© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.12.2006
Martin Heidegger
Về thể tính của chân lý
(Vom Wesen der Wahrheit)
Phạm Công Thiện dịch
 1   2   3   4   5   6 
 
Phần mở đầu: Về thể tính của chân lý

Chủ đề của chúng ta là về thể tính của chân lý.

Vấn đề quan thiết với bản chất của chân lý không phải là chú tâm tìm hiểu xem chân lý có phải là chân lý của kinh nghiệm thực tế hoặc của sự trù tính ức lượng kinh tế, không phải tìm hiểu xem chân lý có phải là chân lý của sự khảo nghiệm kỹ thuật hay của sự khôn ngoan xảo hoạt thuộc phạm vi chính trị, hoặc đặc biệt hơn nữa, cũng không phải là tìm chân lý của sự khảo nghiệm khoa học hay của sáng tác nghệ thuật, cũng tuyệt nhiên không phải là hiểu chân lý của tư tưởng suy lý trầm mặc hay của đức tin tín ngưỡng tôn giáo. Vấn đề quan thiết với thể tính thì không hề bận tâm chú ý đến tất cả những thứ chân lý ấy mà lại chủ hướng tất cả tâm ý vào sự thể duy nhất, sự thể ấy là thực tướng của “chân lý” trong tất cả phạm vi, thứ loại.

Tuy nhiên, phải chăng khi đặt câu hỏi về bản thể của chân lý, chúng ta dễ bị rơi mất trong sự trống rỗng bao la, trừu tượng, phổ cập, làm ngăn chặn trở lại, làm ngột ngạt tất cả tư tưởng? Phải chăng tính cách chướng kỳ tự phụ của một nghi vấn như vậy đã bộc bạch phơi trần ra tính chất lửng lơ trống rỗng vô căn nguyên, mất gốc rễ (bodenlos) của tất cả triết lý? Tất cả tư tưởng nền tảng, tất cả tư tưởng xuất phát từ căn nguyên, tất cả tư tưởng quy hướng về thực tính đều phải đặt cứu cánh tiên khởi trực đạt vào việc thiết lập chân tính khả dĩ đưa cho chúng ta một điểm tựa, một tiêu chuẩn để ngăn chận lại mọi sự hỗn loạn của những ý kiến và của những tính toán đang thịnh hành. Đối mặt với tình cảnh nguy cấp, khẩn yếu hiện nay của chúng ta, việc khảo sát trừu tượng về bản tính của chân lý (chân tính) thì có ích lợi gì, bởi vì sự khảo sát ấy nhất định phải xa lìa, tách rời, trừu xuất ra ngoài tất cả thực tính? Phải chăng vấn tính về bản tính qui tính của chân tính là vấn tính ly tính nhất, vô cố nhất trong cả những nghi vấn đã đặt ra?

Không ai có thể phủ nhận tính cách xác thực hiển nhiên của những lý lẽ bài bác vừa nêu. Không ai có thể dễ dàng phủ nhận giọng điệu nghiêm trọng của lý lẽ trên. Nhưng cái gì tỏ bày trong những lý lẽ ấy? Chính là cái gọi là “lý lẽ thường tình” (“bon sens”) của thiên hạ? Lý lẽ thường tình của người đời chỉ mải miết ngoan cố rêu rao đòi hỏi những cái gì hữu ích có lợi rõ ràng dễ thấy và gắt gỏng chống đối lại tất cả trí thức về bản thể của hiện thể (hữu thể) “cái đang là”, (Seiendes, das Seiende) tức là tri thức chính yếu ấy mà từ lâu được gọi là “triết lý”.

Lý lẽ thường tình của người đời tất nhiên cũng cần thiết trong lãnh vực của nó; lý lẽ ấy viện lẽ, viện lý với khí cụ thích đáng và thích ứng có sẵn, nghĩa là viện cớ tự phụ “hiển nhiên” (Selbstverständlichkeit) của lý lẽ bài bác, những đòi hỏi thường tình không thể chối cãi được. Thế là triết lý không bao giờ có thể phủ nhận lý lẽ thường tình luôn luôn không hề muốn nghe ngôn ngữ của triết lý, và hơn thế, triết lý cũng không hề muốn để ý đến việc phủ nhận ấy, vì lý lẽ thông thường của thế tình không bao giờ muốn đưa mắt nhìn những gì mà triết lý đã đặt ra trước thị quan truy tầm và coi như là chính yếu, trực thuộc thể tính, bản tính.

Vả lại, chúng ta vẫn còn bị vướng kẹt trong trình độ hiểu biết của lý lẽ thường tình. Khi mà chúng ta hãy còn ngỡ rằng mình vẫn có thể tin cậy an nhiên trong những “chân lý” đa dạng do sự cống hiến của kinh nghiệm và hành động, của sự khảo nghiệm khoa học, của sự sáng tạo nghệ thuật và của đức tin tôn giáo. Thế là chúng ta đã tán đồng “lý lẽ thường tình” để phủ nhận tất cả những gì đòi hỏi phải đáng đặt thành nghi tính, vấn tính, (gegen jeden Anspruch des Fragwürdigen).

Vì thế, nếu người ta phải truy vấn chân lý, chân tính, bấy giờ người ta phải có một câu trả lời dứt khoát trước nghi vấn: “hiện nay vị thế của mình ở đâu?” Và người ta muốn biết vị trí, vị thế hiện nay của mình là gì. Người ta muốn có một tiêu đích để đặt ra cho con người giữa tiến trình lịch sử thuộc con người, cũng như để phụng sự cho tiến trình lịch sử của con người. Người ta đều muốn “chân lý” thực sự. Đấy, thế thì người ta cũng bận tâm với chân lý!

Nhưng khi người ta đòi hỏi cho được “chân lý” thực sự đúng là chân lý thì người ta phải biết thực sự chân lý có nghĩa là gì rồi. Hay là phải chăng người ta chỉ biết chân lý bằng “cảm giác mơ hồ” và một cách tổng quát “đại khái” nào đó? Nhưng phải chăng sự “cảm biết” mơ hồ này và sự lãnh đạm thờ ơ về tính cách mơ hồ kia thực ra lại còn thảm thương hơn là ngu dốt không biết gì cả về bản chất, về tính thể của chân lý?


I. Ý niệm thông thường về chân lý

Thông thường thì chúng ta hiểu “chân lý” là gì? Chữ “chân lý” là một chữ tôn quí, nhưng cũng thường bị lạm dụng, bị dùng đến nỗi vô nghĩa, chữ ấy thường có nghĩa: cái làm một sự thể chân thực như là sự thực. Vậy “sự thể chân thực” là gì? Chẳng hạn chúng ta nói: “việc cộng tác thể hiện bổn phận này thực là một niềm khoái cảm thực sự”, khi nói thế thì chúng ta muốn nói đó là một niềm vui thuần khiết, thực sự. Vậy sự thực là Thực sự (Wirkliche). Cũng thế, chúng ta nói đến “đồng tiền thực” để phân biệt với đồng tiền giả. Đồng tiền giả thì không thực sự là cái nó dường như là thế, đó chỉ là một sự thể “giả thể”, do đó, không thực. Không tực đối ngược lại với thực. Nhưng đồng tiền giả thì nó cũng là một sự thể có thực. Do đó, chúng ta nói rõ ràng hơn: “đồng tiền thực là đồng tiền nguyên tính” (echt). Tuy nhiên, cả hai đồng tiền đều “thực”, đồng tiền giả đang lưu hành cũng “thực” không kém gì đồng tiền thực (tính). Do đó, chân tính của đồng tiền thực “tính” không thể được chứng tính bởi thực thể của nó được. Xin đặt lại vấn đề: “thực” (theo nghĩa nguyên tính) và “thực” (theo nghĩa thực tính) ở đây có nghĩa là gì ? Đồng tiền thực (nguyên tính) là sự thể thực sự mà thực thể của nó tương ứng với (in der Übereinstimmung steht mit) với những gì mà chúng ta luôn luôn muốn nói trước “một cách thực sự” trong chữ “đồng tiền”. Ngược lại, khi chúng ta nghi ngờ đồng tiền giả, chúng ta nói, “có một cái gì không hợp, không đúng đây” (Hier stimmt etwas nicht). Trong trường hợp khác, mỗi khi chúng ta nói đến một sự thể nào mà đúng là “như nó phải là thế” thì chúng ta nói: “đúng hợp đấy” (es stimmt). Sự thể (Sache) là đúng, là hợp.

Chúng ta gọi là “thực” chẳng những trong một khoái cảm chân thực, đồng tiền thực và tất cả loại thực thể như vậy, mà chúng ta còn gọi là “thực” hay “sai”, nhất là trong những ngôn từ của chúng ta có liên quan đến những thực thể như thế khi chính những thực thể ấy thực hay sai trong loại thứ chúng nó mà chúng nó có thể là thế hay thế đó trong thực thể chúng nó. Một ngôn thể gọi là thực khi ý nghĩa ngôn thể ấy tương ứng với sự thể mà ngôn thể ấy phát ngôn. Trong trường hợp này chúng ta cũng nói: “điều ấy là hợp đúng” mặc dù trong trường hợp này đây không phải là sự thể được hợp đúng mà là ngôn thể phán đoán (Satz).

Thế thì sự thực, dù là sự thực của sự thể có thực hay là ngôn thể thực, là cái gì đúng, hợp, tương ứng (das Stimmende). Chân thực và sự thực ở đây có nghĩa là sự tương ứng và cùng có hai nghĩa: thứ nhất là tương ứng của một sự thể đối với một ý tưởng về nó khi ý tưởng ấy được tượng thể trước (dem über sie Vorgemeinten), nghĩa thứ nhì là tương ứng của sự thể được định thể bằng ngôn thễ với chính sự thể ấy.

