© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
29.12.2006
Nguyễn Đức Tường
Salut, Vietnam
 1   2 
 
Tôi đọc ở đâu đó kể lại năm 1975 nhà văn Dương Thu Hương theo đoàn quân chiến thắng vào Nam. Khi vào đến Sài Gòn thì bà ngồi xuống vỉa hè, khóc. Bà khóc vì cảm thấy mình đã bị lường gạt, vì thấy tuổi thanh xuân của mình bị hy sinh một cách uổng phí. Theo bà, “cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc kháng chiến thần thánh, còn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một cuộc chiến ngu xuẩn nhất trong lịch sử, trong đó dân tộc Việt Nam đã bị xẻ đôi để đi làm lính đánh thuê cho ngoại bang.” Bà trả lại thẻ Đảng và, từ đó, chống đối mãnh liệt các lãnh tụ và nhà nước cộng sản. Sự chống đối là tiếng nói lương tâm của bà, tôi xin phép không bình phẩm. Tôi rất thông cảm việc bà chua xót, đau đớn vì cảm thấy đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình một cách vô ích, nhưng điều đó có cần thiết không?

Về cuộc kháng chiến chống Pháp, trừ một số người cuồng tín nhất đã cộng tác với Pháp, hầu hết mọi người đều đồng ý với bà tuy có lẽ không dùng hai chữ “thần thánh”; còn về “cuộc chiến ngu xuẩn nhất trong lịch sử”, ta nên bình tĩnh nhận định một cách minh mẫn vì đây là vấn đề rất nhức nhối của nhiều thế hệ Việt, liên quan đến cả cuộc kháng chiến chống Pháp và bắt nguồn từ nhiều năm trước cuộc chiến này.

Lịch sử Việt giống như bức tranh fractal Mandelbrot, một mẫu hình kỷ hà có tính chất giữ nguyên đường nét chính dù ta cắt nhìn phóng đại chỉ một phần nhỏ. Để tóm tắt lịch sử Việt trong một câu – đường nét chính của bức tranh fractal lịch sử – đó là một lịch sử “chống ngoại xâm giành quyền tự chủ”. Đời nào cũng thế, thành tích “chống ngoại xâm giành quyền tự chủ” đời nhà Trần là điều mà đời sau kiêu hãnh, ghi nhớ, để sẵn sàng bỏ qua những chi tiết khác không mấy đẹp đẽ như bất nhân, loạn luân. Thời đại từ nhà Nguyễn trở đi, việc phải đánh đuổi người Pháp là điều không cần bàn cãi thêm; đối với người Mỹ, câu chuyện không giản dị nhưng điều đó không tự nhiên làm cuộc chiến trở thành ngu xuẩn nhất cho người Việt.

Nhiều người nói rằng người Mỹ chỉ có mặt ở Việt Nam từ thập niên 1960; điều này không đúng vì, trước sau, người Mỹ chỉ không trực tiếp đánh nhau ở Việt Nam: nước Pháp sau đại chiến kiệt quệ, đánh nhau để tái chiếm Việt Nam với khí giới của Mỹ và với một phần ngân khoản rất lớn đài thọ bởi chính phủ Mỹ (những năm cuối đến 80%.) Cuộc chiến để thống nhất đất nước tiếp diễn sau đó gần như là chuyện tự nhiên, người ta sẽ ngạc nhiên nhiều hơn nếu nó đã không xảy ra. Một vị chức sắc của chính phủ miền Nam cũ mà tôi biết hậm hực nói, “Tự nhiên đem quân giải phóng tôi? Tôi đâu có cần ai giải phóng”. Ông nói không sai. Đó là một chọn lựa chữ nghĩa đáng tiếc; không ai “giải phóng” ai hết. Thời đại mới, nhu cầu chữ nghĩa mới. Mấy trăm năm lịch sử chỉ nói Chúa Trịnh đem quân vào đánh phương Nam chứ không nói “xâm lăng” hay “giải phóng”, và tất nhiên Chúa Nguyễn sau này cũng chỉ mang quân ra đánh phương Bắc. Đúng hay sai, nên hay không, hậu thế tha hồ bàn cãi. Như đã xảy ra, nó đơn thuần là một cuộc nội chiến; rất giản dị bởi vì miền Nam là nơi tụ hợp đủ mọi thành phần và đảng phái chính trị chống hoặc không muốn sống dưới chế độ cộng sản. Những tin tức như đấu tố, cải cách ruộng đất làm nhiều người hoảng sợ; cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, tất nhiên có hậu thuẫn của người Mỹ, nhưng ông không là người được cắt từ cùng một cây vải như những Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm, và mặc tất cả những thiếu sót, sai lầm mà ta thường nghe nói về ông, đã là người đã cho cụm từ “chính nghĩa quốc gia” một ý nghĩa.

Việc người Mỹ trực tiếp xua quân vào Việt Nam thay đổi hoàn toàn sắc thái của cuộc chiến. Người ta cho nó nhiều danh xưng hay mỹ tự, nhưng có điều này không thể chối cãi: người Mỹ chiến đấu ở Việt Nam không vì mục đích “tự do và dân chủ” – freedom and democracy – của người Việt, và nếu có thì mục đích này cũng ở quá thấp dưới totem-pole đến thành vô nghĩa. Thế nhưng, nếu không vì mục đích đó thì vì mục đích gì? Lý luận có thể dừng ở điểm này để nhà văn Dương Thu Hương đánh một dấu hỏi về sự “ngu xuẩn”. Bà và các cựu đồng chí của bà hay những người lính miền Nam đi chiến đấu, chắc chắn không nghĩ vì mình là “tiền đồn” của một thế giới nào đó mà vì một chọn lựa. Tiền đồn, danh từ dễ ghét vừa ngớ ngẩn vừa bệ rạc, vào tai một anh mới thoát ra khỏi chế độ thuộc địa, nó gợi hình ảnh một anh lính khố xanh khố đỏ! Những người lãnh đạo chân chính của một nước làm một quyết định trước hết vì (hoặc đúng hay sai, nghĩ là vì) quyền lợi của nước họ. Người Mỹ đã thi hành những chính sách của họ ở Việt Nam vì chính phủ Mỹ nghĩ đó là vì quyền lợi của nước Mỹ. Chấp nhận phát biểu trên, mấy dòng viết này thực sự hy vọng giải toả một số những ấm ức, hậm hực trong tâm hồn Việt chứ không phải để trách cứ người Mỹ (viz., Khi đồng minh tháo chạy, một cuốn sách tôi nghe nói bán chạy như tôm tươi; người Mỹ làm bổn phận đối với nước Mỹ, còn người Việt làm bổn phận đối với ai mà bây giờ ngồi than phiền?)

Ngày nay phải có cả nghìn cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam. Tôi tình cờ được đọc bài “Con đường tự diệt” của Trần Bình Nam, trong đó ông nói đến một cuốn sách của Barbara W. Tuchman có tên The March of Folly – Những bước điên rồ. Bà Tuchman là một nhà viết sử tiếng tăm, chân chính, không mang thêm nhãn hiệu thiên tả hay thiên hữu; tôi đã có dịp đọc một số tác phẩm rất đặc sắc của bà mà The March of Folly là một. Những bước điên rồ là một thứ tự điển về sự theo đuổi những chính sách đi ngược lại quyền lợi của quốc gia – sự điên rồ – của những người cầm quyền suốt theo chiều dài ba mươi thế kỷ của lịch sử nhân loại, từ con ngựa gỗ thành Troy đến trận chiến của người Mỹ ở Việt Nam. Để thuộc thành phần “điên rồ” này, chính sách phải là sản phẩm của một chính phủ (một tập thể, vì nếu kể cá nhân thì nhiều quá,) được phán xét và cảnh giác về sự tai hại của nó bởi người đương thời, và có phương sách giải quyết khác thoả đáng hơn. Đó là những điều kiện rất khắt khe.

