giải quyết mối mâu thuẫn này là phạm vi của tâm lý học xã hội; nhưng tôi nghĩ rằng tâm lý học xã hội sẽ bất lực và chỉ có thể đi chung quanh vấn đề thôi, nghĩa là chỉ giải thích đại khái, chứ không thể giải quyết được. Sự giải quyết mâu thuẫn giữa lịch sử và con
người nằm trong phạm vi bản thể luận, siêu hình học, tôn giáo, v.v…

Tâm lý học xã hội chỉ có thể trình bày tiến trình biến đổi của những đam mê, thèm khát và lo âu sợ hãi như là kết quả của tiến trình xã hội; và trình bày ngược lại rằng những năng lực của con người được kết thành những hình thể đặc biệt để trở thành những lực lượng sáng tạo dùng để un đúc uốn nắn ra tiến trình xã hội.

Chẳng hạn như, theo Fromm, lòng tham danh vọng, tham thành công và khuynh hướng lao động của con người là những động lực quyết định mà nếu không có những động lực này thì tất nhiên chế độ tư bản hiện đại không thể nào phát triển được.


4.

Trong quyển Van Gogh, le suicidé de la société, thi sĩ Antonin Artaud đã lấy hết tâm lực thiết tha mà bệnh vực rằng Van Gogh không phải là một người điên (Antonin Artaud: “Non, Van Gogh n’etait pas fou, mais…”); sở dĩ Antonin Artaud nói như vậy là vì ông muốn đẩy lui sự bất công tàn nhẫn của những con người tầm thường đối với thiên tài phi thường của Van Gogh; nói khác đi, Antonin Artaud muốn đặt lại một bảng giá trị mới cho con người nhất là đặt lại hai ý niệm về tầm thường và điên loạn.

Xã hội gồm có hai hạng người chính: hạng người có đầu óc bình thường (normal) và hạng người có đầu óc thác loạn, điên loạn, bất quân bình (neurotic).

Trong một cuộc chạm mặt giữa hai hạng người trên, thường thường người bình thường hay có thái độ chiếu cố từ trên nhìn xuống hoặc tỏ lòng thương hại hoặc tỏ lòng khinh bỉ: “anh chỉ là thằng điên”. Tất nhiên dù thương hại hay khinh bỉ, người có trí óc bình thường đều tỏ thái độ rõ rệt rằng người bình thường cao hơn người điên, giá trị hơn người điên.

Đó là một sự lầm lẫn lớn lao mà hầu hết mọi người đều không ý thức. Chúng ta không được quyền thương hại hoặc khinh bỉ người điên, trái lại, chúng ta bị bắt buộc phải kính trọng người điên vì người điên cao hơn người bình thường trong bảng giá trị nhân bản. Hầu hết những nhà y sĩ thần kinh hay những nhà phân tâm học đều không nghĩ như trên. Chỉ trừ Erich Fromm là đã nhận thấy bảng giá trị nhân bản thực sự và địa vị của người điên trong bảng giá trị ấy.

Hầu hết những y sĩ thần kinh hay những nhà phân tâm học hay nhiều người đều bênh vực cơ cấu xã hội và cho rằng bất cứ người nào không thể thích nghi, thích ứng với xã hội thì không đáng sống ở đời, tức là không còn giữ được giá trị con người nữa. Con người bình thường là con người có thể thích nghi, thích ứng với xã hội; còn con người điên loạn không thể nào sống thích nghi thích ứng với xã hội được.

Sự thực không giản dị như thế. Chính Fromm đã nhận thấy rằng con người bình thường (theo nghĩa thích nghi được với hoàn cảnh xã hội) thường khi không được lành mạnh như con người điên ở trong bảng giá trị nhân bản (Fromm: “the person who is normal in terms of being well adapted is often less healthy than the neurotic person in terms of human values”).