Lưỡng thể của sự tương ứng ấy đã được dẫn ra minh bạch nhờ định nghĩa truyền thống của chân lý: “Veritas est adaequatio rei et intellectus”. Câu ấy có thể hiểu là: chân lý là cận thể tương ứng của sự thể (đối thể). Không ai chối cãi rằng định nghĩa trên thường chỉ được dùng trong phương trình: veritas est adaequatio intellectus ad rem. Tuy nhiên, khi chân lý được hiểu như thế, nghĩa là chân lý ngôn thể (ngôn từ, phán đoán) chỉ có thể thực hiện nhờ nền tảng của chân lý khách quan, chân lý đối thế, khách thể: adaequatio rei ad intellectum. Cả hai quan niệm về bản chất của chân lý hiểu theo nghĩa veritas thì luôn luôn hàm chứa ý nghĩa “tự đặt mình đúng với” (sich richten nach) hợp với sự thể, và ý niệm chân lý như thể như là sự chính xác, chính tính (Richtigkeit).

Mặc dù thế, quan niệm này không phải chỉ là đảo ngược quan niệm kia mà trái lại ở đây lại là: intellectus và res đã được nghĩ khác hẳn nhau trong mỗi trường hợp. Muốn hiểu và đánh giá cho đàng hoàng điều ấy, chúng ta phải truy lại phương trình thông dụng của ý niệm thông thường về chân lý nơi tận những nguồn gốc gần gũi nhất của nó, nghĩa là thời trung cổ. Chân lý theo nghĩa veritas như là adaequatio rei ad intellectum không ngụ ý quan niệm siêu thể sau này của Kant (điều ấy chỉ có thể thực hiện trên nền tảng chủ thể tính con người). Kant quan niệm rằng “những sự thể tương ứng chính xác (sich richten nach) với tri thức của chúng ta”. Chân lý hiểu theo nghĩa vertas ở trên lại có nghĩa theo tín ngưỡng thần học Thiên Chúa giáo, những sự vật chỉ là thế khi những sự vật ấy giữ vị trí của những sự thể được sáng tạo (ens creatum) tương ứng với một lý thể được ý niệm trước trong thiên thức (intellectus divinus), nghĩa là trong thiên trí của Thượng Đế, chỉ có thể, chỉ tương ứng với ý tưởng “được chính xác” (ideegerecht) và trong nghĩa đó chính là “thực”. Nhân thức (intellectus humanus) thì như thế là tạo vật (ens creatum). Vì là một quan năng được Thượng Đế ban cho con người, nhân thức phải làm thỏa mãn ý tưởng của ngài, nhưng trí thức chỉ tương ứng với ý tưởng khi ý tưởng tác động trong ngôn thể của nó sự cận thể tương ứng của tư tưởng đối với sự thể, rồi đến lượt sự thể ấy lại cũng phải tương ứng xứng hợp với ý tưởng (idea). Khả năng của tri thức con người muốn đạt tới thực (thể giá như chúng ta chịu nhận toàn thể, tất cả những cái gì “là” đều là “được sáng tạo”) thì khả năng ấy xây nền tảng của nó trên sự nhận thức rằng sự thể và ngôn thể đều đồng thể tướng trong sự tương ứng xứng thể với nhau trong sự nhất thể của sự an bài sáng thế do Thượng Đế. Chân lý theo nghĩa veritas như là adaequatio rei (creandae) ad intellectum (divinum) bảo đảm cho chân lý theo nghĩa veritas như là adaequatio intellectus (humani) ad rem (creatum). Chân lý (Veritas) trong tính thể của nó luôn luôn vẫn là convenientia (hòa đồng) của chính tính thể như là sinh thể, hòa đồng thuận thể của đấng Sáng tạo, hòa đồng thuận cảm (stimmen) với Thiên Mệnh.

Nhưng trật tự của thiên mệnh ấy, nếu tước bỏ ra ngoài ý tưởng sáng thế thì cũng có thể được ý niệm là trật tự của thế gian hiểu theo nghĩa tổng quát mơ hồ, trật tự sáng thế hiểu trong nghĩa thần học đã được thay thế bằng khả năng an bài sắp xếp mọi sự nhờ hỗ lực của thể lý, mathesis universalis (Weltvernunft), thể lý là lý pháp cho chính nó và có thể tự cho rằng sinh hoạt của mình hoàn toàn có thể truy nhận trực tiếp mà chúng ta gọi là “hợp lý”. (Die Planbarkeit aller Gegenstände durch die Weltvernunft, die sich selbst das Gesetz gibt und daher auch die unmittelbare Verständlichkeit ihres Vorgehens – das was man für “logisch” hält. p.9). Vì thế, người ta nghĩ rằng không cần đòi hỏi thêm những bằng chứng để chứng minh rằng tính thể của chân lý ngôn thể (phán đoán). Nằm trong sự chính xác tương ứng của ngôn thể. Ngay đến khi mà chúng ta cố gắng một cách thất bại rõ ràng để giải thích làm thế nào có thể đạt tới được sự chính lý thì chúng ta đã định đề giả định sự chính lý như là tính thể của chân lý rồi. Cũng y hệt như thế, chân lý khách quan đối thể vẫn luôn luôn chứa đựng ý nghĩa sự tương ứng xứng hợp của đối thể sự vấn với ý niệm chính yếu hay “hữu lý” về nó. Người ta thường có cảm giác sai rằng định nghĩa tính thể của chân lý theo điệu này là hoàn toàn độc lập, không dính dáng đến lối giải thích thể tính tính thể của toàn thể, của tất cả đang “là” của chính thể tính của tính thể (Sein alles Seienden). Giải thích như vậy thì luôn luôn dính dáng với lối giải thích tương đương như thế về bản thể chính yếu của con người như là công cụ chuyên chở và kiện toàn của trí thức (intellectus). Thế thì phương trình về thể tính của chân lý (veritas est adaequatio intellectus et rei) đã thâu đạt được một giá trị phổ đại, tổng quan, hiển nhiên rõ ràng, lập tức, dễ hiểu đối với tất cả mọi người. Chúng ta đã bị chế ngự kiềm giữ trong tính cách hiển nhiên tự phát (Selbstverständlichkeit) của ý niệm về chân lý, thành ra những gì nền tảng chính yếu nhất của chân lý gần như đã bị khuất lấp không thể trực nhận được, vì ý niệm chân lý theo điệu thông thường trên được coi như điều quá hiển nhiên rõ ràng, thành ra chân lý đứng đối lại với cái gì nghịch lại nó, do đó mới có sự thể gọi là phi chân lý. Sự phi chân lý ngôn thể (sự không thể hợp, không đúng) có nghĩa là sự bất tương ứng xứng hợp của ngôn từ với sự thể. Phi chân lý đối thể (phi nguyên tính: Unechtheit) có nghĩa là sự bất đồng bất xứng của hiện thể, của cái đang là với thể tính của nó. Trong cả hai trường hợp, phi chân lý có thể hiểu là thất bại trong việc xứng hợp nghĩa là bất đồng (Nichtstimmen). Sự thất bại này bị loại ngoài thể tính của chân lý. Vì lý do đó, khi bị coi như là đối nghịch với chân lý thì phi chân lý không còn được đáng kể khi đối trị với vấn đề thể tính thuần khiết của chân lý. Thế thì, có thực sự cần thiết khai mở đặc biệt về thể tính của chân lý nữa không? Có phải thể tính thuần khiết của chân lý đã được chứng minh đầy đủ, giãi bày đàng hoàng trong quan niệm thông thường thông dụng về nó, nghĩa là không bị phương hại bởi bất cứ một lý thuyết nào mà lại được bảo vệ bởi tính quá hiển nhiên (Selbstverständlichkeit) của nó? Tựu chung, nếu chúng ta qui hướng qui kết chân lý ngôn thể trở thành chân lý đối thể như nó xuất hiện thoạt tiên, nghĩa là giải thích theo điệu thần học, và nếu đi sâu hơn nữa, chúng ta giữ lại định nghĩa triết lý hoàn toàn tự do khỏi sự pha lẫn của thần học và giới hạn ý niệm của chân lý trong chân lý ngôn thể phán từ thì chúng ta bắt buộc tức khắc phải đối mặt với một truyền thống cổ kính của tư tưởng nếu không nói là truyền thống cổ kính nhất, theo truyền thống ấy thì chân lý là đồng tính hay hòa đồng (Übereinstimmung: homoiosis) của một ngôn từ (logos) với một sự thể hiển lộ (pragma). Giá như chúng ta biết được ý nghĩa của “đồng tính hay hòa đồng tính” của một ngôn từ đối với sự thể thì cái gì còn lại đáng được đặt thành nghi vấn? Chúng ta có hiểu sự việc ấy không?


