© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
26.1.2007
Trịnh Hữu Tuệ
Tản mạn xung quanh bài "Hai tiếng Việt kiều" của Dũng Vũ
 
Trong bài viết đăng ngày 05.01 trên mục ngôn ngữ của talawas, tác giả Dũng Vũ nói rằng từ Việt kiều là một từ mà "đa số người Việt hải ngoại không ưa thích", một từ "gây tự ái, chia rẽ", "làm tổn thương người khác", "giống như mấy từ ngụy, tư sản mại bản, văn hóa Mỹ-Ngụy,... mà người ta đã áp đặt lên dân mình trong quá khứ". Anh cũng kêu gọi mọi người hãy "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", thay từ nói trên bằng "đồng bào hải ngoại" để đỡ làm "buồn lòng người khác".

Tôi đồng ý với Dũng Vũ rằng có thể trong tai một số người, từ Việt kiều mang sắc thái hơi "tiêu cực". Điều này không có gì lạ, vì gần như danh từ chỉ người nào cũng có thể trở thành tiêu cực đối với một số người, trong những hoàn cảnh nhất định. Tôi cũng đồng ý rằng ta nên tìm cách tuân theo cái quy tắc của phép lịch sự tối thiểu là tránh những tên gọi có thể làm xúc phạm người khác. Và đó gần như là tất cả những gì tôi có thể đồng ý với Dũng Vũ trong bài "Hai tiếng Việt kiều". Phần còn lại của bài viết, theo tôi, mang tính nhảm nhí ở mức độ khá cao.

Ví dụ, Dũng Vũ giải thích sự khác thường về "cú pháp" của từ Việt kiều như sau. Nó được tạo ra theo mẫu của Hoa kiều. Cú pháp của Hoa kiều khác thường. Suy ra, cú pháp của Việt kiều khác thường. Tại sao cú pháp của Hoa kiều lại khác thường? Vì nó là nói tắt của Trung Hoa kiều bào, và không tuân theo quy tắc phụ trước chính sau của tiếng Trung.

Có ba điểm cần nói về lập luận trên. Thứ nhất, với cách anh dùng từ cú pháp, tôi không chắc Dũng Vũ nắm được nội hàm của khái niệm này, nhưng tôi xin không bàn thêm về vấn đề này ở đây. Tôi sẵn sàng nói chuyện tiếp với anh Dũng Vũ trong phạm vi một cuộc tranh luận khác.

Thứ hai, lập luận của Dũng Vũ trống rỗng, theo cái nghĩa là ta có thể đưa ra một lập luận có kết luận ngược lại, rằng từ Việt kiều chẳng có gì khác thường cả, và không có cơ sở gì, về mặt hình thức cũng như về mặt thực tiễn, để nói lập luận nào đáng tin hơn lập luận nào. Ví dụ, ta có thể nói như sau. Từ Trung Hoa kiều bào là một từ bình thường. Hoa kiều, tuy có vẻ khác thường, nhưng thực ra là bình thường, vì nó chẳng qua là nói tắt của Trung Hoa kiều bào, một từ bình thường. Và vì Việt kiều rập khuôn Hoa kiều nên Việt kiều cũng là một từ bình thường.

Thứ ba, lập luận của Dũng Vũ đi ngược lại tinh thần của khoa học thực nghiệm. Dựa trên sự tồn tại của những từ như kiều dân, Dũng Vũ kết luận rằng kiều là "vị từ" và vì vậy không thể đứng bên phải – tức đứng ở vị trí "chính", theo cách nói của anh – trong một từ ghép gốc Hán. Từ đó suy ra Hoa kiềuViệt kiều là những từ sai ngữ pháp. Một người làm ngôn ngữ học có lý trí bình thường sẽ tiến hành khác hẳn. Anh ta sẽ dựa trên sự tồn tại của cả kiều dân lẫn Hoa kiều để kết luận rằng từ kiều có thể đứng cả bên trái lẫn bên phải – tức ở cả vị trí "chính" lẫn vị trí "phụ" – trong một từ ghép, và sẽ tìm cách thiết lập một lý thuyết về ngôn ngữ nói chung và từ ghép nói riêng phù hợp với kết luận này. Ngôn ngữ học có thể khác vật lý và sinh học ở rất nhiều điểm, nhưng ở điểm này thì không: nó xuất phát từ những quan sát thực tế. Sự tồn tại của Hoa kiều, Việt cộng, Việt gian, khổ dâm, tác dụng, quái dị bên cạnh kiều bào, cộng sản, gian thần, dâm thư, dụng tâm, dị dạng etc., cũng như việc người dùng ngôn ngữ cảm thấy đó là những từ hết sức bình thường, là một thực tế không thể chối cãi. Nó cho thấy sự phiến diện và thiển cận của cái mệnh đề "từ X thuộc phạm trù Y và vì thế chỉ có thể đứng ở vị trí Z trong một từ ghép".

