© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
2.9.2002
Phan Ngọc
Thơ là gì ?
 
Trong quá trình xây dựng bộ "Phong cách học cấu trúc tiếng Việt", tôi bắt buộc phải định nghĩa lại các khái niệm, bởi vì các khái niệm trước đây về phong cách học là dựa trên nhận thức cảm tính về cái đã có, còn công trình của tôi mang tính thao tác, phải tìm cái lý do, cái sở dĩ của các hiện tượng đã được xem là hiển nhiên. Một định nghĩa về thơ, do đó phải:

  1. Có giá trị phổ quát, tức là áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là thơ trên trái đất này, bất chấp ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường phái;

  2. Mang tính hình thức, giúp người ta nhận diện được ngay thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có kết quả.


Các công trình ngôn ngữ học nước ngoài theo tôi theo dõi, quan tâm, không phải tới điểm thơ là gì mà cái nên thơ (le poétique) là gì. Hai khái niệm này rất khác nhau. Ở đây, tôi không bàn đến sự khác nhau này để khỏi sa vào tư biện. Trong phạm vi bài này, để cho dễ đọc, tôi xin nêu định nghĩa của tôi và giải thích lý do tại sao tôi lại định nghĩa như vậy...

Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này. Nói rằng hình thức tổ chức ngôn ngữ của thơ hết sức quái đản là nói rằng trong ngôn ngữ giao tiếp không ai tổ chức ngôn ngữ như thế. Trong ngôn ngữ hằng ngày, chẳng ai tổ chức ngôn ngữ theo âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm, luật... hết. Vậy tại sao mọi ngôn ngữ từ A đến Z đều chấp nhận một cách tổ chức thơ quái đản như vậy? Chắc chắn đây không phải là do nhu cầu giao tiếp, bởi vì chẳng cần phải tổ chức ngôn ngữ kỳ quặc như thế, cứ nói như ngôn ngữ hằng ngày vẫn giao tiếp rất tốt kia mà. Lý do, phải tìm ở chỗ khác. Ðó là vì ngôn ngữ hằng ngày, văn xuôi, vấp phải những giới hạn không thể nào vượt qua được. Ðó là vì có một thứ thông báo hết sức cần thiết cho đời sống tinh thần của một thể cộng đồng chỉ có thể truyền đạt bằng thứ ngôn ngữ quái đản này thôi. Ta phải tìm cho ra cái dĩ nhiên này để có thể phân định rạch ròi chức năng của thơ. Khi hình thức thông báo thay đổi thì nội dung thông báo cũng không thể không thay đổi. Hình thức đã quái đản như vậy thì nội dung thực tế phải có một khía cạnh nào đó thực tế không có trong ngôn ngữ bình thường. Sự thức nhận về ngôn ngữ cho đến nay chưa tiến hành triệt để. Ta chỉ nghe nói những lời hoa mỹ về ngôn ngữ này, mà không thấy một sự đối lập thích đáng (pertinent) giữa thơ và văn xuôi. Tình trạng này gây khó khăn cho một ngôn ngữ học cấu trúc.

Chúng tôi nói đến mục đích của thơ là bắt mọi người tiếp nhận phải nhớ, cảm xúcsuy nghĩ và, cả ba mặt nhớ, cảm xúcsuy nghĩ đều là do cách tổ chức ngôn ngữ rất quái đản của nó. Trong ba mục đích thì nhớ là đầu tiên và quyết định, bởi vì nếu người ta quên ngay hình thức diễn đạt thì làm thế nào có thể cảm xúcsuy nghĩ được?

Có nhiều dân tộc không có chữ viết, nhưng thơ vẫn lưu truyền qua hàng ngàn năm, vì người ta nhớ. Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta chỉ chú ý đến nội dung của thông báo, còn hình thức của nó ta quên ngay. Cho nên có câu "Lời nói gió bay". Trong đời, chúng ta nói một số câu vô hạn và viết một số câu cũng vô hạn, nhưng nhiều lắm chỉ nhớ được cái nội dung của thông báo chứ làm sao nhớ được hình thức của thông báo? Tại sao thế? Vì cách tổ chức câu nói quá bình thường. Một câu nói bình thường chỉ có thể lưu lại đời sau với một trong ba điều kiện:

  1. Nó là lời của một người lỗi lạc và tiêu biểu cho sự nghiệp của người ấy. Thí dụ câu: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Hồ Chủ Tịch. Nếu một người khác nói câu ấy thì sẽ bị quên.