II. Tiềm thể nội tại của hòa đồng (Übereinstimmung)

Chúng ta nói đến “hòa đồng tính” trong những nghĩa khác nhau, chẳng hạn như khi nói rằng hai đồng tiền nằm trên bàn thì hai đồng tiền ấy hòa đồng với nhau, giống với nhau. Cả hai hòa đồng trong đồng tính của hiện tượng. Cả hai đồng hiện thể, đều giống nhau trong tính cách ngoại hiện, đều giống nhau trên bình diện đó. Hơn nữa, chúng ta cũng nói về sự hòa đồng khi chúng ta nói về một trong những đồng xu này: đồng xu này thì tròn. Ở đây, ngôn từ “hòa đồng” với chủ thể hay sự thể. Chúng ta đã đạt tới tương giao, không phải giữa sự thể này và sự thể kia mà giữa ngôn thể và sự thể. Nhưng, ngôn thể và sự thể đồng hóa bằng cái gì khi mà đương thể đều khác nhau một cách quá hiển nhiên trong dạng thể? Đồng xu làm bằng kim khí, ngôn thể thì chẳng có gì là vật chất cả. Đồng tiền thì tròn, còn ngôn thể thì hoàn toàn được nói ra, chẳng có gì là có tính chất không gian cả. Chúng ta có thể mua một cái gì đó với đồng xu kia, nhưng ngôn thể thì không thể nào là phương tiện mua bán hợp pháp được. Dù có sự sai biệt giữa hai thực thể, mặc dù thế, ngôn thể hòa đồng với đồng xu và diễn tả thực và đúng về đồng xu theo ý tưởng thông thường về chân lý. Sự hòa đồng này được coi như là sự tiếp cận, cận tính, cận thể, sự tương ứng (Angleichung). Làm thế nào mà một sự thể như ngôn thể hoàn toàn khác hẳn đồng xu mà lại có thể cận thể tương ứng với đồng xu? Nếu muốn thế, thì ngôn thể phải trở thành đồng xu và tự hiển bày hoàn toàn trong hình thể ấy. Không có ngôn thể nào có thể thể hiện như vậy. Lúc ngôn thể thể hiện được như vậy thì ngôn thể như là ngôn thể không còn thể nào hòa đồng xứng thể với đối thể. Muốn cận thể tương ứng, ngôn thể phải trở thành hiện thể của mình, trở thành cái mình đang là thế. Vậy thì bản chất của ngôn thể là gì khi nó hoàn toàn khác hẳn bất cứ một sự thể nào khác? Nhất là khi muốn lưu giữ lại bản thể của chính mình thì làm thế nào ngôn thể có thể vận hành tiếp cận tương ứng với sự thể nào khác, với một sự thể nào đó? Trong trường hợp này, sự tiếp cận “cận thể” tương ứng không có nghĩa là đồng tính đồng thể chất, giống nhau thể chất giaữ hai sự thể khác nhau trong loại thể. Đúng hơn, bản chất của cận thể tương ứng bị qui thể, định thể bởi loại thể của giao thể thành tựu giữa ngôn thể và sự thể. Khi mà giao thể này hãy còn mơ hồ bất định và bản thể nó hãy còn chưa được dò tới thì tất cả luận thuyết về tiềm thể và vô tiềm thể, về loại thể và cấp độ của sự cận thể, tương ứng, tất cả những luận thuyết ấy chẳng đưa đi đến đâu cả. Ngôn thể về đồng xu đặt liên thể của tự thể với sự thể bằng cách tượng thể (vorstellen) nó và diễn ra sự thể được tượng thể như là thể cách của hiện thể, “hiện thể giống như thế nào” thì ngôn thể, bất cứ thể diện nhất định nào (leitende Hinsicht) đều quan trọng ngay khoảnh khắc ấy (Die Aussage über das Geldstück bezieht “sich” aber auf dieses Ding, indem sie es vorstellt, und vom Vorgestellten sagt, wie es mit ihm nach der je leitenden Hinsicht bestellt sei). Ngôn thể tượng thể diễn đạt về sự thể sở tượng diễn tả sự thể ấy như nó đang là. Điệu nói “như” (so-wie) áp dụng cho sự tượng thể và những gì nó tượng thể. “Tượng thể” ở đây có nghĩa là để cho một sự thể nào đó giữ lấy hiện vị đối nghịch lại chúng ta như là một đối thể, (Entgegenstehenlassen des Dinges als Gegenstand) “Tượng thể” chỉ có nghĩa thế khi chúng ta xua bỏ tất cả những quan niệm tiền định về “tâm lý học” và “lý thuyết về ý thức”, “nhận thức luận”. Sự thể đối nghịch (tư thế của nó là thế) sự thể ấy đo bằng ngay qua khai đối thể (durchmessen), (Ein offenes Entgegen durchmessen) để đến chúng ta và đồng thời đứng yên trong tự thể như là sự thể và phát hiện tự thể như là một thường thể. Sự phát hiện của sự tự thể trong việc đo chuyển hướng đi ngược về chúng ta thành tựu trong khai xứ (trong lãnh địa của Khai thể (das Offene), khai tính (Offenheit) của khai thể không phải do tượng thể tạo ra trước tiên mà chỉ được nhập thể và thể nhận mỗi lúc như là thể vực của thể giao (Bezugsbereich). Sự giao hệ giữa ngôn thể tiền tượng và sự thể được thể dụng như là chiếu hợp (Verhältnis) khả dĩ khởi phát biến động và vẫn còn tiếp tục biến động như sự khởi phát của tư cách thể thái (Verhalten). Nhưng tất cả tư cách thể thái ấy đều được qui định đặc điểm rõ rằng là phải nối liền liên hệ với một sự thể hiển hiện như là thế (ein Offenbares als ein solches), tư cách thể thái ấy đã được thể nhận đặc thể của nó trong khai thế. Những gì là thế, hiểu theo nghĩa hẹp như thế, được ngoại hiện như thế, đã được thể nghiệm trong những chặng đường đầu tiên nguyên thủy của tư tường Tây phương, được thể nghiệm như là “thể hiện”, “những gì là hiện diện” (“das Anwesende”) và từ lâu được gọi là hiện thể, “cái đang là” (das Seiende). Tất cả tư cách thể thái đều là khai thể (nói sát nghĩa: “đứng mở ra: “offenständig”) khai thể ra trước hiện thể (Das Verhalten ist offenständig zum Seienden) và tất cả tương thể khai thể đều là thể thái. “Khai thể” (Offenständigkeit) của con người thay đổi theo bản tính của hiện thể và thể thế của thể thái.

Tất cả thể hiện thành tựu, những trách nhiệm bổn phận, tất cả sự giao dịch thương lượng tính toán đều được thành hình trong khai xứ, vùng khai mở mà trong đó hiện thể có thể giữ vị thế mình một cách rõ ràng như là và nó là thế nào, nó là gì, cái gì, nó là trong hiện thể, và nhờ thế có thể trở thành có khả năng diễn đạt được trong ngôn thể. Việc này chỉ có thể xảy ra khi tính thể tự tiền tượng mình (selbt vorstellig wird) bằng ngôn thể tiền tượng để mà ngôn thể có thể chịu lệnh trực tiếp để diễn tả hiện thể “như là thế” hay đúng như nó đang là. Khi nghe theo thể lệnh ấy, ngôn thể tự xác thể (sich richtet nach) với hiện thể. Khi tự hướng mình trên con đường này, ngôn thể là chính ngôn (thực ngôn). Những gì đã được ngôn diễn như thế là chân chánh, chánh thể (chân thể). Ngôn thể được chính, đúng, là nhờ khai tính của thể thái bởi vì chỉ qua khai tính của thể thái ấy thì bất cứ sự thể ngoại hiện nào mới có thể trở thành tiêu chuẩn cho cận tính tương ứng tiềm tàng trong ngôn thể tiền tượng. Thể thái khai thể phải áp dụng tiêu chuẩn này cho chính mình. Nói thế có nghĩa là nó phải chấp nhận dữ kiện trước tiên về một tiêu chuẩn cho tất cả tiền tượng. Việc này tiềm tàng nằm sẵn trong khai tính của thể thái. Nếu sự chân chính (chân thể) của ngôn thể chỉ có thể thể hiện bằng tính chất khai thể của thể thái, thì nhất định sự thể giúp cho chân chính được thể nguyên thủy hơn, đòi hỏi được thể nhận như là tính thể của chân lý (chân tính).

Như thế, sự hành thể truyền thống trong việc quy thể chân lý hoàn toàn trực thuộc vào ngôn thể (Aussage) như là nguyên xứ duy nhất của chân lý, sự hành thể truyền thống ấy đã sụp đổ hoàn toàn. Chân lý không xuất nguồn trong ngôn từ phán đoán. Đồng thời ta có thể đặt vấn thể nghi vấn như vầy: trên căn thể nào, nền tảng nào mà thể thái của khai thể có thể có khả thể hội tại giả định một tiêu chuẩn; chính khả thể này mới mang đến sự chính xác ngôn thức để cho ngôn thức có đủ hình thức giả tưởng khả dĩ thể hiện thể tính của chân lý.


III. Căn thể của khả thể nội tại (Ermöglichung) của chính thể tương hợp

Do đâu mà ngôn thể tượng thể nhận lấy thể lệnh để tự “chính hóa” bản thể theo đối thể và rồi lại hòa thế với chính thể? Tại sao sự hòa thể ấy (Stimmen) đồng thời định thế (bestimmen) thể tính của chân lý (chân tính)? Thực ra làm thế nào có thể có được một sự thể như thế như sự cận thể với một chuẩn thể tiền lập (Vorgabe), hay có được huấn lệnh kêu một sự hòa thể như thế? Chỉ như vậy, bởi vì dữ tặng tiền lập (Vorgeben) đã tự giải thể (sich freigegeben hat) và trở thành khai thể cho sự hiển thể hành thể trong khai tính này – một sự hiển thể ràng buộc tất cả bất cứ mọi sự tượng thể nào. Sự “giải thể” ấy để lệ thuộc vào một tiêu thể ràng buộc chỉ có thể hiện như là tự do để vén mở một sự thể nào đó đã khai mở rồi (zum Offenbaren eines Offenen) – Được tự do như thế đưa lối đến thể tính chưa lý giải được của tự do. Khai tính của thể thái tư cách được đặt căn thể trong tự do khi nó có nghĩa là làm chính tính tương ứng trở thành một khả thể. Thể tính của chân lý là tự do.

Phải chăng ngôn thức về thể tính của chính tính tương ứng ở đây chỉ là thay thế một sự kiện hiển nhiên này bằng một sự kiện hiển nhiên khác? Muốn có khả năng xoay trở hành động đến một “chân lý” và đưa hành động của ngôn thức tương thể và hành động hòa đồng hay bất hòa đồng, muốn xoay trở hành động ấy vào một “chân lý”, người hành động hiển nhiên phải được tự do – Ngay lúc ấy đi nữa, ngôn thức của chúng ta không có nghĩa rằng hành dộng cố ý có liên hệ gì trong việc hình thành ngôn thức, hoặc sự thông đạt và dung nạp ngôn thức ấy. Ngôn thức nói: Tự do là thể tính của chính chân lý. “Thể tính” được hiểu ở đây theo nghĩa như là nền tảng của khả thể nội tại của bất cứ sự thể nào được nhận trước tiên và được công nhận là “biết được”. Trong quan niệm thông thường về tự do, chúng ta không nghĩ tới chân lý, còn nói nghĩ gì tới thể tính của nó. Nơi đây nhận xét rằng thể tính của chân lý (chính tính của ngôn thể) là tự do, sự phát biểu ấy nhất định là có vẻ kỳ dị.

Nhưng khi xoay hướng chân lý trở về tự do – phải chăng làm thế chỉ có nghĩa bỏ rơi chân lý trong sự bốc đồng võ đoán tâm tính của con người? Còn gì có thể phá hoại chân lý một cách triệt để như thế, khi giao chân lý lại cho tâm tính vô định của “cây sậy suy tư” bất thường này?

