II. Hiện tính thể và thời gian tính (Dasein und Zeitlichkeit)
Phân bộ thứ II của quyển
Sein und Zeit, nhan đề là
Dasein und Zeitlichkeit, gồm sáu chương:
- Toàn thể tính khả thể của hiện tính thể (das mögliche Ganzsein des Daseins) và Tính thể qui tịch (das Sein zum Tode);
- Chứng tích của hiện tính thể về Tiềm năng tính nguyên tính (die daseinsmässige Bezeugung eines eigentlichen Seinkönnens) và sự quyết tính (die Entschlossenheit).
- Tiềm năng tính nguyên tính về toàn thể tính của hiện tính thể (das eigentliche Ganzseinkönnen des Daseins) và thời gian tính dưới khía cạnh ý nghĩa tính luận của ưu tính (die Zeitlichkeit als der ontologische Sinn der Sorge)
- Thời gian tính và thường nhật tính (Zeitlichkeit und Alltäglichkeit)
- Thời gian tính và sử tính (Zeitlichkeit und Geschichtlichkeit)
- Thời gian tính và Nội tại Thời gian Tính dưới khía cạnh nguồn gốc của quan niệm thường tình về Thời gian (Zeitlichkeit und Innerzeitigkeit als Ursprung des vulgären Zeitbegriffes)
Để chuẩn bị cho câu hỏi trọng đại về ý nghĩa của Tính thể, bây giờ chúng ta phải dọn vài bước đi cần thiết; bước đi thứ nhất là tìm “Toàn thể tính” (Ganzsein) của Dasein; bước đi thứ hai là tìm hiểu “Nguyên Tính” (Eigentlichkeit) của Dasein; hai bước đi này đều dính líu mật thiết với nhau:
- Làm thế nào có thể đi đến “toàn thể” của hiện tính thể?
- Làm thế nào hiện tính thể có thể là “nguyên tính” (eigentlich)?
Đó là nội dung nghi vấn của hai chương I và II trong phân bộ thứ II của
Sein und Zeit bây giờ chúng ta phải duyệt qua những vấn đề chính trong hai chương I và II trước khi đi vào chương III để thực sự tiến vào lãnh vực của Thời gian Tính.
Để có thể lãnh hội và định nghĩa hiện tính thể (Dasein) dưới khía cạnh “toàn thể tính” (Ganzsein) trên bình diện tính luận (ontologisch), Heidegger đặt
Dasein dưới đặc điểm trọng yếu là
Sein Zum Tode (Tính thể qui tử, tính thể qui tịch). Sự chết (Tode) là cứu cánh, là điểm tối hậu mà
Dasein đạt tới để làm thành “toàn thể tính” (Ganzsein) của mình; nhưng có một điều mâu thuẫn không thể nào tránh được:
Dasein muốn đạt tới
Ganzsein thì
Dasein không còn
Dasein nữa:
Dasein phải đánh mất
Dasein thì mới đến được
Ganzsein; đó là lý do cắt nghĩa tại sao tôi không thể nào có kinh nghiệm bản thân về cái chết của chính tôi: trọn đời, tôi phải sống trong trạng thái mất mát, nhưng ngay trong trạng thái mất mát trọn vẹn, tôi cũng vẫn không có được kinh nghiệm về nó: vì khi có kinh nghiệm ấy thì tôi không còn ở đó, có mặt ở đó (Dasein) để mà có kinh nghiệm về sự không còn ở đó. Thành ra tôi không bao giờ lãnh hội được trọn vẹn bản thể (Ganzsein) của tôi, vì nói đến
trọn vẹn thì phải nói đến sự
cuối cùng của chính tự thể, mà tự thể cuối cùng là tự thể đã mất, không còn nữa; chỉ có sự chết mới xác định sự toàn thể, sự trọn vẹn của tự thể, nhưng
chết có nghĩa là không còn tự thể nữa, không
hiện ra
tính thể của mình nữa, không còn
Dasein nữa. Người khác chết, và tôi biết rằng những người khác chết nhưng cái chết ấy vẫn không phải là cái chết của riêng tôi. Trong sinh hoạt thường nhật, người này có thể thay thế người kia, nhưng trong cái chết thì mỗi người chết nỗi chết độc đáo riêng tư của mình:
tôi chỉ chết cái chết của tôi và không ai có thể chết thế cho tôi. Trọn đời tôi, tôi phải chung thân bị treo trước một án tử hình: tôi sẽ chết, sắp chết, nhất định chết nay mai, tuyệt đối không thể tránh được cái chết: tôi chỉ là
tôi khi tôi không còn nữa, vì tôi “là ở đó”, mà “là ở đó” có nghĩa là “là đang đi về sự chết” (Sein zum Tode): tôi sống, có nghĩa là tôi “chưa chết” và những người chết đi là những người “không còn” nữa, “không còn” ở “đó” (Da) nữa: “Không còn” (nicht mehr) và “chưa” (noch nicht) là hai nỗi bi kịch chua chát nhất của đời sống con người. Chết có nghĩa là “dứt”: sự “dứt”, “chấm dứt” của Dasein không có nghĩa là “xong”, “hoàn chỉnh”, “chấm dứt công việc”, “thành tựu công việc”: “dứt” ở đây không thể hiểu theo nghĩa “mưa dứt, mưa tạnh”, không thể hiểu theo nghĩa “biến mất”, “tiêu mất”, “mất dạng”, “mất hình”, “khuất bóng”. Sự “chấm dứt” của Dasein không nằm cuối đường, không ở “cuối tận” của Dasein: sự chấm dứt của hiện tính thể là “tính thể đang
đi hướng về sự chấm dứt” (tính thể qui chung: “Sain zum Ende”), vì sự chấm dứt này, sự “qui chung” này, việc “hướng về sự chấm dứt” đã nằm ngay trong cấu tính của hiện tính thể, vì sự chết thuộc về “Tính thể” của hiện tính thể mà hiện tính thể phải cưu mang trong chính tự thể.
Có thể giải thích sự chết trên những khía cạnh sau đây:
- “chết” theo nghĩa sinh vật học, như cây chết, lá chết, hoa chết, thú vật chết, sinh vật chết, (“chết” này gọi trong Đức ngữ là “Verenden”);
- “chết” theo nghĩa sinh lý học và y học, như người chết dưới mắt một nhà sinh lý học hoặc một bác sĩ (“chết” này trong Đức ngữ gọi là “Ableben”);
- “chết” hiểu theo nghĩa tâm lý học, theo nghĩa nhân chủng học, theo nghĩa “hiện sinh”, “hiện hữu” của Kierkegaard, Jaspers, Marcel, Sartre, vân vân, theo nghĩa triết lý, theo nghĩa siêu hình học, theo nghĩa thần học, vân vân.
