© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
18.2.2007
Nhật Tiến
Thềm hoang
(Truyện dài - Giải Văn chương Toàn quốc 1962)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Chương sáu

Huệ nằm liệt trên giường. Giấc ngủ chập chờn như ý nghĩ của nàng. Những buổi trưa, cái nóng hầm hập hắt từ mái tôn xuống khiến người Huệ muốn rộp lên. Từ tấm mền hôi và bẩn đến cái quần, cái áo, tất cả đều toả ra hơi nóng bứt rứt đến khổ sở. Huệ để sẵn chậu nước lạnh ở đầu giường. Chiếc khăn mặt nhầy nhụa dãi và mồ hôi thỉnh thoảng được nhúng cho ướt sũng rồi Huệ đem đắp lên mặt. Dòng nước đen và ngầu bọt chảy vòng vèo ở trên cổ, xuống gáy, gây cho Huệ đôi chút cảm giác mát mẻ dễ chịu. Huệ nằm, hai chân gác lên vách gỗ. Lưng nàng độn cao bằng cái gối cho xương cốt đỡ mỏi. Lồng ngực nàng đưa ra đằng trước, như thế Huệ thấy bớt được sự nặng nề đang đồn nén ở phổi. Mắt Huệ nhắm nghiền, hơi thở ngắn và mệt nhọc. Tiếng muỗi ngày vo vo ở bên tai. Những con ruồi bu đen ở trên miệng bát cháo nguội tanh, thỉnh thoảng táp lại, bò lên môi, lên mắt, gây cho nàng những cảm giác vô cùng khó chịu.

Buổi trưa tuy cực khổ như thế, nhưng đến chiều, Huệ thấy thoải mái hơn. Cơn nóng dịu đi, gió mát lùa qua cửa sổ làm bay rung rinh tấm màn mỏng. Huệ gượng ngồi dậy, lưng dựa lên vách gỗ, mắt nhìn ra phía ngoài. Trên con đường đất nhỏ hẹp, người tấp nập qua lại. Tiếng cười, tiếng nói lao xao vọng lại từ bốn phía. Thỉnh thoảng lại có một cái đầu thò hẳn vào trong nhà hỏi sõng Huệ một câu:

"Đỡ chưa cô Huệ?"

Huệ cười héo hắt, môi nàng se lại và miệng thì thấy đắng nghét. Nàng muốn có một người ngồi bên nói chuyện cho đỡ buồn nhưng chẳng có một ai chịu bước qua khỏi ngưỡng cửa. Đôi khi có một thằng bé ngồi chầu hẫu ở bên thềm, cằm ghếch lên như một con chó, mắt hau háu nhìn vào giường Huệ. Nàng ném cho nó mẩu bánh mì khô cứng như cục gỗ. Nó ngập ngừng cầm lên sờ mó một tí rồi ném trả vào trong gậm. Huệ thấy ân hận với mình nên lục đầu giường tìm ra được đồng hào ván. Nàng liệng về phía nó. Nó vồ lấy như sợ Huệ đổi ý, rồi chạy tuốt ra ngõ. Một lát sau nó trở lại với ba bốn đứa. Chúng nó hy vọng Huệ ném tiền ra cửa một lần nữa, nhưng Huệ chẳng bao giờ làm lại công việc dại dột ấy. Vì thế bọn chúng nó xoay ra bàn tán với nhau về các đồ dùng của Huệ như về cái bô nước tiểu vẫn để ở gậm giường, về bát cháo Huệ ăn dở từ hồi trưa bây giờ khô queo lại và có lúc chúng còn nói đến cả về nghề nghiệp của Huệ nữa. Điều ấy khiến Huệ trở nên khó chịu. Nàng xua cái quạt về phía chúng như xua đuổi những kẻ ăn mày. Bọn trẻ cười với nhau rồi bỏ đi.

