© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
30.12.2006
Nguyễn Hữu Sơn
Ba người khác của nhà văn lớn Tô Hoài và ba dòng suy ngẫm của một người đọc
 
Thuộc thế hệ những người sinh ra sau thời kỳ cải cách ruộng đất và trưởng thành chủ yếu vào giai đoạn chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội song chúng tôi cũng tiếp nhận được phần nào ký ức về những tháng ngày bi thương của ngời nông dân thời cải cách ở khắp mọi vùng thôn quê qua nhiều câu chuyện của lớp người đi trước. Rồi đó chúng tôi được quan sát, chứng kiến cuộc sống thường nhật và ngay cả những ám ảnh đối với con em tầng lớp được/ bị gọi là địa chủ, kể cả lớp địa chủ từng bị qui oan sai, địa chủ yêu nước, địa chủ đã hạ thành phần xuống phú nông, trung nông. Không có gì phải nghi ngờ rằng những sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất 1955-56 đã gây tổn thất cho một bộ phận lớn các trí thức nông thôn và ngay cả những người có công với kháng chiến, phá vỡ nhiều mối quan hệ truyền thống kinh tế - văn hóa - xã hội - gia tộc, từ đó để lại những dấu ấn nặng nề trong đời sống tinh thần người dân nhiều làng quê Bắc bộ. Đến nay, việc nhận thức lại những đúng sai về mức độ hậu quả/ hệ qủa của nó cơ bản đã được giải quyết trên phương diện định hướng lý luận. Bên cạnh việc khẳng định những thắng lợi của chính sách cải cách ruộng đất, giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã xác nhận: "Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất, bên cạnh những thành công kể trên, Đảng ta đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng trong chỉ đạo thực hiện, nhưng sau một thời gian mới phát hiện được" (Tái bản. NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2005, tr. 176-177).

Trên thực tế, qua vừa tròn nửa thế kỷ, việc đánh giá lại những được mất, đúng sai của cải cách ruộng đất nhất thiết cần phải tính đến cả những yêu cầu cụ thể của hoàn cảnh đất nước giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước - nhiệm vụ trung tâm đấu tranh giải phóng dân tộc - khiến cho nhiều vấn đề của cải cách ruộng đất tạm thời được gác sang một bên. Chỉ có điều, trong cái nhìn tỉnh táo về hiện thực lịch sử cũng như yêu cầu thanh lọc, hóa giải ký ức tâm linh về một trang sử bi hùng của dân tộc lại rất cần đến việc "thau chua rửa mặn", cần đến một bài học kinh nghiệm của chủ nghĩa nhân đạo khả dĩ đủ sức gỉai tỏa mọi u ám và giúp cho lương tri con người biết tự cảnh tỉnh và đủ tỉnh táo trong mọi quyết sách liên quan đến số phận mỗi cá nhân và cả cộng đồng, dân tộc, thời đại. Chính với tinh thần đó tôi cho rằng, với một sự điều chỉnh phù hợp, đề tài cải cách ruộng đất vẫn còn vị trí và ý nghĩa nhân văn nhất định trong đời sống văn học - trước hết đành trông cậy vào sức mạnh của văn học (tương lai có thể là điện ảnh) - cả trong hôm nay cũng như ngày mai.

Với những dự cảm trên, tôi đón đọc tiểu thuyết Ba người khác của nhà văn Tô Hoài (NXB Đà Nẵng, 2006, 250 trang) và nêu lên ba dòng suy nghĩ. Tôi cũng xin mở ngoặc, cụ Tô Hoài sinh năm 1920, thuộc lớp nhà văn “cao cao tại thượng”, đã có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho nền văn học Việt Nam hiện đại và được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.