  2. Nó gắn liền với cúng tế, nghi lễ, tôn giáo: câu thần chú, câu kinh.

  3. Nó gắn liền với một biến cố lịch sử quan trọng. Nó trở thành thiêng liêng đến mức người nói bắt buộc phải duy trì nguyên vẹn hình thức. Ðó là những khẩu hiệu, những câu tuyên ngôn bất tử, những chân lý thiêng liêng.


Trong cả ba trường hợp, một câu nói bình thường đều phải dựa vào một sự kiện hết sức đặc biệt, hiếm có, mới có thể duy trì hình thức.

Trái lại, câu thơ được nhớ qua hàng ngàn năm, không cần dựa vào yếu tố gì đặc biệt ngoài ngôn ngữ cả. Vậy cái gì khiến nó tồn tại lâu dài như vậy trong trí nhớ loài người? Chắc chắn không phải nhờ nội dung. Ðó chính là nhờ cách tổ chức ngôn ngữ của nó.

Quy luật của trí nhớ cho ta biết cái bình thường thì bị quên đi ngay lập tức. Muốn khắc sâu vào trí nhớ, nó phải khác thường hoặc về nội dung, hoặc về hình thức. Hãy kiểm điểm lại đời mình xem cái gì còn lại trong trí nhớ: Ðó đều là những biến cố tạo nên sự thay đổi trong cuộc đời: cái chết của những người thân, những ngày chiến đấu gian khổ, tình yêu đầu tiên v.v... Ðọc thần thoại, ai cũng nhớ con quái vật có con mắt ở giữa trán, vì không có con vật nào có con mắt ở vị trí quái gở như thể. Cho nên ở bất kỳ ngôn ngữ nào, thơ cũng là một cách tổ chức ngôn ngữ quái gở, đối lập hẳn với ngôn ngữ hằng ngày đến mức độ khó chịu. Ngay cả với thơ không vần hiện đại. Cho nên ta không ngạc nhiên khi thơ có vần, có nhịp, có cắt mạch, có số lượng âm tiết, có đối, có số câu, có niêm, có sự vận dụng về trọng âm, trường độ... theo những mô hình cực kỳ gắt gao. Cái gắt gao của mô hình là chỗ dựa của trí nhớ. Mô hình càng chặt thì càng dễ nhớ và dễ lưu truyền, bởi vì người ta có thể căn cứ vào mô hình để phục hồi câu thơ chính xác. Ở đây có hai trường hợp cần bàn. Có những nhà thơ, đọc có vẻ rất thoải mái, ngay trong cái mô hình chặt chẽ nhất. Thơ Tú Xương là thí dụ. Lại có loại thơ tự do nhìn như văn xuôi, thậm chí vẻ lủng củng. Thế phải chăng quy tắc tổ chức ngôn ngữ một cách quái gở bị vi phạm? Về trường hợp thứ nhất, dễ trả lời. Ðó là vì nhà thơ đã làm chủ khuôn phép một cách hoàn toàn, có vẻ như con người đi trên sợi dây mà vẫn hoàn toàn thoải mái. Trường hợp thứ hai là một sự đánh tráo. Nhà thơ bỏ sự gò bó bên ngoài về hình thức, không phải để quay trở về văn xuôi, mà chấp nhận những gò bó khác, ở cấp độ cú pháp và từ vựng. Bài thơ anh ta phải mới lạ về nội dung tư tưởng và tạo nên những liên hệ tư tưởng bất ngờ, do cách dùng chữ mang tính nên thơ. Tóm lại, đây vẫn là một cách tổ chức ngôn ngữ khác thường. Nếu thơ tự do không mới lạ về cách nhìn, không sắc sảo về từ ngữ, không táo bạo về cú pháp thì nó rất dễ chết. Ðiều này cắt nghĩa tại sao trên thế giới tuy thơ tự do nhan nhản, nhưng số còn lại chẳng có bao nhiêu. Trái lại, thơ theo khuôn khổ chặt chẽ, thực tế không đòi hỏi phải độc đáo về tư tưởng và từ ngữ cho lắm. Mặt khác, nếu như nhà thơ theo khuôn khổ tạo nên được những kiểu tổ chức độc đáo trong khuôn khổ cho phép, nêu được tài năng riêng của mình hay phá được khuôn sáo để đi đến một khuôn khổ mới đời sau chấp nhận thì anh ta sẽ có khả năng bất tử. Tôi nghĩ đến Sủn Thon Phu ở Thái Lan, Hồ Xuân Hương ở Việt Nam. Cũng vậy, nếu như đằng sau cái vẻ tự do chứa đựng những nguyên tắc chặt chẽ thì khả năng bất tử vẫn có. Tôi muốn nói đến trường hợp Maiakôpxki, Paul Eluart. Nếu một nhà thơ trẻ mà trình độ tư duy, sự am hiểu về ngôn ngữ, văn hóa chưa rộng thì hãy khoan làm thơ tự do. Thực tế, thơ tự do khó làm hay hơn thơ khuôn phép rất nhiều.

