© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.2.2007
Nhật Tiến
Thềm hoang
(Truyện dài - Giải Văn chương Toàn quốc 1962)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Chương chín

Huệ chưa khỏi hẳn nhưng đã đi lại được ở mấy nhà quanh ngách. Nàng hay bắc ghế ra ngồi ngoài thềm cửa. Một vài lần có người quen đi qua, Huệ lại kéo vào nói chuyện bâng quơ. Nàng bô bô cả chuyện chồng con của mình khi nhác thấy bác Tốn thấp thoáng ở đằng xa:

"Chồng tôi đấy! Chồng ơi..."

"Rõ nỡm chửa kìa! Cưới chồng ở đâu ra mà nhanh thế.”

Huệ chỉ về phía căn nhà lụp xụp của bác Tốn:

"Nhà chồng tôi đấy... chồng tôi cưng tôi, tôi ốm thì mua cả bánh đem cho nữa.”

Có tiếng cười rích lên:

"À! Thằng khỉ gió!"

Huệ phát bẳn lên:

"Nỡm cái nhà bác này! Nói chồng người ta!"

Rồi Huệ cười rúc rích, cổ nàng ngoẹo sang một bên, mái tóc rũ xuống trán và má. Nàng có vẻ thích thú khi nghĩ rằng trong đời sống của mình có một nhân vật mới. Thật là giản tiện, vừa có chồng để nói sướng mồm, vừa không vướng víu, thiệt thòi gì cả. Mà dân trong xóm Cỏ cũng mặc nhiên công nhận tình trạng vợ chồng trời ơi đất hỡi ấy bằng một sự vui thích. Họ không từ bỏ cơ hội nào để có thể được cười đùa. Thỉnh thoảng một người đi qua ngưỡng cửa nhà Huệ lại ngứa miệng hỏi một câu:

"Chồng đâu? Cô Huệ ơi!"

Huệ đáp:

"Chồng không có nhà.”

"Có "đi" không?"

"Khỉ gió đùng lăn nhà bác lắm nữa! Chồng tôi nó ghen lắm đấy biết chưa!"

Sự bông đùa khiến Huệ thấy gần gũi với bác Tốn hơn. Những ngày khỏi ốm, lúc đánh phấn bôi môi đi qua nhà bác, Huệ bắt đầu chú ý đến túp lá tồi tàn nằm im lìm trong bóng tối. Bác Tốn đi hát từ chiều. Cánh cửa bằng nan tre xộc xệch khép hờ hững vào sát thân cây xoan tây mới lớn. Khoảng sân đất nhỏ hẹp trơ trụi mấy ngọn cỏ mọc hoang. Một lu nước thấp lè tè kê trên mấy hòn gạch đặt ở đầu hiên. Căn nhà im lặng đến hoang vắng. Qua khung cửa nhỏ, bóng lối hun hút như một lỗ mắt có chiều sâu. Huệ nghĩ đến sự mù loà của bác Tốn. Một đôi lần Huệ đã định ngắm kỹ khuôn mặt trắng xanh của bác. Nhưng tròng mắt đỏ ngầu lẫn lộn những sợi thịt xanh tím của bác khiến Huệ thấy ghê sợ. Nàng bất giác quay đi để khỏi ghi lại trong đầu cái hình ảnh ấy. Huệ chỉ thấy thích nụ cười nhếch nửa miệng và giọng hát ỡm ờ đáng yêu của bác:

"Cô Huệ ơi...
Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng..."

Huệ nghĩ rằng nếu bác không mù loà thì nàng chẳng ngần ngại gì mà không về với bác. Còn thực tế thì bao giờ cũng chua chát hơn. Huệ chỉ thấy như mình đang nắm giữ một trò đùa thích thú. Thỉnh thoảng đứng trước mọi người, Huệ lại réo tướng lên khi nhác nom thấy bác:

"Chồng tôi đấy! Chồng ơi..."

Bác Tốn tuy nghe thấy nhưng không bao giờ ngoái cổ lại. Bác có cảm giác như tất cả mọi người đang chú ý đến mình. Những tiếng cười rúc rích như xoáy vào lưng, khiến bác thấy xấu hổ muốn chết được. Mặt bác đỏ lên ở dưới nắng. Hai hàm răng của bác cười nhe ra như để chữa thẹn với mình. Hình như bác cũng biết rõ là Huệ cũng chỉ nói đùa. Phải duyên phải nợ thì cả hai đã "bén" từ lâu rồi ấy chứ, đã bao lần bác tự nhủ thầm với mình như vậy! Bây giờ, bác lại tìm ra được mấy câu hát mới, và bác chỉ hát mỗi khi nghe thấy tiếng Huệ léo xéo với mọi người ở ngách trong:

Tôi trông thấy cô...
Tôi buồn...
Tôi chán...
Tôi chuồn...uồn...

Tiếng Huệ lại rít lên ở trong những tiếng cười của chòm xóm làm bác thích chí. Sợi dây đàn bác bật một cách rất ẩu ở trên ngón tay, và bác cũng bật lên cười nghe khì khì có vẻ khoái trá. Ấy cứ chọc qua chọc lại với nhau như thế cũng đủ khiến cho lòng bác thấy ấm áp và trong trái tim thổn thức, bác đã thấy Huệ rất gần gũi với mình. Bác yêu sự chanh chua, kiêu kì của Huệ. Bác nghĩ rằng không lấy nhau mà được đùa với nhau như thế thì cũng đã là sướng lắm rồi. Mà hình như Huệ cũng chia sẻ chung với bác cái cảm nghĩ ấy. Một đôi lần, lúc về khuya đi qua cửa nhà bác, Huệ thấy bác Tốn bắc ghế ngồi ngoài sân. Nàng làm như hai người đã thân thiết với nhau lắm nên nói trước:

"Hát đi bác Tốn!"

Bác Tốn ngẩng lên:

"Ai đấy?"

"Ai chả được!"

"À! Cô Huệ..."

"Hát đi một bài nghe chơi..."

Bác Tốn cười một mình trong bóng tối, mùi phấn thơm thoang thoảng theo gió đưa vào mũi bác. Mặt bác ngửa lên, ngón tay bác gõ vào bầu gỗ:

"Tôi trông thấy cô..."

Huệ dẫy nẩy lên:

"Khỉ gió!"

Bác Tốn tủm tỉm cười, nghiêng mặt về phía có tiếng Huệ nói:

"Hát thế chứ hát làm sao?"

"Ca cải cách đi!"

Bác Tốn liền cất giọng:

"Đêm qua mơ dáng em nâng cung đàn gieo muôn tiếng tơ..."

Bài hát chưa dứt được một câu thì Huệ đã đi thẳng vào trong xóm tự lúc nào. Tiếng guốc lóc cóc của nàng vang lên mặt đá khấp khểnh, âm thanh khô ròn và ngắn gọn vang vọng trong lòng bác một nỗi niềm lưu luyến. Bác ước gì chạy được ngay tới bên Huệ, cầm lấy tay nàng, hôn lên má và trán nàng, rồi ngỏ lời xin lấy nàng làm vợ. Nhưng bao giờ thì những chuyện ấy cũng chỉ là niềm ước vọng. Nó khắc khoải không nguôi trong khoảng tối đen mù mịt như khoảng trời trong đôi mắt của bác. Như đêm dài mịt mùng và mãi mãi bác chỉ hình dung thấy bóng Huệ, thon nhỏ, mặc áo đỏ quần trắng, đánh má hồng đi ở dưới ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn hắt từ ngoài phố vào. Bất giác, một nỗi buồn thấm thía ùa đến xâm chiếm lòng bác. Bác ngồi xuống, ngả lưng vào thành ghế, hai chân duỗi thẳng, mặt ngửa lên trời. Một luồng gió mát thoang thoảng thổi qua cổ và má mơn man. Bác nghĩ đến một khoảng trời bao la và đầy sao sáng. Ngày xưa ở quê nhà, những đêm mùa thu phải đi coi lúa ngoài đồng, hay nằm ở trên gò cao hóng mát thì bác cũng có những giây phút được các làn gió mơn man như thế. Bác còn nhìn thấy những vì sao lấp lánh trên đỉnh đầu xếp với nhau thành những hình thù rõ rệt. Bầy vịt bơi trong giải sông Ngân kéo dài mãi xuống cuối trời. Những chòm sao Mục Phu, Thất Nữ, Thần Nông, Đại Hùng lấp lánh ngang tầm mắt. Ôi! Cái thời còn sáng mắt sao mà hạnh phúc đến thế! Bác vụt thấy lòng khao khát một tia sáng, dù chỉ một tia sáng thôi thì bác cũng đủ hình dung ra được khung cảnh thật sự đang diễn ra ở chung quanh bác hàng ngày. Đã sống quen với bóng tối, lâu lắm hôm nay bác mới lại thấy lòng vụt trỗi lên những cảm giác khổ sở, ray rứt, đớn đau, dằn vặt, giống như cái thời bác mới bị lâm vào cảnh mù loà. Bác Tốn chợt rưng rưng khóc. Từng giọt nước mắt ứa ra ở hai bên bờ mi. Bác châm cho mình một điếu thuốc rồi im lặng ngồi hút trong bóng tối. Đêm về khuya nên cảnh vật yên tĩnh lạ. Chỉ có tiếng xe cộ từ giữa phố vọng về ù ù trong gió. Tiếng võng kẽo kẹt đưa buồn nản vang lên từ mấy nhà chung quanh. Thỉnh thoảng có một chiếc xích lô uể oải đạp qua, lăn khấp khểnh vào lòng ngõ. Mấy người đàn bà bán quà đêm trở về lê dép quèn quẹt trong bóng tối. Bác Tốn ngồi thiu thiu như thế cho đến khi có tiếng người gọi mình ở hàng rào, mới choàng dậy.