Nằm trơ một mình, bao nhiêu ý nghĩ chán nản lại đến xâm chiếm lòng Huệ. Huệ tiếc những buổi chiều, sau bữa cơm được đi tắm bằng hai thùng nước giếng trong và mát. Rồi lúc bắt đầu lên đèn, Huệ trang điểm ở bàn gỗ, mặt thoa phấn trắng, mắt kẻ bút chì than và tô môi hồng đỏ chót. Huệ sẽ ra cửa hàng mụ Bẩy và ở đó đến khuya. Những buổi tối như thế đối với Huệ thật là vui. Căn phòng trong quán thắp đèn nê ông sáng choang, có những chai rượu lấp loáng ở bên cạnh chồng ly pha lê trong suốt. Mùi khói thuốc lá, mùi men rượu, mùi phấn và nước hoa ngào ngạt ở khắp mọi bàn. Tiếng cười đùa, tiếng nhạc xen lẫn với những tiếng chửi thề thô tục liên miên từ chập tối hầu như không dứt. Những người đàn ông hay kéo Huệ vào lòng, nhè vào miệng Huệ từng ngụm bịa hôi và đắng. Huệ cười sặc sụa như quên hẳn mình là mình, quên hẳn bệnh tật và ý nghĩ đen tối thường ám ảnh lúc ban ngày. Huệ thấy hài lòng với cuộc sống như thế, hài lòng đến độ ham mê, hễ thiếu thốn thì nhớ nhung dằn vặt.

Bây giờ nằm ốm ở nhà Huệ không còn được chia tiền vào những lúc nhạc tắt trên chiếc ra đi ô có riềm tua đỏ. Những đồng bạc mới, mùi thơm phưng phức cầm ở tay khiến Huệ quên cả nỗi mệt nhọc. Huệ nghĩ đến món tiêu ngày mai, bữa quà sáng, bữa cơm trưa, cơm chiều và cả những lúc ăn quà vặt. Những ngày ấy thật là đầy đủ sung sướng. Đang nghĩ vẩn vơ, chợt con bé ngoài hiệu chạy vào gõ cửa bảo Huệ:

"Có người tìm cô đấy.”

Huệ bật dậy như một kẻ đi câu thấy cái phao bị cá lôi chìm, nhưng đầu óc Huệ bỗng choáng váng, ánh sáng chung quanh tự nhiên tối sầm lại, có những tia máu chạy rậm rật trong đầu. Huệ thất vọng nằm xuống, nàng giận dữ với mình, với tất cả sự tối tăm bao phủ lấy căn buồng nhỏ hẹp. Rồi tiếc của, Huệ nguyền rủa bệnh tật, nguyền rủa cả kẻ vô danh nào đã nhớ đến nàng:

"Cha tổ bố! Khi người ta khoẻ thì còn cứ õng ẹo..."

Khi con bé đi khỏi, Huệ kéo chăn lên phủ kín đầu một cách giận dữ. Nàng muốn ngủ thật say cho quên hết mọi sự, nhưng mắt nàng ráo hoảnh, đầu óc thì căng đầy những nỗi lo âu, dằn vặt. Toàn thân của nàng đau ê ẩm và nhất là ở ngực, cơn tức ngực cứ kéo dài như lúc nào cũng có vật gì nặng nề ép xuống. Trời bên ngoài đã tối hẳn, căn buồng chật hẹp của Huệ chìm trong yên lặng. Cụ Chín mới đi hàng về đang rửa ráy bì bõm ở ngoài chum nước. Một lát cụ trở vào thắp cho Huệ cây đèn dầu đặt trên mặt bàn. Ánh sáng hiu hắt toả mờ mờ lên vách. Huệ quơ lấy quyển truyện định đọc nhưng xem thấy mỏi mắt nên lại ném xuống. Nàng im lặng nằm nghe tiếng bà cụ dò dẫm một mình trong bóng tối. Có tiếng cụ mở nồi cơm lạch cạch và tiếng bát, thìa va chạm nhau.