Tất cả ý nghĩa của sự chết trong tất cả những khía cạnh trên, đối với Heidegger, đều còn nằm trong lãnh vực
thể luận (ontisch); do đó, ý nghĩa
tính luận (ontologisch) của cái chết vẫn chưa được khám phá và chính ý nghĩa Tính luận của cái chết mới là nền tảng cho tất cả những ý nghĩa thể luận kể trên.
Bây giờ Heideger trình bày cái chết của hiện tính thể qua ý nghĩa tính luận:
“Tính thể qui tịch, tính thể qui tử” (Sein zum Tode) thuộc về “Tính thể” của hiện tính thể (Dasein), tức là “ưu tính” (Sorge).
“Có thể phân tích “Sorge” (ưu tính) trong ba khía cạnh quan thiết:
- Existenzial tät (xuất thể tính)
- Faktizität (sự tính)
- Verfallen (đọa tính)
“Có thể vạch ra những đặc điểm của “Sein zum Tode” (Tính thể qui tịch) theo ba khía cạnh quan thiết trên:
1. Ý nghĩa của sự chết trong khía cạnh “xuất thể tính” (Existenzialität). “Chết” ở đây có nghĩa là “cái đứng trước mặt” (Bevorstand), cái sắp xảy ra trong bất cứ lúc nào, đó là tiềm tính mà hiện tính thể phải lãnh lấy, nhận lấy, cưu mang lấy trong chính tự thể. Đối mặt với cái chết, hiện tính thể đối mặt với tiềm tính riêng lẻ và nội tại nhất của mình, vì “Tại thế tính” (In-der-Welt-sein) của Dasein đã bị đặt trong tình trạng hiểm nguy, vì tôi
chết có nghĩa là tôi không còn trên đời nữa, không còn “tại thế” (In-der-Welt-sein) nữa; do đó,
chết là tiềm tính của việc không còn ở đó (Da), không còn ở trên thế gian này (In der Welt) nữa. Đối mặt với sự chết, tất cả liên lạc của cái-tôi-là-ở-đó-trên-đời này đã bị cắt đứt triệt để: tất cả tương giao, tương quan, tương thiết, tương thân đối với hiện tính thể của kẻ khác, những kẻ khác, đã bị giải tan rồi. Vì không còn quan thiết liên lạc gì với kẻ khác hoặc với những sự vật, tiềm tính nội tại nhất, thâm sâu nhất (sự chết) của tôi cũng đồng thời là tiềm tính
cùng cực nhất của tự thể, vì tiềm tính của Tính thể là thế, cho nên tôi (hiện tính thể) không thể nào tránh được, vượt qua được, chiến thắng chinh phục tiềm thể của tịch thể, của sự chết: sự chết là sự “bất khả thể” tuyệt đối của tiềm thể của chính hiện tính thể:
chết là tiềm thể, tiềm tính, thâm sâu nhất, nguyên tính nhất (eigenst), cô lập nhất, không còn giây liên lạc nào nữa, tuyệt đối không còn tương đối nữa: tuyệt đối (unbezüglich) và không thể nào vượt qua được (unüberholbar).
2. Ý nghĩa của sự chết trong khía cạnh “sự tính” (Faktizität). Tiềm tính nguyên tính nhất, cô lập nhất (không tương quan), tuyệt đối, không thể vược qua được không phải là điều mà hiện tính thể đã mang lấy sau này, một cách tình cờ, trong sự vận hành của Tính thể mình (cf.
Sein und Zeit; p. 251: Die eigenste, unbezügliche und unüberholbare Möglichkeit beschafft sich aber das Dasein nicht nachträglich und gelegentlich im Verlaufe seines Seins). Ngược lại, vừa lúc hiện tính thể đã bị
ném, bị
quăng vào Tiềm Tính này rồi (Sondern, Wenn Dasein existiert, ist es auch schon in diese Möglichkeit
geworfen). Nói rõ hơn, hiện tính thể của tôi đã bị đặt trước
sự-đã-rồi (Faktizität). Thoạt tiên, Dasein không hề hay biết gì về sự đã-rồi này; sự việc bị treo án tử trong đời sống mình; sớm muộn gì rồi cũng
chết và đã
chết rồi từ lúc mới bắt đầu sống: “vừa lúc con người ra đời cũng là lúc hắn đã đủ già nua để chết” (Sobald ein Mensch zum Leben kommt, sogleich ist er alt genug zu sterben”.
Der Ackermann aus Böhmen cf.
Sein und Zeit. p. 245). Sự việc tôi bị quăng ném vào cái chết đã rõ nghĩa hơn nữa trong “cảm thế tính” (Befindlichkeit) về xao xuyến hoảng hốt (Angst) (cf.
Sein und Zeit, 40, pp. 184). Sự xao xuyến hoảng hốt trước cái chết là sự xao xuyến trước khả tính tuyệt đối, khả tính nguyên nhân, không thể vượt qua được (Dic Angst vor dem Tode ist Angst “vor” dem eigensten, unbezüglichen und unüberholbaren Seinkönnen). Điều mình xao xuyến hốt hoảng chính là sự ở trên đời này, tức là tại thế tính (Das Wovor dieser Angst ist das In-der-Welt-sein selbst). Duyên do của sự xao xuyến hốt hoảng này chính là khả tính của hiện-tính-thể-như-thế (Das Worum dieser Angst ist das Seinkönnen des Daseins schlechthin). Sự xao xuyến hốt hoảng trước cái chết ở đây không có nghĩa là sợ hãi (Furcht) trước cái chết: ở đây không có nghĩa là cảm trạng nhất thời của tâm lý cá nhân: sự xao xuyến hốt hoảng (Angst) trước cái chết chính là Tại thế tính căn bản (Grundbefindlichkeit) của hiện tính thể (des Dasein), nghĩa là khai tính (Erschlossenheit) cho thấy rằng hiện tính thể chỉ xuất tính hoá (existiert) khi tính thể mình đã bị quăng ném (als geworfenes Sein) để qui hướng về cứu cánh của mình, sự tận cùng của mình (
zu seinem Ende), tức là tính thể qui chung (cf.
Sein und Zeit, p. 251: die Erschlossenheit davon, dass das Dasein als geworfenes Sein
zu seinem Ende existiert).