Sự thể từ lâu vẫn cưỡng bách lý lẽ thường tình của chúng ta trong bài thuyết trình này bây giờ lộ rõ chân tướng: chân lý bị đem xuống cấp độ chủ quan của chủ thể con người. Dù ngay trong trường hợp chủ thể này có thể đạt tới một sự khách quan tính nào đó thì nó vẫn còn giữ lại nhân tướng trong khí thế chủ quan tính của mình và lệ thuộc vào sự kiểm soát của con người.

Không thể chối cãi nữa, sự trá lý, trá hình, sự láo khoét lường gạt, sự lường đảo giả vờ kênh kiệu, tóm tắt, tất cả những loại phi chân lý, đều được qui trách vào con người. Nhưng phi chân lý là sự đối nghịch của chân lý, phi chân lý chính là “phi thể tính” (Unwesen) của chân lý, “phi thể tính” này được lưu giữ lại một cách chính đáng bên ngoài phạm vi khảo sát về thể tính thuần túy của chân lý. Nguồn gốc nhân tính của phi chân lý chỉ xác nhận lại một cách tương phản, xác nhận lại bản tính nguyên tính của chân lý “tự thể”, chân lý thống trị “trên” con người mà siêu thể học coi như một cái gì bất diệt và trường tồn, một cái gì không bao giờ có thể được xây dựng trên tính chất nhất thời và mong manh của loài người. Làm thế nào thể tính của chân lý có thể có được một căn thể vững chắc trong tự do con người?

Chống chế lại quan niệm cho rằng thể tính của chân lý là tự do, chống chế như vậy là vì đã bị ăn rễ quá sâu trong những thành kiến, thành kiến lì lợm khó trị nhất là quả quyết rằng tự do là một đặc hữu của con người, và rằng bản chất của tự do không cần và không thể cho phép đặt thành nghi vấn được hỏi sâu xa hơn nữa.

Còn riêng đối với con người thì ta đều biết hắn là gì rồi.


IV. Thể tính nguyên tính của tự do

Khi chúng ta hội ý được rằng có một sự liên hệ chính yếu giữa chân lý như là chính tính và tự do, hội ý được như thế là đã phá vỡ tất cả những quan niệm tiền niệm kia, hiển nhiên chỉ phá vỡ được với điều kiện là chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị thay đổi lề lối suy tư của chúng ta. Quan niệm về sự tương ứng tương cảm tự nhiên giữa chân lý và tự do xui chúng ta theo đuổi câu hỏi về bản tính của con người, một trong những khía cạnh của nó – một khía cạnh được chứng tỏ bằng kinh nghiệm về một căn thể nguyên tính (Wesensgrund) giấu kín trong bản tính và tính thể con người, để mà chúng ta có thể được luân chuyển bước vào trong lãnh thổ linh động uyên nguyên của chân lý. Nhhưng đến đây, ai cũng thấy rõ ràng hiển nhiên rằng tự do là căn thể của tiềm thể nội tại của chính tính, chỉ là bởi vì nó nhận lấy thể tính nguyên tính của nó từ trong một sự thể nguyên thủy hơn nữa: chân lý nguyên tính, hoàn toàn thuần tính một cách độc đáo.

Thoạt tiên tự do được định nghĩa như là tự do cho sự vén mở một sự thể đã được khai thể rồi. Làm thế nào chúng ta có thể nghĩ đến thể tính của tự do, khi tự do được ý niệm như thế. Hiển tính (Das Offenbare), nơi mà một ngôn thể tượng thể cận hóa với chính tính của nó, hiển tính ấy là cái hiện thể đang “là” trong mọi thời và xuất hiện cho và bởi một hình thức thể thái tư cách nào đó. Tự do vén mở một sự thể khai thể là để cho bất cứ sự thể nào đó đang “là” trong lúc ấy được cái nó đang là (lässt das jeweilige Seiende das Seiende sein, das es ist). Tự do vén mở như là “suất tính”, “để cho là” cái đang là (hiện thể).

Chúng ta thường nói về “để cho là” (sein-lassen) mỗi khi trong trường hợp chúng ta xa lìa, đứng bên ngoài một cơ đồ nào đó mà chúng ta đã sắp đặt kế hoạch. “Chúng ta để yên nó là thế” có nghĩa là: không đụng chạm đến nó, không biết tới nó nữa. “Để là thế” (suất tính) ở đây có nghã tiêu cực là bỏ lửng một việc gì, bỏ rơi nó, lãnh đạm hững hờ, bỏ quên, không biết đến nữa.

Câu văn chúng ta đang dùng ở đây, câu “để yên là thế”, (suất tính hiện thể), ở đây không có nghĩa lãnh đạm thờ ơ. Bỏ quên, không biết tới; nghĩa ở đây được dùng đối nghịch lại hẳn những ý nghĩa trên. “Để cho một sự thể nào được là” (Seinlassen) thực ra có nghĩa là có liên hệ dính líu với nó (sich einlassen auf). Đây không nên hiểu như là theo đuổi, dõi theo, trì giữ, uốn nắn, tôi luyện, hoạch định một hiện thể nào đó tình cờ gặp thấy hoặc tìm thấy được. Để cho cái đang là được cái nó đang là, câu này có nghĩa là tham dự, thể nhập vào khai tính, tất cả mọi sự đang “là” lấy lại tư thế lưu nhập (hereinsteht) và mang đến khai tính như thế. Từ thuở ban đầu, tư tưởng Tây phương đã quan niệm khai tính ấy như là “Tà áléthéa”, “vô ẩn thế” (das Unverborgene). Nếu chúng ta dịch “áléthéia” là “không che đậy” hay “vén mở” “khai tính” (die Unverborgenheit), thay vì dịch là “chân lý”, thì sự dịch lại như thế chẳng những “sát nghĩa” hơn, mà nó còn đòi hỏi chúng ta phải sửa chữa lại ý niệm thông thường của chúng ta về chân lý theo nghĩa sự chính xác ngôn thức; nó đòi hỏi chúng ta phải truy nguyên lại tính chất chưa lý giải được: Khải Tính (Entborgenheit) và Khải Thể (Entbergung) của cái đang là, nghĩa là của hiện thể. Sự thể nhập vào bản tính khả tính của hiện thể không phải chỉ ngừng lại nơi đó, nó triển khai trong một sự ẩn dật thụt lùi trước nó, để mà hiện thể có thể tự vén mở mình như là cái mình là và mình là thế nào, và sự cận tính tượng thể cho nó trong ngôn thể, có thể lấy đó làm tiêu thế.

Trong thể cách ấy, “suất tính” tự lộ thế ra (setzt sich aus) cho cái-đang-là-như thế (hiện thể như thế) và đưa tất cả thể thái tư cách ra ngoài khai thể (versetzt ins Offene): “suất tính”, nghĩa là tự do, trong tự thể “hiến thế” (aus-setzend) và “xuất thế” (existent). (Das Sein-lassen, d.h. die Freiheit, ist in sich aus-setzend, existent. p. 16).

Đứng trên quan điểm của thể tính chân lý, thể tính của tự do bây giờ tự bày tỏ ra như là một sự “hiển thể”, “xuất thế” nhập vào trong bản tính khai thể của hiện thể.

Tự do không phải là tự do hiểu theo nghĩa thông thường của lý lẽ thông thường của người đời (tục thức): khả năng bốc đồng bất thường có thể muốn làm những gì mình thích làm, đi đây hoặc đi đó tùy theo ý muốn lựa chọn. Tự do không phải là buông thả phóng dật trong những gì mình làm hay không làm. Tự do, hơn nữa, cũng không chỉ có nghĩa là sẵn sàng làm một việc đòi hỏi cần thiết trong ý nghĩa “hiện thể”, “hiện thực” (Seiendes). Trên tất cả mọi thứ tự do kiểu đó (trên mọi thứ “tự do tiêu cực” và “tích cực”), tự do là thả mình vào trong khải tính của hiện thể như thế (das Seiende als ein solches). Khải tính của hiện thể ấy được lưu giữ trong sự thả mình xuất thế, từ đó khai tính của khai thể (die Offenheit des Offenen), nghĩa là cái “hiện”, cái “ở đó”, “sự hiện diện” (Da) của nó, đang cái nó đang là.

Trong Hiện Tính ấy (Da-sein) một căn thể nguyên tính và từ lâu chưa ai dò tới, căn thể ấy được gửi lại cho nhân loại, căn thể mà từ đó, trên đó, con người có thể xuất tính. “Xuất tính” trong trường hợp này không có nghĩa là “hiện hữu” (Existentia) trong nghĩa “xuất hiện” (Vorkommen) và theo nghĩa một “thực thể” (Dasein), nghĩa là “hiện vật thể” (Vorhandensein) của một “vật thể”, “sinh thể” (eines Seienden). “Xuất tính” cũng không có nghĩa theo “hiện sinh”, không có nghĩa là sự bận tâm tinh thần của con người đối với bản thân mình – sự bận tâm xuất phát từ cấu thể tâm sinh lý của mình. Xuất tính, lúc được đặt căn thể trong chân lý (chân tính) như là tự do thì chẳng qua chỉ là sự hiển thể trong bản tính khai thể của hiện hiển như thế. (Die in der Wahrheit als Freiheit gewurzelte Existenz ist die Aussetzung in die Entborgenheit des Seienden als eines solchen. p. 16). Khi hãy còn chưa dò, chưa lượng được, và hãy còn chưa ý thức được về nhu cầu cấp bách của việc thám hiểm sâu thẳm hơn nữa về thể tính mình, xuất tính của con người lịch sử bắt đầu khởi sự ngay giây phút mà tư tưởng gia đầu tiên đã đặt lên câu hỏi về bản tính sơ khai của hiện thể, đặt lên câu hỏi: cái đang là gì? (Hiện thể là gì?). Qua câu hỏi vừa đặt, lần đầu tiên khải tính và khai tính đã được thể nghiệm. Hiện thể trong toàn thể (das Seiende im Ganzen) khải thị tự thể như là phusis, “hóa thể” “nhiên thể” (thiên nhiên), và chữ này chưa có nghĩa là một lãnh vực đặc biệt nào đó của hiện thể, mà lại có nghĩa là “cái đang là như thế trong tất cả”, “hiện thể như thế trong toàn thể” (das Seiende als solches im Ganzen) và hơn thế, còn có nghĩa là sự hiện diện tính mãn khai phát tiết (aufgehenden Auwesens). Chỉ khi nào hiện thể được đặc biệt nâng lên thế lực của khải tính bản thể và được lưu giữ ở đó, chỉ khi nào sự lưu tính ấy được ý niệm như là tra vấn truy tìm hiện thể như thị, chỉ có lúc ấy lịch sử mới bắt đầu xuất hiện. Khải tính đầu tiên về hiện thể trong toàn thể, sự vấn tính truy thể về hiện thể như thị và sự khởi nguyên lịch sử của Tây phương chỉ là đồng nhất thể, đồng “thời”, đồng một “thời thể” vô hạn lượng trong tự thể, chỉ có thời thế ấy mới khai thị cho Hiển Tính được xuất hiện cho bất cứ tiêu chuẩn đo lường nào. Nhưng nếu, Hiện Tính (Da-sein) xuất thể được hiểu như là suất tính cho hiện thể, nếu hiện tính xuất thể ấy giải phóng cho con người được “tự do” trong tự thể; sự tự do ấy khiến hắn phải đối mặt với sự lựa chọn giữa những tiềm thể hiện thực (hiện thể) và những cưỡng bức nhu cầu hiện thực (hiện thể) đối với bản thân, lúc ấy, tự do không còn bị điều động bởi tư ý khuynh hướng võ đoán của con người. Con người không “chủ hữu”, làm chủ tự do như là một vật sở hữu, nói ngược lại mới đúng thực: tự do hay Hiện Tính (Da-sein) khải thể xuất thể đã làm chủ con người và hơn thế, làm chủ trên một tính cách quá uyên nguyên đến nỗi chỉ có tự do mới mang đến con người tương thế với hiện thể trong toàn thể, nền tảng đặc tính rõ rệt của lịch sử con người. Chỉ có con người xuất thế mới là có tính cách lịch sử. “Thiên nhiên” (Hóa thể) không có lịch sử:

Khi tự do được hiểu như thế như là “Suất tính” của hiện thể, tự do tựu thành viên mãn thể tính của chân lý trong ý thể ràng chân lý là khải tính và khai tính của hiện thể. “Chân lý” không phải là nhãn hiệu đặc tính của một ngôn thức chính xác nào do “chủ thể” con người đối lại với một “khách thể” và được gọi là “đúng”, thực ra trong phạm vi nào không ai biết đích xác; chân lý chính lại là khai tính của hiện thể; xuyên qua khai tính ấy, một sự thể “khai thế” được thể hiện và hiệu lực tác động. Tất cả thể thái tư cách của con người đều là sự lộ thế xuất hành trong khai tính. Từ đó con người nhờ vào cấu thể xuất tính của hắn.

Bởi vì cả thể cách của thể thái con người (Verhalten) đều khai mở trong mỗi một đường lối cá biệt của nó và luôn luôn mật thiết với những gì những thể cách ấy phải mật thiết liên hệ (Wozu es sich verhãlt), do đó, sự thể thái bức bách (Verhaltenheit) của việc “để cho những sự thể được là”, nghĩa là tự do, phải đưa hướng lệnh nội tại cho con người trong việc tiếp cận những ý tưởng mình (tiền tượng: Vorstellen) với hiện thể trong bất cứ lúc nào. Con người xuất hóa, (xuất tính), và nói thế có nghĩa là: con người lịch sử có được lịch sử mình và tất cả những tiềm thể của lịch sử đã bảo đảm hắn trong khai tính của hiện thể trong toàn thể. Thể cách hiện thể hành thế (west) của bản tính uyên nguyên của chân lý khai phát ra những quyết định hy hữu trọng đại của lịch sử.

Nhưng bởi vì chân lý, trong thể tính tự tính, là tự do; con người lịch sử, dù hắn “suất tính”, “để cho những sự thể được là” vẫn không thể nào thực sự để cho cái đang là (hiện thể) được đúng cái nó đang là và như nó đang là. Do đó, hiện thể lúc ấy bị che lấp phủ kín và bị xuyên tạc thể dạng. Ảo tưởng giả thể xuất hiện với tất cả thế lực của nó. Từ đó, sự phủ định chính yếu của chân lý, phi thể tính (Unwesen) của chân lý, bắt đầu xuất hiện. Nhưng bởi vì tự do xuất thể, khi là thể tính của chân lý, không còn là sở hữu của con người (bởi vì trường hợp của con người chỉ là chỉ xuất hóa như là vật sở hữu của tự do ấy và nhờ thế có khả năng với lịch sử), hậu quả của việc ấy là phi thể tính của chân lý không thể nào chỉ xuất hiện đơn giản theo thể điệu hậu nghiệm a posteriori do sự bất lực và hờ hững của con người. Trái lại, phi chân lý phải lấy nguồn từ thể tính của chân lý. Chỉ vì chân lý và phi chân lý, trong thể tính, hoàn toàn đồng với nhau thì một ngôn thức chính xác thực sự mới có thể tương phản rõ rệt bén nhậy với ngôn thức bất chính tương đương. Sự truy tìm thể tính của chân lý chỉ có thể triển khai vào trong lãnh vực uyên nguyên của nghi vấn, khi nào đã thâu thái được trực kiến tiên khởi vào bên trong thể tính trọn vẹn của chân lý, bấy giờ chúng ta mới kể gồm luôn cả sự khảo sát về phi chân lý trong khải tính của “thể tính”. Sự khảo sát vào phi thể tính của chân lý không phải là lấp đầy khuyết điểm lỗ trống theo sau đó; đó là một bước quyết định đi về sự thiết lập thích đáng câu hỏi về thể tính của chân lý. Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có thể ý niệm được phi thể tính của chân lý như là thành phần của thể tính nó? Nếu thể tính của chân lý không thể được giãi bày trọn vẹn trong sự chính xác của một ngôn thể thì lúc bấy giờ phi chân lý cũng không thể nào được coi như ngang với sự sai lầm ý kiến, sự bất tương ứng của ngôn thể phán đoán.


V. Thể tính của chân lý

Thể tính của chân lý đã tự khai mở như là tự do. Đó là “suất tính” xuất thể khai thể của hiện thể. Mỗi một thể thế khai thể khai triển linh động (schwingt) với sự “suất tính” này và tự đặt tương thế với mình với hiện thể này hoặc hiện thể kia. Theo nghĩa tự do là thể nhập vào trong khải thể của hiện thể trong toàn thể, tự do tự cảm hướng (abgestimment) tất cả mọi thể thái về sự việc ấy ngay từ đầu. Nhưng sự cảm hướng ấy (Gestimmtheit) hay “cảm thể” (Stimmung) không bao giờ có thể hiểu như là “kinh nghiệm” hay “cảm trạng” (Gefühl) bởi vì, nếu nó được hiểu như thế thì nó sẽ lập tức bị tước mất thể tính (Wesen) và chỉ có thể được giải thích trên bình diện “sinh tính” và “hồn tính” những sự thể chỉ dường như sinh tính hiện hữu trong thế hạn của chúng nó (Wesensrecht) khi mà những sự thể ấy còn hàm chứa bất cứ sự xuyên tạc nào và giải thích sai lầm nào về cảm thế ấy. Một cảm thế như vậy, nghĩa là sự lộ thế xuất thể vào trong hiện thể trong toàn thể, chỉ có thể được, “thể nghiệm” hay “cảm nhận”, như chúng ta nói, bởi vì người “cảm ngiệm” đang lúc chưa từng có ý niệm gì về bản tính của cảm thế, phải thâm nhập vào trong một sự cảm hướng nào đó khai thế thể thái tư cách của con người lịch sử, dù được nhấn mạnh bức bách hay không, dù được hiểu hay không, đã được cảm hướng và từ sự cảm hướng ấy đã được nâng lên thể diện của hiện thể trong toàn thể. Tính cách hiển hiện của hiện thể trong toàn thể không thể đồng hóa với toàn số những hiện thể mà người ta biết được. Trái lại, vài thực thể đã được biết hay được biết tới nhiều hay ít bởi khoa học hay chỉ được biết đại khái qua loa; chỉ trong trường hợp vừa kể, tính cách thể hiện của hiện thể trong toàn thể mới có thể hành thể một cách chính yếu hơn là những gì mình biết được và có thể biết được, những thứ ấy hoàn toàn bất lực và không thể nào khảo sát và không thể nào chống chế lại hành động tri nhận, bởi vì sự kiểm soát cơ khí kỹ thuật đối với những sự vật dường như trở nên vô hạn trong phạm vi của nó. (Die Offenbarkeit des Seienden im Ganzen fällt nicht zusammen mit der Summe des gerade Bekannten und durch die Wissenschaft kaum und nur roh erkannt ist, kann die Offenbarkeit des Seienden im Ganzen wesentlicher walten als dort, wo das Bekannte und jederzeit Kennbare unübersehbar geworden ist und der Betriebsamkeit des Kennens nicht mehr zu widerstehen vermag, indem sich die technische Beherrschbarkeit der Dinge grenzenlos gebärdet). Chính sự phổ biến rộng lớn của tri thức, chính tham vọng tìm hiểu tất cả mọi sự, đã khiến cho tính cách thể hiện của hiện thể phải chìm xuống sự trống không hiển hiện của lòng lãnh đạm hờ hững hay tệ hại hơn nữa, sự quên lãng vong tính.

