© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
6.12.2006
Lê Tất Điều
Lý thuyết gia Natan Sharansky
 
Sau ba năm đem thuốc tự do, dân chủ qua Trung Đông chữa bệnh khủng bố, thấy nạn ấy lan tràn dữ dội, chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, không có tí teo hòa bình nào xuất hiện như thần dược hứa hẹn, Tổng thống Bush có đau lòng, băn khoăn, thắc mắc tí nào chăng?

Xuất hiện trước công chúng, bao giờ ông cũng lạc quan, tin tưởng ở một tương lai huy hoàng, khi thần dược Sharansky tận diệt khủng bố, đem hòa bình vĩnh cửu về cho nhân loại, lại luôn luôn có vài chuyện tiến bộ ở Iraq để thông báo cho dân Mỹ phấn khởi. Những ngày ít hồ hởi, phấn khởi, cạn bằng chứng “tiến bộ”, ông cũng chỉ khuyên dân Mỹ nên… kiên nhẫn. Hồn nhiên, ngây thơ, vững tin ở sự nhiệm mầu của chiến lược Sharansky đến thế, chắc ông không thắc mắc gì.

Nhưng còn các cố vấn, chuyên gia có nhiệm vụ giúp Tổng thống lãnh đạo quốc gia thì sao? Chẳng lẽ không ai nêu thắc mắc với thầy lang về những tai họa do thuốc của thầy đem lại? Chuyện ấy nhân dân cũng khó biết, vì thuộc diện bí mật quốc gia.

Nhưng đa số dân Mỹ chắc xót ruột, đau lòng. Nếu không thuộc loại công dân lười suy nghĩ, tuyệt đối tin lời Tổng thống, thì dù là những kẻ vô tâm, ít lòng nhân, họ cũng băn khoăn về những tang thương chết chóc ở Iraq và chiến lược toàn cầu của ông Bush.

May thay, Natan Sharansky đoán biết thiên hạ thắc mắc, đã tự động lên tiếng. Ngày 24 tháng 4/2006, trên tờ Wall Street Journal, dưới nhan đề: “Dissident President” tạm hiểu là “Vị Tổng thống (có ý chí của một) chiến sĩ phản kháng, chống đối”, thầy Sharansky viết:

“There are two distinct marks of a dissident. First, dissidents are fired of ideas and stay true to them no matter the consequences. Second, they generally believe that betraying those ideas would constitute the greatest of moral failures. Give up, they say to themselves, and evil will triumph. Stand firm, and they can give hope to others and help change the world.

Political leaders make the rarest of dissidents. In a democracy, a leader’s lifeline is the electorate’s pulse. Failure to be in tune with public sentiment can cripple any administration and undermine any political agenda. Moreover, democratic leaders, for whom compromise is critical to effective governance, hardly ever see any issue in Manichaean terms. In their world, nearly everything is colored in shades of gray.

That is why President George W. Bush is such an exception. He is a man fired by a deep belief in the universal appeal of freedom, its transformative- power, and its critical connection to international peace and stability. Even the fiercest critics of this ideas would surely admit that Mr. Bush has championed them both before and after his re-election, both when he was riding high in the poll and now that his popularity has plummeted, when criticism has come from longstanding opponents and from erstwhile supporters.

With a dogged determination that any dissident can appreciate, Mr. Bush, faced with overwhelming opposition, stands his ideological ground, motivated in large measure by what appears to be a refusal to countenance moral failure…”

Tôi trích dẫn hơn một phần tư bài rồi đấy. Chưa thấy một câu trả lời, giải thích nào của thầy, chỉ toàn những dòng tâng bốc ông Bush lên tới mây xanh.

Sharansky ca tụng học trò Bush hội đủ hai đức tính cao quí của những chiến sĩ chống đối, phản kháng: Thứ nhất là khi tâm can bừng cháy một lý tưởng, họ quyết lòng sắt son theo đuổi đến cùng, bất cần hậu quả thế nào. Thứ nhì, họ tin rằng phản bội lý tưởng của mình chính là sự suy đồi đạo đức tệ hại nhất, vì bỏ cuộc nửa chừng là để mặc cho ác quỉ thắng.

Thầy ca ngợi rằng ông Bush lúc lên voi giữ lý tưởng gieo rắc dân chủ, tự do mà khi xuống… điểm thê thảm trong các cuộc thăm dò dân ý, bị chống đối chỉ trích tứ tung vẫn giữ nguyên lập trường, đường lối cũ. Rằng trong giới chính trị một con người có ý chí sắt đá - giống một chiến sĩ hiên ngang đương đầu với cường quyền - như ông Bush là hiếm hoi lắm lắm.

Hẳn cũng biết nếu tiếp tục viết thêm những dòng văn chương nâng bi ác liệt như thế, ông có thể làm Tổng thống Bush chết vì sướng quá, Sharansky bắt đầu một đoạn chê:

“I myself have not been uncritical of Mr. Bush. Like my teacher, Andrei Sakharov, I agree with the president that promoting democracy is critical for international security. But I believe that too much focus has been placed on holding quick elections, while too little attention has been paid to help build free societies by protecting those freedoms-of conscience, speech, press, religion, etc.-that lie at democracy’s core.

I believe that such a mistaken approach is one of the reasons why a terrorist organization such as Hamas could come to power through ostensibly democratic means in a Palestinian society long ruled by fear and intimidation.”