Xuất bản năm 1984, Những bước điên rồ best-seller một thời gian khá dài, được phê bình là một kiệt tác về lịch sử cho những người không thường đọc lịch sử. Chương về Việt Nam tựa đề America Betrays Herself in Vietnam (ABHVN) – Nước Mỹ phản bội chính mình ở Việt Nam – dài chừng 140 trang cộng thêm 15 trang phụ chú; gần như mỗi phát biểu, mỗi đoạn đều kèm theo tài liệu gốc xuất xứ ở trang phụ chú. ABHVN tóm tắt gọn gàng những chính sách điên rồ như định nghĩa ở trên, qua năm thời đại Tổng thống, trong 30 năm can thiệp của Mỹ ở Việt Nam. Bội phản ở chỗ nào? – Lý tưởng của nước Mỹ. Lúc bắt đầu thì cũng lý tưởng lắm, Tổng thống Franklin D. Roosevelt quyết định chấm dứt chế độ thuộc địa trên thế giới, không muốn để người Pháp trở lại Đông Dương, nhưng gặp những tai nạn lịch sử, lý tưởng rơi rụng mất ở dọc đường, kết quả là người Mỹ áp đặt trên dân Việt hết ý đồ chính trị này đến ý đồ chính trị khác, mà họ nghĩ là vì quyền lợi của nước Mỹ. Trong thực tế, chúng là sản phẩm của những định kiến, đồi bại, tham vọng, lợi ích cá nhân, vân vân như cách giải thích của bà Tuchman. Đọc lại ABHVN hơn hai mươi năm sau, với những tài liệu được giải mật mới đây, ta biết thêm nhiều chi tiết mới, nhưng kết luận của cuốn sách không thay đổi và có phần tăng thêm nhiều giá trị.

Tôi nghĩ sự việc xảy ra như đã xảy ra còn vì một lý do rất quan trọng khác nữa, đó là cái tâm lý ngạo mạn liên quan tới sự tương quan (sự bất tương xứng) về sức mạnh và sự giàu có. Cố Thủ tướng Pierre Trudeau của Canada đã dùng một hình ảnh rất sinh động để mô tả sự tương quan, liên hệ giữa Canada và Mỹ: chú chuột nhắt nằm cùng giường với con voi, phải rất cẩn thận. Nước Mỹ là một nước vô cùng mạnh và giầu so với Việt Nam, cách đây hơn nửa thế kỷ một quyết định nào đó của chính phủ Mỹ liên quan đến Việt Nam không khác gì quyết định của một ông đại điền chủ cho một anh cùng đinh. Với ông chủ, một cái vẫy tay, không có gì quan trọng cả; với anh cùng đinh, ngay cả khi ông chủ có thiện ý cũng đã có thể rất bất lợi, còn nếu không, anh chỉ có cách vái Trời. Việt Nam không phải là nước đầu tiên, Phi Luật Tân là một nước khác cũng đã được Mỹ chiếu cố, đem lại cho “tự do và dân chủ”, sau chừng tám mươi năm!

Liên hệ Việt-Mỹ ngày nay tốt đẹp. Liên hệ này có thể thực hiện được từ ngay cuối thập niên 40 hoặc 50 một cách tương đối nhẹ nhàng mà không làm chết hơn năm mươi nghìn binh sĩ Mỹ và mấy triệu người Việt, chưa kể những tệ đoan, suy thoái không thể đo lường được trong cả xã hội Việt và Mỹ. ABHVN nhận định những nước bước sai lầm của chính phủ Mỹ, một độc giả bình thường có thể rút tỉa từ đó bài học lịch sử, một độc giả Việt bình thường nhìn thấy thêm ở đó một bất công tàn bạo cho dân tộc mình cùng cái lưỡng tính của sự việc: nếu có một anh sai tất phải có một anh đúng, trực tiếp hay gián tiếp, bà Tuchman cũng nhìn nhận điều đó trong cuốn sách.

Ông Trần Bình Nam, một nhà bình luận chính trị quen thuộc hiện đang sống ở Nam Cali, là người có nhiều suy nghĩ chính trị có lẽ giống như bà Dương Thu Hương. Tuy dùng Những bước điên rồ để nhắc nhở nhà nước Việt Nam cùng tất cả những người chống đối về sự nguy hiểm của những suy nghĩ giáo điều, thiếu mềm dẻo – con đường tự diệt – điều đó không sai, nhưng chắc ông cũng không thể không nhìn thấy trong đó cái khía cạnh truyền thống “chống ngoại xâm giành quyền tự chủ” của dân Việt, mặc dù ngoại xâm ở đây không giống như Tây ngoại xâm: nước Mỹ không là một đế quốc đi tìm thuộc địa nhưng nước Mỹ có những nhu cầu khác, của nước Mỹ! Còn nhà văn Dương Thu Hương, bà thực sự đã chỉ xếp đặt thứ tự ưu tiên cho việc phải làm, một chọn lựa như nhiều người Việt khác, theo một tiếng gọi mà người Mỹ gọi là gut feeling, một thứ linh tính, bản năng tự nhiên mà dân tộc nào cũng có, không theo một khẩu hiệu hay làm lính đánh thuê cho ngoại bang nào (xin đọc thêm phụ chú về Phi Luật Tân ở cuối).

Đa số người Mỹ nghĩ mấy chục nghìn người của họ đã chết vô ích ở Việt Nam nhưng họ cũng phải cố tìm lý luận minh chứng và đã xây tường kỷ niệm để cho chiến binh của họ được ngủ yên. Nếu nhà văn Dương Thu Hương cảm thấy đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình một cách vô ích thì, quả thật, bà đã không công bằng với chính bản thân mình, vì giá trị sự hy sinh của bà không phụ thuộc vào việc bà là hay không là một đảng viên cộng sản. Đáng tiếc, điều quan trọng hơn là bà cần phải giúp, chôn kỹ những bóng ma, đồng chí cũ của bà trong Tổ quốc ghi ơn ở trên cùng bao nhiêu triệu người Việt khác, cho họ được bình yên, siêu thoát. Những người đã chết, dù họ có mang thẻ Đảng hay không, việc làm của họ không ngu xuẩn như sách của bà Tuchman đã chứng minh. Và bởi vì cuộc thi đua cho người chết sống lâu với nhà thi sĩ Tây Ban Nha không mang lại nhiều lợi nhuận.

