© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.11.2006
Anatoly Tille
Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
Chương 7. Bộ máy đàn áp

“Về mặt khoa học, khái niệm chuyên chính có nghĩa là một chính quyền dựa trực tiếp vào vũ lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào”.
(Lenin)

Sau khi giành được chính quyền, những người Bolshevik lập tức từ bỏ chính sách “cây gậy và củ cà rốt” truyền thống của giai cấp thống trị, mà thay bằng một chính sách rẻ hơn và hữu hiệu hơn là chính sách cây gậy và LỜI HỨA về củ cà rốt.

Người ta từng hứa: chính quyền về tay Xô viết, ruộng đất về tay dân cày, nhà máy về tay công nhân và quyền tự quyết về tay tất cả các dân tộc.

Tháng 5 năm 1917, trong khi xem xét lại cương lĩnh của Đảng, Lenin đã viết: “Hiến pháp của nước Cộng hòa Dân chủ Nga phải hứa (bạn đã thấy chưa? –tác giả):

4. Sự bất khả xâm phạm về thân thể và nhà ở;
5. Tự do lương tâm, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do bãi công và công đoàn một cách không hạn chế…” (tác giả nhấn mạnh).

Sau khi giành được chính quyền, trong cương lĩnh năm 1919 sự bất khả xâm phạm về thân thể và nhà ở đã biến mất, còn về các quyền tự do thì được viết như sau: “Nhiệm vụ của Đảng là tiến hành việc đàn áp một cách thường xuyên sự kháng cự của bọn bóc lột và đấu tranh về tư tưởng với những tàn dư của tư tưởng tự do và các quyền mang tính chất tư sản đã bám rễ sâu trong xã hội (khi nào và trong đầu óc ai ở Nga đã kịp bén rễ những tàn dư đó? – tác giả), đồng thời giải thích cho quần chúng biết rằng việc tước bỏ quyền chính trị và những hạn chế tự do chỉ là những biện pháp tạm thời trong cuộc đấu tranh với những mưu toan của bọn bóc lột nhằm bảo vệ và khôi phục đặc quyền đặc lợi của chúng”.

Tháng 6 năm 1917, Lenin tán dương luật về kẻ thù của nhân dân của những người Jacobin nhưng lại cho rằng không cần máy chém, chỉ cần bắt giữ chừng 50 đến 100 trùm tư bản vài tuần để “làm rõ thủ đoạn” của họ rồi thả. Chỉ một năm rưỡi sau, cuộc khủng bố đẫm máu chống lại toàn thể nhân dân đã vượt xa những người Jacobin.

Ngay ngày 15 tháng 11 năm 1917, Lenin kí nghị định “Về cuộc đấu tranh với nạn đầu cơ [1] ”, theo đó “tất cả những kẻ đầu cơ, phá hoại, che giấu các khoản dự trữ, cản trở việc vận chuyển và những tội khác (!) phải bị bắt và giam ngay vào nhà tù Kronstadt để chuyển cho tòa án cách mạng”.

Ngày 28 tháng 11 cùng năm lại ban hành nghị định “Về việc bắt giam các lãnh tụ của cuộc nội chiến phản cách mạng [2] ” trong đó hạ lệnh bắt giam và chuyển cho tòa án cách mạng các lãnh tụ Đảng Dân chủ lập hiến (Kadet). Nghị định chỉ nói đến các lãnh tụ chứ không hề nói đến hoạt động cụ thể nào.

Trong toàn tập tác phẩm của Lenin ta có thể tìm thấy rất nhiều mệnh lệnh của ông ta về việc khủng bố tập thể. Thí dụ ngày 7 tháng 7 năm 1918 ông ta ra lệnh cho Stalin: “Hãy thẳng tay với bọn cách mạng xã hội chủ nghĩa (Đảng Xã hội Cách mạng ESER) cánh tả (một Đảng đã từng giúp cộng sản giành quyền lực - tác giả) và thông báo thường xuyên”. Tháng 9 cùng năm ông ta ra lệnh cho Sokolnikov: “Nếu đồng chí tuyệt đối tin rằng không có lực lượng đàn áp một cách thẳng tay và không thương tiếc thì hãy đánh điện” (tác giả nhấn mạnh). Tháng 11 ông ta đã phê phán Zinoviev vì ông này đã ngăn chặn không cho công nhân đàn áp: “Tôi kịch kiệt phản đối!... Chuyện này là không thể được! Phải động viên tinh thần và làm cho khủng bố trở thành rộng khắp”. Hiện nay người ta đã biết những mệnh lệnh tuyệt mật của ông ta, thí dụ về việc đàn áp các nhà khoa học, và giới tăng lữ. Không nghi ngờ gì rằng việc bắn giết gia đình Sa hoàng cũng được thực hiện theo chỉ đạo trực tiếp của ông ta mặc dù ông ta đã dấu kín, không để lại dấu vết nào hoặc dấu vết chưa được tìm thấy mà thôi. Sự giả dối của Lenin thể hiện rõ trong bức điện ngày 6 tháng 7 năm 1918 nhân vụ giết hại Mirbach, đại sứ Đức ở Liên Xô: “Đây rõ ràng là có bàn tay của bọn bảo hoàng hoặc là những tên khiêu khích muốn kéo nước Nga vào cuộc chiến…”. Nhưng Blumkin, một nhân viên ủy ban đặc biệt, chính là người đã giết Mirbach, anh này sau đó còn làm việc trong ủy ban đặc biệt một thời gian dài nữa.

Tại sao tôi lại nhấn mạnh tính chất rộng khắp của khủng bố? Trong nhiều năm bộ máy tuyên truyền Xô viết, các bộ môn khoa học xã hội và các nhà sử học cố tình nhồi nhét vào đầu óc người ta rằng khủng bố là để bảo vệ người lao động chống lại những kẻ áp bức bóc lột. Nhưng nước Nga vốn là một nước nông dân. Những người buôn bán chỉ chiếm 1% dân số, tăng lữ cũng khoảng như vậy. Đầu thế kỉ XX giới quí tộc không còn là một giai cấp nữa (chính Lenin cũng là một quí tộc), địa chủ còn ít hơn. Tầng lớp “vô sản” nghĩa là những người công nhân công nghiệp tách biệt hẳn khỏi nông thôn cũng không nhiều. Vì vậy bất kì một cuộc khủng bố mang tính quần chúng nào cũng chỉ có thể nhằm chống lại người lao động. Sự thật đã là như thế [3] .

Khi nói về những vụ đàn áp của bọn phát xít bao giờ người ta cũng sử dụng nhãn hiệu: “khủng bố phát xít đẫm máu”. Nhưng cho đến nay chưa ai thực hiện việc so sánh về số liệu. Nhưng các con số thật đáng quan tâm. Thí dụ trong 17 năm cầm quyền của Mussolini ở Italy chỉ có… 5 Đảng viên cộng sản bị kết án tử hình và 1 người chết trong tù (A. Gramsci). Con số này là do Palmiro Toliatti đưa ra trong diễn văn ở Turin nhân kỉ niệm 35 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Italy (báo Vì một nền hòa bình bền vững, vì nền dân chủ nhân dân, ngày 3 tháng 2 năm 1956). Bao nhiêu Đảng viên cộng sản Italy bị tử hình ở nước ta? Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội (số 5 năm 1989) nói có đến “hàng trăm” người Italy bị đàn áp. Có thể không phải tất cả những người ấy đều bị xử bắn nhưng chúng ta biết rằng hai phần ba tù nhân đã bỏ xác trong các trại cải tạo. Số liệu về các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Đức do giáo sư người Đức là G. Weber thu thập được chứng tỏ rằng các đồng chí công an của chúng ta không hề thua kém Gestapo trong phong trào thi đua tiêu diệt Đảng viên cộng sản Đức [4] .

Như vậy là CÂY GẬY được vung lên ngay sau khi giành được chính quyền và cho đến nay vẫn chưa được thu về. Trong việc này thì Liên Xô và Campuchia, Cuba và Nicaragua, Etiopia và Rumania cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Bộ máy tuyên truyền của chúng ta thật hoài công khi cố gắng trình bày những sự kiện đó như là những lệch lạc khỏi “các tiêu chuẩn của Lenin”, chỉ xảy ra dưới thời Stalin. “Bắt đầu bằng tự do vô giới hạn” trong những lời hứa đã lập tức biến thành “nền độc tài vô giới hạn” (nhân vật Sigadiev trong tác phẩm Lũ người quỉ ám của Dostoievski).

Ngay cả người Liên Xô, những người đã quen với mọi thứ cũng phải kinh hoàng vì sự vô nhân và vô nghĩa của những vụ khủng bố bắt đầu ngay dưới thời Lenin. Hoạt động của “nhóm tam nhân” dưới quyền Piatakov ở Krưm là một ví dụ điển hình: sau khi chiếm được Krưm, những người Bolsevik tuyên bố rằng giai cấp vô sản rất khoan dung và bây giờ, khi cuộc đấu tranh đã kết thúc, sĩ quan bạch vệ có thể tự do lựa chọn – đi hay ở lại. “Tôi hiếm khi được chứng kiến không khí an bình như thế”, nhà văn V. Veresaev kể lại, “sau khi có tuyên bố, các sĩ quan bạch vệ, đa phần là sinh viên chứ không phải bọn Trăm đen” đã sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới. Đồng thời họ được đề nghị đến ghi danh. “Cuộc tắm máu vô nghĩa lập tức bắt đầu. Tất cả những người đến ghi danh đều bị bắt, ban đêm họ bị đưa ra ngoại ô và bị bắn bằng súng trung liên. Hàng ngàn người bị giết như thế đấy”. Ngay Djerzhinski, biệt danh “Phượng hoàng thép” cũng đã phải nói đây là một …“sai lầm khủng khiếp”! Thế mà trong bản “Di chúc” nổi tiếng, Lenin lại coi Piatakov là “người kế tục” của mình!