Hãy bàn về đoạn văn chê:

“Bản thân tôi đâu phải là người không từng chỉ trích ông Bush”, vừa rón rén viết xong một câu có vẻ hơi phản động như thế, thầy Sharansky vội vàng trở lại nịnh ngay, nịnh bằng một kỹ thuật cao cường thường thấy trong mấy cuốn sách dạy cách giao tế khôn khéo theo đúng châm ngôn: nói gần nói xa chẳng qua nói… nịnh.

“Giống như thầy tôi, (khoa học gia) Andrei Sakharov, tôi đồng ý với tổng thống rằng gieo rắc, phát huy dân chủ là chuyện thiết yếu vô cùng cho nền an ninh quốc tế…” Viết như thế, thầy Sharansky đã xuyên tạc sự thật khá trắng trợn, để gửi cho ông Bush một cú nâng bi sướng tê người.

Sự thật là thuốc trừ khủng bố bằng dân chủ, tự do, Tổng thống học được từ thầy Sharansky. Tác phẩm của thầy, The Case for Democracy… là Thánh kinh Trung đông của Tổng thống. Thế mà, chỉ cần dùng hai chữ “ĐỒNG Ý” - Tôi và thầy tôi “đồng ý” với tổng thống - là tức khắc Sharansky làm Tổng thống trở thành “tác giả” của ý tưởng vĩ đại kia. Cái sự thật Tổng thống là đồ đệ, học “võ” của ông, Sharansky vờ vịt như không biết. Cả ông và thầy ông, khoa học gia Adrei Sakharov, chỉ khép nép đồng ý với thế võ “của Tổng thống” thôi.

Đang là vị Tổng thống tài trí chưa đạt tiêu chuẩn thường thường bậc trung, ông Bush vụt trở thành nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng, đã sáng tạo được cái chiến lược có khả năng đem hòa bình vĩnh cửu về cho nhân loại. Hai chữ “đồng ý” ở đây, như chiếc đũa thần, biến ông Tổng thống ngây ngô thành nhà lãnh đạo lớn của Mỹ và thế giới. Nâng bi tinh vi, khôn khéo đến thế là nhất.

Sau những thủ tục nịnh nọt long trọng và hết sức tài tình ấy rồi, Sharansky mới bắt đầu trách móc nhẹ nhàng.

Giải thích cho lý do dẫn tới đống bầy nhầy, đẫm máu ở Iraq và sự đắc cử huy hoàng của tổ chức khủng bố Hamas, ông bảo: (chính quyền Bush) đã quá chú tâm vào việc lo tổ chức bầu cử cho lẹ mà sao nhãng việc phụ giúp kiến tạo một xã hội tự do bằng cách bảo vệ những quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí, tôn giáo, là những quyền cốt lõi của mọi nền dân chủ.


Viết thế, Sharansky có vẻ ngây ngô, ngớ ngẩn, như một anh vừa từ cung trăng rớt xuống cõi trần, không biết tí gì về lịch sử loài người, nhất là những trang ghi biến cố cận đại.

Các nước Đông Âu, sau khi thoát xiềng xích của Liên bang Sô Viết, lật đổ lũ độc tài, bạo chúa thì đều tự động sống dân chủ. Không có nước nào phải mời Mỹ đến bảo vệ giùm các quyền tự do “cốt lõi” trước khi tổ chức bầu cử cả. Sau một cuộc hỗn loạn, xáo trộn, thường là ngắn, dù tổ chức bầu cử chậm hay nhanh, phần lớn được sống thanh bình, không anh nào nát bét, tả tơi, khốn khổ như Iraq, nước đang được Mỹ nhất định “giúp” kịch liệt.

Về lý do Hamas được dân Palestine ủng hộ, thắng cử, lời thầy Sharansky giải thích còn ly kỳ, rùng rợn hơn: thầy bảo chỉ vì, ngoài chuyện vô phúc không được Mỹ giúp bảo vệ các quyền tự do căn bản, dân Palestine còn phải sống quá lâu trong sợ hãi, và bị đe dọa thường xuyên.

Nghĩa là, theo ý thầy, nếu trước khi đi bầu dân Palestine không phải sống trong sợ hãi, bị đe dọa, chèn ép, thì họ đã bỏ phiếu đàng hoàng tử tế, không bầu bậy bạ cho bọn khủng bố Hamas.

Đòi hỏi những điều kiện như thế, thầy làm khó dân Palestine và làm khó luôn tất cả những quốc gia chưa có dân chủ khắp thế giới. Ít có anh nào đủ tiêu chuẩn Sharansky để thoát nạn bầu bán bậy bạ.

Cổ kim đông tây, có bao nhiêu nước, trước khi được tự do dân chủ, mà người dân không từng phải sống trong lo sợ, bị bạo quyền, bạo chúa đe dọa, đàn áp thường xuyên? Dân Pháp trước ngày phá ngục, lật đổ chế độ quân chủ độc tài, dân Mỹ trước ngày vùng lên chống đế quốc Anh, đều đã từng sống những tháng năm bị đàn áp, đe dọa. Như thế họ cũng không đạt chỉ tiêu của thầy, và mất hết khả năng bầu bán nghiêm chỉnh hay sao?

Mà dân Palestine bị ai cai trị bằng đe dọa, bắt sống trong hãi hùng quá lâu? Sharansky không nói rõ. Ông phán ra một câu ngắn ngủi, mơ hồ và bắt người đọc phải tự tìm hiểu.

Đành cố gắng làm sáng tỏ chỗ ông bắt ta hiểu ngầm.

