© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
14.2.2007
Nguyễn Hiếu
Phản bội hay trung thành với lý tưởng?
(Gợi hứng từ bài “Phản bội lý tưởng” của Lê Tất Điều)
 
Lý tưởng cao cả của Hoa Kỳ là gì? Tự do, Dân chủ? Có phải vai trò của Hoa Kỳ trong thế giới là “mở rộng tự do dân chủ”, “bảo vệ thành trì tự do”, hay “chấm dứt và tiêu diệt bạo quyền, khủng bố và thay thế hận thù bằng hy vọng.” Chúng ta đã luôn được nghe những câu tuyên ngôn hùng hồn và những lời hứa hẹn mỹ miều để củng cố niềm tin mặc định vào một chân lý dường như hiển nhiên không thể chối cãi. Thế nên đôi lúc người ta phải ngỡ ngàng hoặc thất vọng trước những sự kiện trong đường lối và chính sách của Hoa Kỳ, nổi bật nhất là với nội các chính phủ Bush, đi ngược với lý tưởng đó.

Chủ nghĩa lý tưởng (Wilsonian Idealism về chính trị và quan hệ ngoại giao quốc tế) khởi phát vào hai thập niên trong cuối thế kỷ 19 (những năm tám mươi và chin mươi) với lý thuyết hòa bình dân chủ (democratic peace theory) tôn trọng nguyên tắc tự chủ quốc gia (national self-determination principle). Chủ thuyết này chưa kịp lớn mạnh thì rơi vào khủng hoảng sau hai Thế chiến I và II, qua đó các nước tư bản đồng minh tranh giành, xâu xé thuộc địa từ các Đế quốc Hung-Áo, Đức, và Ottoman (Thế chiến I) và phát xít Đức (Thế chiến II). Chủ thuyết này rốt cuộc bị lấn áp và rút ruột để được nhét vào cốt lõi của chủ nghĩa tân thuộc địa (neo-colonialism), qua đó tư bản đế quốc có cái bình phong che đậy những chính sách gián tiếp bóc lột, khai thác, chiếm hữu tài nguyên các quốc gia yếu kém. Ngay chính Wilson sau khi đạt ghế Tổng thống cũng đã bị quyền lực của giới tư bản và quyền lợi riêng nước Hoa Kỳ áp lực đi trệch lý tưởng do chính ông khởi xướng. Wilson đã dùng quân lực thay đổi chế độ ở Nicaragua, kiểm soát trực tiếp Haiti và Dominican Republic, cũng như phong toả hải phận xâm lấn Mexico. Ngay sau Thế chiến I ông cũng đã phá lệ, thuận tình cho Pháp và Anh giữ lại các nước thuộc địa thay vì để các nước này đạt được độc lập, tự chủ. [1] Chính sách của Hoa Kỳ trong vòng 100 năm qua đặt trọng tâm vào sự bành trướng khu vực ảnh hưởng, mở rộng thị trường theo chủ thuyết tư bản, tân thuộc địa, tân tự do (neo-liberalism) dưới chiêu bài tự do và dân chủ. Hoa Kỳ đã và luôn sẵn sàng dùng mọi biện pháp để tạo một môi trường “tự do” thương mại với điều kiện hết sức thuận lợi cho các tập đoàn tư bản nước Mỹ. Hoa Kỳ đã từng gây chính biến lật đổ các chính thể dân chủ xã hội, dân chủ nhân dân, cộng hòa hoặc can thiệp quân sự khắp nơi từ các nước Nam Mỹ (Chile, Guatemala, Colombia, Nicaragua, El Salador, Mexico v.v.) đến vùng Vịnh (Iran, Iraq, Bahrain) và châu Phi, dựng lên những chế độ độc tài, quân phiệt, hoặc quân chủ tộc quyền.