Một lát sau có tiếng nhai nhóp nhép, nhỏ nhẹ. Từ lâu Huệ đã quen với sự im lặng của cụ, ngay cả khi Huệ ốm nằm dài trên giường bệnh. Công việc của cụ hằng ngày có thêm việc khép cửa cho Huệ ngủ muộn, hạ bức chắn gỗ xuống cho nắng khỏi chiếu vào đầu giường và buổi tối thắp hộ Huệ cây đèn dầu trên mặt bàn. Rất hoạ hoằn, Huệ nghe thấy cụ hỏi thăm mình. Chỉ có những đêm Huệ ho rũ rượi và nằm rên một mình thì cụ mới trở dậy, dò dẫm đến bên đầu giường, sờ soạng:

"Có dầu đây cô này!"

Mắt Huệ mở to tìm cụ trong bóng tối lờ mờ. Huệ nom thấy khuôn mặt héo hon và cằn cỗi của cụ chập chờn trước mắt như một bóng ma. Nàng nắm lấy bàn tay xương xẩu của cụ. Hai người lần trao cho nhau hộp dầu con hổ, rồi cụ lại lầm lũi trở vào, sau khi khêu cho Huệ ngọn đèn đã lụn bấc.

Có lần Huệ muốn tỏ sự biết ơn của mình, nên hỏi thăm vu vơ:

"Hôm nay hàng bán được không, cụ?"

Bà cụ nhìn Huệ, cái nhìn ngụ ý như trả lời, rồi mỗi người lại theo đuổi một ý nghĩ riêng. Sự cô độc ấy của cụ khiến Huệ ví cuộc đời cụ như cuộc đời của một con chó già bị ruồng bỏ. Đó là số phận những con chó vẫn lang thang ở ngoài bãi hoang, nơi mà dân xóm Cỏ đổ rác và các thứ hôi thối. Chúng nó sống rất dai dẳng, thiếu thốn và đầy chịu đựng. Sự chịu đựng có thể sánh ngang với bà cụ già ở chung nhà với Huệ. Những đêm không ngủ, nghe tiếng cụ đập muỗi liên hồi trong bóng tối, Huệ nghĩ sao bà cụ không chết quách đi cho rảnh. Một kiếp sống như thế mà kéo dài thì có vui sướng gì. Ý nghĩ ấy làm Huệ liên tưởng đến chính mình. Thật ra thì cuộc sống của Huệ cũng chẳng vẻ vang gì hơn. Bệnh tật khiến nhan sắc của Huệ phai tàn một cách mau chóng. Hai gò má nhô cao lên, cặp mắt trũng sâu xuống. Hơn nữa, điều đáng lo nhất của Huệ là bộ ngực cứ teo lại, dúm dó như một mớ da vô tri giác. Nhiều hôm Huệ khóc thút thít một mình. Nàng coi tất cả những chuyện ấy như là một tai hoạ lớn lao đang đe doạ miếng cơm, manh áo của mình.


*


Bác Tốn biết tin Huệ ốm vào lúc ngồi ăn cơm ở nhà bác Nhan. Cái Hòn nói:

"Cô Huệ thuê con hai đồng để giặt hộ cho cô ấy bộ quần áo.”

Bác Nhan gái buông ngay đôi đũa của mình xuống mâm, chửi đổng một câu:

"Tiên nhân cha con bỏ mẹ, lăn vào chỗ ấy để vi trùng nó ăn luỗng phổi mày ra à?"

Cái Hòn tưởng sẽ được khen vì số tiền nó kiếm ra lần đầu tiên trong đời nó, không ngờ bị chửi nên mặt sưng lên. Một lát nó buông bát giằn dỗi đứng dậy. Mâm cơm đang vui vẻ đột nhiên yên lặng đến khó chịu. Mọi người chỉ nghe thấy tiếng nhai ở trong mồm nhau. Mặt bác Tốn trở nên trầm ngâm và buồn bã. Mắt bác nhắm nghiền hẳn lại, bờ môi hơi trễ xuống, vừng trán thấp thoáng mấy nếp nhăn.

