© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
22.2.2007
Nhật Tiến
Thềm hoang
(Truyện dài - Giải Văn chương Toàn quốc 1962)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Chương mười lăm

Ích vật ngửa ba con bài lên mặt đất, bàn tay đen đủi của nó quơ lấy nắm tiền:

"Chín "cơ" của nhà con đây.”

Thằng bé ngồi trước mặt thò nhanh tay ra chặn lại. Mặt nó vênh lên, miệng nó hoác ra, tay nó vật ngửa ba con bài mà từ nãy nó vẫn thu thu trong bụng:

"Đây chỉ có mười "dô" thôi. Vơ cả làng!"

Vừa nói nó vừa quơ lấy mấy đồng bạc. Ích hậm hực xem xét bài của nó rồi văng tục một câu:

"Mẹ kiếp! Đen đếch chê được!"

Nói rồi nó khuỳnh hai tay ra, huých bọn trẻ con đang xúm xít ở đằng sau:

"Xê ra... đen bỏ bố đi mà cứ ám.”

Bọn trẻ lùi ra rồi lại lấn lên. Hàng chục cái đầu xúm xít quanh một khoảng đất trống. Những cánh tay lem luốc thò ra, thụt vào, khua chỗ nọ, gạt chỗ kia, liến thoắng, om sòm. Một đứa lại thu lấy những con bài nhỏ xíu, rồi trang thoăn thoắt trên tay. Ích moi ra ở cạp quần tờ giấy một chục. Nó đổi lấy tiền lẻ rồi lại đặt vào cửa của mình. Đám bạc họp từ sáng, mỗi lúc một đông, trẻ con đứng vòng trong vòng ngoài. Mặt mũi đứa nào cũng hau háu, mắt trố ra, miệng liến láu, nói tục, chửi thề om sòm cả một đầu ngách.

Ích thua dữ. Từ sáng nó đã nướng mất hơn hai chục rồi. Càng thua nó càng ham gỡ đến quên cả giờ về. Mọi lần quen lệ, nó vẫn sang nhà Huệ vào lúc gần trưa. Lúc ấy là lúc bình sữa do cụ Chín pha từ sáng sớm, thằng Giăng đã bú hết. Nghe tiếng khóc vẳng qua vách gỗ là Ích tụt xuống giường chạy sang. Khi thì thay tã hộ Huệ, khi thì đun cho nàng một ấm nước sôi, hay khui ra một hộp sữa mới. Công việc chẳng nặng nhọc là bao nhiêu, nhưng Huệ cũng trả công cho nó bằng mấy tờ giấy bạc. Trước nghe lời bác Tốn dặn nó còn không lấy. Về sau túng tiền, cu cậu nhận bừa để mang đi đánh bạc.