The overall history of US activity in Africa during the cold war reads like a litany of anti-Wilsonian practices justified in the name of containing communism. This included US support of such brutal dictators as Mobutu, Moi, Barre, Nimieri, and Selassie, whose human rights records were among the worst in Africa. Billions of dollars were spent to roll back communism. Indeed, US weapons played major roles in conflict situations in Angola, Ethiopia, Liberia, Zaire (now the Democratic Republic of Congo-DRC), Namibia, Somalia, Sudan, Uganda, and Sierra Leone. [2]

Tổng thể lịch sử về hoạt động của Hoa Kỳ tại châu Phi trong thời chiến tranh lạnh viết nên một chuỗi dài những hoạt động phản-lý-tưởng được biện hộ với danh nghĩa ngăn chặn cộng sản. Hoa Kỳ ủng hộ những nhà độc tài tàn bạo như Mobutu, Moi, Barre, Nimieri, và Selassie, với lý lịch hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất ở châu Phi. Hàng tỉ đô-la chi dùng nhằm đẩy lùi chủ thuyết cộng sản. Thực ra, vũ khí của Hoa-kỳ đóng vai chính trong những xung đột tại Angola, Ethiopia, Liberia, Zaire (hiện tại là Cộng hoà Dân chủ Congo), Nambia, Somalia, Sudan, Uganda, và Sierra Leone.

Thử nghe những nhận định của Woodrow Wilson về Hoa Kỳ ở thập niên của đầu thế kỷ 20 và so sánh với bây giờ. Thực sự không có gì đổi khác ngoại trừ mức độ trầm trọng hơn, tư bản tập trung hơn, kỹ thuật tuyên truyền che dấu tinh tế hơn. Hoa Kỳ luôn trung thành lý tưởng mở rộng thị trường “tự do” cho đại tư bản siêu cường quốc.

"American free enterprise is not free...Why? Because the laws of this country do not prevent the strong from crushing the weak." (Thương trường tự do Hoa Kỳ không có tự do … Tại sao? Bởi vì luật lệ nước này không ngăn ngừa kẻ mạnh đè bẹp người yếu.)

"The government, which was designed for the people, has got into the hands of their bosses and their employers, the special interests. An invisible empire has been set up above the forms of democracy." (Chính quyền này thay vì cho nhân dân, đã rơi vào tay những tên xếp và chủ nhân, những đặc quyền thiểu số. Một đế quốc vô hình đã được thành lập trên đầu những hình thức dân chủ.)

"Why, my fellow Americans, is there any man here or any woman - let me say, is there any child here - who does not know that the seed of war in the modern world is commercial and industrial rivalry." (Tại sao, hỡi đồng bào của tôi, quý ông hay quý bà, hay thôi, có trẻ con nào ở đây mà không biết rằng mầm mống của chiến tranh trong thế giới hiện đại là tranh chấp thương mại và kỹ nghệ.)

Hãy nghe lời than trách của ông Elie Weisel, người được trao giải Nobel hòa bình và cũng là nhân chứng sống sót từ Holocaust, trong bài diễn văn “Hiểm họa của sự dửng dưng” [3] ở phòng Đông tại Bạch Ốc tháng 4 năm 1999 khi nhắc lại chuyện tàu St. Louis chở hơn 1.000 người Do Thái trốn phát xít Đức đến Hoa Kỳ bị từ chối cập bến và trao trả lại. Số phận của những người đó ở trong trại tập trung và lò thiêu thì lịch sử đã viết rõ. Ông đặt câu hỏi về thái độ bàng quan của chính quyền Hoa Kỳ và việc các công ty lớn hàng đầu của Hoa Kỳ tiếp tục duy trì thương mãi với Đức Quốc xã cho đến 1942 (tài liệu dẫn đến kết luận nếu không có sự tiếp tay của tư bản Hoa Kỳ cung cấp dầu thì Đức không thể đánh chiếm Pháp).