Với cách tổ chức về mặt kinh tế và chính trị như thế, xã hội không thể tồn tại mà không có một hệ thống đàn áp ngoài kinh tế, không thể tồn tại nếu không có khủng bố, không có bộ máy kìm kẹp mạnh. Tuy nhiên không được nghĩ rằng khủng bố và đàn áp trong xã hội “xã hội chủ nghĩa” chỉ được thực hiện bởi một bộ máy đặc biệt. Việc đàn áp được tiến hành tại từng nông trang, các nông dân không tuân phục có thể không được cắt cỏ, không có phương tiện chuyên chở, không được chia củi đun, hoặc đơn giản là bị đánh đập. Việc đàn áp diễn ra trong từng xí nghiệp, trong từng trường đại học, thí dụ sinh viên có thể bị đuổi học hay bị bắt lính để cảnh tỉnh những sinh viên khác. Mỗi một tập thể lao động “gương mẫu”, nhờ bao che và đàn áp, đều là phương tiện hữu hiệu của bộ máy Đảng trong việc lăng nhục và đàn áp con người cá nhân. Ban chấp hành công đoàn, theo lệnh của giám đốc, có thể đưa bạn vào “nhà thương điên”, bạn sẽ phải ở đó vô thời hạn và bạn có thể trở thành một kẻ tâm thần thực sự sau một thời gian được các bác sĩ “chăm sóc”. Không hiểu điều đó thì không thể hiểu được cái không khí hoảng loạn đến lạnh người và nhớp nhúa như mồ hôi của một của một người bị ho lao, một người luôn hoảng hốt không những cho mình mà còn cho người thân, cho bạn bè của mình nữa. G. Orwell đã mô tả đúng một cách đáng kinh ngạc cái không khí đó trong tác phẩm 1984.

Nhưng dĩ nhiên là trong bất kì nhà nước “xã hội chủ nghĩa” nào quyền lực cũng được bảo đảm bằng một bộ máy đàn áp mạnh và cực kì tốn kém. Vì bộ máy đó đã được mô tả trong nhiều tác phẩm, ở đây chỉ xin nói ngắn gọn, trong chừng mực làm cho bức tranh về nhà nước đó được hoàn toàn mà thôi.

Bộ máy tuyên truyền Liên Xô bỏ ra biết bao công sức nhằm mô tả thời kì cầm quyền của Stalin như là giai đoạn đi chệch khỏi “chủ nghĩa xã hội nhân đạo”, nhưng khủng bố không hề ngưng trong giai đoạn “tan băng” dưới trào Khrushchev, cũng như giai đoạn “trì trệ” hay thời kì “cải tổ” hiện nay. Sự khác nhau chỉ là hình thức và mức độ. Không được quên rằng sau giai đoạn Stalin, chỉ giơ ngón tay ra dọa là người ta cũng đủ sợ vỡ mật rồi.

Những vụ đàn áp hàng loạt xảy ra ngay cả trong những giai đoạn sau này (Novotrerkassk, Temir-Tau…). Dưới trào Gorbachev người ta đã đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình của sinh viên ở Alma-Ata (tháng 12 năm 1986); mãi đến dịp kỉ niệm năm năm, những người bị đàn áp mới được phục hồi và chúng ta mới biết một vài việc cụ thể. Tôi không nắm được số người tử vong, nhưng có 1.700 người bị thương, 2.000 người bị đưa ra tòa. Xin nhắc lại “ngày chủ nhật đẫm máu ở Tbilisi, những cuộc đàn áp ở Vinhuis, ở Riga và vụ tắm máu ở Sumgait, ở Bacu… Gorbachev, người được phương Tây o bế, người được huân chương Nobel về hòa bình, như người ta từng tuyên bố, là người cuối cùng biết tin về những vụ đàn áp như thế. Và phương Tây đã tin. Chúng ta chắc chắn cũng đã tin, nếu có một người, dù chỉ một lần bị trừng trị.


Cảnh sát mật

Mỗi nước có một tên gọi khác nhau: GESTAPO, Stasi, Sekuritatia…, còn ở nước ta thì tên gọi của nó thay đổi thường xuyên: Ủy ban khẩn cấp, Ủy ban khẩn cấp toàn liên bang, Cục bảo vệ chính trị quốc gia, Dân ủy nội vụ, Bộ an ninh, Ủy ban an ninh quốc gia, Bộ an ninh Nga, mặc dù bản chất và biện pháp thực hiện chỉ là một. Đã có rất nhiều người viết về cảnh sát mật rồi, ở đây chỉ xin xác định vị trí của nó trong hệ thống [5] . Ủy ban an ninh quốc gia (KGB) là một tổ chức cực kì to lớn và liên tục phát triển, tuyệt mật, chỉ chịu sự lãnh đạo của Tổng bí thư Đảng, “các chủ nhân ông của đất nước”, tức là nhân dân không biết một tí gì về tổ chức này. Rất nhiều bộ phim, nhiều vở kịch và tác phẩm văn học viết về nó, nhưng đấy là để quảng cáo, để tạo cho người ta ấn tượng về những dũng sĩ không biết sợ hãi và không bao giờ sai lầm, những người đang tiến hành những cuộc chiến đấu ngoan cường và đầy hiểm nguy với bọn gián điệp và những tên phản cách mạng. Nhưng nhiệm vụ chính của KGB là theo dõi nhân dân thì không thấy ở đâu và không thấy ai nhắc đến cả.

Dĩ nhiên là KGB phải làm nhiệm vụ đối ngoại, rất nhiều gián điệp đã được cài vào NATO, vào Liên Hiệp Quốc v.v… Nhưng trong lĩnh vực này tình báo quân đội (GRU [6] ) được giao những nhiệm vụ quan trọng hơn, thế mà ngay trong thời kì “công khai” người ta cũng ít nhắc tới nó. Ở nước ngoài, bên cạnh các nhân viên tình báo nằm trong biên chế, KGB còn tuyển mộ rất nhiều nhân viên ngoài biên chế, đặc biệt là trong số các kiều dân Liên Xô, trong đó có cả những tên tội phạm hình sự và gái điếm, hợp tác với KGB là điều kiện “ra đi” của nhiều người trong số họ. Họ có thể nắm được gì từ những khách hàng vãng lai? Nhưng từ lâu KGB đã hoạt động theo nguyên tắc biện chứng “lượng biến thành chất”, từ những mẩu tin vụn vặt họ có thể sắp xếp thành một bức tranh hoàn hảo. Ngay cả những biểu hiện đặc thù về đời sống tình dục của đối tượng cũng có thể bị lợi dụng để dọa dẫm và tuyển mộ.

Mạng lưới của KGB bao trùm khắp nước. Phòng KGB huyện có người phụ trách từng tổ chức, từng nhà máy, từng nông trang, từng trường đại học, thậm chí từng ngôi nhà, người này có trách nhiệm tuyển mộ những tên “chỉ điểm” với trách nhiệm thường xuyên báo cáo các tin tức về người dân, về những câu chuyện họ nói với nhau và cả tâm trạng của dân chúng nữa. Mạng lưới thâm nhập vào quân đội, công an, nhà tù và trại giam và ngay cả bộ máy của Đảng. Cần vụ, lái xe của các nhà lãnh đạo cấp cao cũng là nhân viên KGB, nhiệm vụ của họ là vừa bảo vệ vừa theo dõi. KGB nắm được nhiều thông tin như thế cho nên người đứng đầu tổ chức này luôn luôn là nhân vật nguy hiểm trong những cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực. Vì vậy Stalin thường xuyên “khử” họ. Để lật đổ Khrushchev người ta phải lôi kéo bằng được Semitrastnưi, ông này vừa kể lại như thế trên tờ “Ngọn lửa nhỏ”. Không nghi ngờ gì rằng đã từng có âm mưu chống lại Brezhnev, mà có thể không chỉ một vụ như tôi đã nói tới bên trên. Vì vậy, bộ máy của Đảng không cho KGB quá nhiều quyền lực và luôn cố gắng kiểm soát nó. Nhưng KGB lại theo dõi ngay cả các ủy viên Bộ chính trị. Năm 1990, viên tướng KGB hồi hưu là Kalugin đã quay sang phía đối lập và tố cáo rằng Gorbachev đã ra chỉ thị cấm việc theo dõi như thế. Từ xưa tới nay kẻ thù nguy hiểm nhất của Tổng bí thư trong cuộc đấu tranh giành quyền lực đã và sẽ luôn luôn là những “chiến hữu” thân cận nhất của ông ta.

Vậy hệ thống quốc nội của KGB hoạt động như thế nào? Tại cuộc thảo luận của Xô Viết Tối cao Liên Xô về việc bổ nhiệm Kruitrkov vào chức vụ chủ tịch KGB, Yeltsin đã kể lại rằng trong mười năm ông ta công tác ở tỉnh Svetlovsk, “hàng ngàn”, theo lời ông ta, nhân viên tình báo không bắt được một tên gián điệp nào. Hàng ngàn người ấy làm gì?