Năm 1954, ngày đầu tiên hoà bình trở lại, trên đường về quê hương Quang Dũng đã dừng chân bên một nghĩa địa. Ông thấy nấm mộ của một người lính Bắc Phi tên Chabbi và đã viết bài thơ dài, rất cảm động Chabbi Chabbi, với những câu như:

Trời mưa thu, mới hôm qua
Ai đã thấy cái buồn nghĩa địa
Khi cỏ nằm trong nước ngập mồ hoang
Cái tiếng ễnh ương
Làm khúc nhạc lữ hành
Nhoi nhóp kêu trên bãi mộ
...
Chabbi Chabbi
Tên như một bài thơ rất đẹp
Bằng thứ tiếng nước nào
Chabbi đã nằm dưới mộ
Còn bao giờ về tới quê hương...
...
Cho đến bây giờ
Mỗi khi qua một vùng nghĩa địa
Quân thù gửi đất chúng ta
Tôi vẫn hình dung
Bóng dáng Chabbi
Lúc buông súng trả mình về cho đất
Mà không là đất quê anh

Chabbi có bao giờ hiểu nữa
Những người bạn thương anh
Dầu chỉ gặp tên người
Khắc trên mộ chí
Nằm trên đất nước của mình

Lời thơ đẹp, cử chỉ của thi sĩ còn đẹp hơn. Chiến tranh, chết chóc bao giờ cũng xấu xí; hung bạo khiến lòng người trở nên chai đá. Tác giả của những điệu nhạc bi hùng như “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc” hay “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” lúc này lòng mềm như bún. Mà không hèn. Có lẽ ông cũng cần tất cả những cử chỉ rộng rãi bao dung, lòng trắc ẩn kia để bù đắp mà sống yên ổn, hoà bình với bản thân ông. Nhưng đó là một cử chỉ cao quý tuyệt vời để giải hoà sau cuộc chiến. Nhân chuyện giải hoà, để cho linh hồn người đã chết được siêu thoát và tâm hồn người đang sống được an lạc, nếu nhà nước Việt Nam cho tu sửa bảo tồn nghĩa trang của những chiến binh miền Nam thì đó cũng là một cử chỉ rất đẹp. Họ hầu hết là những người lương thiện vì rất ít người không lương thiện nằm ở nơi chốn này, chiến đấu vì một chọn lựa, không phải cho ngoại bang. Đẹp hơn nữa, cho treo lá cờ vàng ba sọc đỏ của họ trong nghĩa trang; tôi nghe nói ngay cả cờ ngôi sao Quốc dân Đảng của Tàu ở nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu cũng hãy còn, không bị Hồng vệ binh phá hoại. Thực chất của ba mươi năm chiến tranh ở nước mình là để giành quyền tự chủ, không may nó bị nhuốm thêm màu sắc ý thức hệ, bình tĩnh nhìn lại quá khứ của Tây Ban Nha có lẽ ta sẽ có được một bài học.


*


Bữa trước, đài phát thanh Pháp RFI, phần Việt ngữ, loan tin UNESCO bày tỏ lo ngại nhà máy xi-măng Cẩm Phả có thể gây ô nhiễm cho môi trường biển, đặc biệt là ảnh hưởng đến vịnh Hạ Long, được công nhận là di sản thế giới năm 1994. Nhà máy được khởi công từ tháng Sáu 2005 và sẽ hoạt động vào năm 2008 với công suất thiết kế hơn hai triệu tấn xi-măng.

Nỗi lo ngại của UNESCO không phải là không có cơ sở. Vùng Hà Tiên ở miền Nam, một thời nào đó, có lẽ cũng tương tự như vịnh Hạ Long ngày nay, với những đảo núi nhỏ cùng nhiều hang động, nơi ẩn náu của Chúa Nguyễn Ánh trước khi trở thành vua Gia Long. Vùng này phong cảnh hữu tình, đất phù sa hay những thay đổi địa chất qua bao thời đại đã đem vài hòn đảo vào trong đất liền. Thêm vài chục năm nữa mấy hòn đảo / núi đá trong đất liền này sẽ biến đi vì tôi thấy vài băng chuyền che kín vắt cao ngang đường, chuyên chở đá từ núi đến thẳng nhà máy để làm xi-măng hay vật liệu xây cất khác. Tôi không biết những nhà máy này gây ô nhiễm cho môi trường biển ở đây bao nhiêu, nhưng tôi có thể nhìn thấy hậu quả ở ngay một số làng lân cận: nhà cửa, cây cỏ, tất cả đều bị phủ mờ mờ bởi một lớp bột đá trắng, rất mịn, rất hại cho sức khỏe.

Đi dọc theo chiều dài đất nước, nhìn những công trình xây cất, phát triển khắp mọi nơi, nhà máy xi-măng ở trên là một thí dụ, khiến ta chóng cả mặt. Nhưng ô nhiễm môi trường là quan ngại của những anh nhà giầu. Đây không phải là cùng một đất nước lầm than, tồi tệ, suy thoái mà tôi được đọc trong nhiều bài viết đăng trên một số tạp chí ở hải ngoại. Việt Nam không là một thiên đường vì không có nơi nào là thiên đường trên quả đất này; Canada nơi tôi ở đã trên dưới bốn mươi năm cũng không là thiên đường, vì phải đóng thuế hụt hơi (nói theo khía cạnh tích cực của vấn đề, được đóng thuế hụt hơi vì nhiều người dù có muốn đóng thuế cũng không được.)

Tất nhiên Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Mới ngày nào, khi tôi còn đi học ở trường tỉnh, Việt Nam có hai mươi lăm triệu dân, một phần vì thực dân bóc lột, dân ta nghèo đói lắm. Ngày nay, Việt Nam có hơn tám mươi triệu dân, lo cho đủ được ngần ấy miệng ăn, nếu ta bớt nghèo đi thì cũng đã là may nhưng chưa thể nào giầu được. Những trẻ em, những người lớn tuổi phải bán vé số ngoài đường kiếm ăn, trông rất tội nghiệp. Đi trên đường, đến một trạm dừng xe trước cầu nào đó, hai bên vệ đường có đến cả chục người gánh bầy bán mấy quả xoài hay dứa, ta có thể tưởng tượng đời sống của dân quê khó khăn đến độ nào.

Thế nhưng, nếu bạn còn tò mò và không có thì giờ đi thăm viếng, nhìn tận mắt, bạn có thể nhặt đọc một truyện ngắn nào đó của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư để nhìn thêm về đồng quê đất nước vì cô có cặp mắt rất sắc của ống kính máy ảnh, không bỏ sót chi tiết nào. Tôi đọc một truyện có tên “Mơ thấy mùa đang tới”. Nhà văn tài hoa này, quê miền Cà Mâu, lại không sống ở Sài Gòn, (cho nên) cô không chỏng lỏn, chanh chua nhưng không vì thế mà những gì cô viết thiếu phần nhức nhối; văn cô bình dị, đến tận nơi, đập tận mắt, những câu cô viết như lưỡi dao cùn, cứa vào da thịt, rớm máu. Tự thuở nào, tôi có hình ảnh một miền Nam trù phú, đời sống dễ dàng, ném thóc giống xuống rồi ngồi chờ lúa mọc; đọc truyện này tôi mới biết hoá ra bà mẹ quê miền Nam, má cô, cũng chẳng khác bà mẹ quê miền Bắc bao nhiêu, gót chân “nứt nẻ như đồng khô mùa hạn”. Ở ta bây giờ không còn cường hào ác bá, nhưng thay vào đó là đủ thứ loại các ông “ở trển”, xấu có tốt có, ăn cắp bạc tỷ như ranh trong khi bà phải “chờ ba tháng lúa sớm thì cũng tám mươi lăm ngày” để bán hai mươi sáu ngàn (chưa đầy hai đô la) một giạ lúa, năm nào trúng mùa bà được năm trăm giạ. Nhưng bà cũng hết sức tin người, tin tưởng mấy ông “ở trển” vì “mấy ổng hứa rồi...” Đọc lại mới thấy bà, quả thực, cực thì có cực mà không khổ, tóm lại, một thứ hạnh phúc...

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất trù phú, vựa lúa của cả nước. Thời buổi thái bình. Những ngôi trường mới xây, mái ngói hãy còn đỏ mới trong những làng quê, dọc đường đi từ Cần Thơ đến Hà Tiên qua Rạch Giá; những cô học trò nhỏ mặc áo dài trắng, đạp xe đạp đi học về, tay đôi tay ba, nói cười tíu tít. Không, tôi không nhầm hay nói quá; những chiếc áo dài nay ít trông thấy ở ngay cả Hà Nội lẫn Sài Gòn; quê ta quả đã làm nhiều tiến bộ. Tuy vất vả, bà mẹ quê có điện xài, có “máy cày bác Tư Chợ bừa tơi đám ruộng” giúp bà. Bà lại có ngót nghét tương đương với một nghìn đô-la một năm, sức mua sắm lớn, ở nhà quê đồng tiền càng có giá trị, dù sao, bà cũng khá sung túc, nhất là khi so sánh bà với mấy người bán xoài, bán dứa.