1. Đặt trong tương quan những tiểu thuyết tiêu biểu thời kỳ Đổi mới cùng viết về đề tài cải cách ruộng đất như Ngày thứ bảy u ám của Trần Văn Tuấn (1988), Ác mộng của Ngô Ngọc Bội (1990)... có thể thấy tư duy tiểu thuyết ở Ba người khác của Tô Hoài in đậm phong cách truyện ký, trong đó câu chuyện "có thể được coi là một mảng ký ức trong cuộc đời nhà văn Tô Hoài", đan xen giữa "ký ức" và "tâm tưởng", "ký ức của người trong cuộc" (Lời giới thiệu)... Nhà văn có biệt tài trong việc tạo dựng không khí, sử dụng ngôn từ chân thực, sinh động, mô tả tình tiết, kể chuyện rỉ rả, tưng tửng, uyển chuyển, cuốn hút. Tuân theo trật tự thời gian, nhân vật "Tôi" kể lại những điều tai nghe mắt thấy và trải nghiệm qua tất cả mọi cung bậc tham - sân - si - ái - ố - hỷ - nộ của những ngày cải cách u ám và phần vĩ thanh buồn thảm. Điểm nhìn ngôi thứ nhất của nhân vật "Tôi" với những "Tôi đi..., Tôi nói..., Tôi làm..., Tôi gặp..., Tôi..., Tôi..." khiến cho nhân vật chính này trở thành một kiểu quan sát viên, nhân chứng - người dẫn chuyện và hòa đồng, bình đẳng cùng các nhân vật Cự, Đình... Bản thân nhân vật chính "Tôi" có tên Bối lại chưa đạt tới kiểu nhân vật "con người này", thường xuyên phân thân vừa là chứng nhân vừa là người trong cuộc, vừa là tội nhân - nạn nhân - kẻ đồng lõa. Điểm nhìn của nhân vật "Tôi" và sự hòa đồng trong nhiều nhân vật khác, hòa tan vào hoàn cảnh, biến cố, sự kiện, dàn trải với nhiều tình tiết, chi tiết càng khiến tác phẩm gia tăng phong cách truyện ký, ghi chép sự kiện, chi tiết, giảm đi khả năng xây dựng nhân vật điển hình và giọng điệu tiểu thuyết.


2. Đặt trong tương quan với hai tác phẩm Cát bụi chân ai (1992) và Chiều chiều (1997) cũng của chính nhà văn Tô Hoài, tôi cho rằng Ba người khác là một bước lùi trong phương hướng cảm nhận và phản ánh hiện thực. Nếu như với Cát bụi chân aiChiều chiều, bút pháp châm biếm tỏ ra sắc sảo, hóm hỉnh, thâm thúy, sâu cay với liều lượng vừa phải và cơ bản còn đảm bảo được tính khách quan chân thật "nói có sách mách có chứng" thì đến Ba người khác lại thiên về biếm họa, hý họa, tự trào, trào lộng. Hai tác phẩm trên đồng hành với công cuộc Đổi mới, thực sự có ý nghĩa gợi mở, khám phá, đưa lại ý thức giác ngộ (giác tính) khả năng tự phản tỉnh, tinh thần phản biện xã hội và những nhận thức mới sâu sắc thì Ba người khác lại mang cảm hứng tếu táo, biếm họa một chiều. Ngay chính nhân vật "Tôi" cũng tha hóa, mưu mô, xảo quyệt, hòa trong sự u tối, mánh lới chung của mọi kiểu người, mọi lớp chúng sinh, như nhau cả thôi. Vì vậy, sự xuất hiện nỗi ám ảnh xa xôi như trong Lời giới thiệu: "Thậm chí có thể có ý kiến nhầm lẫn cho rằng lối viết có điểm tự nhiên chủ nghĩa (như giai đoạn trớc cách mạng)"... quả thực không phải là không có cơ sở.


