© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
22.12.2006
Nguyên Sa
Một bông hồng cho văn nghệ
 1   2   3   4   5 
 
1. Tình cảnh nhà văn Việt Nam những năm năm mươi và sáu mươi

Mỗi nhà văn sống, nghĩ, viết trong một hoàn cảnh riêng biệt, đúng rồi. Làm thế nào giống nhau được? Điều kiện sinh lý này chẳng hạn đã biến đổi theo mỗi cá nhân: nhà văn đó cao như con sào, nhà thơ kia lùn như cây nấm, tôi mập và bụng to, Nguyễn Văn Trung cận thị, Chu Tử què chân, Trần Dạ Từ mặt rỗ. Tình trạng hộ tịch khác nhau rõ quá: tiểu thuyết gia Bình Nguyên Lộc và thi sĩ Hoàng Anh Tuấn là những chủ gia đình có con trai, người trên con trai, gái lớn đã dựng vợ gả chồng đã có cháu bế. Nhà văn kia đã hai lần đưa đám vợ. Thanh Nam, Thái Thuỷ [1] là những ông già độc thân nuôi dưỡng sự độc thân thường trực bằng những giọng hát Hồng Hảo, Lệ Thanh, Bích Sơn hay Bạch Tuyết. Khác nhau xa chứ. Giống nhau làm sau được. Những điểm dị biệt, những điều kiện, yếu tố cụ thể khác nhau của mỗi người cầm bút, muốn kể thêm không khó. Nhiều lắm. Cây bút đã vững kia là một tay khoa bảng xuất thân, tài năng đang lên nọ bỏ học năm đệ tam trung học, khuôn mặt này đã hơn một lần thiếu quê hương, đôi chân thèm đi kia chưa bao giờ ra khỏi đất nước. Các anh đều biết có tay đến với văn nghệ nhờ sự tình cờ, không biết may mắn hay bi đát lắm kẻ, trước khi làm quen với phương trình bậc hai, gia tốc của vật rơi, đã chọn thi ca làm nghiệp dĩ. Các nhà văn đều biết, để sống, mỗi nhà văn thường có những nghề tay trái khác nhau. Một số đáng kể: dạy học hay viết báo hàng ngày. Vũ Hoàng Chương, Thế Viên, Đỗ Long Vân dạy học đấy. Duyên Anh, Tú Kếu, Nguyễn Thuỵ Long kí giả đấy. Phục vụ trong quân ngũ cũng nhiều: Văn Quang, Thế Nguyên, Thảo Trường… Bác sĩ y khoa, công chức, biên tập viên đài phát thanh, có đủ cả. Chẳng phải kể, các anh cũng biết là ai. Chẳng cần nói thêm các anh đều biết là sự khác nhau còn nhiều lắm. Lý do cũng dễ hiểu quá: cuộc đời nó như thế. Chẳng có cuộc đời nào giống cuộc đời khác như hai giọt nước, như hai sản phẩm của cùng một máy tự động sản xuất dây chuyền. Nhưng đó có phải là những hoang đảo cô lập? Hoàn toàn không có liên lạc gì với nhau, đúng không? Tuyệt đối khác biệt à? Điều kiện sinh hoạt, tâm lí và sinh lý, giáo dục cũng như nghề nghiệp, gia đình biến đổi tuỳ theo mỗi nhà văn, sự thực này chẳng ai dại dột phủ nhận trừ khi muốn mở ra một cuộc thảo luận chơi. Nhưng cũng chẳng ai dại dột mà xác nhận rằng con người nói chung, nhà văn nói riêng chẳng có điều tương đồng nào cả. Dị biệt có. Tương đồng cũng có chứ. Cái tương đồng này làm cho người chẳng phải là chó, mèo, khỉ. Cái tương đồng kia làm cho người Việt Nam khác với con cháu nữ thần Thái Dương, với dân tộc xây tượng thần tự do trên một vùng đất mới. Cái tương đồng làm cho nhà văn là nhà văn. Chúng ta vẫn khác nhau đúng rồi. Giống nhau thế nào được? Giống làm gì? Không thể đồng nhất hoá được, đồng ý, đồng ý. Khác nhau có. Và có. Nhưng cũng có một hoàn cảnh chung. Một cái tương đồng. Một dấu chàm nào đó trên trán, một dấu án lên vai người nô lệ nào đó, nhờ đó phân biệt được nhà văn Việt Nam những năm năm mươi, sáu mươi với nhà văn chỗ khác, thời khác. Với nhà văn tiền chiến. Với Nam Phong và Tự Lực. Với "Thế hệ lạc lõng" và nhóm "Tiểu thuyết Mới". Với Hemingway, Camus và với tác giả bài "Situations de l’ecrivain en 1947") [2] .

Những cái tương đồng chung không kể làm gì. Có lý trí, phải chết. Có xương sống, đẻ con. Hoặc: da vàng, mũi tẹt, tóc đen, con cháu Lạc Hồng, kinh tế nông nghiệp… Hoặc sát hơn nữa: đất nước chia đôi, nước chậm tiến, chiến tranh tàn phá, nội bộ rối loạn… Những cái tương đồng đó không kể làm gì. Lô yếu tố thứ nhất mới là cái "dấu chàm" của con người. Lô yếu tố thứ nhì: người Việt Nam nói chung. Người Việt Nam ở đây, bây giờ được phác hoạ bởi lô yếu tố thứ ba. Chưa phải là nhà văn Việt Nam những năm năm mươi, sáu mươi. Nó còn có những nét ấy. Có chứ. Nhưng những nét ấy chưa đủ. Tổng quát tính của chúng làm cho chúng mơ hồ.