Một trong những niềm vui lớn của tôi là có thêm bạn mới và được tiếp xúc với một số sinh viên cả Bắc lẫn Nam. Trước khi về Việt Nam, tôi được đọc một bài phóng sự viết từ Việt Nam, tựa đề “Sinh viên Cần Thơ: “Trầm” quán thích hơn đến giảng đường” (Thế Kỷ 21, số 200, December 2005,) phần mở đầu nói đây là khu vực được xếp vào “vùng có trình độ dân trí thấp nhất cả nước,” tiếp đó là chuyện các cậu “tân sinh viên” đến từ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ là thủ đô miền Tây của miền Nam. Đại học Tổng hợp Cần Thơ có tiềm năng lớn để trở thành một đại học quan trọng; về mặt cơ sở, nhà trường có khoảng đất một trăm mẫu tây để phát triển, rộng nhất nước, một thư viện rất hiện đại mới xây xong. Vì tôi sửa soạn giảng dạy một vài vấn đề về vật lý cho sinh viên cao học tại đại học này, lẽ tự nhiên tôi tò mò muốn “điều tra” thêm về sinh hoạt của sinh viên ở đây. Tôi cho một em sinh viên (khi những dòng này được viết thì em đã ra Hà Nội để sửa soạn học thi tiến sĩ) đọc bài phóng sự. Đọc xong, em giãy nẩy như tự ái bị xâm phạm. Em nói nếu nói về một vài sinh viên “tại chức” thì có thể đúng, “còn những sinh viên bình thường, thày thấy, họ làm gì có nhiều thì giờ. Và cũng làm gì có quán mở cửa 24/24.” Đêm về, em đèo xe gắn máy cho tôi đi la cà, uống cà-phê, nghe hát, “lành mạnh”!

Qua vẻ mặt cùng cách nói, tôi nghĩ em thành thật, và thí dụ như có quán mở cửa 24/24 thì cũng có thể em không biết. Mặt khác, tôi không có lý do để nghi ngờ bài phóng sự, một vài tình tiết cũng đã được nghe qua. Nghĩ thêm nữa, qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy sinh hoạt của các cậu “tân sinh viên” cũng bình thường thôi. Thời tôi còn là sinh viên ở Sài Gòn, cuối thập niên 50, không có “trầm quán”, sinh viên ta có nhiều thú vui khác không kém phần sáng tạo, như đánh bạc suốt đêm hay nhảy đầm ở mấy dancing trong Chợ Lớn, túng quá làm party ở nhà; tất nhiên không phải ai cũng giải trí như thế. Cư xá sinh viên nam ra vào tự do còn cư xá sinh viên nữ “thiết quân luật” lúc nửa đêm nhưng đó không là một trở ngại lớn! Cuối cùng rồi đâu cũng vào đó, nghĩa là cũng có người, “bác sĩ”, “nha sĩ”, tốt nghiệp “ngang” nhưng đa số có thể gọi là thành đạt, lấy vợ, lấy chồng. Tôi muốn đặt một dấu hỏi lớn về nhận xét “trình độ dân trí thấp”. Còn những chuyện động trời khác, thỉnh thoảng cũng thấy các báo nói, thú thực, tôi không có phương tiện cùng thì giờ để kiểm chứng; nghĩ cho cùng, xin điểm, chạy điểm, xách nhiễu tình dục không là chuyện mới lạ, thời nào cũng có, chỉ nhiều hay ít thôi.

Lớp sinh viên của tôi đa phần là giáo viên các trường trung học phổ thông đến từ hầu khắp 11 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long. Qua thư từ, tôi được biết đời sống của họ tuy không nặng nhọc bằng nhưng có lẽ cũng vất vả không thua bà mẹ quê là bao. Ngoài những giờ dạy học, còn một trăm thứ việc trút lên đầu, ấy vậy mà họ chịu khó về đây nghe tôi nói ba giờ một ngày, một tuần lễ liền. Tình người ấm áp. Thời gian tiếp cận, tuy ngắn ngủi, đã cho tôi những kỷ niệm đẹp, khó quên. Về phần tôi, tôi rất hăng say, có lẽ quá hăng say, không chỉ cắt nghĩa vật lý mà còn cố tả cả vẻ đẹp của nó. Vật lý không nhất thiết chỉ là chứng minh vài công thức hay kiếm một con số với sáu số lẻ, ta có thể học vật lý thích thú như đọc một cuốn truyện hay nghe một bản nhạc hay. “Tụi em đi học chủ yếu trong tình thế ‘không học sẽ thua thiệt’ nên có phần nào hạn chế trong việc tiếp nhận tri thức mới. Mong thầy hiểu và thông cảm cho tụi em”, một em sinh viên viết cho tôi, giọng như xin lỗi, bởi vì “khi học xong, tụi em lại quay về với trường phổ thông, tụi em lại phải gác lại các kiến thức ‘cao học’ này và hầu như không dùng tới nữa. Tụi em cũng thấy ‘tiếc’ cho kiến thức mình học lắm, nhưng làm sao được hả thầy.”

Tôi thấy buồn, thông cảm, nhưng hy vọng đã không làm phí thì giờ của các em, trong khoảnh khắc nào đó các em cũng bị thuyết phục, có được một chút niềm vui tiếp nhận những “vẻ đẹp” mà tôi cố diễn tả, hoàn toàn lương thiện và không cường điệu. Chẳng riêng gì các em, cả những đồng nghiệp của tôi, bậc thày dạy các em, trong Nam ngoài Bắc, mà tôi được gặp, tôi thấy cũng khá vất vả, dạy học nhiều không hưởng thụ bao nhiêu. Họ cần được sống tương đối thoải mái hơn, có dư thì giờ để ngồi làm việc trong văn phòng riêng của họ ở đại học, vì sự có mặt của họ ở nhà trường, dù ít ai trông thấy, rất cần thiết cho không khí học hỏi và cho các sinh viên.


*


Tôi trở về Canada sau gần hai tháng ở Việt Nam. Một người bạn, vị này chống cộng kịch liệt, hỏi tôi có tự do không? Tôi trả lời tôi có đủ tự do, dư xài không hết; tất nhiên, tôi không nên ra đứng giữa vườn hoa Ba Đình nói láo về Bác Hồ hay dại dột, năm 1974, nhất định ra đứng giữa bùng binh chợ Bến Thành hô hào đả đảo ông Tổng thống Thiệu. Ông không bằng lòng, hỏi tiếp có thấy tờ báo nào không bị nhà nước kiểm soát không? Tôi trả lời không biết có tờ báo nào như thế cả, nhưng tôi thấy báo chí cũng có vẻ thoải mái lắm.