3. Ý nghĩa của sự chết trong khía cạnh “đoạ tính” (Verfallen). Thường khi hiện tính thể (Dasein) thường bỏ quên tính thể của mình là tính thể qui tử (Sein zum Tode). Thoạt tiên, phần đông mọi người không biết gì về sự chết, không màng để ý sự chết, nhưng điều này không có nghĩa là có thể phủ nhận được Tính thể qui tử (qui tịch) của hiện tính thể: sự việc này chỉ chứng tỏ rằng trước tiên nhất, thông thường nhất, hiện tính thể đã trốn bỏ, chạy trốn tính thể mình (tính thể qui tử), chối bỏ cái chết riêng lẻ của chính mình một cách tuyệt đối (dass sich das Dasein zunächst und zumeist das eigenste Sein zum Tode, flüchtig
vor ihm, verdeckt, cf.
Sein und Zeit, 251). Hiện tính thể thực sự chết rồi, mỗi khi hiện tính thể xuất thể hoá (existiert), nhưng trước tiên nhất thông thường nhất, cái chết của hiện tính thể thường lấp lửng dưới hình thức của sự sa đoạ thoái hoá (verfallen) (cf.
Sein und Zeit, p. 251-252: Das Dasein stirbt faktisch, solange es existiert, aber zunächst und zumeist inder Weise des
Verfallens). Hiện tính thể chạy trốn sự xao xuyến hốt hoảng, chạy trốn khỏi tính thể nguyên tính chất (dem eigensten Sein), tức là tính thể lên-đường-đi-về-sự-chết (zum Tode). Như thế là chúng ta đã đặt cái chết của hiện tính thể qua ba khía cạnh:
- Existenz (xuất tính)
- Faktizität (sự tính)
- Verfallen (đoạ tính)
Ba khía cạnh này là đặc tính của “hiện tính thể qui chung”, “hiện-tính-thể-lên-đường-đi-về-cứu-cánh-chung-cục” (Sein zum Ende) và tổ thành ý niệm xuất tính (existenzialen Begriff) của cái chết. Đối diện với khả tính tính luận, sự chết đặt căn thể nền tảng trong ưu tính (Das Sterben gründet hinsichtlich seiner ontologischen Möglichkeit in der Sorge, cf.
Sein und Zeit, p. 252).
Trước khi khai triển ý niệm xuất tính về sự chết một cách đầy đủ hơn, Heidegger đặt cái chết trong đời sống thường nhật của hiện tính thể: trường hợp ở đây là trường hợp của hiện tính thể nguỵ tính (uneigentlich), hiện tính thể chạy trốn tính thể sâu thẳm nhất của mình trong đời sống hàng ngày, trong những lo âu, những bổn phận của xã hội, trong sự bấp bênh nông cạn của ngày tháng hững hờ, trong sự tầm thường tẻ nhạt của một tập thể hời hợt. Sau đây, chúng ta sẽ nghiên cứu “thường nhật tính của hiện tính thể”. Đời sống thường nhật của hiện tính thể là sự khuất lấp thực tại và chạy trốn trước cái chết: người ta ba hoa nói về cái chết, nhưng người ta chưa chết, “dù sao người ta cũng chết một lần trong đời… nhưng bây giờ
người ta vẫn chưa chết” (Sein und Zeit, p. 225: Man stirbt auch einmal, aber vorläufig noch nicht). Chúng ta để ý thâm ý quan trọng “vẫn chưa chết” (noch nicht); chính vì “vẫn chưa chết”, cho trốn cái chết, “người ta” chết, nhưng “tôi chưa chết”; “người ta” tức là
mọi người, nhưng mọi người có nghĩa là không người nào cả: “en visant tout le monde, il ne touche personne” (cf. Albert Chapelle,
L’ontologie phénoménologique de Heidegger, Éd. Universitaires, Paris, 1962, p. 110)
Đối với hiện tính thể trong “thường nhật tính”, cái chết được coi như là một biến cố xảy ra trong đời sống như một vật thể (sự thể) nào đó xảy ra theo thể điệu “vorhanden”, sự thể “vorhanden” mà chưa là “vorhanden” cho tôi: “người ta chết”, “thiên hạ chết” (man stirbt), nhưng “người ta”, “thiên hạ” đây vẫn “chưa phải là tôi”; “người ta” không là ai cả: chính “người ta” đã khuất lấp cái chết riêng lẻ của tôi: tôi chạy trốn cái chết, tôi không có can đảm đối diện nhìn thẳng vào sự chết của mình: tôi xua đuổi cơn xao xuyến bằng cách xua đuổi cái chết vào “người ta chết”; tôi đã chạy trốn trước khả tính nội tại nhất, tuyệt đối nhất của hiện tính thể của mình, dù mình chạy trốn, nhưng chính sự chạy trốn này cũng nói lên một sự ưu tính nào đó đối với khả tính nội tại nhất, tuyệt đối nhất của mình. “Tính thể qui tịch” (Sein-zum-Tode) trong “thường nhật tính” (Alltäglichkeit) phơi ra hai điểm yếu: “định tính” (Gewissheit) của cái chết và “bất định tính” (Unbestimmtheit) về thời gian mà cái chết xảy đến cho mình (khi nào tôi chết?). Về “định tính” (Gewissheit) của cái chết, hiện tính thể trong thường nhật tính đã biết
chắc chắn là mình sẽ chết, nhưng vẫn coi cái chết như là một biến cố xảy ra như một sự thể theo loại “vorhanden” xảy ra trên đời này, nhưng thường nhật tính của hiện tính thể ấy thường bỏ quên rằng cái chết ấy vẫn là khả tính nguyên tính nhất (eigenst), cô lập nhất, không còn giây liên lạc nào nữa, tuyệt đối, không còn tương đối nữa: tuyệt đối (unbezüglich) và không thể nào vượt qua được (unüberholbar); thường nhật tính của hiện tính thể
không thể hiểu được, biết được chắc chắn về
định tính của cái chết như sự thể hiện tiền (vorhanden) xảy ra trên đời.