Cũng không kể đến một lô yếu tố khác chỉ liên hệ đến nhà văn Việt Nam ở đây, bây giờ vì phụ thuộc. Chẳng hạn như điều kiện giải trí và nơi sinh hoạt. Không có những salons littéraires như nhà văn Pháp thế kỉ 19. Không ngồi viết ở quán cà phê như các nhà văn Ba Lê. Không có những cuộc du lịch kì thú, những cuộc phiêu lưu nảy lửa như các nhà văn Mỹ khi tham gia cuộc nội chiến hoặc cuộc đấu bò rừng ở Tây Ban Nha, khi săn thú ở Phi châu, khi kết hôn với minh tinh màn bạc. Cũng không hát ả đào như thế hệ Nguyễn Công Trứ, thế hệ Tản Đà. Á phiện cũng chẳng có bao nhiêu. Vài người hút nhưng lại bỏ. Bởi thế, những tay thích làm văn học sử biết nghề, quan tâm đến mối tương quan đúng mức giữa cái sống và cái chết, sẽ nhận thấy một cách dễ dàng, trong tác phẩm cũng như trong cuộc đời của những người cầm bút những năm năm mươi, sáu mươi sự đổi thay của môi trường sinh hoạt. Đôi cánh của nàng tiên nâu đã bay mất. Hay đúng hơn: chưa bao giờ xuất hiện trong thơ của Từ, Nhã Ca, Uyển, Tuấn hay Thuỷ. Những cuộc phiêu lưu không diễn ra trên núi thuyết Kilimanjaro mà vẫn giới hạn trong thành phố. Vũ trường và vũ nữ đến thay thế những ngôi nhà có tiếng phách tiếng sênh trong cái sống và cái viết. Mưỡu và hát nói nhường chỗ cho "giọng hát Bích Chiêu". Rõ lắm. Rõ lắm. Nơi sinh hoạt, điều kiện giải trí của nhà văn thế hệ 54 - 66 không giống thế kỉ 19, tiền chiến, Âu châu hay Mỹ châu. Nhưng chúng ta không kể đến những điểm tương đồng đó. Không dừng lại ở đó. Thị trấn nhỏ bé của cuộc đời văn nghệ này có những nét quyến rũ, kỳ thú mà một cây viết tài hoa có thể sẽ tạo ra những bức tranh tuyệt diệu, ta phải nhắm mắt nhảy qua để đi thắng tới trọng tâm của vấn đề. Điều kiện chung này và những hoàn cảnh chung khác vất sang một bên. Không chối cãi về tầm quan trọng và vẻ đẹp nhưng không thể dừng lại lâu hơn được vì phải nói đến ngay cánh hoàn cảnh căn bản.

Tôi nói về sự cô đơn. Thế đấy, hoàn cảnh chung của nhà văn thế hệ năm mươi sáu mươi này là sự cô đơn ấy. Nó làm ta khác tiền chiến, khác Tự Lực, Nam Phong. Khác các nhà văn hiện sinh, khác những người lãnh giải Nobel, Goncourt hay Pulitzer dù họ sống trên "sông Don trầm lặng" thắc mắc về "những bàn tay bẩn", sống trong tâm trạng "người lạ mặt" hay chán chường "giã từ vũ khí". Sự cô đơn đứng trước mặt, sau lưng, dưới chân, trên đầu, trong chiếu nằm, trên bàn viết. Đe doạ và tàn phá, làm tê liệt và tan nát. Cào xé rách da, rách thịt. Đừng tưởng nhầm đến triết lý. Tôi không bàn đến niềm cô đơn trừu tượng của các chuyên gia chuyên nghiệp. Cái này không phải là một sản phẩm thuần lý, tiên nhiệm. Cái này chạy trong máu, nhảy múa trong mắt, trên tay, đi lại trong phế nang, sinh sản trong tế bào. Nhìn thấy không?

Trước hết, đó là sự cô đơn của thế hệ không có đàn anh. Cái anh kia sẽ cười khoái trá: đúng rồi, tâm hồn này là một tâm hồn yếu đuối. Còn gì nữa, khẳng định của nó phản ảnh rõ rệt sự than tiếc, không có nơi nương tưạ, không có người hướng dẫn, không có người ra lệnh, cầm chịch. Đừng nghĩ thế. Đừng cho rằng sự xác định "nỗi cô đơn của một thế hệ không có đàn anh" nói lên niềm khát khao thần tượng để phục tòng. Thay bằng những ngôn ngữ phân tâm, sự xác định đó phản ánh một mặc cảm, một khuynh hướng thích bị đô hộ, một masochisme văn nghệ. Tôi đã đùa với triết học khá lâu để biết nhận diện những cái đó. Tôi vẫn nói là, trong văn nghệ không ai thực sự giúp đỡ được cả. Chỉ có tác giả một mình trước tờ giấy trắng như lão ngư ông và biển cả, tay đấu bò và con bò rừng. Tiền bạc và uy quyền, bằng hữu và gia đình, đàn anh và đàn em chẳng thể nào võ trang cánh tay nhà văn để biến tập giấy trắng thành tác phẩm lớn. Chỉ có nó và nó. Tôi vẫn nghĩ là người viết xứng danh có thể gia nhập hay không gia nhập vào một nhóm, một phái nào đó. Vào hay không chẳng quan hệ gì. Điều quan hệ là vào hay không vào bao giờ trong ý thức của nó cũng phải có thường trực tiếng nói dõng dạc, tiếng nói rất hách: Trường phái bè nhóm đều vô nghĩa. Mưu cơ, đòn phép, vô nghĩa. Những khen tặng đề cao có kế hoạch là những hào quang giả và sự xưng tụng lẫn nhau chỉ loè được những tâm hồn ấu trĩ. Bao vây và xuyên tạc, đe doạ và chụp mũ dù tinh vi đến đâu, dù huỷ diệt được thân thể, hãm hại được chính ta, chẳng làm sứt mẻ được tác phẩm ta. Hãy nghe lời đề cao bằng một tai thôi. Hãy nhìn sự lãng mạn bằng cặp mắt khoan dung. Tất cả đều ở phía dưới. Cái trên chẳng dựng đứng được tác phẩm, cái dưới không vật ngã nó dược. Tinh thần độc lập, nỗi cô đơn khi sáng tác, tôi nghĩ rằng đã có, đang có và có mãi trong tâm hồn người làm văn nghệ thuật.

Và tôi nói: Chúng ta là một thế hệ không có đàn anh không phải để kêu gọi nơi nương tựa mà để bầy rõ một thực tại chi phối cuộc đời văn nghệ từ mấy năm nay, vạch rõ một yếu tính của thế hệ năm mươi, sáu mươi.