Trong thời kì diễn ra những biến động cách mạng ở Đông Đức và Bulgaria vào năm 1990 người ta đã nói rằng cứ 10 người dân thì có 1 nhân viên an ninh mật, cả trong và ngoài biên chế. Nước ta có lẽ cũng có tỉ lệ tương tự như thế, một con số thật là khủng khiếp. Mạng lưới đó có biết rằng tham nhũng đang hủy hoại bộ máy của Đảng hay không? Nếu biết thì nó có báo cáo với lãnh đạo không?

Những người có đầu óc dân chủ ở phương Tây không thể nào tưởng tượng được rằng KGB khủng khiếp đến mức nào vì ngay từ khi thành lập, tổ chức này đã không bị ràng buộc bởi bất kì điều luật hay tiêu chuẩn đạo đức nào. Các tướng lĩnh ngoài mặt trận phải sợ viên trung úy lực lượng SMERSH (viết tắt: giết chết bọn gián điệp - ND), vì vậy ít độc giả có thể đánh giá đúng lòng dũng cảm vô song của viên chỉ huy khi ông này bắt tay Solzhenitsyn đúng vào lúc Solzhenitsyn bị nhân viên SMERSH bắt giữ. Lao vào cuộc tấn công, dưới mưa bom bão đạn mà đầu vẫn ngẩng cao cũng không nguy hiểm bằng.

Hiện nay chúng ta đã biết những biện pháp tra tấn nào đã được đem ra sử dụng nhằm ép người ta thú nhận những tội ác mà họ chưa từng phạm. Nhẹ nhất là không cho ngủ, bình thường nhất là đánh đập. Có cả các chuyên gia-nghệ sĩ nữa: một kẻ mang bí danh là “Boxer” chỉ đấm một cái là gẫy quai hàm, một tên khác chỉ cần đá một cái là gãy xương chậu, có cả các hình thức như dìm vào bồn a xít, đè nát bộ phận sinh dục, đóng kim vào dưới móng tay, nhưng chúng ta không thể nào biết hết được. Dĩ nhiên là các cảnh sát mật cũng không được bảo hiểm khỏi số phận như vậy, họ biết như thế và cố gắng chứng minh lòng trung thành của mình, song không phải lúc nào điều đó cũng cứu được họ. Cùng với Iagoda, Egiov, Beria, Abakumov (đây là các chủ tịch KGB bị thanh trừng dưới thời Stalin) là một loạt các công an mật “trung thành” bị hạ bệ. Sau đại hội XX một số trong những kẻ từng tra tấn các cán bộ cao cấp của Đảng bị đem ra xử bắn. Nhiều tên súc sinh trong số đó thì đi vào lĩnh vực khoa học, đặc biệt là lĩnh vực luật học, thí dụ Grishaev, kẻ đã điều tra vụ “các bác sĩ sát nhân” thì nay trở thành giáo sư luật khoa. Borovski, một tên đao phủ của KGB, hắn đã điều tra 103 vụ, trong có 51 người bị xử bắn thì trở thành phó tiến sĩ sử học và sau đó là tiến sĩ kĩ thuật (?), sau khi bị khai trừ khỏi Đảng thì trở thành hội viên Hội nhà báo Liên Xô, mùa xuân năm 1988 hắn ta còn làm đại diện của báo chí Liên Xô ở Nam Tư.

Một số tên đao phủ được cho nghỉ việc có lương hưu đàng hoàng (thí dụ như Khvata, kẻ đã tra tấn nhà bác học thiên tài Vavilov), nhưng đa số dĩ nhiên vẫn được giữ lại làm việc cũ để bảo đảm “sự liên tục”.

Tất cả bọn chúng đều là Đảng viên cộng sản!

Chính phủ Liên Xô luôn luôn bảo vệ quan điểm không áp dụng thời hiệu đối với những tên đao phủ phát xít và những tội phạm chiến tranh. KGB vẫn còn tiếp tục truy nã và tòa kêu cả án tử hình đối với các cụ già đã một thời cộng tác với bọn phát xít, nhưng cứ hễ nói đến trách nhiệm của những tên đao phủ KGB, những kẻ giết người trong các trại cải tạo thì không có ai lên tiếng trả lời, còn bộ máy tuyên truyền Liên Xô lại kêu gọi sám hối, tha thứ. Cũng dễ hiểu thôi: nếu đưa những tên đao phủ đó ra trước pháp luật thì làm sao còn tuyển mộ được những ứng viên cho cái công việc cực kì cần thiết như thế đối với chế độ cộng sản.

KGB còn có lực lượng vũ trang riêng. Ngoài bộ đội biên phòng có cả máy bay và tầu chiến (300 ngàn người), KGB còn có một lực lượng tuyệt mật gồm 12 sư đoàn (150 ngàn người), nhiệm vụ của nó là gì cũng không phải là việc khó đoán (Luận chứng và sự kiện, số 30, năm 1990). Dĩ nhiên là không phải để bắt gián điệp của CIA rồi. Ở đâu còn có cảnh sát mật, còn có KGB, GESTAPO, Stasi… thì ở đó không thể có nhà nước pháp quyền và nền dân chủ được.


Quân đội

Liên Xô có một lực lượng vũ trang với quân số đông nhất thế giới, hơn cả Mĩ và nuớc cộng sản khác là Trung Quốc cộng lại. Trong bất kì nước “xã hội chủ nghĩa” nào tỉ lệ quân nhân trên số dân bao giờ cũng cao hơn các nước “tư bản chủ nghĩa” và được gọi là quân đội nhân dân (cái đội quân đã dùng xe tăng đè nát các sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn lại mang tên Quân đội giải phóng nhân dân). Khi mới thành lập vào năm 1918, quân đội Liên Xô được gọi là Hồng quân công nông.

Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng, công bố vào năm 1903, Lenin đòi: “Thay quân đội thường trực bằng vũ trang toàn dân”, nhưng ngay sau cách mạng, cương lĩnh thứ hai của Đảng, công bố năm 1919, đã từ bỏ yêu cầu này cũng như nhiều yêu cầu khác. Biện chứng (“nước đôi”) kết hợp với chủ nghĩa duy vật lịch sử cho phép người ta viện cớ hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi để chối phăng mọi lời hứa. Cương lĩnh thứ hai từ bỏ việc thành lập quân đội trên cơ sở tự nguyện và xác định “nghĩa vụ quân sự”. Cương lĩnh này cũng chuyển từ việc bầu cử các cấp chỉ huy đã tuyên bố trước đây thành bổ nhiệm, từ “vũ trang toàn dân” thành “quân đội thường trực” nhưng có thòng thêm rằng sau này, cùng với sự củng cố nhà nước “hình thức chuyển tiếp” này sẽ được thay thế bằng “cảnh sát vũ trang theo vùng lãnh thổ”. Buộc phải giả thiết rằng nhà nước của chúng ta chưa hoàn toàn vững mạnh, nhưng trước đó (năm 1903, trong bài báo “Về sự nghèo đói ở nông thôn”, Lenin đã giải thích rất đúng rằng: “Quân đội thường trực là quân đội xa rời nhân dân và được huấn luyện để bắn vào nhân dân”. Chúng ta sẽ thấy Lenin có lí đến mức nào.)

Sau khi nội chiến kết thúc, trong những năm 20 nguyên tắc huấn luyện quân sự theo vùng lãnh thổ vẫn được bảo đảm phần nào, đấy là do nhu cầu gắn bó quân đội với nhân dân.

Bộ máy tuyên truyền cộng sản và pháp luật nhà nước vẫn khẳng định rằng quân đội là để “bảo vệ tổ quốc”: “Lực lượng vũ trang Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân là thành trì của hòa bình và có nhiệm vụ bảo vệ nhân dân và nền độc lập dân tộc khỏi sự xâm lăng của các nước đế quốc chủ nghĩa [7] ”.

Nhưng ai đe dọa xâm lăng Liên Xô? Cái đội quân chi tiêu đến gần một nửa ngân sách ấy dùng để làm gì [8] ? Thứ nhất, “để bắn vào nhân dân”, để đàn áp những cuộc bạo loạn ở trong nước (quân đội đã không ít lần chứng minh được khả năng của mình trong lĩnh vực này; nó có vẻ hữu hiệu hơn ở Afghanistan). Vì vậy mà hội đồng tướng lĩnh chống lại nguyên tắc phục vụ theo vùng lãnh thổ, một nguyên tắc đang bị nhiều nước cộng hòa đòi hỏi. Tại sao lại không thể huấn luyện một người Grudia ở ngay Grudia, còn người Latvia thì ở Latvia? Chính là vì người lính sẽ không bao giờ bắn vào đồng bào của mình. “Những ngày chủ nhật đẫm máu” ở Tbilisi hay ở Vinhuis, những vụ chém giết ở Bacu sẽ không thể nào xảy ra được.

Thứ hai, theo “học thuyết của Brezhnev” thì quân đội còn có trách nhiệm giữ nhân dân các nước khác trong “phe xã hội chủ nghĩa”, quân đội đã chứng minh khả năng của mình trong cuộc khởi nghĩa ở Berlin, ở Hungary và Tiệp Khắc.