Sở dĩ hiện tính thể không biết về định tính của khả tính tuyệt đối ấy là vì tính cách bất định (Unbestimmtheit) của cái chết, không biết
khi nào mình chết và coi sự chết của mình như là “chưa xảy ra ngay lúc này, bây giờ”, mặc dù cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Làm thế nào hiện tính thể có thể cưu mang cái chết của mình một cách “trung tính, nguyên tính” (eigentlich); tính thể qui tịch có tính cách nguyên tính nhất là như thế nào? Làm thế nào có thể nhìn cái chết mà không chạy trốn, không khuất lấp, không bội tính? Chỉ có cách chấp nhận, không chối bỏ khả tính tuyệt đối, nguyên bản, nội tại nhất của mình, không giải thích sự chết của mình theo điệu thường tình của thiên hạ. Khả tính tuyệt đối này (cái chết riêng lẻ của mình) không phải “xảy ra” theo loại thể “Zuhanden” hay “Vorhanden”, mà lại là “cái-có-thể-là” của tính chất “là” trong “cái-là-ở-đó”: tiềm tính mãnh liệt nhất của sự hiện diện của mình trên cuộc đời. Phải chịu đựng cái chết như là cái chết, phải cưu mang cái chết như là
khả tính, khả tính của tính thể của hiện tính thể: cái chết như là
khả tính không phải là
khả thể theo điệu hiện tiền thể hay thủ thể, mà lại là khả tính của tính thể của hiện tính thể: “Einmal ist der Tod als Mögliches kein mögliches Zuhandenes oder Vorhandenes, sondern eine Seinsmöglichkeit des
Daseins” (
Sein und Zeit, p. 261). Hiện tính thể phải hiểu cái chết như là khả tính; trong mọi thể thái tư cách của mình đối với cái chết, mình phải
chịu đựng cái chết như là khả tính (als Möglichkeit ausgehalten). Cưu mang sự chết của mình một cách trung tính, không bội tính, nghĩa là nguyên tính, cưu mang như thế như là thế,
có thể như thế như là có thể như thế (zu einem Möglichen in seiner Möglichkeit) thì mình phải biết chờ đợi (im
Erwarten),
chờ đợi không có nghĩa là
mong đợi (cf.
Hố thẳm tư tưởng, chương III), mong đợi
một cái gì xảy đến, như một sự kiện, sự vật, sự thể; còn chờ đợi là không chờ đợi cái gì cả, mà chỉ chờ đợi khả tính thâm thiết, gần gũi nhất của mình: khả tính của tính thể; thể thái tư cách của mình là tư cách tính thể của mình trong sự dự tưởng (Vorlaufen) trước khả tính ấy: sự chết là khả tính của sự bất khả tính của mọi tư cách thể thái, mọi tư cách thể tính trong đời sống này. Dự tưởng trước khả tính bất khả tính này làm cho hiện tính thể được tự do, giải thoát, “tự do trước cái chết” (Freiheit zum Tode). Dự tưởng khai mở cho hiện tính thể nhìn thấy sự đánh mất của mình trong tự thể thiên hạ và đưa hiện tính thể đối diện với khả tính của mình (Das Vorlaufen enthüllt dem Dasein die Verlorenheit in das Manselbst und bringt es vor die Möglichkeit); Tự do trước cái chết chính là giải phóng, thoát khỏi ảo tưởng của “thiên hạ người đời” (cf. Sein und Zeit, p. 266): von den Illusionen des Man gelösten).
Cái chết là khả tính nội tại nhất của hiện tính thể, hiện tính thể trở về với khả tính
nguyên tính nhất của mình và giải thoát khỏi tính cách
bội tính của “người đời”; cái chết là khả tính tuyệt đối của hiện tính thể, cô lập nhất và không còn liên hệ gì với đời sống, do đó, hiện tính thể cưu mang cái chết ấy của mình cho mình, không ai thay thế cho mình và cái chết ấy chỉ có can hệ với mình, hiện tính thể chỉ
trung tính, giữ được
nguyên tính, không
bội tính, khi nào mình ưu tư với chính khả tính của tự tính, chứ không còn bận bịu lao đao với chuyện thiên hạ; cái chết là khả tính không thể nào vượt qua được, vì không thể vượt qua được, mình không còn tìm cách trốn tránh, vì thế, buông thả và dâng hiến, được tự do trước cái chết của mình, vì mình
cưu mang cái chết ấy, và không còn đánh mất mình trong những tiềm tính ngẫu nhiên của đời sống để tự chọn lựa khả tính nguyên tính trước khả tính tuyệt đối, không thể nào vượt qua được. Dự tưởng về khả tính không thể vượt qua được này mở ra tất cả những khả tính đi trước, giúp hiện tính thể nhìn lại
toàn thể tính của hiện tính thể và
xuất thể như toàn thể khả tính của hiện tính thể; cái chết là khả tính
định tính của hiện tính thể:
định tính ở đây không phải là định tính theo điệu
định thể của loại thể “vordanden”.
Định tính ở đây là
căn tính của tất cả định thể, vì
định tính ở đây xác định
tại thế tính và tính thể nguyên bản nhất của hiện tính thể như là một “toàn thể tính”; cái chết là khả tính
bất định tính (unbestimmt). Vừa thể nhận khả tính
định tính, đồng thời thể nhận khả tính
bất định tính của cái chết, hiện tính thể phải đối diện với sự đe doạ xao xuyến của chính
hiện tính của mình (tức là cái
Da trong
Da-Sein); hiện tính thể đối diện với “vô tính”, “vô thể”, “hư tính”, “hư thể” “hư vô” của sự bất khả tính khả thể của sự xuất hữu của mình, của khả tính tối hậu, tối thượng, cùng cực của mình (cf. Werner Brock,
Existence and Being, p. 64).
Bây giờ chúng ta hãy khảo sát “nguyên tính” (Eigentlichkeit) của hiện tính thể được
chứng tính như thế nào, tức là chương II của phân bộ II trong quyển
Sein und Zeit, chúng ta khảo sát về “chứng tính của hiện tính thể về khả tính nguyên tính” (die daseinsmässige Bezeugung eines eigentlichen Seinskönnen). Chứng tính này đưa hiện tính thể trở về lại tự thể: phục hồi hự thể (das Sichzurückholen) thoát ra ngoài thiên hạ, người đời (aus dem Man); tiếng gọi của lương thức (Stimme des Gewissens) gọi hiện tính trở về lại tự tính của mình, vì lương thức là một hiện tượng của hiện tính thể, cho nên
lương thức không phải chỉ là sự kiện, sự thể xảy ra ngẫu nhiên theo điệu hiện tiền, “vorhandene” (
Sein und Zeit, p. 269: Das Gewissen ist als Phänomen des Daseins keine vorkommende und zuweilen vorhandene Tatsache).