Xét cho tận cùng, ta thấy con người thích ứng chỉ có thể thích ứng được là vì họ đã chối bỏ bản ngã, họ đã hy sinh bán mất tâm hồn họ để đổi lấy sự thích ứng trên; vì vậy, cái tính chất thực thụ và lòng hồn nhiên tự nhiên của họ đã bị đánh mất.

Họ không còn là họ; họ mang mặt nạ. Họ đầu hàng trước những công thức; vì thế họ không còn hồn nhiên bỡ ngỡ trước cuộc đời; họ không khác gì một lưỡi dao cùn; họ có những phản ứng giả tạo hoặc máy móc; họ dễ bị lôi đi; họ không còn tinh thần sáng tạo; chính những người như họ đã đưa nhân loại đến những thảm trạng hãi hùng nhất hiện nay.

Trái lại, người điên loạn là con người không chịu đầu hàng; họ điên là vì họ không chịu chấp nhận công thức xã hội; họ muốn cứu giữ bản ngã nhưng họ thất bại; và họ tìm giải thoát trong điên loạn, rút lui vào một thế giới ảo hoặc kỳ lạ. Vì thế đứng trên quan điểm giá trị nhân bản, người điên ít bại hoại hơn là hạng người đánh mất trọn cả tính tình.

Hiển nhiên, ngoài hạng người (điên loạn và bình thường), cũng có một hạng người khác rất ít thấy, đó là hạng người không điên loạn mà vẫn có thể giữ được cá tính mình trong khi thích ứng thích nghi với những đòi hỏi của xã hội.

Đứng trên quan điểm theo những giá trị nhân bản, xã hội điên loạn là xã hội mà con người đã đánh mất cá tính nhân phẩm của mình (như những người thích nghi với xã hội bằng cách đánh chìm tâm hồn mình); nhưng có bao giờ xã hội tự nhận là điên loạn? Chỉ có những người điên là chịu đựng bao nỗi bất công tủi nhục.


5.

Lúc con người cô độc cảm thấy sống trong tình trạng bất an, lúc ấy hắn chỉ nghĩ đến những đường chạy trốn.

Khi còn bé nhỏ, hắn được sống trong một trạng thái tâm hồn tương đối thanh bình hơn; nhưng khi lớn lên, lúc bước vào cuộc sống và đi làm nuôi thân, lúc đã ý thức rằng mình là người, hắn phải đối mặt với đời và cảm thấy bơ vơ, hắn cảm thấy cuộc đời đứng bên ngoài hắn, một thực thể hoàn toàn biệt lập. Hắn cảm thấy cô đơn và hoàn toàn bất lực; hắn không thể chịu đựng được nữa; thế là hắn chạy trốn.

Đường chạy trốn mở ra nhiều lối nhưng tựu trung, ta thấy có hai đường chính; một đường đưa đến sự sống và một đường đưa đến sự chết (chết trong tâm hồn hoặc thể xác).

Nếu may mắn hắn đi vào con đường đi đến sự sống thì hắn sẽ tìm đến chân trời tự do thực sự; hắn tự nối liền hắn với cuộc đời trong tình yêu, tình thương, trong việc làm, trong những khả năng trí thức sáng tạo, trong sự bày tỏ chân thành, thể hiện đời sống nội tâm. Sự nối liền của hắn với cuộc đời được xây dựng trên tính chất hồn nhiên tự nhiên chứ không máy móc hay có sự tính toán của lý trí. Như thế, hắn trở thành một với người đời, thiên nhiên và với cả chính hắn; hắn sống điều hoà thanh bình với tâm hồn hắn và tâm hồn rộng lớn của vũ trụ; hắn cảm thấy sống với mọi người mà vẫn giữ được sự độc lập và sự nguyên vẹn của cá tính bản ngã.