"Không có đàn anh" không phải là nihilisme văn nghệ, không phải là đạp đổ hết. Những đao to búa lớn "trước ta không có ai" những nihilisme văn nghệ chỉ là những bộ mặt cũ như trái đất mà tâm lý học gọi là trạng thái tự kỷ trung tâm, tôi gọi sự hoảng hốt của đam mê khởi đầu. Vấn đề không phải thế. Nó khác. Vấn đề là, trong trạng thái bình thường, người bắt đầu bước vào thế giới văn nghệ, cuộc phiêu lưu dài, mệt và đáng bao giờ cũng gặp ngay một dẫy núi lớn cản đường. Đàn anh ấy. Nó đi trước ta một giáp, một chiến tranh, một cuộc nội loạn, một cuộc khủng hoảng kinh tế. Làm thế nào vượt qua? Bằng cách tiếp tục đào sâu hay làm khác đi, đi ngược lại. Tiếp tục và chống đối đều nói lên sự có mặt của dẫy núi. Những Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, ngẩng đầu lên thấy những Tản Đà. Tản Đà đang sáng chói trong cơn say đứng đấy, trước mặt. Dẫy núi của những Sartre, Camus tên là Gide, Proust và những Michel Butor, Nathalie Sarraute không thể quên sự có mặt của Sartre, S. de Beauvoir. Sự có mặt của thế hệ đàn anh, bình thường là một nghiệp dĩ, căn phần hay hoàn cảnh văn nghệ, khó chịu lắm. Nó làm cho người bắt đầu làm văn nghệ có cái ý thức bị nhìn ngắm. Sartre triết lý không quên được những Alain, Bergson, Heidegger; Sartre kịch, Sartre tiểu thuyết không quên được Gide, Giraudoux. Bước chân vào thế giới văn học nghệ thuật khi còn những tạp chí Đông Dương Nam Phong, tay biên khảo này chẳng thể quên được rằng nó sẽ được đọc bởi những Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim. Đăng thơ khi cuộc đệ nhị thế chiến đang khai diễn, tay làm thơ biết rằng nó sẽ được đọc bởi "con chim đến từ núi lạ", bởi những linh hồn mà "sầu đã chín". Và tay cầm bút sẽ bị nhìn bởi nụ cười khinh bạc của họ Nguyễn, tay phóng sự gặp ngay tác giả Số đỏ. Đi vào thế giới văn nghệ bình thường bao giờ cũng có các tay đàn anh đang sống, sinh hoạt, còn sinh hoạt, tiếp tục sáng tác, ta chẳng thể quên được sự hiện diện của họ. Họ nhìn ta đi vào thế-giới–còn–đang-của-họ khởi đầu một cuộc thay thế. Và ta biết rằng bị nhìn. Bị nhìn và ý thức được là bị nhìn ngắm, bước đi của ta sẽ đổi khác, diện mạo của ta sẽ đổi khác. Trông người đàn bà thì biết. Biết là bị nhìn ngắm, nó điệu hơn nhiều. Để cho cái dâng hiến quý giá hơn hay để cho sự chinh phục tinh vi hơn, không biết. Nhưng chắc chắn sẽ đổi khác. Một người kịch cỡm sẽ nói: sao kém thế. Nhìn mặc kệ. Không cần biết đến sự có mặt của bọn đàn anh. Thái độ cố ý không quan tâm đến cặp mắt theo dõi của tha nhân, càng nói lên sự có mặt nặng nề của tha nhân. Càng phủ nhận, họ càng có mặt. Càng quên đi, họ càng hiện ra rõ rệt. Sự gia nhập vào thế giới văn nghệ bình thường nó như thế đấy. Và chúng ta không ở trong tình trạng bình thường đó.

Chúng ta bước vào một ngôi nhà trống rỗng, một khu vườn nhỏ bỏ hoang, một vũ trụ không người, chẳng có ai trước mặt thật. Chúng ta rút ra mỗi đứa một cây gậy và múa loạn lên. Chúng ta khen tặng và sỉ vả lẫn nhau. Đến một lúc ta sỉ vả cả những người đi trước, lớp đàn anh sát nút. Không thấy ai trả lời, khoái quá. Nhưng niềm khoái trá tan đi làm tấm màn chủ quan rơi xuống để lộ rõ ngôi nhà trống rỗng, khu vườn hoang vắng. Bọn họ đâu cả rồi? Câu trả lời tìm thấy không khó. Chiến tranh hai mươi năm, đất nước chia đôi là thực tại đứng đó, sờ mó thấy. Cũng như đồng bào ta, nhà văn lớp trước đã gánh trên vai những trái đen cuả thần Mars. Chiến tranh đã trổ ra trăm cánh tau móng nhọn, trăm đầu miệng rộng răng to để cướp mất người này bằng cánh tay vũ khí, xoá mất người kia bằng hàm răng chính trị. Người bị thủ tiêu, Khái Hưng đấy. Người phiêu bạt rừng núi, ở quê người chẳng về, đứng lại tê liệt bên kia vĩ tuyến, lặng lẽ rút khỏi thế giới văn nghệ hoặc khoác lên vai chiếc áo chính uỷ như những tác giả Lửa thiêng, Vang bóng một thời, Gửi hương cho gió. Mất cả, mất cả. Ở quanh ta còn một vài ngôi sao. Có chứ. Đông Hồ, Vi Huyền Đắc, Trần Tuấn Khải. Gần ta hơn: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng. Nhưng dòng Ngân Hà đã bị phân hoá, trái núi đã vỡ tung vì chất nổ ghê gớm. Những ngôi sao ấy trở thành lẻ loi. Những đàn anh còn đây không đủ để kết hợp thành một thế hệ, một lớp người có một sinh hoạt văn nghệ thuần nhất để những kẻ đến sau đặt thành đối tượng tranh thủ, chống đối hoặc gia nhập. Đúng thế, có những đàn anh còn đấy; nhưng dường như đã rút khỏi cuộc sinh hoạt văn nghệ thường trực. Thỉnh thoảng khuôn mặt đáng yêu của Đông Hồ, Trần Tuấn Khải… xuất hiện trong một số báo Xuân, trong một cuộc phỏng vấn, để nhắc lại dĩ vãng nghĩa là để nói lên sự rút khỏi cuộc sống văn nghệ cháy nóng. Họ đã thật sự rút khỏi văn nghệ. Tác phẩm lớn của họ đã làm xong và họ đã trở thành khách lạ. Những đàn anh gần ta hơn có người còn viết khoẻ. Nhưng không có một lớp người để ta phải ngẩng đầu nhìn lên phản kháng hay giơ tay xin nhập hội. Trái lại, có sự gia nhập miễn cưỡng ngược chiều. Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng đăng thơ ở các tạp chí của bọn nhi đồng đại loại như Hiện Đại, Văn Học. Dòng sông không mệt mỏi Nhất Linh làm báo làm chí với những nhi đồng khác. Những kẻ ghét tôi và yêu tôi đừng bận tâm về hai tiếng nhi đồng. Các anh hãy tưởng tượng tác giả Đoạn tuyệt đứng giữa bìa báo đang bọc bởi những Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Xuân Diệu, Huy Cận, Hố Dzếnh, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Tuân thì khuôn mặt văn nghệ những năm năm mươi, sáu mươi sẽ khác đi không biết thế nào. Các anh thử nghĩ đi.