Theo mạch văn, chiều hướng bài viết, và giữ đúng truyền thống cao đẹp luôn vững một niềm tin rằng: ta nhất định thắng, địch nhất định thua, ta muôn năm tốt đẹp, địch đời đời xấu xa, thì thủ phạm gây kinh hoàng sợ hãi cho dân Palestine tất nhiên phải là các tổ chức khủng bố như Fatah, Hamas… “Palestinian society long ruled by fear and intimidation.” Đọc câu văn ấy, dù lướt qua, hay chậm rãi, cẩn trọng, ta đều bị những từ “sợ hãi”, “đe dọa” đẩy ta ngã chúi vào từ “khủng bố”, vì xưa nay, trong văn chương phe ta mô tả tình hình Trung Đông, những từ ngữ ấy thường xuất hiện cả cụm.

Sự thiếu sót cố ý, cấu trúc khéo léo giấu trong cái vỏ đơn giản, bình thường của câu văn, ngay những giây tiếp xúc đầu tiên, đã nhanh chóng xỏ sợi giây thừng vào mũi con trâu thiên kiến của ta, lôi ta chạy ào ào theo chiều tác giả muốn. Và ta hồn nhiên tự động thêm: “Xã hội Palestine lâu nay sống trong lo sợ, thường xuyên bị đe dọa, áp chế bởi tay bè lũ khủng bố.”

Thế là trúng kế của thầy lý thuyết gia. Chắc chắn ông muốn độc giả hiểu như vậy. Nếu thủ phạm những hành động xấu xa “đe dọa, gieo rắc kinh hoàng” cho dân Palestine là người thuộc phe ta, Do Thái chẳng hạn - một chuyện làm giảm uy tín, chính nghĩa của Mỹ và đồng minh - đời nào thầy Sharansky dại dột nêu ra trong một bài văn bừng bừng khí thế nâng bi như bài này.

Sharansky muốn ta hiểu thế. Và ta rất dễ xiêu lòng, sẵn sàng chiều ý, vì vẫn đang bị danh tiếng và thành tích lẫy lừng chống bạo quyền của ông uy hiếp. Thêm vào đó là sự ngưỡng mộ tự nhiên dành cho tác giả cuốn sách đang được Tổng thống Mỹ dùng như Thánh kinh, hướng dẫn Tổng thống trên đường mưu cầu hòa bình cho nhân loại.

Nhưng nếu đồng ý với Sharansky, ta hết sức bất công với dân tộc Palestine. Ta không những chỉ sỉ nhục mà còn đấm đá, cào cấu, hành hung thô bạo trí thông minh của họ.

Dân Palestine, theo lập luận Sharansky, sau một thời gian dài bị bọn khủng bố cai trị bằng đe dọa, đàn áp, nay có dịp được tự do chọn lựa, thì lại hăng hái dồn phiếu cho cái bọn đã hành hạ mình! Họ ngu ngốc đến thế sao?

Dân Palestine không ngu ngốc, mà tìm tòi ngược dòng lịch sử nhân loại về thuở thật xa xưa, tới trước thời đồ đá, khi con người mới bắt đầu biết sống hợp quần, cũng khó thấy bộ lạc, dân tộc nào tối dạ đến mức ấy.

Với câu văn mơ hồ thiếu sót, ta dùng tri thức thông thường để thấy chỗ lươn lẹo như thế cũng tạm đủ. Nhưng vì lòng kính trọng đặc biệt một chiến sĩ của tự do bị giam chín năm trong Gulag, tôi muốn tìm cho Sharansky vài bằng chứng cụ thể, giúp ông thấy rõ chỗ sai, đề phòng trường hợp ông ngay tình, thực tâm nghĩ như thế, chứ không cố ý lừa bịp ai.

Hãy xét trường hợp bà Miram Farhat, thành viên của tổ chức khủng bố Hamas, đã đắc cử vẻ vang vào Quốc hội Palestine.

Những thành tích chính trị khiến bà được dân Palestine đua nhau dồn phiếu cho là: Năm 2002 bà xuất hiện trên băng hình video với cậu con Mohammed, 17 tuổi, khuyến khích cậu này đi tấn công Do Thái. Một thời gian ngắn sau, Mohammed Farhat tử trận trong vụ tấn công giết chết 5 người Do Thái. Rồi thêm hai cậu nữa, trong số sáu người con trai, cũng chết vì giao tranh với Do Thái. Bà được dân chúng gọi là “Mẹ của những vị Tuẫn đạo” và, tháng Giêng năm nay, dành cho bà một ghế trong tòa nhà lập pháp.

Với thành tích ấy quả thực bà Farhat có gieo rắc kinh hoàng thật, nhưng không nhắm vào dân Palestine, mà nhắm vào Do Thái. Dân Palestine coi bà là một bậc anh thư, sẵn sàng hy sinh con cái cho đại nghĩa cứu nước. Cũng như các chiến binh của Hamas, đối với phe ta thì là bọn khủng bố đáng sợ, dễ ghét, với họ lại là những anh hùng đang xả thân chống xâm lăng.

Ngày 11 tháng 10/2006 vừa qua, không lực Do Thái dội bom thẳng xuống phá tan nát tư thất của bà dân biểu Farhat, viện lý do “căn nhà này là chỗ sản xuất và chứa chấp vũ khí”. Họ có làm phúc điện thoại báo trước nên bà Farhat và thân nhân chạy kịp, không ai chết hay bị thương, chỉ từ nay hơi bị homeless một tí thôi.

