© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
13.12.2006
Huỳnh Ngọc Chiến
Bùi Giáng và nỗi đau hội thoại
(Kỷ niệm 8 năm ngày mất Bùi Giáng 07.10.1998 – 07.10.2006)
 
Ils tous parlent de moi mais personne n’a aucune pensée pour moi
Tất cả bọn chúng đều nhao nhao nói về ta, nhưng chẳng có kẻ nào chịu vì ta mà suy tưởng (Ainsi parlait Zarathoustra - F. Nietzsche)

Nếu Bùi Giáng không phải là suối nguồn khai thác hầu như vô tận thì khó lòng cầm bút viết tiếp về ông. Trước đây, tôi đã có viết đôi bài về ông. Bài đăng báo xong, lại cảm thấy áy náy, vì vẫn chưa nói lên được điều gì. Ngày ông qua đời, ở xa không thể vào dự đám tang, lại thêm một điều ân hận. Tự hẹn với lòng có khi dịp sẽ viết về ông đầy đủ hơn. Ðọc lại sách ông nhiều lần, rồi chợt hiểu không thể và không nên tổng hợp, phân tích ông theo thể lệ biên khảo được. Bình sinh ông đã vô cùng căm phẫn với các học giả phê bình.

Khi ông còn sống, người ta “trao đổi” nhau về “giai thoại Bùi Giáng” để “phân tích tìm hiểu” (!) ông, thì khi ông qua đời, người ta càng đua nhau bới móc lục lọi cái đống “giẻ rách văn học” đó để đăng tải trên báo chí theo thói ngồi lê đôi mách, mà có bao giờ những người đó tự hỏi họ đã lăng nhục ông đến độ nào? Cái ông cần chia sẻ trong tấm lòng và trong tư tưởng thì các “nhà biên khảo” đó đều quay lưng không bàn tới. Thuở sinh tiền ông đã cô đơn, thì giờ đây ở chốn Bồng Lai chắc ông còn cô đơn thập bội, thiên bội. “Văn chương, văn học, thi ca… người đọc chăm chỉ một chút, đọc cái điều gã văn thi sĩ nói, há tất phải tò mò nghe những cái gọi là ‘giai thoạI’ của những đàn bà nhàn rỗi thời gian ngồi lê đôi mách?” (Thời văn, số 19, tr. 21).

Hôm nay, viết về ông theo lối ngẫu nhĩ lai rai hoạ may có thể nói lên được chút gì chăng?


*


Bùi Giáng là thi sĩ vĩ đại mà mãi cho đến ngày nay tôi vẫn giữ nguyên niềm kính mộ. Có vài thi sĩ gần gũi ta trong quãng đầu đời, như một tri kỷ, một người bạn đường thủy chung, cho rồi đến một lúc nào đó, ta bỗng thấy họ trở nên xa lạ: họ bị vượt qua và chỉ còn là kỉ niệm. Ðối với Bùi Giáng thì không thế, càng đọc ông càng thấy ông vĩ đại. Tôi đã học hỏi được rất nhiều ở cái phong thái hoằng viễn và tư tưởng phóng dật thênh thang của ông. Trong một vài tác phẩm của mình, Bùi Giáng đã đưa ngôn ngữ Việt Nam đến một nhạc điệu hay nhất xưa nay. Sức sáng tạo của ông quả thật phi phàm. Trong nhiều trang sách của ông, khó lòng phân biệt được đâu là văn xuôi, đâu là thơ ca và đâu là triết lí. Cơn "điên"của ông cũng thuộc loại "điên" của Nerval, Nietzsche, Hölderlin... Mặc dù có trí huệ mênh mông, có công lực thâm hậu của mấy mươi năm đạo hạnh ông vẫn không giữ được cõi lòng tịnh nhiên bất động trước những phong ba biến động của cuộc "obscurcissement du monde" [1] dị thường của thế kỉ 20.

