© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ TrẻVăn học nước ngoài
7.11.2002
Nicholas
Czeslaw Milosz - Nhân chứng thế kỷ 1
Võ Tấn Phong dịch
 
Từng bị cấm, nhưng giờ đây là anh hùng ở quê hương Ba Lan của ông, ông đã chứng kiến những thái cực chính trị bao gồm chế độ Sa hoàng, cách mạng, sự chiếm đóng của phát-xít, những năm 50 dưới chế độ cộng sản và những năm 60 của nổi loạn. Nhưng nhà thơ đoạt giải Nobel này nói rằng ông chưa bao giờ bi quan. Bài viết của Nicholas.

Thứ bảy ngày 10 tháng 11 năm 2001

Tháng 12 năm 1980, một bức tượng được được khánh thành ở xưởng đóng tàu Gdansk ở Ba Lan, nơi khai sinh Công Ðoàn Ðoàn Kết, để kỷ niệm những công nhân xưởng đóng tàu bị giết bởi lực lượng an ninh một thập kỷ trước. Trên bệ bức tượng là hàng chữ từ Thánh Ca (Psalm) 29:11, được nhà thơ Czeslaw Milosz dịch sang tiếng Ba Lan:"Thượng Ðế sẽ truyền sức mạnh cho con dân của người". Năm sau Milosz trở về Ba Lan sau 30 năm lưu đày ở phương Tây. Khi ông đến xem bức tượng Gdansk, những thành viên của Công Ðoàn Ðoàn Kết đã mở ra tấm biểu ngữ lớn với hàng chữ: "Nhân Dân Sẽ Truyền Sức Mạnh Cho Nhà Thơ".

Ngay những năm sau chiến tranh, Milosz đã làm việc cho nước Cộng Hoà Nhân Dân Ba Lan trong vai trò tuỳ viên văn hoá cho bộ ngoại giao ở Mỹ, nhưng đến năm 1951 ông đã từ bỏ chính quyền, làm người lưu vong ở Paris, và các trước tác của ông bị cấm ở Ba Lan. Tuy nhiên, tác phẩm của ông đã được lưu hành rộng rãi dưới dạng in lén và ông trở thành gần như huyền thoại trong cộng đồng chống chính quyền. Cuốn nghiên cứu về lý tưởng chuyên chế xuất bản năm 1953, Tinh Thần Tù Túng (The Captive Mind), đã dám đối mặt với cả những sự hấp dẫn tinh tế cũng như những cơ cấu của sự nô lệ hoá. Trong thơ ông, đặc biệt là trong những cuốn tự thuật, những mô tả của ông về một quê nhà lý tưởng và thanh bình là niềm xoa dịu cho một đất nước sống trong một thế giới bấp bênh dưới ách ngoại bang. Ông được tặng thưởng giải Nobel văn chương vào tháng mười năm 1980, và sau một cuộc gặp gỡ có tính biểu tượng lớn lao với Lech Walesa ở trường đại học Công giáo Lublin năm 1981, vai trò nhà thơ dân tộc của ông đã được khẳng định.

Trên bệ của bức tượng Gdansk cũng khắc dòng chữ trong đoạn thơ gần cuối của bài thơ Ngươi Kẻ Ngược Ðãi 2 (You Who Wronged) của Milosz: "Ðừng cảm thấy an toàn. Nhà thơ sẽ ghi nhớ. Ngươi có thể giết một người, nhưng người khác sẽ ra đời. Lời sẽ được viết xuống, làm gì, ngày nào".

Milosz viết những dòng này vào năm 1950 khi ông làm việc cho toà đại sứ Ba Lan ở Washington, và với vài nhóm đối lập người Ba Lan, đặc biệt là những nhóm mang khuynh hướng quốc gia mà chủ nghĩa dân tộc cực đoan của họ đã bị ông chỉ trích giữa những năm chiến tranh, thời gian ông làm việc cho chính quyền đã khiến ông không còn thích hợp làm một đại diện lương tâm cho đạo đức và văn hóa. Nhưng đối với hầu hết người Ba Lan, việc thiếu một hệ tư tưởng thuần nhất làm ông càng xứng đáng làm người đại diện cho sự thăng trầm đầy phức tạp của đất nước.

© Talawas 2002

Ðoạn cuối cùng đầy cay đắng trong bài thơ Ngươi Kẻ Ngược Ðãi - "Và ngươi sẽ làm gì hơn khi mùa đông đến,/Một sợi dây, và một cành cây cúi rạp bên dưới sức nặng của ngươi" - làm ta không còn nghi ngờ gì nữa sự vỡ mộng một cách sâu xa và đầy thịnh nộ với chế độ đang trở thành [nhà nước] kiểu Stalin, mặc dù bài thơ được viết ra không phải để công bố. Giờ đây ông nói "Tôi theo dõi tình hình Ba Lan và đã hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng bài thơ được viết ra cho riêng tôi, cho ngăn kéo bàn của tôi. Nó phải chờ 30 năm cho thời điểm của nó".