Nguyên lý qui định của suất tính qui định cảm hướng, lấn áp, dự tưởng tất cả thể thái khai thể khai triển linh động đồng điệu với nó. Thể thái tư cách của con người được hòa điệu cảm hướng (durchstimmen) với tính cách hiển hiện của hiện thể trong toàn thể. Nhưng tính cách “trong toàn thể” này xuất hiện trong nhãn giới của những sự tính toán và sinh hoạt thường nhật của chúng ta, như là một sự thể không thể nào thấu hiểu được. Nó không thể được hiểu như là cái gì đang “là” một cách hiển hiện, dù nó là thành phần của thiên nhiên hay của lịch sử. Mặc dù chính nó quyết định mọi sự một cách liên tục, sự thể “trong toàn thể” vẫn là một sự thể bất định và không thể nào định được; do đó nó thường bị lầm lẫn với những gì sẵn sàng thông dụng bên tay và những gì sẵn sàng dễ nhận trong trí. Đồng thời, yếu tố quyết định này không phải chỉ là vô thể, hư vô: nó là ẩn tính của hiện thể trong toàn thể. Chính bởi vì “suất tính” luôn luôn, trong mỗi trường hợp, để cho sự thể được là thế trong tương thế trung thực của nó và nhờ thế, vén mở nó thì lập tức nó che đậy hiện thể trong toàn thể (verbirgt es das Seiende im Ganzen). “Để cho những sự thể được là thế“ cũng đồng thời là che đậy hiện thể trong toàn thể được thành tựu và đó chính là Ẩn Tính (Verborgenheit) (Gerafe in dem das Seinlassen im einzelnen Verhalten je das Seiende Sein lässt, zu dem es sich verhält und es damit entbirgt, verbirgt es das Seiende im Ganzen. Das Seinlassen ist in sich zugleich ein Verbergen. In des exsistenten Freiheit des Da-seins ereignet sich die Verbergung des Seienden im Ganzen, ist die Verborgenheit).


VI. Bất chân lý như là trá lý che đậy

Ẩn tính không để alétheia được khai mở nhưng Ẩn Tính ấy không nhận sự thể ấy là stéresis (thiếu thốn, mất mát); trái lại, nó lại tự hàm dưỡng đặc tính của alétheia. Đứng trên quan điểm chân lý được quan niệm như là sự vén mở, khai mở thì sự khuất lấp che giấu chính là không vén mở (Unentborgenheit), thế thì phi chân lý lại là đặc điểm đặc thù của thể tính chân lý. Sự ẩn giấu che đậy hiện thể trong toàn thể không phải là hậu quả nối tiếp theo kiến giải thiếu sót của chúng ta về hiện thể (Die Verborgenheit des Seienden im Ganzen stellt sich nie erst nachträglich ein als Folge der immer Stückhaften Erkenntnis des Seienden, p. 20). Sự ẩn giấu ấy, hay sự bất chân lý nguyên tính ấy (eigentlich) lại xuất hiện trước tất cả sự khai mở của hiện thể này hoặc hiện thể kia. (Die Verborgenheit des Seienden im Gazen, die eigentliche Unwahrheit ist älter als jede Offenbarkeit von diesem und jenem Seienden, p. 20). Nó cũng xuất hiện trước sự suất tính của hiện thể; khi suất tính vén mở ra hiện thể thì che giấu lại và thiết lập ẩn tính sự ẩn tính (Sie ist älter auch als das Seinlassen selbst, das entbergend schon verborgen hält und zur Verbergung sich verhält, p. 20). Cái gì đã để suất tính liên kết hiện thể đồng loạt quan thiết với ẩn tính như thế? Chẳng qua đó chỉ là ẩn tính của ẩn thể (die Verbergung des Verborgenen) trong toàn thể, (im Ganzen) ẩn tính của hiện thể như thế, (des Seienden als eines solchen) nghĩa là sự huyền bí, huyền tính. Không phải sự huyền bí riêng lẻ nào đó về sự thể này hay sự thể này hay sự thể kia, mà sự kiện duy nhất phải nhận rằng sự huyền bí tuyệt đối, huyền bí tự thể, huyền tính (ẩn tính của ẩn thể) đã tràn ngập viên thông toàn thể Hiện Tính (Da-Sein) của con người.

Để cho những sự thể được suất tính trong toàn thể (một biến trình vén mở và ẩn giấu đồng lúc), để cho sự thể suất tính như vậy, thì tạo ra ẩn tính xuất hiện như sự thể tiên khởi được ẩn giấu. Hiện tính, Da-Sein, khi muốn xuất thể, phải xác nhận lại sự ẩn tính đầu tiên và cùng độ trong tất cả sự ẩn tính: đó là sự bất chân lý nguyên tính. “Vô Thể TÍnh” (Unwesen) nguyên tính của chân lý, đó mới là huyền tính. Vô thể tính ở đây không thể được coi như là sự thể thối hóa đối ngược (abgefallen zum Wesen) lại “thể tính” trong ý nghĩa của sự thể phổ thông hay tổng quát (koinon, genos), tiềm tính (possibilitas, Ermöglichung) của vô thể tính và căn tính của tiềm tính ấy.

Vô thể tính ở đây có nghĩa là tiền thể tính, sự thể đi trước thể tính (das vorwesende Wesen) – Nhưng trước tiên hết, nó có nghĩa là thối hóa bản tính (Verunstaltung) của thể tính đã bị biến thể ấy. Tuy thế, điểm cần lưu ý là trong tất cả ý nghĩa vừa kể, vô thể tính và không bao giờ mất tính chất chính yếu trong ý nghĩ thông thường như là sự thể lãnh đạm bên ngoài thể tính. Đề cập vô thể tính và bất chân lý theo đường lối thường như vậy chỉ có nghĩa là bay phớt hời hợt trong ý kiến thông thhường (doxa) và chỉ là chuốc lấy những sự nghịch lý mâu thuẫn xa vời. Vì khó mà tránh đề cập phát biểu theo đường lối như vậy, chúng tôi xin miễn diễn tả theo xu hướng ấy, xu hướng ấy chỉ “nghịch lý” đối với những thể cách ý kiến thế tục thông thường (doxa). Đối với những kẻ nào lý giải được sự việc, sự “vô” của vô thể tính tiên khởi của chân lý, cũng như sự “bất” của “bất chân lý” chỉ là hướng đi về cõi vùng chưa khai thác của chân lý về Tính thể (Sein), chứ không phải chỉ là cõi vùng của hiện thể (das Seiende) mà thôi.

Khi được hiểu như là suất tính của hiện thể, sự tự do chính là tương thể giao hệ của quyết tính khai thể, chứ không tự đóng kín bưng bít lại trong tự thể (das Entschlossene, d. h. das sich nicht verschliessende Verhältnis). Tất cả tư cách xử thế đã được đặt căn nguyên trong tương thế giao hệ ấy và đón nhận tính lệnh từ đó quay về hiện thể, một huấn lệnh để vén mở hiện thể. Tuy thế, sự liên cảm thể thế với sự khải thể tự che giấu mình khi mà nó còn đặt ưu thế vào sự quên lãng liên tục về huyền tính, để cho tương thể giao hệ lùi mất trong vong tính. Mặc dù con người vẫn luôn luôn có liên hệ với hiện thể, con người gần như vẫn mãi mãi thông đồng trong sự thể ngoại hiện đặc biệt nào đó, thể này hoặc thể kia. Con người vẫn nằm kẹt trong chân trời giới hạn thông dụng của những gì mình có thể kiểm soát và rờ mó được, thái độ ấy vẫn giữ được ngay khi hắn đối diện với những điều tối thượng tối hậu được đặt thành nghi vấn. Và khi hắn bắt đầu khai triển sự hiện tướng của hiện thể trong những lãnh vực hoạt động khác nhau, khi hắn bắt đầu biến chuyển nó, tự lãnh hội nó một cách mới lạ để đảm bảo nó thì hắn vẫn nhận huấn lệnh từ lãnh vực của những kế hoạch và những nhu cầu thông dụng thực tiễn.

Nhưng sự lệ thuộc cố định trong lãnh vực thực tế, thực tiễn ấy, tự nó chính là không muốn thỏa thuận để cho ẩn tính của ẩn thể được thống ngự trọn vẹn. Ngay trong thế giới thực tiễn cũng có những bí ẩn, những vấn nạn chưa minh định, những dự thể chưa được quyết định hoặc vẫn còn nằm trong nghi vấn. Nhưng những vấn đề ấy, dù chưa xác định tự thể, chỉ là những thông lộ, chuyển thời những trạm nghỉ trên lộ trình của chúng ta trong sự vận hành của lãnh địa thực tế, thực tiễn, do đó, những vấn đề ấy chẳng có gì chính yếu quan trọng. Ở đâu mà ẩn tính của hiện thể toàn thể chỉ được thu nhận nhất thời như là một giới hạn thỉnh thoảng lấn áp thì ở đó ẩn tính như là hiện tượng căn thể của Hiện-Thể (Da-Sein) đã bị đánh mất trong quên lãng.

Nhưng sự huyền bí bị bỏ quên ấy, sự huyền bí tính vong thể ấy của hiện thể (Da-Sein) không thể bị chướng ngại vì đã bị bỏ quên; trái lại, sự quên lãng lại làm nổi bật sự hiện diện của bản thể mình trong sự thất thể ngoại hiện của vong thể (Die Vergessenheit verleiht dem scheinbaren Schwund des Vergessenen eine eigene Gegenwart. p. 22). Khi nào huyền tính tự phủ nhận trong vong tính, nó để cho con người lịch sử trì thủ vào trong lãnh vực thực tế, thực tiễn. Khi bị bỏ rơi như thế, nhân loại xây dựng lên “thế giới” của mình phát xuất từ tất cả những ý định và nhu cầu gần gũi thân cận cấp bách nhất, nhân loại làm đầy ứ thế gian bằng những dự thế và kế hoạch. Và khi đã quên lãng hiện thể trong toàn thể, từ những dự thế kế hoạch ấy, con người lại thể nhận kích thước tiêu chuẩn đối trị của mình. Hắn duy trì (beharrt) những đường lối đối trị mới mà không hề suy nghĩ tới những căn lý cho những đường lối đối trị đo lường ấy hay cho thể tính của kích thước tiêu chuẩn đo lường (Indem das Geheimnis sich in der Vergessenheit und für sie versagt, lässt es den geschichtlichen Menschen in seinem Gangbaren bei seinen Gemächten stehen. So stehen gelassen, ergänzt sich ein Menschentum seine “Welt” aus den je neuesten Berdürfnissen und Absichten und füllt sie aus mit seinen Vorhaben und Planungen. Diesen entnimmt dann der Mensch, des Seienden im Ganzen vergessend, seine Masse. Auf diesen beharrt er und versieht sich stets mit neuen Massen, ohne noch den Grund der Massnahme selbst und das Wesen der Massgabe zu bedenken, p. 22). Mặc dù con người đã tiến bộ nhiều trên những đường lối đối trị đo lường và những mục đích cứu cánh mới mẻ, nhưng con người vẫn còn lầm lẫn thể tính thuần tính chính yếu của những đường lối đối trị đo lường của mình. Hắn lại còn lầm lỗi nhiều hơn nữa khi hắn tự xem mình như là kích thước tiêu chuẩn của tất cả sự thể, của tất cả hiện thể (vermisst sich, je ausschliesslicher er sich selbst asl das Subjekt für alles Seiende zum Mass nimmt, p. 22).