Bác hình dung thấy Huệ nằm mệt mỏi sau lần chăn trắng, cặp mắt đen và sâu, hơi thở nhẹ nhàng, yếu ớt. Bác thấy tình yêu bừng lên như men rượu. Nếu Huệ có bác thì bác sẽ thức đêm để ngồi bên Huệ, rót nước cho Huệ uống, bón cháo cho Huệ ăn và bác vuốt ve trìu mến từng sợi tóc óng ả của Huệ. Quần áo của Huệ thay ra, bác sẽ mang đi giặt. Bác xôn xao trong lòng: "Giặt cho vợ chứ cho ai!.” Những ý nghĩ ấy cứ ám ảnh trong đầu bác gây cho niềm yêu của bác càng thêm nung nấu.

Buổi tối, khi ôm đàn đi theo Ích ra ngoài phố, bác gợi chuyện:

"Cô Huệ thế mà ốm nhỉ..."

Ích nói:

"Ốm từ lâu rồi ấy chứ..."

Bác Tốn đáp giọng thản nhiên:

"Thế mà tao không biết đấy. Còn mày, sao biết?"

"Trưa nào gánh nước cháu chả đi qua.”

"Dòm vào à?"

"Dòm chơi!"

"Thấy cô ấy không?"

"Thấy chứ!"

"Nằm ở đâu?"

"Ở giường chớ còn ở đâu!"

Bác Tốn cười hề hề:

"Ừ nhỉ!"

Một lát thấy nó im lặng, bác lại nói:

"Mày thích ốm không?"

"Thích chứ! Ốm được nằm một chỗ, chẳng phải làm gì.”

"Lại có cả cam ăn nữa. Ngon phải biết!"

"Gớm! Bác làm như triệu phú không bằng. Ốm lại còn đòi ăn cam!"

"Chắc cô Huệ thì có!"

"Cháu không biết!"

"Mày dòm mà lại không biết!"

"Thật mà! Chỉ thấy cháo thôi?"

"Cháo gì?"

"Chắc cháo thịt!"

Tự nhiên bác Tốn thấy vui. Bác hài lòng vì sự ăn uống của Huệ. Điều ấy khiến bác trở nên mạnh bạo hơn, bác hỏi thằng ích:

"Mày trông cô ấy có xanh lắm không?"

Ích nhìn vào mặt bác. Nó hơi ngạc nhiên thấy câu chuyện của bác chỉ xoay quanh có mỗi cô Huệ. Nhưng nó không nghĩ gì hơn cả. Nó đáp:

"Xanh đứt đuôi đi ấy chứ! Nhất là cái mặt, ối dà, nom cứ như người chết trôi.”

Bác Tốn thấy đau lòng quá. Câu nói ngắn ngủi của Ích thừa đủ để bác hình dung ra Huệ bây giờ ra sao rồi. Bác định hỏi thăm nữa nhưng sợ nói nhiều thằng Ích sẽ bép xép nên chỉ im lặng đi bên cạnh nó. Ngón tay bác bật mấy dây đàn. Lòng bác buồn thấm thía. Nhưng càng buồn bác càng thương Huệ, càng muốn lấy Huệ làm vợ. Bác mơ màng nghĩ đến một căn nhà nhỏ, mái ngói, vách tường xây, ở đấy bác sống êm đềm bên cạnh Huệ. Sau những bữa cơm, Huệ quấn thuốc sâu kèn cho bác hút, hai người nói chuyện tương lai, chuyện thằng nhỏ xinh xinh mà Huệ sắp cho chào đời. Bác sẽ sờ tay lên bụng Huệ, hỏi thăm sự cựa quậy của nó, chắc Huệ sẽ nũng nịu mà trách bác:

"Nó cứ đạp em..."

