© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
11.2.2007
Trần Tiên Long
Ki-tô giáo hay Thiên Chúa giáo?

Từ “Christianity” thường hay bị dịch lẫn lộn sang Việt ngữ là Ki-tô giáo hoặc Thiên Chúa giáo. Từ đó đúng nhất phải dịch là Ki-tô giáo vì có gốc chữ “Christ”. Chữ “Christ” trong kinh sách Công giáo ngày xưa được phiên âm là Ki-ri-xi-tô, rồi sau này biến đổi thành Ki-tô cho gọn hơn.

Điều mà ông Trần Hữu Thuần gọi là Thiên Chúa giáo trong bài "Thượng đế của Thiên Chúa giáo" bao gồm Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo thì nên gọi là Độc Thần giáo (Monotheism). Có 3 tôn giáo độc thần chính yếu tiêu biểu nhất mà người ta hay nhắc đến là 3 tôn giáo trên. Ngoài từ “Monotheism” thì không còn từ nào khác để dịch sang tiếng Việt là Thiên Chúa giáo.

Đúng hơn, Ki-tô giáo không nên nằm trong nhóm Độc Thần giáo vì tin vào 3 vị thần với những tính nết, phong cách và công việc hoàn toàn khác nhau, bao gồm Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con (Giê-su) và Đức Chúa Thánh Thần. Do đó, người ta đã thành lập mầu nhiệm Ba Ngôi (Trinity), còn gọi là Tam Vị Chí Thánh hoặc Thiên Chúa Ba Ngôi, để gán cho 3 vị thần đó có một bản tính duy nhất, nhập cả 3 thành một. Đó là điều cực kỳ vô lý nên được gọi là mầu nhiệm và phải cần một đức tin để tin. Có thể cho rằng Ki-tô giáo là tôn giáo đa thần (Polytheism) hơn là độc thần.

Bởi vì ông Liêm viết trong bài "Tính Không và Thượng Đế: Từ thoái trào Phật giáo đến cao trào Tin lành ở Việt Nam" rằng “Một cách chung và rất tổng quát thì đạo Tin lành là Thiên Chúa giáo trừ đi giáo hội La Mã (Christianity minus the Roman Catholic Church)”, nên phải hiểu những gì ông bàn trong bài của ông khi nói về Thiên Chúa giáo chính là ông đang nói về Ki-tô giáo, bao gồm những tôn giáo tin vào Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, một nhân vật lịch sử có thật. Lẫn lộn giữa từ Ki-tô giáo và Thiên Chúa giáo thường hay được bắt gặp trong các kinh sách văn chương thần học Công giáo Việt Nam.

Theo tôi, ý niệm “a personal creator” thì nên dịch là “một hữu thể sáng tạo có nhân tính” thay vì “một con người cụ thể”. Chữ của ông Liêm dùng là “một nhân thể sáng tạo” chắc cũng cùng một ý nghĩa như “một hữu thể sáng tạo có nhân tính” hơn là “một con người cụ thể”. Thượng đế trong Độc Thần giáo (ông Thuần gọi là Thiên Chúa giáo) thì có nhân tính hoàn toàn như một con người với đầy đủ hỉ, nộ, ái và ố. Chính Thượng đế đó đã tạo dựng con người theo hình ảnh của ngài.