© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
5.12.2006
Trần Hữu Thục
Về cuốn Từ điển nhân danh, địa danh và tác phẩm văn học nghệ thuật Trung Quốc
 
Đó là một bộ từ điển gồm hai cuốn, dày 2000 trang, bìa cứng, cách trình bày sáng sủa, công phu, đẹp đẽ. Nhìn vào là thấy ngay tính chuyên nghiệp của soạn giả và của cơ sở in ấn, từ ngoài vào trong, từ đầu đến cuối. Chữ Việt, chữ Hán rõ ràng, sắc sảo, bố cục lại rất khoa học. Tác giả là bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, hiện đang cư ngụ tại Houston, bang Texas, Hoa Kỳ. Từ ngày ra đời (Ấn bản I năm 2000, ấn bản II tháng 4/2006) đến nay, đã có nhiều bậc thức giả như tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh (nhà văn Toàn Phong), giáo sư Đàm Trung Pháp, ông Nguyễn Gia Bảo, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, giáo sư Tiển Sùng Kỳ… viết bài giới thiệu, đánh giá cao về học thuật cũng như về phẩm chất công việc của tác giả.

Từ điển nhân danh, địa danh & tác phẩm văn học nghệ thuật Trung Quốc (viết tắt là Từ điển) là một cuốn từ điển “lạ”, khác hẳn với những tự điển thông thường ta biết. Nó vừa là một cuốn từ điển về văn hóa, lịch sử, địa lý lại vừa là một cuốn từ điển về ngôn ngữ. Ta có thể tìm thấy hàng ngàn tài liệu liên hệ đến con người, đất nước và các sự kiện nổi bật trong lịch sử Trung Quốc từ cổ chí kim trong lúc về phương diện ngôn ngữ, đó là một cuốn từ điển Anh – Pin Yin – Hán – Việt mà đồng thời cũng là từ điển Việt – Pin Yin – Hán – Anh.

Nhưng trước khi đi xa hơn, ta hãy đọc một vài đoạn tiếng Anh như sau:
Đọc những đoạn trên, chắc chắn không ai khỏi ngỡ ngàng vì không biết người ta muốn nói đến nhân vật nào. Tra cứu trong cuốn Từ điển, ta tìm ra ngay: Zhuge Liang là Gia Cát Lượng, Zhuge Kong Ming là Gia Cát Khổng Minh, và từ đó ta sẽ biết "The Hidden Dragon" là “Phục Long” và "Crouching Dragon" là Ngọa Long, hai biệt danh khác của Khổng Minh. Meng Hao Jan là Mạnh Hạo Nhiên, Hsuan Tsung là Huyền Tông, Lu Xun là Lỗ Tấn, Cao Cao là Tào Tháo. À, ra thế!

Những cái tên như trên được viết bằng thể Pin Yin, ta cứ gặp dài dài trên sách báo Anh, Pháp, Mỹ mỗi khi đề cập đến Trung Quốc. Khi không cần, ta có thể làm lơ, bỏ qua. Nhưng khi cần, dù chỉ là một từ thôi, mà nếu không hiểu để chỉ ai hay nơi chốn nào, ta như bị chửng lại vì nguyên cả đoạn văn (đôi khi cả bài văn) đâm ra tối nghĩa. Phương chi nếu ta gặp cả một loạt tên như thế thì đành bỏ cuộc. Vài năm trước đây, tôi có đọc một cuốn bút ký có tựa đề là Ultimate Journey của Richard Bernstein kể lại chuyến du hành của ông ta lập lại toàn bộ lộ trình thỉnh kinh của thầy Huyền Trang đời Đường. Thấy cuốn sách khá lý thú, tôi có ý định viết một bài về nó. Trở ngại lớn nhất là sách có vô số những nhân danh địa danh Trung Quốc đã được “Tây hóa”, chẳng hạn như Fa Xien, Li Yuan, Zheng He, Ban Chao, Chang An, Xian, Lanzhou, Gan Su vân vân và vân vân. Đã thế lại có những cụm từ thuần Anh như “The Big Wild Goose Pagoda”. Trong số đó, tôi suy đoán được một vài chữ như “Chang An” là Tràng An hay “Xian” là Tây An sau nhiều tra cứu vòng vo, mất rất nhiều thì giờ. Còn những chữ kia thì đành chịu.