Ngày nay Milosz đã 90 tuổi và trong suốt cuộc sống và cuộc đời viết văn ông phải thường chờ đợi cho thời điểm của ông. Ngay cả sự trở về Ba Lan trong tư thế chiến thắng vào năm 1981 cũng trở thành một buổi bình minh giả tạo. Chỉ vài ngày sau chuyến hồi hương ấn bản thơ hợp pháp đầu tiên ở Ba Lan của ông đã bán hết 150 000 cuốn, để ngay sau đó lại bị cấm một lần nữa và trở thành sách bất hợp pháp khi luật giới nghiêm được ban hành như một biện pháp của chính quyền nhằm bóp nát phong trào Công Ðoàn Ðoàn Kết.

Nhưng cuộc chơi của Milosz bao giờ cũng dài, và khó mà thấu hết những giai đoạn lạ thường ông đã sống qua. Ông lớn lên ở Ba Lan, ở Lithuania, dưới quyền cai trị của Nga Sa hoàng, và khi còn thơ đã chứng kiến cuộc Cách Mạng Tháng Mười và thế chiến thứ nhất. Khi lớn lên ông trải qua thời kỳ chiến tranh với phát-xít [Ðức-ND] xâm lăng Warsaw và sau đó Liên Xô chi phối Ba Lan. Trong lưu đày, khi chống chèo qua vùng nước trí thức đầy sóng gió trong những năm 1950 ở Paris, ông là một tác giả nghèo xác xơ; và sau đó trong cuộc cách mạng phản văn hóa trong những năm 1960 ở California, ông là giáo sư tại Ðại học Berkerley.

Nhà thơ đoạt giải Nobel Seamus Heaney mô tả Milosz là "ở trong số những thành viên của nhân loại đã có được cái đặc quyền hiểu biết và nếm mùi thực tế nhiều hơn số còn lại chúng ta". Một người được giải Nobel khác, Joseph Brodsky, đã nói: "Tôi có thể nói không có chút ngập ngừng rằng Czeslaw Milosz là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta, có lẽ là người vĩ đại nhất".

Trong tháng này Tuyển tập Thơ của ông được xuất bản ở nước Anh. Nó gồm các tác phẩm được viết từ năm 1930 đến đầu năm nay [2001-ND]. Jerzy Jarniewicz, nhà thơ và giáo sư Anh ngữ ở Ðại học Lodz, nói rằng ảnh hưởng của ông trên văn chương Ba Lan và thế giới là rất lớn. "Thơ của Milosz trong những năm 30 báo hiệu cơn đại thảm họa chiến tranh. Rồi, vào năm 1943, sau cuộc nổi loạn của khu ổ chuột ở Warsaw, ông là nhà thơ Ba Lan duy nhất đã chứng kiến, phản ứng và nêu ra một vấn đề đã nằm im lìm ở Ba Lan trong nhiều thập kỷ: mối quan hệ giữa người Ba Lan và người Do Thái, và cảm giác lương tri tội lỗi về điều đang xảy ra. Sau chiến tranh, ông là người mở cửa nền thi ca Ba Lan bằng cách giới thiệu nhiều nhà thơ Châu Âu và Hoa Kỳ. Chẳng hạn, Milosz là người đầu tiên đã dịch Hoang Ðịa (The Waste Land)".

Nhà thơ quốc gia (poet laureate) của nước Anh Andrew Motion đã nói rằng ảnh hưởng của Milosz đã lan đến tận phương Tây. "Không thể nào hiểu được bài thơ Con Quạ của Ted Hughes từ đâu ra, trừ phi hiểu được những cội rễ sâu xa trong văn chương trung-Âu (middle-European). Milosz là một phần của nền văn chương đó. Khi Con Quạ ra đời ai cũng bảo rằng nó mới, nhưng dĩ nhiên không phải vậy. Nó chứa đầy những thành ngữ và, về mặt biểu tượng của bài thơ, bị ảnh hưởng rất mạnh bởi thi ca Trung Âu vốn có một cách quảng bá khác về sự hiện hữu của mình như một lối viết tượng trưng hay phóng dụ."

Nhưng Motion cũng thừa nhận rằng việc Milosz dùng lịch sử và văn chương Ba Lan làm chủ đề có thể gây khó khăn cho một độc giả chưa quen. "Tôi rất thích thú đọc thơ ông, nhưng mới đây khi tôi đọc một tập thơ của ông, tôi mất nhiều thời gian tự nhủ 'tôi chả hiểu gì cả'. Nó đã có ảnh hưởng mạnh lên tôi nhưng tôi nhận ra rằng tôi đã không hiểu rất nhiều điển tích".

Robert Hass, nguyên là thi sĩ quốc gia của Hoa Kỳ, là người chủ yếu trong việc dịch thơ của Milosz từ tiếng Ba Lan sang tiếng Anh. Ông đồng ý rằng những chi tiết về đời sống nghệ thuật và văn hóa Ba Lan thỉnh thoảng tìm thấy trong thi ca dường như "một màn kịch ướt át" (soap opera) không thể nào hiểu được toàn bộ bố cục. Tuy nhiên, khi Czeslaw đi sâu vào chi tiết trong thế giới riêng của ông, thì đó là một trong những tác phẩm có sức tác động mạnh mẽ nhất về mặt cảm xúc của ông. Làm việc với Czeslaw giống như sống lại cả thế kỷ 20 qua cái lăng kính đặc biệt này. Ông rất coi trọng việc phải nhớ chính xác rượu vang đã được tầng lớp lao động Paris cất giữ như thế nào, hoặc những chi tiết chính xác về kiểu chải tóc cầu kỳ của người dạy đàn piano cho ông ở Vilno vào năm 1921".