Tôi đã nói đến mặt nhớ trong quan hệ với cái lạ. Bây giờ nói đến mặt gây cảm xúc trong quan hệ với cái lạ. Ta hãy nói đến cảm xúc, nhưng cần phải thấy cảm xúc nảy sinh trong hoàn cảnh nào thì tôi mới có thể làm người khác cảm xúc. Nghệ thuật là khiến người ta cảm xúc như mình muốn. Do đó, phải có thao tác.

Cảm xúc do thơ gây nên không phải là cảm xúc do văn xuôi gây nên. Ðây là một điều rất căn bản mà tiếc thay lý luận văn học đã bỏ qua. Tiểu thuyết miêu tả tình yêu trên thế giới không phải là hiếm. Thế nhưng, khi bạn tìm những cách cụ thể để nói lên tình yêu của mình, thì chắc chắn bạn sẽ nhớ những câu của Virgile, Lamartine, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Xuân Diệu... và của những nhà thơ có thể rất tầm thường bên cạnh những ngọn núi đồ sộ như Stendlhal, Tolstoi... Nhưng các nhà văn xuôi kia dù có vĩ đại đến đâu cũng không tài nào cấp cho bạn tiếng nói bằng lời cụ thể tình yêu của bạn. Cũng vậy, không thiếu gì những đoạn văn xuôi rất hay miêu tả vầng trăng, kiếp sống con người... nhưng cả Ðông Á nhìn vầng trăng với đôi mắt Lý Bạch, suy nghĩ về kiếp sống với cái nhìn Ðỗ Phủ. Cuộc đời không cho phép tôi có một học vấn, một kiến thức phong phú dành cho một triết gia, mặc dầu tôi có ý thức học triết học nghiêm túc. Nhưng tôi đã dành cả cuộc đời để tìm hiểu chính mình, cũng công phu không kém một triết gia. Khi lý giải hiện tượng này, tôi thấy sự khác nhau là ở chỗ: câu thơ đọc xong thì đọng lại nguyên vẹn trong trí óc ta, trở thành một ám ảnh, và được nội cảm hoá ngay lập tức đến mức nó là của chính tôi. Ðây là một sự chiếm hữu trọn vẹn cả nội dung lẫn hình thức không một chút vi phạm dù là nhỏ nhất. Ðọc văn xuôi, sự chiếm hữu của tôi chỉ trọn vẹn ngay khi đọc, rồi sau đó tôi chỉ nhớ mang máng nội dung, còn hình thức thì quên. Khi hình thức đã quên, cách nào cảm xúc nội cảm hoá được? Kết quả việc thưởng thức Truyện Kiều rất khác cách thưởng thức Anna Karênina chẳng hạn. Tôi thuộc Truyện Kiều từ đầu chí cuối, cho nên cũng có một sự chuyển hoá, tôi là Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, thậm chí là Thúc Sinh, Mã Giám Sinh lúc nào tôi cũng không biết nữa. Năm 764, Ðỗ Phủ viết những câu thơ mà tôi tạm dịch:
Việc lo đã có quan cao
Cớ gì nước mắt ào ào tuôn rơi?