Với cuốn Từ điển này, tôi tìm ra ngay Fa Xien là nhà sư Pháp Hiển, Li Yuan là Lý Uyên, tục danh của người sáng lập ra triều đại nhà Đường, Lanzhou là Lan Châu, Gan Su là tỉnh Cam Túc, Zheng He là Trịnh Hòa, Ban Chao là Ban Siêu còn “The Big Wild Goose Pagoda” là Đại Nhạn Tháp. Không những ta biết được tên mà còn biết rõ lai lịch, nguồn gốc và nhiều chi tiết bổ ích khác. Đọc lại cuốn sách tôi tự tin hơn và sáng sự lẽ ra nhiều. Nhiều tên Tây, khi tìm ra chữ Hán liên hệ và âm Việt, tôi cảm thấy thích thú như tìm được một chữ đắc ý cho một câu thơ.

Ấy, những cái tên bằng âm Việt như trên nghe quen thuộc và gần gũi với hầu hết người Việt y như thể chúng ta đã biết chúng từ bao giờ. Dù trong thực tế, có thể là rất nhiều người hoàn toàn không biết những địa điểm trên là ở đâu, các nhân vật đó làm gì và liên quan đến những sự kiện lịch sử trọng đại nào.

Như ta biết, nhân danh và địa danh là những danh từ riêng chỉ dùng cho chính nó, khi cần chuyển ngữ thì ta có thể, hoặc là để nguyên như Albert Camus, Abraham Lincoln, Albert Einstein, Sigmund Freud hoặc là biến hẳn thành tiếng Việt như Ba Lê, Hoa Thịnh Đốn, Hương Cảng, Anh Cát Lợi, Bảo Gia Lợi, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Trước đây (và hiện nay vẫn còn rải rác đâu đó trên vài tờ báo trong nước) nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc chủ trương Việt hóa một trăm phần trăm các danh từ riêng nước ngoài, chẳng hạn như Nixon, Johnson, Chopin, New York, Shakespeare, Arthur Rimbaud hay Alfred de Musset thành Ních-xơn, Giôn-xơn, Sô-panh, Niu I-ooc, Sếch-xpia, Ác-tuya Rem-bô và An-phrê đơ Muy-sê. Dù sao, do tiếng Việt đã được La-tinh hóa, nên chuyển từ Nguyễn Huệ ra Nguyen Hue hay từ Arthur Rimbaud thành Ác-tuya Rem-Bô, ta cũng còn tìm thấy chút hao hao giữa hai từ.

Người Trung Quốc, do quá khác xa về mặt cấu trúc ngôn ngữ với Tây phương, phải chuyển các danh từ Anh hay Pháp ra tiếng Trung Hoa chẳng giống gì với chữ gốc, lắm lúc làm ta phải ngỡ ngàng. Chẳng hạn Karl Marx thành ra 馬克斯, tài tử Henry Fonda thành ra 方 逹. Mượn chữ để phát âm. 馬克斯 phát âm là ma ke si không khác gì lắm với chữ Karl Marx, 方 逹 phát âm là fang ta, không khác gì lắm với chữ Fonda. Chỉ khi người Việt chuyển âm từ chữ Hán ra tiếng Việt: ma ke si thành Mã Khắc Tư và fang ta thành Phương Đạt thì mới là khác nhau một trời một vực! Trước đây, tôi vẫn thường thắc mắc không hiểu từ đâu chúng ta lại có những từ như Hoa Thịnh Đốn, Ngưỡng Quang, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan, Thổ Nhĩ Kỳ vì trông ra chúng chẳng có liên hệ gì với những Washington, Rangoon, Canada, New Zealand, Turkey. Khi võ vẽ tự học chữ Hán và Pin Yin, tôi mới “ngộ” ra là con đường chuyển từ Tây sang Việt phải kinh qua Tàu. Đúng là “tam sao thất bổn”! Khổ nỗi, dùng lâu ngày quen đến độ, ta cảm thấy nói Ngưỡng Quang hay Gia Nã Đại đôi khi nghe thân tình và khoái hơn là nói Rangoon hay Canada.