Czeslaw Milosz chào đời vào tháng sáu năm 1911 tại làng Szetejnie ở Lithuania. Gia đình ông thuộc hạng quý tộc nhỏ ở Ba Lan, nhưng trong lúc Milosz được thừa hưởng nền văn hóa của gia đình thì gia sản đã không còn bao nhiêu khi ông ra đời. Cha ông là một kỹ sư trong quân đội Sa hoàng trong Thế Chiến Thứ Nhất, và công việc đã đưa ông và cả gia đình đi khắp nước Nga để sửa sang cầu đường. Milosz có một người em trai, Andrzej, hiện đang sống ở Warsaw. Milosz cười: "Em tôi đã 86 tuổi và không biết đi nữa vì đã chạy nhiều quá. Cậu ấy làm nghề phóng viên và làm phim tài liệu, nhưng phải trải qua một thời gian truân ở Ba Lan trong những năm 1950 vì tôi đã rời bỏ quê hương. Tôi cảm thấy hối hận về việc đó".

Milosz vào quốc tịch Mỹ từ năm 1970, nhưng đã được trao tặng quyền công dân danh dự của Lithuania khi ông quay về đất nước vừa được độc lập, sau nửa thế kỷ xa cách. Trang trại mà ông đã trải qua thời thơ ấu đã được chuyển thành một trung tâm hội nghị về văn chương và văn hóa với tên gọi Tổ Chức Bảo Tồn Nơi Sinh của Czeslaw Milosz (The Czeslaw Milosz Birthplace Foundation). Khi đưa ra những bức ảnh chụp căn nhà mới được sửa sang lại, ông chỉ vào cánh đồng không mông quạnh phía hậu cảnh. Ông giải thích: "Hồi xưa có ba ngôi làng ở đó, cả vườn tược nữa. Bây giờ người dân ở đó gọi là Kazakhstan vì dân chúng đã bị bắt phải dời sang đó. Các ngôi làng và những gì còn lại đều bị phá bỏ".

Tất cả những việc này xảy ra khi Milosz đã rời Szetejnie, và ông nhớ lại thời thơ ấu ở đó, trở về sau chiến tranh loạn lạc và cuộc cách mạng 1917, như là một thời thanh bình êm ả. Ðó là thời điểm ông cứ quay về hoài trong cả thơ lẫn văn xuôi, đáng chú ý nhất là trong cuốn tiểu thuyết hấp dẫn viết năm 1955 Thung lũng Issa (Issa Valley), và trong cuốn tự truyện rất thận trọng viết năm 1958, Miền Quê Hương (Native Realm).

Milosz trải qua thời trung học và đại học ở Wilno (ngày nay là Vilnius) và ông nhớ lại đã xem phim của Charlie Chaplin và Mary Pickfork. Mặc dù lúc đầu ông học văn chương, ông tốt nghiệp khoa luật năm 1934. "Vì có quá nhiều phụ nữ học văn chương nó được gọi là khoa hôn nhân. Vì vậy tôi chuyển qua khoa luật và cũng miễn cưỡng học cho qua. Nhưng tôi chưa hề dự định hành nghề luật".

Ignacy Swieckicki, một kỹ sư hiện giờ sống ở Pennsylvania, là bạn thời đi học và nhớ lại Milosz "luôn luôn bận rộn chuyện văn thơ. Anh ta chưa bao giờ hứng thú chuyện thể thao, dù anh ta tham gia hướng đạo, nhưng anh ta có rất nhiều tài năng và nhiều người nghĩ rằng anh ta có một tương lai rực rỡ. Cái khó là anh ta muốn kết hợp niềm tin và truyền thống với những ý tưởng trái ngược với môi trường sống mà anh ta lớn lên trong đó".

Milosz đã hấp thụ một nền giáo dục Công giáo nhưng khi còn thanh niên đã viết rằng: "in một đất nước theo đạo Công giáo La Mã thì sự tự do trí tuệ luôn luôn đi đôi với thuyết vô thần". Sau này ông đã quay về với đạo, và học tiếng Hebrew để dịch Thánh Ca sang tiếng Ba Lan, nhưng ông nói rằng dù ông theo đạo Công giáo, ông không phải là một tác giả Công giáo. "Bởi vì nếu anh bị dán nhãn Công giáo, anh phải chứng tỏ rằng mỗi tác phẩm của anh đi theo đường lối của Nhà thờ, mà điều đó không nhất thiết đúng trong trường hợp của tôi".