Nói vậy mà chơi, đây không phải là câu chuyện người ta có thể dùng lý luận để thuyết phục lẫn nhau bởi vì – như thể Aristotle chưa có mặt một ngày nào trong cái cõi ta bà này – vì lợi riêng hay vì chót lỡ, định kiến người nào hình như cũng được đổ trên nền móng bê-tông vững chắc. Hàng ngày tôi thường nghe, thường đọc ad nauseam về đa nguyên, đa đảng hay tự do, dân chủ, nhân quyền, tội ác chống nhân loại. Những danh từ nghe có vẻ rất cao quý loại này thường được dùng để lừa bịp hay tính điểm trong những cuộc tranh cãi nhiều hơn là vì thiện chí xây dựng. Có nhiều lý do để ta tin rằng Trung Quốc không mấy hứng thú trước một Việt Nam thống nhất và khỏe, và đã khuyến khích Khmer Đỏ làm khó dễ Việt Nam. Và Việt Nam đã đánh đuổi bọn Pol Pot không vì mục đích nhân đạo. Nhưng có điều này không thể chối cãi – và, rất lạ, không ai muốn bàn đến – là Việt Nam đã làm giảm bớt cái hoạ diệt chủng, cứu sống được đến cả nửa dân số Cao Mên trong khi thế giới (tự do) bàn chuyện “triết học” về sự hung hãn của nhà nước Việt Nam! Lý luận trên không phải để bênh vực hay chỉ trích riêng ai, lại càng không có ý định bào chữa cho Việt Nam (đất nước tôi phải hay trái – my country right or wrong) mà chỉ để vạch ra một thực tế về sự đạo đức giả và thiếu công bằng ở mọi phía. Cho nên, vấn đề căn bản vẫn là con người và xã hội...

Việt Nam ngày nay khác xa Việt Nam cách đây ngay cả mười năm. Người lái taxi, Bắc và Nam, giống như người lái taxi nhiều nơi trên thế giới, luôn luôn than phiền về nhà cầm quyền, tham nhũng, hối lộ, chuyện này, chuyện khác. Nhưng khi hỏi về chuyện phản đối của mấy cha cố, của tôn giáo này nọ thì họ giãy nẩy như đỉa phải vôi, nói mấy ông này thuộc loại khuấy động, dù sao ngày nay đất nước thanh bình, dễ thở, làm ăn tuy vất vả nhưng cũng kiếm được miếng ăn. Ở Sài Gòn, một chú taxi còn nói thêm tay nào ho hoe lộn xộn thì chỉ nội trong vòng 24 giờ sẽ bị công an bắt, “mà không phải vì ta nay có nhiều công an hơn đâu, chú ơi, mà vì người dân thường họ sẽ đi báo!” Tôi nghe nói Việt Nam vẫn còn nhiều công an lắm, có khi chú taxi này là công an chìm, tôi không thể biết.

Tất nhiên ở một nơi dù đến cả tháng, ta cũng chỉ có thể biết sơ sơ bề mặt, và bề mặt ở đây là những thành phố như Vinh, Đà Nẵng phát triển với một tốc độ kinh hoàng; Hà Nội, Sài Gòn, nhất là Sài Gòn, năng động đến phát khiếp. Phát khiếp như thế nào? Bạn hãy về đây, đang sang đường ở một phố lớn và bị đèn đỏ thì bạn sẽ hiểu. Một đàn ong bò vẽ nhào tới vây quanh bạn. Đứng yên, đừng sợ! Đó là một đàn xe gắn máy đủ mọi hình dạng, nhưng chúng tương đối hiền lành, như dơi về đêm, trang bị với radar cấp cao, tránh bạn như không, ở giây phút cuối cùng. Tôi nghe nói có nhiều tai nạn xe gắn máy nhưng chưa trông thấy tận mắt lần nào. Ở góc phố ta thường thấy biển quảng cáo kem bôi mặt, một phụ nữ trung niên, mặt hoa da phấn, dáng vẻ khỏe mạnh hớn hở của cô gái dậy thì, bên cạnh dòng chữ “sức sống sinh động của tuổi băm lăm plus” (chữ nghiêng do tôi thêm, viết cả chữ cho phải phép, biển quảng cáo viết 35+). Hay ở mỗi trạm chờ xe buýt, Mỹ Tâm, hiện thân của tự tin, miệng há to, cười, đẹp, SunSilk.

Điều dễ chịu nhất có lẽ là không khí cởi mở mà tôi có thể cảm thấy được trong những tiếp xúc hàng ngày, với bạn bè, với đồng nghiệp; nói chuyện thoải mái ít gìn giữ, con người thay đổi hay xã hội thay đổi? Có lẽ cả hai. Một người bạn mới, mới gặp nhau vài phút mà đã tưởng như bạn lâu năm, chúng tôi đọ tuổi (tôi được). Ông là một học giả uyên bác, không giấu giếm việc ông không hồ hởi với lý thuyết cộng sản. Mải chiêm ngưỡng tủ sách đẹp dài của ông dọc cả bức tường, tôi lơ đãng bị cuốn vào một cuộc tranh luận và được nghe ông chỉ mặt, nói “anh lý luận như Việt cộng”. Tôi suýt phì cười, không biết “Việt cộng” lý luận như thế nào, hình như ông bạn không biết “Việt cộng”, trong một vài môi trường, là hai chữ tương đương với “Mỹ-Nguỵ” miền Bắc ta hay dùng. Tôi cười, nói cảm ơn, “cách đây hơn ba mươi năm, đã có người nói lại với tôi mấy chú sinh viên Việt gọi tôi là “Việt cộng”, ít lâu sau đó một người khác còn thêm rõ ràng tôi có cả ảnh Cụ Hồ treo trong phòng làm việc! Nhìn lại, tôi không thấy mình “Việt cộng” nhiều hơn hay bớt đi chút nào.” Tôi quên mất, không kể cho ông hay mấy người “chính nghĩa quốc gia” đầy mình ở Bắc Mỹ này cũng gọi ông là “Việt cộng”; nghe thấy, không rõ ông sẽ cười hay khóc?

Tôi có một người bạn khác, với những chức vụ quan trọng mà ông đã từng giữ, ông không thể không thuộc Đảng Cộng sản. Và vì vậy, tôi ngạc nhiên, nghe ông nói chủ nghĩa cộng sản, qua những chuyện như đấu tố, cải cách ruộng đất, đã tha hoá con người và sự việc này đã trở thành cố định. Đó là một thay đổi quan trọng. Tôi nghĩ ông quá bi quan; đó chỉ là một hiện tượng nhất thời, vì khả năng phục hồi của con người rất lớn, những chuyện tham nhũng, vun xới cho con em mình mà ta thường nghe là một thí dụ chứng tỏ con người ta không tha hoá chút nào. Những đặc tính chủng loại của các sinh vật, cả xấu lẫn tốt, thường có lý do, cần cả trăm nghìn năm để hun đúc, không dễ một sớm một chiều thay đổi được. Đó cũng là lý do khiến kibbutz ở Israel khó thành công trong điều kiện sinh hoạt bình thường. Tôi đã từng sống và làm việc, hái nho hái táo, trong một kibbutz cả tháng. Kibbutz là cộng đồng gồm chừng vài trăm thành viên, chung sống làm ăn, làm việc theo khả năng, tiếp thụ theo nhu cầu. Đây là một mô hình cộng sản nguyên thuỷ thuần tuý, dân chủ và bình đẳng, không ai ức hiếp, bắt nạt ai, và nếu có một thiên đường cộng sản hay vô sản thì đây chính là thiên đường đó. Kibbutz tương đối thành công vì hai lý do rất quan trọng: nó không lớn quá và thành viên luôn luôn có động cơ thúc đẩy, tinh thần cao (sự sống còn của Israel bị đe doạ nặng từ bên ngoài). Ít biến động (không còn kích thích), kibbutz mất thành viên vì đời sống kỷ luật, trách nhiệm, khá mệt. Hàng quán, đường phố ở đại lộ Dizengoff, Tel Aviv nhộn nhịp, vui hơn, nhất là đối với đám trẻ mới lớn, thế hệ sau! Ngoài chuyện kể trên, trực diện nói chuyện, quả thực, tôi chỉ nhìn thấy ông là một nhà văn hoá, biết rộng, sống nhiều. Có một điểm mà tôi chung với ông, ấy là đã đọc cùng một số sách về chiến tranh chống Pháp; hơn thế nữa, ông là một cựu chiến binh trong trận đánh tiêu diệt Nhóm lưu động 100 của Pháp ở miền Trung. Tôi đã đọc vài cuốn sách mô tả trận chiến ác liệt này, và cũng đã gặp và nói chuyện với một cựu chiến binh ở phía bên này chiến tuyến, nghe kể lại những diễn biến kinh hoàng của trận đánh, nên thích thú nghe ông kể thêm một vài thiếu sót của tình báo quân đội Pháp. Sau hơn nửa thế kỷ, mọi chuyện nhạt nhoà lịch sử.