Các bạn thử nghĩ sự lãnh hội của bọn hậu bối chúng ta đối với thiên tài Nguyễn Du sẽ lệch lạc biết dường nào nếu không có Bùi Giáng? Ông đã khai mở những dư hưởng mênh mông trong Truyện Kiều và nhiếp dẫn chúng đi về giữa cuộc đối thoại của tư tưởng Ðông Tây hiện đại. Từ thuở nhỏ chúng ta đã học và đã thuộc Truyện Kiều và đều xem đó là áng văn chương tuyệt diễm. Song mười phen thì hết chín phen rưỡi, chúng ta đọc cổ lục với thể điệu ngủ gật mơ màng. Rồi chúng ta háo hức say mê nghiền ngẫm nghiên cứu tâm hồn thiên tài theo thể lệ giáo khoa biên khảo, khiến cho bao nhiêu ngữ ngôn vi diệu, bao nhiêu diệp hưởng hoa âm đều bị thói lơ đễnh của chúng ta dập tắt ngay từ khi mở sách.

Hồn thơ Nguyễn Du từ lâu bị vây khổn trong màn lưới thâm u của phê binh duy lí. Bùi Giáng đã đem hết thiên tài bạt tuỵ của mình ra để giải thoát Tố Như khỏi tù ngục giáo khoa, và khai phá một thông đạo khác nhằm tái lập lại chân dung sơ thuỷ của Truyện Kiều. Ðọc ông, ta có cảm tưởng rằng suốt dưới vòm trời Ðông Tây kim cổ dường như không có một tư tưởng nào thoát khỏi sức phủ toả mơ màng của thiên tài Liệp Hộ. Những phát kiến kì lạ của ông về Kiều đã mở ra một thông đạo dị thường cho bọn hậu bối đời sau (nếu quả thật bọn hậu bối ngày sau có đủ tư cách xứng đáng để lịch hành trên thông đạo đó). Ðứng tại trung tâm thông đạo đó, ta sẽ đón nhận được nhiều dư hưởng mênh mông khác từ bốn phương vọng lại, và càng nhận ra sự hoằng đại của Nguyễn Du và Khổng Tử. Ðây quả là một điều kì lạ mà chúng ta vẫn ù lì chưa một lần sực tỉnh để thử đặt lại vấn đề từ cơ sở nên cứ để cho Sử Lịch Biển Dâu mãi bước đi theo thể điệu của Lịch Sử Ðoạn Trường Tang Thương Dâu Biển.


*


Ngoài Truyện Kiều, ông rất mê thơ tập Lửa thiêng của nhà thơ Huy Cận, một tập thơ đã khiến ông bị “chấn động dị thường” và do đó, theo lời người ta kể, ông phải làm tập Mưa nguồn, vì ông cho rằng chỉ có Mưa nguồn mới có thể dập tắt nỗi Lửa thiêng! Nếu quả đúng vậy thì đó là trận chơi kỳ tuyệt của những kẻ thượng thừa. Và đó cũng chính là thể điệu mà Trang Tử công kích Khổng Tử trong Nam hoa kinh, bởi vì theo Bùi Giáng thì “Trang Tử vẫn kính phục Khổng Tử một cách không bờ không bến”. Rồi ông làm thơ Lá hoa cồn để tương ứng với tập thơ Lá cỏ (Leaves Of Grass) của Walt Whitman. Trong cảnh giới của những tâm hồn thượng thừa thì công kích vẫn là đồng hội, bài bác vẫn là đồng thuyền, trong mâu thuẫn vẫn chan chứa cảm thông. Đó là điểm kỳ diệu mà những ai ham mê thuyết thoại và bút chiến ì ầm đều không bao giờ lường được. Đừng bao giờ thấy người ta công kích cũng hồ đồ công kích theo, mà phải tự hỏi việc công kích đó bắt nguồn từ yêu sách nào của lập ngôn hay từ tư tâm hiểm độc muốn đè bẹp người khác một cách “lịch sự có văn hóa” theo thói của bọn nhà nho hương nguyện, hay từ thủ đoạn nham hiểm của những Iago thời hiện đại? Nếu công kích đúng thể điệu thì việc đó còn mang ơn ích gấp ngàn vạn lần những lời ca ngợi hồ đồ, bởi vì “Ces sorts de louanges qui viennent d’en bas sont toujours les outrages” (những kiểu ca ngợi từ bên dưới vẫn luôn luôn là những lời xúc phạm). Người yêu ta xấu với người. Yêu nhau còn lại bằng mười phụ nhau.