Nghĩ về chính mình, tôi còn nhớ một buổi sáng đẹp trời nhìn Đông nhìn Tây không thấy các tay biên khảo họ Đặng, họ Đào, họ Trần đâu cả. Khoái quá, tôi ném vào thế giới văn học nghệ thuật mấy bài khảo cứu. Sau đó, nhìn Nam nhìn Bắc, không thấy các tác giả Gửi hương cho gió, Lửa thiêng, khoái hơn tôi chìa ra vài bài thơ. Văn xuôi và văn vần được đăng ngay vào chỗ tốt của những tờ báo văn nghệ được coi là tốt. Thế là hào quang bay lượn trên đầu. Bây giờ, nghĩ lại thấy không được. Anh này đừng nói với tôi rằng làm gì mà mất tự tin đến thế. Anh kia đừng hoài nghi nó đang chơi cái cú tự sỉ nhục để ra cái điều khiêm tốn. Tôi chỉ muốn các anh cùng nhìn vào khoảng đất trống vắng, nhìn vào niềm cô đơn đã bao vây chúng ta bao nhiêu năm. Chúng ta bước vào ngôi nhà trống rỗng, mảnh đất hoang vu và cắm lên đó ngọn cờ nguyên suý, vẽ lên đó phù hiệu đế vương. Vài bóng người còn lại lẻ loi chẳng nói năng gì. Họ im lặng niềm đau của chết chóc, tan hoang. Bốn phía toàn những tay cùng lứa tuổi với ta. Hợp thành một bọn xâm chiếm đất đai. Chúng ta công nhận lẫn nhau, phân chia với nhau. Rồi thời gian và tập quán, sức mạnh của số đông, hợp lực với thời cơ kỳ lạ làm thành luật pháp. Các người trẻ tuổi hơn chúng ta chỉ còn nhìn thấy chúng ta. Khoái lắm, khoái lắm. Nhưng cơn khoái này, mà thời gian dựng lên, cũng do thời gian xoá bỏ. Bối cảnh sụp đổ, trong nội tâm mỗi đứa, như những thành phố bằng bìa dựng trong phim trường. Hòn đá ném đi không có hòn ném lại. Cũng chẳng có tiếng vang động nào. Phát súng bắn không có mục tiêu. Sự chiếm đóng không có sức kháng cự vì thành phố bỏ ngỏ. Tôi đã nhìn thấy được sự trống rỗng rất sớm. Nhà văn đến sau chống lại kẻ đến trước. Thường lắm, chỉ có một trong những con đường ấy: tiếp tục làm khác, hay chống lại. Tượng trưng chống lãng mạn cũng như lãng mạn chống cổ điển. Victor Hugo không chấp nhận luật vàng gọi là ba đơn vị đã làm nghiêng ngửa Corneille. Verlaine, Rimbaud, Gautier, đắp đập ngăn dòng nước mắt Lamartine, Hugo, hay Musset. Dễ hiểu lắm. Nhóm "Tiểu thuyết Mới" bây giờ nói không với nền văn nghệ-triết học của những Sartre, Camus. Dấu hiệu của sự sinh hoạt văn nghệ sống thật bắt đầu bằng tiếng không đó. Tất nhiên tiếng không phải kèm theo "tác phẩm đây này", "đổi mới đây này" chứ không phải là niềm khao khát bất lực, sự huênh hoang vô lối của các tay nhẩy vào văn nghệ vì sành rượu, vì biết tạo ra một cái vẻ kịch nửa lầm lì, nửa kinh ngạc, vì biết "sinh hoạt" với anh em, biết kín kín hở hở ra cái điều có một hậu thuẫn anh em đông, ra cái điều có một lý tưởng ghê gớm còn bí mật chưa nói ra được.

Chống lại, tốt lắm. Và chúng ta chống lại, anh em chống lại, tôi chống lại. Còn nhớ trong một tuần báo do Thái Thuỷ chủ trương, tôi nói về địa vị của Tự Lực Văn Đoàn. Tôi đã viết đại khái là nhóm này đang chiếm một địa vị lớn hơn cái chỗ ngồi mà nó đáng có trong văn học cũng như trong tâm hồn thanh niên vì chương trình giáo dục trung học đã đặt nó vào chỗ chính thức. Cái bài ấy viết xong, đăng lên, thích thú lắm. Lần khác. Trên tờ báo khác, tôi viết về thơ tự do. Cũng khoái lắm. Nhưng niềm thích thú cơn khoái tan đi, nỗi đau khổ mà động lực là sự cô đơn, kế tiếp càng to lớn gấp bội. Tôi chợt nhận thấy những ném lại. Trống vắng và lặng im. Sa mạc và chết chóc. Chỉ có tiếng gậy cọ xát với không khí, không có sự va chạm với vật cứng khác gọi là binh khí. Không thấy Nhất Linh nói gì cả. Không thấy Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng nói gì cả. Đinh Hùng, tôi có nghe một lần. Anh nói. Nói nhưng không viết nên cái nói. Lần ấy, cách đây khoảng tám năm, hình như ở nhà Thanh Nam khi còn ở Bàn Cờ, vần và không vần của thơ được tác giả Đường vào tình sử đặt vào giữa hai hớp rượu. Nhưng không có viết lên. Không có thảo luận, không có bút chiến. Sự lặng im đồng nhất của tác giả Bướm trắng Đường vào tình sử này thoạt đầu, với tôi, mở ra nghi vấn: có phải đây là các tay văn phiệt, thi phiệt. Tôi không biết lời kết án của họ Phan với họ Phạm có đúng không nhưng ngay sau khi nêu câu hỏi, tôi biết là tôi lầm. Dẫy núi lớn tan tác sau cơn địa chấn kinh hoàng và bây giờ những trái núi lẻ loi còn lại chẳng còn muốn nói gì. Nghĩa là, như đã viết, những đàn anh lớp trước còn lại đây một người, kia một người nhưng không hợp thành một lớp người để đòi hỏi chúng tôi phải tận lực chống, vượt qua hay xin gia nhập. Những phản ứng chống đối để nói lên ý muốn làm mới nghệ thuật rơi vào khoảng không. Thỉnh thoảng có một người xưng là bạn Nguyễn Tuân, nhận là đã được Thế Lữ đề tựa cất tiếng lên, sỉ vả chúng tôi nhưng chúng tôi nhìn thấy ngay đó chỉ là những vệ tinh chầu rìa của những dòng ngân hà tiền chiến. Uỷ nhiệm thư của họ là uỷ nhiệm thư giả. Và lời sỉ vả chẳng làm kích động mà chỉ làm tôi thêm chán chường, làm tôi càng nhận thấy sự im lặng to lớn, sự vắng mặt chết chóc của lớp đàn anh. Đạn bắn đi nhắm những mục tiêu vu vơ, gậy múa trong khoảng không. Thế hệ chúng tôi đấy. Nỗi cô độc ấy tiền chiến không gặp, "nhóm "Tiểu thuyết Mới" không gặp, "Thế hệ Lạc lõng" không gặp. Những năm đầu tiên thấy lợi quá. Bước vào một thế giới trống rỗng, đàn anh tan tác cả, chiếm được thắng lợi dễ dàng cho nên tự tin, lạc quan ghê lắm. Thơ văn viết ra nổi ngay, khoái lắm. Thắng lợi thâu đoạt được có thể trở thành bàn đạp đẩy mạnh trăm nghìn khai phá mới.