"Tốn đấy à?"

"Ai đấy?"

"Tám đây!"

"À! Dượng thằng Ích. Đi đâu về khuya thế?"

Có tiếng ngáp bên tai, tiếp theo là giọng nói uể oải:

"Buồn thì đi làm một quắn xóc đĩa!"

"Được hay thua?"

"Thua! Mà thua cay chứ lị! Mình khát nước hoài.”

"Thôi thì còn canh này, canh khác.”

Dượng Tám chép miệng:

"Ừ! Thì sông có khúc, người có lúc chứ. Này!"

"Gì cơ?"

"Cho mượn mấy trăm nhớ!"

"Có đếch đâu.”

"Thôi đi! Cậu cứ vờ! Tẩm ngẩm tầm ngầm mà giầu nhất xóm đấy!"

Bác Tốn giẫy nẩy lên:

"Gớm! Có mà của đi hót được. Đủ ăn hai bữa là may.”

"Sao bảo cậu có bạc nghìn cơ mà.”

"Đứa nào độc mồm vậy? Tớ mà có bạc nghìn thì chó có váy lĩnh!"

"Ôi dào, người ta nói thiếu gì! Không có lửa sao có khói?"

"Chẳng có đâu.”

Mắt dượng Tám long lên. Giọng nói của dượng đượm sự giận dỗi:

"Thôi thì một trăm cũng được.”

Bác Tốn cười hề hề:

"Nói thật mà, có thì tiếc đếch gì anh em.”

Dượng Tám muốn chửi tục một câu. Dượng đá hòn gạch cho lăn lông lốc vào lối đi để tỏ sự tức giận của mình. Vừa lúc ấy có tiếng người đi vào trong ngõ xen lẫn với tiếng chuyện trò lao xao. Dượng bỏ bác Tốn, hậm hực bước đi, chân nện đôi guốc lên nền đất nghe thậm thịch. Khi tới cổng nhà, con chó đang nằm bỗng chồm lên sủa loạn xạ. Dượng mắm môi nhằm bụng nó đá một cái thật mạnh. Con vật bé nhỏ tung lên cao rồi lăn lông lốc vào bờ rào. Tiếng sủa của nó vang lên, phá tan bầu không khí tĩnh mịch. Sự tăm tối, thản nhiên ở mọi ngách quen thuộc trong nhà khiến dượng có ý nghĩ muốn xòe một que diêm châm đốt cho mọi thứ bùng lên cháy hết. Những ngọn lửa nóng và dữ dội bốc cao phải nóng hơn cái nóng giận đang âm ỉ trong lòng thì lúc đó chắc dượng mới thấy hả dạ. Dượng tiến lại chum nước ngửa cổ tu một gáo đầy. Mồ hôi vã ra lấm tấm ở trán và hai bả vai. Lòng dượng dịu bớt lại. Dượng phanh áo vắt lên xà ngang rồi mò mẫm đi trong bóng tối. Tay dượng chạm phải u Tám nằm ngủ trên phản giữa. Dượng nghĩ đến hình ảnh mũm mĩm của u ngày xưa với làn da thớ thịt mềm mại. Bất giác dượng cúi xuống mò mẫm. Rồi những tiếng cằn nhằn vang lên. Sau đó là một sự im bặt!

Một lát dượng ra đứng quạt ở đầu hè. Bóng dáng cao lớn của dượng che lấp một khoảng trời sáng đục bên ngoài. Chợt có tiếng nói rụt rè từ trong góc tối:

"Thưa dượng đã về.”

Dượng Tám giật mình quay lại. Dượng vụt gắt lên:

"Cái Ngoan đấy à?"

Ngoan rụt rè:

"Dạ..."

"Con chết tiệt không ngủ hay sao mà ngồi làm mẹ gì ở đấy?"

Ngoan không đáp, vội vàng đứng dậy. Nó len lén bước xuống sân đất để đi vòng lên cửa giữa. Nhưng dượng đã gọi giật nó:

"Ngoan!"

Ngoan vội vàng đứng dừng lại, tim nó đập mạnh như một kẻ tội phạm đang chờ người ta tuyên án. Nhưng giọng dượng chợt trở nên dịu dàng như chưa bao giờ thấy:

"Hàng họ của mày ra sao?"

Ngoan đáp:

"Vẫn như thường đấy ạ..."

"Thường là thế nào, có nổi dăm đồng một ngày không?"

Ngoan cãi lại một cách sung sướng:

"Hơn chứ, hôm nào khá thì cũng được hai, ba chục.”

Dượng nói giọng ngạc nhiên:

"Hai, ba chục cơ! Vốn mày những bao nhiêu mà lãi nhiều thế?"

"Vốn thì chả cần nhiều, lắm khi mua được đồ rẻ đem bán đắt là thường.”

"Chả cần nhiều thì là bao nhiêu?"

"Mỗi ngày con cũng chỉ cầm đi tám, chín chục.”

"Sao ít thế? Dạo đầu mày có vốn ba, bốn trăm cơ mà?"

"Vốn thì còn nguyên đấy nhưng con lại gửi u cả.”

Dượng nói to:

"Mày nói láo! Tao có thấy u mày có nổi đến một trăm đâu?"

Ngoan nhanh nhẩu:

"U để dành tiền sắm tết đấy.”

"Dành dụm gì, u mày tiêu riêng hết rồi, còn chó đâu mà để.”

Cái Ngoan thấy tức thay cho u nó. Nó cãi lại như chính nó bị dượng nghi ngờ một cách oan ức:

"Thật mà! U không tiêu một cái gì đâu. Tiền để dành hình như vẫn để dưới chân bát hương trên bàn thờ.”

Dượng Tám gật gù:

"Thế à! Tao lại cứ nghĩ u mày phung phí đi hết rồi. Thôi thế cũng phải. Khuya rồi, mày đi ngủ đi.”

Ngoan lẳng lặng lần đi trong bóng tối. Nó thấy đây là lần đầu tiên dượng nói với nó được một câu chuyện dài như thế. Lúc trèo lên giường Ngoan nghe thấy tiếng ngáy nặng nề của u Tám ở bên tai. Khung cửa phía ngoài in nền trời đục trắng nhờ của một đêm mùa hạ. Có tiếng dượng Tám đi guốc xuống sân đất và tiếng dượng múc nước tắm lịch kịch ở chỗ mấy cái chum. Ngoan nằm một lúc thì hai mắt díu lại. Giấc ngủ êm đềm đến với nó trong những niềm vui nhỏ. Hình ảnh những ánh đèn rực rỡ như đêm hoa đăng chập chờn trong ý nghĩ. Giọng nói êm dịu của dượng Tám thoáng qua mơ hồ bên tai. Ngoan mơ thấy cuộc đời tươi sáng, tràn đầy tình yêu thương, ở đó thằng Ích ăn no rồi đánh đu trên một cành cây cao đầy bóng mát. Miệng u Tám hé một nụ cười. Mặt u tươi tỉnh như chưa bao giờ Ngoan được nom thấy u như thế. Còn dượng Tám thì bận quần áo trắng là phẳng nếp đứng khoanh tay nhìn Ích. Tiếng cười của dượng ròn giã vang lên nghe thành những âm thanh chói buốt. Hàm răng vàng của dượng lộ ra lóng lánh dưới ánh nắng. Ngoan chăm chú nhìn những tia sáng phản chiếu hắt lên mặt đường một mầu vàng ối. Mầu vàng ấy trước sáng, rồi dần dần thành nhạt, rất nhạt, cuối cùng Ngoan có cảm giác như trông thấy dượng đứng bên những ánh lửa héo úa và mặt dượng vụt trở nên hung dữ và độc ác. Nó chợt nghĩ đến những lần dượng xoắn lọn tóc của u Tám vào lòng bàn tay rồi giật đi giật lại. U Tám bấy giờ chỉ như một con vật nhỏ bé, hai tay ôm chặt lấy hai bên mang tai, tiếng khóc của u không bật ra khỏi cổ họng mà chỉ thành những tiếng rên rỉ. Hình ảnh hãi hùng ấy khiến tim Ngoan thốt nhiên đập rất mạnh và nó bàng hoàng như đang đứng trước cảnh thật. Ngoan bừng mở mắt, lưng ép xuống phản gỗ. Nó nhìn ra chung quanh. Đêm đã khuya, căn buồng chật hẹp oi bức và ngột ngạt. Muỗi bay vo vo loạn xạ ở bên tai. Tiếng ngáy của u Tám vẫn đều hoà. Chợt Ngoan vụt nhận ra rằng căn buồng còn sáng lên một thứ ánh sáng khác, héo úa, vàng vọt. Nó xoay người trở lại, nhìn xuống cuối buồng. Ngoan trông thấy dượng Tám đang bưng một cây đèn dầu, đứng lúi húi trên cái ghế gỗ trước bàn thờ. Sự ngạc nhiên và sợ hãi khiến Ngoan nín thở. Nó không hiểu được hành động kỳ quặc của dượng. Mắt nó mở to, tim hồi hộp, chân tay nó như muốn dính liền với tấm phản. Ở đằng này, dượng Tám hình như không biết cái Ngoan đã thức dậy. Dượng vẫn lặng lẽ giơ cây đèn lên soi vào những chỗ ngóc ngách. Mắt dượng long lanh sáng, hai bên lông mày nhíu sát vào nhau nom thật dữ tợn. Ánh sáng của ngọn đèn hắt lên soi rõ hẳn cái trán cao và gồ. Mái tóc bóng nhẫy xoã xuống một bên má. Một tay dượng cầm đèn, một tay dượng khẽ lấy cái que chọc vào những khe nhỏ. Ngoan vụt nghĩ đến món tiền u Tám giấu ở trên ấy. Nó nhận ra rồi, dượng ăn cắp tiền của u nó. Ngoan muốn kêu to lên cho u nghe thấy, nhưng phần vì sợ dượng đánh, phần sợ u Tám cũng bị đòn lây nên hai hàm của Ngoan cứ cứng lại không sao cất được thành lời. Bây giờ thì dượng Tám đã nhấc được cái bát hương sang một bên và mặt dượng lộ rõ vẻ vui mừng. Dượng moi được những tờ giấy bạc mới nguyên nằm sâu dưới chân đế. Sự lúi húi của dượng làm cây đèn chao đi. Bóng tối được dịp đảo đi một vòng che lấp hẳn khuôn mặt dễ ghét của dượng. Ngoan tiếc tiền nên vụt bật dậy. Nó hét lên như vừa nhận được một sức mạnh nào đến giúp nó:

"Dượng... Tiền của u đấy!"