Thứ ba, quân đội đã trở thành một hệ thống độc lập, một liên minh giữa tổ hợp công nghiệp quốc phòng và hội đồng tướng lĩnh. Họ đã được vỗ béo bằng các vụ đặt hàng quân sự và những chi tiêu vô nghĩa trong lĩnh vực quốc phòng. Năm 1990 Mĩ sản xuất 6 tên lửa hành trình, trong khi Liên Xô sản xuất 120, xe tăng mỗi bên sản xuất tương ứng là 1200 và 3500! Liên Xô, trong tình trạng nguy khốn như thế về kinh tế-tài chính, lấy đâu ra tiền? Các nhà tư bản giúp! Hóa ra phi lí không phải là độc quyền của chủ nghĩa xã hội! Vì vậy chớ có hi vọng vào việc tài giảm binh bị như người ta đã tuyên bố.

Cuối cùng, thứ tư, quân đội là lực lượng lao động rẻ nhất, không khác gì nô lệ (lính chỉ được nhận có 5 rub một tháng!) rẻ như lao động khổ sai, thậm chí rẻ hơn vì họ tự canh gác lấy mình.

Nhân tiện xin xem xét cơ cấu của quân đội. Ngày 21 tháng 2 năm 1990, tờ Tin tức công bố sơ đồ lực lượng vũ trang Liên Xô mà trước đó vẫn được coi là tài liệu mật. Mặc dù bài bình luận kèm theo sơ đồ mang tên “Bí mật của những điều không còn bí mật”, sơ đồ cố tình che giấu tình hình thực tế. Nghị quyết của Hội đồng bộ trưởng Liên Xô ngày 30 tháng 3 năm 1990 nhân mùa tuyển quân đã nhắc tới: 1. lực lượng vũ trang, 2. bộ đội biên phòng, 3. bộ đội của bộ nội vụ và 4. bộ đội đường sắt. Trong sơ đồ nêu trên chỉ nói đến “lực lượng vũ trang” còn các đơn vị xây dựng quốc phòng thì không được nhắc tới. Bằng cách đưa ra ngoài sơ đồ một phần lực lượng vũ trang, các tướng lĩnh có thể biến báo các số liệu về quân nhân. Bộ đội của KGB cũng không được nhắc tới (họ không chỉ làm nhiệm vụ canh phòng biên giới như đã được nói tới bên trên).

Tôi không biết các nước khác có như thế không, nhưng bộ đội đường sắt, cũng được gọi nhập ngũ như các “lực lượng vũ trang” khác, lại trực thuộc Bộ giao thông vận tải! Trái ngược với công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), các chàng thanh niên của chúng ta bị động viên không phải để huấn luyện quân sự và bảo vệ tổ quốc mà để làm những công việc xây dựng quốc phòng và bảo vệ những con đường, một việc mà một người lao động có trả lương bình thường có thể làm rất tốt, nhưng như thế nhà nước sẽ tốn kém hơn rất nhiều.

Các đơn vị xây dựng quốc phòng chính là nỗi nhục và sự đau khổ của đất nước! Các đơn vị này có quân số là 329 ngàn người và nằm dưới quyền điều khiển của hơn 20 bộ và tổng cục (Tin tức, ngày 12 tháng 6 năm 1990). Như vậy nghĩa là các quân nhân của những đơn vị này được Bộ quốc phòng gọi nhập ngũ rồi bán làm nô lệ cho các bộ khác để làm những việc và trong những điều kiện mà không một người tự do, một người thất nghiệp nào chịu làm. Xin các nhà hoạt động vô cùng nhân đạo và được trả lương vô cùng cao của ILO trả lời xem điều đó có phù hợp với các công ước mà Liên Xô đã kí hay không? Và họ đã làm gì với những sự vi phạm nghiêm trọng các công ước tại các nước “xã hội chủ nghĩa”?

Người ta cho rằng “các chiến sĩ xây dựng” cũng được nhận lương, nhưng “lương trung bình của một số thợ xây dựng chỉ từ 9 đến 15 rub” (Người đoàn viên Moskva, ngày 15 tháng 1 năm 1991), ngoài ra những người lính này phải tự thanh toán tiền “ăn”, tiền “quần áo” và tiền “nhà ở” nữa. Kết quả là để được tự do những người lính này phải xin tiền cha mẹ vì “thời hạn trở về làm quân nhân dự bị” phụ thuộc vào việc thanh toán số nợ mà họ đã mắc phải trong thời gian làm “làm công quả nói trên”. “Gần một nửa binh sĩ làm những công việc như rửa bát trong các nhà ăn, các cửa hàng café, nhân viên quét rác, giữ trẻ hoặc là thợ phụ trong các nông trang” (tờ báo đã dẫn). Không phải vô tình mà tôi đặt trong ngoặc kép các từ “ăn”, “nhà ở”, “quần áo”. Hơn một ngàn bộ đội của Bộ xây dựng Tây-Bắc và hơn một trăm người của Bộ xây dựng vùng Ural-Sibiri phải ở trong các trại giam và nhà tù mà vì thiếu điều kiện vệ sinh người ta phải …đưa các tù nhân đi nơi khác! Những người lính còn phải sống trong khu vực mỏ phốt-pho với nồng độ bụi phốt-pho cao gấp hàng chục lần nồng độ tối đa cho phép. Có một câu chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt: khi ông tướng hạ lệnh: “Thay áo!” thì những người lính ở trại này đổi áo cho lính trại kia. Thế mà ngay đồng lương chết đói ấy có đôi khi mấy tháng liền họ cũng không được nhận. Người lính còn biết làm gì? Không phải vô tình mà trong các đơn vị xây dựng hàng năm xảy ra 8.000 vụ tội phạm (số thống kê được), nghĩa là chiếm 42% các vụ tội phạm trong toàn quân.

Ngày 12 tháng 6 năm 1990 tờ Tin tức có một bài báo ngắn dưới đầu đề khá vui: “Vĩnh biệt lính thợ xây!” nói về dự thảo chỉ thị (được Gorbachev kí ngày 16 tháng 11 năm 1990) về việc giải tán các đơn vị xây dựng quốc phòng trực thuộc các bộ dân sự (!). Nhưng cũng chẳng có gì đáng vui: chỉ thị còn để lại một loạt “trường hợp ngoại lệ” cho phép giữ lại tình trạng nô lệ cho đến năm 1992 [9] (lúc đó sẽ tính!).

Câu chuyện về tình trạng nô lệ của những người lính sẽ là không đầy đủ nếu không nói thêm rằng “lính thợ” là những người không thể phục vụ trong các đơn vị vũ trang, nghĩa là những người yếu đuối, bệnh tật. Vì vậy mà sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự nhiều người trong số họ đã trở thành tàn phế, một số thì chết.

Trong chỉ thị của Tổng thống ban hành năm thứ sáu của “thời kì cải tổ” chỉ nói tới những người lính thợ bị đem bán cho các bộ dân sự. Nhưng vẫn còn đó các công trường xây dựng quốc phòng, trong đó có cả việc xây nhà ở và nhà nghỉ cho các tướng lĩnh nữa. Điều kiện ở đây cũng không khác gì các bộ dân sự đã nói bên trên.

Chính các tương lĩnh đã cho thuê các đơn vị của mình. Trong tờ “Ngọn lửa nhỏ“ có bài phóng sự của A. Borovik-con về các đơn vị đổ bộ đường không. Các chiến sĩ ở đây thường xuyên phải làm các công việc xây dựng dân sự đến nỗi họ tự gọi mình là “thợ xây đội mũ nồi xanh”. Xin nói thêm rằng năm 1990 các đơn vị đổ bộ với đầy đủ trang thiết bị được đưa đến gần Moskva, các tướng lĩnh biện hộ rằng đấy là để giúp thu hoạch mùa màng. Nhưng dù sao lính đổ bộ cũng được luyện tập quân sự và sử dụng vũ khí, họ đã chứng minh điều đó ở Tbilisi và Vinhius. Lính xây dựng thì không bao giờ được học những cái đó.

Còn phải nói thêm về một loại lao động nô lệ nữa: khi thiếu lực lượng lao động nghiêm trọng (thí dụ như lái xe vào mùa thu hoạch), bộ máy Đảng sẽ ra lệnh cho ban chỉ huy quân sự, các ban này thực hiện lệnh động viên gọi là tái huấn luyện và ngay đêm đó (bao giờ cũng ban đêm) ra lệnh cho các quân nhân dự bị tập trung. Các quân nhân dự bị này được đưa đến những khu vực cách nhà hàng ngàn cây số và phải sống và làm việc trong những điều kiện khủng khiếp. Người công dân biết làm gì? Chống đối hoặc trốn tránh sẽ bị đưa ra tòa và sau đó là trại giam. Đấy, chọn đi. Những người “khắc phục sự cố” (những nhân viên khắc phục sự cố tai nạn nhà máy điện nguyên tử Chernobyl) cũng bị động viên theo cách đó, nhiều người trong số họ đã trở thành tàn phế hoặc đã chết. Tất cả những chuyện này đều xảy ra ngay trước mắt người phương Tây.

Sau những vụ bắn giết ở Bacu, ở Vinhius, và ở Riga, báo chí theo tư tưởng tự do ở Liên Xô đặt câu hỏi: Liệu việc sử dụng quân đội chống lại thường dân tay không tấc sắt, việc sử dụng quân đội để tuần tra đường phố là có đúng luật, có phù hợp với hiến pháp không… Nhưng trong cả hiến pháp lẫn pháp luật về luật nghĩa vụ quân sự đều không có một lời nào về mục đích của nghĩa vụ quân sự cả. Có những lời như trách nhiệm cao cả, nhiệm vụ vinh quang v.v… nhưng đấy là những điều mà tất cả các công dân đều phải làm, còn cụ thể người ta phải làm gì trong thời gian tại ngũ thì không có. Điều đó, dĩ nhiên là không phải vô tình rồi.