Lợi dụng cơ hội những cường quốc khác bị suy sụp sau Thế chiến II, Hoa Kỳ dùng sức mạnh quân sự và tư bản tập trung để củng cố địa vị trở thành siêu cường độc nhất trên thế giới. Họ khai thác tuyệt đối thị trường quốc tế đem lại lợi tức vượt trội cho các đại tư bản Hoa Kỳ rồi nhỏ giọt xuống các tầng lớp kinh tế xã hội dưới thấp. Người dân được hưởng một số quyền tự do căn bản, có chút phúc lợi xã hội, đạt mức thu nhập và tiêu chuẩn sống cao. Hoa Kỳ cho người dân cảm thấy thoải mái với đời sống riêng và ru ngủ họ với lối sống tiêu thụ, tha hóa, vị kỷ. Phần lớn dân chúng trở nên thờ ơ, dửng dưng với những cuộc tàn sát, chiến tranh diệt chủng, chết chóc, nghèo đói, huỷ hoại môi sinh ở các quốc gia khác, kể cả do hệ quả của chính sách đế quốc bá quyền miễn sao tỉ lệ thất nghiệp thấp, giá cả hàng hoá rẻ, và được an toàn trong nội địa mình. Thêm nữa, hệ thống lưỡng đảng (kể như là độc quyền) với tài trợ của giai cấp tư bản phú trọc, của các đại công ty và giới vận động hành lang (lobbyist) cho những đặc quyền thiểu số (special interests) đã làm cho dân chúng cảm thấy bất lực không có khả năng thay đổi gì được. Họ nghĩ và tin vào đó để rồi dùng nó bào chữa cho thái độ dửng dưng không dính líu đến chính trị, dân chủ, xã hội. Tuy nhiên cũng có một số công dân tích cực hoạt động công bằng xã hội và hòa bình, dóng chuông kêu gọi đám đông tham gia thực thi dân chủ. Điển hình là thành viên “Trung tâm khởi điểm cho Hành động bất bạo động” (Ground Zero Center for Non-violence Action) diễn hành đến căn cứ hải quân Bangor (Bangor Naval Base) trong ngày lễ Martin Luther King để phản đối và đòi hỏi giải giới vũ khí hạt nhân (abolish nuclear weapons), hoặc nhóm “Lake Forest Park cho hòa bình” (Lake Forest Park for Peace) diễu hành cho hòa bình tại Seattle, tiểu bang Washington để phản đối cuộc chiến Iraq.

Người Việt tha hương ở hải ngoại khởi đầu có tâm trạng vừa hận Mỹ đã chạy bỏ rơi đồng minh dưới sự đày đọa của cộng sản Việt Nam, vừa mang ơn được cứu vớt, dung dưỡng. Tâm trạng mang ơn phổ biến trong tầng lớp có công ăn việc làm ổn định, sở hữu nhà cửa, cuộc sống sung túc so với tầng lớp nghèo bản xứ. Thật khó lòng để chỉ trích đường lối và chính sách của chính quyền khi họ “cho” dung thân và việc làm, “tạo” điều kiện học hành, cơ hội thăng tiến, “bảo vệ” khỏi hiểm họa khủng bố, chiến tranh trên đất nước. Thêm nữa huyền thoại “cứu vớt và giải phóng” (“rescue and liberation” [4] ) được nhắc đi nhắc lại qua bao lần nên khó bỏ ngoài tai. Không biết cái tên “tị nạn” (refugee) gán ép cho mình có ảnh hưởng gì đến cách suy nghĩ và lối sống? Phải chăng cái tên “tị nạn” ấy làm cho mình lúc nào cũng có cảm giác ở trong trạng thái sống còn (survival mode) nên chỉ nghĩ đến sự sinh tồn và an toàn cho bản thân và gia đình không? Có nên tự cởi trói khỏi định danh hạn hẹp “tị nạn” ấy để hành xử, không chỉ với tư cách là công dân một nước nhưng là một thành viên xuyên quốc gia (transnational), mạnh dạn tham dự vào những hoạt động dân chủ, tự do, công bằng, bình đẳng cho mọi người.