Đó là một vài bạn mới tôi rất trân quý, đã giúp tôi hiểu thêm về con người và đất nước. Thoải mái, cởi mở. Rất đẹp và bất ngờ khi ngồi nói chuyện, xem các ông đối đãi nhau vô cùng thân mật và tương kính. Cảnh tượng này khiến tôi đột nhiên nghĩ đến một thời gian, không gian khác, những tháng sôi động trước chiến tranh chống Pháp, khi ấy tôi mới lớn sống ở thị xã Hải Dương. Tôi thực sự không được nhìn tận mắt, nghe tận tai, nhưng bằng cách nào đó thỉnh thoảng tôi vẫn biết có những chuyện thanh toán lẫn nhau trong thị xã. Vì chính kiến hay vì cần thiết; có lẽ cả hai, lính Tây cùng xe tăng, thiết giáp đang lởn vởn ngoài kia. Trong khung cảnh đó, sự tương kính giữa các ông có lẽ vẫn còn, nhưng sự thân mật chắc chỉ có thể ở trong một thế giới khác. Chính những sự tương kính, thân mật giữa người với người này là một trong những lý do khiến tôi lạc quan, tin tưởng ở tương lai. Lại thêm một chuyện cũ nữa nhạt nhoà lịch sử.

Tôi không quên những nghịch cảnh, trái tai, trái mắt, mà tôi thường đọc hàng ngày trên báo chí, trong hay ngoài nước. Nếu tôi nhìn Việt Nam như qua cặp kính màu hồng, ấy là bởi vì, nhìn chung, đời sống, quả thực, có sáng sủa, màu hồng so với những gì tôi biết về Việt Nam trước đây; chuyện này truyền thông ngoại quốc cũng thường đề cập đến, ngay mới đây một tạp chí kinh tế có uy tín xuất bản ở Luân Đôn, The Economist, dẫn chứng về sự phát triển nhanh chóng và nói kinh tế Việt Nam tăng trưởng có nhân bản. Việt Nam với Pháp thì như bồ nhí với nhau đã từ lâu, còn với Mỹ thì gần đây như thể bạn cố tri, thân thiết nhất đời. Đó là những cư xử bình thường, dựa trên lý trí, trong liên hệ giữa các quốc gia. Một vài người Việt đôi khi vì mới được thết cơm đãi rượu – wine and dine – bởi vài nhóm người Mỹ, gáy đỏ hơn cổ gà chọi, đã vội hớn hở nghĩ ta đã chuyển từ thù đến bạn, không biết hay quên mất rằng, cách đây chưa lâu lắm, người Mỹ đã từng tính toán ném bom nguyên tử ở Việt Nam. Dẫu sao, bạn là bạn, ta cần gìn giữ, dù chữ “bạn” viết trong ngoặc kép, liên hệ bình thường tốt giữa các quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam đang có một cơ hội lớn, người ngoại quốc tin tưởng ở nước mình, mang tiền vào đầu tư, giúp kinh tế phồn thịnh. Sự việc tế nhị, nếu ta lợi dụng được thì đôi bên cùng có lợi. Một ông bạn tôi, một người rất tin tưởng ở dân tộc mình, nhưng ông cũng rất lo, nói “chậm trễ quá, mất thời cơ, đến một cái ngưỡng nào đó thì sẽ tuột luôn.” Hy vọng sẽ không là như vậy, vì con cháu ta sẽ phải kéo cày trả nợ, hụt hơi. Lịch sử, đất nước, con người và nhiều thứ khác là những thực thể mà ta bắt buộc phải chấp nhận toàn bộ, sung sướng tiếp thụ phần đẹp đẽ, huy hoàng tuy biết đâu đó vẫn còn lùi xùi đầy những hột cơm, trứng cá hay xấu hơn nữa. Về đất nước, một ông bạn khác nhận xét tôi về nhà “cưỡi ngựa xem hoa”, tất nhiên ông không sai. Tôi có thể nói rất lương thiện, suy nghĩ của ông và tôi không khác nhau về cơ bản, nhưng do hoàn cảnh, khác nhau trong cách nhìn. Cùng một cốc nước, sống ở trong nước, ông hàng ngày đụng độ nhiều chi tiết, có xu hướng nói, “cốc nước vơi mất một nửa”; còn tôi, sống ở ngoài nước, dễ dàng phơi phới hơn, nói, “cốc nước còn đầy một nửa”. Lần sau về nhà, tôi hy vọng được xem thêm nhiều hoa còn đẹp đẽ hơn, một hy vọng cho dân tộc và quê hương. Tôi hứa sẽ mời bạn tôi ra phố Cầu Gỗ ngồi ăn bún chả Hà Nội, xùm xụp húp nước mắm để giải bớt nỗi ưu phiền, nếu có. Salut, Vietnam.


*


Thêm: Sau khi viết xong bài này, tôi được đọc cuốn Đã hơn 30 năm rồi! của ông Huỳnh Văn Lang. Ông là một bậc niên trưởng, trước năm 1975, đã từng giữ những chức vụ quan trọng tại Sài Gòn và có nhiều hoạt động văn hoá khác. Sau khi về thăm Việt Nam ba lần, lần đầu gần sáu tháng vào năm 1995, hai lần sau vào năm 2001 và 2006, mỗi lần ba tháng, ông viết và tự xuất bản cuốn sách Đã hơn 30 năm rồi! hay V.N. du ký 2006.

Cách đây ít lâu, tôi được xem cuốn phim Sương mù chiến tranh – The Fog of War – người đóng vai chính trong phim bán tài liệu này là Cựu Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara. Những gì ông tiết lộ ở trong phim vào thời điểm này, giữa năm 2006, không còn làm ai ngạc nhiên nữa, duy có một câu ông nói làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Ông nói, “Lý lẽ có giới hạn của nó” – Rationality has its limit. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân của mọi xung đột trên thế giới này, xưa và nay. Thực, giả, trắng, đen, hợp lý, vô lý, đến một lúc nào đó lẫn lộn, người ta hành động, không cần biết và không cần phân biệt nữa.

Ông Huỳnh Văn Lang về Việt Nam nhiều lần và khá lâu, ông cũng tiếp xúc với nhiều người, tất nhiên sách của ông có rất nhiều chi tiết. Ngoài ra, tôi nhận thấy ông và tôi hầu như đọc hay trích dẫn cùng một số tác giả, nhân vật như Nguyễn Ngọc Tư, Trần Chiến, Dương Thu Hương, TS Lê Đăng Doanh. Về sự việc cùng nhiều phê bình – phê bình một số sự việc mà tôi chỉ nói qua hay muốn mà chưa kịp nói – tôi có thể nói hoàn toàn không có gì mâu thuẫn với ông. Tuy vậy, đọc bài viết ở phần trên và sách của ông, ta không khỏi có cảm tưởng hoàn toàn trái ngược, do ở cách nhìn hay điều mình muốn nhấn mạnh; ở ông đó là do quan điểm của một người “quốc gia” Công giáo, còn tôi, của một người “quốc gia” thuần tuý; hai chữ “quốc gia” ở đây cần được đóng giữa ngoặc kép là vì nó sẽ đưa đến ngộ nhận nếu không được giải thích thêm.