Quân đội, cái đội quân mà nhiệm vụ chính là chiến đấu chống lại chính đồng bào mình và làm những việc dành cho nô lệ chứ không phải là “bảo vệ tổ quốc" như người ta vẫn tuyên truyền, chỉ có thể tồn tại khi người lính phải phục tùng mù quáng, khi người lính sợ cây gậy của cai đội hơn là viên đạn của kẻ thù. Trong giai đoạn “bán công khai” trên báo chí đã xuất hiện thông tin về những hiện tượng nhơ nhuốc, được gọi là “các quan hệ không phù hợp với điều lệnh”, mà trước đây người ta tìm mọi cách che giấu. Các sĩ quan và hạ sĩ quan đánh đập, cướp bóc, ăn hối lộ chiến sĩ, bắt chiến sĩ phải làm việc cho mình hoặc cho các tổ chức khác để lấy tiền, nghĩa là cho thuê chiến sĩ dưới quyền mình. Còn có hiện tượng gọi là “ma cũ”: những người lính cũ bắt các lính mới nhập ngũ phục vụ mình không khác gì nô lệ phục vụ ông chủ. Nếu không làm thì bị đánh đến chết (đánh chết có lợi hơn bị thương vì nếu chết thì lãnh đạo sẽ che giấu và báo cáo lên trên là tai nạn hoặc tự sát còn bị thương sẽ dẫn đến kiện cáo, điều tra…). Nói chung số lượng binh sĩ tử vong trong thời bình là rất lớn, nhưng tất nhiên là số liệu không được công bố. Gia đình cũng không được nhận xác nạn nhân [10] .


Cảnh sát và “Lực lượng Bộ nội vụ”

Các lực lượng này trực thuộc Bộ nội vụ. Shelokov đã từng công bố huấn lệnh trong có nói đến hiện tượng thâm nhập của thế giới tội phạm vào lực lượng cảnh sát [11] . Trên kia tôi đã đưa ra một số dẫn chứng. Trên báo chí những năm gần đây đã nói tới sự tham gia trực tiếp của cảnh sát vào các băng nhóm tội phạm, những vụ cướp bóc v.v… Có cả những hiện tượng không thể nào tưởng tượng nổi: G. Elgert, một thượng tá công an bị bắt khi đang… móc túi ngay giữa chợ (Tin tức ngày 2 tháng 2 năm 1989).

Về mặt lí thuyết thì cảnh sát bảo vệ xã hội khỏi bọn tội phạm, nhưng nhiệm vụ này họ thực hiện rất kém, mặc dù trên báo chí và phim ảnh chủ nghĩa anh hùng và lòng nhân ái của các chiến sĩ công an luôn luôn được đưa lên đến chín tầng mây. Trong khi tội phạm gia tăng không ngừng, điều này không nói thì ai cũng biết. Có thể biện hộ, dù không hoàn toàn thuyết phục: công việc vất vả, lương thì không cao vì vậy mà cảnh sát phải “lấy người” từ những anh chàng bộ đội xuất ngũ không muốn trở về làng. Cấp trên lợi dụng việc đó, đã tìm các bóc lột các cảnh sát viên một cách thậm tệ, gây nhiều ấm ức. Cảnh sát có thể trút những ấm ức của mình lên những người công dân bình thường và họ đã làm đúng như thế.

Trong kì họp của Xô viết Tối cao Liên Xô, ông Bộ trưởng Bộ nội vụ đã biện hộ cho sự yếu kém của cảnh sát trong cuộc đấu tranh với tội phạm bằng cách nói rằng số lượng cảnh sát ở nước ta ít hơn so với các nước văn minh khác [12] . Nhưng cũng phải thấy người ta sử dụng quân sĩ như thế nào: một số lượng lớn binh sĩ được sử dụng để “bảo vệ các mục tiêu” như nhà nghỉ của bộ máy Đảng, huyện ủy, tỉnh ủy và thậm chí cả … tòa soạn báo! Có ở đâu người ta làm thế hay không? Cảnh sát ngăn chặn ai thâm nhập, thí dụ, vào tòa soạn báo “Sự thật thanh niên”? Bọn đổ bộ, gián điệp CIA ư? Rõ ràng là cảnh sát có đủ sức để ngăn chặn nhân dân, nhưng không đủ sức bảo vệ nhân dân.

Song trong giai đoạn “cải tổ” và “dân chủ hóa” tất cả cảnh sát đều được phát dùi cui, họ đã biết sử dụng chúng để giải tán các cuộc mít tinh và biểu tình. Một lực lượng đặc biệt gọi là OMON (lực lượng cảnh sát đặc nhiệm), chuyên làm nhiệm vụ đàn áp được thành lập: người ta đã chiếu cho chúng ta thấy họ đấm, đá, đánh bằng dùi cui và xẻnh khéo léo đến mức nào. Họ sẽ đánh ai? Bọn bảo kê và những tên lưu manh ư? Gorbachev, một người rất được phương Tây ngưỡng mộ, một người từng nhận nhiều huân huy chương đã kí ban hành luật về quyền hạn của lực lượng vũ trang Bộ nội vụ: trong rất nhiều quyền mà họ được giao có cả “quyền” khám xét, bắt giữ mà không cần lệnh của Viện kiểm sát. Chuyện đó (dĩ nhiên là trên giấy tờ chứ không phải thực tế) chưa từng xảy ra ngay dưới thời Stalin.

Lực lượng của Bộ nội vụ (khác với binh lính của Bộ quốc phòng, trên phù hiệu binh lính Bộ nội vụ có hai chữ cái ВВ) có nhiệm vụ bảo vệ nhà tù và trại giam cũng như đàn áp đồng bào mình. Trong giai đoạn “cải tổ” người ta còn sử dụng họ làm những việc này thường xuyên hơn trước.


Tòa án

Tòa án chỉ xử theo luật. Và theo chỉ đạo của bí thư.
(Tiếu lâm)

Lịch sử hình thành hệ thống pháp lí Liên Xô thật đáng quan tâm, nhưng ở đây không có điều kiện đi sâu vào vấn đề đó. Ngay sau cách mạng tại các địa phương đã xuất hiện các “tòa án cách mạng”, được dẫn dắt không phải bởi luật pháp mà bởi “nhận thức pháp lí cách mạng [13] ”, theo đó bất kì một tên “tư sản” nào (kể các các giáo sư, luật sư, bác sĩ…) đều là kẻ thù giai cấp, “những kẻ uống máu nhân dân” và vì vậy đáng bị trừng phạt, kể cả xử bắn. Trong một thời gian ngắn tòa án cũ với pháp luật thời Sa hoàng vẫn được áp dụng, nhưng đấy là chỉ để giải quyết những tranh chấp dân sự.

Trước hết, chính quyền mới thiết lập các cơ quan đàn áp bên ngoài tòa án. Khởi kì thủy, ủy ban quân sự cách mạng tự mình thực hiện tất cả các chức năng: bắt, xử và kết án, bỏ tù hoặc xử bắn bất kì ai, không cần bất kì thủ tục và luật lệ nào. Ngay từ tháng 11 năm 1917 người ta đã thành lập Hội đồng chống phản cách mạng trực thuộc ủy ban quân sự cách mạng toàn Nga và tháng 12 thì thành lập ủy ban đặc biệt toàn Nga [14] . Các nhà luật học Liên Xô viết về ủy ban này như sau: “Cần phải nói rằng trong giai đoạn đầu (trước cuộc can thiệp của nước ngoài và nội chiến) ủy ban đặc biệt không có (hoặc gần như không có) quyền lực đặc biệt [15] …”. Chỉ có các luật sư Liên Xô mới có thể viết: ủy ban đặc biệt không có quyền lực đặc biệt! Đơn giản là quyền lực của nó không được xác định, nghĩa là không có giới hạn! Điều đặc biệt là bao giờ ủy ban đặc biệt cũng đóng trong các tòa nhà có tầng hầm rộng và sâu (ngân hàng, hãng bảo hiểm ..v.v..), nơi người ta có thể tra tấn, bắn giết, thường là ban đêm và bí mật mang xác đi chôn trong những nấm mồ tập thể [16] .

Tháng giêng năm 1918 xuất hiện các “tòa án cách mạng” với hình thức xét xử có vẻ công khai. Ngay việc bị đưa ra tòa án cách mạng đã có nghĩa là tội nặng rồi, tuy vẫn có những trường hợp được trắng án hoặc án nhẹ [17] .

Hệ thống tòa án để xem xét các vấn đề dân sự và hình sự, không có tính cách chính trị được thành lập vào cuối năm 1917 và ban đầu không có tính chất tập quyền: theo nghị định số 1 về tòa án thì tòa án địa phương có quyền giải quyết tất cả các vụ án, tòa án huyện phụ trách phúc thẩm. Năm 1918 tòa án khu vực được thành lập và sau đó thì tòa án phúc thẩm ở Moskva ra đời. Quan tòa và hội thẩm nhân dân do Xô viết địa phương, nghĩa là bộ máy Đảng “bầu”.