3. Nói riêng trong Ba người khác, tác giả triệt để khai thác những mặt trái của cải cách ruộng đất cũng như mặt trái của tất cả hình ảnh, tính cách nhân vật, từ anh cán bộ đội đến người nông dân thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, mức độ giàu nghèo. Không có gì khác hơn, nếu các anh chị bần cố rễ chuỗi ngày xưa vì ngô nghê mê muội mà đi đấu tố những người bị qui là địa chủ với Quốc dân Đảng thì Ba người khác cũng lại tếu táo và hăng hái trống giong cờ mở đi đấu tố lại cuộc cải cách ruộng đất từ nửa thế kỷ trước, không cần phân chia thiện - ác, bi - hài, đúng - sai, được - mất. Tấn bi kịch lại hoán vị, đánh đổi bằng bức tranh châm biếm, trào lộng. Quá chú tâm biếm họa, khai thác mặt trái của cải cách ruộng đất, nhà văn đẩy tất cả các nhân vật vào "hố đen" của những toan tính và sự tham lam, nhếch nhác, a dua, giả dối, lừa lọc, khốn cùng. Người đọc không còn nhìn thấy đâu cái hoàn cảnh (một phần hay tất cả hoàn cảnh vô nhân tính) đã qui định, xô đẩy con người vào vòng tội lỗi mà chỉ thấy chính những con người đó sống trong tội lỗi, làm nên tội lỗi, bản thân họ tiềm tàng căn tính tội lỗi. Giữa hoàn cảnh và con người, không còn thấy đâu ranh giới của những nguyên nhân và hậu quả, tội nhân và nạn nhân, chỉ thấy tất cả các nhân vật đều mù quáng, tăm tối, ngu muội như nhau với những cung cách biểu hiện ít nhiều khác nhau. Tất cả các nhân vật, từ đội trưởng Cự, đội phó "Tôi" phụ trách tòa án, đội viên Đình cho đến những cô Đơm, cô Duyên "sinh hoạt như gà" dường như đều không chịu sự qui định của một hoàn cảnh bất thường tha hóa, phi nhân tính mà có phần ngược lại, chính nhờ hoàn cảnh đó lại giúp họ trở nên như cá gặp nước, như diều gặp gió, khiến cho phần bản năng của họ được tự nhiên nhi nhiên, phi phới nảy nở, phát huy đến tận độ (!?). Điều này tạo nên sự lệch pha sâu sắc trong việc thể hiện mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh, thậm chí là những biếm họa bôi bác cuộc sống và tư chất của người nông dân... Thêm nữa, bản thân mỗi nhân vật cũng tan biến trong mọi nhân vật, tan biến trong lực hút của cái xấu cái ác, không còn thấy đâu một chút nhân tính và hơi ấm tình ngời. Như thế họ không phải chỉ là nạn nhân mà còn chính là tội nhân nữa (!?). Họ không chỉ đáng thương mà còn là đáng kiếp nữa (!?). Nếu so với dòng văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám thì thấy ngay cả những anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo... cũng còn khả dĩ tìm thấy những ánh thiêng liêng và phẩm giá con người, trong khi nguồn sáng ấy hoàn toàn vắng bóng trong Ba người khác. Khách quan mà nói, tiếc thay, sự thiếu vắng phần nhân tính có thể cứu rỗi con người ấy lại không phải do hoàn cảnh tạo nên. Nói cách khác, tác giả đã cho thấy một hoàn cảnh "vốn thế" với những nhân vật "vốn thế", chỉ cần có điều kiện, thời cơ là nhập cuộc, bằng nhau, như nhau, không có ai là chủ thể chịu trách nhiệm. Tác phẩm chỉ còn là một quá vãng bầm dập, một tiếng thở dài, thương tâm thật đấy nhưng không có bi kịch, không có nỗi bi thương, bi thống, không có niềm ân hận, xót xa. Lại nữa, ngay nhân vật "Tôi" - Bối cũng chỉ là anh láu cá, "Sống chết mặc bay/ Tiền thầy bỏ túi", họ nhà lươn, vui vẻ trẻ trung, cơ hội, bông phèng, vô thưởng vô phạt, hò lơ hó lơ, hò lơ hó lơ...


Thay lời kết

Có thể xác định rằng việc phản ánh cải cách ruộng đất theo một chiều u ám vô hình trung chính lại là tâm thức chối bỏ trách nhiệm, tâm thế đánh đồng, đổ đồng, cào bằng, thiếu công bằng với hiện thực lịch sử cải cách ruộng đất. Trong một ý nghĩa nào đó, dường như tác giả chủ ý gián cách lui vào góc xa để nhìn lại toàn cảnh cải cách ruộng đất song lại lùi quá xa, đến mức khuất lấp trong bóng tối, chìm trong bóng tối và tâm thế biếm họa, phản ánh hiện thực nghiêng hẳn về gam màu tối thẫm. Tác phẩm thiếu đi nguồn sáng nhân văn, thiếu đi niềm tin vào con người, thiếu đi tính bi kịch và niềm ân hận cao cả thì thật không dễ cảnh tỉnh, thức tỉnh được con người trước bài học quá khứ. Tất nhiên, sẽ có những người khác với cách đọc khác, có sự gián cách và thanh lọc cần thiết, họ sẽ chỉ ra những chiều kích giá trị mà tôi chưa hiểu hết chăng?...

Hà Nội, ngày 21-12-2006

(Bài tham dự Tọa đàm về tiểu thuyết Ba người khác của nhà văn Tô Hoài do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 22-12-2006)