Tôi là người nghiện thơ Ðỗ Phủ. Bây giờ, sau 1226 năm, có lúc chính tôi muốn nói như vậy. Ðây là một đặc điểm hình như chỉ có thơ làm được. Văn xuôi không làm được đã đành vì cái còn lại trong ta là thông báo, không phải hình thức diễn đạt. Còn âm nhạc, vũ, đòi hỏi những con người tái hiện được nó, một số rất ít. Riêng thơ là chung cho loài người. Chỉ cần anh hiểu, anh nhớ, là nó trở thành sở hữu của anh, suốt đời. Cảm xúc của thơ cũng khác cảm xúc thực tế đưa đến, hay cảm xúc của các hình thức nghệ thuật không sử dụng tiếng nói của con người (kiến trúc, hội hoạ) ở điểm sau đây: Nó là một cảm xúc được khái niệm hóa chứ không phải là cảm xúc trực tiếp. Giác quan ta không tiếp nhận trực tiếp hình ảnh âm thanh của thế giới bên ngoài và của thế giới nội tâm, mà các hình ảnh ấy có gây được cảm xúc hay không chỉ là căn cứ vào điểm nó có phù hợp với cách ta khái niệm hóa bằng ngôn ngữ hay không. Ðiều này thấy rất rõ trong cái được gọi là tính nhạc của thơ. Một câu thơ được gọi là dịu dàng, dồn dập, vang dội, bay bổng, v.v... chỉ khi nào cách tổ chức âm thanh cũng phù hợp với nội dung được biểu đạt cũng dịu dàng, dồn dập, vang dội hay không. Còn nếu nội dung khác đi thì ta chẳng thấy tính nhạc gì cả. Về hình ảnh thị giác cũng thế. Nếu hình ảnh không phù hợp với nội dung được diễn đạt thì chẳng gây cảm xúc gì. Tình hình không giống như trong âm nhạc và nghệ thuật tạo hình; ở đây âm thanh, hình tượng, tự chúng tác động trực tiếp, đẩy ta đến khái niệm. Trong thơ văn, trước hết là chữ và cách tổ chức của chữ. Ðó là điểm thứ hai. Tôi không có một học vấn triết học và tâm lý học đủ để xây dựng một lý thuyết thao tác luận về cảm xúc thơ. Các lý thuyết tâm lý học mà tôi theo dõi chưa đáp ứng được yêu cầu này. Tôi chỉ có khả năng nói đến một số biểu hiện của cảm xúc thơ rất phổ biến. Có những cảm xúc liên quan đến những thèm khát của kiếp người. Có ba loại: Loại khao khát không bao giờ thoả mãn được, nhưng giới hạn của nó ngày càng giảm bớt. Có loại khao khát hôm nay tôi chưa đạt được, nhưng trước đây hay ngày mai thế nào cũng đạt được. Cuối cùng là loại khao khát tôi đã đạt được cho tôi, nhưng vẫn có những người chưa đạt được và mơ ước của tôi là toàn thể loài người phải đạt được khao khát ấy. Cảm xúc do thơ gợi lên chính là cái khao khát tôi cảm thấy với tính cách kiếp người, cá nhân hay loài người. Ngày nào tôi cũng ăn phở, ngày nay tôi cũng ăn thì bát phở không gây cảm xúc gì đáng kể. Trái lại, tôi đói thèm một bát phở, hay được ăn bát phở thì sẽ có cảm xúc. Hay đang ăn bát phở, nhìn quanh thấy vô số người đói thì tôi có cảm xúc. Tôi muốn làm thơ gây cảm xúc, thì phải theo cái mẹo ấy: Tạo nên sự khao khát.