Qua một số trang sách, ta được biết ông là một người ngoan đạo, chạy “giặc cộng sản” và, có lẽ vì là người miền Nam, có nhiều cảm tình với Chúa Nguyễn, ông viết vài lần ở đâu đó “giặc Tây Sơn”. Nhưng ông là một người quốc gia, yêu nước nhiệt tình, năm 1954 đã từng biểu tình trước Toà Bạch ốc phản đối việc chia đôi đất nước, và đâu đó ông viết, “Đánh đuổi được thực dân Pháp thật là một vinh quang tuyệt vời, hoàn toàn là công khó của văn hoá dân tộc V.N., là ái quốc tuyệt đối...”; về điểm này tôi rất tâm đắc với ông. Nhưng tôi khác ông ở điểm, có lẽ do thói quen, tôi suy diễn theo phương pháp toán học, chấp nhận một số nhỏ nguyên lý hay định đề rồi từ đó suy diễn. Nếu suy diễn đúng, kết luận bao giờ cũng đúng, ít nhất đúng trong cái giới hạn của nguyên lý hay định đề lúc bắt đầu.

Suy diễn về câu chuyện đất nước, “quốc gia”, định đề của tôi, phát biểu hơi thô tục, như sau: “Người ngoại quốc đến nước mình luôn luôn có một mục đích, không nhất thiết xấu cho mình, nhưng mục đích thứ nhất của họ không phải là vì sức khỏe của dân mình.” Để cho bớt phức tạp, “sức khỏe” ở đây không bao gồm sức khỏe tâm linh, dù ngay trong phạm vi này định đề trên không nhất thiết sai; để tâm linh ra ngoài, ta không phải động chạm đến mấy người truyền giáo. Định đề trên bắt nguồn từ những ngày còn nhỏ, tháng Ba năm Đói, truyện ngắn “Cỗi rễ bậc hai” (của tác giả, Thế Kỷ 21, Xuân Ất Dậu, số 189 & 190, Jan & Feb, 2005) kể mấy đứa nhỏ đi học, bước qua xác người chết đói, phát biểu như phun nọc độc, “Đói quá, mất cả nhân phẩm lẫn mạng sống; phải đánh đuổi cho kỳ hết tất cả những bọn ngoại lai thối tha này, cao hay lùn, mặt nhợt hay mặt vàng...” Đó là một việc làm không thể thoả hiệp. “Những chuyện khác, tính sau!”

Đã hơn 30 năm rồi! có trích dẫn bà Dương Thu Hương giống như tôi. Ông cũng viết, “Mỹ chỉ giúp miền Nam xây dựng dân chủ, chủ trương hoà giải...” Tôi xin phép không đồng ý. Với những suy diễn từ định đề ở trên, trợ giúp bởi sách vở, The March of Folly, những điều ông McNamara tiết lộ, những tài liệu của Mỹ được giải mật những năm gần đây, ta thấy Mỹ hành động theo nhu cầu của nước Mỹ qua nhu cầu những người lãnh đạo của họ. Tôi rất kính trọng xúc động chân thành của bà Dương Thu Hương khi bà ngồi khóc ở Sài Gòn; tuy nhiên, tôi hơi ngạc nhiên nghe bà nói bị lừa, nếu quả đúng như vậy thì hình thức thô bạo “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...” của thời đại mới này đã đạt đến một độ cao mới về tinh tế. Những đồng chí cũ của bà hành động như đã hành động vì họ nhìn đó là nhu cầu của Việt Nam, một phản xạ tự nhiên của dân tộc, “giặc đến nhà đàn bà phải đánh” (một người bạn Mỹ của tôi phàn nàn, “bọn tao có thể là nhiều thứ nhưng bọn tao không là giặc” – we can be many things but we are not bandits!) Chính phủ Mỹ của Tổng thống Bush (khít như chiếc găng ôm lấy bàn tay với quan niệm military-industrial complex cảnh cáo bởi Tổng thống Eisenhower cách đây hơn 50 năm) không thắm thiết yêu người cộng sản Việt Nam hơn những chính phủ tiền nhiệm, nhưng hiện nay rất thân thiện với Việt Nam vì đó là nhu cầu của Mỹ trong giai đoạn hiện tại.

Tôi không có ý định nói chuyện chính trị, nhưng vì cần thiết phải duyệt lại một đoạn sử cận đại, chính vì cố gắng muốn tránh né chính trị mà nó hoá thành chính trị. Tôi chỉ muốn kể lại, với tư cách một người sinh đẻ và lớn lên tại Việt Nam trong những giờ phút khó khăn, những gì trông thấy cùng những xúc động của mình, so sánh Việt Nam ngày nay với Việt Nam ngày xưa mà tôi biết cách đây hơn 30 năm, hơn 50 năm. Đất nước không thuộc quyền sở hữu của riêng ai, và luôn luôn ở dưới một chế độ chính trị nào đó: quân chủ, bù nhìn, cộng hoà, cộng sản. Tôi không muốn trộn thêm vào đó một chế độ chính trị, cho dù có đẹp đẽ như thời vua Lê Thánh Tông hay những thứ vua quỷ, vua lợn như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực...

Ông Huỳnh Văn Lang là một “người lớn”, tư cách lớn. Về thăm nhà, ông mất nhiều công đi thăm mộ hai anh em Tổng thống Diệm mặc dù hai anh em ông Diệm không tốt mấy với ông (Tổng thống Diệm cất chức Giám đốc Viện Hối đoái của ông Lang cuối năm 1962.) Những điều mắt thấy tai nghe, ông tả rất trung thực, không thêm bớt trước khi thêm vào đó vài lời bình tiêu cực. Những chuyện tham nhũng ta đã nghe thấy nhiều, không có gì để thêm. Tôi hoàn toàn đồng ý về việc ông phê bình sự thương mại hoá những di tích, chùa chiền cùng sự nguy hiểm cho đất nước của tệ nạn buôn lậu; đó là những điều tôi chưa kịp viết. Trước khi vào “Phần thứ ba: Tiếng dân”, ông cảnh cáo độc giả ông không thể tránh khỏi chủ quan và, “vì thế để khỏi bất công, người đọc nên cẩn thận...” Ta khó mà có thể lương thiện hơn thế!


*


Chuyến về quê nhà cùng việc thăm viếng mấy trường đại học này hoàn toàn là cố gắng riêng, với sự giúp đỡ của các bạn bè. Tôi muốn cảm ơn GS Nguyễn Quỳnh, Dr. Hoàng Thi Thơ cùng Ông/Bà GS Trần Trọng Giễn đã giới thiệu, mở giùm vài cánh cửa. Các GS TSKH Nguyễn Văn Hùng và Phạm Thúc Tuyền của trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã giúp cho những ngày thăm viếng cố đô của tôi thêm ý nghĩa. Sau cùng, nhờ các giáo sư Nguyễn Xuân Tranh và Dương Hiếu Đấu của trường Đại học Cần Thơ mà tôi đã có những kỷ niệm không bao giờ quên được ở thủ đô miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long.