Gớm! Tiếng "em" mà Huệ xưng với bác sao mà êm đềm và thân yêu như thế. Bác chợt muốn hôn Huệ, muốn ôm Huệ vào lòng, nhưng bên cạnh bác vẫn chỉ là thằng Ích chập choạng bước đi ở trong bóng tối. Những ý nghĩ về Huệ làm bác thấy gần nàng hơn. Bác chợt nẩy ra ý định mua cho Huệ một món quà. Cái sáng kiến ấy vụt bừng lên như ánh chớp của một vì sao đổi ngôi. Bác thấy thật là hay ho và ý nhị mà chưa bao giờ bác nghĩ tới. Lòng bác vụt xao xuyến như chính Huệ giơ tay cảm động nhận quà của bác, Huệ đang nhìn bác với lòng mến yêu, và bác cũng cảm động lây ngay từ phút ấy. Bác Tốn thấy lòng vui trở lại, tay bác sờ soạng lên mái tóc trơ trụi của thằng Ích. Bác khẽ lắc cái đầu nó rồi nói:

"Ích ơi, mày có biết ở đâu bán bánh không?"

Ích ngạc nhiên hỏi:

"Bác hỏi bánh làm gì?"

"Tao làm cái này!"

"Cái này là cái gì?"

"Cho! Mua cho..."

"Cho ai?"

"Cái thằng lạ nhỉ! Cho ai chẳng được.”

Ích toét ra cười:

"Thôi, cháu biết rồi. Bác cho cô Huệ chứ gì..."

Mặt bác Tốn chợt nóng lên, bác bối rối tưởng chừng như mọi người ai cũng đều rõ mối tình thầm kín của mình. Cho nên bác vội lấp liếm:

"Ừ thì cho cô Huệ đã sao?"

"Bác lại muốn bắt nhân tình hả?"

"Thằng ranh! Chỉ nói bậy!"

"Nếu không thì tự dưng ai lại mất tiền toi như thế. Đúng tổ con chuồn chuồn rồi.”

Bác Tốn cười hềnh hệch, tiếng cười như thú nhận với nó, rồi làm như nó là đồng minh với mình, bác co một cánh tay nó về phía sau, nói nhỏ:

"Tao mê thật đấy. Nhưng cấm mày bép xép nghe không.”

"Ai rỗi hơi đi nói làm gì!"

"Thì tao cứ dặn thế, chứ còn mày thì tao biết.”

Ích hỏi:

"Thế bác mê nhau lâu chưa?"

Bác Tốn đưa cái cằm của mình về phía trước, hai hàm răng ngựa nhe ra dưới ánh đèn:

"Cũng lâu lâu..."

"Thế mà cứ tẩm ngẩm tầm ngầm. Thảo nào bác có vẻ khoái cô ấy dữ.”

"Còn mày thì nghĩ sao? Bộ tao có ăn thua gì không?"

"Đứt đuôi đi rồi!"

"Sao lại đứt đuôi đi rồi!"

"Ờ! Có tiền thì muốn gì cô ấy chẳng được.”

Mặt bác Tốn hơi sạm đi nhưng thằng Ích chẳng thể hiểu được cái tâm tình ấy của bác. Ngừng lại giây lâu, bác cố lấy giọng vui vẻ:

"Nhưng mày nghĩ có xứng không ấy chứ.”

"Xứng đứt đuôi đi ấy chứ còn nói gì nữa.”

Thế là lòng bác Tốn dạt dào vui sướng. Lúc này bác thật dễ dãi và thấy cần một niềm tin. Nên dù niềm tin ấy do thằng Ích mang lại cũng đủ cho bác sướng mê tơi đi rồi. Bác ôm chặt cây đàn vào ngực, ngón tay của bác sờ soạng lên từng cung bậc, rồi bác vừa gẩy, vừa hát sẽ:

"Trên trời xanh bóng trăng
Dưới bến con thuyền lội nước tung tăng..."

Hai bác cháu đi lên chỗ có ánh đèn rực rỡ. Tiếng người qua lại vang ồn ào ở bên tai. Bác mở to mắt nhìn ngang ngửa. Một màng sáng đục thấp thoáng có những bóng đen mơ hồ đi qua mặt. Cái rộn rã của một buổi chiều trong thành phố làm tăng thêm niềm vui trong lòng bác. Tình yêu dâng lên dào dạt, bác Tốn cảm thấy lòng ngây ngất. Chợt Ích nắm tay bác dừng lại:

"Bánh đây này? Bác định mua thứ nào?"