Rồi vốn liếng ấy nhân lên, nghĩ mà ham. Nhưng thời gian cho thấy rằng phải cố gắng lắm mới giữ được ngọn lửa lạc quan không tắt ngấm trong cơn gió chán nản thổi đến từ xứ xở cô đơn. Chạy đua toàn với những người thấp bé hơn ta, ta dễ thấy mình chạy mau quá. Vừa leo lên ngọn đồi đã thấy mình cao nhất. Do đó, hãnh tiến và ngủ quên. Móng vuốt của cô độc như thế đấy. Không có ai để đối thoại, để phản kháng, để chống lại, để vượt lên. Chúng tôi chạy một mình, leo một mình, chẳng có ai đằng trước mặt để tranh thủ. Móng vuốt của cô độc các anh đã nhìn thấy chưa? Cuộc sinh hoạt văn nghệ của chúng tôi là phải đối thoại với chính mình, phản kháng chính mình, tranh đua với bản thân. Chúng tôi phải nhìn cây cỏ, bốn phía để trả lời câu hỏi: đã chạy đủ mau chưa? Phải nhìn mây trên đầu, núi trước mặt để xét xem leo đủ cao chưa? Không có ai chạy trước mặt để tôi căn đo tốc độ, liệu đường nước rút. Không có nhà thám hiểm nào đang cắm ngọn cờ ở núi non chung quanh để tôi nhìn thấy rằng ngọn núi của tôi chỉ là một đụn cát, một ngọn đồi thấp bé. Chúng tôi đã tìm ra được những miếng võ ghê gớm hay chỉ múa may hỗn loạn? Chúng tôi đã có những đường gậy của một môn phái xứng danh hay chỉ đủ sức hạ được những con giun, con kiến? Chúng tôi là một thế hệ hiển hách hay chỉ là dấu đen nghèo nàn trong lịch sử văn nghệ. Chúng tôi ra làm sao? Vấn đề không phải là thành bại, được thua, nhưng là sự cấu xé, giằn vặt của những móng vuốt cô đơn ấy. Chúng tôi muốn nói to lên: các người đi trước kia hãy khen hay chê chúng tôi. Khen cũng được, chê cũng được. Nhưng không có khen, không có chê, chỉ có sự im lặng cô đơn. Còn sự xung tụng và lăng mạ? Có chứ. Trong thế giới khép kín của thế hệ chúng tôi, chúng tôi cũng ca tụng lẫn nhau, sỉ vả lẫn nhau. Chửi bới những thằng không hạp nhãn, ca ngợi anh em. Hơn nữa, thế kỉ này đã luyện cho chúng tôi ca ngợi có kế hoạch, chửi bới chụp mũ. Nhưng mỗi đứa dần dần thấy khen cũng chẳng thú, chửi cũng chẳng cần bởi vì đã nhìn thấy mặt kia của quân bài. Không bằng thì chửi, không bạn thì hạ nhục chơi, anh em thì nay gài một câu khen, mai một câu đưa lên. Lãng mạn và xưng tụng chỉ là hình thức khác của im lặng. Chẳng phải là văn nghệ. Đến nỗi người bạn này bảo tôi: Một năm nay chẳng thấy chúng nó chửi mình phát nào cả. Xuống rồi chăng? Tiền giả nó như thế đấy. Không bị chửi lại nhìn thấy dấu hiệu của sự sa sút. Còn anh em khen tơi bời, đưa lên bằng thích lại chính là dấu hiệu của yếu kém của sự cần thiết được chứng minh, biện bạch. Địa ngục cô đơn như thế càng ngột ngạt hơn nữa vì giam cầm trong ấy mà chúng tôi cũng chẳng gạt bỏ được những cái nhỏ nhen, thấp bé.

Và bây giờ, những sự chưởi bới hay xung tụng của những kẻ đồng thời, dưới mắt mỗi đứa, nhạt lắm rồi; chẳng còn làm thắc mắc gì nữa, có khi còn gây ra hậu quả ngược chiều, chúng tôi càng nhìn rõ hoang vắng, càng nghe rõ lời nói ghê gớm: trước mặt ta không có ai. Phải căn lấy tốc độ mà chạy, đo lấy độ cao mà leo. Mày hoàn toàn cô độc, vĩnh viễn cô độc. Đó là điều kiện, là hoàn cảnh của văn nghệ của mày. Phải đánh cờ một mình. Phải xông xáo trong đấu trường rỗng. Mà vẫn phải chiến đấu với khoảng không để chứng tỏ mình rằng mình thật sự là một tay đấu bò tài ba, một el major.


*


Cô đơn trong tập thể văn nghệ vì sự liên tục lịch sử, bởi sự tan tác của thế hệ đàn anh, bị gián đoạn, nhà văn những năm năm mươi, sáu mươi càng cô đơn hơn nữa trong tập thể rộng lớn là Xã Hội. Chúng tôi ăn ngủ ở trong đó, chọn lọc từ đó chất liệu cần thiết để viết và, khi cái viết đã hoàn thành, gửi đến đó. Không có vấn đề tách rời nhà văn và Xã Hội. Nhưng cũng còn lâu lắm mới có sự hoà đồng, sự cảm thông đồng điệu. Bức trường thành cao lắm và chúng tôi đứng riêng một phía. Biển lớn lắm và chúng tôi ở trên hòn đảo nhìn vào thành phố đất liền.