Trong sự vong tính kênh kiệu vô lượng (vermessen) của con người, con người lại bám lấy đeo ghì vào một số xác thể nào đó của bản ngã, bám lấy đeo ghì bất cứ sự thể nào đã hiện ra gần gũi nhất mà mình có thể tóm lấy được. Sự trì thể này (Beharren), hắn không hề hay biết, sự trì thể ấy đã được hỗ trợ bởi hoàn cảnh đặc biệt là Hiện–Thể (Da-Sein) của con người chẳng những xuất-thể mà còn là tại-thể, trì-thể (nhập thể) (insistiert) đồng lúc, nghĩa là lì lợm ôm ghì lấy (besteht auf) giữ lấy những gì hiện thể (Das Seiende), dường như hiển lộ trong tự thể, dàn bày trước mắt hắn.

Vì là xuất thể, cho nên hiện tính (Da Sein) mới nhập thể. Nhưng huyền tính cũng trú ở trong sinh tính (Existenz) trì thể, mặc dù ở đây huyền tính và bây giờ trở thành “phi thể tính” (unwesentlich).


VII. Bất chân lý như là lầm lạc (Die Irre)

Khi trì thể, con người dễ sẵn sàng quay về với thành phần thông dụng dễ nhận nhất của hiện thể. Nhưng hắn chỉ có thể trì thể khi nào hắn đã xuất thể, nghĩa là lấy hiện thể làm kích thước tiêu chuẩn cho mình. Vì lấy tiêu chuẩn kích thước ấy, con người bị kéo lôi ra ngoài huyền tính. Trì thể qui hướng vào những gì thực tiễn khả nhận và xuất thể xa lìa huyền tính, hai thể cách này xảy ra cùng một lúc (Jene insistente Zuwendung zum Gangbaren und diese existente Wegwendung vom Geheimnis gehören zusammen. p. 23). Cả hai đều đồng nhất thể. Tuy nhiên, sự vận hành tới và lui, tụ và tán cùng đi theo một nhịp đặc biệt của Hiện tính (Da-Sein). Sự chuyển hướng vận hành của con người từ huyền tính đến thực tế và từ thực tiễn chuyển đến một thực tiễn khác, luôn luôn chối bỏ huyền tính, sự chuyển di ấy là lầm lạc (das Irren). (Die Umgetriebenheit des Menschen weg vom Geheimnis hin zum Gangbaren, fort von einem Gängigen, fort zum nächsten und vorbei Geheimnis, ist das Irren. p. 23).

Con người lầm đường. Hắn không những chỉ rơi vào trong lầm lạc một lúc nào đó thôi, hắn lại luôn luôn sống trong lầm lạc, bởi vì mỗi khi xuất thể thì hắn trì thể (nhập thể) và như thế thì đã rơi vào lầm lạc. Lầm lạc trong đời sống hẳn không phải chỉ là một sự thể đi bên cạnh hắn như khe hố của đường rãnh mà thỉnh thoảng hắn té rơi vào trong đó. Không, lầm lạc là chính thành phần cấu thể nội tạo của Da-Sein (Hiện Tính) mà con người lịch sử đã quan thiết can dự vào đó. Lầm lạc là tấn kịch cho tính diện thay đổi của tính thể (Wende) mà sự xuất thể nhập thể thường xuyên lãng quên và tự lầm lạc, lúc xoay chuyển hướng đi quanh quẩn. (Die Irre ist der Spielraum jener Wende, in der die insistente Existenz wendig sich stets neu vergisst und vermisst, p. 23). Ẩn tính của hiện thể ẩn thể trong toàn thể đã thể hiện thế lực mình qua khai tính của hiện thể cục bộ trong bất cứ giây phút nào, và sự vén mở này đưa đến lầm lạc bởi vì nó đã bỏ quên sự ẩn tính (Die Verbergung des verborgenen Seienden im Ganzen waltet in der Entbergung des jeweiligen Seienden, die als Vergessenheit der Verbergung zur Irre wird, p. 23).

Lầm lạc là nghịch thể tính chính yếu (das wesentlich Gegenwesen) của thể tính uyên nguyên của chân lý. Nó khai mở ra tấn kịch hiển hiện cho tất cả sự vận hành nghịch lưu (Widerspiel) với chân lý nguyên lý (Die Irre ist das wesentliche Gegenwesen zum anfänglichen Wesen der Wahrheit. Die Irre öffnet sich als das Offene für jeliches Widerspiel zur wesentlichen Wahrheit, p. 23). Lầm lạc là mảnh đất lộ thiên, môi trường và nền tảng của lầm lỗi (Irrtum). Lầm lỗi không phải chỉ là sự khuyết điểm đơn phương nào đó, nó chính là lãnh thổ vương thổ, lịch sử trọn vẹn của tất cả những đường lối phiền toái chằng chịt của lỗi lầm.

Tất cả những thể thái tư cách đều có đường lối lỗi lầm đặc biệt của nó, tùy theo khai tính và liên tính với hiện thể trong toàn thể. Sai lầm có thể kể từ khuyết điểm thông thường nhất, như nhìn lầm, tính lầm, cho đến đi lạc đường và hoàn toàn mất hướng lúc cần phải có những thái độ dứt khoát quan trọng và lúc cần có những quyết định chính yếu. Thông thường theo thói quen, nhất là theo những học thuyết triết lý, “sai” được hiểu như là tính chất bất chính xác (Unrichtigheit) của một sự phán đoán và sự sai lầm của một trực kiến; cả hai trường hợp đều là một và cũng là lỗi lầm lẫn hời hợt nhất. Con đường lầm lạc mà nhân loại lịch sử phải luôn luôn đi trên ấy, con đường sai lạc ấy (irrig) vẫn chính yếu là một con đường mang đầy đủ tất cả tính chất biểu hiện của hiện tính thể (Dasein). Sự lầm lạc thống ngự con người toàn triệt bằng cách dẫn hắn đi lạc hướng (beirren). Nhưng khi sai lạc hướng đi (die Beirrung), sự lầm lạc cộng sức vào khả năng mà con người được quyền không để cho mình phải bị dẫn đi sai lạc (khả năng ấy con người có thể rút lấy từ sự xuất tính của mình) và được quyền thể nghiệm sự lầm lạc và khi làm thế thì đã không bỏ quên huyền tính của hiện tính (Da-Sein).

Bởi vì tính thể xuất tính trì thể (nhập thể) của con người đưa dẫn hắn di động trong lầm lạc, và bởi vì lầm lạc sai hướng luôn luôn đàn áp đe dọa bằng cách này hay cách khác; và nhờ dự đàn áp đe dọa ấy, lầm lạc mới có thể điều trị huyền tính, dù huyền tính đã bị bỏ quên; do đó, hậu quả của sự việc ấy là con người trong hiện tính của mình (Da-Sein) phải đặc biệt lệ thuộc vào sự thống trị của huyền tính và nỗi đau đớn dày xéo đe dọa của nỗi lầm lạc của mình. Đứng chơ vơ giữa hai tình trạng như vậy, hắn phải sống trong khốn khổ cùng độ của bức bách (in der Not der Nötigung). Thể tính trọn vẹn của chân lý mang trong tự thể “phi thể tính” của mình và xui khiến lưu giữ hiện tính (Da-Sein) phải luôn luôn xoay về khốn khổ, xoay hướng vầ khốn khổ, xoay hướng về sự quẫn bách. Chỉ từ Hiện tính (Da-Sein) của con người và chỉ từ đó thôi mới xuất hiện được sự khai thị tính cách tất định, khẩn thiết quằn quại (Notwendigkeit) và kết quả của việc ấy là khả năng biến chuyển nhu cầu ấy trở thành một sự thể cần yếu, một sự thể mà hiện hữu con người không thể nào tránh được.

Sự khai mở hiện thể như thế đồng thời cũng là che đậy ẩn thế cho hiện thể trong toàn thể. Sự đồng loạt của vén mở và che đậy đã khiến cho sự lầm lạc ngự trị. Ẩn tính của ẩn thể và sự lầm lạc thuộc về thể tính uyên nguyên của chân lý. Tự do được thành hình nhờ xuất tính nhập thể (trì thể) của hiện tính (Da-Sein), tự do ấy chỉ là thể tính của chân lý (theo nghĩa sự chân xác ngôn từ) bởi vì chính tự do đã phát nguồn từ thể tính uyên nguyên của chân tính, từ sự thống trị của huyền tính trong sự lầm lạc. Suất tính hiện thể được thể thành trong cương vực của tương thể của chúng ta giữa lòng khai thể. Nhưng suất tính của hiện thể như thế trong toàn thể chỉ được thành tựu nguyên thể (Wesensgerecht) trong sự tương ứng hòa đồng với thể tính của nó, khi hiện thể như thế trong toàn thể đã được thể hội (übernommen) trong thể tính uyên nguyên của nó. Lúc ấy, lòng “quyết tính khai thể” (Entschlossenkeit) cho huyền tính mới được lên đường đi đến lầm lạc như thế. Lúc ấy vấn đề liên hệ với bản tính nguyên tính của chân lý mới được hỏi một cách sâu thẳm và nguyên ủy hơn. Lúc ấy, lý do tại sao thể tính của chân lý dính líu mật thiết với chân lý của thể tính mới xuất hiện rõ rệt.

Ngắm nhìn từ lầm lạc để thâm nhập huyền tính là một vấn tính theo nghĩa của câu hỏi duy nhất được đặt ra: cái gì là cái đang là thế trong toàn thể? Câu hỏi này suy tưởng sự vấn nạn phức tạp chính yếu và bởi vì tính cách đa dạng của nó, nó vẫn là một câu hỏi chưa ai làm chủ được, một câu hỏi liên hệ với Tính thể của (hiện) thể (das Sein des Seienden). Tư tưởng về Tính thể, nguồn gốc uyên thủy của tất cả những câu hỏi như thế, được ý niệm là “triết lý”, kể từ thời Platon, “triết lý” sau này mang danh hiệu là “siêu hình học”, “siêu thể học”.


