© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.1.2007
Thanh Thảo
Giải thưởng chỉ là một phần của đời sống văn học
Lương Lê Giang thực hiện
 
Lương Lê Giang: Chào anh Thanh Thảo! Xin một vài nhận xét của cá nhân anh về tình hình văn học nước nhà thời gian qua, được không ạ?

Thanh Thảo: Câu hỏi của anh lớn quá, mà tôi thì không phải chủ tịch hay ủy viên chấp hành Hội Nhà văn, nên sợ trả lời có điều gì thất thố chăng (?). Dù sao, anh đã hỏi, tôi xin nói vắn tắt thế này: văn học Việt Nam thời gian qua vẫn phát triển. Đã có một Tô Hoài 86 tuổi vừa cho in tiểu thuyết Ba người khác viết về thời cải cách ruộng đất. Tác phẩm này hình như Tô Hoài viết đã khá lâu rồi, nhưng tới bây giờ mới ra mắt độc giả được. Đúng như cách Tô Hoài vẫn “cân đong” cái mà người ta hay gọi là “thời tiết chính trị” ở ta để biết lúc nào thì có thể nói được điều gì, in ấn được cái gì, như nhà phê bình Đặng Tiến đã nhận xét rất tinh. Nhưng dù sao, sau những Cát bụi chân ai hay Chiều chiều ( cuốn hồi ký rất hay dường như đã bị lặng lẽ… thu hồi) mà “đại ca” Tô Hoài chưa… ngán, vẫn âm thầm tiếp tục những tác phẩm mới của mình về cùng một thời kỳ “nhạy cảm” dù đã xa, thì chúng ta phải biết ơn ông. Nếu không có Tô Hoài để viết về thời kỳ ấy, thì tôi nghĩ chẳng còn ai đủ vốn sống, chất sống và văn tài để viết, và như thế, có thể có những điều sẽ “mãi mãi là bí mật”. Những nhà văn nhà thơ khác tuổi tác tuy khác nhau nhưng vẫn sáng tác và vẫn có những tác phẩm, có điều để trở thành “hiện tượng” thì chưa thấy. Đã có một “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, đã có một “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu đều trở thành “hiện tượng văn học” của năm, nhưng là năm ngoái. Năm nay thì có tự truyện của Lê Vân vừa ra mắt đã nổi đình nổi đám, không phải vì văn chương, mà vì nội dung tự truyện gây “sốc”. Thơ vẫn có những tìm tòi, những tác giả trẻ vẫn tìm nhiều cách “tháo cũi sổ lồng” - dẫu nhiều khi ta như chưa biết họ muốn “tháo” cái “lồng” nào? Về tiểu thuyết của tác giả trẻ, tôi mới đọc xong một cuốn tiểu thuyết của một nữ tác giả thế hệ 8X “mới toanh” tên là Vũ Phương Nghi, sinh 1983, hiện đang học ở Thượng Hải (sinh viên khoa mỹ thuật), tên cuốn sách là Chuyện lan man đầu thế kỷ, và đề tài thì hết sức mới lạ, ít ra là với tôi: đó là đề tài về cuộc sống của một “hủ nữ”. Nghe cái tên “hủ nữ” này, chắc nhiều người cũng ngạc nhiên và tò mò không kém gì tôi. Nhưng không hẳn vì đề tài “lạ”, mà chính cách viết vừa hồn nhiên vừa chân thành, lại thêm một chút hài hước, một chút tự trào của một nữ tác giả trẻ đã cuốn hút tôi, khiến tôi đọc một mạch hết cuốn sách. Lâu nay, ta hay đọc những tác giả trẻ rất tự tin, rất tự hào, chứ ít khi gặp được một tác giả trẻ biết tự trào. Mà trong văn học, cái biển mênh mông khôn lường này, thì đôi khi một chút tự trào có thể đưa ta - như chiếc thuyền thúng đưa ta - thoát những vũng xoáy, những đá ngầm, những cạm bẫy của hư danh.

Lương Lê Giang: Gần đây những cuốn sách theo dạng “tự truyện” đang “được mùa”. Tại sao có hiện tượng này?

Thanh Thảo: Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng có nhu cầu “sám hối” từ những cuốn sách tự truyện này. Tôi thì không nghĩ như vậy. Người ta có khối gì cách để sám hối, hà tất phải viết tự truyện. Dường như có nhu cầu muốn xới lật những gì lâu nay được (hay bị) coi là “nhạy cảm”, được cất giấu cẩn thận, nhiều khi quá cẩn thận. Nhưng lại dường như nhu cầu “xới lật” ấy chưa phải đã có trong những tác phẩm tự tuyện gần đây. Tôi nhớ, tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn mà tôi cho là mang đậm tính tự truyện. Đó là một tiểu thuyết rất hay, rất chân thành và không né tránh. Nếu đã viết tự truyện, thì nên viết theo tinh thần ấy: không né tránh nhưng không sa vào vụn vặt, nhất là không nhằm tự đề cao mình. Còn nếu anh không có tội, thì cũng chả việc gì phải sám hối, nhưng nên chân thành trong mỗi dòng mình viết, đừng dối trá.