Có những khao khát kiếp người không sao thoả mãn được. Tôi biết tôi sẽ chết, nhưng lại muốn sống mãi; tôi đã già hay sẽ già, nhưng lại muốn trẻ mãi. Tôi là đàn ông, người Việt Nam, hôm nay, làm thế nào có thể là cô thiếu nữ Hy Lạp cách đây ba ngàn năm? Tôi là người, làm sao có thể là trăng, là hoa, là chim được? Nhưng từ cái ngày con người đẽo được hòn đá đầu tiên theo cái mô hình trong đầu óc anh ta thì cùng một lúc anh ta sống với hai thế giới là cái thế giới thực tế, với mọi sự hạn chế về tự nhiên, xã hội, cuộc sống mà anh ta phải chịu và cái thế giới biểu tượng, trong đó anh ta không chấp nhận giới hạn nào cả. Ðể tự an ủi, anh ta sẽ đẩy cái thế giới biểu tượng về quá khứ hay về tương lai và sẽ ra sức tổ chức cái thế giới thực tế theo thế giới biểu tượng. Cái cuồng vọng ấy có một cơ sở vật chất: Dù chỉ sáng tạo một cục đá, anh ta đã làm một hành động xưa nay dành cho thượng đế. Anh ta ý thức được cái đốm lửa thượng đế ở trong mình. Lịch sử tiến hóa loài người xét về một mặt nào đó là sự đẩy lùi những hạn chế về không gian, thời gian, xã hội, tuổi tác, giai cấp, văn hóa, dân tộc. Cho nên không thể cho nó là mê tín được.

Ðể thoả mãn ngay tức khắc cái khao khát này, văn xuôi bó tay. Tại sao? Vì văn xuôi là tiếng nói của thực tế tẻ nhạt, hằng ngày. Mà cái khao khát vươn lên đến sự thống nhất với vũ trụ, với loài người, xoá bỏ mọi giới hạn vốn dĩ là quái đản, cho nên phải có một cách tổ chức ngôn ngữ quái đản mới đáp ứng được. Tại sao cô vũ nữ ba lê đi trên đầu ngón chân cho khổ? Ðứng cả hai bàn chân cũng được chứ sao? Nhưng chỉ cần cô đứng trên hai bàn chân là cái thế giới bay bổng của trí tưởng tượng biến mất. Cô quay tròn trên đầu ngón chân như vậy thì ta mới có thể chấp nhận rằng cô nói với cái thế giới của mơ ước. Hình thức có cái nội dung của nó là vì vậy. Không phải ngẫu nhiên mà văn xuôi khi cố tình thể hiện cái khao khát này đều phải mang một hình thức quái đản: Cân đối, nhịp nhàng, thậm chí hóc hiểm. Những câu kinh nổi tiếng được truyền lại đều mang hình thức này. Người hát tuồng vẽ mặt vẽ mày hay mang mặt nạ, nói với một giọng không có trong cuộc sống, cử chỉ, điệu bộ đều có cái gì quái đản cũng là vì vậy. Nghệ thuật không phải là sự mô phỏng cuộc sống. Nó là sự khao khát vươn tới cuộc sống đẹp hơn, cao hơn cuộc sống hiện tại.