Chính phủ Do Thái cai trị dân Palestine theo kiểu đó thì chắc chắn “đe dọa, tạo không khí lo âu sợ hãi” và còn “gây oán hận ngất trời” vượt quá tiêu chuẩn của thầy Sharansky. Dân Palestine dĩ nhiên phải bầu cho những chiến sĩ suốt đời chiến đấu bảo vệ quyền làm người, đòi lại đất nước quê hương, sẵn sàng hy sinh tính mạng để giải thoát họ khỏi những ngày tháng sợ hãi kinh hoàng. Dân tộc nào không làm như thế?

Nếu tôn trọng sự thật, và giữ sự thuận lý trong lập luận của mình, đáng lẽ Sharansky phải viết rõ: “Hamas thắng cử vì dân Palestine bị sống quá lâu trong kinh hoàng và thường xuyên bị uy hiếp bởi Do Thái.”

Thiên hạ sẽ chịu là thầy phán thật chí lý ngay.

Nhưng, như tôi đã nói: khi viết bài này, ngọn triều văn chương nâng bi ông Bush đang ngùn ngụt dâng cao, thầy Sharansky dại gì mà hạ xuống một câu bóp dế tai hại như thế.


Nếu đọc lướt qua câu văn của Sharansky, người ngại suy nghĩ, ít thắc mắc, sẽ thấy lỗi lầm của ông Bush nhẹ hều. Ông vội vàng làm việc tốt lành này (tổ chức bầu cử) mà sao nhãng việc tốt lành khác (bảo vệ những quyền tự do căn bản), thế thôi. Chê trách khe khẽ, dịu dàng, êm tai đúng kiểu một câu mắng yêu như thế xong, vẫn sợ là quá nặng, thầy vội đè dân Palestine khốn khổ ra bắt họ gánh giùm một nửa tội lỗi. Thầy bảo họ có cái tội sống quá lâu trong tình cảnh bị uy hiếp, áp chế, (ngầm hiểu là bởi chính các tổ chức kháng chiến, cứu quốc của họ!) Họ chịu trách nhiệm lớn trong vụ chiến lược gieo rắc dân chủ cao quí của Tổng thống Mỹ bị hư hỏng, teng beng.

Lỗi lầm của ông Bush đâu có nhẹ nhàng, dễ thương như thế.

Ba năm qua, thiên hạ đã nói nhiều về những sai lầm ấy rồi. Xin tóm tắt thôi:

Tai họa của Iraq, và của binh sĩ Mỹ, bắt đầu khi Paul Bremer, Đại sứ Mỹ ở Iraq, xuống lệnh giải thể quân đội, cảnh sát, công chức Iraq, tổng cộng hơn nửa triệu người. Cộng với gia đình, thân nhân, con số nạn nhân của tân vương Iraq Paul Bremer lên đến cả triệu. Thình lình mất nước lại mất luôn nguồn sống, vừa bị sỉ nhục, vừa bị đẩy vào đường cùng, sẵn có kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí trong tay, và cả triệu tấn súng ống đạn dược còn nguyên nằm rải rác khắp Iraq, tất nhiên họ phải vùng lên chống cự.

Nhóm nổi dậy mới đầu chắc cũng chưa đông, nhưng hầu hết thuộc giáo phái Sunni nên dần dần sáu triệu người Sunni lãnh đủ. Những cuộc hành quân bố ráp lớn nhỏ của Mỹ đều nhắm vào vùng nhiều Sunni. Bom, đạn của đoàn quân giải phóng phần lớn trút cả lên đầu họ. Nhà tù đầy nhóc Sunni. Oán thù chất ngất. Quân nổi dậy được sự tiếp tay của những tổ chức chống Mỹ sẵn có, càng ngày càng đông và quyết liệt, tàn bạo hơn.

Thật trớ trêu, lỗi lầm của Paul Bremer và triều đình ông Bush đã hùng hồn chứng minh một phần lý thuyết của Sharansky đúng: Đường lối cai trị độc tài, bất nhân, tạo ra khủng bố. Nhưng thầy im thin thít, vì khoe chuyện ấy ra thì xấu mặt cả đám.

Rồi Mỹ tổ chức bầu cử để Iraq có dân chủ. Kết quả: Ông chủ Mỹ sau đó chia bớt quyền cho các nhà lãnh đạo Shiite và Kurd, còn dân Sunni ra rìa, được chia loe ngoe ít ghế làm cảnh. Các nhà lãnh đạo mới của 80% dân số Iraq, gồm Shiite và Kurd, sáng tác ngay ra bản Hiến pháp chèn ép tận tình nhóm thiểu số 20% Sunni. Hiến pháp cấm thành phần ưu tú của Sunni được nhận những chức vụ quan trọng trong chính quyền vì đã dính dáng với Đảng Baath (khoảng một triệu rưỡi đảng viên, một phần tư dân số Sunni) của Saddam Hussein.

Ghê gớm nhất là Tân Hiến pháp có những điều khoản dọn đường cho việc chia Iraq ra làm ba: Kurd và Shiite chiếm miền Bắc và Nam đầy mỏ dầu, Sunni lãnh miền Trung đầy… cát, với lời hứa hẹn là mai mốt các chủ mỏ dầu Kurd và Shiite sẽ chia cho Sunni tí tiền còm lợi nhuận.