Lương thức kêu gọi mình và khiến cho mình không còn hỏi ý kiến, không nghe ngóng người khác, không hỏi ý kiến thiên hạ, không lắng nghe thiên hạ, không lắng nghe người đời, thay vì thế mình lại trở về lắng nghe tiếng gọi thì thầm của lương thức; tiếng gọi của lương thức không có lời, không có tiếng; tiếng gọi của lương thức là chính hiện tính thể gọi hiện tính thể của mình, không phải gọi mơ hồ lãnh đạm, mà gọi một cách thân thiết, gần gũi, cụ thể, gọi chính
tự tính của mình, chứ không phải hình ảnh của mình do mình tạo ra trong tương giao xã hội, đoàn thể, đám đông của “người ta”: gọi
tự tính, chính là xua đuổi “thiên hạ tính” ra ngoài;
tự tính không phải là
đối tượng, đối thể của sự hướng nội tâm lý học, của sự tự kiểm thảo, cũng không phải là
chủ thể biệt lập với ngoại giới,
tự tính chính là
tính cách của
tại thể tính; nội dung của tiếng gọi lương thức không phải là nội dung thông thường của thế tục, của chuyện đời, mà là tiếng gọi của khả tính của tính thể của tự tính; tiếng gọi của lương thức thực ra không phải tiếng gọi có âm thanh, có lời, có nội dung chữ nghĩa; tiếng gọi của lương thức là tiếng gọi của sự im lặng, im lặng gọi im lặng để trở về im lặng (cf.
Im lặng hố thẳm); tiếng gọi im lặng này kêu gọi hiện tính thể lên đường dứt khoát để hội thành tự tính của mình; lương thức cũng chính là tiếng gọi “ưu tính” (Sorge), gọi mình trở về mình và không còn đánh mất mình giữa đám đông thiên hạ người đời.
Tiếng gọi này không phải cố ý mà có được, tiếng gọi thình lình đến với mình, dù mình có không muốn, không hề muốn, không hề mong đợi. Tiếng gọi ấy không phải phát ra từ một người nào khác, mà chính từ mình và cho mình (cf. Werner Brock,
Existence and Being, Introd, p. 67). Lương thức tự khai mở ra là tiếng gọi của “ưu tính” (Sorge), kẻ gọi chính là hiện tính thể xao xuyến bàng hoàng trong việc bị bỏ rơi quăng ném vào đời (“đã-là-ở-trong-đời”) để hình thành khả tính nguyên bản nhất của mình (“là-ở-đàng-trước-mình”:
Sich-vor-weg-sein) và thoát ra ngoài đoạ tính (Verfallen) của thiên hạ (“là-cận-tiếp-ưu-tự-bận-rộn-với-việc-đời”:
Sein-bei innerweltlich begegnendem Seiendem).
Tiếng gọi của lương thức làm cho hiện tính thể có thể ý thức về “phạm tính” của mình (“phạm tính”: Schuld); chữ “Schuld” có nghĩa là phạm tội, cũng có nghĩa là mắc nợ kẻ khác; theo nghĩa
tính luận (ontologisch) của Heidegger, tôi dịch chữ “Schuld” là “khuyết tính”, vì “Schuld” có nghĩa là thiếu mất, sự thiếu một cái gì mà đáng lẽ mình phải là cái đó, “khuyết tính” (Schuld) chính là căn tính của “vô tính” (Nichtigkeit); khi nói đến sự
khuyết tính (phạm tính) của hiện tính thể thì không phải cho rằng hiện tính thể bị lỗi lầm sai lạc hay phạm tội, phạm lỗi; khi cho rằng hiện tính thể bị khuyết thể (schuldig) thì có nghĩa là: hiểu được tiếng gọi của lương thức về tự tính (Anrufverstehen), ý thức rằng hiện tính thể là khuyết thể, vì khuyết tính là cấu tính căn bản của ưu tính (Sorge); chờ khi nào mình
tự dự phát tính thể mình trong khả tính và ý thức
khuyết tính thì mới có thể đón nhật khả tính nguyên bản của xuất thể tính và tự chọn lựa (trạch tính); khi hiện tính thể hiểu được tiếng gọi của lương thức thì hiện tính thể giải thoát khỏi
khuyết tính của tự tính. Xuất thể tính là khuyết tính trong căn tính của tính thể mình; hiện tính thể cảm thấy phạm tính, vì đã không thành tựu tự tính và bị chìm đắm trong “thiên hạ” (das Man) và không thể hiện tự tính của mình. Tiếng gọi của lương thức xuất hiện trong tình cảm này. Cái gì gọi? Chính hiện tính thể (cf. Martin Buber,
Between Man and Man, Fontana Library, 1966, p. 202).
Tự phát tính trong im lặng và sẵn sàng đón nhận xao xuyến, cưu mang khuyết tính trong tự tính, chính là quyết tính (Entschlossenheit); đáp ứng lại tiếng gọi của lương thức, hiện tính thể cưu mang một cách lặng lẽ, một cách thảng thốt xao xuyến trong im lặng, cưu mang những khả tính cùng cực của mình, nhìn thẳng hư vô của đời mình, chấp nhận phạm tính, sự đáp ứng của hiện tính thể ấy chính là quyết tính (cf
Sein und Zeit, p. 297: das verschwiegene, angstbereite, sichenwerfen auf das eigenste Schuldigsein nennen wir die Entschlossenheit).
Trong quyển
The Courage To Be, tư tưởng gia thần học Paul Tillich đã giải thích rõ ràng ý nghĩa của chữ
Entschlossenheit của Heidegger như vầy: “Chữ Đức
Entschlossenheit cho thấy biểu tượng mang ý nghĩa là mở khoá cho những gì đã đóng nhốt mình, như sự xao xuyến, sự nô lệ vào công thức, sự nô lệ bản thân. Khi nào mình được mở khoá rồi, mình có thể hành động mà không còn bị lệ thuộc vào những tiêu chuẩn công thức của bất cứ người nào hay bất cứ việc gì. Không ai còn có thể ra lệnh cho hành động của một cá thể
quyết tính, không có Thượng Đế, không có công thức, không có lề luật, tiêu chuẩn hay nguyên tắc nào có thể ra lệnh cho hắn.