Nếu chẳng may hắn đi vào con đường đưa đến sự chết thì hắn sẽ rơi thụt lùi lại đằng sau, hắn phải đánh mất sự tự do của hắn và để khỏi đau khổ cô đơn, hắn cố gắng bôi mất tâm hồn bằng cách thụ động đua chen vào cuộc đời; con đường thứ hai này không thể nào đưa hắn đến tự do và cũng không thể nào nối liền tâm hồn hắn với tâm hồn rộng lớn của đời sống; trong một lúc sợ hãi; trong một tình cảnh đầy đe doạ hãi hùng, hắn không thể chịu đựng nổi và hắn liền chạy trốn; bất cứ sự chạy trốn nào cũng đều mang tính chất bắt buộc và tính chất rõ ràng nhất của sự chạy trốn là sự đầu hàng của cá tính và sự đánh mất trạng thái nguyên vẹn của tâm hồn. Con đường thứ hai nhất định không thể nào đưa hắn đến thanh bình tâm hồn, hạnh phúc nội tâm và tự chân thực, tích cực; theo nguyên tắc, con đường thứ hai này luôn luôn đưa đến tất cả những hiện tượng thần kinh suy nhược, thác loạn, điên loạn, mất thăng bằng trí não. Đi vào cuộc sống, hắn có những cử chỉ hành động như một cái xác không hồn và những phản ứng thái độ của hắn luôn chỉ là những phản ứng máy móc, tự động, bắt buộc. Hắn trở thành tổng số của những thói quen; tinh thần sáng tạo bị bóp chết trong trứng.


6.

Tính chất nổi bật nhất trong sự chạy trốn là chạy trốn chính bản thân mình; vì chạy trốn bản thân mình, nên hắn ném mất sự độc lập của bản thân và tâm hồn hắn, và hắn tìm hết cách đánh chìm bản ngã vào một người khác hoặc một cái gì khác ở bên ngoài hắn để tìm thấy một sức mạnh bên ngoài mà hắn cảm thấy thiếu thốn. Ý thức cắt đứt giây liên lạc nguyên thủy của con người với thế giới bên ngoài, bây giờ ý thức đau đớn và chạy đi tìm một thứ giây liên lạc khác; nhưng ý thức lại đánh lừa ý thức.

Con người tự đồng hoá vào một cái gì quan trọng và con người chạy trốn bằng cách bám vào sự quan trọng ấy; hay ngược lại con người tự đồng hoá với sự yếu đuối, sự nhún nhường, sự nhỏ bé thấp mọn để chạy trốn vào sự vuốt ve, lòng thương hại của kẻ khác.

Hai hình thức chạy trốn dễ thấy là; tranh đấu cho sự đầu hàng và tranh đấu cho được sự thống trị. Khuynh hướng thứ nhất, trong danh từ tâm lý học mang tên là “masochistic”, nghĩa là tự mình gây khổ cho mình, thích gây khổ cho chính mình; khuynh hướng thứ hai, gọi là “sadistic”, nghĩa là gây khổ cho người khác.

Cả hai khuynh hướng này đều xuất phát từ nỗi cô độc cùng cực, sự bơ vơ ngạt thở của con người.


7.

Những hình thức thông thường của khuynh hướng đầu hàng hay khuynh hướng tự do đau khổ (masochistic) là những cảm giác tự ty, cảm giác bất lực, cảm giác bản thân thấp hèn. Nếu ta phân tích những người bị ám ảnh bởi cảm giác này, ta nhận thấy rằng mặc dù ý thức họ phàn nàn than thở về những cảm giác này và tỏ vẻ muốn dứt bỏ hết những cảm giác tự ty ấy; song, trong thâm tâm họ, trong tiềm thức họ thì có một sức lực vô hình bên trong thúc đẩy họ vuốt ve mơn trớn những cảm giác bé nhỏ hèn mọn này.