Anh này gọi sự bao vây ngăn cách là sự nghèo đói. Đúng quá. Có lần nói về sự thực chói mắt này không? Cái chết của Quách Thoại và Lê Văn Trương đã nói cạn ý, đã đầy đủ như một bản thống kê về bản quyền tác, tình trạng tài chính, đời sống vật chất. Chẳng cần nhắc lại sự kiện đa số người viết không sống nổi bằng ngòi bút nên phải có một nghề tay trái như viết báo, dạy học, thầy cãi, thầy thuốc, chính trị. Chẳng cần nói thêm rằng sự nghèo khổ ấy cùng cực đến nỗi kẻ nào có một tí tiền, lập tức khó tránh được sự hành hạ của một mặc cảm phạm tội, khó tránh được cái nhìn khám xét của bạn hữu thiếu bao dung. Anh kia nói đến niềm cô đơn của lớp người không giai cấp. Cũng được lắm, nghĩ thử mà xem. Nhà văn đáng liệt vào thành phần xã hội nào? Nghèo mạt dệp, những tên bóc lột rất kĩ đó vẫn là những nhà tư bản, hay hơn nữa những tay quý tộc của thời đại dân chủ. Tôi muốn nói: vô sản trong bình diện tài chính, nhà văn thế hệ này có phong thái của những nhà tư bản, những tay quý tộc. Ở những nơi đèn tắt muộn nhất, anh em có mặt ở đấy. Ở những chốn có những trận cười điên loạn nhất, có họ. Vua của vũ trường, hoàng tử của phòng trà, quán rượu, trường đua không phải là những công tử con nhà giàu, chủ ngân hàng, chinh khách giầu mau, mà vẫn là nhà thơ có dáng dấp của Frank Sinatra, nhà văn mười một năm thượng sĩ hiền như đất đai quê hương. Chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng chi rất hách, phát tích-kê như điên. Cho đến đồng xu cuối cùng. Cho đến đồng bạc đáy túi. Cho nên họ biết đứng vào đâu lúc đợi xe về hơi rượu whisky tan trong gió đêm. Tư bản không nhận họ vì họ nghèo quá. Vô sản làm gì có những tay quý tộc đó? Không có mẩu rễ trong một thành phần xã hội nào cả, niềm cô đơn dễ nhìn thấy lắm. Tôi đã nghĩ đến những nỗi cô đơn, đến từ nghèo đói, đến từ những mẩu rễ bị chặt đứt mà các anh đã nói tới. Những lối vây hãm đó có thực. Nhưng niềm ám ảnh có một khuôn mặt khác. Nói luôn là hệ thống giá trị của xã hội này và vị trí của nhà văn trong đó. Trong một cuộc nói chuyện về thơ với Tuần báo Nghệ thuật Truyền thanh đài Sài Gòn, tôi đã nói sơ lược. Bây giờ đào sâu chút nữa. Nhà văn, nhà thơ thời đại này, xã hội này: quê hương của Nguyễn Du, bị xếp ở bậc thang cuối cùng của cái thang giá trị. Chứng cớ?

Dễ lắm. Đi hỏi vợ, thi sĩ có nhiều hy vọng thua tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư. Đến yết kiến một Bộ trưởng, tay khoa bảng chắc chắn được tiếp, nhà thơ khó lắm. Dễ hiểu quá: dưới mắt vị nhạc phụ tương lai, thi sĩ chẳng là cái nghề ngỗng gì cả, dưới mắt tay cầm quyền nhà thơ là một thằng vô dụng. Nó chẳng thể làm công việc nghiêm chỉnh của một ông giám đốc, chẳng có vẻ đạo mạo của một nhân sĩ. Hơn nữa nó còn không đứng đắn, ăn mặc lôi thôi, thỉnh thoảng cao hứng nói láo, nói lếu như đòi "chép thơ lên đá". Tiếp nó làm gì? Kẻ thứ dân, tên cùng đinh của xã hội này sẽ không nhìn thấy mâu thuẫn nào cả, không thắc mắc gì nếu không có mấy sự kiện làm nó quan tâm. Dĩ vãng ở đây và hiện tại ở chỗ khác, đã và đang đặt những kẻ hao hao giống nó ở những bậc thang cao hơn. Người làm văn làm thơ cùng thời với Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát hay Nguyễn Du chắc chắn cũng không giầu có hơn các người viết bây giờ nhưng thường xuyên họ nhận được sự kính trọng mà dân gian, vua quan dành cho kẻ sĩ. Đứng trong một tao đàn bảo trợ bởi triều đình hay dạy học ở một ngôi làng nhỏ, người biết đùa với âm thanh của lục bát, Đường thi, người viết được một bài hịch, thảo được một văn tế, không bao giờ bị coi là một tên nhố nhăng, không nghề ngỗng đứng đắn hay đáng nghi.

Còn bây giờ ở bốn phía, Ba Lê này và Nữu Ước kia, Anh Cát Lợi và Thuỵ Điển, những xã hội cơ giới ấy, lạ thay, vẫn đặt các tay làm văn thơ ở những bậc thang xã hội trang trọng. Không nói đến tiền bản quyền lớn lao do số ấn loát phẩm lượng lớn mang lại, cho phép một Sagan thay xe đua hàng tháng hàng năm, cười điên trong hộp đêm, cho phép một Hemingway khi thì săn sư tử ở chân núi Kilimanjaro, khi thì hò hét trên khán đài những đấu trường Tây Ban Nha. Nhưng gạt ra ngoài những ưu đãi vật chất đó. Hay chỉ nói đến sự tôn kính tinh thần đã biểu lộ qua sự đãi ngộ người làm văn học nghệ thuật như những hoàng tử. Tiếng nói của họ cất lên vê Algerie, Budapest liền được lắng nghe, với người này, như lời truyền giảng, với người khác, như sự đe doạ mà vũ khí trở thành bất lực. Cái ăn cái ngủ, cái yêu, cái di chuyển, cái sinh sống của họ được viết lên bởi báo chí vẽ ra bởi các đài truyền thanh, truyền hình, được đọc được nghe được nhìn bởi những cặp mắt yêu mến, bao dung và hãnh diện. Paris hãnh diện không phải chỉ vì có Moulin Rouge, Quartier Latin hay Champs-Elysées mà vì có những Gide, những Cocteau, Valery… Con cháu chú Sam không phải chỉ hãnh diện vì tài tháo vát, óc khai phá về dầu hoả và hoả tiễn mà còn vì những người đoạt giải Pulitzer và sau đó, Nobel. Chúng ta, có lúc tôi nghĩ rằng, thôi thì ta ngồi ở bậc thang cuối cùng ấy sống trong xã hội mà văn nghệ không phải là hoàng tử mà chỉ là những tên láo lếu cũng chẳng sao. Những xã hội cơ giới kia nó biết hãnh diện về những kẻ sáng tạo của nó, biết dành cho kẻ này quốc táng, biết mời kẻ khác đến làm danh dự buổi khoản đãi của vị nguyên thủ, danh dự còn lớn lao hơn cái hiện diện của ngoại giao hay các nhà tư bản, xét kỹ ra cũng chẳng có gì đáng kêu ca. Nước ta còn lo cơm lo áo cho dân, lo cho dân khỏi chết dập chết vùi, làm sao còn lo kết những vòng hoa đẹp cho thi sĩ. Còn cái thang giá trị kia nhất thời lắm.