Những bài thơ đầu tiên của Milosz xuất hiện trong tập san của trường đại học Wilno, và năm 1931 ông là đồng sáng lập viên của một nhóm văn chương lấy tên Zagary, mà quan điểm chính trị u ám và chủ nghĩa tượng trưng của nhóm này làm họ bị đặt tên là trường phái "các nhà bi thảm". Trong cùng năm đó ông đi Paris lần đầu tiên, khi ông bị ảnh hưởng của một người anh (em) họ, Oscar Milosz, một nhà văn Pháp-Lithuania đã từng đại diện cho nước Lithuania độc lập tại Liên Hợp Quốc. Ông nói: "Oscar Milosz đã ảnh hưởng rất nhiều trong thơ tôi, đặc biệt là về mặt tôn giáo". Czeslaw quay lại sống ở Paris vào năm 1934 cả một năm trời khi ông được học bổng du học tại Alliance Français.

Robert Hass nói là trong hệ thống xếp hạng số độc giả của riêng Milosz, ý kiến của nhóm ở Paris rất quan trọng. "Số độc giả Ba Lan được xếp hàng đầu và tiếp theo là số độc giả quốc tế gồm các tác giả mà ông coi trọng. Nhưng đối với những người Ba Lan thuộc thế hệ của ông, sự phán xét cuối cùng là Paris và ấn tượng của tôi là ông vẫn rất nhạy cảm về những phản ứng của người Pháp với tác phẩm của ông".

Sau khi quay lại Wilno, Milosz làm việc cho Ðài phát thanh Ba Lan ở đó, nhưng được chuyển về Warsaw vào năm 1937 do cảm tình với cánh tả, và đặc biệt là việc cho phép người Do Thái phát biểu trên đài. Khi Ðức xâm lăng Ba Lan vào năm 1939, ông bị chuyển ra chiến trường làm phóng viên của đài phát thanh trong một thời gian ngắn trước khi ông tìm cách quay về Wilno. Sau khi Liên Xô xâm lược Lithuania vào năm sau đó, ông đã liều lĩnh băng qua biên giới Liên Xô và trở về Warsaw đang bị Phat-xit chiếm đóng, và ở đây ông làm lao công trong trường đại học, sống sót qua ngày bằng cách mua hàng chợ đen. Trong suốt thời gian này, ông viết và biên tập những ấn phẩm bí mật, thậm chí cả sân khấu bí mật, sử dụng họ thời con gái (maiden name) của bà [nội/ngoại-ND] của ông là Jan Syruc.

Ông thừa nhận: "Ðó là một thời điểm lạ kỳ khi tôi dịch Hoang Ðịa, giữa lúc bị Ðức chiếm đóng, nhưng đó là một phần của bản thân tôi dần dần nhận thức ra con đường của tôi sẽ khác với lúc trước chiến tranh như thế nào". Những bài thơ ông viết đã trực tiếp đối đầu với sự kinh hoàng của những gì xảy ra xung quanh ông - Campo dei Fiori và Một Tín Ðồ Thiên Chúa Nghèo Khổ Nhìn vào Xóm Nhà Lá (Ghetto) - đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất của ông. Nhưng Milosz dẫn ra một bài thơ khác được viết trong cuộc nổi dậy thất bại ở Warsaw vào năm 1943, Thế Giới, đã được xuất bản năm 1945, cũng quan trọng không kém đối với ông và với sự xa lánh chủ nghĩa bi thảm (catastrophism) của thời thanh niên và tiến tới một niềm tin nhiều triết lý và siêu việt hơn vào tương lai.

Trong khi ông tham dự trực tiếp vào những nỗi kinh hoàng về mặt lịch sử và trí tuệ, Milosz không phải đã tham dự với tư cách một nhà chính trị, mà như một nhà thần học, một triết gia hay một nhà thần bí (mystic) đang chiêm nghiệm về bản chất của nhân loại và của văn hóa. Ông nói: "Tôi đã sống qua nỗi kinh hoàng của sự diệt chủng cả dân số Do Thái ở Warsaw, và tôi viết về điều đó. Nhưng trong cùng năm đó tôi đã viết Thế Giới, nó không có gì liên quan đến nỗi kinh khủng của chiến tranh mà đưa ra hình ảnh của một thế giới nên là như thế - sự cân bằng và sự phục hồi phẩm cách của một thế giới như trước đó. Lúc đó tôi không biết là tôi đang lập lại quá trình của Blake, tác giả của Những Bài Ca về Sự Từng Trải (Songs of Experience) và Những Bài Ca về Sự Ngây Thơ (Songs of Innocence). Rất khó mà thoát khỏi những mô hình và mỹ cảm và phong cách thời tiền chiến, nhưng tôi biết khi tôi viết những bài thơ này đó là một bước ngoặc trong sự nghiệp thi ca của tôi".