Lương Lê Giang: Nhân ý anh, cũng có người cho rằng một số “tự truyện” gần đây ở ta hay có xu hướng tự đề cao mình và hạ thấp “tha nhân”, ý anh thế nào?

Thanh Thảo: Tôi nghĩ, người viết có toàn quyền để viết những gì mình cho là đáng viết, và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những trang viết của mình. Người tự trọng thì không bao giờ “tự túm tóc mình kéo lên” và cũng không “dìm đầu người khác xuống”. Nhưng dù là tự truyện, là hồi ký hay nhật ký, thì cuối cùng, chất văn học vẫn phải đặt lên hàng đầu, nếu nó muốn được coi là tác phẩm văn học.

Lương Lê Giang: Về giải thưởng văn học năm nay, anh thấy có điều gì “bất thường”?

Thanh Thảo: Đúng là có “bất thường” so với những mùa giải “bình lặng” trước, ở chỗ giải Thơ năm nay đã không trao được, tuy đã xét được, vì… không có người nhận. Người được tặng thưởng từ chối, và người được giải thưởng đến phút cuối cùng cũng… từ chối. Chỉ khổ cho ông Chủ tịch Hội đồng chung khảo phải lo giải thích đủ kiểu với báo chí, mà cách giải thích nào xem ra cũng… không ổn. Nếu là tôi, thì tôi cho rằng, từ chối nhận giải thưởng phải được coi là chuyện bình thường. Chỉ có điều, xét giải như thế nào để ai cũng… từ chối hết như vậy thì rõ ràng là không bình thường rồi! Nhân đây cũng nói thêm, không phải chỉ Hội Nhà văn là gặp “sự cố” trong việc xét thưởng. Các Hội khác đều có, nhưng họ đã “tự thu xếp” với nhau được. Tôi thì lại rất ủng hộ sự công khai và những gì đã dẫn đến “sự cố” ở giải thưởng Hội Nhà văn năm nay. Nó chứng tỏ, một lần nữa Hội Nhà văn vẫn đi đầu trong “công khai, dân chủ” (?) như đã từng như vậy. Và ở đây, vai trò của báo chí, của công luận lại một lần nữa được khẳng định. Không thể đi tới một xã hội dân chủ và văn minh nếu không có vai trò của báo chí. Trong hoạt động văn học nghệ thuật cũng vậy. Giải thưởng, dù “to” tới đâu, cũng chỉ là một phần của đời sống văn học. Nhiều khi, cái phần đó cũng không quá to như ta vẫn nghĩ, nếu so nó với chính văn học và những gì văn học làm được (và chưa làm được) cho con người.

Lương Lê Giang: Thực tế cho thấy chất lượng của các giải thưởng ngày càng thấp. Theo anh đâu là nguyên nhân?

Thanh Thảo: Có khi nguyên nhân ở chất lượng của văn học, nhưng cũng có khi (nhiều khi) nguyên nhân lại ở… Hội đồng xét thưởng. Vì đã không chọn được những tác phẩm xứng đáng trao giải để trao.

Lương Lê Giang: Một thế hệ những người cầm bút trẻ đang trưởng thành. Anh có lời chúc gì cho họ trên “con đường vạn dặm” của văn học?

Thanh Thảo: Cách đây đúng… một phút tôi vừa có lời chúc huấn luyện viên bóng đá Nguyễn Văn Vinh, khi ông sắp lên máy bay sang Anh quốc để cùng CLB Hoàng Anh-Gia Lai ký hợp đồng chính thức với CLB lừng danh Arsenal về việc Arsenal của ông Wenger giúp HA-GL mở một “Học viện bóng đá trẻ” đầu tiên ở Việt Nam. Lời chúc rất giản dị: Lên đường may mắn! Tôi cũng xin chúc các nhà thơ nhà văn trẻ của chúng ta như vậy. Chúng tôi kỳ vọng vào các bạn, như bóng đá Việt Nam kỳ vọng vào những cầu thủ trẻ sẽ được tuyển vào “Học viện bóng đá” HA-GL sắp tới. Đúng là “đường còn xa/đêm tối/chân rướm máu/khoảng sương trắng mờ kia có thật chăng/” (thơ lăng nhăng của tôi ấy mà). Nhưng dù thế nào, cũng phải lên đường thôi! Vậy thì, hãy “Lên đường may mắn!”

Lương Lê Giang: Xin cảm ơn anh!

Tháng 12/2006

© 2007 talawas