Tiếng hét làm dượng Tám giật nẩy mình, và lần này thì ngọn đèn lộn hẳn qua cái thành gỗ rồi rơi vỡ tan tành trên mặt đất. Bóng tối vụt bưng lấy tất cả mọi vật. Có tiếng u Tám nhỏm phắt dậy và giọng của u hỏi một cách hốt hoảng ở bên tai:

"Ngoan! Ngoan! Cái gì thế?"

Ngoan bật lên khóc. Tiếng khóc của nó làm giọng u lạc đi hơn:

"Sao? Cái gì thế? Ngoan!"

Ngoan giơ tay ra quờ quạng trong bóng tối. Nó sờ thấy vai áo của u. Ngoan ôm chầm lấy u mếu máo:

"Dượng lấy tiền ở trên bát hương!"

Người u Tám bật lên như bị điện giật, u hốt hoảng bổ nhào xuống đất. Có tiếng u vấp phải cái ghế lăn đổ loảng xoảng, đồng thời u kêu thất thanh trong bóng tối:

"Giời đất ơi là giời! Vốn lưng cả nhà còn có ngần ấy.”

Rồi u lăn xuống cuối phòng. Tiếng Ngoan hét lên:

"Đèn vỡ! Đèn vỡ u ơi!"

Nhưng bàn chân u Tám đã dẫm lạo xạo trên mặt đất. Tiếng cạnh sắc của thuỷ tinh vỡ vụn kêu ròn tan dưới sức ép nặng nề của hai gan bàn chân. Cái đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần làm cho cổ họng u như tắc lại. U kêu lên một tiếng "giời" rất nhỏ rồi ngã ngửa ra đằng sau, hai chân u giơ lên cao đạp loạn xạ. Ngoan lật mạnh chiếu lên tìm được bao diêm, nó vội vã xòe một que. Ánh sáng đỏ úa bừng lên yếu ớt nhưng cũng đủ để cho Ngoan trông thấy dượng Tám đứng bối rối ở trên ghế. Mặt dượng hơi tái đi nhưng hai con mắt thì càng long lên dữ tợn. Ở dưới mặt đất còn đẫm dầu, nó thấy U Tám nằm ngửa trong cái thế như còn đang chới với, hai gan bàn chân của u giơ lên cao, dẫy dụa liên hồi và có từng tia máu đỏ lòm ứa ra ở kẽ chân rồi nhỏ xuống mặt đất. Thế là Ngoan oà lên khóc. Que diêm mà nó vừa vứt ra, đảo lên thành một vệt đỏ lừ rồi teo lại. Bóng tối lại bưng kín lấy căn buồng. Dượng Tám tụt nhanh xuống đất, quơ được đôi guốc mộc. Tiếng chân của dượng giẫm phũ phàng lên những mảnh chai. Chỉ một phút, dượng đã ra đến cửa ngoài. Con chó nằm ở bờ giậu hực lên sủa loạn xạ. Ngoan trông thấy dượng mở then cổng hàng rào và lẻn ra vội vã như một con cáo ôm mồi chạy đi mất biệt!


Chương mười

Một buổi tối Huệ dìu về nhà một người lính say. Trời lất phất bụi mưa. Xóm Cỏ im lặng và tối om như một đường hầm sâu hun hút. Lối đi nhớp nháp bùn. Trận mưa buổi chiều làm nước đọng thành vũng lớn. Người lính say ngoẹo đầu trên vai Huệ. Anh ta đi lảo đảo, tiếng giầy đinh miết vào lòng sỏi kêu lộp cộp ầm ĩ. Một tay Huệ đỡ lưng anh ta, một tay nàng nắm lấy ngực áo, vừa đi Huệ vừa cất mồm chửi. Tiếng chửi chanh chua len qua kẽ vách, khiến có người ở trong nhà bên lề đường bật lên cười, hỏi vọng ra:

"Cái khỉ gió gì thế cô Huệ ơi?"

Huệ không quay lại, nhưng nói bâng quơ:

"Cha bố cái giống.... chỉ nốc là khoẻ thôi.”

Nói rồi nàng du mạnh người lính một cái. Anh ta rú lên cười. Tiếng cười nghe rờn rợn như tiếng chó tru. Rồi anh ta lại ôm choàng lấy Huệ làm nàng chúi hẳn người đi. Cả hai líu ríu vướng vào nhau loạng choạng như sắp té. Huệ ghé mồm vào tai anh ta hét lên:

"Khỉ gió đùng lăn nhà mày lắm nữa, béo cơm rửng mỡ chưa!"

Rồi nàng lại sốc hắn ta lên bờ vai, mũi nàng chun lại vì hơi thở của hắn nặng nề, xông lên mùi rượu bia sặc sụa làm nóng cả mũi và má Huệ. Nàng vội vàng túm lấy mái tóc của hắn ta, giật ngửa về phía đằng sau. Lần này hắn xiết hai vòng tay nhấc bổng hẳn nàng lên vai. Mặc cho Huệ hét ầm ĩ, hắn ta vẫn bế nàng ngông nghênh đi xiêu vẹo, lảo đảo từng bước. Chó hai bên lề hực lên rồi sủa loạn xạ. Tiếng chó, tiếng Huệ, tiếng cười của người lính say xen lẫn tiếng giầy đinh xúc vào rãnh vào bùn làm vang rộn cả khúc đường tối tăm, vắng vẻ.

Qua cửa nhà, Huệ nói rối rít:

"Ici! ici! Tốp là bas!"

Hắn vội vàng đứng lại, đặt Huệ xuống hàng hiên. Huệ thọc tay vào túi áo hắn tìm ra được cái bật lửa. Một làn ánh sáng đỏ đùng đục nhoáng lên, nhấp nháy soi rõ khuôn cửa gỗ xộc xệch và những mô đất ẩm ướt xung quanh. Huệ lùa chìa khoá vào ổ, lách cách mở. Lúc nàng vặn sáng được ngọn đèn lên thì người lính vẫn ngập ngừng ở bực cửa. Bây giờ hắn ta có vẻ thẹn thùng và ngượng ngập. Dưới ánh đèn, nom hắn trẻ và đẹp trai. Mái tóc vàng óng cắt gọn ghẽ, uốn rất nhẹ mấy lượn sóng nhỏ. Vầng trán cao và phẳng. Đôi mắt hắn tuy ngầu đỏ nhưng vẫn còn ánh lên một mầu xanh biếc khiến Huệ nghĩ đến tròng mắt của những con mèo ban đêm. Miệng hắn nhỏ, cặp môi đỏ và dầy. Lúc hắn cười, Huệ trông thấy hai hàm răng trắng, khấp khểnh một cách rất có duyên. Huệ mới quen hắn từ hồi chập tối. Hắn vào quán rượu với mấy người bạn đồng ngũ. Bọn này cần đàn bà hơn cả cần ăn, cần uống. Trong khi họ dìu nhau từng cặp đi vào dẫy hành lang phía sau thì hắn ta ngồi lầm lì uống rượu một mình trong một góc nhỏ. Huệ rót cho hắn hết ly này đến ly khác. Hơi men bốc lên làm cặp mắt xanh của hắn trở thành ngầu đỏ. Hắn nhìn Huệ chăm chú rồi mỉm cười. Huệ lùa cánh tay qua cổ hắn, những móng đỏ của nàng vuốt nhè nhẹ lên nếp áo vải dầy. Từ lúc ấy, Huệ ngồi với hắn như một đôi tình nhân thực thụ. Hai mái đầu chụm vào nhau, hắn tiếp tục uống rượu như không bao giờ biết say là gì cả. Tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra từ một góc phòng. Đêm càng về khuya, bầu không khí trong căn phòng càng thêm im lặng. Ở những góc tối, từng cặp ngồi với nhau thủ thỉ. Thỉnh thoảng lại có đôi đứng đậy đi vào nhà trong. Huệ chẳng nói gì với hắn vì nàng có biết tiếng tây tiếng u gì mấy đâu. Hai người chỉ nhìn nhau mỉm cười. Thỉnh thoảng Huệ trao cho hắn một cái hôn. Bây giờ thì mặt hắn đỏ gay và đang ngả sang mầu tái lợt. Hắn cất giọng ồm ồm nho nhỏ theo tiếng nhạc. Hồi lâu sau, Huệ thấy hắn khóc. Nàng kéo hắn đứng dậy và quay sang hỏi cô giữ két:

"Bảo nó về nhà mình thì nói thế nào?"