Hôm nay mải mê với đám bài cào, Ích quên mất giờ về. Thằng Giăng nằm trong thùng sữa khóc lên ngằn ngặt. Có lúc bẵng đi từng hơi, rồi nó lại gào lên đến nhức đầu buốt ruột. Mặt nó đỏ gay, cái mồm há rộng ra, cặp môi xám lại, hai tay nó khua loạn xạ, dụi lên mắt, lên đầu. Huệ đang chợp đi, chợt nghe tiếng khóc vội vàng gượng dậy. Nàng gạt cái mền sang một bên, rồi quơ xuống gậm tìm đôi guốc mộc. Hai tay Huệ bám lấy thành giường. Chân nàng run lẩy bẩy. Mắt Huệ mở to. Nàng nom thấy những vật đen xám, chạy như đan cửi phía đằng trước. Khuôn cửa đầy ánh nắng mà Huệ thấy như đang tối lại. Những nan gỗ cong lên, nhòe bóng với nhau. Tiếng khóc của đứa bé như có cạnh sắc đâm vào đầu nàng buốt thon thót. Bất giác Huệ nhắm mắt lại. Chung quanh nàng tối sầm đi. Huệ thấy màng tai mình rung lên, âm vang như hồi ngân của một cái chuông lớn. Vừa đứng lên được, Huệ lại phải ngồi xuống mép giường. Mồ hôi nàng vã ra sâm sấp lưng áo. Một lát định thần trở lại, nàng tiến đến chiếc thùng gỗ, lôi cái đùm lót ra ngoài. Thằng Giăng vẫn khóc ngằn ngặt ở bên trong. Nàng ôm nó vào lòng nựng nịu. Đứa bé hực lên một tí rồi nín bặt. Huệ ôm nó đi lại phía mặt bàn. Một tay Huệ đỡ lấy nó, một tay nàng dốc mãi cái hộp sữa vào bình. Huệ kê mồm vào mép sắt, hai má phồng lên, thổi phù phù. Dòng sữa vàng đục trào ra lỗ thủng, chảy lăn tăn một chút rồi teo lại. Cái mệt mỏi lúc nãy lại bắt đầu làm hai chân Huệ run bắn. Nàng đặt thằng Giăng lên mặt chõng rồi đứng tựa vào thành cửa thở hồng hộc. Một lát nàng lại bàn lấy hộp sữa mới mang xuống bếp. Nàng nhớ đến con dao phay mà bà cụ Chín vẫn gác trên nóc chạn. Huệ ngửa mặt lên nhìn. Mắt nàng bắt đầu hoa. Hai bàn tay khẳng khiu run lên. Môi nàng mím lại. Nàng phải nắm chặt lấy cái núm gỗ ở thành chạn mới khỏi khuỵu xuống. Rồi Huệ nom thấy cái thúng gác ở trên mái bếp, hình như nó đang loe to ra, nặng nề như muốn đổ xuống đầu. Lớp mồ hóng trên nóc bếp bây giờ cũng rung rinh rồi xoay tròn, nghiêng ngả như đang chịu đựng một cơn bão lốc. Trước mắt nàng, vách lá bắt đầu chuyển động, xô đẩy. Rồi bốn bề bỗng dưng đổi sang sắc tím. Trên cao liên tiếp như có những khối lớn nặng nề rơi xuống đầu Huệ. Nàng hét lên, buông hộp sữa ra khỏi bàn tay và ngã vật xuống. Mơ hồ, Huệ nghe thấy tiếng thằng Giăng khóc rất xa ở bên tai, trong đầu Huệ chứa cả một thế giới quay cuồng. Huyết trào ra, đỏ thắm làm ướt cả mặt nền tráng xi măng...


*


Bây giờ thì bác Tốn không giấu lòng yêu Huệ của mình đối với mọi người nữa. Bác ôm thằng Giăng ngồi khóc ở trên đầu giường Huệ. Huệ mặc áo đỏ, quần trắng, nằm ngay ngắn trên chiếc chiếu hoa. Hai tay nàng duỗi thằng. Khuôn mặt bình thản như một người say sưa trong giấc ngủ. Nước da Huệ xám ngoét, cặp mắt sâu trũng xuống, mái tóc cứng khô, xác xơ rũ xuống đầy trán và má. Bác nghĩ đến hình ảnh của Huệ ngày nào mặc áo đỏ, đánh môi hồng đi trong ngõ tối. Mùi phấn thơm thoang thoảng trong gió mát buổi chiều. Tiếng hát của bác bây giờ đầy dư âm cay đắng như cái chết của nàng:

"Cô Huệ ơi...
Nếu cô lấy tôi thì..."

Bây giờ thì Huệ không còn nữa để nói với bác những lời chanh chua kiêu kì. Huệ đã đi về một thế giới khác, êm ả và nhàn hạ hơn cuộc đời khốn khổ của nàng. Bác nghẹn ngào nắm lấy bàn tay lạnh cứng của Huệ. Bàn tay mà ngày xưa bác vẫn thường ước ao ấp ủ trong những đêm thao thức. Ngày trước bác còn mơ tới những buổi chiều êm ả có gió mát lùa trong lùm cây, có sự yên tĩnh bao quanh trên đầu thềm, hai người ngồi thủ thỉ nói chuyện tương lai. Huệ là nguồn sống soi sáng cho sự mù loà của bác. Nhưng tất cả chỉ là chuyện mơ ước viển vông. Huệ đã xa bác trong cuộc sống hằng ngày và bây giờ sẽ còn xa bác mãi mãi. Nàng nằm đây mà không nói, con nàng đây mà nàng không cười. Nó ngọ ngoạy như một con mèo con trong vòng tay của bác Tốn. Bây giờ thế là hết. Nàng đã đi không một lời để lại. Khuôn mặt úp sấp xuống mặt sàn, bàn tay vịn vội lưng chừng cánh chạn, đôi guốc văng ra xa, hộp sữa bò nằm nghiêng ở dưới cuối vại nước. Nàng chết đau đớn như cuộc đời đau đớn của nàng. Không một lời an ủi, không một cử chỉ vuốt ve, không cả tình thương của đám người sống xô bồ hỗn loạn trong xóm Cỏ này. Bất giác bác bật lên tiếng khóc. Những giọt nước mắt chảy chan hoà trên mặt Huệ. Trong đời Huệ, nàng chưa được ai đến với nàng mà khóc nhiều như thế...


