© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: ThÆ¡ đến từ đâu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25 
14.12.2006
Trần Hữu Dũng
Cam chịu cũng là một cách tự tử
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
 
Nhà thơ Trần Hữu Dũng
Nguyễn Đức Tùng: Gần đây, trên các trang web văn học, người ta đọc thấy một giọng thơ mới mẻ, dịu dàng, nhưng khá lạ, là giọng thơ Trần Hữu Dũng:

Chạy mãi trên đồng vắng, đường trắng
Có ai cắn nát trái cam mặt trời
Có ai chọc khẽ vào tim nhói buốt

Thương là thương người ấy
Đầm xa ếch lẻ bạn kêu chiều

Thơ anh đầy hương vị nông thôn miền Nam. Đây là điều khá hiếm thấy trong thơ Việt Nam hiện nay. Anh có tự coi mình là nhà thơ của nông thôn không?

Trần Hữu Dũng: Tôi sinh năm 1955 tại nhà thương Tù Dũ, Sài Gòn, vừa được một tuần thì má tôi đưa lên xe lửa về quê nhà ở huyện Chợ Gạo, Mỹ Tho do lúc đó thời cuộc loạn lạc, gia đình sống quá khó khăn. Khoảng thời gian 6 năm thơ ấu sống ở miền quê cùng ông bà ngoại có lẽ là quãng đời tươi đẹp nhất, in dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn tôi. Sau đó, tôi trở lại thành phố, làm giấy thế vì khai sanh năm 1956, học đến hết trung học ở Pétrus Ký, tiếp theo học ngành nông nghiệp Đại học Cần Thơ, có dịp lang thang hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên thơ có "hương vị sông nước miền Nam" như anh nói chăng? Còn có tự coi mình là “nhà thơ nông thôn" thì chắc chắn là không, vì tôi nghĩ loại "chân quê" như nhà thơ Nguyễn Bính đã "tuyệt chủng" từ lâu, may mắn lắm thì nằm vào danh sách "động vật quí hiếm". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm nhiều thơ về cái làng quê Bắc Bộ quê hương chính anh, đâu có được coi là nhà thơ nông thôn, phải không anh Nguyễn Đức Tùng?

Nguyễn Đức Tùng: Mỗi người đều thương nhớ chốn làng quê thời thơ ấu của mình. Có cách gì để chúng ta trở lại đó được chăng?

Trần Hữu Dũng:

Tôi về mỏi cánh chuồn chuồn
Vô tình chạm phải mùi hương năm nào
(“Truông gió”)

Hoài niệm tuổi thơ, ký ức về cái làng quê yêu dấu của mình chúng ta chỉ trở lại bằng những chuyến-tàu-tưởng-tượng mà thôi. Vì vậy, những trang viết của tác giả Việt Nam về những kỷ niệm miền quê luôn luôn lóng lánh, tươi đẹp như thể huyền thoại, chẳng hạn cái làng Nghĩa Đô của nhà văn Tô Hoài hay anh Tư Râu Rồng ở xứ dừa Bến Tre của nhà văn Trang Thế Hy...

Nguyễn Đức Tùng: Bài thơ gần đây nhất của anh được viết vào lúc nào?

Trần Hữu Dũng: Bài thơ gần đây nhất tôi mới làm vào ngày 29 tháng 10 năm 2006, chưa chỉnh sửa gì cả, viết thẳng trên máy vi tính trong một đêm trằn trọc khó ngủ. Lâu lâu tôi vẫn có những cơn hoảng loạn như thế, mời anh xem nhé:

Tự tử

Bạn từng xem bầy cá heo tự tử
chết hàng loạt trên bờ biển

đàn cá hồi bơi ngược dòng sông về chốn cũ
gục ngã dọc đường hay sa vào mẻ lưới
lại là cách hi sinh cho truyền thống giống nòi

Tôi lại muốn chọn mình cách chết khác hẳn
cái chết đẹp, huy hoàng, minh bạch
không phải vì tình, không phải vì khánh tận
chắc chắn không ai đoán ra đâu
lý do đơn giản chỉ mình tôi biết!

Nguyễn Đức Tùng: Những cơn hoảng loạn như thế có thường xảy ra cho anh không? Chúng ảnh hưởng ra sao đến đời sống của anh? Và sáng tác?