Cô ta nhìn Huệ, nhìn hắn rồi mỉm cười đáp:

"Voudriez-vous aller chez moi?"

Huệ nhắc lại câu ấy với hắn. Hắn ta đứng dậy, ôm lấy Huệ lảo đảo. Nàng dìu hắn đi ra cửa. Bên ngoài trời lất phất mưa. Hai người dìu nhau đi dưới ánh đèn héo úa. Hắn bắt đầu cất tiếng hát ông ổng và cười đùa rũ rượi. Huệ vừa buồn cười vừa bực mình. Nhiều khi nàng văng tục ra với hắn, nhưng hắn không hiểu gì cả. Đường phố về khuya vắng ngắt bóng người. Lùm cây hai bên đường loang loáng bụi mưa. Qua những đống rác bẩn, tiếng mèo hoang rú lên trong đêm khuya khiến hai người dừng lại. Huệ nhặt lên một viên đá nhỏ ném về phía ấy. Con mèo càng rú to thêm khiến hắn phá lên cười. Huệ tức mình cũng chửi đổng một câu:

"Cha tổ bố!"

Hắn nhắc lại nhiều lần mấy tiếng "cha tổ bố" một cách thú vị. Sự có mặt của hắn khiến Huệ thấy lòng nẩy nở một niềm vui. Nàng nghĩ đến sự cô đơn của mình trong những đêm mưa rả rích phải lủi thủi một mình trở về ngõ tối. Bất giác Huệ thấy mến hắn và muốn lôi hắn bằng được về xóm Cỏ. Nàng săn sóc hắn một cách tận tình. Cứ như một bà chị săn sóc cho một đứa em nhỏ. Lúc hắn ngồi ở ghế, Huệ tháo giầy cho hắn. Đôi giầy đinh sũng nước nặng như hai cái cùm, Huệ ghếch chúng vào một góc. Nàng bưng cho hắn một chậu nước rửa mặt rồi vào cài then cánh cửa thông với buồng trong. Tiếng thở nặng nề của cụ Chín khiến Huệ biết bà ta đã ngủ say. Huệ vào chạn bát, lục được tô cháo đậu xanh. Tô cháo này tối nào bà cụ cũng để dành cho Huệ lúc nàng đi khuya về. Huệ bưng ra cho hắn. Hắn nhìn Huệ bằng đôi mắt đầy vẻ biết ơn. Rồi tự nhiên hắn lục ví lấy ra mấy tờ giấy bạc. Huệ gạt tay hắn một cách giận dỗi. Lần này thì đến lượt hắn ta thẹn thùng. Hắn nhét tiền vào ví một cách ngượng ngập rồi húp cháo như một đứa trẻ. Dưới ánh đèn, cặp mắt của hắn bớt đỏ. Trong khi hắn ngồi ăn thì Huệ đi thay quần áo. Một lát nàng ngồi trang điểm lại trước cái gương kê ghếch lên chân ngọn đèn dầu. Hắn chăm chú nhìn công việc của Huệ. Nước mưa làm mái tóc Huệ trở nên óng ả. Nàng không cuộn mà để xoã xuống hai bờ vai. Cái vẻ tự nhiên ấy làm Huệ trẻ lại như một thiếu nữ còn xuân sắc. Lúc nàng tô son lên môi, Huệ thấy hắn nhìn mình một cách đắm đuối. Huệ cũng thấy hắn không xa cách với mình. Nàng sà vào lòng hắn như một người yêu thực thụ. Bao nhiêu lần nằm trong tay những người đàn ông, chưa lần nào Huệ nao nức như thế. Nàng muốn trao cho hắn tất cả nỗi xao xuyến của mình. Nàng dẫn hắn đi lại phía giường, và đem ngọn đèn dầu đặt lên trên cái ghế kê ngay bên cạnh. Căn buồng chỉ sáng lên ở một góc. Ánh sáng rung rinh, ấm cúng in bóng hai người lên vách gỗ. Nàng châm cho hắn một điếu thuốc lá. Khói thuốc mầu xanh lơ bay tản mạn trong bầu không khí lạnh và ẩm. Hai người ngồi dựa lưng vào thành giường nhìn những con thiêu thân nhảy loạn xạ quanh bầu đèn. Mưa bên ngoài nhỏ xuống mái tôn nghe tí tách. Huệ thấy mình dễ chịu lạ. Nàng muốn nói với hắn nhưng không biết phát biểu thế nào. Nghĩ một hồi, Huệ bảo:

"Moi Huệ... et toi?"

Mắt hắn ngớ ra và hắn nhắc lại tiếng Huệ một cách ngượng ngập. Huệ nhớ đến một người bạn có tên tây nên vội tiếp:

"Moi: Marie, et toi?"

Mắt hắn sáng lên. Hắn lùa tay vào cổ Huệ nhắc lại tiếng Marie mấy lần. Điều ấy khiến Huệ có vẻ tự hào về cái tên chọn rất nhanh chóng của mình. Từ lúc ấy, hắn gọi Huệ là Marie và Huệ cũng biết tên hắn là Jean. Jean lục ví cho Huệ xem tất cả ảnh của gia đình hắn và nói huyên thuyên. Huệ tuy chẳng hiểu mô tê ất giáp gì nhưng cũng cứ gật đầu lia lịa. Thật ra, qua mấy tấm ảnh cũ kỹ Huệ chỉ đoán phỏng hắn ta còn cả ông nội, bà nội, bố hắn, mẹ hắn và cả các anh, các chị nữa. Nàng nói:

"Tú pha-mi? (Toute famille?)"

Hắn sung sướng gật đầu và có vẻ thích thú về sự thông minh của Huệ. Dưới ánh đèn, đôi mắt của Huệ long lanh một cách quyến rũ. Nàng dựa đầu lên thành giường, cổ nghiêng sang một bên. Mái tóc xoã xợi rũ xuống hai bờ vai. Huệ cao nên chân nàng duỗi ra tới mãi tận cuối giường. Bàn chân Huệ ghếch lên đùi Jean. Hắn ủ hai cái gót nhỏ vào lòng bàn tay của mình. Giây lâu, hắn lại tìm ra ở trong ví một cái ảnh của hắn trao cho Huệ. Huệ cầm lấy, ngắm nghía rồi hỏi:

"À moi?"

Hắn gật đầu, lấy bút hí hoáy ký tặng. Huệ đưa tấm ảnh lên môi hôn rồi nhìn hắn cười. Hắn ném bút lên giường và thò tay vặn nhỏ ngọn đèn. Huệ ôm lấy hắn. Hắn gọi tên Marie rất nhiều lần trong bóng tối...


*


Buổi sáng lúc Huệ trở dậy thì Jean đã đi từ lâu. Hắn để lại trên bàn một xấp giấy bạc. Huệ cầm lên ngắm nghía một cách vui sướng. Món tiền thật là to đối với Huệ. Nàng đi chân đất lại mở tung các cửa sổ. Ánh nắng lùa vào chiếu lên những đồ vật còn ngổn ngang trên mặt đất. Bát cháo Jean ăn hồi đêm còn dính mấy hạt đỗ xanh và những cặn bẩn. Quần áo ướt sũng của Huệ vo tròn thành đống ấn ở dưới gậm giường. Huệ mệt mỏi, không muốn dọn dẹp, ra đứng tựa lưng vào cánh cửa, nhìn ra ngoài. Nàng nghĩ đến những món mình sẽ tiêu với số tiền còn thơm mùi mực ở trong túi. Hình ảnh Jean chập chờn đi qua những tờ giấy bạc. Bất giác Huệ mỉm cười nhớ đến tên Marie mà Jean vẫn gọi hồi đêm. Nàng có vẻ mãn nguyện với mình.

Lúc thằng Ích quẩy đôi thùng đi qua cửa, Huệ gọi nó:

"Ích ơi! Sao mày đi gánh nước sớm thế.”

Ích quay lại, kêu lên:

"Sáng nửa ngày rồi còn kêu là sớm. Bộ cô hôm qua mệt lắm hả..."

Huệ tru lên:

"Khỉ gió đùng lăn chửa! Bộ ai dậy mày ăn nói thế hở thằng khỉ kia.”

Ích cười rinh rích, tay gõ vào lưng thùng, thủng thỉnh bước. Huệ gọi giật lại:

"Này Ích! Ở yên đấy tao bảo cái đã. Cho mày hai đồng ăn kẹo đây này!"

Ích đặt đôi thùng xuống, kêu lên:

"Ái chà sang nhỉ! Hôm qua cô phát tài phải không. Đưa đây. Kẹo thì sợ gì.”

Huệ cười:

"Thằng khỉ gió! Nói đến kẹo sao mà nhanh thế. Vào đây cái đã rồi tao cho.”

Ích theo Huệ bước vào nhà. Huệ bảo:

"Chờ tao rửa mặt một tí đã.”

Ích sốt ruột:

"Mau lên đấy nhé! Dượng tôi mà ra giếng không gặp tôi thì tôi chết đòn.”

Tiếng Huệ khuất ở phía nhà trong:

"Rõ bầy đặt lắm điều chửa! Mày nhẩy như chó dái ngoài đường thì chả sao.”