Hạng người này thích hành hạ bản thân, thích xem nhỏ con người mình, tỏ vẻ yếu đuối và không thể làm chủ sự vật được; họ thường phóng đại nỗi đau khổ và sự bất lực yếu đuối của họ; sự thực thì những cảm giác của họ xuất phát do tưởng tượng, chứ thực ra thì sự nhược điểm, khuyết điểm, tính yếu đuối của họ không phải như họ tưởng. Hiển nhiên, hạng người này thường hay nương tựa vào những sức lực bên ngoài họ, nương tựa vào những kẻ khác hay tạo vật. Họ thường nhu nhược, không hiên ngang, họ không thể làm những điều họ muốn làm, họ thường để bị lôi đi và buông mình theo những mệnh lệnh của những sức lực bên ngoài họ. Thường khi, họ không thể nào thể hiện được câu “tôi muốn” hay “tôi là”. Chưa đánh giặc, họ đã xin đầu hàng vô điều kiện. Đối với họ, cuộc đời và thế gian bên ngoài là một sức lực hùng mạnh hoàn toàn lấn át họ, họ không thể nào tự làm chủ và tự chiến thắng sự yếu đuối của họ.

Trong những trường hợp cực đoan, ta thấy có những người thuộc hạng này thường bán mất tâm hồn họ cho những sức lực bên ngoài, họ thường có khuynh hướng hành hạ dày vò ray rứt đay nghiến mình, tự mình gây đau khổ cho mình.

Khuynh hướng này còn mang nhiều hình thức khác. Chẳng hạn, ta thấy có những người hay tự kết án họ và tự chửi rủa chỉ trích họ một cách tồi tệ; họ thích tự đả kích họ một cách tàn nhẫn đến nỗi kẻ thù họ cũng khó lòng tưởng tượng được.

Trong một vài trạng thái thần kinh suy nhược, ta thấy có một hạng người thích được bệnh hoạn đau yếu; và một cách ý thức hay vô ý thức, họ thấp thỏm chờ đợi cơn bệnh như là đón chờ quà tặng của người thân yêu (nói mạnh hơn như Fromm: “như là quà tặng của những thần linh”).

Thường thường họ tưởng tượng những tai nạn cho họ và nhiều khi những tai nạn tưởng tượng ấy có thể trở thành sự thực, mà nguyên nhân cũng là do khuynh hướng tiềm thức hoạt động trong người họ khiến cho sự tưởng tượng ấy trở thành sự thực.

Fromm đưa ra những trường hợp để làm thí dụ, chẳng hạn như có những người không thể trả lời những câu hỏi trong lúc đi thi cử; mặc dù lúc đi thi ấy, họ có thể hiểu biết hết những câu trả lời. Có những kẻ khác thích (trong tiềm thức hay ý thức) gây tai nạn hoặc thất bại hoặc sự hiềm khích cho mình bằng cách chỉ trích, khiêu khích sự hờn giận của những người mà họ yêu mến hay những người họ phải nương tựa vào để sống; xét cho cùng, trong tận đáy lòng, họ vãn cảm thấy thân thiết mến yêu những người ấy và họ cũng thường ít khi có ý định nói lên những lời lẽ phiền rầy như vậy.


8.

Ngoài những hình thức của khuynh hướng tự gây khổ cho mình như trên, chúng ta thấy có những hình thức khác của một khuynh hường đi ngược lại, đó là khuynh hướng thống trị hay gây khổ cho người khác (sadistic tendencies).

Khuynh hướng này thường gồm ba loại; loại thứ nhất là làm cho kẻ khác nương tựa vào mình và lấy quyền lực tuyệt đối vô hạn của mình để chế ngự kẻ khác, làm kẻ khác trở nên những dụng cụ của mình. Loại thứ hai chẳng những thích thống trị kẻ khác một cách tuyệt đối, mà lại còn thích khai thác, lợi dụng, đánh cắp, rút tỉa về mình những gì có thể rút tỉa được ở người khác. Tham vọng này chẳng những hướng về vật chất mà còn cả những tính chất trí thức hay tình cảm của kẻ khác. Loại thứ ba là thích thú làm cho người khác đau khổ và nhìn người khác đau khổ. Hạng người này thích phỉ báng, sỉ nhục, gây khổ làm phiền muộn cho kẻ khác.