Như thế hiện tại, dân Sunni bị xếp vào hàng ngũ địch, bị nghi ngờ, bố ráp, săn đuổi đều đều. Thoát bị giết, bị tù, thì mất công ăn việc làm, nguồn sống bị hạn chế, không ngoi lên được trong xã hội mới. Tương lai, con cháu họ sẽ thành một nhóm Iraq thiểu số bị tước đoạt hết phần quê hương đầy kho tàng, của cải, tài nguyên thiên nhiên, phải sống nhờ vào sự công bằng và lòng từ thiện của các giáo phái kia. Nếu Shiite và Kurd giở chứng, cúp Oeo-phe, thì Sunni chỉ còn nước bốc cát sa mạc mà ăn.

Và chuyện họ bị kỳ thị, chèn ép được ghi trong Hiến pháp đàng hoàng.


Chế độ độc tài vừa ác vừa ngu xuẩn của Paul Bremer đã được thay thế bằng chế độ thần quyền giống hệt Iran, không ngu, nhưng hăng say hơn trong việc phục thù, đàn áp, triệt hạ và cướp đoạt phần tài sản quốc gia đáng lẽ Sunni được chung hưởng.

Dân Sunni bị dồn vào đường cùng, chỉ còn cách chiến đấu để sống còn. Thế mà, thấy họ cứ tiếp tục chống Mỹ, không chịu buông súng, reo hò nhảy múa chào mừng nền dân chủ Mỹ ban cho, như Kurd và Shiite, thì ông Bush ngạc nhiên quá xá quà xa. Rồi ổng giận, lâu lâu lại sỉ vả họ là một bọn “ghét dân chủ, tự do”, “bọn phát xít Hồi giáo”. Thủ tướng Anh cũng vẫy đuôi hùa theo ông chủ Mỹ sủa nhặng lên rằng bọn “Hồi giáo quá khích” này mắc bệnh“căm thù lối sống Tây phương”.

Những chuyện ấy, chắc chắn Natan Sharansky biết. Ông viết ra cuốn sách dầy rao giảng môn võ trừ khủng bố bằng gieo rắc dân chủ, tất nhiên ông theo rõi kỹ từng đường quyền, thế đá của tên đệ tử ruột. Nó ra chiêu bậy bạ, phá làng phá xóm ra sao, gây họa cho bá tánh thế nào, chắc thầy thấy rõ hơn ai hết.

Nhưng lời chê của thầy không có chữ nào cho những lỗi lầm thực sự, chỉ thấy vài dòng mắng yêu ấm ớ, trật trìa. Tôi tin là thầy có hậu ý.

Hậu ý của Sharansky hiện rõ trong những đoạn văn khen.

Thầy khen ông Bush ý chí kiên cường quyết tâm gieo rắc dân chủ tự do, dù sáu, bảy chục phần trăm dân Mỹ oán than, chê trách, ông không nao núng, vẫn nhất định “đường tao, tao cứ đi”. Thầy lại ca tụng thêm rằng một chính trị gia trong xứ dân chủ mà kiên định sắt son giống hệt một chiến sĩ phản kháng thế này là hiếm lắm đấy.

Hiếm hoi gì! Ngay cạnh Tổng thống Bush cũng có một vị như thế. Phó tổng thống Dick Cheney còn kiên cường gấp trăm lần ông Bush.

Ông này sắt son với nhiều thứ lắm. Lý tưởng của ông và Tổng thống, ông bảo vệ kỹ. Lỗi lầm của riêng mình, ông còn ôm chặt, cật lực bảo vệ kỹ hơn.

Ông Phó thích tiên đoán chuyện thắng lợi. Năm 2003, Mỹ vừa xuất quân đánh Iraq, ông tiên đoán: Dân Iraq sẽ đem hoa ra chào mừng đoàn quân Mỹ giải phóng. Trật lất. Không hề nản lòng thối chí, chính trị gia kiên cường này đợi đúng lúc chiến tranh Iraq khốc liệt, lại hồ hởi nhận định: “Bọn khủng bố đang thở hắt ra những hơi thở cuối cùng”. Mấy tháng sau, khủng bố tiếp tục thở đều, báo chí thắc mắc: “Sao bọn khủng bố thoi thóp lâu thế? Thở ra nhiều hơi cuối cùng quá vậy? Ông Phó có nhầm chăng?” Ông đáp tỉnh bơ: Không lầm. Nhận xét của ông đã phản ảnh chính xác thực tế chiến trường, chỉ không đúng với lời tường thuật của bọn báo chí - thường bị ông chê là bi quan, chủ bại - thôi.

Phải 17 tháng sau, khi bọn khủng bố đã thở hắt ra vài ba triệu lần cuối cùng mà vẫn ngoan cố tiếp tục thở nữa, ông mới chịu nhận là đã suy đoán bậy.

Tuy cuối cùng đành ngậm ngùi bỏ rơi câu nói thân yêu, mặc cho… ác quỉ thắng, nhưng nhờ ý chí sắt đá, ông đã kịch liệt kháng cự, cầm chân địch, làm cho chiến thắng của quỉ bị chậm lại đúng gần một năm rưỡi.

Bảo vệ câu nói nhảm của mình bền bỉ đến thế, ông Phó có ý chí sắt đá, kiên cường hơn các chiến sĩ phản kháng nhiều, nhất là những chiến sĩ không có bộ mặt trâng tráo.

Kiên định, ngoan cường hơn, mà hình như ông Phó Cheney còn có nhiều lý tưởng hơn Tổng thống Bush.