Ích không đáp nhìn quanh quẩn khắp nhà. Mùi ẩm mốc xông lên đống chăn, xen lẫn mùi hôi hám bốc ra từ cái bô sứ để dưới gầm giường khiến nó thấy lợm giọng. Ích bỏ giường ra ngồi trên một cái ghế gỗ. Tay nó táy máy nghịch mấy hộp phấn son ngai ngái của Huệ. Mấy con ruồi bay vung lên từ bát cháo, táp vào mắt nó làm nó nhăn mặt lại. Lúc Huệ cầm cái khăn ra, đem vắt lên dây thép thì Ích nói:

"Đâu! Cô bảo cho hai đồng đâu. Bỏ lẹ lẹ ra đây.”

"Thì mày làm gì mà rối lên thế. Dạo này mày vẫn đi hát với bác Tốn đấy chứ.”

"Tối nào mà không đi.”

"Khá không?"

"Cũng tàm tạm thôi. Bác Tốn dạo này hay về ngủ sớm thành ra cả hai người được năm chục là giỏi.”

"Về sớm thì làm cái khỉ gió gì ở nhà ấy?"

"Ai mà biết được! Thấy bác ấy bảo: tao bây giờ già rồi, đứng mộït tí là đau lưng.”

Huệ phì cười:

"Nỡm chưa! Mặt mày hơn hớn ra thế mà kêu già với cả. Bộ không muốn lấy vợ nữa sao?"

Ích sốt ruột:

"Thôi đi! Có định cho thì bỏ mau mau ra đây, không thì tôi đi gánh nước đây.”

Huệ móc túi:

"Tao cho chứ ai thèm nói dứ mày! Nhân thể tao nhờ mày đến chiều qua đưa hộ bác Tốn bánh thuốc lào nhé!"

Ích kêu lên:

"Ái chà! Sang nhỉ! Cô định trả nợ đấy à?"

"Ai thèm trả nợ! Lúc tao ốm, người ta tốt với tao thì bây giờ tao cám ơn lại chứ can cớ gì.”

"Thuốc lào thì nhất rồi! Bác ấy khoái phải biết!"

"Thế à! Tao cũng nghĩ thế. Vậy chốc nữa tao đi mua.”

Lúc Huệ lấy tiền, nàng làm rơi ra cái ảnh của Jean. Ích nhặt lên hỏi:

"Ảnh của ai thế?"

Huệ đáp:

"Chồng tao đấy!"

Ích bĩu môi:

"Chồng gì! Mũi lõ rõ ràng đây mà.”

"Lõ thì đã làm sao! Cốt tử tế thôi chứ! Mà cấm mày bép xép đấy nghe không.”

Ích cầm lấy tiền rồi trở ra giếng nước. Đến gần trưa, nó tót sang tìm bác Tốn. Lúc này bác đang ngồi tần mần bứt những cọng rơm ở dưới chiếu. Thấy tiếng động bác ngẩng lên nhìn về phía cửa, hai hàm răng của bác nhe ra trắng nhởn:

"Ai đấy?"

Ích đáp:

"Ích đây!"

"À! Đi đâu thế mày?"

"Bác không đi đánh cờ à?"

"Cờ quạt gì! Đau lưng bỏ bố đi..."

"Hút thuốc lào thì có khỏi không?"

Bác Tốn ngồi xích vào trong, nhường chỗ cho nó:

"Sao lại hút thuốc lào?"

"Thế mới bí mật quân sự chứ! Mất gì đây nói cho mà nghe!"

"Nghe cái gì?"

"Thì mất gì cho đây cái đã.”

"Thôi đi, xin ông! Hôm qua ông đã xơi của nhà con hai đồng bánh mì giò rồi! Lần này đếch chơi dại nữa.”

Ích đáp:

"Ờ! Được rồi nhé! Rồi đừng có mà hỏi nữa. Đây có chuyện cô Huệ hay bỏ xừ đi.”

Mặt bác Tốn nghếch lên:

"Chuyện gì của cô Huệ?"

Ích nháy:

"Thì bỏ gì ra đây đã nào!"

Bác Tốn nhe răng ra cười, cái cổ đưa hẳn về phía trước:

"Thôi! Năm cắc bò khô đấy!"

"Năm cắc chả bõ dính răng.”

Bác giẫy nẩy lên:

"Biết thế chó nào là dính được răng. Cái mồm nhà ông thì dễ phải hàng kí lô mới bõ chắc!"

Ích đáp:

"Chả cần kí lô thì cũng phải hai tì!"

"Thôi một tì đi! Một tì thì đã mất bố nó với nhà ông gói thuốc lào rồi.”

"Ôi, cần gì! Cô Huệ còn định cho nhà bác cả phong kia mà!"

Bác Tốn kêu lên:

"Ái chà! Sang nhỉ! Nhưng sao lại thế?"

"Thì đã bảo có khô bò đã mà!"

Bác Tốn đáp:

"Thôi đếch cần cậu nữa. Cậu phun bố nó ra cho tớ biết rồi. Cô Huệ trả nợ cái khoản hộp bánh hôm nọ bằng phong thuốc lào chớ gì! Cái nhà cô ấy hay thật! Chỉ vẽ chuyện.”

Ích túm lấy áo bác Tốn lắc mạnh:

"Còn nữa! Chưa hết đâu! Chuyện này còn hay hơn!"

"Bịa!"

"Đây thèm vào bịa! Rõ ràng buổi sáng nay mà.”

Bác Tốn gật gù:

"Ừ, thế thì được! Bằng lòng hai tì. Hai tì là kể hai chuyện đấy nhé!"

"Chuyện trước bác biết bố nó rồi còn gì!"

"Thế cô ấy bảo sao?"

"Bảo lần trước cô ấy ốm, bác tử tế mang cho bánh thì bây giờ mua thuốc lào biếu bác.”

Bác Tốn hỏi:

"Có thế thôi à?"

Ích đáp:

"Thế thôi chứù còn cái đếch gì nữa.”

Bác Tốn cười hề hề. Vớ lấy cái điếu cầy treo ở bên cạnh, bác hỏi tiếp:

"Thế còn chuyện thứ hai?"

"À, chuyện thứ hai là chuyện cô Huệ lấy Tây!"

Bác Tốn khựng hẳn người lại. Vẻ mặt bác hơi tái đi, nhưng chợt nghĩ ngay ra là thằng Ích hay đùa nên bác nhoẻn một nụ cười:

"Ấm ớ chưa! Tây đếch ở đâu ra mà lấy.”

Ích gân cổ cãi lại:

"Thật mà! Thì chính cô ấy nói ra mà!"

"Vậy thì cô ấy phịa chuyện với nhà ông rồi! Tây Tầu nào quen cô Huệ. Mà cô ấy mù tịt có biết chữ nghĩa nói năng gì đâu mà đòi lấy nhau.”

"Ấy thế mà lại cứ lấy đấy. Không lấy thì làm sao có cả ảnh con người ta nằm trong túi!"

"Ảnh của ai?"

"Bác rõ vớ vẩn, của Tây chứ của ai.”

"Tây thật không? Thôi! Khéo bố mày lại trông nhầm nhà ông nào rồi!"

"Vô lý! Cháu tinh mắt thế này mà lại bảo trông nhầm. Rõ ràng như ảnh tài tử trong ci nê ma, thì sao lại không Tây được.”

Mặt bác Tốm hơi sạm lại. Bác nuốt một cục nước miếng đang nghẹn trong cổ họng và cất giọng hỏi một cách khó khăn:

"Thật à? Tây trắng hay Tây đen?"

"Trắng!"

"Già hay trẻ?"

"Trẻ măng!"

Giọng bác bắt đầu chua chát hơn:

"Sướng nhỉ! Béo hay gầy?"

"Béo!"

"Tóc xoăn không?"

"Bác nói như bố chó xồm ấy. Tóc Tây mà không xoăn!"

"Vậy đích thị là Tây rồi! Giầu phải biết đấy nhé!"

Ích đáp:

"Đứt đuôi đi rồi. Chả thế mà tự dưng cô ấy lại gọi cho hẳn cháu hai đồng, lại cho bác cả một phong thuốc lào nữa.”

Bác Tốn nói như muốn khóc:

"Tao đếch thèm lấy!"

Ích ngạc nhiên:

"Ô hay! Sao lại dại thế?"

"Thì đã bảo không là không mà! Cần đếch gì dại với khôn.”

"Thì cứ lấy đi rồi cho cháu!"

"Gớm! Mày nói như bố chó xồm ấy! Tao mà lại đi lấy của Tây.”

"Thôi! Thế là nhà bác nổi cơn ghen rồi.”

Bác Tốn phát bẳn lên:

"Ghen đếch tao đây này! Mấy lại tao có mê đâu cơ chứ.”

"Không mê mà dạo trước lại bảo mê đứt đuôi đi rồi!"

Bác Tốn cười hềnh hệch:

"Nói thì nói thế chứ. Chả có bao giờ tao thèm mê ai đứt đuôi đi được.Thôi mày lấy cái đàn ra đây, tao hát cung văn cho mà nghe.”

Ích vỗ tay:

"Phải đấy! Bác hát cung văn thì phải biết.”