Đứng về phương diện xã hội, khuynh hướng tự gây khổ cho mình không nguy hại bằng khuynh hướng gây khổ cho người khác. Hạng người theo khuynh hướng gây khổ cho người khác thường ít có ý thức việc làm của họ hơn là hạng người tự gây khổ cho mình và họ thường hay viện lý do bào chữa nhiều hơn.

Họ thường nuôi ảo tưởng tốt đẹp về họ; họ làm khổ kẻ khác, nhưng họ cho rằng hành động ấy hợp lý vì họ viện lý rằng sở dĩ họ làm như thế vì họ chăm sóc lo nghĩ nhiều đến kẻ khác, chẳng hạn họ lý luận đại loại như vậy: “Tôi đã tàn nhẫn với anh, tôi đã đè nén, cai trị anh, vì tôi muốn làm điều tốt cho anh và làm lợi cho anh, vậy anh phải tuyệt đối theo tôi, không được chống cự lại, tôi hiểu anh, vân vân”. Hoặc họ cũng lý luận: “Tôi là thiên tài độc đáo, tôi có quyền đối xử với anh như thế này, tôi có quyền đối xử với anh như thế kia, v.v.” Họ cũng viện lý để bào chữa khuynh hướng lợi dụng khai thác của họ như vầy: “tôi đã giúp đỡ anh quá nhiều, bây giờ tôi được quyền lợi dụng anh những điều gì mà tôi cần thiết.” Hạng người này cũng có kẻ hiếu chiến gây sự và thích biện lý đại khái như: “tôi đã bị người khác làm khổ nhiều; bây giờ tôi phải được làm khổ lại để trả thù”, “Tôi đánh anh trước là vì tôi muốn tự bảo vệ và bảo vệ gia đình hay bị bạn bè tôi khỏi bị anh đánh, vân vân”.


9.

Trước khi nói rõ hơn về nguồn gốc của khuynh hướng này, chúng ta hãy xác định lại hai chữ “Masochistic” và “sadistic”. Chữ Masochistic là tĩnh từ của danh từ Masochism; thông thường trong tâm lý học, Masochism có nghĩa là khuynh hướng tình dục ưa thích bị thống trị hoặc bị đối xử tồi tệ; khuynh hướng này thích bị người khác hành hạ mình, thích gây đau khổ cho mình. Chữ Masochism xuất xứ từ tên của một tiểu thuyết gia người Áo, Von Sacher Masoch (1836 -1895); tác phẩm ông thường mô tả ám ảnh bệnh hoạn về khuynh hướng này.

Chữ Sadistic là tĩnh từ của danh từ Sadism bởi chữ Pháp Sadisme do tên của văn sĩ Pháp là Marquis de Sade (1740 – 1814); người ta dịch Sadism là “khuynh hướng bạo dâm”, Marquis de Sade là tác giả những quyển tiểu thuyết mà những nhân vật đều tàn bạo thích thú gây đau khổ cho người khác.

Chúng ta thấy rằng khuynh hướng đầu hàng hay khuynh hướng tự gây khổ (masochism) và khuynh hướng thống trị hay khuynh hướng gây khổ cho người khác (Sadism) đều dùng để chỉ những xung động tình dục (xin đọc Satre trong L’Être et le Néant, trang 431-484).

Nhưng đến Fromm thì hai khuynh hướng này không giới hạn lại trong phạm vi tình dục mà lại bao quát cả một phạm vi; vì, đối với Fromm, nguồn gốc của hai khuynh hướng này là sự chạy trốn của con người trước cảm giác cô đơn và bơ vơ bất lực của mình. Hắn cô đơn quá đến nỗi không còn chịu đựng được nữa và hắn liền chạy trốn trong hai khuynh hướng trên hoặc khi thì chạy trốn vào khuynh hướng đầu hàng, khi thì chạy trốn vào khuynh hướng thống trị. Hắn không thể chịu đựng được nữa; hắn liền chạy tìm người khác hay một vật gì khác để cột buộc bản ngã hắn vào đó; làm như thế, hắn muốn quên mất đi bản ngã của mình và được cảm thấy an ninh bằng cách đánh mất cá tính của mình.