Thời Bush bố, ông làm Tổng trưởng Quốc phòng. Khi xảy ra cuộc chiến Iraq hồi I (chiến tranh Vùng Vịnh), ông ký những giao kèo, khế ước bạc tỷ với công ty chuyên cung cấp dịch vụ quốc phòng Halliburton. Rời chính trường, ông được Halliburton rước ngay về làm Tổng giám đốc, để trả ơn vị khách sộp. Năm năm sau, ông rời Halliburton đi làm Phó Tổng thống. Trong chức vị mới đầy quyền lực, ông lại (may mắn? tình cờ?) tạo cơ hội cho sở làm cũ kiếm bạc tỉ. Lần này, ngoài chiến tranh Iraq hồi II, còn thêm tí bonus A Phú Hãn.

Trong suốt thời gian dài giúp Halliburton tiền vô như nước, chắc chắn có một khoảnh khắc thiêng liêng, phó Tổng thống Dick Cheney thấy tâm can đột xuất bừng cháy cái ý tưởng làm giầu.

Nếu quả vậy thì ông đúng là chiến sĩ một dạ sắt son, giữ vững lý tưởng, bất cần hậu quả.

Công ty Halliburton thình lình được độc quyền cung cấp dịch vụ cho Bộ Quốc phòng Mỹ, khỏi đấu thầu. Thiên hạ thắc mắc: Một công ty đang phát lương cho Phó tổng thống lại được ưu tiên làm giầu nhờ chiến tranh, không phải qua một thủ tục hợp lẽ công bằng, tinh thần dân chủ, là tranh thầu thì kỳ quá. Văn phòng Phó Tổng thống ra thông cáo cải chính ngay: Tiền Phó Tổng thống đang lĩnh của Halliburton, khoảng 150 ngàn một năm, không phải lương, mà là hưu bổng. Halliburton từ nay có giầu hơn, Phó Tổng thống cũng không được hưởng lợi gì.

Thượng nghị sĩ Frank Lautenberg tố cáo: Lương tháng của ông Cheney có cả cổ phiếu đấy. Nghĩa là ông có phần hùn trong công ty, mai mốt Halliburton giầu sụ, thì két bạc của ông cũng lớn theo. Sao dám bảo không được lợi gì. (Nghĩa là không hưởng lợi bây giờ, nhưng mai mốt rời ghế Phó Tổng thống, ông trở về mái nhà xưa Halliburton, chắc chắn sẽ được chia phần của cải do chiến tranh đem lại. Giống hệt như lần trước, khi rời Bộ Quốc phòng, ông được công ty ta tặng liền cái ghế Xếp Chúa.)

Thành ra trong lúc chiến sĩ Bush lên đường gieo rắc tự do dân chủ thì chiến sĩ Halliburton cũng hô quân tiến theo để hốt bạc. Cây dân chủ ông Bush trồng càng chậm lớn, càng đẫm máu, thì cây tiền trong công ty ta càng bự, càng hoa quả xum xuê.

Về vụ Halliburton khỏi đấu thầu, một viên chức cao cấp giải thích: Chỉ có một mình công ty Halliburton đủ khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ quốc phòng, nó không có đối thủ. Ô hay, nếu nó chắc ăn, một mình một chợ như thế, thì cứ tổ chức đấu thầu cho nó thắng lợi một cách chính thức, hợp lệ, giúp ông Phó khỏi bị ngờ là vừa tham, vừa gian, có hơn không?

Nhưng nhất định không có đấu thầu. Nghĩ kỹ, thấy ông Phó bảo vệ lý tưởng làm giầu một cách vừa kiên cường vừa cẩn trọng. Ông không chấp nhận rủi ro.

Chính nhờ ông kiên cường như thế, lý tưởng làm giầu không bị phản bội, đạo đức còn nguyên si, chẳng suy đồi tí nào. Ác quỷ đã không thắng mà mấy công ty đối thủ chuyên làm giầu nhờ chiến tranh cũng đại bại. Một phát mấy con chim!

Ông Phó cai trị Halliburton từ năm 1995 tới năm 2000. Trong thời gian ấy, không biết ông hướng dẫn, truyền thụ cho thuộc cấp những bài học luân lý đạo đức gì mà khi ông ra đi, công ty bèn nở rộ tinh thần mánh mung, gian lận, trộm cắp. Được độc quyền phục vụ chiến tranh, thâu lợi, chúng vẫn chưa thỏa chí tham lam. Lâu lâu lại có tin công ty ta gian lận hàng trăm triệu. Nhưng Quốc hội trong tay Đảng Cộng hòa, nhất định không điều tra. Ông Phó Tổng thống, cựu Tổng giám đốc công ty, cũng ngoan cường im thin thít.

Nhờ ông ý chí sắt đá như thế mà chẳng những ác quỉ không thắng, cả cái bọn dân Mỹ è cổ đóng thuế phục vụ chiến tranh cũng thua bét tĩ luôn.


Nói theo kiểu Natan Sharansky thì phải tặng ông Dick Cheney một tước hiệu dài: “Vị Phó Tổng thống kiêm thương gia (có ý chí kiên cường) của một chiến sĩ phản kháng.”

Bài dài quá, ca tụng công đức Phó Tổng thống Mỹ chút chơi bằng kiểu lý luận đơn sơ, ngộ nghĩnh của Sharansky cho độc giả đỡ buồn ngủ thôi.

Thật ra, những lời khen có vẻ ngây thơ, thành thực của ông ta không đơn giản chút nào. Nó hàm chứa những hậu ý thâm độc và nguy hiểm.