"Thế à! Có những bánh gì?"

Ích đảo mắt ở trước tủ kính sáng choang đầy chai lọ:

"Nhiều ối ra! Bánh ga tô, bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh cốm, bánh sâm banh, gì cũng có.”

Bác Tốn phân vân:

"Gì được nhỉ... mày thì mày mua cái gì?"

"Cháu thì cháu khoái ga tô!"

"Ga tô! Ốm ai mà lại đi ăn bánh ga tô! Thôi mày mua bánh bích qui đi.”

"Mua bao nhiêu?"

"Cầm lấy hai chục.”

"Hai chục cơ? Sang thế! Hai ngày hát đấy.”

"Thì mặc kệ tao!"

Thằng Ích cầm tiền đi vào trong hiệu. Lần đầu tiên trong đời, nó được bước vào một hiệu sang như thế. Tay nó xòe sẵn tờ giấy bạc cho người bán hàng trông thấy, miệng nó nói:

"Bán cho hai chục bánh bích qui!"

Cô hàng nhìn nó chăm chú, rồi cô cầm tiền và lấy cho nó một hộp bánh, thứ hộp sắt tây có bọc giấy bóng kính hẳn hoi. Ích vui mừng giơ cái hộp ra ngắm nghía. Nó nghĩ hai chục bạc có khác, cái hộp còn quí hơn cả những chiếc bánh ở trong. Nó chạy ra khoe rối rít:

"Hai chục đây này! Oai không chê được!"

Bác Tốn cảm động giơ tay đón lấy. Năm ngón xương xẩu của bác quệt mãi lên nếp giấy phẳng và mịn. Đoạn bác đưa lên mũi ngửi. Bác cảm thấy ở đấy toát ra một mùi đặc biệt, vừa thơm, vừa mát mẻ, vừa sang trọng, phú quí. Lòng bác rộn ràng nghĩ đến lúc Huệ cầm hộp bánh ở trong tay. Huệ sẽ biết rằng bác nghĩ đến Huệ, mà chỉ cần Huệ biết cho như thế là bác đã thấy tim mình đập mạnh lên rồi. Sờ mó một hồi, bác trao cho thằng Ích rồi nói:

"Hôm nay về sớm một tí, mày chịu khó mang sang hộ tao nhé.”

"Làm gì mà vội thế. Mình về thì cô ấy đã ngủ mất rồi còn đâu.”

"Nhưng để ban ngày không tiện. Hàng xóm người ta biết.”

"Biết thì làm sao?"

"Xấu hổ bỏ bố đi!"

Hai bác cháu cùng mỉm cười. Ích thu cái hộp vào trong bụng áo rồi nói:

"Cô Huệ được cái này thì sướng mê cu tơi đi rồi.”

"Bánh bích qui thì cô ấy thiếu gì. Còn sợ cô ấy chê nữa ấy chứ. Mày nghĩ có chê không?"

Ích đáp:

"Chả chê đâu!"

"Ngộ cứ chê thì sao?"

"Thì chúng mình ăn.”

"Mày nói như bố chó xồm ấy.”

"Thế chả ăn thì vứt đi à?"

"Ừ nhỉ! Nhưng chả chê đâu.”

Ích gắt lên:

"Rõ ấm ớ! Bảo chê rồi lại không chê, rồi lại chê.”

Bác Tốn cười hềnh hệch:

"Ừ nhỉ! Thôi đến tối rồi biết.”

Ích nói:

"Tối thì cháu nói làm sao?"

"Mày nói thế nào tuỳ ý mày.”

"Nói toạc ra rằng bác phải lòng cô ấy nhé.”

Bác Tốn giẫy nẩy lên:

"Ấy chớ, mày nói thế thì chết tao rồi!"

"Sao chết?"

"Chết chứ! Đã yêu thì cũng phải từ từ thôi chứ ai lại thế.”

"Vậy cháu cứ đút hộp bánh vào cửa sổ nhé.”

"Ấy đừng! Làm gì thì cũng phải nói chứ!"