Nhưng trước hết các tòa án này là để phục vụ cho việc đàn áp, xin trích dẫn bài “Về những nhiệm vụ tiếp theo của chính quyền Xô viết” của chính Lenin: “Dần dần, khi nhiệm vụ chính không phải là đàn áp bằng vũ lực nữa mà là quản lí thì biểu hiện của đàn áp và cưỡng chế không phải là xử bắn tại chỗ mà là tòa án”.

Hệ thống tòa án hiện nay được xây dựng như sau: bậc thấp nhất gọi là “tòa án nhân dân” (cấp huyện hay thành phố). Thường thì tòa lại chia thành các tòa án khu vực với một thẩm phán, “trực thuộc” (người ta viết trên báo như thế) chủ tịch tòa án nhân dân. Các thẩm phán nhân dân do Xô viết cấp trên “bầu” (thí dụ thẩm phán tòa án huyện thì do Xô viết tỉnh bầu), các hội thẩm nhân dân thì do quần chúng bầu bằng bỏ phiếu công khai. Thẩm phán và hội thẩm Tòa án Tối cao (liên bang, nước cộng hòa, cộng hòa tự trị) do Xô viết tối cao tương ứng ”bầu” (thẩm phán – 10 năm, hội thẩm – 5 năm).

Ngoại trừ một số trường hợp do thẩm phán tự quyết định, tất cả các vụ án đều được một thẩm phán và hai hội thẩm có quyền lực ngang nhau xét xử.

Quân đội được các tòa án quân sự “phục vụ”, các tòa án này trực thuộc Hội đồng quân sự của Tòa án Tối cao Liên Xô.

Xin bỏ qua những “tam nhân”, “nhị nhân” và các “hội nghị đặc biệt” hồi những năm 30 mà sẽ mô tả một cách cụ thể hệ thống tòa án hiện nay vì nguyên tắc tổ chức của nó có thể được tìm thấy một cách dễ dàng trong các tác phẩm của các luật sư Liên Xô cũng như nước ngoài [18] . Tuy vậy cũng cần một thái độ có phê phán đối với các đánh giá về hoạt động của các tòa án vì tất cả các tác phẩm của Liên Xô đều có tính cách biện hộ (khác đi thì không thể nào xuất bản được), còn các tác giả ngoại quốc thì thường lại không biết các hoạt động hậu trường của tòa án.

O. Luchterhandt, trong bài điểm sách về tác phẩm của O. Ioffe, một cựu luật sư Liên Xô (hiện nay là luật sư Mĩ), đã phê phán tác giả là quá dè dặt trong việc sử dụng những “hiểu biết về hậu trường” của mình, cụ thể là nói quá ít về những “tòa án đặc biệt” làm cho độc giả phải thất vọng [19] . Tôi sợ rằng Ioffe chỉ làm bộ là ông ta bảo vệ bí mật của tòa án Liên Xô và chỉ nói những điều ông ta có thể nói về “tòa án đặc biệt” mà thôi. Các tòa án này bí mật đến nỗi chỉ những người trực tiếp tham gia mới có thể nói, nhưng họ sẽ không nói đâu. Các luật sư khác thì hoặc là không nắm được hoặc gần như không nắm được gì.

Theo tôi biết, qua những mẩu tin thu thập được một cách vô tình, thì từ “tòa án” đi kèm với từ “đặc biệt” có thể chỉ nhiều loại tòa án khác nhau. Tòa án đặc biệt có thể là tòa án trại giam nghĩa là tòa án xét xử tội trạng của tù nhân đang bị giam giữ. Đây là loại tòa án ít được giữ bí mật nhất và về hình thức thì nó được coi tòa án bình thường, nhưng tôi cũng chưa từng được đọc bất cứ tài liệu nào nói về hoạt động của nó cả.

Các tòa án trong các khu dân cư bí mật của Liên Xô cũng thuộc loại tòa án đặc biệt. Đa số dân chúng không biết gì, rất ít người biết rằng có những loại tòa án như vậy (“công khai hóa” chẳng thay đổi gì trong lĩnh vực này).

Có thể còn những loại “tòa án đặc biệt” khác nữa. Thí dụ nếu nhân viên KGB phạm tội hình sự hoặc tội phản bội tổ quốc… thì bị đem ra xét xử ở các toàn án binh bình thường.

Tất cả các thẩm phán đều là Đảng viên và vì là Đảng viên họ phải chấp hành kỉ luật Đảng nghĩa là nằm dưới quyền của “bí thư”, làm gì có chuyện độc lập của thẩm phán ở đây. Không thực hiện “chỉ thị” được coi là tội nặng nhất, kéo theo kỉ luật khai trừ khỏi Đảng hoặc cảnh cáo và lập tức bị miễn nhiệm.

Các nhà Luật học-Xô viết học phương Tây có thái độ phê phán đối với hệ thống tòa án Liên Xô cũng chỉ biết hệ thống này qua các tài liệu mang tính biện hộ chứ không biết các hoạt động hậu trường của nó. Thí dụ ông D. Khazard, một người khá nổi tiếng, đã tốt nghiệp khoa luật trường đại học Tổng hợp Moskva, không cho rằng áp lực của Đảng lên các tòa án là đặc trưng của hệ thống tòa án Liên Xô; ông ta khẳng định rằng tòa án Liên Xô tuân theo đường lối của Đảng, “nhưng quyết định của họ về những vụ việc cụ thể không bị áp đặt từ trên xuống [20] ”. Rõ ràng là ông ta không biết gì về “luật miệng”, thực chất của nó là không chỉ “anh hai” mà còn “anh ba”, “anh tư”… của huyện (của tỉnh, của trung ương thì tiếng nói càng có trọng lượng hơn), thậm chí giám đốc sở thương mại, nơi cung cấp lương thực thực phẩm cho con cái thẩm phán cũng có thể “hướng dẫn” (hay là “đề nghị”) thẩm phán qua điện thoại cách xử một vụ án hình sự hay dân sự mà họ quan tâm [21] .

Thẩm phán của các tòa cấp trên (kể cả kiểm sát viên) thường được bộ máy Đảng bổ nhiệm, có người trước đó chẳng có liên quan gì đến lĩnh vực pháp luật cả. Thí dụ sau khi Stalin chết, để loại Gorkin khỏi chức thư kí Chủ tịch đoàn Xô viết Tối cao, người ta đã “bầu” ông ta làm Chánh án Tòa án Tối cao Liên Xô mặc dù ông ta chưa từng học luật và chưa công tác trong ngành tòa án ngày nào.

Các thẩm phán tòa án cấp dưới không được bảo đảm về vật chất (năm 1989 lương trung bình của công nhân viên chức là 250 rub, trong khi lương thẩm phán là 180 rub), sống nghèo khổ như thế cho nên không điều luật nào về sự độc lập của thẩm phán có đủ sức ngăn chặn được “luật miệng”.

Các tòa án thường nằm trong các khu vực tệ hại nhất, thường là trong các tòa nhà sắp sập đến nơi; ngay ở Moskva cũng không có phòng chờ dành cho nhân chứng, họ phải ngồi đợi ngoài hành lang. Phòng làm việc của thẩm phán đồng thời là phòng họp của tòa vì vậy mà điện thoại, thậm chí điện thoại đặc biệt nối với các cấp lãnh đạo lúc nào cũng sẵn sàng [22] .

Chúng ta sẽ còn trở lại với tòa án và công tác xét xử vì nó liên quan đến pháp luật, ở đây chúng ta chỉ nói đến vị trí của tòa án trong hệ thống đàn áp và để tránh bị kết tội là thiên kiến (mặc dù chẳng thể nào tránh được) xin kết thúc phần này bằng những chỉ dẫn của Lenin bất tử, người sáng lập nhà nước cộng sản: trong thư đề ngày 17 tháng 5 năm 1922 gửi Kursky, dân ủy tư pháp, về dự thảo Luật hình sự, lãnh tụ yêu cầu: “đặt ra một cách công khai qui chế có tính nguyên tắc và chân thực về mặt chính trị (chứ không chỉ pháp lí) nêu rõ bản chất và biện minh cho sự khủng bố, nhu cầu và giới hạn của nó.

Tòa án không được bãi bỏ khủng bố; hứa hẹn điều đó là tự lừa dối, mà phải chứng minh và luật hóa nó về mặt nguyên tắc, rõ ràng, không dối trá, không thêu dệt”.

Amen!


Viện kiểm sát

Nói về đặc điểm của Viện kiểm sát, một cơ quan quan trọng của chế độ Xô viết, nên bắt đầu bằng một trong những tác phẩm hay nhất của Lenin liên quan đến vấn đề pháp luật, tức là bức thư đề ngày 20 tháng 5 năm 1922 của Lenin gửi Stalin để chuyển cho Bộ chính trị với nhan đề “Về sự phụ thuộc kép và luật pháp”. Nguyên do là đa số các ủy viên Ban chấp hành trung ương quyết định rằng Viện kiểm sát mà Lenin đang cho thành lập để tăng cường “quyền lực theo chiều dọc” phải được xây dựng theo nguyên tắc “phụ thuộc kép”, nghĩa là phụ thuộc cả trung ương lẫn chính quyền địa phương. Lenin phản đối quyết định đó, ông cho rằng quyết định đó “phản ánh quyền lợi và thành kiến của giới chức quan liêu địa phương”. Ông kiên quyết bảo vệ tính tập quyền.