Giữa lúc Warsaw bị chiếm đóng, Milosz cưới Janina Dluska. Họ đã quen biết nhau trong những năm cuối cùng của thập niên 30 khi cả hai cùng làm việc cho đài phát thanh. Họ có hai con trai và cả hai hiện sống ở California: Antoni, sinh năm 1947 là kỹ sư lập trình; và Piotr, sinh năm 1951 là nhà nhân chủng học. Milosz có một cháu gái, Erin, đang học năm thứ ba ngành Tiến sĩ Y Khoa ở thành phố New York. Janina mất năm 1986 sau khi chịu đau đựng căn bệnh Alzheimer trong 10 năm trời. Vào năm 1992 Milosz cưới Carol Thigpen, phó chủ nhiệm (associate dean) khoa nghệ thuật và khoa học của đại học Emory ở Atlanta, tiểu bang Georgia. Họ có nhà riêng ở Berkeley nhưng trong vài năm vừa qua đã sống hầu hết ở Krakow. Nhìn Milosz ở trong thành phố là thấy qua được vai trò của ông đối với Ba Lan. Dân chúng cứ tự nhiên đến gặp ông chào hỏi và chụp hình ông. Hình ảnh của một nhà hiền triết khắc khổ xa cách - ông thường có vẻ chán nản u ám trong hình chụp - thường tan đi trong nụ cười lớn với cặp má đỏ và tiếng cười khúc khích giòn giã.

Milosz đến Krakow lần đầu tiên vào năm 1944 sau cuộc nổi dậy Warsaw bị thất bại. Khi chiến tranh kết thúc, ông trở thành tùy viên của chính phủ. Ông nói: "Tôi chưa bao giờ là người cộng sản nhưng tôi thiên tả từ trước chiến tranh, phần lớn là do tôi chống lại sự liên minh giữa Nhà thờ Công giáo và nhừng người quốc gia. Nhưng sau chiến tranh tôi có thái độ mơ hồ về những thay đổi đang diễn ra. Một mặt, đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào Moscow và rõ ràng đó là một sự xâm lược mới. Nhưng mặt khác, có những cải cách triệt để và đó là điều tốt. Có lúc tôi đã hy vọng rằng mọi việc sẽ phát triển theo hướng tôi mong muốn, nhưng trong thực tế, những nước như Ba Lan và Hungary, thời gian đó chỉ là giai đoạn khởi đầu của sự Stalin hóa".

Năm 1946, Milosz bắt đầu làm việc ở tòa đại sứ Ba Lan ở Mỹ và ông nói rằng trong lúc ông luôn có những nghi ngại về mặt chính trị đối với chế độ, những nghi ngại đó chưa kết tụ lại cho đến khi ông quay về vào năm 1949 và tận mắt nhìn thấy chiều hướng của chế độ. Ông tham dự một buổi dạ tiệc lãng phí mà thành phần tham dự gồm hầu hết tầng lớp lãnh đạo của Ba Lan. Trên đường về nhà, vào khoảng 4 giờ sáng, ông thuật lại rằng ông đã gặp những chiếc xe jeep chở những người vừa bị bắt. "Những người lính canh họ mặc áo ấm da cừu, còn các tù nhân thì mặc áo khoác với cổ áo bẻ lên, run lẩy bẩy trong giá lạnh. Ngay vào lúc đó tôi nhận ra tôi đã là một phần của thứ gì".

Khi sự nghi ngại ngày càng tăng của ông bị chế độ nhận biết, ông cảm thấy bị chính quyền nghi ngờ và khi ông từ Washington trở về vào tháng 12 năm 1950, hộ chiếu của ông bị tịch thu. Tuy vậy, chỉ tám tuần sau ông lại được phép đi Paris, nơi mà ông đã xin tị nạn chính trị. Từ lâu người ta nghi ngờ có sự đồng lõa của chính quyền trong cuộc đào thoát của ông, nhưng Milosz qua nhiều năm đã miễn cưỡng trong việc đề cập đến chi tiết. Ông nói: "Bây giờ mọi thứ đã thành quá khứ xa xôi nên tôi có thể kể ra. Vợ của viên bộ trưởng ngoại giao của Ba Lan là một phụ nữ Nga. Bà ta đã giúp tôi nhưng đã nói rằng 'theo ý tôi một nhà thơ nên ở lại với đất nước mình nhưng quyết định là của ông. Nếu ông quyết định khác với lời tôi, hãy nhớ rằng ông có trách nhiệm phải chống lại hắn [Stalin], tên đồ tể của nước Nga'. Câu chuyện thật lãng mạng phải không?"

Có bao giờ ông nghĩ rằng bà ta đúng và ông nên ở lại? "Nhiều lần tôi đã tự hỏi cái gì có thể xảy ra. Tôi không thể trả lời được vì có ai biết rõ chính mình đủ để biết rằng mình sẽ làm gì trong hoàn cảnh khác. Có thể tôi bị biến thành một thằng ngốc, như người bạn mà tôi đã mô tả trong Tâm Hồn Tù Túng, bằng cách viết những gì đảng muốn". Trong bài thơ Tâm Hồn Tù Túng, Milosz viết rằng quyết định tối hậu của y đến "không phải từ chức năng của lý trí, mà từ sự nổi loạn của bao tử. Một người có thể thuyết phục chính mình, bằng phương pháp suy luận hợp lý nhất, rằng y sẽ được khỏe mạnh hơn nhiều bằng cách nuốt năm con ếch; và khi đã được thuyết phục một cách hợp lý như thế, y sẽ nuốt con ếch thứ nhất, rồi con thứ hai; nhưng đến con ếch thứ ba thì dạ dày sẽ nổi loạn. Cũng giống như vậy, ảnh hưởng tăng dần của chủ nghĩa lên lối suy nghĩ của tôi đã đi ngược lại với toàn bộ bản chất của tôi".