Trần Hữu Dũng: Lâu lâu mới có một lần, chớ kéo dài chắc tôi phải vào nhà thương điều trị mất. Chúng xuất hiện khoảng thời gian sau khi xin nghỉ hưu non lãnh trọn 21 tháng lương tiền trợ cấp, tiếp theo là thất nghiệp dài dài gần hai năm cho đến nay. Cũng chính vì thế mà tôi có dịp đi đây đi đó khắp nơi, dù phải chịu cảnh "hơi đói và rách" nên viết khá thoải mái, có nhiều biến chuyển so với các bài thơ mình viết trước năm 2000.

Nguyễn Đức Tùng: Xin chia buồn với anh về tình cảnh thất nghiệp. Nhưng đói và rách có đưa anh về gần với thơ, và làm cho thơ anh hay lên, chăng?

Trần Hữu Dũng: Rơi vào hoàn cảnh đói và rách có lẽ khiến cho người viết có nhu cầu bức thiết phải viết lách nhiều hơn để giãi bày nỗi niềm tâm sự giữa lúc trống vắng, cô đơn. Đó là cách soi rọi lại tâm hồn mình, là dịp để làm một cuộc tổng duyệt về cách nhìn, cách viết mình trước đây và hiện tại. Thật ra không có gì bảo đảm thơ mình hay hơn chừng nào chưa đủ năng lượng sáng tạo bứt phá, vượt thoát khỏi cách viết trì trệ, tù đọng lúc trước.

Nguyến Đức Tùng: Cái chết đẹp, huy hoàng, minh bạch có còn là một cuộc tự tử không?

Trần Hữu Dũng: Tôi cho rằng cái chết của nhà thơ Pouchkine khi chấp nhận cuộc đấu súng, dù biết cầm chắc cái chết, là cái chết đẹp, huy hoàng, minh bạch dù rằng có người gọi đó là cuộc tự sát đúng nghĩa. Trong bầu không khí hiện nay, ở Sài Gòn cũng "nhiễm độc" đủ thứ, từ khí thải, ô nhiễm của giao thông, nhà máy đến giáo dục, y tế, sinh hoạt văn hóa văn nghệ chung quanh... Không có "đề kháng" mạnh cũng dễ "toi mạng" lắm, nếu không "vượt thoát" ra nhanh hay tìm cách làm "trong sạch môi trường" thì phải cam chịu, lầm lũi sống, đấy cũng là một cách tự tử khác!

Nguyễn Đức Tùng: Như thế làm thơ và đọc thơ có phải là một phương cách để vượt thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện nay, hay như anh nói là bầu không khí hiện nay? Vượt thoát hay kháng cự?

Trần Hữu Dũng: Hàn Mặc Tử làm những bài thơ về trăng tràn đầy nỗi ám ảnh siêu thực về cái chết lúc ở vào hoàn cảnh biết mình mang bệnh phong là cách vượt thoát hay kháng cự lại nghịch cảnh? Mỗi người chọn cho mình một cách sống; làm thơ đôi lúc giúp tâm hồn tôi thanh thản và vững chãi hơn để tiếp tục thở, bước đi, nhận ra cuộc đời còn nhiều điều tươi đẹp lấp lánh chung quanh mà mình chưa khám phá ra hết, chưa đi đến tận cùng trong cuộc sáng tạo nghệ thuật.

Nguyễn Đức Tùng: Thơ anh có thường nói về cái chết không? Các nhà thơ phương Tây nói nhiều đến nó hơn các nhà thơ Việt Nam.

Trần Hữu Dũng: Hiện nay thì cái chết không ám ảnh trong thơ tôi. Hình như rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng như bị cầm tù oan khuất, bệnh nan y, nghịch cảnh khốn cùng...thì nhà thơ Việt Nam mới viết nhiều về cái chết như trường hợp Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Quách Thoại,... Mô típ cái-chết-siêu-hình xuất hiện nhiều hơn trong sáng tác của các nhà thơ phương Tây.

Nguyễn Đức Tùng: Làm cách nào anh nhận ra một bài thơ hay?