10.

Fromm dùng danh từ “Symbiosis” (tình trạng cộng sinh) để cọi mục đích căn bản của khuynh hướng Sadism (gây khổ cho người) và khuynh hướng Masochism (tự gây khổ cho mình).

Trong nghĩa tâm lý học, “Symbiosis” (Hy lạp Sym là “với”, và bios là “sống”, “sinh”) có nghĩa là kết hợp một bản ngã với một bản ngã khác (hay sức lực nào khác ở bên ngoài). Sự kết hợp này trở thành duy nhất đến nỗi mỗi bên đều mất tính cách nguyên vẹn của mình và hai bên đều mất nương tựa vào nhau hoàn toàn.

Khuynh hướng Sadism mặc dù thoạt nhìn thấy khác khuynh hướng Masochism; nhưng đứng về mặt tâm lý học mà xét thì cả hai đều có khuynh hướng đều có chung một nguồn gốc, một nhu cầu, cùng chung xuất phát từ sự bất lực của con người trước nỗi cô đơn của thân phận mình.

Người thích gây khổ cho kẻ khác cần kẻ khác để giải quyết sự chạy trốn của mình; cũng như người thích tự gây khổ cho mình cũng cần kẻ khác để hành hạ mình. Một bên tìm cách muốn chạy trốn bằng cách “nuốt” người khác, một bên tìm cách chạy trốn bằng cách để bị “nuốt”. Đó là tình trạng cộng sinh (Symbiosis). Trong cả hai trường hợp, tính cách nguyên vẹn của cá tính đều bị đánh mất. Một bên thì chìm vào người khác, một bên thì để người khác chìm vào mình. Tình trạng cộng sinh chỉ đưa con người đến chỗ chết, trên phương diện vật chất hoặc tinh thần.

Tương quan cộng sinh xuất phát từ sự bất lực của con người trong việc chịu đựng sự cô độc của bản ngã, cá tính mình. Vì thế, ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy khuynh hướng Sadism và Masochism đều hoà trộn lẫn nhau. Bên ngoài, hai khuynh hướng có vẻ như mâu thuẫn với nhau, nhưng thực sự thì cả hai đều bám rễ nơi một nhu cầu khẩn thiết của thân phận con người. Không ai là hoàn toàn có khuynh hướng Sadism, cũng không ai hoàn toàn chr có khuynh hướng Masochism; hai khuynh hướng này luân phiên thay đổi nhau trong một người, khi một bên nhiều, khi một bên ít hoặc ngược lại; nhưng dù sao, trong cả hai trường hợp, sự tự do của con người đã bị đánh mất. Mất theo cả bản ngã và cả nhân phẩm hay giá trị con người.

Bất cứ một triết lý hay một ý thức hệ nào được xây dựng trên một trong hai khuynh hướng trên đều không đáng gọi là nhân bản, vì cả hai khuynh huớng trên đều là những khuynh hướng chạy trốn sự tự do của con người. “Escape from Freedom” (Fromm).

D. H. Lawrence có viết như vầy: “Sự chạy trốn không phải là một sự giải quyết. Khi người ta chạy đi thực xa, người ta thấy rằng trái đất thì tròn và nếu người ta tiếp tục chạy nữa thì sau cùng người ta thấy mình vẫn còn đứng lại trước cửa nhà mình, đứng trước ngôi nhà mà mình đã chạy trốn. Đó là số phận con người”. (D.H. Lawrence, Etudes sur la littérature classique américaine, trang 178).

D. H. Lawrence đã nói một câu thấm thía và phải chăng chính D. H. Lawrence đã tự nói về mình? Và cũng nói luôn về mỗi một người trong chúng ta?

Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.