Con người còn có những khao khát ngay trong cuộc sống thực tế: tin được người khác và được người khác tin, có một mái nhà, một cuộc sống vợ chồng, có miếng cơm manh áo, không phải tự lừa mình và lừa những người khác, sống tự do trong một đất nước tự do, hòa bình, độc lập, có một cuộc sống yên ổn, v.v... Dĩ nhiên về mặt này, văn xuôi thực tế đáp ứng tốt hơn thơ, vì nó là tiếng nói của thực tế. Nhưng tự thân văn xuôi vấp một cản trở không vượt qua được. Nó không được người ta nhớ nguyên vẹn và không biến thành nội cảm được. Thơ tuy nói ít nhưng tác dụng sâu hơn. Cách tổ chức thơ lại có ưu thế hơn văn xuôi bởi tính chắp khúc (articule) của nó. Có được đặc điểm này là có được một ưu thế vô song về mặt tín hiệu học. Một bài thơ chia ra từng đoạn mỗi đoạn chia ra từng khổ, mỗi khổ có một số câu như nhau, mỗi câu có một số chữ như nhau, các chữ này được bố trí theo một mô hình có sẵn về thanh điệu, trường độ, âm tiết và từng câu ấy có một ý nghĩa trọn vẹn, cái câu ấy lại có ít nhất một chỗ cắt mạch, tức là ngay câu thơ cũng đã là một sự lặp lại của những vế khác nhau, v.v... Ðây thực là một kiến trúc hoàn hảo để giúp cho cảm giác được nội cảm hóa dễ dàng và nhớ. Không nhớ cả bài thì nhớ một đoạn, không nhớ một đoạn thì nhớ một khổ, một câu, vẫn duy trì được tính hoàn chỉnh của cảm xúc. Ðiều kỳ diệu là con người đã phát hiện ra cách tổ chức hoàn hảo ấy ít nhất là một ngàn năm trước Công nguyên và những bài thơ đầu tiên trong Kinh Thi là bằng chứng không tài nào chối cãi được. Và cho đến nay, vẫn chưa có cải biến gì quan trọng. Nếu ta chịu khó nghĩ một chút thì phải thấy đây là một tổ chức có liên quan tới bản chất của thơ chứ không thể là một điều ngẫu nhiên được.

Bây giờ đến điểm bản thân cách tổ chức quái đản, cấp cho ta những suy nghĩ ngoài nội dung thông báo. Xưa nay, người ta chỉ xét nội dung thông báo của thơ như nội dung thông báo của văn xuôi, tức là cái nội dung do cú pháp đưa đến. Cái nội dung sự việc là thuộc các bộ môn khác của ngôn ngữ học (cú pháp, từ vựng, ngữ nghĩa...), không bàn đến ở đây. Ta xét một nội dung khác.

Ngữ nghĩa của một bài thơ, ngoài nội dung thông báo, còn có những ngữ nghĩa khác. Nghĩa của thông báo thơ khác nghĩa của thông báo văn xuôi. Câu văn xuôi chứa đựng một thông báo cá biệt, hạn chế về địa điểm, đối tượng, thời gian, và sau đó là quên. Một thông báo của thơ là phi thời gian, phi không gian, cho cả loài người, ngay dù cho đây chỉ là một bài thơ tặng. Khi Thanh Quan nói trong bài Qua Ðèo Ngang "Một mảnh tình riêng ta với ta", thì đây không phải là "mảnh tình riêng" của nữ sĩ, ở ngay nơi đã chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn. Mỗi người sẽ hiểu nó trong từng hoàn cảnh riêng và sẽ thấy có những nỗi niềm ta chỉ đành chôn chặt đáy lòng không thể nói ra. Câu thơ nào, do đó cũng đều đa nghĩa, cũng chứa đựng những câu hỏi chỉ có anh mới tự giải đáp được cho mình mà thôi.

Chính vì vậy, nếu xét về tần số xuất hiện thì thơ là nơi tập trung mọi kiến trúc mang tính chất ngoại lệ: đảo cú, đọc xuôi ngược, chơi chữ, câu đối, chiết tự, nói lửng, nói ngược, thậm xưng... đủ mọi mỹ từ pháp có thể hình dung được. Cố nhiên văn xuôi cũng sử dụng các biện pháp này, nhưng tần số hết sức thấp. Còn ở đây, nó hết sức cao. Ðây là hiện tượng chung cho mọi ngôn ngữ, mang tính toàn nhân loại. Tại sao thơ lại là nơi tập trung mọi kiến trúc mang tính ngoại lệ, quái đản đến thế? Tự thân thơ đã là lạ rồi, đã là múa trên đầu ngón chân rồi. Cái lạ khiến người ta nhớ. Cái lạ khiến người ta suy nghĩ.