Cũng thế, người Tây phương, khi gặp các nhân danh địa danh của Trung Hoa, họ La-tinh hóa dựa theo âm để biến thành những danh từ riêng hoàn toàn không giống gì với nguyên gốc. Đó là những cái tên mà chúng ta vừa nêu ra ở trên như Zhuge Liang, Meng Hao Jan, Hsuan Tsung, Lu Xun, Cao Cao hoặc có khi họ dịch ra nghĩa từng chữ như 大 雁 塔 (Đại Nhạn Tháp)thành ra “The Big Wild Goose Pagoda” (Chùa Con Ngỗng Trời Lớn). Cũng có khi họ dùng những cách chuyển đổi không theo hệ thống nào như The Great Wall of China để chỉ Vạn lý Trường thành, Port Arthur để chỉ cảng Lữ Thuận, Mencius để chỉ Mạnh Tử, Confucius để chỉ Khổng Tử.

Có nhiều cách La-tinh hóa nhưng hai hệ thống sau đây là phổ biến nhất hiện nay:
  1. Hệ thống Wade-Giles: có khi gọi tắt là Wade, là một hệ thống la tinh hóa tiếng Hán vào giữa thế kỷ 19, lúc đầu do Sir Thomas Wade sáng chế và sau hoàn tất với cuốn từ điển Hán-Anh do Harbert Giles hợp soạn, xuất bản năm 1892. Đây là hệ thống chuyển ngữ chính cho những người nói tiếng Anh trong suốt thế kỷ 20, thay thế cho các hệ thống la tinh hóa dựa vào cách phát âm ở Nam Kinh được dùng trong thế kỷ 19. Hệ thống Wade-Giles hiện nay vẫn được chính thức sử dụng tại Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) với một số cập nhật cần thiết.

  2. Hệ thống Pin Yin: do nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Cộng) soạn từ năm 1953, được thông qua vào năm 1958 và chính thức sử dụng vào năm 1959. Đó là một hệ thống la tinh hóa tiếng Quan Thoại tiêu chuẩn, gọi chung là “Hán Ngữ Phanh Âm Phương Án” - 漢 語 拼 音方 案 - (Scheme of the Chinese Phonetic Alphabet), thay thế hoàn toàn các hệ thống cũ. Đến năm 1979, hệ thống này được tổ chức ISO (International Organization for Standardization) thừa nhận là hình thức la tinh hóa tiêu chuẩn cho tiếng Trung Quốc hiện đại. Chính quyền Singapore xem Pin Yin là quốc ngữ. Đồng thời, nó cũng được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ và nhiều định chế quốc tế khác thừa nhận. Nó trở thành một phương pháp rất tiện dụng cho người Trung Hoa học chữ Hán và cho các học giả và những ai muốn học tiếng Hán như là ngoại ngữ.
Sau đây là vài thí dụ cho thấy sự khác biệt giữa hai hệ thống:

Shuǐhǔ Zhuàn (Pin Yin); Shui Hu Chuan (Wade-Giles) = Thủy Hử Truyện

Jiāng Zémín (Pin Yin); Chiang Tse-min (Wade-Giles) = Giang Trạch Dân

Zhūgě Liàng (Pin Yin); Chu-ko Liang (Wade-Giles) = Gia Cát Lượng

Hệ thống Pin Yin có 4 dấu thanh đặt phía trên nguyên âm (như trong tiếng Việt) hoặc dùng các số 1,2,3,4 đặt kế sau mỗi âm để phân biệt các tiếng đồng âm. Tuy nhiên, cuốn Từ điển này theo soạn giả, “không phải là cuốn sách dạy phát âm tiếng quan thoại nên, giống như sách Tây phương La Mã hóa danh từ Trung Quốc, tôi không ghi những chú âm phù hiệu” [1] .

Hiện nay, do Đài Loan vẫn còn sử dụng hệ thống Wade-Giles và do tất cả các tài liệu cũ trong thế kỷ trước đều được viết dưới hệ thống đó, nên người ta dùng lẫn lộn cả hai hệ thống. Nhưng cần lưu ý rằng, trong lúc hệ thống Wade-Giles là do người Tây phương sáng chế để cho họ dùng, thì hệ thống Pin Yin do chính người Trung Hoa sáng chế ra nhằm mục đích quốc tế hóa ngôn ngữ của họ, nên cách phát âm của nó chuẩn hơn. Nhờ thế, người Trung Hoa học dễ dàng mà người nước khác học tiếng Trung Hoa cũng dễ dàng. Tiện hơn nữa là người ta có thể học nói tiếng Trung Hoa bằng cách sử dụng Pin Yin mà không cần phải qua chữ Hán, đã khó viết lại không cho ta một mối liên hệ nào giữa chữ và âm.

Trong thời gian gần đây, thể Pin Yin được cài đặt sẵn trong phần mềm Microsoft Word cũng như trong máy vi tính để ai cũng có thể sử dụng chữ Hán một cách dễ dàng, đọc cũng như “viết” (hoặc paste). Các từ điển tiếng Hán đủ loại, có thể download miễn phí từ trên mạng Internet, giúp ta tra cứu từ Anh sang Hán, từ Hán sang Anh, chuyển từ chữ Hán phồn thể (traditional ) sang giản thể (simplified) và ngược lại. Ta cũng có thể tìm ra cách phát âm Pin Yin dễ dàng cho bất kỳ chữ Hán nào. Và ngược lại, nếu biết chữ và biết 4 dấu thanh Pin Yin, ta có thể “viết” chữ Hán bằng cách chỉ cần gõ chữ Pin Yin vào máy là ta có ngay chữ Hán tương ứng trên màn hình một cách ngon lành y như là một tay “Hán rộng” vậy. Có website còn giúp ta tra chữ Hán bằng nét (strokes) hay bộ (radicals). Ngoài ra, một số các websites bằng Anh ngữ còn cho kèm theo chữ Hán mỗi khi đề cập đến những nhân danh, địa danh hay những từ ngữ có tính chất đặc thù Trung Hoa. Đặc biệt, website Wikipedia, The Free Encyclopedia bằng Anh ngữ có rất nhiều tài liệu về lịch sử, văn học, chính trị Trung Hoa thường kèm theo chữ Hán, cùng những phiên âm Wade-Giles và Pin Yin.

Chính vì hai hệ thống phiên âm ấy và những phiền hà do chúng đem lại cho người Việt chúng ta khi đọc sách báo Anh Mỹ mà có cuốn từ điển độc đáo này của BS Hoàng Xuân Chính [2] . Dù cách sắp xếp chính dựa vào thể Pin Yin, nhưng ta vẫn có thể tìm một địa danh hay nhân danh bằng tiếng Việt ở bản đối chiếu Việt – Pin Yin, xếp theo mẫu tự La-tinh ở cuối sách.