Lenin đã thắng và cho đến nay Viện kiểm sát vẫn là cơ quan tập quyền, nó là tổ chức mà theo pháp luật là độc lập và không phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Tuy nhiên chiến thắng của Lenin làm tôi nhớ lại một câu chuyện tiếu lâm xưa như sau. Ở một làng kia, dân chúng chia làm hai phe khi xây dựng nhà tắm: một phe đòi bào những thanh gỗ lát sàn vì nếu không thì sẽ bị dằm đâm vào chân, phe kia nói rằng bào thì sẽ dễ trơn trượt và ngã. Họ liền đến gặp ông từ. Ông này đã đưa ra lời khuyên làm cho cả hai phe cùng hài lòng như sau: “Gỗ phải đem bào! Rồi đặt mặt đã bào xuống phía dưới!”. Các kiểm sát viên phải được “bầu” trong số các ủy viên ban chấp hành Đảng bộ cấp tương đương, như vậy anh ta nằm dưới quyền lãnh đạo của “anh hai” cùng cấp. Từ đó “anh hai”, như đã nói bên trên, không những có quyền chỉ đạo kiểm sát viên mà còn có thể tống khứ kiểm sát viên ra khỏi phòng làm việc của mình.

Tương tự như các nhà Luật học-Xô viết học đi tìm nguồn gốc tình trạng vô luật pháp và khủng bố ở Liên Xô, Lenin đã viết về “quan niệm ngàn đời và thói quen mọi rợ của người Nga muốn giữ luật pháp của tỉnh Kaluga khác với tỉnh Kazan.” Nếu một số nhà khoa học phương Tây (thí dụ như S. Kutrerov) hoàn toàn có lí khi cho rằng nền pháp chế “xã hội chủ nghĩa” có “một khoảng cách toang hóac giữa lời văn và thực tiễn” và nguyên tắc pháp chế chung nhất của tất cả các nước “xã hội chủ nghĩa” chính là nguyên tắc “cưỡng chế” thì những người khác (thí dụ J.N.Hazard), dựa vào logic hình thức phương Tây và “luật trên giấy” lại khẳng định rằng pháp chế và ổn định là cần thiết “ngay cả” đối với Trung Quốc và vì vậy việc vi phạm tính chất pháp lí không phải là đặc điểm của “pháp luật xã hội chủ nghĩa”.

Tất nhiên là tình trạng vô luật pháp gây cho nhà nước nhiều thiệt hại. Tất nhiên là các nhà cầm quyền muốn rằng mệnh lệnh của họ phải được thực hiện vô điều kiện, vì vậy những lời kêu gọi tuyệt đối tôn trọng pháp luật không ngừng được đưa ra, từ Lenin tới Gorbachev (kể cả thời Stalin). Đồng thời họ lại muốn được độc đoán, chuyên quyền. Hai cái này không thể nào sống chung với nhau được và vì vậy độc đoán, chuyên quyền và vô pháp luật luôn luôn thắng thế.

Về mặt hình thức thì chức năng của Viện kiểm sát là kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong tất cả các lĩnh vực, kể cả KGB, Bộ nội vụ, nhà tù… Nhưng trên thực tế vai trò của nó chỉ là khởi tố các vụ án hành sự và lãnh đạo việc điều tra (chuyện này hiện đang bị xã hội chống đối), nghĩa là nó đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đàn áp.

Nói về kiểm sát việc tuân thủ pháp luật thì trong suốt tiến trình lịch sử chưa bao giờ nó có ý kiến phản đối các vụ đàn áp tập thể và tình trạng vô pháp luật cả. Nếu có ai đó còn dẫn ra những thí dụ khác nữa thì cũng không phủ nhận được điều gì, hơn nữa, ở đây tôi lại xin trích dẫn Lenin: trong bức thư đã nói ở trên, Lenin tuyên bố: “Khác với tất cả các cơ quan hành pháp, viện kiểm sát không có quyền lực gì, không có tiếng nói quyết định về bất kì vấn đề gì”.


Dùng y tế để trừng phạt

Như đã nói, ở nước ta tất cả các cơ quan, kể cả những buổi họp nông trang, báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình đều tham gia vào việc đàn áp (xin hãy nhớ lại những vụ lăng nhục “các bác sĩ-sát nhân”, “những người theo chủ nghĩa quốc tế”, “những tên phá hoại”, rồi Pasternak, Brodsky và biết bao người khác). Người ta đã viết nhiều về việc sử dụng các bệnh viện tâm thần như một phương tiện đàn áp, thế mà các bác sĩ tâm thần Liên Xô (chính là họ!) không hề nhận trách nhiệm gì, cũng không hề sám hối, vẫn được phương Tây hoan nghênh và giữ được vị trí danh dự trong ngành tâm thần học thế giới.

Vì vậy tôi đã phân vân khá lâu trước khi đưa mục này vào cuốn sách. Y học là lĩnh vực nhân đạo nhất trong hoạt động của con người. Ở nước ta y học cũng làm những chức năng như ở tất cả các nước khác. Đa số bác sĩ, dù điều kiện sống và làm việc vô cùng khó khăn (bình thường một bệnh nhân được khám trong 8 phút; trong thời gian đó bác sĩ phải nghe bệnh nhân rồi viết vào sổ khám bệnh, khám và chuẩn đoán, lại phải viết vào sổ, ghi toa và liều dùng, rồi cũng phải ghi vào sổ…), không có thuốc và thiết bị vẫn dũng cảm vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tuy thế ngành y tế của chúng ta còn thực hiện cả chức năng đàn áp nữa.

Trazov, một người rất được lòng phương Tây, một bác sĩ của bộ máy Đảng và nhà nước Liên Xô, người đã được tặng rất nhiều huân huy chương, đã ra lệnh không được ghi những trường hợp nhiễm phóng xạ và các bệnh liên quan, kể cả các trường hợp tử vong, mà coi là các bệnh bình thường! Chả lẽ đây không phải là tội ác chống nhân loại, không phải là tội diệt chủng một cách cố ý chỉ vì nhà nước không muốn trả tiền bồi thường và không chịu thực hiện các biện pháp cần thiết ư? Chỉ mấy ngày sau thảm họa Trernobưl người ta đã buộc trẻ con Kiev tham gia biểu tình nhân ngày 1 tháng 5 để chứng tỏ vụ nổ không nguy hiểm trong khi bụi phóng xạ vẫn tiếp tục rơi! Các bác sĩ đã không kêu lên rằng: “Các người đang làm cái gì vậy?”, hàng ngàn bác sĩ nhẫn nhục thực hiện mệnh lệnh của Trazov: không chuẩn đoán là người ta bị bệnh phóng xạ mà đưa ra những chuẩn đoán giả. Không có sự giúp đỡ của họ thì mệnh lệnh của Trazov sẽ vĩnh viễn nằm trên giấy, nhưng họ đã là đồng phạm của hàng ngàn vụ giết người một cách cố ý. Họ là những bác sĩ!

Mãi đến bây giờ, sau 14 năm, khi tỉ lệ người bệnh và người chết đã đến mức khủng khiếp (nếu được chữa trị kịp thời thì đã ngăn chặn được nhiều trường hợp) cấp trên mới cho phép đưa ra chuẩn đoán đúng.

Số liệu về những người bị nhiễm xạ (theo một số nguồn tin là khoảng 4 triệu người) vẫn được giữ kín tại 3 vụ của Bộ y tế và Bộ quốc phòng Liên Xô.

Viện kiểm sát tỉnh Gomel đã khởi tố vụ án hình sự về vụ khám bệnh giả cho 50 ngàn người (trong đó có 5 ngàn trẻ em). Các bác sĩ, tuy không nhìn thấy người, đã ghi vào sổ sức khỏe của họ là không phát hiện được bệnh tật gì! Các cuộc khám nghiệm hiện nay cho kết quả: 100% trẻ dưới 3 tuổi, 62% trẻ dưới 7 tuổi, 13% trẻ dưới 15 tuổi bị bệnh thiếu máu; tuyến giáp trạng bị tổn thương làm nhiều người bị bướu cổ. Nhưng sau đó Viện kiểm sát đã hủy bỏ vụ án vì các bác sĩ chỉ làm theo lệnh của Bộ y tế (Sự thật thanh niên, ngày 15 tháng 9 năm 1990). Họ đã thực hiện mệnh lệnh!

Các bác sĩ thuộc viện tâm thần mang tên Serbsky đã từng tham gia đàn áp những người “bất đồng chính kiến” lại cũng tham gia chống lại những người bị nhiễm phóng xạ khi họ tố cáo là chuẩn đoán láo. Các bác sĩ tâm thần đã nói rằng họ bị… "tâm thần do nhiễm phóng xạ!”

Thế mà suốt 5 năm, cả Tổng thống, người rất được phương Tây kính trọng, cả các “nghị sĩ”, cả chính phủ đều không biết gì? KGB, không cái gì không biết, mà cũng bị che mắt ư?

Gần đây người ta đã cho công bố các biên bản của Bộ chính trị, hóa ra mức độ thiệt hại của thảm họa đã bị che giấu là do quyết định của chính tổ chức này.

Người ta vẫn còn sử dụng khoa tâm thần như một phương tiện đàn áp. Dĩ nhiên là sử dụng khoa tâm thần vào các mục đích chính trị đã giảm nhiều vì trước hết là việc dân chủ hóa các quan điểm và thứ hai là do sự tăng cường chú ý của xã hội. Nhưng tại các địa phương bệnh viện tâm thần vẫn thường xuyên được sử dụng để trấn áp những người “gây nhiễu”. Thí dụ một người dân làng Slavkino tên là Iu. Sobolev có ý định phát biểu chống lại “anh hai” của tỉnh Ulianovsk tại cuộc họp vận động bầu cử. Theo lệnh của “anh hai” huyện, Sobolev bị đưa vào nhà thương điên nhưng sau đó trốn ra được. V. Kalamov, người bác sĩ “chuẩn đoán” cho Sobolev, sau đó đã giải thích: “Người ta hạ lệnh như thế, biết làm sao được?” (Tin tức ngày 28 tháng 6 năm 1989).