Milan Kundera mở đầu tiểu thuyết “The book of laughter and forgetting” bằng câu “cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là sự cố gắng cho ký ức khỏi bị xóa quên” (the struggle of man against power is the struggle of memory against forgetting). Bell Hooks cũng nói “cuộc đấu tranh của chúng ta là cuộc đấu tranh cho ký ức khỏi xóa nhoà” (our struggle is the struggle of memories against forgetting [5] ) trong cuộc tranh đấu dân quyền, nữ quyền chống kỳ thị màu da, kỳ thị giới tính. Lẽ nào nguyên nhân cơ bản và hệ quả của cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam lại bị xoá khỏi ký ức chúng ta? Không thể để ký ức xóa mờ chính sách bành trướng đế quốc Hoa Kỳ dưới chiêu bài ngăn chặn hiểm họa Cộng sản. Không thể quên hàng triệu người dân Việt chết bên hai chiến tuyến. Không thể quên độc tài Cộng sản đày đọa hàng trăm ngàn người trong lao tù “tập trung cải tạo.” Không thể bỏ quên phong trào đấu tố trong Cải cách Ruộng đất, đàn áp Phật giáo, thảm sát Mỹ Lai, thảm sát biến cố Tết Mậu Thân, chiến dịch Phượng Hoàng. Cần nhắc nhở để ký ức tập thể (collective memories) không bị xóa nhòa, để đấu tranh chống lại bạo quyền dưới bất cứ hình thức hoặc chiêu bài nào. Nhất là không thể dửng dưng với quyền lực đang vẫn áp đặt trên hai đất nước (Việt Nam, Hoa Kỳ).

“To take seriously Vietnamese standpoints on the war and its aftermath is to critically examine the relationship between history and memory, not as facts but as narratives. Like other communities in exile, Vietnamese in the United States feel keenly the urgency to forge unified histories, identities, and memories. Against this moral weight of ‘the community,’ we need to ask what happens to events that cannot be narrated.” [6]

(Để nhìn nhận nghiêm túc những quan điểm người Việt về cuộc chiến và hậu quả của nó thì phải xem xét nghiêm khắc mối quan hệ giữa lịch sử và ký ức, không phải như những sự kiện riêng biệt mà là những câu chuyện nối kết. Cũng như các cộng đồng tha hương khác, người Việt ở Hoa Kỳ cảm thấy sự cấp bách mãnh liệt phải tạo dựng lịch sử thống nhất, bản chất, và ký ức cho mình. Dưới gánh nặng đạo đức của “cộng đồng”, chúng ta cần hỏi cho ra lẽ những sự tình không thể thuật lại.)

Những gì được chia sẻ, bàn thảo trên diễn đàn này giới hạn ở tầm nhìn trên góc độ khác nhau. Nó chỉ là một cuộc tập diễn trí tuệ (intellectual exercise) đơn thuần. Công việc thiết thực hơn là đóng góp và tham gia trực tiếp vào những hoạt động tùy theo khả năng ở tầm tay và quan tâm riêng ngay tại địa phương hoặc rộng lớn hơn. Nếu không chúng ta sẽ trở thành người quá thích nghi với sự bất công (“The last thing one wants to see [is] people who are well adjusted to injustice” [7] ).

© 2007 talawas



[1]John Thompson, Woodrow Wilson, (New York: Pearson Education Limited, 2002)
[2]Korwa G. Adar, The Wilsonian Conception of Democracy and Human Rights: A Retrospective and Perspective, African Study Quarterly – The Online Journal for African Studies.
[3]Ellie Wiesel,The Perils of Indifference, April 12, 1999
[4]Lisa Yoneyama, “Liberation Under Siege: U.S. Military Occupation and Japanese Women’s Enfranchisement,” American Quarterly 57, no. 3 (September 2005): 885-910
[5]bell hooks, Yearning: race, gender and cultural politics, (Boston, MA: South End Press, 1990).
[6]Yến Lê Espiritu, Toward a Critical Refugee Study: The Vietnamese Refugee Subject in US Scholarship, Journal of Vietnamese Studies, no. 1-2 (Fall 2006): 410-433
[7]Cornel West, lecture on “Race, Injustice” at Cornell University, April 2006