Trần Hữu Dũng:

a/ Khi đọc một bài thơ hay, trong tôi thường có một nỗi xao động tâm thần kéo dài, giống như tiếng vang rền những hòn đá được ném vào thạch động, ngân nga, bền bỉ.

b/ Bài thơ khiến tôi có một mối đồng cảm sâu xa trực nhận, đến nỗi có thể nổi gai ốc, bứt rứt khôn nguôi, thậm chí, phải bỏ đó, rời xa chừng khoảng một tuần, lúc lòng thanh thản mới lấy ra đọc lại, vậy mà khi đó, nỗi xúc động vẫn còn nguyên vẹn.

c/ Lắm lúc chỉ lờ mờ nhận ra nội lực sung mãn thoát ra từ bài thơ đó mà chưa thể nào nắm bắt rõ ràng, phải kiên nhẫn thâm nhập vào bài thơ như để hiểu một con người, phải đọc lại nhiều lần mới thấy xao xuyến, ám ảnh, mạch tư tưởng hiện rõ dần.

Đây là ba cách riêng mà tôi thường áp dụng khi đọc các bài thơ trên báo, các tập thơ, website văn chương... Không biết anh Nguyễn Đức Tùng có cách nào khác nhận ra bài thơ hay hiệu quả, nhanh chóng hơn không, xin tiết lộ cho biết với.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi nghĩ đối với một người quen đọc thơ, nhất là nếu người đó cũng là người viết, thì việc nhận ra một bài thơ hay không cần đến một phương pháp nào cả. Chỉ sau khi nhận ra nó là hay thì anh mới phân tích ngược lại. Nhiều người không có thói quen phân tích và thích huyền thoại hóa thơ ca theo lý lẽ thơ thì không thể giải thích gì cả. Tôi xin phép được nghĩ khác đi.

Phê bình văn học có ba giai đoạn: một là giải thích, hai là diễn dịch, ba là phân tích và đưa ra các thẩm định nghệ thuật. Giai đoạn diễn dịch người Việt Nam gọi là bình thơ. Giai đoạn giải thích thường dừng lại trong các sách giảng văn ở trường trung học, mà ví dụ thường gặp là xuất xứ bài thơ, hoàn cảnh ra đời, tiểu sử tác giả, các điển tích, thể thơ. Phê bình thơ Việt Nam thường tự giới hạn mình trong giai đoạn một và hai, ngay cả khi diễn dịch cũng không đi trọn vẹn kích thước thẩm mĩ của một tác phẩm. Đây là một vấn đề quá sâu xa không thể nói hết ở đây, cho phép tôi trở lại với câu hỏi.

Tôi tin rằng những bài thơ đối với tôi là một bài thơ hay khi nó đem lại sự xúc động rất riêng tư, đến từ những thể nghiệm và kinh nghiệm cá nhân. Sự xúc động này chỉ có thể xảy ra đối với tôi khi bài thơ chạm đến một sự thật, gọi tên được nó ra theo cái cách mà nó chưa từng được gọi như thế. Người đọc nhạy cảm với sự giả dối, và tôi tin là họ nhận ra nó rất nhanh. Tôi cũng cho rằng trong thơ Việt hiện nay đầy rẫy sự giả dối (faking).

Một bài thơ hay cần chân thật, nhưng chân thật thì chưa đủ, nó cần rất nhiều tài hoa. Bởi vì sự thật văn chương là một sự thật hoàn toàn kiểu khác. Nhưng tôi xin trở lại với câu hỏi dự định. Thưa anh, trong vòng vài năm trở lại đây, trên các sách báo xuất bản chính thức ở Việt Nam (không kể các website, các hình thức photocopy, các báo ở hải ngoại), anh có may mắn đọc được một bài thơ nào mà anh cho là hay hay không?