Nói tuyết trắng thì đó là chuyện quá ư bình thường, nên ai công đâu mà nhớ. Nhưng nói tuyết đỏ, tuyết cháy bỏng, tuyết đen thì ai mà quên được? Nó bắt người ta giải thích, tìm lý do. Nói cuộc chia ly buồn bã thì chỉ là nói chuyện xẩy ra hằng ngày không bắt ai suy nghĩ, nhưng nói cuộc chia ly màu đỏ thì ai mà chẳng phải băn khoăn. Nói trong xe có một con người thì chẳng thông báo gì hết, bởi trong xe nào mà chẳng có người. Nhưng nói trong xe có một trái tim thì kinh người.

Ta hãy nói đến cái giản dị của thơ. Tuy cùng là giản dị cả, nhưng cái giản dị của thơ khác cái giản dị của văn xuôi. Anh Bắc bảo chị Nam: Anh yêu em. Trong văn xuôi thì đó là một thông báo cá biệt, chỉ của anh Bắc mà thôi. Còn cũng cái câu bình thường ấy nếu đặt trong bối cảnh vốn dĩ quái đản của thơ thì nó mang thêm một sắc thái khác mà văn xuôi không tài nào có được. Cái câu đơn giản này đặt vào trong thơ là lời tỏ tình của nam giới với nữ giới của mội dân tộc, mọi thời đại. Do áp lực của cấu trúc, từ nào cũng thế, câu nào cũng thế. Mọi câu bình thường nhất, đơn giản nhất, một khi đã nhập vào cấu trúc quái đản này thì đều mang theo một sự hoán cải, do hình thức đưa đến. Người ta quen xem hình thức là cái vỏ, ý nói nó là vật hết sức thứ yếu, thay thế dễ dàng. Nhưng dù có cho là vỏ đi nữa thì vỏ cam khác vỏ mít, và là sản phẩm hữu cơ của cái quả. Người khác nói nó là cái áo, nhưng có cái áo nào mà chẳng có nội dung của nó? Cô đi mua áo. Người bán hàng nhất định sẽ hỏi: "Cô mua áo nào? Mua áo tắm, áo khoác, áo cưới, áo vũ hội?" Cứ thử mặc áo cưới đi giữa phố xem. Anh lính trơn có thể mặc bộ đồ cấp tướng đi ngoài phố được không? Văn xuôi là tiếng nói của công việc, thơ là tiếng nói của thân phận con người. Nó không phải là tiếng nói của công việc. Ngay cả khi người ta sử dụng thơ chỉ để cho dễ nhớ, không có tham vọng nghệ thuật; tôi muốn nói đến những bài vè, những bài chỉ có mục đích dạy học (thơ dạy toán, dạy thuốc, thơ giải thích một nhiệm vụ chính trị...) thì nó vẫn mang tính chất này. Những loại thơ này mang tính quái đản ít nhất về các biện pháp sử dụng từ, nhưng mặc dầu thế, nó vẫn mang tính chất một chân lý muôn đời, điều mà văn xuôi tự nó không thể nào có được.