Đọc câu văn mô tả một trong hai đức tính cao quí của các chiến sĩ phản kháng: “First, dissidents are fired of ideas and stay true to them no matter the consequences”, tôi thấy ngay hai thiếu sót:

Thứ nhất, chuyện “bất cần hậu quả” của các chiến sĩ, Sharansky thiếu: “bất cần hậu quả XẤU đến với CHÍNH MÌNH.” Bị bạo quyền bắt bớ, tra tấn, giết chóc là hậu quả thường đến với những nhà cách mạng. Họ biết trước, “bất cần”, và can đảm gánh chịu. Điều đó đúng. Nhưng hậu quả xấu xảy ra cho người khác, nhất là cho dân tộc họ muốn cứu, thì họ hết sức quan tâm, tính toán, suy nghĩ nát óc để tránh, không bao giờ có chuyện “bất cần”.

Thứ nhì, Sharansky bỏ qua, không đề cập tới một chi tiết rất quan trọng: Chuyện “Tâm can bừng cháy lý tưởng” và việc ra tay “Thực hiện lý tưởng” thường đưa tới những hậu quả khác nhau, nhiều khi, một trời một vực.

Có lý tưởng suông, chỉ để làm cảnh thôi, hậu quả thường nhẹ. Ông là phó thường dân trong xứ độc tài, đang bị bạo quyền áp chế, tự dưng tâm trí bùng lên lý tưởng cách mạng, giải phóng dân tộc. Hậu quả tốt: Bạn bè, bà xã ông biết tất phục lăn kềnh.

Nếu vô phúc đang sống trong chế độ coi chuyện kiểm soát tư tưởng nhân dân là nhiệm vụ cao quí của nhà nước, chắc ông bị gọi lên làm việc đều. Nhưng công an thấy ông chỉ có môn “võ ý”, dọa nạt vài câu rồi tha Tào, vì nhà tù đông đảo quá rồi. Hậu quả xấu và nhẹ.

Nếu đem thực hiện lý tưởng ấy trong phạm vi nhỏ, như xó bếp chẳng hạn, hậu quả cũng không đáng kể. Ông thủ thỉ gieo rắc tinh thần tự do, dân chủ, nhân quyền v.v… cho riêng bà, hậu quả tệ nhất là một ngày nào đó bà vùng lên, vật ông xuống, bắt tuyên bố thoái vị, nhường ngôi “Chúa” cho bà vài nhiệm kỳ, rồi sửa lại hiến pháp “Chồng Chúa vợ tôi” thành “Chồng Chúa vợ cũng Chúa luôn”. Hậu quả xấu, nhưng nhẹ nhàng.

Trái lại, nếu ông mở rộng tầm hoạt động, cầm con dao phay xông thẳng tới dinh Chủ tịch, quyết tâm trừ khử tên lãnh tụ độc tài để gieo rắc tự do dân chủ cho toàn dân thì hậu quả nghiêm trọng đến ngay, và chắc nặng nề.

Việc “thực hiện lý tưởng”, nguồn chính tạo hậu quả, đồng thời còn là mục tiêu phê bình của thiên hạ. Chọn lầm lý tưởng, nặng lắm, bị chê là ngu, mù quáng. Thực hiện lý tưởng bằng phương pháp, chính sách sai lầm, gây hậu quả tai hại, không chỉ bị chê mà còn lãnh đủ những oán hận, căm thù.

Phân tích rõ ra như thế, ta thấy ngay chỗ thiếu ngay thẳng của Sharansky.

Cả đoạn văn ca tụng dài, chỉ có vài dòng lướt nhanh qua phương pháp “thực hiện lý tưởng” của Tổng thống Bush, với lời chê bai nhẹ như bấc. Sharansky bắt người đọc hiểu là: Ông Bush gặp khó khăn chống đối, bị dân cho điểm xấu chỉ vì ông có lý tưởng gieo rắc dân chủ tự do, và trung thành với lý tưởng ấy.

Sự thực, không ai chê trách, căm hờn chuyện tâm can ông Bush bùng cháy lý tưởng. Ông khoe chuyện ấy trước quốc dân, trước hội đồng Liên Hiệp Quốc, lần nào cũng được vỗ tay.

Mark Helprin viết bài chê (trích dẫn trong bài trước), chỉ nhắm vào niềm tin viển vông, ngây ngô, hoang tưởng - “tự do, dân chủ” có khả năng diệt khủng bố - của thầy Sharansky.

Harvey Morris cũng chỉ tiên đoán những hậu quả tai hại của việc áp dụng lý thuyết ấy vào thực tế.

Sau khi nghe bài diễn văn hứa hẹn giải phóng cả thế giới của Tổng thống Bush trong lễ tái đăng quang, Thủ tướng Tony Blair vội trấn an dân Anh; “They (The American Administration) know... that you can’t just go round invading every country that you think should be a democracy. What you can, however, do is to say that you are going to encourage people to become more democratic and more open.” Ông Blair cũng không hề chê lý tưởng của ông Bush, chỉ khéo léo khuyên đồng minh từ nay đừng tiếp tục cái trò nguy hiểm: đi vòng vòng ngó thấy nước nào cần dân chủ thì xâm lăng, chiếm đóng. Sự chê trách ở đây cũng chỉ nhắm vào chiến thuật, chiến lược “thực hiện” lý tưởng của ông Bush thôi.