Kẻ ngồi trên rồi sẽ xuống dưới, lũ ở dưới sẽ lên trên. Lịch sử cũng như tôn giáo, thế đấy. Chúng ta hãnh diện vì đã có Nguyễn Du, đã có Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến hay Tản Đà chớ có nhớ gì về ông Nghè, ông Bảng đâu? Những người của tương lai, cũng vậy, sẽ kiêu hãnh về những người làm thơ văn bây giờ, sẽ gọi họ là những tinh hoa, là ý thức của thời đại, sẽ dành những vòng hoa tưởng nhớ cho những kẻ đóng góp vào cái gia tài văn hoá của dân tộc.

Có nghĩ như thế chứ. Nhưng cái vỗ về này chẳng xoa dịu được cô đơn. Chúng tôi càng thấy mâu thuẫn, càng thấy cô đơn trong hiện tại. Tại sao cái chỗ ngồi sau này của ta sáng thế, đẹp thế mà cái chỗ ngồi hiện tại khốn nạn? Vả lại còn nghĩ rằng lịch sử đứng ở xa lắm, còn lâu lắm mới tới.

Có nhìn thấy nó bao giờ đâu? Khi nó đến, ta tiêu ma thành đất thành bùn rồi còn gì? "Kỷ nguyên hoài nghi" này tai hại như thế đấy.

Bao nhiêu trụ cột chống đỡ cái mái yên tĩnh của tâm hồn sụp đổ mất cả rồi. Thần thánh và lịch sử. Giá trị này và giá trị kia. Có thể có lắm chứ. Sự hiện hữu của thế giới bên kia, sự phán xét của lịch sử. Có thể lắm chứ. Nhưng chúng tôi chỉ có một đời sống. Chúng tôi chỉ có một niềm cô đơn này. Thần thánh và lịch sử còn làm được gì khi tất cả, vui sướng và tủi nhục, thống khổ và hân hoan, đã cùng với thân thể nặng nề này nằm xuống?

Cô đơn trong tập thể văn nghệ vì sự gián đoạn bất bình thường giữa các thế hệ, cô đơn trong tập thể rộng lớn hơn là xã hội này vì sự đãi ngộ, vì vị trí xã hội, vì hệ thống thang xã hội, các nhà văn, nhà thơ những năm năm mươi, sáu mươi cũng cô đơn trong chiến tranh. Những người đang đổ mồ hôi ở thao trường và những người đang đổ máu ở chiến trường sẽ nói lên lời phẫn nộ. Chỗ đứng của các anh đây. Ở thao trường này và chiến trường này. Vào đây đổ mồ hôi. Ra đây trả cái phần xương máu. Mặc bộ kaki này vào các anh sẽ biết rõ chỗ đứng. Cơn phẫn nộ này đúng. Lời sỉ vả này không thể cãi được. Tôi nói rõ: Lời phẫn nộ của những người đang đổ mồ hôi ở thao trường và đổ máu ở chiến trường. Chớ không phải những lời nói tương tự đến từ các nhà cầm quyền mười mấy năm nay. Trí thức phòng trà, trí thức thành phố, trí thức salon, những thành ngữ nói lên sự nguyền rủa một lớp người, trong đó có thể xếp các người làm văn học nghệ thuật lên hàng đầu, thật ra chẳng có giá trị gì cả nếu phát xuất từ nhà cầm quyền, vì đó chỉ là những "cái mũ" được ném ra nhằm mục đích bóp chết mọi tiếng nói đối kháng. Chúng tôi quá quen thuộc với các chất ma tuý như thuốc lá, cà phê cho nên các ma tuý mới gọi là khẩu hiệu, diễn văn, tố cáo, lăng mạ chẳng còn làm xúc động gì. Bị chửi bới hay bị dụ khị, thằng này cười hề hề, thằng kia kêu lên tốt lắm.

Đó cũng là điểm khắc biệt giữa văn nghệ và trí thức khoa bảng vốn quan tâm đến sĩ diện, được coi như một phương diện để sinh sống. Văn nghệ chẳng cần các cái đó. Nhưng lời phẫn nộ, sự sỉ vả đó, khi đến từ những người thực sự chiến đấu mà không có ghế cao nhà lớn nào cả, đã và đang làm chúng tôi lắng nghe. Và tôi nghĩ: đúng lắm. Chỗ của ta đấy. Ở Trung tâm Huấn luyện Quan Trung và Trường Thủ Đức. Ở quân đoàn này và vùng chiến thuật kia. Và có những nhà thơ đã đứng ở đấy. Những hào sảng Trần Như Liên Phượng đấy.

Nhưng vượt lên trên cơn giận dữ như các anh đã vượt những hào sâu rừng thẳm mìn chông, chúng ta hãy nhìn vào câu hỏi này: các anh muốn nhà văn, nhà thơ chiến đấu với tư cách người hay tư cách văn nghệ. Nếu quan niệm rằng chỉ cần cầm được súng, văn nghệ không cần, thì mọi cuộc thảo luận đều chấm dứt, chúng tôi không còn gì để nói và chào thua.

