© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
15.12.2006
Đoan Hùng
Góp ý về bài "Ả Trần, Mai Kiện, Hồi Hột – Phía khuất của Sử-được-kí"

Ông Tạ Chí Đại Trường cho rằng:

"Sự suy tàn của gốm Chu Đậu trùng hợp với chính sách ‘dân tộc hóa’ cụ thể bằng lệnh trở về thời Khai Thái của Nghệ Tông (1370), của lệnh cấm ăn mặc theo lối người Bắc (1374) làm cạn kiệt nguồn tiếp tế nhân lực, kĩ thuật từ ngoài vào".

Ở đây tôi e rằng có một sự nhầm lẫn nào đó về niên đại, hoặc có thể ông dùng thuật ngữ “gốm Chu Đậu” khác với cách hiểu thông thường chăng?

Gốm Chu Đậu để chỉ dòng gốm xuất hiện cuối thế kỷ 14, lên đỉnh cao ở thế kỷ 15-16 và suy tàn ở thế kỷ 17. Di vật tuyệt đẹp, có tính “quốc tế” của dòng gốm này là chiếc bình được trưng bày tại bảo tàng viện Topkaki Sary, Istambul. Niên đại của nó (1540, Lê Nhân Tông) không cần phải đoán định phức tạp vì may mắn là người hoạ sĩ… cao hứng viết trên bình “Thái Hoà bát niên Nam Sách Châu Tượng Nhân Nam Sách Bùi Thị Hí bút”, một điều hi hữu đối với gốm Việt.

Như thế khi Trần Nghệ Tông ra cái lệnh đầy tính “dân tộc” năm 1370 thì gốm Chu Đậu mới tập tễnh biết đi hoặc cũng có thể là… chưa có! Ai chả biết rằng tính dân tộc quá khích có thể làm hại kinh tế đến dường nào, một sự thật "nhãn tiền"! Tuy thế, "mượn xưa nói nay" mà không sát lịch sử thì có thể vừa không "đạt" vừa ảnh hưởng không lấy gì làm hay với một sử phẩm nghiêm chỉnh.

Về cái nhìn Lê Tắc là “phản quốc” và  sự  “chà đạp” ông ta,  thì có thể không phải chuyện "copyright by"… sử thần cộng sản. Trong bài giới thiệu bản dịch An Nam chí lược của Trần Kinh Hoà, Viện Đại học Huế 1960,  linh mục Cao Văn Luận viết thế này:

"Nói về cuốn An Nam chí lược ai ai cũng biết rõ soạn giả Lê Tắc là một tên phản bội với Tổ quốc. Trong lúc nước nhà đang gặp ngoại xâm, xã tắc nguy cấp, nhân dân đau khổ, Lê Tắc cùng bọn Trần Kiệm, Trần Ích Tắc, không những không phấn đấu để cứu nước cứu dân, trái lại nhẫn tâm làm tôi địch. Hơn nữa trong bộ An Nam chí lược, Lê Tắc quên mình là người Việt, dựa vào lập trường và quan điểm người Nguyên để soạn tập. Chẳng hạn như những lời nịnh nọt a dua của soạn giả, những đoạn văn kiêu ngạo tự tôn tự đại trình bày trong các chiếu chỉ nhà Nguyên và trong các bài tựa các danh nhân hồi ấy, đều khiến cho chúng ta vô cùng uất ức và đau đớn."

Cách nhận định về Lê Tắc kiểu đó, có thể sai lầm, quá khích chăng! Dẫu sao nó không có tính “ý thức hệ”… quốc cộng!