Chính phần “thực hiện” này đang gieo rắc tang thương cho dân tộc Iraq và đoàn quân chiếm đóng, khiến Tổng thống Bush bị hầu như cả thế giới chê trách, oán hận, và dân Mỹ phê điểm xấu. Nhưng Sharansky vờ như không biết chuyện đó. Thầy kịch liệt nâng bi trò Bush là nhà lãnh đạo có lý tưởng, vì trung thành với lý tưởng mà bị chê trách vẫn “bất cần”, kiên cường, oai hùng ngang tầm các chiến sĩ chống đối, phản kháng.

Câu ca tụng tiếp theo: “they generally believe that betraying those ideas would constitute the greatest of moral failures. Give up, they say to themselves, and evil will triumph” thực chất là một lời đe dọa: anh mà phản bội lý tưởng là anh để ác quỷ thắng to, đạo lý thất bại ê chề.

Bài viết này thuyết phục được bao nhiêu độc giả? Có lẽ Sharansky không cần biết. Tôi tin ông ta chỉ muốn lừa phỉnh một người. Cả bài báo có thể tóm tắt thành vài lời nhắn nhủ riêng ông Bush như sau:

“Tâm can ông bừng cháy một lý tưởng vô cùng cao quí: gieo rắc tự do dân chủ khắp thế giới. Tôi và thầy tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Ông đã thực hiện lý tưởng bằng cách tấn công, chiếm đóng Iraq để tặng họ một thể chế dân chủ. Ông có phạm vài lỗi chiến thuật nhỏ. Bị thiên hạ xúm lại chỉ trích, nhân dân Mỹ chê tài lãnh đạo, ông không sờn lòng, vẫn trung thành với lý tưởng, stay the course. Thật đáng phục. Hãy tiếp tục theo đuổi lý tưởng nhé, hãy giữ lính Mỹ ở Trung Đông cho đến ngày toàn thắng nhé. Nếu ông bỏ cuộc, rút quân về là phản bội lý tưởng, mặc cho ác quỷ thắng lớn và đạo lý nhân gian suy đồi thảm hại đấy.

Tất nhiên, nếu rút quân, ông cũng sẽ mất toi cái tước hiệu cao quí: Vị Tổng thống có ý chí sắt đá của những bậc anh hùng bền gan chống đối cường quyền. Uổng lắm!”

Tại sao một chính trị gia nặng ký, một nhà văn, tác giả cuốn sách đang được Tổng thống Mỹ sùng bái như Thánh kinh lại có thể viết một bài lươn lẹo, nhảm nhí đến thế?

Thấy ông lừa phỉnh ông Bush như lừa phỉnh một cậu bé con, thoạt đầu, cũng giận. Rồi nghĩ kỹ, chỉ còn ái ngại cho ông. Vì lo bảo vệ quê hương, ông đã để cho cái phần trí tuệ đầy mưu lược của nhà chính trị lấn át cái Tâm lương thiện của người cầm bút ngay thẳng. Bằng mọi cách, ông phải thuyết phục Tổng thống Mỹ đóng quân lâu dài ở Trung Đông để giữ an ninh cho Do Thái.

Sharansky thành công mỹ mãn. Sau khi bài báo này xuất hiện, Tổng thống Bush tuyên bố, khi thì chắc nịch: Chuyện rút quân chắc chắn sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ của ông, ông nhường việc ấy cho vị Tổng thống kế nhiệm, khi thì hùng hồn: Dù chỉ còn đệ nhất phu nhân và con chó – chó thật, không phải Thủ tướng Anh – đồng ý, ông vẫn stay the course.

Thuyết phục được Tổng thống Mỹ, nhưng Sharansky thất bại trong việc giúp quê hương ông an toàn hơn.

Lý thuyết của ông đã giữ được anh vệ sĩ khổng lồ ở lại Trung Đông với ảo tưởng là hắn đang tạo hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại. Nhưng hắn khù khờ, ngớ ngẩn bị chôn chân trong vũng cát lầy, đang loay hoay, vùng vẫy tự cứu chưa xong. Thấy thần hộ mệnh của Do Thái ngất ngư, kẻ thù lên chân ngay. Tổng thống Iran công khai đe dọa sẽ xóa Do Thái trên bản đồ thế giới, và lăm le làm bom nguyên tử để thực hiện… lý tưởng.

Ông Bush và những đỉnh trí tuệ cao nhất trong Bạch Ốc không thấy tai họa “Thần dược trừ khủng bố” đem lại. Nhưng các chính trị gia Do Thái chắc biết. Tôi nghi là họ đã xúm lại giũa thầy lang Sharansky kỹ lắm. Thế nên, đầu tháng 10 vừa qua, thầy thình lình tuyên bố về hưu, từ bỏ hẳn chuyện chính trị, chính trường.

Chính trường Trung Đông, thầy bỏ sau lưng không thèm cứu nữa, mỗi ngày tiếp tục có hàng trăm người, cả Iraq lẫn Mỹ, tan xương nát thịt, có quê hương Do Thái của thầy e rằng cũng chẳng được yên thân. Ra tay hạ thủ trước, tấn công Iran để ngăn họa nguyên tử thì, ít nhất, lãnh những trận mưa hỏa tiễn trả đũa, mức tang thương chết chóc khó lường. Không dám hy sinh một phần dân số, mặc cho Mahmoud Ahmadinejad, con người tâm can vừa bùng cháy ý tưởng tiêu diệt Do Thái, chế tạo vài quả, cất trong kho, thì có ngày tính mạng cả nước lâm nguy.

Những tai họa do cái lý thuyết ngây thơ, hoang tưởng của Natan Sharansky sản xuất, chẳng biết đến bao giờ chúng nó mới chịu về hưu.

11/06

© 2006 talawas