Trong phạm vi một định nghĩa khái quát về thơ, không thể nào bàn đến chuyện này được. Cho nên tôi nghĩ sẽ phải bỏ mất vài ngàn trang mới mong nói được một cái gì bớt hời hợt. Nói ngắn thì chính tôi còn chưa thuyết phục được tôi, làm thế nào có thể thuyết phục được người khác? Viết kỹ với vô số bằng chứng, dù có mang tiếng là cực đoan cũng sẽ ít nhiều bổ ích cho những người khác khi họ muốn chống đối. Ðể chống đối cũng phải bác lại tất cả các bằng chứng đã nêu lên, lúc đó văn học Việt Nam sẽ có lợi. Chỉ xin nêu một thí dụ về chuyện nội dung của hình thức. Bà mẹ bảo con: "Mày lười nhác việc nhà lắm!" thì thông báo này chẳng qua chỉ có nghĩa là "Mày không lo lắng gì đến công việc trong nhà" mà thôi. Nhưng khi cũng bà mẹ ấy nói: "Mày việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng" thì do chính hình thức cân đối giữa việc nhà / việc chú bác, và do sự đối lập giữa nhác / siêng, lập tức nghĩa của thông báo thay đổi. Quan hệ việc nhà / việc chú bác trở thành việc nhà mình / việc nhà người ta, việc gia đình / việc xã hội, việc có lợi cho mình / việc có lợi cho người khác, việc chuyên môn của mình / việc linh tinh, bổn phận / chuyện phù phiếm, công việc trước mắt / chuyện không đâu... Và sự đối lập nhác / siêng sẽ trở thành lười / chăm, không am hiểu / thông thạo, thờ ơ / chăm lo... Hình thức cân đối còn tạo nên một ngữ nghĩa nữa: đây là một hiện tượng chung mang tính chất thói quen thường gặp lại trong xã hội. Các hàm nghĩa này là do kiến trúc cân đối tạo ra, không nằm trong thông báo cụ thể. Nó nằm trong hình thức cân, ở đâu có hình thức cân thì có nghĩa ấy, vậy nó không phải là nội dung của hình thức cân sao? Mỗi thể thơ có một nội dung riêng, của chính nó, không gặp lại ở một hình thức khác. Thí dụ nội dung của thơ bát cú Ðường luật là ở chỗ khẳng định một sự bất biến mà con người phát hiện ra. Ðây có thể là sự bất biến của quy luật vũ trụ trước sự biến đổi của xã hội, của lòng ta trước mọi biến cải, của đạo lý, cương thường trước cái nhố nhăng trước mắt, của tính thống nhất giữa vũ trụ và con người, giữa hiên tại và quá khứ, giữa tôi và bạn... Nó xây dựng nội dung này bằng đặt bốn câu thành hai cặp đối nhau cực kỳ nghiêm túc bị bao quanh bởi trên hai câu, dưới hai câu và các câu niêm với nhau thành một khối rắn chắc. Không phải các nhà thơ Ðường đi đến kiến trúc này bằng lý luận. Họ mò mẫm, làm hết thể loại này đến thể loại khác nhưng vẫn không thấy hài lòng. Chỉ đến khi đạt được hình thức này, họ tự nhiên thấy thoả mãn. Và nó làm thành phong cách. Cứ nhìn tình hình nghệ thuật châu Âu ta cũng nhìn thấy tình trạng này. Hết nghệ sĩ này, đến nghệ sĩ khác đưa ra những cách lý giải của riêng mình, nhìn chung đều là những cách quái đản hóa của họ.

Vô số kiểu quái đản hóa rơi rụng đi, vì nó không đáp ứng nhu cầu nội tâm của một số người đông đảo. Nhưng cũng có nhiều cách quái đản hóa tồn tại, trở thành thời thượng và nhập vào cách lý giải được xã hội chấp nhận. Một khi đã nhìn theo quan điểm này thì từ, nhịp, vần, phách, thể loại, trường phái... cái gì cũng có nội dung của nó và nội dung ấy là những kiểu quan hệ. Và Phong Cách Học Cấu Trúc là đi tìm cái nội dung ấy, xem nó thể hiện ra sao. Tôi hy vọng các bạn hiểu cho rằng việc làm của tôi không phải là vô dụng, và định nghĩa đưa ra về thơ là có cơ sở. Tôi hiểu những khó khăn đang đón đợi mình là hết sức to lớn. Nhưng "mảnh tình riêng" cần được bộc lộ cho những người của nó.

-----------

Ghi chú: Bài viết "Thơ là gì?" được tác giả công bố lần đầu tiên vào năm 1994 trên tạp chí Văn học (Viện Văn học, Hà Nội), sau đó in lại trong cuốn "Cách giải thích Văn học bằng Ngôn ngữ học" - NXB Trẻ - TP. HCM 1995, từ trang 23 đến trang 35. Bản trên đây được lấy từ cuốn sách này.