Milosz nói rằng ông không thích chữ đào ngũ (defect) mà thích cách diễn đạt rằng ông chia tay với chính quyền. Dù thế nào đi nữa, cuộc di cư sang Paris là việc làm liều lĩnh về mặt thể xác, chính trị và nghệ thuật. Sinh hoạt trí thức Paris lúc đó đa số là thân cộng và rất nhiều bạn bè của Milosz ở Paris là đảng viên cộng sản. Ông nói: "Bây giờ rất khó mà dựng lại ánh hào quang và không khí chính trị thời đó. Ngày nay sự phân hóa dường như hoàn toàn hoang đường. Nhưng lúc đó trong giới trí thức có một sự ngưỡng mộ sâu xa đời sống phương Ðông [Âu - ND]. Họ rất bất mãn với tôi và cho rằng tốt nhất nên coi tôi như một thằng điên. Tôi đã từ bỏ cái thế giới trong tương lai để quay về với cái thế giới trong quá khứ. Ðiều đó làm cho đời sống ở Paris của tôi rất khó khăn".

Trong số ít những trí thức đã giúp đỡ ông có Albert Camus, nhưng hầu hết các bạn bè cũ đều xa lánh ông, bao gồm cả Pablo Neruda, người sau này đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1971. Ông ta và Milosz đã dịch các tác phẩm của nhau nhưng Neruda đã lên án Milosz trong một bài báo tựa đề Kẻ Bỏ Chạy trong báo Ðảng Cộng Sản. Mọi chuyện còn phức tạp hơn khi gia đình ông còn ở Mỹ và ông bị từ chối giấy thông hành đi Mỹ để đoàn tụ với họ chỉ vì sự liên hệ của ông với chính quyền cộng sản Ba Lan.

Tuy vậy, dù khó khăn, những năm đầu tiên ở Paris ông đã viết rất nhiều và đã xuất bản Giành Chính Quyền (The Seizure of Power), một trong hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên; Luận về Thi Ca (Treatise on Poetry), một bản tổng kết bao trùm mang đầy thi tính về nền thơ ca Ba Lan ở thế kỷ 20, chỉ vừa được dịch sang tiếng Anh; và Tâm Hồn Tù Túng, trong đó ông thử làm cuộc thám hiểm vào "nhược điểm của trí tuệ trong thế kỷ 20 trước sự quyến rũ của những chủ nghĩa chính trị-xã hội và sự sẵn lòng chấp nhận sự khủng bố của chế độ chuyên chế vì một tương lai [tốt hơn - ND] trên lý thuyết".

Madeline Levine, giáo sư về văn chương Xlavơ tại trường Ðại học North Carolina, đã dịch văn xuôi của Milosz từ những năm cuối thập kỷ 80 và nói rằng, bắt đầu từ Tâm Hồn Tù Túng, có một sự tương kết chặt chẽ trong khối lượng đồ sộ văn xuôi của ông. Bà thêm rằng có lần ông đã xác nhận là tiểu thuyết thế kỷ 20 nên trải rộng và bao gồm tất cả những khuynh hướng trí thức của thế kỷ, và bà cho rằng những tác phẩm văn xuôi tiếp theo đó, từng phần một, là một phần của cuốn tiểu thuyết đang dở dang này. Bà nói: "Trong tác phẩm của ông có rất nhiều nhân vật đã trở thành hư cấu. Không phải là họ đã bị tiểu thuyết hóa, mà vì họ sống động như những nhân vật tiểu thuyết. Ông đánh giá sự tham dự trí tuệ của họ bằng tất cả các khuynh hướng của thế kỷ 20. Có vẻ hơi đóng kín khi làm sống lại những cuồng nhiệt của sinh hoạt văn hóa và văn chương Ba Lan, nhưng nó cũng tham dự vào những dòng chảy trí thức rộng lớn hơn. Nó là sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội, và thường thì đối những người giống như ông, hấp lực của chủ nghĩa cộng sản đến từ việc chối bỏ chủ nghĩa tư bản về cơ bản ở những cái xấu xa nhất của nó".

Tâm Hồn Tù Túng là tác phẩm đầu tiên của Milosz đã gây ảnh hưởng đáng kể đối với phương Tây, nhưng nó đã tạo ra hai trở lực cho nghề nghiệp tương lai của ông. Ông nhớ lại: "Nó bị những người chống Cộng nghi ngờ vì tôi đã không tấn công những người cộng sản đủ mạnh. Tôi đã cố tìm hiểu những tiến trình (processes) và họ không thích thế. Và nó cũng tạo ra quan niệm, đặc biệt là đối với phương tây, rằng tôi là một tác gia về chính trị. Ðây là một lầm lẫn vì thơ của tôi vẫn chưa được biết đến. Tôi chưa hề là một tác gia về chính trị và tôi đã cố gắng nhiều để xóa tan hình ảnh này. Tôi không tìm kiếm chỗ dạy trong khoa chính trị học. Tôi đến Mỹ để giảng dạy văn chương".