Như cái tựa đề khá dài dòng, cuốn sách chứa đựng hàng ngàn danh từ riêng Trung Quốc liên hệ đến nhiều lãnh vực khác nhau:
Với mỗi nhân, địa danh như thế, tác giả lần lượt ghi theo phiên âm Pin-Yin (dòng 1), rồi phiên âm Wade-Giles (dòng 2) kèm theo phần chữ Hán (phồn thể) phía bên phải. Và cuối cùng là phần chính bằng tiếng Việt kèm theo giải thích. Phần giải thích là tóm lược tiểu sử (nhân danh), các đặc tính địa lý và sự kiện diễn ra (địa danh) vân vân.

Xin xem cách trình bày về một địa danh tên là Phúc Châu (trang 341):

Fu Zhou
Fu Chou 福 州
Phúc Châu (đ.d.) - Ở hạ lưu sông Mân (閩 江), giản xưng Dung (榕). Là thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến. Du khách có thể xem:
  • Thiên Sơn (千 山), có biệt danh là Cửu Tiên Sơn (九 仙 山), ở ngay trung tâm thị xã, cao 58 mét 6, trên đỉnh có tháp bát giác, cao 41 mét được xây từ đời nhà Đường.
  • Ô Thạch Sơn (烏 石 山) nổi tiếng là một nơi thắng cảnh từ đời nhà Đường.
  • La Tinh Tháp (羅 星 塔) là một tháp 7 tầng, hình bát giác, ở trên núi La Tinh, được xây cất từ đời Tống. Từ trên đỉnh tháp nhìn xuống có thể thấy hải cảng Mã Vỹ (馬 尾) của Phúc Châu

Một nhân vật tên là Dịch Hoàn (trang 1499):

Yi Huan
I Huan
奕 還
Dịch Hoàn (n.d.) - Thời Thanh mạt, thuộc quý tộc Mãn Châu, dòng Ái Tân Giác La (愛 新 覺 羅). Là con thứ bảy của Hoàng Đế Đạo Quang (x.x. Qing Xuan Zong). Năm Hàm Phong thứ nhất (1851) được phong Thuần Quận Vương (醇 郡 王). Năm 1861, tham dự Kỳ Tường Chính Biến (x.x. Qi Xiang Zheng Bian), được Từ Hi Thái Hậu (x.x. Ci Xi Tai Hou) tín nhiệm, phong cho các chức Đô Đốc, Ngự Tiền Đại Thần (御 前 大 臣). Năm thứ 11 Đồng Trị (1872), tấn phong Thuần Thân Vương (醇 親 王). Đầu năm 1875, con ông là Tải Điềm (載 湉) được Từ Hi Thái Hậu tuyển chọn làm Vua tức Hoàng Đế Quang Tự. Năm Quang Tự thứ 10 (1884), ông mật thương với Từ Hi Thái Hậu bãi chức Quân Cơ Đại Thần (軍 机 大 臣) của Cung Thân Vương Dịch Hân (x.x. Yi Xin). Năm 1885, phụng mệnh làm Tổng Lý Hải Quân Nha Môn Sự Vụ (總 理 海 軍 衙 門 事 務).

Ông mất năm 1891, thọ 51 tuổi (1840-1891), thụy danh là Hoàng Đế Bản Sinh Khảo Thuần Hiền Thân Vương (皇帝 本 生 考 醇 賢 親 王). Về trước tác, ông để lại thi phẩm Hàng Hải Ngâm Thảo (航 海 吟 草) làm trong cuộc đi tuần tra các pháo đài ở cửa bể Lữ Thuận (x.x. Lu Shun) và Uy Hải Vệ (x.x. Wei Hai Wei).