Trần Hữu Dũng: Năm 1998, tôi cùng Nguyễn Quốc Chánh, Vũ Trọng Quang cố gắng tập hợp 10 tác giả (Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Hữu Dũng, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Quyến, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Khiêm Lê Trung) in chung tập Thơ tự do do NXB Trẻ cấp phép. Mãi tới năm 2003, khi anh Joseph Huỳnh Văn qua đời, muốn lưu lại một phần những bài thơ anh viết, tôi và Vũ Trọng Quang lại làm Tập thơ Thơ hôm nay gồm 13 tác giả (Joseph Huỳnh Văn, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Đạt, Vương Huy, Inrasara, Phạm Thị Ngọc Liên, Thảo Phương, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Quang Thiều, Phan Huyền Thư, Huy Tưởng, Nguyễn Viện, Trần Lê Sơn Ý) do NXB Tổng hợp Đồng Nai cấp phép. Phương thức tập hợp là đồng ý "góp gạo nấu chung", trải qua vô cùng chuyện nhiêu khê, phải đến nhà xuất bản thứ 5, tập thơ này mới xin được giấy phép sau khi phải loại bỏ hai tác giả là Lý Đợi và Bùi Chát -nhóm Mở Miệng và một số bài thơ khác trong tập. Nói dài dòng như thế để anh hình dung ra phần nào "không khí văn thơ" Sài Gòn với mong muốn có mối đồng cảm chung.

Trên các sách báo xuất bản chính thức ở Việt Nam, có một số bài còn để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, xin trích dẫn nhanh từ những cuốn thơ tôi có trong tầm tay hiện nay (Mấy lần sửa chữa gác xép, sách chất đống hỗn loạn, lung tung khó mà sắp sếp lại được để trích dẫn cho đúng).

Tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài tân hình thức - NXB Hội Nhà văn của nhà thơ Inrasara mới ra lò vào tháng 9 năm 2006, có bài thơ "Chuyện 11 - Chuyện tôi" ở trang 32-33:

Tôi đang làm gì là gì
nhà thơ nhà nghiên cứu nhà kinh
doanh hay miếng giẻ rách. Kiếp trước
chắc chắn tôi là chim kiếp sau
làm loài ếch có lẽ kêu ồm
ộp ngoài mưa

Trí thức không hẳn trí thức
truyền thống không thật truyền thống
thi ca vắng mặt thi ca

Tôi kêu ồm ộp trong mưa thật
to

Tôi đang ở đâu có gì
lang bạt chiều Hội An Hà Nội
lạnh run đêm Kumamoto
chết đói đường phố Kandahar
tôi bay sương mù Đà Lạt


1957 tôi đẻ ở Phanrang
năm 1257 tôi sinh tại Mỹ
Sơn ngày 20 tháng 9 đúng
bảy thế kỉ sau tôi ra đời
trong làng vô danh tận Brasil

Tôi không bay nữa tôi không
còn phải kêu ồm ộp nữa. Tôi
bước đi.

Hay bài thơ mang tựa đề "Huế" của nhà thơ Phan Huyền Thư, trang 19 trong tập thơ Rỗng ngực - NXB Văn học, tháng 11 năm 2005 chẳng hạn:

Đêm trườn dần vào sông Hương
tiếng hò vỡ dưới gầm Tràng Tiền

Khúc Nam Ai những cung phi góa bụa
chèo thuyền vớt xác mình trên sông

Nhất dạ quân vương đất thần kinh
người đi đi, làm thơ cho Huế tím

Tự phá vỡ đối xứng
bằng nón nghiêng
quang gánh lệch
 mắt nhìn ngang
Huế như nàng tiên câm
thầm không nói.

Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽ
lại sợ chạm vào nơi nhạy cảm trên cơ thể
 Việt Nam.
(1997)

Tạm dừng ở đây, chỉ xin nêu tên một số tác giả mà tôi thích có thể trích dẫn tiếp là Văn Cầm Hải, Lý Lan, Vũ Trọng Quang, Trang Thế Hy, Trần Thị Huyền Trang...

Nguyễn Đức Tùng: Trong vòng vài năm trở lại đây, có những tác phẩm nào làm anh đặc biệt chú ý, một tập thơ, một bài thơ, của bất cứ tác giả nào?