Chúng ta phải là chúng ta,
chúng ta phải quyết định về hướng đi của mình. Lương thức của chúng ta kêu gọi chúng ta trở lại chúng ta. Đó không phải là tiếng nói thực tiễn nào, cũng không phải ý thức về những nguyên lý vĩnh cửu. Tiếng gọi ấy kêu gọi chúng ta trở lại chúng ta và thoát ra ngoài tư cách thái độ của con người tầm thường, thoát ra ngoài việc nói ba hoa nhảm nhí hàng ngày, công ăn việc làm hàng ngày” (cf. Paul Tillich,
The Courage To Be, Yale University Press, N.H. 1959, p. 148-149). Chỉ có hiện tính thể
quyết tính mới mở ra vị thế (Situation) tức là cái “Da” của tự tính: mình can đảm nhìn thẳng hư vô tính của thể phận và quyết tâm bản tính trong thế gian này.
“Hiện tính thể quyết tính là hiện tính thể nhìn thầy tự thể và đẩy tự thể đến giới hạn cùng độ. Nhìn vượt qua tất cả những khả tính do hoàn cảnh vị thế mang đến, hiện tính thể vẫn giữ được cái nhìn cố định vào sự chết của mình. Nhìn mọi sự vật trong mỗi giây phút dưới sự xuất hiện của sự chết,
sub specie mortis, đó là sự nguyên tính của hiện tính thể, sự trung thành của hiện tính thể đối với tự thể, die Treue der Existenz
zum eigenen Selbst. Chỉ trong sự trung tính như thế, hiện tính thể mới giữ được tự tính nguyên tính của mình, eigentlich Selbst” (cf. A.de Waelhens,
La Philosophie de Martin Heidegger, Louvain, 1955, p. 176).
Quyết tính là “nguyên tính” của ưu tính. Khả tính nội tại của sự nhất trí của ưu tính là thời tính (Zeitlichkeit); quyết tính dự tưởng (vorlaufende Entschlossenheit) là hiện tính thể nguyên tính trong toàn thể tính khả dĩ giải minh thời gian tính với ba thể điệu:
tương lai không phải là “hiện tại” chưa thành hình và
sẽ hiện đến,
tương lai không thể hiểu theo thể điệu “vorhanden”: hiện tính thể có thể tự di chuyển đến tự tính trở về trong khả tính nguyên bản và chịu đựng khả tính như là khả tính trong sự tự di chuyển mình trở về với mình, sở dĩ hiện tính thể có thể làm được như vậy là nhờ “quyết tính dự tưởng” (vorlaufende Entschlossenheit);
tương lai chính là sự di chuyển của tự tính đi về tự tính trong khả tính, trong sự chịu đựng khả tính như là khả tính. Sự quyết tính dự thưởng làm cho hiện tính thể trở nên đồng nhất thể với tương lai (lai thể) một cách nguyên tính nhất. Quá khứ (quá thể) cũng không nên hiểu như là “hiện tại” đã qua rồi, theo điệu “vorhanden”; cưu mang
khuyết tính, cưu mang căn tính của hư vô tính và tính cách “đã bị quăng ném ra đó” chính là đưa hiện tính thể chấp nhận “quá tính” của mình một cách nguyên tính nhất; hiện tính thể sở dĩ làm như thế được là nhờ có thể di động mình trở về tự tính trong tính cách “tương lai” (lai tính), mà chỉ có thể tự di động như thế là chỉ khi nào có thể đồng lúc tự di động về
quá khứ của mình. Tuy nhiên
tương lai vẫn là thời thể quan trọng nhất của hiện tính thể, vì chỉ khi nào hiện tính thể có thể dự tưởng đến khả tính cùng cực nhất, nguyên bản nhất của mình thì mới có thể di động “phục hồi” quá khứ nguyên tính của mình. Chỉ khi nào hiện thể hướng trước về tương lai thì hiện tính thể mới có thể hướng về quá khứ một cách trung thực (cf. Werner Brock,
Existence and Being, p. 79). Còn về
hiện tại, tất cả truyền thống triết lý Tây phương (kể từ triết lý Hy Lạp) đã trình bày
hiện tại theo thể điệu “vorhanden”, giải bày hiện tại như là “hiện thể” như là “bây giờ” và coi
hiện tại như là sự hiện diện (parousia: Anwesenheit) của vật thể hiện tiền. Hiện tại được truyền thống coi như là thời thể quan trọng nhất, quan trọng hơn quá thể và lai thể (tương lai và quá khứ). Đối với hiện tính thể nguyên tính, chính nhờ lai thể (tương lai), nhờ sự quyết tính dự tưởng (vorlaufende Entschlossenheit), mình mới có thể khai mở “vị thế” (Situation) cụ thể hiện tại, mình ưu tư bận tâm với “dụng thể”; ưu tính quyết tính về “dung thể” (zuhanden) trong một vị thế cụ thể thực tiễn chỉ có thể thành tựu được là khi nào dụng thể (Zuhandence) được “hiện hoá” (Gegenwärtigen) chỉ có sự
hiện hoá này, chỉ có
quyết tính hiện hoá như vậy thì quyết tính mới có thể là quyết tính: quyết tính dự tưởng, nghĩa là hướng về tương lai, phục hồi quá khứ để
hiện hoá vị thế cụ thể cho hành động ưu thế của mình.
Quá thể phát từ
lai thể để khai hoá
hiện thể (hiện tại).
Thời tính là ý nghĩa tối thượng của hiện tính thể? Tùy vào sự truy nhận của hiện tính thể về thời gian tính mà hiện tính thể có thể hiểu tự tính và tất cả mọi sự chung quanh mình: hiện tính thể cưu mang tính cách thời gian (zeitlich), nếu không hiểu được
thời tính thì không thể nào hiểu được hiện tính thể: đặc tính của hiện tính thể là
tại thế tính (In der-Welt-sein), nghĩa “là-ở-đó” là “là-ở-tại-thế-gian”, như chúng ta đã biết rõ, “là-ở-tại-thế-gian”, không có nghĩa là ở
trong thế gian như diêm quẹt ở trong hộp, như cái ghế ở trong phòng, việc “ở tại”, “ở trong” của hiện tính thể không phải là theo thể điệu của vật thể; về tính thời gian của hiện tính thể cũng thế: hiện tính thể là
tại thời tính, nhưng không có nghĩa ở trong dòng sông đang chảy, vì hiện tính thể chính là thời gian: hiện tính thể tự
thời hoá (zeitigen), tính thể của hiện tính thể là ưu tính, và ưu tính chỉ có thể là ưu tính khi ưu tính tự
thời hoá và thời hoá tính nằm trong sự nhất tính của thời thể (quá thể, hiện thể và lai thể); nhất tính ở đây chính là xuất tính, “tự xuất tính” (ausser sich), chữ Hy lạp gọi là “eksatikón” (cf,
Sein und Zeit, p. 329: Zeitlichkeit ist das ursprüngliche, ausser sich, an und für sich selbst); ưu thế trong ba thời thể là lai thể (tương lai), tương lai quyết định hiện tại và quá khứ: lai thể là dự tưởng quyết tính cưu mang cái chết của mình, do đó,
thời hoá tính trở thành hữu hạn, giới hạn,
chung cục (endlich): lai thể nguyên tính (eigentliche Zukunft) đã được thời hoá trước tiên bởi thời tính, thời tính này làm thành ý nghĩa của sự quyết tính dự tưởng (vorlaufenden Entschlossenheit), do đó, lai thể mang tính cách chung cục, hữu hạn, giới hạn, hữu biên (cf.