Người con trai thứ 5 của ông là Tải Phong (載 灃) năm 1902 thành hôn với ái nữ của Vĩnh Lộc (x.x Rong Lu). Bốn năm sau (1906), sinh ra Phổ Nghi, ông Vua cuối cùng của Mãn Thanh (x.x. Pu Yi)

Một cụm từ gọi là “chỉ lão hổ” (trang 1651):

Zhi Lao Hu
Chih Lao Hu 紙 老 虎
Chỉ Lão Hổ (l.t.) – Mao Trạch Đông dùng danh từ “cọp giấy” từ thập niên 1940 để chỉ Hoa Kỳ, ý muốn nói dân tộc Trung Hoa không sợ, mặc dù Mỹ có khí giới nguyên tử. Sau chuyến viếng thăm Trung Cộng của Tổng thống Richard Nixon năm 1972, danh từ này không còn được dùng nữa.

Nhìn qua cách trình bày một nhân danh, địa danh không mấy nổi tiếng như trên, ta nhìn thấy ngay sự làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, tốn rất nhiều công sức và rất khoa học của soạn giả. Nó cho ta những thông tin cần thiết về người, về chỗ lại còn kèm theo Hán ngữ và phiên âm Pin Yin (in chữ đậm) để nếu cần ta có thể tra cứu thêm cho rõ. Tất nhiên, với các nhân danh, địa danh nổi tiếng, phần trình bày sẽ dài hơn và nhiều chi tiết hơn: chẳng hạn Mao Trạch Đông (1 trang rưởi) hay Cao Hành Kiện (gần 3 trang), liệt kê đầy đủ các tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel này.

Riêng về các nhà thơ, ngoài phần tiểu sử khá đầy đủ và liệt kê các tác phẩm, tùy trường hợp, ta sẽ có một bài thơ điển hình gồm có chữ Hán, âm Hán Việt và có cả phần dịch nghĩa hay dịch thành thơ. Chẳng hạn như tên Đỗ Phủ (Du Fu) dài đến 4 trang với phần tiểu sử khá chi tiết của nhà thơ (1 trang), kèm theo một trong những bài thơ nổi tiếng nhất là “Bình xa hành” gồm có chữ Hán, âm Hán Việt kèm theo và toàn bài thơ dịch của Trần Trọng San. Với Đào Tiềm (Tao Qian), ta sẽ có nguyên bài “Quy khứ lai từ”. Với Văn Thiên Tường (Wen Tian Xiang), ta có bài “Niệm nô kiều”…

Đặc biệt, tác giả còn dành một phần nhỏ vào cuối sách, ghi lại một số nhân vật lịch sử Việt Nam liên hệ mật thiết với Trung Quốc có kèm theo chữ Hán, phiên âm Pin Yin và Wade-Giles như Ruan Hui (Nguyễn Huệ) Li Li (Lê Lợi), Ruan Jian (Nguyễn Trãi), Wu Quan (Ngô Quyền) vân vân.

Phần phụ lục là một “công trình” nữa rất hữu ích trong việc nghiên cứu. Phần này dài hơn 200 trang, từ trang 1722 đến trang 1930, ghi lại bằng thể Pin Yin và tiếng Việt tất cả các triều đại Trung Quốc từ xưa đến nay, danh sách các nước và các nhân vật chính trong Đông Châu liệt quốc (4 trang), Tam quốc chí (5 trang), Thủy hử, Nho lâm ngoại sử, Phong thần, Tiếu ngạo giang hồ, các tác phẩm của Quỳnh Dao và cả tên các tài tử điện ảnh Trung Hoa nổi danh hiện nay.

Đối với những ai có thể đọc báo Hoa văn, sách còn liệt kê tên của các quốc gia trên thế giới cùng với tên thủ đô, tên một số đại học nổi tiếng và tên một số danh nhân Tây Phương. Ngoài một số tên quen thuộc như Anh Cát Lợi (nước Anh), Lỗ Ma Ni (nước Lỗ) thì không nói làm gì, nếu gặp những tên như Phạm Đế Phong Thành Quốc, Y Lạp Khắc, Dĩ Sắc Liệt, Khách Bố Nhĩ… thì chỉ có nước bỏ báo luôn không thèm đọc. Nhờ cuốn Từ điển, ta sẽ biết ngay:

梵 蒂 風 城 國 (Phạm Đế Phong Thành Quốc) = Tòa thánh Vatican
伊拉克 (Y Lạp Khắc) = Iraq
以 色 列 (Dĩ Sắc Liệt) = Israel
喀 布爾 (Khách Bố Nhĩ ) = Kabul (thủ đô nước Afghanistan)
哈佛 (Ha Phật) = đại học Harvard
耶魯 (Gia Lỗ) = đại học Yale

Hoặc giả:

林 肯 (Lâm Khẳng ) = Abraham Lincoln
加 缪 (Gia Mậu) = Albert Camus
海 明 威 (Hải Minh Uy) = Ernest Hemingway
薩 特 (Tát Đặc) = Jean-Paul Sartre

Thật là một bất ngờ khá thú vị!

Ngoài ra, phần phụ lục còn có một bản đối chiếu Hán Việt – Pin Yin, xếp theo mẫu tự La-tinh, rất dễ tìm. Nếu không biết phiên âm Pin Yin một nhân danh hay địa danh nào đó, ta dò theo tiếng Việt sẽ tìm thấy âm Pin Yin liên hệ ngay. Ngoài ra, phần này khá hữu ích đối với những ai, ngoài các tài liệu do cuốn Từ điển cung cấp, muốn tra cứu thêm. Chẳng hạn muốn tìm tài liệu về Công Tôn Long trên Internet, ta vào bản đối chiếu này tìm thấy phiên âm Pin Yin của Công Tôn Long là Gongsun longzi, xong vào Google, gõ mấy chữ đó lên là Google cho ta ngay một số websites với những tài liệu về triết gia này. Tìm Gia Cát Lượng, ta dò tới vần G, thấy âm Pin Yin là Zhe Ge Liang, gõ vào Google, ta có ngay những websites hay nối với những websites về Gia Cát Lượng, tha hồ mà đọc.

Tóm lại, cuốn Từ điển vừa có tính cách hàn lâm lại vừa có tính thực dụng và giải trí. Nếu ta không quan tâm đến việc học chữ Hán hay tra cứu tài liệu, lúc rảnh rỗi, ta có thể đọc nó như đọc một cuốn sách nghiên cứu về lịch sử, văn học, nghệ thuật Trung Hoa vừa thú vị lại giúp ta bổ túc thêm nhiều kiến thức về nước Trung Hoa cổ kim. Ngoài ra, khi đi du lịch Trung Quốc, ta có thể mang theo nó như một cuốn cẩm nang, vô cùng hữu ích. Đến thăm Hàng Châu, tìm từ Hang Zhou; đến viếng Hoàng Hạc Lâu, tìm từ Huang He Lou và nếu muốn nhớ lại bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” thì tìm từ Cui Hao (Thôi Hiệu); cần biết về vị vua sáng lập triều đại nhà Đường, tìm từ Tang Gao Zu (Đường Cao Tổ)…, sách sẽ cung cấp ngay cho ta một số thông tin quý giá về người, về chỗ để vừa khỏi băn khoăn lại vừa thú vị.

Soạn giả cuốn Từ điển, bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, sinh năm 1926 tại Hà Nội. Trước 1975, ông là giảng sư tại các trường đại học y khoa Huế, đại học y khoa Minh Đức và đại học y khoa Sài Gòn. Ông đã nhiều lần đi Hoa Kỳ để tu nghiệp hay khảo sát về ngành y tế và tham gia hội thảo. Ông cùng gia đình sang định cư tại Houston, tiểu bang Texas từ tháng 8/1990. Ông là sáng lập viên hội Hán-Việt tại Houston và là giảng viên giảng dạy Hán ngữ và Nhật ngữ tại hội này. Ông viết nhiều bài về sử học, về chữ Hán…đăng trên các báo Ngày Nay (Houston) và Tập San Y Sĩ Canada. Nhưng công trình lớn nhất, dài hơi nhất và giá trị nhất là cuốn Từ điển nhân danh, địa danh & tác phẩm văn học nghệ thuật Trung Quốc.