Trần Hữu Dũng: Vài năm gần đây, có ba tập thơ làm tôi đặc biệt chú ý là Hôm qua, Hôm nay, Hôm sau của Vũ Trọng Quang - NXB Đồng Nai, Là mình... của Lý Lan - NXB Văn nghệ và Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh - NXB Hội Nhà văn. Hai tập của Lý Lan và Phan Thị Vàng Anh có nhiều tứ độc đáo, viết như chơi mà đằm thắm, sâu sắc, không rơi vào "nhạt, sáo, mòn" của các tay thơ chuyên nghiệp sân vườn, có lẽ họ là những nhà văn viết truyện ngắn lâu lâu làm cú "vượt biên" ngoạn mục sang miền thơ nên thành công đáng kể. Còn tập thơ của Vũ Trọng Quang là một cuộc "thể nghiệm" nhiều hình thức thơ từ tân hình thức, thơ visual-art, thơ xuôi... trên nền bố cục toàn tập thơ khá thú vị, tôi từng chứng kiến cuộc trò chuyện căng thẳng giữa tác giả với một bạn đọc phê phán gay gắt câu "Xa nhà nhớ chị dâu" mà tác giả bê nguyên xi từ đời sống lắp ghép vào; lại có nhà thơ khác lên diễn đàn tuyên bố "không ủng hộ các nhà thơ cách tân" dù chẳng đọc được bao nhiêu bài thơ cách tân. Quả tình ở Việt Nam còn nhiều bạn đọc dị ứng với các hình thức thể nghiệm, các loại thơ có cách viết, cách nhìn lạ và mới, dư luận nhiều chiều khác biệt, thậm chí đối chọi nhau chan chát như trường hợp các tập thơ Đàn của Dương Tường, Lô lô của Ly Hoàng Ly, Dự báo phi thời tiết của nhóm Năm con Ngựa trời (Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Khương Hà Bùi), hay các tập thơ in photocopy nhóm Mở Miệng (Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán)... Có điều đáng mừng là các tập thơ 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, do năm nhà thơ Đinh Trường Chinh, Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, Đỗ Quyên, Nguyễn Đức Tùng chủ trương, in ở nước ngoài, Khoan cắt bê tông của NXB Giấy vụn in vi tính ở Sài Gòn khi một số bạn đọc ở thành phố, các tỉnh khác xem xong, lại có sự đồng cảm, thừa nhận trong đó có một số bài hay, mới lạ. Anh Nguyễn Đức Tùng thấy "gout" đọc của bàn dân thiên hạ nước Việt ta thế nào?


Nguyễn Đức Tùng: Rất vui được nghe anh nói như thế. Trong tập Lá thông non & Em – Trăng - Sương mù của anh, có nhiều bài làm tôi chú ý. Xin anh nói thêm về tập thơ này.

Trần Hữu Dũng: Thường thường ở Sài Gòn hay những tỉnh thành phố khác, các nhà thơ gom các bài thơ của mình trên mạng, trong các tạp chí, các báo lại thành tập khoảng 30-50 bài để in, chọn cái tên là tựa một bài thơ nào đó trong tập. Đọc xong rất chán và ngán ngẩm vì nó không có bố cục, chủ đề xuyên suốt, nhằm gửi đến cho người đọc điều gì khó đoán ra. Nhân dịp lên Đà Lạt nghỉ mát, ở đó hẳn nửa tháng, tôi soạn 45 bài cho Tập thơ Lá thông non... theo cái mạch liền nhau nên ít nhiều tắm đẫm hơi thở đồi núi, trăng, sương mù trộn lẫn hơi hướm dân dã đồng bằng in đậm trong bản chất mình, chỉ vậy thôi, có lẽ vì thế tập thơ dễ xem, ít có thử nghiệm mới gây sốc nơi người đọc.

Nguyễn Đức Tùng: Khi thực hiện những cuộc nói chuyện về thơ, tôi buộc phải đọc rất nhiều tài liệu từ Việt Nam gởi qua, trong đó có các tuyển tập thơ. Cuốn sách mới nhất mà tôi vừa nhận được, đồ sộ, dày khoảng 1000 trang, in khổ lớn, nhan đề Thơ Việt Nam thế kỉ XX - Thơ trữ tình, Nhà xuất bản Giáo dục, do Nguyễn Bùi Vợi chủ biên. Bên cạnh những bài thơ hay, nổi tiếng, nhiều người biết, xứng đáng, là một tập hợp rất lộn xộn, gần như không nói lên được điều gì, gây cho tôi sự thất vọng. Tôi không biết một số vị làm tuyển tập (anthologists) văn học Việt Nam lại có thể tự cho phép mình đi hơi sau lằn mức chung các cây bút sáng tác như vậy. Anh nghĩ gì về các tuyển tập thơ văn kiểu này hiện nay?