Milosz bắt đầu giảng dạy văn chương ở Berkeley vào năm 1960 và năm sau được bổ nhiệm chính thức chức vụ giáo sư về ngôn ngữ và văn chương Slav. Ông về hưu năm 1984. Vào thời kỳ cách mạng ở trường Berkeley vào năm 1968, khi học sinh bắt đầu đánh giá các giáo sư của họ, ông tự hào là đã nhận được điểm xuất sắc. Tuy vậy ông thấy là hầu hết sự nổi loạn của sinh viên trong thập niên 60 thiển cận và quen thuộc một cách chán ngán. "Tôi thấy buồn khi nhìn thấy mọi sự ngu xuẩn mà tôi từng chứng kiến trước đây được lập lại".

Ông bảo rằng những năm ở Berkeley là một thời kỳ cô đơn và tuy điều này tốt cho nghề nghiệp nhưng làm ông cảm thấy cô độc. Bạn bè nói rằng có thể ông có những phút giây u uẩn, nhưng nói chung ông là một người bạn chan hòa thoải mái và nhiệt tình với đồ ăn, thức uống và đàm luận. "Ở Krakow, tôi có rất nhiều bạn bè, nhưng ở Berkeley, trong lúc tôi chuyện trò với đồng nghiệp và sinh viên, tôi có rất ít bạn. Tôi cứ thường xuyên liên lạc với những người bạn tốt ở Paris, vì tình bạn của tôi dựa trên thi ca của tôi". Milosz luôn luôn viết bằng tiếng Ba Lan, và mãi tới năm 1973 một tuyển tập thơ của ông mới được dịch sang tiếng Anh. Hass nói rằng suốt trong thời gian này, Milosz đang sống trong "một tình trạng tối tăm và đơn độc không thể chịu nổi. Ông phải tưởng tượng cái cảnh vẫn có ai đó đọc thơ của mình".

Dấu hiệu cho thấy tiếng tăm của ông chuyển từ một nhà tiểu luận chính trị sang một nhà thơ là khi ông được tặng Giải thưởng Văn Chương Quốc Tế Neustadt vào năm 1978 - được coi như tiền đề cho giải Nobel bởi vì rất nhiều người được giải Nobel đã lãnh giải thưởng này trước. Hai năm sau đó ông nhận được một cú điện thoại vào lúc 3 giờ sáng tại tư gia ở Berkeley từ một ký giả ở Stockholm, cho biết rằng ông đã thắng giải Nobel. "Sáng hôm sau, mọi thứ ầm ỹ cả lên. Tôi cố không thay đổi những thói quen và đi đến lớp như thường lệ. Tôi cố tránh sự náo động quá mức, nhưng thật khó. Tôi vốn sống kín đáo và cố chống lại để khỏi trở thành một nhân vật công cộng".

Milosz dường như hài lòng với vai trò này của ông ở Ba Lan, nhưng Jerzy Jarniewicz cho rằng ông có lẽ là nhà thơ cuối cùng của Ba Lan đóng vai trò người phát ngôn của xã hội. Trong lúc ông hoàn thành vai trò của một nhân chứng lương tâm quan trọng, những nhà thơ trẻ hơn chống lại quan niệm này. Jarniewicz giải thích: "Những người làm thơ cuối thập niên 80 và thập niên 90 phần lớn đã từ bỏ cả văn hóa chính thống (official culture) lẫn các giá trị ngầm (underground ethos). Thơ của họ mang đầy chủ nghĩa hoài nghi và sự ngờ vực. Thơ họ e ngại những thứ gì có tính khoa trương và tính dự báo, và vì vậy họ thay thế kinh nghiệm cộng đồng - vốn là quan niệm chính của Milosz, và thi ca Ba Lan nói chung - và thay vào đó họ chú trọng vào cái gì duy nhất (unique), riêng biệt (individual) và cá nhân (personal). Một nhà thơ trẻ đã nói: 'không có gì cho tôi trong tổ chức (constitution)'".

Khi bài thơ của Milosz về cuộc vây hãm Sarajevo được xuất hiện trên trang nhất của tờ báo Ba Lan bán chạy nhất, nó bị tấn công vì cố gắng giải quyết một vấn đề đương đại bằng những từ ngữ lỗi thời. Ông cũng bị phê phán về sự bảo vệ quá mức cho nền văn hóa Ba Lan và Âu Châu. Jarniewicz nói: "Ông chỉ trích Tây Âu về sự thế tục hóa và đánh mất xúc cảm siêu hình (metaphysical feeling). Ðiều này đối lại với niềm tin cũng mãnh liệt như thế rằng cái xúc cảm siêu hình này vẫn tồn tại ở một số nơi ở Ðông Âu. Nhiều nhà thơ trẻ coi diều này rất đáng ngờ, nhưng đối với Milosz đó là thứ vẫn rất thật".