Trong khi Ích bắc ghế trèo lên vách lấy cây đàn thì bác Tốn châm lửa, hút thuốc lào sòng sọc. Hai bên má bác hóp lại, đôi lông mày díu vào nhau. Vầng trán cao và rộng của bác nổi rõ lên những đường gân xanh nhằng nhịt. Lúc bác rời cái điếu ra thì mặt bác ngây đi, cặp mắt nhắm nghiền lại, những sợi khói xanh lơ quyện lấy khuôn mặt khắc khổ, phong trần, rồi bay toả lên cao. Lúc ấy Ích đã ôm cây đàn lại gần. Nó dùng ngón tay bật lên mấy sợi dây. Âm thanh rung trong bầu gỗ làm bác Tốn quay lại mỉm cười. Hai hàm răng trắng nhởn nhe ra như răng ngựa. Bác đưa cổ ra đằng trước, lắc mấy cái cho bắp thịt dưới hàm giãn ra rồi bác đón lấy cây đàn, thử dây và bắt đầu cất giọng:

"Tình tang ơi!
Cổ tay em trắng, trắng mà lại tròn
Em để cho ai gối... ấy mà... mòn... mà mòn một bên...
Ới tình tang ơi..."

Ích kêu lên:

"Không! Không chơi hát nhảm. Bác hát những bài lên đồng nghe khoái hơn.

Bác Tốn hướng mặt về phía nó mỉm cười. Bác có cảm giác như lòng bỗng nhẹ vơi đi khi có âm thanh của tiếng đàn. Tay bác búng rất ròn một nốt thật cao. Rồi bác gẩy tiếp theo và cất giọng lên đồng:

"Ới a...ới a...
Cô Bé về đồng..
Cô Bé về đồng...
Cô bận áo lục
Cô chít... chít... à... chít chứ cái khăn hồng.
Cô cài trâm bạc ấy chứ... trâm bạc... cho bồng mấy sợi tóc mai.
Ý... y
Lủng lẳng trên vai...
Ý y... lủng lẳng trên vai
Giỏ hoa cô xếp thật tài
Cưỡi mây... mà đạp gió... ý y...
Cưỡi mây mà đạp gió... ý y...
Cô đi đôi hài xanh xảnh xành xanh.”

Thằng Ích giúi cái cọng rơm vào tay bác:

"Đây nè! Cô thưởng cho đây nè!"

Bác Tốn khoái chí, rung đùi hát to hơn:

"Đệ tử vui mừng...
Ý a... mà đệ tử vui mừng
Nghe cô chẳng quản... nghe cô chẳng quản ý a...
mưa gió bão bùng... mà... cô tới đây
Rượu đây, cô uống... mời cô uống cho say...
Mà... sa lông cô ngự... ý y... báo này để cô xem.
Sắp hàng là đệ tử hai bên
Sắp hàng là đệ tử hai bên,
Nghe cô kể truyện ý ý... kể chuyện săn trên... trên miệt rừng...
Súng tây cô bắn đùng đùng...
Ới a... súng tây cô bắn đùng đùng...
Cô gầm... cô rít... oai hùng... oai thật là oai...“

Bác Tốn ngâm dứt giọng thì hạ cây đàn xuống, vớ lấy bát nước chiêu một ngụm. Ích vỗ tay:

"Hay nhỉ! Ai dạy mà bác biết những điệu hát lạ thế?“

Bác Tốn cười hề hề:

"Thì nghề chính cống bà lang trọc mà lị. Ngày xưa tao mê một cô gõ phách. Cô ấy còn hát hay bằng mười tao kia. Lại đẹp không chê được.

"Bây giờ cô ấy đâu rồi?“

"Tây nó bắn chết rồi.”

Ích xuýt xoa:

"Ui chao. Lại thế nữa?“

"Hồi ấy đi hát ở đền nào cô ấy cũng rủ tao đi. Tiền thu vào vô khối, lại no nê, nhưng tao thì chỉ mê có mỗi hai con mắt của cô ta thôi.”

Ích hỏi:

"Mắt cô ấy làm sao?“

"Mắt tình bỏ bố đi!“

Ích tủm tỉm cười:

"Hay nhỉ! Mắt tình khác mắt thường thế nào hả bác?“

Bác Tốn bật cái đóm trên mấy đầu ngón tay:

"Đếch ai mà nói được. Tình là tình chứ biết tả làm sao.”

"Thế rồi hai người có... gì nhau không?“

"Gì gì?“

"Gì ấy!"

Bàn tay của bác dúi khẽ vào bụng thằng Ích:

"Bằng từng đây mà gớm nhỉ! Nhà ông thì biết cái chó gì mà nói!“

Ích cãi:

"Biết chứ sao lại không!“

Bác Tốn cười rinh rích:

"Ái chà hăng nhỉ! Ngữ này về sau dê phải biết.”

"Bác nhảm nhí bỏ bố đi. Cháu thì còn xơi!“

"Thật không?“

"Thật!“

"Năm nay mày lên mấy?“

"Cháu mười hai!“

"Úi! Mười hai tốt rồi. Ngày xưa ở làng tao khối người lên tám đã có vợ rồi.”

Ích kêu lên:

"Bác nói phét!“

"Kìa! Thật mà! Đây mà lại có thèm nói phét với nhà ông nữa. Có vợ rồi mà còn đái dầm ra vợ nữa kìa.”

Ích trèo phắt ngay lên cổ bác Tốn, đè xuống:

"Bác nói như bố chó xồm ấy! Có mà vợ nó "phút" cho.”

Bác Tốn vừa gỡ Ích ra vừa cười:

"Phút" thật ấy chứ. Nó lôi cu cậu ra đầu hè, vừa xi nó vừa chửi.”

"Nhà bác này hôm nay nói phét không chê được. Đây đếch thèm nghe nữa đâu.”

Bác Tốn giả bộ giận dữ:

"Thì đấy mày về hỏi dượng mày xem. Có mà ối ra!“

"Thôi đi! Bác lại xui dại cháu. Hỏi ông ấy những chuyện ấy, ông ấy đánh vỡ đít.”

"Dượng mày vẫn ác thế đấy à?“

Ích gân cổ:

"Còn ngôn gì nữa. Dạo này ở nhà chán thấy mồ. Hơi một tí thì cái lão ấy rút guốc chực phang rồi.”

Bác Tốn chép miệng:

"Thế u mày không can được à?“

Ích thở dài:

"U cháu thì nói làm đếch gì. U cháu còn nhát hơn cả cháu nữa.”

"Chả phải nhát đâu. U mày nhường!“

Ích cãi:

"Nhường đếch gì! Tiền vốn, tiền lãi, lão ta moi móc đi đánh bài cả mà lại bảo nhường.”

"Chết! Đánh thế rồi lấy gì mà sống?"

"Thế đấy! U cháu thì suốt ngày than thở rằng sắp chết đói đến nơi.”

Bác Tốn không nói tiếp, ngồi im lặng trầm ngâm. Ích đang vui, nét mặt cũng trở nên buồn thỉu lại. Nó hình dung đến khuôn mặt xanh rờn và hốc hác của u Tám. Buổi chiều ở nhà, sau bữa cơm thật là buồn thảm. Dượng Tám đi chưa về, mâm cơm để phần nằm chỏng chơ trên phản gỗ. U Tám ngồi quạt muỗi âm thầm trong một góc tối. Ngọn đèn hoa kỳ leo lét trên bàn thờ soi sáng nửa mặt phía ngoài của u. Má u hóp lại. Hai mắt sâu, đen và thâm quầng. Mớ tóc quấn hờ hững ngang đầu lệch nghiêng đi, những sợi tóc xổ ra, rũ xuống cái cổ gầy vêu vao. Hôm nào u cũng ngồi yên ở chỗ đó, tay phe phẩy cái quạt hay bóp nắn những vết thâm tím mà dượng Tám đánh u như đòn thù. Ích cũng không biết u nghĩ gì về chúng nó, mà chúng nó cũng không muốn hỏi. Vì u đối với anh em Ích thật hờ hững và thản nhiên, ít khi u tỏ được một cử chỉ âu yếm hay săn sóc tới hai anh em nó. Cũng vì thế, Ích ít hay thăm hỏi đến u. Lúc bắt đầu đi hát thì nó chỉ nói gióng với cái Ngoan:

"Tao đi đây nhé!“

Ngoan đang ngồi ghếch cằm lên ngưỡng cửa. Nó cũng không đáp mà chỉ giương mắt nhìn Ích. Ích biết nó cũng chán ngán như mình. Những lúc như thế Ích thấy sự đi hát với bác Tốn thật là thần tiên. Nó quên hết những hình ảnh buồn nản ở nhà. Cảnh vật trên phố hôm nào cũng như hôm nào, nhưng đối với nó có một sức quyến rũ lạ lùng. Nhất là lại thêm bác Tốn để mà nói dóc thì vui phải biết. Nhiều hôm trời mưa vắng khách, Ích kéo bác Tốn ngồi dưới mái hiên nghe tiếng nước vỗ rào rào trên ống máng. Lòng Ích thấy thanh thản vô cùng. Nó không phải bận tâm điều gì về dượng Tám. Hình ảnh của u và em Ngoan không gợi cho nó sự hằn học, tức tủi. Lúc ấy Ích chỉ khoái chuyền nhau với bác Tốn điếu thuốc lá cháy đỏ trong bóng tối. Hai bác cháu cười rúc rích với nhau. Ích nói:

"Hút thuốc lá khoái thật!“

Bác Tốn rít một hơi dài, hai má hóp lại, khuôn mặt hồng lên vì đốm lửa sáng:

"Nói như bố chó xồm ấy. Thuốc lá mà lại không khoái.”

"Nhưng mà thuốc lá thơm chắc khoái hơn.”

"Còn phải nói! Nhất là thuốc lá Ăng lê thì phải biết. Rít vào sướng mê cu tơi!"