Khi Dũng Vũ bàn về "dụng ngôn" (pragmatics) của từ Việt kiều, tình hình cũng không khá hơn là mấy. Theo ý tôi, Dũng Vũ sử dụng khái niệm pragmatics một cách hết sức lập dị. Tôi nghĩ rằng anh không hiểu khái niệm này. Một lần nữa, tôi xin không bàn tiếp về vấn đề này, e sẽ lạc đề. Nếu anh Dũng Vũ muốn, ta có thể tranh luận sau.

Dũng Vũ bắt đầu phân tích "dụng ngôn" của từ Việt kiều bằng một câu văn khó có thể nói là hoàn hảo về phong cách hay ngữ pháp: "Về mặt dụng ngôn, tác giả của từ Việt kiều cũng hiểu theo tinh thần ngữ nghĩa của từ Hoa kiều, cho nên cũng khác thường". Vậy "tinh thần ngữ nghĩa" của từ Hoa kiều là gì? Anh nói rằng "đối với người Hoa, chữ kiều không mang cực tính xấu", và "người Hoa ở Chợ Lớn vẫn tự nhận mình là Hoa kiều". Tóm lại, từ Hoa kiều chẳng có gì là xấu đối với người Hoa. Nhưng theo Dũng Vũ thì từ Hoa kiều lại mang nghĩa xấu đối với người Việt, và người Việt "thường gọi người Hoa sinh sống trong Chợ Lớn là người Hoa Chợ Lớn, hoặc người Tàu Chợ Lớn" để tránh…"phân biệt"!

Ta tự hỏi Tàu Chợ Lớn thì hơn Hoa kiều ở điểm nào, và không biết Dũng Vũ đã tìm hiểu xem trong thực tế, dân Tàu Chợ Lớn/Hoa kiều cảm thấy từ nào "phân biệt" hơn chưa. Ngoài ra, ai cũng phải thấy rằng trong đại đa số các trường hợp, việc một từ mang nghĩa tiêu cực hay tích cực tùy thuộc vào cách ta dùng nó. Trường hợp từ Việt kiều là một ví dụ. Ta có thể thêm vào sau nó từ hồi hộp và dùng cái sản phẩm ngôn ngữ được tạo ra bằng cách này một cách mỉa mai, việc mà nhiều cô gái Việt Nam làm một cách thành thạo, trong nhiều trường hợp bắt nguồn từ những kinh nghiệm thực tế đáng tiếc. Nhưng ta cũng có thể dùng Việt kiều một cách bình thường, tôn trọng, như Bùi Văn Nam Sơn đã làm trong bài gần đây nhất của ông trên talawas. Từ Hoa kiều, theo tôi, cũng chẳng khác gì từ Việt kiều trong khía cạnh này. Tất nhiên, ta luôn có thể chỉ mặt một người và nói "đồ Hoa kiều". Lúc đó sẽ không ai phản đối rằng ta đang xúc phạm người kia. Nhưng tôi không thấy có lý do gì để nói rằng từ Hoa kiều không thể được dùng một cách bình thường, thậm chí một cách lịch sự, với tư cách đơn giản là một rút gọn của Trung Hoa kiều bào chẳng hạn. Chính Dũng Vũ cũng nói rằng "giới báo chí" dùng nó một cách "trung hòa". Tóm lại, tôi nghĩ tuyên bố của Dũng Vũ, rằng Hoa kiều là từ xấu đối với người Việt trong khi người Hoa không cảm thấy có vấn đề gì khi dùng nó để tự chỉ mình, là hoàn toàn vô căn cứ.

Nhưng tuyên bố vô căn cứ này lại là một mắt xích trong một chuỗi suy nghĩ hết sức kỳ quái của Dũng Vũ. Theo anh, vì Hoa kiều mang nghĩa xấu đối với người Việt, nên Việt kiều, một từ được sáng tạo theo mẫu của từ Hoa kiều, cũng mang nghĩa xấu đối với người Việt. Tác giả của từ Việt kiều - mà theo gợi ý của Dũng Vũ thì đó là "giới văn hóa thông tin ở Việt Nam", một tổ chức "có tiếng xưa nay là tác giả của những từ ngữ khác thường" - đã không hiểu điều này, và „người Việt trong nước“ thì lại mắc cái bệnh là "trên nói gì, dưới lặp y vậy, không cần suy ngẫm tốt, xấu, đúng, sai", nên kết quả là "cái tên gọi Việt kiều tràn lan khắp xã hội từ Nam chí Bắc". Tóm lại, chỉ vì sự ngu dốt của giới truyền thông và thói a-dua của dân trong nước mà bây giờ phần đông người Việt dùng từ Việt kiều "do quen miệng", "ít ai biết hoặc quan tâm đến nguồn gốc của nó", và ít ai biết nó là một từ xấu.