Milosz nói rằng ông cảm thấy không dễ khi đánh giá nước Ba Lan hiện tại - "chủ đề đó quá lớn" - nhưng thừa nhận rằng đất nước đã thay đổi theo chiều hướng ông khó chấp nhận. "Tôi tự hỏi tôi về đất nước và không thể giải thích được điều đó. Ví dụ như, có gì mâu thuẫn trong một nước mà hầu hết mọi người đi lễ nhà thờ vào chủ nhật lại bầu cho những cựu đảng viên cộng sản (post-communists)? Nhưng dù cho cuộc bầu cử quốc hội vừa qua có nhuốm màu phản trí thức (anti-intelligentsia), tôi chưa bao giờ bi quan. Lấy thí dụ, thị trường sách thì cực kỳ sôi nổi ở Ba Lan và sinh hoạt văn hóa thì rất sống động. Có nhiều báo chí và tập san định kỳ, và tôi cộng tác với một tuần san Công giáo ở Krakow này".

Ông cũng thỏa mãn vì tác phẩm của ông vẫn được giới trẻ đọc. Bài trường ca năm 1956, Luận về Thi Ca, mới vừa được dịch sang tiếng Anh lần đầu tiên. Ông mỉm cười: "Tôi rất sung sướng thấy rằng bài thơ của tôi không bị cũ đi. Ðó là lịch sử của thi ca Ba Lan vào thế kỷ 20, gắn liền với lịch sử và những vấn đề gọi là thiết yếu của lịch sử (historical necessity). Và tôi tự hào là đã viết những bài thơ liên quan đến những chủ đề lịch sử, chính trị và mỹ học, dù cho tôi biết rằng đối với các sinh viên, những phần nào của bài thơ liên hệ đến triết học Hegel hay chủ nghĩa Marx đều hoàn toàn xa lạ với họ. Trí nhớ của họ thật ngắn quá".


------------
Sơ lược về tiểu sử Czeslaw Milosz
Ngày và nơi sinh: 30-6-1911, tai Szetejnie, nước Lithuania.
Học vấn: Trung học Zygmunt August, Wilno; Ðại học Stefan Batory, Wilno.
Gia đình: cưới Janina Dluska năm 1943 (mất năm 1986), hai con trai; cưới Carol Thigpen năm 1992.
Nghề nghiệp: Ðài Phát Thanh Quốc Gia Ba Lan 1935-39; tùy viên văn hóa của tòa đại sứ Ba Lan ở Mỹ 1946-51; tác giả tự do (freelance writer) 1951-60; giảng viên rồi giáo sư, Ðại học California, Berkeley, 1960-84.
Một số tuyển tập thơ: Bài Thơ của Thời Ðông Cứng (Poem of the Frozen Time) 1933; Cứu Thoát (Rescue) 1945; Tia Sáng Ban ngày (Light of Day) 1953; Thành Phố Không Tên (City without a Name) 1969; Từ Lúc Bình Minh (From the Rising of the Sun) 1974; Ðối Diện Với Dòng Sông (Facing the River) 1955; Tuyển Tập Thơ (Collected Poems) 2001.
Một số sách: Tâm Hồn Tù Túng (The Captive Mind) 1953; Giành Chính Quyền (Seizure of Power) 1953; Miền Quê Hương (Native Realm) 1958; Năm Của Người Thợ Săn (A Year of the Hunter) 1994.
Một số giải thưởng: Giải Văng Chương Quốc Tế Neustadt 1978; Giải Nobel Văn Chương 1980.


Chú thích:

[1] Bài dịch từ tiếng Anh trên The Guardian. Có thể đọc trên mạng qua trang:
http://www.guardian.co.uk/saturday_review/story/0,3605,590643,00.html

[2] Bài thơ Ngươi Kẻ Ngược Ðãi. Bản tiếng Anh và xin tạm dịch sang tiếng Việt.

You Who Wronged
You who wronged a simple man Bursting into laughter at the crime And kept a pack of fools around you To mix good and evil, to blur the line,

Though everyone bowed down before you, Saying virtue and wisdom lit your way, Striking gold meddals in your honour, Glad to have survived another day,

Do not feel safe. The poet remembers. You can kill one, but another is born. The words are written down, the deed, the date.

And you'd have done better with a winter dawn, A rope, and a branch bowed beneath your weight.

Ngươi Kẻ Ngược Ðãi
Ngươi kẻ ngược đãi một người bình thường
Rồi cười phá lên trước tội ác đó
Và vây quanh ngươi bằng những thằng ngốc
Ðể trộn lẫn lành và dữ, để xoá nhòa lằn ranh,

Dù mọi người cúi rạp xuống trước mặt ngươi,
Tung hô rằng đạo đức và thông thái soi sáng con đường ngươi đi,
Gắn những huân chương vàng vinh danh ngươi,
Vui mừng rằng ngươi còn sống thêm một ngày nữa,

Ðừng cảm thấy an toàn. Nhà thơ sẽ ghi nhớ.
Ngươi có thể giết một người, nhưng người khác sẽ ra đời.
Lời sẽ được viết xuống, làm gì, ngày nào.

Và ngươi sẽ làm gì hơn khi mùa đông đến,
Một sợi dây, và một cành cây cúi rạp bên dưới sức nặng của ngươi.