*


Phụ chú – Chiến Tranh Mỹ-Tây Ban Nha và Phi Luật Tân: Nước Mỹ có một đoạn lịch sử đặc sắc, đầy mầu sắc, đó là trận chiến giữa Mỹ và Tây Ban Nha. Câu chuyện bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 19, đế quốc Tây Ban Nha tàn tạ, đánh nhau để cố giữ thuộc địa ở Phi Luật Tân và Cuba. Lính Tây Ban Nha dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo, dồn dân quê vào một hệ thống xóm làng đặc biệt mà họ gọi là “trại tập trung” để cô lập phiến quân bản xứ. Dư luận Mỹ đặc biệt bất bình về sự dã man của lính Tây Ban Nha ở Cuba; để xoa dịu quần chúng, Tổng thống William McKinley gửi chiến hạm Maine đến vịnh Havana. Vừa đến vịnh, chiến hạm Maine bị nổ đắm tức thì, gần như chắc chắn vì tai nạn nhưng báo chí và công luận cho đó là bị tấn công. “Hãy nhớ Chiến hạm Maine” – Remember the Maine – với khẩu hiệu này, nước Mỹ huy động quần chúng và tuyên chiến.

Lực lượng Mỹ đánh quân Tây Ban Nha thảm bại ở Cuba và Puerto Rico. Ở Phi Luật Tân, quân Tây Ban Nha bị phiến quân đánh cho khốn đốn trong khi hải quân Tây Ban Nha bị đè bẹp trong vịnh Manila bởi hạm đội Mỹ của George Dewey.

Tin tưởng rằng đã được tự do, phiến quân Phi Luật Tân liền tuyên bố độc lập theo mô hình Mỹ. Nhưng Dewey từ chối không dự lễ; thay vào đó, ông ta thu xếp cho quân trú phòng Tây Ban Nha ở Manila đầu hàng lực lượng Mỹ, từ chối không cho phiến quân vai trò nào trong lễ đầu hàng và cấm cả họ không được vào Manila nữa.

Một quốc gia sinh ra từ nổi loạn, chống đế quốc, người Mỹ có truyền thống không chấp nhận ý nghĩ có thuộc địa ở hải ngoại. Nhưng từ cuối thập niên 1880, một nhóm trí thức nhỏ có nhiều ảnh hưởng, trong đó có Tổng thống tương lai Theodore Roosevelt bắt đầu lý luận, muốn bành trướng đế quốc thế lực Mỹ, một phần vì quyền lợi kinh tế, một phần vì lý tưởng muốn truyền bá giáo lý Ki-Tô.

Chiến thắng Tây Ban Nha bắt buộc Mỹ phải quyết định nhận hay bỏ chủ nghĩa đế quốc. Cuba được độc lập vì trước cuộc chiến, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc đó (mặc dù có nhiều người đòi sáp nhập), còn đối với Phi Luật Tân thì không có đường hướng nào. William McKinley khắc khoải trong chọn lựa. Ông nói với các người lãnh đạo nhà thờ trong một buổi họp, “Tôi không biết phải làm gì, nhiều đêm tôi quỳ gối, cầu nguyện Thượng đế soi sáng, hướng dẫn tôi. Và một đêm tôi có ánh sáng đó. Việc độc nhất còn lại cho chúng ta phải làm là chấp nhận tất cả, giáo dục dân Phi Luật Tân, nâng cao, khai hoá và truyền bá giáo lý Ki-Tô cho họ...”

Tây Ban Nha đô hộ Phi Luật Tân đã mấy trăm năm, đa số dân Phi, quá 80%, theo đạo Thiên chúa khi McKinley muốn truyền bá giáo lý Ki-Tô cho họ. Nếu người Mỹ tin rằng dân Phi sẽ đón tiếp nồng nhiệt đoàn quân giải phóng, ấy là vì họ chỉ gặp và nghe loại người Phi giầu có, chủ đất đai muốn sáp nhập vào Mỹ. Sự thật là đa số dân Phi không muốn và đã quay súng bắn. Họ thua nhưng không hàng và bắt đầu chiến tranh du kích.

Lực lượng Mỹ có chừng 25 000 quân, đối đầu với chừng 80 000 quân du kích Phi. Trong cái nỗ lực mà quá nửa thế kỷ sau gọi là “hearts and minds”, người Mỹ cho xây dựng trường học, đường xá, cải thiện hệ thống vệ sinh. Họ trích ngừa cho trẻ con, thiết lập toà án Phi và giám sát bầu cử địa phương. Cả nghìn người Mỹ trẻ tình nguyện dạy ở các trường học. Tất cả đều vô ích. Người Mỹ thất bại và trở nên càng ngày càng hung bạo. Một nhân viên Hồng Thập tự Mỹ báo cáo về “những xác chết Phi bị cắt xẻo rùng rợn, bụng bị phanh toang, đôi khi mất đầu.”

Tháng Giêng 1902, một thiếu tá Mỹ bị đưa ra toà về tội cho giết 11 tù nhân mà ông ta nghi là phiến quân. Ông này khai là một ông tướng đã ra lệnh cho ông giết chết mọi nghi phạm bắt được, “Tôi không muốn có tù nhân,” ông tướng nói, “tôi muốn ông giết hết, đốt hết.” Ông thiếu tá còn khai thêm đã giết tất cả những tù nhân từ mười tuổi trở lên. Toà án binh xử ông thiếu tá trắng án, còn ông tướng bị cho về hưu.

Vụ án làm náo động dư luận Mỹ. Điều trần tại Thượng nghị viện Mỹ cho biết lính Mỹ đốt cả làng, giết thường dân và tra tấn tù nhân. Để làm ngắn câu chuyện, bộ chỉ huy Mỹ dùng lại chiến thuật Tây Ban Nha, “trại tập trung”, với tên mới, “vùng bảo vệ” – zones of protection. Chừng 300 000 dân Phi bị quây vào những trại này, trai tráng khỏe mạnh nào bị bắt gặp bên ngoài đều bị bắt hay bắn.

Phương pháp này hiệu nghiệm. Dần dà, phiến quân không người chỉ huy tan rã, tuy những cuộc nổi loạn lẻ tẻ tiếp tục đến năm 1912. Trong cuộc dẹp loạn này, người Mỹ bị chết 4 234 và bị thương 2 818 người. Để so sánh, trong trận chiến Mỹ-Tây Ban Nha, 379 lính Mỹ bị chết. Ít nhất 11 000 người Phi chết trong trại tập trung, phần lớn vì bệnh tật và thiếu ăn. Chừng 20 000 phiến quân Phi bị giết vì đánh nhau, và ít nhất 200 000 thường dân bị chết vì đói, bệnh tật hay vì bị hành hạ.

Cuối cùng, năm 1946, Phi Luật Tân được Mỹ cho độc lập sau khi Nhật thua trận; trong thực tế, quyền hành ở Phi Luật Tân bị nắm gọn trong tay vài gia đình giầu có, đồng minh của các công ty Mỹ. Năm 1986, sau khi chế độ độc tài của Ferdinand Marcos sụp đổ, Phi Luật Tân lần đầu tiên có một chính phủ thực sự “tự do và dân chủ” – 88 năm sau cái mà người Mỹ gọi là “trận chiến huy hoàng bé nhỏ” – the splendid little war.

Vài tháng sau khi xâm chiếm Iraq, Tổng thống Mỹ George W. Bush đi thăm Phi Luật Tân, ông tuyên bố trước Quốc hội Phi: "Together our soldiers liberated the Philippines from colonial rule." Các ông nghị Phi chắc phải sửng sốt. Trong thực tế, phiến quân Phi chiếm độc quyền việc chết chóc và Phi cũng không được độc lập; trong chiến thắng, Dewey mất chín thuỷ thủ bị thương và một người chết vì say nóng (heatstroke).

Hà Nội 03/2006
Gatineau 07/2006

© 2006 talawas