Sein und Zeit, p. 329, Die eigentliche Zukunft, die primär
die Zeitlichkeit zeitigt, die den Sinn der vorlaufenden Entschlossenheit ausmacht, enthüllt sich damit selbst
als endliche).
Thời tính chính là ý nghĩa của ưu tính, sự nhất tính của ưu tính cũng là nhất tính của thời hoá tính: dự tưởng (là-đi-tới-đằng-trước-mình) của ưu tính chỉ có thể là dự tưởng, khi căn tính của nó là
tương lai (lai thể): tương lai khiến cho hiện tính thể có thể ưu tư về khả tính nguyên bản nhất của mình; sự tính (“đã-là-ở-trên-đời”) của ưu tính đặt căn tính ở
quá khứ (quá thể), (sự tính: Faktizität: cảm thế tính: Befindlichkeit: sở trục tính: Geworfenheit); tiếp cận tính (“ưu tư bận bịu tiếp cận với chuyện đời”) của ưu tính đặt căn tính ở hiện tại (hiện thể), sự “hiện hóa” chỉ có thể là hiện hoá khi nó quan thiết với quá thể và lai thể.
Hiện tính thể quyết tính là hiện tính thể thoát ra ngoài “đoạ tính” để phục hồi nguyên tính (Eigentlichkeit) trong một vị thế được khai mở, sống trong khoảnh khắc tràn đầy (Augenblick): “Augenblick” (nguyên hiện thời) là hiện tại nguyên tính: sự nguyên tính (Eigentlichkeit)
hiện hóa vị thế: “L’authenticité nous rend la situation
présente” (A. de Waelhens,
La philosophie de Martin Heidegger, p. 184).
Thời tính (Zeitlichkeit) không phải là một sự thể hiện tiền (theo điệu “vorhandene”); nghĩa là không phải là một “thực thể”, “vật thể”, “hiện thể”;
thời tính khai hoá ra thời gian: thời tính tự
thời hoá ra thời gian (zeitigt sich); sự dự tưởng đến
tương lai, sự phục hồi
quá khứ và sự hiện hoá
hiện tại, cả ba sự việc này khai mở
thời tính như là “xuất tính” (ekstatikon); Heidegger trình bày dứt khoát rằng
thời tính là “tự xuất tính” (ausser sich) cho tự tính và tương tính; do đó, Heidegger gọi
hiện tại, tương lai và
quá khứ là những “xuất thể” (Ekstase) của thời tính, theo nghĩa đen của Hy lạp (ekstasis), nghĩa là
đứng ra ngoài, vượt ra ngoài: mình luôn luôn
đứng ra ngoài, vượt ra ngoài mình trong mỗi thời thể của ba thời thể nhất tính: con người luôn luôn ngó tới đằng trước mình, hướng về tương lai, cưu mang quá khứ và xoay hướng trong hoàn cảnh hiện tại.
Khi quan niệm
thời tính như là
xuất tính, Heidegger đã vượt ra ngoài quan niệm thông thường của truyền thống về thời gian: truyền thống quan niệm thời gian như một chuỗi dài những cái “bây giờ” liên tục đến vô hạn, theo thể điệu hiện tiền thể “vorhanden”. Chính thời gian theo thể điệu này đã phát xuất và lệ thuộc vào
thời tính: thời tính
thời hoá thời gian (sich zeitigt), vì hiện tính thể
thời hóa thời gian, cho nên mới phát hiện
thế gian; thế gian không phải là một thực thể theo điệu “vorhanden” và “zuhanden”, mà thế gian đồng phát khởi với sự “xuất tính” (ausser sich) của những xuất thể. Nếu hiện tính thể không “xuất hoá”, “xuất thể hoá” (existiert) thì không thể nào có
thế gian ở đó được.
Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu qua về
sử tính (Geschichtlichkeit) của hiện tính thể.
Trước hết chúng ta phải phân biệt hai chữ Đức
Historie và
Geschichte; trong ngôn ngữ Pháp và Anh, chúng ta chỉ thấy một chữ duy nhất
Histoire, nhưng chữ Đức gồm có hai chữ
Historie và
Geschichte; chữ
Histoire bởi chữ Hy Lạp
istorein (nghĩa là: tìm kiếm, muốn biết), còn
Geschichte bởi chữ Đức cổ
Giskiht (
có nghĩa biến cố đột phát) (cf. G. Greshake,
Historie wird Geschichte, Bedeutung und Sinn der Unterscheidung von Historie und Geschichte in der Theologie Rudolf Bultmanns, Ludgerus Verlag, Essen, 1963, p. 37, n. 5). Đối với Heidegger,
Historie có nghĩa môn học về lịch sử (sử học), còn Geschichte có nghĩa về thể tính sử; tôi xin dịch
Historie là sử học và
Geschichte là nguyên sử.
Nói đến
xuất thể tính của hiện tính thể có nghĩa là nói đến sử tính, hiện tính thể có sử tính (geschichtlich); chúng ta chỉ có thể nói đến
lịch sử là vì chính chúng ta đã là sử tính: “Nous ne pouvons parler d’histoire qu’en tant que nous sommes nous-mêmes historiques” (H. G. Gadamer,
Le problème de la concience historique, Publ. Univ, Louvain, 1963, p. 44). Nói như nhà thần học trứ danh Rudolf Bultmann, đồ đệ của Heidegger thì “bất cứ lời nói nào của con người về lịch sử thì đồng thời con người cũng nói luôn về chính mình” (cf. Bultmann
Jesus, 1964, p. 7: “Er sagt mit jedem Wort über die Geschichte in gewisser Weise zugleich etwas über sich selbst”).