Nếu nói rằng thơ văn chẳng được cái tích sự gì cả, chẳng chặn được cuộc tấn công này, chẳng mở được chiến dịch kia, đó chỉ là những xa hoa, những đồ trang sức thời bình để ve vuốt tâm hồn đàn bà thì hết, không còn gì để nói. Chỉ còn đồng ý và đồng ý. Nhưng ngược lại, nếu quan niệm rằng cuộc chiến đấu mà mọi người thường gọi là toàn diện thì văn nghệ là một mặt trận. Người làm thơ viết văn trở thành chiến hữu. Quan niệm đứng đắn này những năm năm mươi sáu mươi chưa hề có. Cho nên chúng tôi không biết đứng ở đâu. Nhà cầm quyền của vùng dĩ vãng xa và gần đó đã coi văn nghệ là phương tiện, là cái cần nắm lấy. Nắm mãi chẳng được, người ta chỉ còn than trách: Văn nghệ của mình chẳng có lập trường gì cả.

Chúng ta đều nhớ kỹ rằng các chánh quyền dĩ vãng đã nhiều lần đến với văn nghệ. Tiền đây, báo đây làm gì. Nhiều người trong chúng ta, có tôi, đã nhận tiền trực tiếp hay gián tiếp, tiền bao thầu hay tiền bài. Rồi để cho cái tình cảm tội lỗi nằm im, chúng tôi làm láo làm lếu cho tiền bạc không sáng sủa kia được tiêu đi mau lệ, ngõ hầu có thể phân vua với anh em: cho thì lấy mà đốt, trả tiền thì viết nhưng ta cứ viết cái lời mời chẳng dính dấp gì đến cuộc đời này, cuộc chiến tranh này, chẳng lợi lộc gì cho người chi tiền. Cái lối chơi sỏ của nhà nho các anh còn lạ gì. Cho nên các cuộc hôn phối gượng ép này đã hơn một lần đưa đến đổ vỡ. Sự phân hoá trầm trọng hơn: chính quyền và văn nghệ vẫn đứng ở hai phía mặt trời và hơn nữa, người cầm tiền và kẻ không có cơ hội, thằng cầm nhiều và tay cầm ít sỉ vả và lườm nguýt lẫn nhau như quân thù quân hằn.

Và niềm cô đơn dầy đặc thêm lên như sương mù như cỏ lan vào thành phố bỏ hoang. Người làm văn thơ muốn đóng vai trò của cái có thể gọi là ý thức của một cuộc sống này và cái chết kia. Nó muốn nói lên cái nó mong nó đợi, cái nó yêu, cái nó ghét. Tham gia vào cuộc chiến đấu với tư cách văn nghệ, vũ khí của nó là cái ý thức sáng chói đó. Có nói lên được cái yêu và cái ghét đến nơi đến chốn dưới mắt người cầm bút, mới làm cho ta khoẻ địch yếu. Nhưng dưới mắt nhà cầm quyền thì lại không được. Những người đã đến với văn nghệ có thể có thiện chí lắm, khéo léo lắm. Họ đều nói đại loại: chúng tôi không làm áp lực nào cả, chỉ giúp đỡ anh em về tinh thần và vật chất. Tiền đây, báo đây, cầm lấy cho vui vẻ cả. Phải chân thành mà nhận rằng với các chính quyền như thế còn hơn là những cái tát đe doạ của sự độc tài. Không theo đường lối thì phong toả kinh tế, thì đi nông trường. Những cuộc thảo luận bắt đầu như thế lễ phép lắm, đẹp lắm, cần lắm nhưng chưa đủ. Đám băng hoài nghi cần được làm cho tan rã. Sự lễ phép làm cho nhà văn nghĩ rằng nó nằm từ từ đây. Thuốc độc bọc đường đây. Và cuộc chơi ú tim cứ thế tiếp diễn: cầm tiền và viết lờ mờ thôi. Ngoài tiền, ngoài giao tế lịch sự cần phải nói rõ vào mặt nhau: Chúng ta đừng vuốt ve nhau. Chúng tôi điều hành guồng máy nặng nề tê liệt và chiến tranh này, các anh là ý thức. Hãy nói lên thống khổ và hân hoan của đồng bào ta mà các anh là những tâm gương nhạy cảm. Hãy nói lên tất cả, mặt phải và mặt trái. Chúng ta, văn nghệ và chính quyền, hãy sỉ vả nhau, đấm đá nhau. Đấm đá và sỉ vả như những chiến hữu.

Hào khí văn nghệ bốc lên khi đám băng tan rã. Lúc ấy, biết rõ, sẽ không còn thắc mắc ai nắm ai, ai xỏ xiên ai. Nếu biết rằng thực sự trong cuộc chiến đấu ghê gớm này ngòi bút đã được đặt đúng lỗ châu mai dành riêng cho nó, sẽ chẳng cần đến chuyến máy bay đưa anh em ra mặt trận coi chơi.

Mặt trận chưa bao giờ không nắm trong mạch máu chúng tôi. Chúng tôi cũng biết nghe tiếng súng, biết khóc, biết đau. Nhưng niềm cô đơn vẫn có. Vẫn không biết đứng vào đâu, vì thường xuyên e ngại bị đặt vào chỗ đứng bất tiện, chỗ đứng của phương tiện chứ không phải của ý thức.

Cô đơn, hoàn cảnh của nhà văn những năm năm mươi, sáu mươi đó. Nỗi cô đơn siêu hình của người viết trước từ giấy trắng chẳng bao giờ nhà văn rũ bỏ được và cũng chẳng cần, trong thế hệ chúng tôi lại được hỗ trợ của những cô đơn trong tập thể văn nghệ, trong xã hội và trong chiến tranh. Nói cho đúng, chẳng có gì đáng kêu ca. Nhiều người nói rằng: một dân tộc chỉ có số phận mà nó đáng có. Tôi nghĩ thêm rằng: nhà văn, nhà thơ chỉ có số phận mà dân tộc nó có.

Khi mà sự chết chóc, nghèo khổ đè nặng lên vai quê hương như thế này còn có gì lạ nếu đàn anh của chúng ta tan tác, nếu chúng ta phải căn lấy tốc độ mà đi, nếu chúng ta bị bỏ quên, ở đây ở đó.

Và vấn đề của văn nghệ, cũng như của đất nước, không phải chỉ là đau xót về những hoàn cảnh chán quá mà còn là sự ý thức về hoàn cảnh đó để vượt lên, để khắc phục.



[1]Đã lấy vợ gần đây
[2]Sartre, Situations
Nguồn: Nguyên Sa, Má»™t bông hồng cho văn nghệ, NXB Trình Bày, Sài Gòn, 1967. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.