Ích ngơ ngẩn như thèm thuồng:

"Ừ! Chắc sướng thật, nhưng mà đắt lắm phải không?“

"Một điếu bằng một cái bánh ga tô đấy nhà ông ạ!“

"Ý! Thế thì đây đếch vào! Ăn bánh ga tô còn sướng hơn.”

Câu chuyện của hai bác cháu cứ dấm dẳn như vậy cho đến khi thành phố vắng cả tiếng xe lẫn bóng người. Ích dẫn bác Tốn dò dẫm đi trên mặt đường láng ướt. Những tối mưa buồn như thế, thể nào thằng Ích cũng ăn mấy cái bợp tai của dượng Tám vì không kiếm nổi một chục bạc. Nghĩ đến đấy, bất giác Ích thở dài. Thấy nó có vẻ buồn, bác Tốn hỏi:

"Hôm nay ở nhà rỗi việc hả?“

Ích đáp:

"Thiếu gì! Còn một thúng đỗ tương cháu chưa nhặt sạn.”

Bác Tốn nằm ngả xuống nệm cỏ, vươn vai cho xương cốt giãn rarăng rắc:

"Vậy nhà ông về đi không lại chết đòn. Tối nay sang sớm sớm nhé.”

Ích đứng dậy:

"Lạy giời hôm nay đừng mưa.”

Nói rồi nó bước ra khỏi bực cửa. Bác Tốn trở mình trên nệm cỏ mấy lần mà vẫn thấy chân tay rời rã. Một lúc lâu, bác nằm ngửa mặt lên phía mái lá. Hơi nóng buổi trưa hắt xuống hầm hập. Qua khung cửa đục lờ lờ ở tròng con mắt, bác như thấy bóng dáng Huệ mơ hồ qua lại. Toàn thân Huệ chỗ nào cũng chỉ như một vệt sáng mờ nhạt. Bác nghĩ đến cái áo đỏ sực mùi phấn thơm mà Ích vẫn tả cho nghe. Giọng nói kiêu kì của Huệ bây giờ như có những cạnh sắc. Bác thấy lòng mình đau đớn trong những âm thanh quen thuộc ấy. Nằm yên một lát, đầu suy nghĩ miên man đến chuyện này, chuyện khác, chuyện Huệ ốm trong cảnh cô đơn, chuyện mơ lấy Huệ làm vợ để tối tối hai người ngồi thủ thỉ với nhau ngoài đầu thềm, chuyện Huệ giữ ảnh của một ông lính tây và định lấy hắn ta làm chồng. Bất giác bác thấy buồn thấm thía. Bác nghĩ đến mình với căn nhà lụp xụp và sự cô đơn trong mù loà. Tự nhiên bác Tốn muốn khóc. Nhưng khi nhận ra hai giọt nước mắt chực ứa khỏi hàng mi thì bác lại ngồi nhỏm dậy, cười một mình, nụ cười khô héo và gượng gạo. Bác lẩm bẩm:

"Mình ấm ớ thật!“

Tay bác quơ lấy cây đàn rồi ôm chặt vật thân yêu ấy vào lòng. Bác tưởng mình hát được thật to cho vui cửa, vui nhà, nhưng thật ra giọng bác như bị tắc lại trong cổ. Có một cái gì nghèn nghẹn dâng lên ở mũi và mắt. Bác chợt buông một tiếng thở dài.

Tiếng hát mọi ngày, vui vẻ và thân yêu, vẳng về qua tai bác: "Cô Huệ ơi... Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng", tiếp theo là câu nói chanh chua của Huệ: "Khỉ gió đùng lăn chửa? Rõ thừa cơm rửng mỡ chưa!"

Giọng Huệ nghe sao mà thân thiết, gần gũi, nó khiến bác bất giác mỉm cười một mình. Tình yêu lại dâng lên làm bác thấy nôn nao cả người. Nếu bây giờ đang ngồi cạnh Huệ, bác sẽ chẳng ngần ngại gì mà không nắm tay Huệ, ôm lấy Huệ vào lòng để nói với Huệ một câu thật tình tứ. Mà theo ý bác, chẳng có tiếng nào trút hết lòng yêu của bác bằng hai tiếng "Mợ ơi"! Đó là hai tiếng bác vẫn thường gọi Huệ trong những đêm trằn trọc không ngủ. Bác tưởng tượng Huệ với bác đã thành vợ chồng. Huệ nằm gọn trong cánh tay của bác. Nàng thơm tho và nũng nịu như một đứa trẻ. Bác sẽ bắt Huệ nhắm mắt lại để mình vuốt ve âu yếm lên hai hàng mi. Phía bên ngoài trời sẽ mưa rả rích. Tiếng nước nhỏ giọt đều đều trên mái lá, gió lại heo hút lạnh lùng lùa qua kẽ vách, mọi thứ như tức cảnh sinh tình hẳn sự ấm cúng chỉ thu gọn lại trong thế giới của mỗi hai người. Bác sẽ nói:

"Chúng mình hay nhỉ!“

Huệ hỏi:

"Hay cái gì cơ?“

"Chúng mình lấy nhau!“

"Khéo nỡm chưa!“

"Ừ! Nỡm thật? Nhưng mà cũng lại chẳng nỡm đâu.”

"Thế mà còn chẳng nỡm!“

"Nỡm mà lại lấy nhau!"

Những tưởng tượng vu vơ của bác gây cho bác nhiều cái thú say sưa. Bác hay cười một mình. Nếu cuộc sống đừng có những đổi thay cay nghiệt thì như thế, bác cũng đã cảm thấy đầy đủ lắm rồi. Cái đó gọi là tình yêu trong mộng tưởng!

Nhưng thật ra thì Huệ không ưng bác. Sự mù loà của bác như một bức tường cao ngăn cách hai người. Đứng ở bên này, bác chỉ được nghe thấy tiếng Huệ nói, cười. Bác không thể với tới được, không gần gũi được, mà cũng không cả nhìn thấy được nữa. Ôi, Huệ ở ngay bên cạnh bác nhưng sao mà quá xa vời, như mỗi người có riêng một thế giới. Trạnh nghĩ như thế là niềm vui vừa nhóm lên trong lòng bác lại bắt đầu tàn lụi. Như thế, từ sự vui đến nỗi buồn đối với bác chẳng cách nhau bao xa.

Lúc bác đang day dứt với mình thì cái Hòn bế em vào đến bậc cửa. Nó gọi bác sang ăn cơm trưa. Bác thấy mồm miệng bã ra hơn bao giờ hết. Nghĩ đến cơm, chưa lần nào bác chán như thế. Vì vậy, bác bảo nó:

"Cháu về bảo thầy u ăn đi. Hôm nay tao no.”

Cái Hòn nói:

"Vậy cháu để phần cho bác nhé.”

Bác Tốn vội xua tay:

"Ấy đừng. Tao no thật mà! Đứng vẽ chuyện phần phò gì mất công.”

Cái Hòn không đáp nữa, nó lặng lẽ bước ra ngoài. Chợt bác Tốn gọi nó:

"Này Hòn ơi! Để em đấy tao bế cho, đi mua hộ tao cái này nhá.”

Hòn ngoái cổ lại, mặt nó tươi lên nhìn bác:

"Mua gì thế?"

Bác Tốn cười, hàm răng đưa cả về phía trước:

"Chạy ra đầu ngõ mua hộ mấy đồng rượu trắng. Cả tôm khô nữa.”

Hòn toe toét:

"Hôm nay bác sang nhỉ! Nhậu nữa cơ à?"

Bác Tốn vội vã ra hiệu cho nó im:

"Ấy! Về chớ có nói với thầy u nhá! Tao... tao đau bụng bỏ bố đi. Uống rượu chắc khỏi. Đây này! Cầm lấy tiền. Tao cho chị em mày mỗi đứa một đồng nữa đấy. Về đừng nói nghe không!"

Thấy tiền, mắt cái Hòn sáng lên. Nó vội vã bỏ em xuống chiếu, đi tìm chai và nhanh nhẩu ra cổng. Cái Hơn thấy chị đi khỏi thì choé lên khóc. Bác Tốn vội bế nó lên tay, vừa cười vừa nói:

"Âu! Tao đây mà! Tao bế đây mà!"

Trông thấy bác, con bé lại càng sợ. Nó khóc to hơn trước. Bác Tốn cuống quít vội vớ lấy cây đàn, bật khẽ mấy tiếng. Âm thanh phát ra là lạ khiến con bé nín khóc. Bác Tốn khoái chí cười toe toét:

"Hà... thấy không... hay không... con cháu bác có khiếu âm nhạc, ngày sau mày làm nhạc sĩ nghe không.”

Rồi bác hôn chùn chụt lên má nó. Những sợi râu gai và cứng cọ quậy khiến con bé lại oà lên khóc. Lần này bác Tốn phải bế nó đứng dậy. Hai bác cháu dò dẫm ra đứng ở đầu hè. Ánh nắng chói chang hắt nghiêng qua mái lá làm khoảng đục trước mắt bác sáng lên. Bàn tay gầy guộc của bác sờ được tấm giại đặt ở ngoài hiên. Bác lấy ngón tay bẩy những cái nan lên, tạo ra những tiếng kêu lách tách. Con bé trố mắt ra nhìn. Vừa lúc ấy có tiếng san sát của bác Nhan gái ngoài ngõ:

"Cha tiên nhân con ranh con, sai có một việc mà mất biến đi đằng nào.”

Bác Tốn thò đầu ra ngoài nắng:

"À, cái Hòn ấy phải không? Tôi nhờ nó đi chút việc ấy mà.”