Đạo đức của các bác sĩ đã thấp đến mức không thể thấp hơn được nữa. Khi việc sản xuất ma túy với số lượng lớn chưa được tổ chức thì các nhân viên ngành y là những người cung cấp chính chất gây nghiện này. Họ cũng đầu cơ các loại thuốc quí hiếm bằng cách ăn cắp từ các bệnh viện, các phòng khám và nhà thuốc. Gần một nửa bệnh nhân AIDS (trong đó có cả trẻ em ẵm ngửa) là do các bác sĩ gây ra trong quá trình truyền máu tại bệnh viện.

Trong các năm 1988 -1989 gần 33 ngàn nhân viên y tế đã bị khởi tố (Tin tức ngày 17 tháng 10 năm 1990).


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]toàn tập luật pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga,1917, số 3, trang 33
[2]toàn tập luật pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga, 1917, số 5, trang 70
[3]Báo cáo của tòa án quân sự hạm đội Baltic về những người bị kết án năm 1919. Thành phần giai cấp như sau: công nhân, nông dân – 871 người, trí thức – 173 người, tư sản – 5 người, nghĩa là ít hơn 0,5%. Về Đảng tịch còn đáng quan tâm hơn: 801 người không Đảng phái, những kẻ đồng loã (có thể là các Đảng viên Melsevik và các Đảng phái khác) – 17 người, bạch vệ - 3 người (ít hơn 0,3%), Đảng viên cộng sản – 196 người, nghĩa là gần 20%.   М. Zinger. Báo cáo của tòa án quân sự hạm đội Baltic. Petrograd. 1921
[4]H. Weber "Weisse Flecken" in der Geschichte. Die KPD - Opfer der Stalinschen Säuberungen und ihre Rehabilitierung. ISP. 1990. Xem thêm bài giới thiệu cuốn sách của Weber của tôi trên tạp chí Lịch sử hiện đại, 1990, số 2.
[5]Chỉ xin nêu hai cuốn sách nổi tiếng của John Barron đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng: KGBKGB ngày nay.  
[6]Xem V. Suvorov, Acvarium, London, 1989.
[7]Từ điển bách khoa, tập 1, М., 1953, trang 336
[8]Mọi người đều biết rằng ngân sách quân sự được công bố chính thức là một sự giả mạo. Ngoài ra nó chỉ liệt kê các chi phí quân sự trực tiếp. Nhưng thí dụ nhà máy may bình thường, vẫn cho ra những bộ quần áo hợp thời trang cho phụ nữ lại cũng may cả quân phục nữa. Nhà máy sản xuất ô tô cũng đồng thời sản xuất cả xe bọc thép v.v…
[9]"Đáng tiếc là nền kinh tế của chúng ta chưa thể từ chối việc sử dụng các quân nhân chuyên về xây dựng được”, thiếu tướng pháp chế V. Katunin nói (báo Tin tức, ngày 1 tháng 10 năm 1989.
[10]Tổ chức Mẹ chiến sĩ xác định rằng mỗi năm có gần 7 ngàn người lính tử vong (cả một sư đoàn!) hay là gấp 4 lần số quân nhân thiệt mạng tại Afghanistan. Các bác sĩ và kiểm sát viên thường che giấu nguyên nhân thật sự của các vụ tử vong đó.
[11]Người ta cho rằng 75% các băng nhóm tội phạm được người của Bộ nội vụ bao che, 5% được người của KGB bao che (Người đoàn viên Moskva, ngày 20 tháng 12 năm 1991).  
[12]А. Lukianov, nguyên chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, khi còn là ủy viên trung ương phụ trách các cơ quan “bảo vệ pháp luật” đã khoe rằng ông ta đã bác bỏ lời buộc tội của các luật sư phương Tây rằng nước ta là nhà nước cảnh sát bằng cách nói rằng tỉ lệ cảnh sát viên chia cho đầu người ở nước ta thấp hơn các nước dân chủ phương Tây.  
[13]Lenin nói về nhiệm vụ của các tòa án tại đại hội Đảng VIII như sau: “Xét xử trên cơ sở nhận thức pháp lí của các giai cấp cần lao thì ai cũng làm được”, nghĩa là không cứ phải là luật sư.  
[14]Nó có một cái tên rất dài, bắt đầu bằng “ủy ban đặc biệt toàn Nga nhằm đấu tranh chống lại bọn phản cách mạng…”. Lúc đó có rất nhiều “ủy ban đặc biệt” được thành lập, nhưng nhân dân chỉ nhớ có một.  
[15]Lịch sử nhà nước và pháp luật Liên Xô, phần 2, М., 1981, trang 45. Giáo sư Iu. Titov nhận được bằng tiến sĩ cho luận án ca ngợi hoạt động của các tòa án cách mạng, coi đấy là hình mẫu của việc xét xử.  
[16]Những vụ xử bắn như thế được tường thuật trong tác phẩm Shepka của nhà văn V. Zazubrin, một nhà văn khá nổi tiếng thời đầu cách mạng, ông là một nhân chứng, mà cũng có thể là một người trực tiếp tham gia các vụ xử bắn đó. Tác phẩm này mới được in lần đầu tiên trên tờ tạp chí Ngọn lửa Siberia, số 2, năm 1989. Còn chính nhà văn thì bị xử bắn vào năm 1937.  
[17]Một trong những vụ điển hình: đô đốc Shasky đã cứu được hạm đội Baltic, không để rơi vào tay quân Đức và trong những điều kiện băng giá khắc nghiệt ông đã đưa được hạm đội về Kronshtadt. Nhưng theo chỉ thị của Trotsky, ông bị đưa ra tòa án binh và bị bắn vào ngày 22 tháng 5 năm 1918! Các nhân chứng ủng hộ Shasky không được phát biểu tại tòa. Chỉ có một nhân chứng được nói, đấy là Trotsky. Trong bản án có câu: “Shasky đã thực hiện một hành động anh hùng và như vậy đã tạo cho mình danh tiếng để sau này chống lại chính quyền Xô viết”! Cũng vì những bản án giả mạo mà Dumenko, người tổ chức quân đoàn kị binh số 1 và toàn bộ bộ tham mưu bị xử bắn. Budennưi và Voroshilov, những kẻ tố giác thì được vinh danh là những người thành lập đạo quân này.
[18]Xem, thí dụ, tác phẩm của S. Kucherov. Organs of Soviet Administration of Justice. Leiden.1970
[19]O. Luchterhandt – "O. loffe. Soviet law and Soviet Reality", Osteuropa Recht, 1989, H. 2., S. I 47-149.
[20]J. N. Hazard Communists and their Law. Chicago, 1969, p.92- 93
[21]Một thí dụ thời “cải tổ”: chính quyền địa phương và báo chí tạo áp lực với thẩm phán về vụ án mà giám đốc một nhà máy muốn có bản án như ý. Chánh án bị đe dọa tính mạng, người ta còn tổ chức cả những buổi mít tinh (“dân chủ”). Trong bài báo có nói đến một cái điện thoại để trong góc phòng thẩm phán: “không cần quay số, nối trực tiếp đến phòng bí thư khu ủy. Dĩ nhiên là cũng chỉ có ông ta gọi đến số này thôi, bây giờ thì ít hơn, không phải như ngày xưa nữa” (Tin tức, ngày 20 tháng 10 năm 1989.
[22]Tôi đã từng là hội thẩm nhân dân trong một buổi thảo luận về một vụ án hính sự và thấy bà thẩm phán gọi điện cho một cán bộ của tòa cấp trên để tham khảo về vụ án mà chúng tôi vừa xét xử công khai và thỏa thuận với ông ta bản án. Cần phải nói thêm rằng nếu tòa phúc thẩm mà hủy bản án thì cả thẩm phán của phiên tòa, cả cán bộ cấp trên “theo dõi” cũng bị coi là có lỗi cho nên họ phải thỏa thuận trước như thế. Khó mà có thể tìm thấy trong sách báo Liên Xô và phương Tây hệ thống “theo dõi” này. Vì tôi cực lực phản đối bản án, chánh án quyết định đưa phạm nhân đi giám định tâm thần. Năm 1948 tôi được biết một vụ án hình sự liên quan đến viên bí thư sứ quán Anh. Tình nhân của ông ta, một nhân viên người Nga trong sứ quán, bị kết án “đầu cơ” (chắc chắn là cô ta hay ông ta không chịu hợp tác với KGB). Cô ta đã bán một số tặng phẩm nước ngoài, điều kiện lúc đó rất khó khăn. Đấy được coi là đầu cơ. tòa án có hai phòng xử án, nhưng lại có một phòng nghị án và như vậy phòng này có hai cửa ra vào. Khi tòa rời khỏi phòng xét xử để vào phòng nghị án thì từ cửa thứ hai có một số cán bộ KGB bước vào tham gia (bản án đã được xác định trước khi xét xử).

Nguồn: Nguyên bản tiếng Nga: http://lit.lib.ru/t/tille_a/text_0010.shtml