*


Ðọc từ Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại đến Lễ hội tháng Ba rồi Ngày tháng ngao du, tôi thấy ông bị vây khổn bởi nỗi cô liêu không cùng trong tư tưởng. Con người ấy đã đi về trần gian với tấm lòng thơ nhạc quá đỗi mênh mông và đã thất vọng đắng cay trong việc muốn tìm kiếm một người đồng điệu. Hai câu thơ của Xuân Diệu được ông nhắc tới nhiều lần trong các tác phẩm mình như một đoạn trường điệp khúc:

Từ ngàn xưa người ta héo than ôi
Vì mang phải những sắc lòng tươi quá

Ta hãy lắng nghe ông nói gì với Nietzsche:

"Còn ta, quả nhiên bình sinh không hề gặp một nửa con người bạn hữu. Bởi vì nếu có bạn hữu chân thành thì tuyệt nhiên nó chẳng nghe rõ một chút gì trong điều tao nói. Và cũng chẳng bao giờ tao hiểu được những điều bọn chúng đã nói ra. Thì những thằng bạn đó cũng làm quẫn bách người ta cũng ngang mức địch thủ bức bách mà thôi." [2]

Trong nỗi cô đơn tột cùng đó, dường như ông chỉ viết cho chính mình đọc. Tác phẩm Ngày tháng ngao du là cuốn bị chế riễu chê bai nhiều nhất, xem như chỉ viết lăng nhăng, tào lao không đầu không đuôi như chuyện Kim Cương đi tiểu v.v… Song đọc xong, ta vẫn thấy có một cái gì kì lạ, dường như có một dòng ẩn lưu mờ hồ chảy ngầm bên dưới tác phẩm. Thử đọc lại Lâm Tây trọng bàn về Nam hoa kinh:

"Thầy Trang chỉ có ba cách nói:

Ngụ ngôn là đời vốn không có người ấy, việc ấy, mà ‘hư-không đặt-để nên lời’.

Trùng ngôn là lời ấy, việc ấy vốn không phải của người xưa, nhưng đặt ra rồi đem gán cho họ.

Còn chi ngôn là buộc miệng nói luôn, chẳng kể gì phải, trái.

Văn của tác giả vốn là những huyễn tướng, như hoa trong gương, như trăng đáy nước. Nếu ta lại xem là điển cố, đặt lời chê khen, có khác gì nói chuyện chiêm bao." [3]

Và hốt nhiên ta chợt hiểu ra, trong Ngày tháng ngao du, Bùi Giáng đã sử dụng triệt để phép chi ngôn để triển khai tư tưởng nghiêm mật trong bước đi phiêu bồng của nó. Một vài năm sau khi tác phẩm ra đời, ông lại nói trong lời bạt của cuốn Tư tưởng hiện đại nhân kì tái bản:

"Ngày tháng ngao du đi bước ngu dao nghiêm mật phiêu bồng trong toàn thể bồng phiêu của nó. Không thể tách rời một bài nào ra, để công kích hay tán dương theo lối hồ đồ bác học. Cũng không thể bảo rằng một bài nọ viết khá, một bài kia viết kém. Ðánh rằng ngao du là ngao du với bước đi của ngôn ngữ thượng thừa, nhưng thỉnh thoảng cũng phải chịu chơi dấn thân vào cuộc với ngôn ngữ hạ thừa. Tỷ như: lúc phải nêu vấn đề đọc kinh Phật với Kimura Taiken, buộc phải lý luận với học giả, thì ngôn ngữ phải tự thân hạ thấp cho vừa tầm câu chuyện. (Bọn trí thức phàm phu si độn thì cố nhiên cho rằng bài đó viết giỏi, và có thể lấy làm ngạc nhiên sao trong một cuốn sách lăng nhăng mà nảy ra được một bài tài tình như thế!) Dù sao thì dù, lúc ngôn ngữ ngao du đi bước hạ thừa, nó vẫn đi trong nếp gấp riêng biệt của ngao du và được ngao du chiếu cố bằng những làn cánh thượng thừa chuồn chuồn phấp phới". [4]

Khi lịch hành đến cuối đường, tư tuởng và triết học sẽ biến thành thơ nhạc mênh mông, còn ngôn ngữ đứng trước hiểm hoạ lập ngôn sẽ tự thân biến thành chi ngôn trong những nếp gấp riêng biệt thượng thừa của nó để tựu thành cái l'impensé trong tư tưởng. Ðó có phải chăng là Yêu Sách Bức Bách của Mê Cung Tư Tưởng cuối thế kỉ 20 mà Bùi Giáng là người đã cảm nhận một cách cực kì sâu sắc?

"Sử dụng chi ngôn, ngụ ngôn, trùng ngôn phản ngữ hầu mong đạt tới cõi vô ngôn trong lời." [5]


*


Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau

Bùi Giáng đã nói lên hai câu lục bát khôn hàn kỳ tuyệt đó để rồi bỏ lạị mùa Xuân phía sau và đi vào cõi miên trường vô tận.

Hai câu thơ “vịnh” mùa Xuân - Nguyên Xuân - mà sao nghe ra man mác tâm sự của Thúy Kiều âm thầm ngõ với Ðạm Tiên nhân ngày tảo mộ.

Thử thong thả chấm xuống hàng để tìm ra chút tố chất hàm ẩn bên trong:

Mùa Xuân?
Phía trước?
Miên trường?
Phía sau?

Mà sao gọi là Nguyên Xuân? Là mùa Xuân còn Trinh Nguyên Trọn Vẹn? hay là mùa Xuân từ Nguyên Khai Sơ Thủy? Dù sao thì dù, ông Bùi Giáng nối tiếp Tố Như đi theo cung bậc của các tâm hồn tài hoa bước vào lễ hội trần gian. Mùa Xuân phía trước? Vâng, lộng lẫy xiết bao là cảnh huy hoàng tấp nập của ngày Xuân:

Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nen

Thế nhưng linh hồn tài tử, ngay khi đối diện với cảnh sắc huy hoàng của ngày Xuân vẫn luôn luôn dự cảm được vẻ bấp bênh phù động của thiều quang thấp thoáng, trong tương phùng vẫn luôn dự cảm sự chia ly. Thế cho nên trong cảnh du xuân náo nhiệt vẫn man mác điệu buồn:

Thoi vàng gió rắc, tro tiền giấy bay



Bóng tà như giục cơn buồn

Người ta thường nói đến vẻ buồn của mùa thu. Ông Tô Ðông Pha bảo:

Tao nhân trường thụ nhất thu bi
(Nhà thơ mang mãi mối sầu thu )

(“Họa Triều Ðồng niên cửu nhật kiến kí”)

nhưng rồi cũng chính ông lại nói:

Nhân ngôn thu bi, xuân cánh bi
(Người ta nói mùa thu buồn nhưng mùa xuân càng buồn hơn nữa )

(“Pháp Huệ tự Hoành Thuý các”)

Ông Bùi Giáng thì bóng bẩy hơn:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau

Chính bởi niềm dự cảm mùa Thu mai hậu ngay giữa mùa Xuân nên có kẻ làm thơ cuống quít vội vàng như Xuân Diệu, có kẻ tư lự ngậm ngùi như Huy Cận, có kẻ phiêu dật mênh mông như Lý Bạch, có kẻ đạm nhiên thông tuệ như Nguyễn Du, có kẻ đăm chiêu phiêu bồng như Bùi Giáng.