"Sao bảo nói thì chết?"

"Nói nhưng là nói khéo cơ chứ. Mày bảo tao phải lòng cô ấy thì bỏ bố tao rồi.”

"Bác rõ thật rắc rối.

"Mày ngu như bò ấy. Tâm lý phải thế chứ.”

"Ừ, thì bác bảo phải nói cái gì nào?"

Bác Tốn gật gù:

"Mày phải nói rằng tao quí cô ấy..."

"Sao quí?"

"Hỏi thế thì đếch ai trả lời được.”

"Nhỡ cô ấy hỏi thì cháu tịt mít à?"

"Mày đừng lo, quí là quí chứ chả có ai đi hỏi ngớ ngẩn như thế bao giờ.”

Ích gật đầu:

"Sao nữa?"

"Rồi mày nói là tao vừa nghe nói cô ấy mệt nặng..."

"Ai nói?"

"Cái thằng, ngang như đấm vào tai ấy. Ai mà chả được, nghe phong phanh mà..."

"Ừ, thế rồi sao nữa?"

"Rồi mày bảo tao vì tình hàng xóm, mua tặng cô ấy cái này..."

"Sao nữa?"

"Rồi mày phải nghe cô ấy cảm ơn, cảm iếc gì thì về kể cho tao nghe.”

"Như thế thì ngon ơ! Đâu có phải làm tâm lý tâm liếc gì!"

"Thì tao đã bảo mà? Mày làm xong việc thì tao cho một chầu ga tô thật no.”

"Ái chà sang nhỉ! No là mấy cái?"

"Độ vài ba cái chứ gì!"

"Vài ba cái thì chả bỏ dính răng.”

"Thế mấy?"

"Mấy mà chả hết.”

"Thôi, bốn đi! Bốn là hết bố nó tám đồng với nhà ông rồi.”

Ích cười hề hề. Nước dãi nó ứa ra. Nó nghĩ đến những miếng bánh ngọt lịm phết kem xanh đỏ mà nó sẽ được nhai ngấu nghiến một mình.

Lát sau, hai bác cháu dừng lại ở mộtt cửa hiệu ăn. Mùi phở thơm lừng bốc lên ngào ngạt. Thằng Ích quên ngay hương vị bánh ngọt nó vừa tưởng tượng và nó vụt thấy đói cồn cào. Mắt nó đưa vào phía trong hiệu, lơ đãng ngắm một cách thèm thuồng mọi người ăn uống. Trong khi ấy, bác Tốn sửa lại dây đàn. Một ngón tay bác bật lên những nốt dạo nhạc, một tay bác khẽ dúi vào đầu thằng Ích. Như cái máy, Ích gân cao cổ lên, giọng làm ra điệu rung rung như một tài tử chính hiệu. Nó bắt đầu hát:

"Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn gieo muôn tiếng tơ.
Không gian trầm lặng như âu yếm ru ai trong giấc mơ.
Muốn nói cùng em... ơ... ơ..."

Lòng bác Tốn bỗng thấy rạo rực, một niềm vui khó tả dâng lên theo lời nhạc làm bác xao xuyến. Hình ảnh Huệ, đánh môi đỏ, mặc áo hồng, phấn thơm sực nức hiện ra như một bà hoàng trong trí tưởng tượng của bác. Tay bác bật mạnh dây đàn, âm thanh rung lên trong bầu gỗ làm chói tai thằng Ích. Nó quay lại nhìn bác. Nó chợt mỉm cười, vì lúc ấy, bác Tốn cũng đang mỉm cười vu vơ. Ích thấy hàm răng ngựa của bác trắng bóng ở dưới ánh đèn...
Nguồn: Thềm hoang, truyện dài của Nhật Tiến. Đời Nay ấn hành lần thứ nhất ở Sài Gòn năm 1961. Việt Tide tái bản tại California năm 2003 (tác giả có hiệu đính). Tranh bìa: Nguyên Trúc. Trình bày: Nguyên Trúc & Cao Xuân Huy. Bản đăng trên talawas do tác giả cung cấp.