Thời tính đối với
thời gian thế nào thì
sử tính đối với
lịch sử cũng giống như thế: thời gian phát nguyên từ thời tính, cũng như lịch sử phát nguồn từ sử tính (Geschichtlichkeit). Khi đã khảo qua về
tính thể qui tịch, bây giờ chúng ta nghiên cứu hiện tính trong
toàn thể kéo dài từ lúc sinh cho đến lúc chết: toàn thể của hiện tính thể không phải là tổng số những sự kiện (
Sein und Zeit, p. 243).Tính cách vận hành của hiện tính thể trong xuất thể tính hoàn toàn khác hẳn thể cách vận hành của vật thể hiện tiền (vorhanden), tính cách vận hành của hiện tính thể là
trương dài ra giữa cái sống và cái chết, hiện tính thể trương dài ra, kéo dài một tiết điệu riêng biệt của thể tính mình; sự trương bày ấy gọi là “trương tính” (Erstreckung) (
Sein und Zeit, p. 347), tính cách vận hành của hiện tính thể trong sự trương bày ấy được gọi là “tiến trình của sự đến, lại” gọi là “Geschehen”(lai tính) (
Sein und Zeit, p. 375: Die spezifische Bewegtheit des erstreckten Sicherstreckens nennen wir das Geschehen des Daseins).
Lai tính (Geschehen) xác định xuất thể tính như là sử tính: quyết tính dự tưởng trong im lặng và xao xuyến, cưu mang khuyết tính để hội thành nguyên tính trong việc dự tưởng đến những khả tính của mình; khi hiện tính thể ưu tư về tương lai và quyết tính phục hồi việc bị quăng bỏ giữa đời thì chính sự quyết này đã khai mở những khả tính của xuất thể tính nguyên tính xuất phát từ sự thừa hưởng quá khứ, tức là “di tính” (Erbe) mà hiện tính thể đã cưu mang nhận lấy để tự do
trạch tính khả tính của mình, tức là cưu mang thể mệnh (Schicksal). Bất cứ sự trạch tính (Wahl) nào về khả tính, khi
trạch tính ấy khởi phát di tính (Erbe) và dự tưởng đến tương lai thì trạch tính ấy thuộc vào sử tính (Geschichtlickeit) của hiện tính thể trong ý nghĩa nguyên bản nhất (cf, p 90). Hiện tính thể “xuất hoá” với những hiện tính thể khác, cho nên “lai tính” (Geschehen) của hiện tính thể
lai hoá trong
lai tính (Geschehen) của toàn thể cộng đồng, như quốc gia, tổ quốc, chủng tộc; lai tính của tập thể cộng tính này được gọi là “Geschick” (Tính mệnh). Hiện tính thể là sử tính (geschichtlich) là vì hiện tính thể chính là thời tính (zeitlich), do đó, tương lai (lai thể) chính là nguồn gốc của sử tính (
Sein und Zeit p. 386), vì
lai thể là
xuất thể quan trọng nhất trong tam thể (quan trọng hơn
quá thể và
hiện thể ); nguồn gốc của
sử tính là
tương lai (lai thể); nguồn gốc của
lich sử là quá thể (quá khứ), mà nguồn gốc của
linh sử chính là
sử tính, và
sử tính được qui định bởi
tương lai ; nói như thế có nghĩa dễ hiểu là: hiện tính thể là kẻ sáng tạo
lịch sử, vì hiện tính thể mang
sử tính:
thể tính của hiện tính được qui định bởi
lai thể (tương lai) để mà có thể
dự tưởng đến cái chết của mình, tức là dự tưởng đến khả tính cùng độ của mình để tự do trươc cái chết, hiện tính thể ấy phải cưu mang tính cách bị bỏ rơi quăng ném giữa cuộc đời của mình, cưu mang tính thể ấy, cưu mang di sản truyền thống trong sự phục hồi (Wiederholung) đúng mức về
khả tính của
di tính ấy, rồi sống trong khoảnh khắc hiện tại trọn vẹn (Augenblick), vì hiện tính thể đã hội thành được nhất tính trong nhất khắc (Augenblick) (cf.
Sein und Zeit, p. 390). Sự “phục tính” (Wiederholung) nguyên tính về khả tính của quá thể (quá khứ) xuất phát từ sự
quyết tính dự tưởng (vorlaufende Entschlossenheit), chỉ có thể sự quyết tính dự tưởng mới làm cho hiện tính thể có thể
trạch tính (chọn lựa) để mà tự do tiếp nhận những gì đáng phục hồi ở quá khứ;
phục hồi không có nghĩa
là hoài cổ , đeo níu vào quá khứ, lặp lại quá khứ, mà có nghĩa đúng là sự đáp ứng, “ứng tính” (Erwiderung) quyết liệt về khả tính của xuất thể tính ở quá khứ tận nơi nguyên tính: “
sự phục hồi này chỉ có thể thành tựu khi hiện tính thể tự tuyển trạch những vị anh hùng cho chính mình” (cf.
Sein und Zeit, p. 385: dass das Dasein sich seine Helden wählt).
Sử tính nguyên tính không phải nằm ở quá khứ hay hiện tại, mà lại phải ở nơi tương lai; khi dự tưởng đến tương lai, tức là tính thể qui tịch (Sein zum Tode), mình mới có thể tuyển trạch những gì đáng phục hồi ở quá khứ. Sử tính bội tính (phi nguyên tính) là sử tính của hiện tính thể tự đánh mất trong “thiên hạ tính” và không thể nào còn có khả năng
quyết tính, vì luôn luôn phải sống trong trạng thái phân tán, không giữ được
nhất tính của hiện tính thể, không biết đến
thể mệnh của mình, mù quáng trước khả tính trung thực của quá khứ và không còn
trạch tính được nữa (trốn tránh trạch tính), do đó, không thể nào
phục tính được, vì đã bỏ quên
tính sử mà chỉ giữ lại thế sử thể (tức là thế giới của dụng thể, Zuhandene, và vật thể hiện tiền, Vorhandene,
thế sử thể chính là “Welt-Geschichte”). Sử học xuất phát từ
sử tính của hiện tính thể; đối tượng của quá khứ phải được khảo nghiệm từ cấu tính của hiện tính thể ở quá thể dưới khía cạnh của
sử tính của chính sử gia (nghĩa là sử gia chân chính phải dự tưởng từ
tương lai để qui định sự
trạch tính của mình về đối tượng của sử học, vì chính
sử tính của hiện tính thể đã khai tạo và hàm dưỡng một khoa học, gọi là khoa học lịch sử (sử học).