Bước vào mùa Xuân với niềm dự cảm thế kia là bước chân vào cuộc “Lữ” miên trường. Sau bao tháng năm lang bạt kỳ hồ trong cuộc đời, trong tình yêu, trong nỗi nhớ, trong đam mê cay đắng, trong thương nhớ ngọt ngào, trong đoạn trường khổ lụy, con người, một ngày, chợt dừng lại và bắt gặp hình ảnh nào cuả buổi ra đi. Lời thơ cũ sẽ ngân lên theo một cung bậc khác:

Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

Ở cuối cuộc Lữ, mùa Xuân bỗng hiển thị trong tố chất long lanh, trở thành nơi tao ngộ của Sương Bình Nguyên và Trăng Châu Thổ [6] .

Và giờ đây ông đã trùng ngộ chưa, màu Nguyên Xuân ấy? Tại hạ xin kính tặng ông một bài thơ thay cho những nén nhang:

Thế là ông đã ra đi
Cuộc chơi bất khả tư nghì đã xong
Trần gian nhớ bước phiêu bồng
Cõi nào chứa nổi linh hồn Trung Niên?
Sài Gòn mất một người điên
Thiên cung thêm một ông Tiên đa tình
Về trong cõi mộng huyền linh
Trăng Châu Thổ chiếu, Sương Bình Nguyên giăng
Kiếp sau trở lại trần gian
Có còn giữ thói lăng nhăng phiêu bồng? [7]



[1]Xem Martin Heidegger, Introduction à la Métaphysique, Epiméthé, traduit par G. Kahn 1958: "La décadance spirituelle de la terre est déjà si avancé que les peuples sont menacés de perdre la dernière force spirituelle,... car l'obscurcissement du monde, la fuite des dieux, la destruction du monde, la grégarisation de l'homme, la suspicion haineuse envers tout ce qui est createur et libre, tout cela a déjà atteint, sur toute la terre, de telles proportions que, des catégories aussi enfantines que pessimisme et optimisme sont depuis longtemps dévenues ridicules, p. 47 (Sự suy đồi tinh thần trên quả đất này đã tiến xa đến mức các dân tộc bị đe doạ đánh mất luôn cả sức mạnh tinh thần cuối cùng... bởi vì sự tăm tối âm u của cõi thế, chư thần đã bỏ đi, quả đất bị tàn phá, con người kết bè nhóm, mọi thứ sáng tạo phiêu bồng đều bị ngờ vực hận thù, tất cả những điều ấy, trên trái đất này, đã đạt mức tương xứng đến nỗi các phạm trù ấu trĩ như bi quan hoặc lạc quan đều trở nên lố bịch từ lâu.) Và: "Les évenements essentiels de cet obscurcissement du monde sont: La fuite des dieux, la destruction du monde, la grégarisation de l'homme, la prépondérance du médiocre" p. 54 (Những biến cố thiết yếu của sự tối tăm âm u trên cõi thế, ấy là: sự bỏ đi của chư thần, sự tàn phá trái đất, việc đoàn lũ hoá con người và sự đắc thế của bọn tầm thường dung tục .)
[2]Lễ hội tháng Ba, tr. 100
[3]Nam hoa kinh, Nhượng Tống dịch, tr. XVIII
[4]Lời bạt, Tư tưởng hiện đại, Tân An tái bản, tr. 222
[5]Lời tựa cho cuốn Martin Heiddeger và Tư tưởng hiện đại tập 1
[6]Tên hai tác phẩm của Bùi Giáng
[7]Thơ Bùi Giáng:
Ông còn cự nự nữa không?
Tôi đưa ông đi cải tạo cho ông bỏ thói phiêu bồng lăng nhăng

(“Như Sương - Một cô hàng xóm”)

Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay số 581, ngày 01.10.2006