Nhận xét về việc làm của soạn giả, giáo sư Tiển Sùng Kỳ viết trong lời tựa:

Để hội tụ đầy đủ dữ kiện khả dĩ ra mắt cuốn từ điển đầu tiên sáu năm trước đây, bác sĩ Chỉnh đã bỏ biết bao tâm huyết và nghị lực, ngày đêm nghiên cứu và học hỏi thêm phẩn giản thể của chữ Hán, phương pháp PinYin “phanh âm” hoàn toàn khác hẳn thể Wade-Giles trước kia. Ngoài việc học hỏi văn tự, ông còn phải học thêm phần mềm (software) Twingridge để khả dĩ lồng chữ Hán vào tác phẩm viết bằng tiếng Việt của ông. Quả thật một kỳ công hiểm có. (…) Sáu năm qua, bác sĩ Chỉnh đã tiếp tục tìm kiếm thêm tư liệu, ngày đêm kiên trì nghiên cứu, soạn thảo để phong phú hóa cuốn từ điển thứ II (…) Tựu chung thì cuốn từ điển này bao la vạn hữu, cũng là cuốn sách tham khảo mang một giá trị học thuật (academic value) khá cao, gần như duy nhất tại hải ngoại trong bộ môn này” [3]

Vâng, tâm huyết và nghị lực. Và đam mê nữa. Giữa một thời buổi, với phương tiện Internet, tự do viết tự do công bố, người ta tận dụng để khoe khoang, để tranh cãi, để bày tỏ lập trường này nọ, để nổ, để tố cáo lẫn nhau lắm lúc chỉ vì những chuyện không đâu vào đâu, thì có người tuổi đã xấp xỉ 80, chiều chiều đẩy chịếc xe lăn cho người vợ tật nguyền di hóng mát, về nhà âm thầm làm một công việc vừa mất thì giờ, lại chẳng đem lại lợi lộc gì cụ thể từ năm này qua năm khác chỉ để “mong giúp các bạn hiếu học đỡ mất thì giờ tra cứu tìm hiểu mỗi khi gặp tên người, tên đất, tên tác phẩm Trung Quốc trong các sách của Tây Phương” [4] , thì quả là một điều đáng trân trọng. Nhìn cách sắp xếp khoa học, chi li đến từng chi tiết cùng với kiến thức quảng bác về văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, tôi có cảm tưởng tác giả là một học giả thâm cứu về Trung Hoa, chứ không phải là một bác sĩ y khoa chỉ sở trường về thuốc men và bệnh tật. Cứ mỗi lần gặp chữ Pin Yin không hiểu hay cần tra cứu tài liệu gì về Trung Hoa, giở sách ra, tìm thấy điều mình muốn biết, tôi lại cảm nhận được tấm lòng của tác giả khi cặm cụi làm việc để hoàn tất cuốn Từ điển quý hiếm này.

Hiện nay, bước sang tuổi “bát thập”, bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh vẫn tiếp tục làm cùng một công việc, nhằm sửa chữa, bổ sung để hoàn tất ấn bản thứ ba. Ấn bản đầu 700 trang, ấn bản II 2000 trang, ấn bản III nhất định sẽ dày hơn và phong phú hơn nhiều.

Chắc chắn công trình này là một đóng góp không nhỏ cho nền văn hóa Việt Nam.

(Trọng Thu 2006)

© 2006 talawas



[1]Lời tựa của tác giả
[2]Từ điển nhân danh, địa danh & tác phẩm văn học nghệ thuật Trung Quốc, ấn bản II, 2006
[3]Lời giới thiệu của giáo sư Tiển Sùng Kỳ
[4]Lời tựa của tác giả