Khi Dũng Vũ phàn nàn rằng phần đông người Việt dùng từ Việt kiều "do quen miệng" và không "quan tâm đến nguồn gốc của nó", anh không làm gì khác hơn là phàn nàn rằng người Việt dùng từ Việt kiều như tất cả các dân tộc khác dùng tuyệt đại đa số những từ có trong ngôn ngữ của họ. Ngoài ra, nếu đa số người dùng ngôn ngữ hiện thời cảm thấy từ Việt kiều có thể được dùng một cách bình thường, thì tức là nó có thể được dùng một cách bình thường. Hai sự thật hiển nhiên này nằm ngoài khả năng nắm bắt của Dũng Vũ. Về những mệnh đề còn lại của anh – liên quan đến "giới văn hóa thông tin", đến "người Việt trong nước" – tôi không có gì đáng kể để nói. Không phải vì chúng đã hoàn hảo, mà đơn giản vì chúng thuộc phạm trù những quan điểm võ đoán và ấu trĩ đến mức để phân tích hay phản biện một cách nghiêm túc, ta không biết phải bắt đầu từ đâu. Cùng lắm, ta chỉ có thể nói rằng chúng cho thấy động cơ thúc đẩy Dũng Vũ dùng "khoa học" để thuyết phục người khác tránh dùng từ Việt kiều chẳng liên quan gì đến khoa học cả.

Và khoa học cũng là điểm kết thúc của bài viết này. Ai quan tâm đến mục ngôn ngữ của talawas chắc cũng đều đã đọc những bài viết của Dũng Vũ về tiếng Việt, về ngữ pháp tạo sinh etc, trong đó anh nêu tên những lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại, cũng như trích dẫn một số những tác giả nổi tiếng của ngành này. Tôi cũng đã đọc chúng, và tôi xin đưa ra một nhận xét về Dũng Vũ với tư cách là một người làm khoa học nói chung và ngôn ngữ học nói riêng. Nhận xét của tôi như sau: Dũng Vũ không hiểu khoa học, và a fortiori, anh không hiểu ngôn ngữ học. Đây là nhận xét của riêng tôi. Tôi tin là nó có cơ sở, và tôi sẵn sàng bảo vệ nó trong khuôn khổ một cuộc tranh luận khác, trong đó ngôn ngữ học lý thuyết là chủ đề chính. Ở đây, tôi chỉ xin trích một đoạn từ bài "Hai tiếng Việt kiều", hy vọng nó sẽ giúp phần làm nhận xét trên của tôi dễ chấp nhận hơn.

Có biết bao sản phẩm ngôn ngữ vụng về, biến chất mà ngày nay từ giới có học cho tới giới bình dân lẫn giới truyền thông trong nước vẫn sử dụng và lạm dụng một cách tự nhiên, như "vi tính", "phần cứng", "phần mềm", "chí ít", "game thủ", "bèo", "di động", "điều hòa", "vô tư", "siêu rẻ", "siêu nạc", "thấp điểm", "Hợp chủng quốc", "thánh Allah", "người Thiên Chúa", v.v. và v.v. Thực trạng cho thấy trình độ Việt ngữ học của tác giả và người sử dụng thấp kém đến độ nào. Với trình độ ấy, chẳng lạ gì, mỗi khi có một từ ngữ mới xuất hiện trong nước là người hiểu biết không khỏi lấy làm lo lắng và hoài nghi về phẩm chất của nó.

Aristoteles nói rằng "khởi điểm của khoa học là sự kinh ngạc khi thấy mọi thứ diễn ra như chúng diễn ra". Người làm khoa học luôn cảm thấy thích thú vì thực tế huyền bí hơn anh ta tưởng tượng, thậm chí huyền bí hơn anh ta có thể tưởng tượng. Ngược lại, đối với Dũng Vũ, thực tế là mối lo ngại cho "người hiểu biết" – một nhân vật thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện trong bài "Hai tiếng Việt kiều" – vì nó không giống với mấy cái quy tắc xinh xinh mà anh ta nghĩ ra và tin chắc là đúng.

© 2007 talawas