Tiếng bác Nhan gái:

"Khéo nỡm chửa. Giờ ăn sao chẳng về lại còn sai nó đi đâu?"

Bác Tốn cười hề hề:

"Thôi! Hôm nay "súp" phần tôi đi! Đau bụng phát rên lên đây này!"

Bác gái bước vào sân:

"Chết! Đau làm sao?"

"Ấm ớ thôi!"

Tiếng bác Nhan bật cười:

"Ấm ớ thì thôi về đi. Ăn một tí cho nó chắc bụng. Hôm nay có món cá chiên bột chắc bác thích.”

Bác Tốn gật gù:

"Ừ! Cá chiên bột thì khoái tê đi rồi. Nhưng thôi, đã nhịn thì khoái cũng nhịn.”

"Vậy ăn cháo nhé.”

"Ấy thôi! Vẽ vời lắm nữa! Cám ơn nhà bà, bà cứ về ăn đi. Đây tôi trả con bé đây này. Thối thật, mình ăn cơm nhà nó hằng ngày, lúc bế nó, nó lại lạ cơ chứ.”

Bác Nhan đỡ lấy con, hôn chùn chụt lên má nó:

"Cha bố con khỉ, ai mà con khỉ chẳng lạ. Chỉ có mẹ thôi, phải không con.”

Ra đến cổng thì bác gặp cái Hòn cắp chai rượu và gói tôm khô chạy vào. Nó lúng búng:

"U!"

Bác Nhan hỏi:
"Mày mua được cái gì thế?"

Con bé không đáp, lẳng lặng đặt chai rượu xuống đất, mở cái gói cho mẹ xem. Những con tôm khô quắt queo, nhơm nhớp nước củ kiệu phơi ra dưới nắng.

Bác Nhan hỏi:

"Bao nhiêu?"

Con bé trả lời với một giọng đầy dãi và nước bọt:

"Ba... ba đồng..."

Lập tức bàn tay bác thò ra bóp lấy hai bên má nó. Con bé đỏ bừng mặt lên rồi lè ra một rúm tôm đỏ, nhuyễn nát với những mảnh kiệu trắng tinh.

"Con ranh! Con ranh! Lại ăn vụng rồi? Nhà xa tí nữa thì mày ăn hết chắc.”

Vừa nói bác vừa thẳng tay củng rõ mạnh lên đầu con bé làm người nó dúm lại. Bác Tốn nói:

"Tôm khô phải không! Thì để cho nó mấy miếng.”

Được lời nói đỡ, cái Hòn khom lưng luồn qua cánh tay mẹ, chạy vội ngay vào trao cho bác Tốn chai rượu và gói giấy. U nó hét lên:

"Về ngay! Tiên nhân nhà mày, rồi chết đòn.”

Con bé không đáp, len lén men theo cánh liếp ra tận đầu hè rồi mới vùng lên chạy. Bác Nhan bật cười:

"Sao bảo đau bụng còn ăn tôm khô.

Bác Tốn ngượng nghịu:

"Dăm con thôi. Dăm con mà tu hết chỗ rượu này thì đau mấy cũng khỏi.”

Khi bác Nhan đã trở về, bác Tốn bày rượu và tôm lên một cái khay gỗ. Hai tay bác sờ soạng hồi lâu trong cái thúng dưới gậm giường rồi bác lôi ra được một cái chén nhỏ. Bác nghiêng miệng ấm nước đổ ra một ít vào chén và dùng đầu ngón tay cọ sạch. Công việc tỉ mẩn với ý nghĩ sắp nhắm tôm khô và củ kiệu khiến bác khoái chí. Vừa làm bác vừa đưa cái cổ ra đằng trước cười một mình. Bác lẩm bẩm:

"Có ông Ích ở đây thì phải biết. Lại mất với bố ấy dăm đồng nữa chứ chẳng chơi.”

Bầy biện xong xuôi bác ngồi xếp chân lên nệm cỏ. Ly rượu được rót rất khéo dần đầy ắp mà không sánh ra ngoài một giọt. Bác Tốn ngửa cổ hớp một hơi dài rồi nhón một con tôm cho vào miệng. Con tôm tẩm ớt đường tan ra mùi vị lờ lợ, cay cay khiến bác thấy tê ở đầu lưỡi. Bác quên hẳn cái lý do mình bỏ cơm, uống rượu vì chuyện Huệ lấy Tây. Nhất là hơi rượu bắt đầu bén lên tai và mắt. Bác thấy nóng ran và ngứa ngáy. Cái nóng từ trong người thoát ra thêm với cái nóng hầm hập từ trên mái hắt xuống làm khuôn mặt trắng xanh của bác đỏ lên rần rần. Bác cởi phăng cái áo sơ mi ném vào một góc nệm, rồi lẩm bẩm:

"Mình ấm ớ thật. Không dưng đi uống rượu vào. Nóng bỏ bố đi.”

Tuy thế những ngón tay của bác lại sờ lên gói tôm một cách tiếc rẻ. Ba đồng bạc ít ỏi quá. Đã thế, cái Hòn nhà ta xơi vào đấy cũng mất dăm con rồi. Nếu lúc ấy có ai để nhờ được thì hẳn bác chẳng ngần ngại gì không mua thêm dăm đồng nữa. Lúc nhón đến con tôm cuối cùng thì lưng chai rượu của bác cũng cạn hẳn. Bác thấy người chuếnh choáng một cách thích thú. Trước mắt bác khoảng đục lờ lờ nổi lên những đốm hoa đủ màu sặc sỡ. Chân tay bác như nhẹ bỗng hẳn ra. Đầu lưỡi cay sè, tê ra cả môi và mép. Bác xếp dọn đĩa chén và lần ra đầu hè rửa tay. Một lát bác vào ngồi dựa lưng vào vách đất. Tuy chẳng nom thấy gì, nhưng bác có cảm giác tất cả căn buồng đang đưa bác đi vòng quanh. Lòng bác lâng lâng. Bác nghĩ đến thằng Ích và sự say sưa của dượng nó. Bác nhủ thầm: Ngày nào nó cũng say như thế này, chẳng trách nó "khện" cho cu cậu mất hết hồn vía. Bác vụt thấy mình thương Ích lạ lùng. Thằng bé tuy láu cá vặt nhưng đối với bác lại thật thà và quấn quít. Cuộc sống có Ích, bác cảm thấy bớt cô đơn. Những buổi tối, hai bác cháu quấn lấy nhau như bóng với hình. Nhất là những hôm trời đổi gió lành lạnh thì thích phải biết. Trên đường về, Ích nhảy cẫng lên như một con chó nhỏ. Một đôi lần hai bác cháu lại ghé vào hàng bánh mì ròn cặp chả. Vừa ăn bánh vừa nghe Ích kể truyện về Huệ, lòng bác Tốn phơi phới như nở hoa. Thỉnh thoảng bác lại xen vào một câu vô nghĩa:

"Ấm ớ thật!"

Nghĩ đến Ích và Huệ, bác Tốn thấy mình đầy đủ. Nhưng nếu không có chuyện Ích kể lại hồi sáng thì chắc bác sẽ thấy đầy đủ hơn. Bây giờ hình ảnh Huệ chập chờn trong trí bác như những đầu gai nhọn, làm bác thấy như mình bối rối một cách vu vơ. Rồi bác muốn khóc. Trong trí tưởng tượng của bác, chỗ nào cũng mơ hồ có bóng dáng Huệ đi bên anh chồng lính Tây. Huệ đánh phấn, bôi môi, mặc áo đỏ và xách ví đầm ẩn hiện, chập chờn một cách quái ác. Rồi nỗi buồn cứ mỗi lúc một thấm sâu vào lòng bác. Chân tay bác trở nên nặng nề, uể oải. Khoảng lờ mờ trước mắt bây giờ kết lại thành một mầu đỏ đục. Mầu đỏ khiến bác thấy chói mắt. Bác đổi kiểu ngồi cho đỡ mỏi rồi nhắm nghiền hai mắt lại. Bác ao ước một giấc ngủ dài. Giấc ngủ không bị ám ảnh bởi hình bóng Huệ. Điều ấy thật dễ dàng vì chỉ trong chốc lát, bác quên hết mọi chuyện quanh mình. Đầu bác ngoẹo xuống một bên bờ vai. Bàn chân bác đạp xuống làm xô lệch cả manh chiếu phủ lên nệm cỏ. Bác đã ngủ ngon lành như một đứa trẻ. Mái tóc xoã xuống phủ lên nếp trán cao và rộng. Miệng hơi nhếch lên có vẻ đang nhịn cười. Cục xương ở cổ nhô ra giữa mấy sợi gân xanh.

Trong giấc ngủ, bác nằm mơ thấy mình nhìn rõ tất cả cảnh vật. Bác trông thấy Huệ đẹp và trắng nõn như những bà đầm mà ngày xưa bác thấy ở trên phố. Trước sắc đẹp của nàng, bác thấy mình chỉ là một kẻ nghèo đi hát dạo. Cho nên bác bỏ nàng để đi về một nơi có toàn bóng tối.
Nguồn: Thềm hoang, truyện dài của Nhật Tiến. Đời Nay ấn hành lần thứ nhất ở Sài Gòn năm 1961. Việt Tide tái bản tại California năm 2003 (tác giả có hiệu đính). Tranh bìa: Nguyên Trúc. Trình bày: Nguyên Trúc & Cao Xuân Huy. Bản đăng trên talawas do tác giả cung cấp.