Trần Hữu Dũng: Rất tiếc tôi chưa đọc cuốn sách đồ sộ Thơ Việt Nam thế kỉ XX nầy nên không thể bày tỏ ý kiến riêng. Có điều chớ dại dột mà mua những tuyển tập thơ văn dầy hàng ngàn trang bày bán nhan nhản hiện nay vừa tốn tiền, mất thì giờ đọc lại tức anh ách muốn hộc máu luôn vì cảm giác thất vọng ê chề, đó là kinh nghiệm đau thương mà bản thân tôi nhiều lần vướng phải. Ở các quyển nầy, đa phần chỉ là sự tập hợp vô tội vạ cho đầy đủ tên tuổi các nhà thơ, nhà văn mà không có sự tuyển chọn tương xứng các tác phẩm tiêu biểu của chính họ theo chủ đề mà quyển sách nêu, lẫn lộn lung tung giữa "hoa" và "rác", khiến người đọc khổ sở, chán nản luôn cả văn chương Việt Nam. Hơn nữa, nếu chịu khó lướt qua một số tuyển tập thơ ở thị trường sách ở Sài Gòn bây giờ, anh sẽ thấy sự trùng lặp số bài, số tác giả giống nhau đến ngạc nhiên. "Căn bệnh trầm kha" nầy chưa có thuốc chữa. Các cuộc hội thảo văn học gần đây báo động về tình trạng khủng hoảng lý luận phê bình, khủng hoảng thơ cho nên có sự khủng hoảng ở các tuyển tập thơ cũng là điều dễ hiểu. Tôi có dịp đọc một số tuyển tập thơ của các nhà thơ Việt ở nước ngoài, hình như cũng thấy có biểu hiện của "căn bệnh" này. Anh Nguyễn Đức Tùng có thấy vậy không?

Nguyễn Đức Tùng: Đồng ý với anh. Mà thật ra, ở hải ngoại cũng không thể có đủ nhân lực để làm những công trình này. Tôi chưa được đọc một tuyển tập nào như thế cả, nhưng nếu có, tôi xin phép không đặt nhiều hy vọng vào chúng.

Nhưng tôi sợ rằng chúng ta có thể đi hơi xa. Tôi muốn trở lại với tập thơ đáng yêu của anh một lần nữa.

Em gieo hạt tuổi mình
Chờ con trăng huyết
Vô địch thanh xuân
Bất chấp lời kèn cựa

Thơ như thế là mới, trong một hình thức khá cổ điển. Tìm đến sự giao hòa giữa cái mới và cái cũ, chẳng hạn như giữa thể thơ có vần và các ý tưởng hiện đại, có phải là khuynh hướng chính của anh hiện nay?

Trần Hữu Dũng: Cái mới bao giờ cũng nẩy nòi một phần từ nền tảng cái cũ, sự kế thừa cần sự chọn lọc cẩn mật. Tôi cho rằng hình thức và nội dung bao giờ cũng tương xứng, phối ngẫu nhau như vợ với chồng, như thế mới chinh phục người đọc lâu dài. Thơ tôi hiện nay, nếu có ý tưởng hiện đại, như anh nói, thì chưa đủ "năng lượng" để làm cuộc vượt thoát, bùng nổ xé rách "chiếc áo hình thức thể thơ có vần". Sắp tới, tôi muốn thay đổi chính thơ tôi, hi vọng thực hiện được cuộc đảo chính chính mình về mặt ngôn ngữ, ý tưởng, hình thức...

Nguyễn Đức Tùng: Anh nghĩ gì về tương lai của nền thơ Việt Nam? Ảm đạm hay sáng sủa? Anh kì vọng điều gì ở nó?

Trần Hữu Dũng: Trong thế giới phẳng, làng toàn cầu như hiện nay, thơ chịu tác động bởi chuyển động chung của nhân loại, nền thơ Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng tác động đó. Tôi thuộc típ người lạc quan nên nhìn thấy tương lai tốt đẹp hơn nhiều. Tôi kì vọng thơ Việt có dòng chảy mới đích thực, có tiếng nói nhất định trong vùng trũng văn chương Đông Nam Á.

Nguyễn Đức Tùng: Xin cám ơn anh.

© 2006 talawas