VIII. Vấn đề chân lý và triết lý

Chính trong tư tưởng của thể tính, sự giải phóng của con người hướng về việc xuất tính (sự giải thoát ấy làm nền tảng cho tất cả lịch sử) đã được thể hiện bằng ngôn ngữ. Không nên hiểu rằng ngôn ngữ ở đây là sự “diễn bày” một “ý kiến”; thay vì thế, chính chữ này (Tính) là ngôn thể tàng trữ lại chân lý về toàn thể. Không cần phải quan tâm có được bao nhiêu người còn lắng nghe tính ngữ này. Nhưng những kẻ nào lắng nghe tính ngữ ấy thì chính họ quyết định vị thế từ lúc triết lý được khai sinh ở thế giới thì lúc ấy cũng là lúc ngụy lý, hay lý lẽ thường tình của người đời (quỉ biện) đã bắt đầu ngự trị một cách rõ ràng, quỉ biện ngự trị ngay lúc triết lý khai sinh, chứ không phải trước đó.

Ngụy lý hay lý lẽ thế tục (quỉ biện, ngụy biện) dựa thế vào tính cách hiển nhiên không thể đặt thành câu hỏi (Fraglosigkeit) của những gì hiển lộ ra ngoài và cho rằng tất cả những nghi vấn triết lý đều xâm phạm đến lý lẽ bình phàm của thế tục và những cảm ứng mong manh của tục lý.

Dù lý lẽ thế tục có đánh giá triết lý đến mức nào đi nữa (sự đánh giá ấy hoàn toàn hợp lý trong lãnh vực của lý lẽ thế tục) thì việc ấy chẳng can hệ ảnh hưởng gì đến định thể của nó đối với chân tính uyên nguyên của hiện thể như thế trong toàn thể. Nhưng bởi vì tính thể trọn vẹn của chân tính cũng lưu tiềm cả “vô tính thể” của tự thể và bởi vì tính thể ấy hành thể trước tiên dưới hình thức của ẩn tính; do đó, khi được xem như là sự truy lý chân chính thì triết lý đã chứa đựng bản tính song thế trong sự thể rồi. Suy tưởng của triết lý thể nhập được khí thế trầm lặng của tâm thái dịu dàng nhu nhuyễn, lại không chối từ ám tính, ẩn tính của hiện thể trong toàn thể. Đồng thời suy tưởng ấy thể hiện được sự quyết tính khai thể của tâm thái cứng rắn, tâm thái cứng rắn này bức bách cưỡng buộc tính thể của ẩn tính; mặc dù cưỡng bách như thế, nhưng sự quyết định khai thể cứng rắn ấy vẫn không phá vỡ ẩn tính.

Nhờ tính chất cứng rắn, dịu dàng và tính chất dịu dàng cứng rắn, triết lý để cho hiện thể được suất tính như thế trong toàn thể, triết lý triển khai trở thành một vấn tính mà không phải chỉ ghì riết vào hiện thể, trái lại vấn tính ấy không thể dung nạp bất cứ quyền thế bên ngoài nào cả. Kant đã hội ý được về tính cách nguy cấp cùng độ của loại suy tư như thế, khi ông phát biểu về triết lý như vầy: Bây giờ chúng ta thấy rằng triết lý đang ở trong một vị thế nguy cấp khả nghi thực sự, một vị thế cần phải vững chắc, chẳng lệ thuộc và được hỗ trợ bởi bất cứ sự thể nào. Trong vị thế như vậy, triết lý cần phải chứng thể lòng thuần thành của mình trong việc thực hiện vai trò của một kẻ gìn giữ bảo vệ chính những lề luật trong tự thể, chứ không phải vai trò của kẻ báo trước những lề luật mà cảm ứng bẩm sinh hoặc bất cứ thiên nhiên giám hộ nào đã gợi ý cho mình.

Tác phẩm của Kant là khai mào cho chặng cuối siêu thể học Tây phương, khi giải thích bản tính của triết lý như vậy, Kant đã nhìn về một lãnh địa mà ông chỉ có thể lãnh hội qua phạm trù chủ quan tính và bắt buộc chỉ có thể lãnh hội lãnh địa ấy qua vai trò gìn giữ những lề luật của chính mình bởi vì siêu thể học của Kant đã đóng rễ, được đặt nền tảng trong chủ thể tính. Tuy thế, chỉ nội nhận thức đại khái của Kant về phận sự của triết lý cũng đủ tầm vóc để phủ nhận tất cả sự nô lệ của tư tưởng triết lý, sự nô lệ bất lực nhất có thể thấy được là việc thoái thác đưa đẩy triết lý trong vai trò “biểu hiện” của “văn hóa” (như Spengler đã làm) hoặc vai trò điểm trang xa xỉ phẩm cho một nhân loại lao tác.

Muốn quyết định tìm hiểu xem triết lý có phải rốt ráo chỉ thể hiện vai trò chủ định đầu tiên của mình như là “gìn giữ những lề luật của chính mình” hay ngược lại tìm hiểu xem có phải triết lý không được tiên khởi lưu tồn hàm dưỡng bởi chân lý trong tư thế gìn giữ những lề luật vì chân lý ấy là cái làm những lề luật thành ra những lề luật vĩnh cửu; muốn quyết định tìm hiểu như thế, ta phải tìm lại quyết tính vấn tính ấy từ nơi uyên nguyên khởi phát (aus der Anfänglichkeit: xác nghĩa là “nguyên khởi”), chính nơi ấy tính thể uyên nguyên của chân lý mới trở thành chính yếu cho việc truy vấn triết lý.

Thiên luận này đưa câu hỏi về thể tính của chân lý vượt qua những cương tỏa thông thường của những quan niệm nền tảng của chúng ta và giúp đỡ chúng ta tìm hiểu khảo sát xem thứ câu hỏi về thể tính của chân lý phải chăng đồng thời nhất thiết cũng là câu hỏi về chân lý của thể tính. Dù sao, Triết lý vẫn ý niệm “thể tính” là Tính thể.

Khi truy tìm tiềm thể nội thể của sự “chính xác” của một ngôn thể, truy tìm cho đến sự tự do xuất tính của “suất tính” như là nền tảng tự thế của ngôn thể ấy, khi đặt nguồn gốc thể tính của nền tảng ấy trong ẩn tính và sự lầm lạc; khi làm như vậy, chúng tôi muốn khơi ý rằng thể tính của chân lý không phải chỉ là tính cách rỗng tuếch, “tổng quát” của một cái gì đại thể “trừu tượng”, mà thể tính của chân lý lại là sự thể độc nhất, ẩn thế trong lịch sử (chính lịch sử ấy cũng độc nhất): ẩn tính khai mở “ý nghĩa” của cái mà ta gọi là “Tính thể”, và từ lâu rồi ta đã quen nghĩ rằng đó chỉ là “hiện thể trong toàn thể”.


Chú thích

Sự khảo sát ở trên về thể tính của chân lý đã được thông diễn lần đầu tiên trong bài giảng công cộng vào năm 1930 tại Bremen, Marburg và Freiburg, và sau này vào năm 1932 tại Dresden. Những phần chính yếu của bài giảng có dính líu đến việc khảo sát chân lý của thể tính đã được san nhuận lại nhiều lần, mặc dù sự phân phối, cấu thể và khuynh hướng toàn diện của bài giảng đã được giữ y cũ.

Vấn đề tối trọng (xem quyển Sein und Zeit của tôi xuất bản vào năm 1927) có liên hệ đến “ý nghĩa”, của thể tính (xem lại Sein und Zeit, trang 151) nghĩa là lãnh vực của dự phát tính (Entwurfsbereich), nghĩa là khai tính lộ thể (Offenheit), nghĩa là chân lý của Tính thể và không phải chỉ của “hiện thể”, đã được khai triển toàn triệt một cách cố ý. Đường lối suy tư có vẻ như là chỉ đi theo đường lối của siêu thể học, nhưng đồng thời riêng về những bước đi quyết định, những bước dẫn đi từ quan niệm chân lý như là xác tính, rồi từ đó tới sự tự do xuất tính và bước đi từ quan niệm ấy dẫn đên quan niệm phi chân lý như là sự trá hình, trá tính, ẩn tính và lầm lạc; riêng về những bước đi quyết định như vậy, đường lối suy tư ấy đã đưa đến một sự biến thiên cách mệnh trong đường hướng của khảo sát, một sự biến thiên thuộc hẳn vào sự vượt qua, chinh phục (Überwindung), vượt qua siêu thể học.

Bài giảng đã đạt đến kiến giải trưởng thành trong kinh nghiệm chính yếu, thể nhận rằng chỉ có trong Hiện Tính và từ Hiện Tính (Da-Sein), với tư thế như là sự thể mà chúng ta được thể nhập, chỉ có trong Hiện Tính ấy thì mới có thể thể hiện bất cứ sự cận tính nào với chân lý của Tính thể khai tiến cho con người lịch sử. Chẳng những ta phải vứt bỏ tất cả loại “nhân thể học” và tất chủ quan tính (quan niệm con người như một chủ thể), như chúng ta đã thấy sự phủ nhận ấy được thực hiện trong quyển Sein und Zeit và chẳng những chân lý về Tính thể được theo đuổi như là “căn thể” của một thái độ mới mẻ toàn triệt đối với lịch sử; chẳng những thế thôi, bài giảng này lại còn cố gắng suy tưởng trên căn ngữ của một “căn tính” khác, nghĩa là Da Sein (Hiện Tính). Những đợt nghi vấn cũng chính là thể cách của con đường suy tưởng này lại tri cảm và tự chứng minh bằng một tính cách mới mẻ cách mạng trong tương thể với Tính thể.

Nguồn: Martin Heidegger. Về thể tính của chân lý. Phạm Công Thiện dịch và giá»›i thiệu, do Hoàng Đông phÆ°Æ¡ng xuất bản. In xong ngày 25 tháng 1 năm 1968. Sách dày 296 trang. Ngoài những bản thường, dành 60 bản trên giấy trắng của nhà xuất bản và 1 bản duy nhất trên giấy mÆ¡ của Phạm Công Thiện. Bản địện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả.