© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
1.1.1990
Hoàng Hưng
Đầu thiên niên kỷ mạn đàm về Thơ Trẻ
 
Gợi hứng cho bài này là một đêm thức trắng vào những ngày cuối thiên niên kỷ cũ. Sau vài năm không gặp, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từ Hà Nôi bất ngờ ào đến nhà tôi tận TPHCM lúc 8 giờ tối, cùng hai nhà thơ nữa một trẻ một xồn xồn. Anh hào hứng nói về một "hiện tượng thơ mới" mà theo anh đúng là "trẻ thứ thiệt", từ đấy đề tài thơ trẻ trở thành nội dung tranh cãi hết sức sôi nổi, Cuộc tranh cãi được hai chai rượu tiếp sức kéo một mạch đến năm giò sáng hôm sau chưa kết thúc, "chàng Nguyễn đồng dao" miễn cưỡng về khách sạn với lời đe doạ lặp lại nhiều lần: "Ông đừng có dạy dỗ gì con ông hết, tôi ra Bắc sẽ đi tuyên bố khắp nơi rằng ông Hoàng Hưng bây giờ "tê tê" rồi!" ("tê tê" là từ Tạo ngẫu hứng đặt ra để chỉ những người tưởng cách tân té ra là cổ hủ, thích "xoa đầu" lớp trẻ).

Vậy thì xin bắt đầu bằng ý Nguyễn Trọng Tạo. Anh khẳng định hai điều: sự đổi mới thơ phải trông cậy vào lớp trẻ, và cái mới ấy chính là đàng hoàng khẳng định "cái tôi" không còn rụt rè ấp úng như các chú các anh. Anh coi "hiện tượng" Vi Thùy Linh, nữ tác giả tập "Linh" vừa ra mắt gây xôn xao làng thơ VN là tín hiệu mạnh mẽ của sự khẳng định ấy. Một vài cái tên khác được anh đặt hy vọng là Văn Cầm Hải (Huế), Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh (TPHCM).

Chẳng phải ngẫu nhiên, chỉ ít ngày sau đó, Ðài Truyền hình TPHCM, theo sáng kiến của nhà thơ Lê Xuân Ðố, làm một việc chưa từng có: tổ chức quay một chương trình thơ chào Xuân thiên niên kỷ mới gồm toàn các gưong mặt tuổi hai mươi từ khắp miền đất nước. Hai nhà thơ "già" Chim Trắng và Ý Nhi dẫn chương trình và bình luận.

Ý Nhi khẳng định ngay: "Không có nhà thơ già, nhà thơ trẻ; chỉ đơn giản là nhà thơ mà thôi...Các nhà thơ tài năng ngay từ lúc 16,17 đã vững vàng, họ không chờ đợi một sự chiếu cố nào". Tuy nhiên trong thực tế người ta vẫn sử dụng khái niệm "họa sĩ trẻ, nhà thơ trẻ..." vì "những ngưòi trẻ tuổi ấy thực sự có một vai trò trong đời sống văn học. Với tuổi trẻ, khát vọng sáng tạo, khát vọng tìm đường mãnh liệt. Trong lịch sử văn học, các trào lưu, trường phái ra đời từ những nhóm ngưòi trẻ tuổi này. Sự đóng góp của họ không chỉ trong văn học nghệ thuật mà còn tác động đến chính sự phát triển xã hội mà họ đang sống". Trong thực tế văn học nước ta, Ý Nhi có ý muốn coi khái niệm "nhà thơ trẻ" ứng vào những người viết sau năm 1975, đặc biệt là từ thời mở cửa (khoảng từ 1985,1986). Theo chị,"các nhà thơ thế hệ này không còn những ràng buộc, những lo âu của thế hệ trước. Không ai hỏi họ vì sao làm thơ không vần, thơ ba câu hoặc hai câu.không ai phê phán họ vì sao chỉ viết thơ tình...Thế hệ này nói chung được học hành tử tế, được tiếp xúc với văn hóa thế giới rộng rãi. Nghĩa là họ đã có đủ những điều kiện để bộc lộ tài năng và có thể tạo nên những bùng nổ, những biến chuyển." Ý Nhi nhận định : "Họ đã là một lực lượng, đã có những tên tuổi, đã có nhiều giọng điệu. Người đọc đã nhắc đến Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Quyến, Ngân Hoa, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thu Nguyệt, Vi Thùy Linh..."

Nhà thơ Chim Trắng lại muốn giới hạn "thơ trẻ" ở "thơ của thế hệ mới xuất hiện vào thập kỷ cuối thế kỷ 20". Ông cho là những người xuất sắc nhất trong bọn họ "muốn mới, muốn làm điều gì khác, rõ ràng muốn không đi theo vết xe cũ". Vi Thùy Linh tạo cho ông ấn tượng mạnh vì "mới 18-20 tuổi mà dữ dội, dám viết, dám nói những điều chưa chắc trúng nhưng có những điều cũng hay, có sức truyền cảm mạnh". Ông so sánh: nhiều ngưòi khác cũng làm thơ tự do nhưng không mới, thấy rõ ảnh hưởng siêu thực Pháp, khó hiểu...còn Linh hình như "không ảnh hưởng ai". Ly Hoàng Ly lại khác hẳn, muốn đi cách riêng nhưng vẫn vương vấn với truyền thống, vẫn giữ cái tế nhị, cảm động của người con gái cũ. Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Danh Lam... phần nào cũng thể hiện khao khát thay đổi.

Tuy nhiên, các nhà thơ trẻ đã thực sự làm nên một thế hệ trong cảm xúc và thi pháp hay chưa? Chim Trắng cho rằng: "Có những điều làm ngạc nhiên nhưng còn phải chờ đợi cho hoàn hảo con đường mới của họ". Ý Nhi thì "kỳ vọng ở họ nhiều hơn những gì họ đã làm được. Chưa có bùng nổ, chưa có một biến chuyển thực sụ". Nhớ cách đây bảy tám năm, đặc san Xuân Lao Ðộng in bài "Thơ VN đang chờ phiên đổi gác" của người viết bài này, với những ghi nhận cổ vũ đầu tiên và hy vọng lớp nhà thơ trẻ có thể nhận "chuyển giao thế hệ" vào thế kỷ mới, bài báo đã có ngưòi phản ứng coi như một lời kêu gọi phủ nhận truyền thống. Nhưng thế kỷ mới, hơn nữa, thiên niên kỷ mới đã tới, mà hình như...kíp gác mới vẫn chưa hình thành! Những yếu tố mới còn lác đác và khiêm nhường, những tài hoa dường như không mấy khi phát triển thành tài năng thật sự và báo chí vẫn tràn ngập những cây"bút mới" già nua cũ kỹ.

Vì sao thế nhỉ? Nhà thơ Ý Nhi tự hỏi: "Phải chăng vì trong sâu thẳm của tâm hồn, họ vẫn còn khá nhiều ràng buộc, ràng buộc một cách không ý thức?".Phải chăng, nói rõ hơn, vì những ngưòi trẻï còn quá kính cẩn giữ "lễ", hoặc không đủ bản lĩnh để thoát ra, chưa nói để phủ định? Nhà thơ Chim Trắng nói: "Cái sau phải phủ định cái trước để mới, đó là cách mạng" (Chắc khỏi cần nói rõ "phủ định" và "cách mạng" ở đây dùng với nghĩa triết học, mỹ học, không phải là phủ nhận, xóa bỏ những thành quả của cha anh).
"Hiện tượng Vi Thùy Linh" đang gây dư luận trái ngược trong giới cầm bút. Tất nhiên nếu tập thơ "Linh" chỉ là những lời "ca tụng bản năng, ám thị thân thể" như tác giả của nó từng tuyên bố thì cũng chả có gì đáng khen hoặc chê (mười năm trước thì "thành vấn đề" đấy,nhưng đến giờ thì hình như giải phóng bản năng là dễ chấp nhận nhất trong các khát vọng giải phóng); bút lực, sựï già dặn trong suy nghĩ và nghề thơ của cô đáng quí nhưng cũng chưa đến mức phải xuýt xoa; chính cảm hứng cuồng nhiệt phơi trần cái "Linh" của nữ tác giả 20 tuổi này mới làm người ta bàn tán.

Dù được coi là táo bạo hay liều lĩnh, tuyên ngôn "cái tôi" ấy có thể coi là tín hiệu xuất phát của một thế hệ mới chăng? Tuy nhiên, để có một thế hệ mới trong nghệ thuật, cái bản năng phải được hướng đạo bởi một ý thức xã hội mới, tư duy triết học-mỹ học mới, như trường hợp "thơ mới" trước 1945 hay thơ kháng chiến sau 1945, thơ Sài Gòn sau 1954. Trong tình trạng "nhập nhằng" kéo dài của xã hội VN hịện nay, khó có thể trông đợi nhiều hơn ở lớp trẻ. Ðấy là chưa nói đến tình trạng ít lo toan trau giồi tri thức chung và những tri thưc liên quan trực tiếp đến thơ, có thể vì những quan niệm thơ theo chủ nghĩa bản năng, chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa dân dã...vẫn đang chiếm địa vị chủ đạo trên thi đàn? Ðiều ấy chắc chắn góp phần không nhỏ tạo nên tính nghiệp dư, tính phong trào của thơ trẻ, và không chỉ của thơ trẻ. Riêng cái việc cả một đất nước có nghìn năm thơ, hơn 70 triệu dân, mà không có nổi một tạp chí chuyên ngành của thơ, cũng nói lên điều gì lắm chứ!

Ông Henri Deluy là chủ tịch Liên hoan thơ quốc tế Val-de-Marne (Pháp). Có dịp đi Trung Quốc nhiều lần, tiếp xúc nhiều với các nhà thơ trẻ nước này, ông cho biết họ rất thông hiểu về thơ đương đại thế giới. Các nhà thơ trẻ của VN thì sao?