Chương mười sáu

Một ngày đầu mùa mưa, Năm Trà đột nhiên trở về. Hắn xuống xe ở đầu xóm Cỏ và tất tả đi vào. Nom hắn phong trần và vất vả. Bụi đất bám đầy người, quần áo tả tơi, bạc phếch vì nắng mưa. Vai hắn đeo một cái túi nhỏ, tay hắn ôm một bọc đầy hoa quả. Hắn gõ giầy đinh cồm cộp trên mặt đường nứt nẻ. Hắn cười nói oang oang từ đầu ngõ:

"Còn nhớ tui không? Trà đây! Năm Trà đây mà! Trời ơi! lâu quá đi nghe bà con.”

Mọi người đổ ra xem. Không một ai dám trả lời hắn mà chỉ giương mắt lên nhìn. Hắn ngạc nhiên ngó mọi người, rồi như linh cảm điều gì, hắn co giò chạy thẳng vào trong ngõ.

Hai mẹ con gặp nhau ở đầu hè. Hắn bồng bà cụ lên tay, nức nở:

"Má ơi! Má ơi... Con về đây.”

Rồi bỗng hắn nắm lấy hai vai áo bà cụ đẩy ra nhìn. Khuôn mặt tiều tuỵ và quần áo khốn khổ của người đàn bà làm hắn la lên hốt hoảng:

"Trời đất ơi! Sao má đến nỗi này? Vợ con đâu má?"

Nói rồi hắn buông bà cụ ra, mở cửa bổ vào trong nhà. Khung cảnh tan hoang, tiêu điều làm hắn chết lặng đi. Hắn đứng rất lâu ở cạnh vách, nhìn từng cái mắc áo trống trơn, đến mặt giường, mặt tủ, đến bộ bàn ghế nằm chỏng chơ mỗi nơi một chiếc. Một lát, hắn chạy ra ngoài, hai con mắt ngầu đỏ. Hắn nom thấy bà cụ lùi lũi đi như không hề biết sự có mặt của hắn sau bao nhiêu ngày xa cách. Hắn chạy bổ lại, túm lấy áo mụ:

"Má! Má! Má đi đâu vậy?"

Mụ điên lườm gã, giọng tức tối:

"Buông tao ra! Đồ chó đẻ!"

Mắt hắn trợn lên, hắn nắm lấy hai vai mụ già lắc mạnh:

"Năm đây mà má... Năm Trà đây!"

Mụ già phá lên cười:

"Năm đấy hả? Mày là Năm đấy hả?"

Hắn gật lấy gật để. Lập tức mụ giằng ra, cúi xuống đất quơ lấy mấy hòn gạch ném túi bụi vào người gã đàn ông. Vừa ném mụ vừa la:

"Xéo đi đâu thì xéo đi. Con tao nó về nó bắn chết cha tụi bay.”

Năm Trà bưng mặt oà lên khóc. Hắn bỏ bà cụ chạy bổ vào nhà Phó Ngữ. Ở đấy vợ chồng Hai Hào kể cho hắn nghe tất cả chuyện của gia đình hắn từ ngày vợ hắn bỏ nhà ra đi. Bây giờ thì hắn không còn nói gì nữa. Mặt hắn đanh lại. Môi hắn bậm chặt, ở tròng con mắt hắn người ta thấy gợn lên những tia sáng dữ tợn, căm hờn. Rồi hắn bỏ đi lầm lũi trong ngõ hẻm. Đầu hắn cúi xuống, hai tay hắn đút vào túi quần, hắn nện đôi giầy đinh xuống mặt đất như muốn giẫm nát những viên gạch lổn nhổn. Mụ điên chẳng buồn nhìn theo. Mụ quay trở lại, xắn quần đến bẹn, ngồi gặm những quả xoài do Năm Trà ném rơi lăn lóc trên mặt đất. Vừa ăn, mụ vừa lục cái túi của hắn. Mụ lôi ra được mấy bộ quần áo ka-ki. Mụ đứng dậy, bận thử vào mình. Cái quần rộng lùng nhùng, mụ kéo lên tới ngực. Cái áo dài tay che lấp cả bàn tay đen đủi của mụ. Mụ ngồi xuống bực gạch, cẩn thận xắn lên từng nếp một. Rồi mụ đứng ra giữa lối đi, ngắm vuốt một mình, và khoe khoang với tất cả mọi người chung quanh. Bây giờ thì không còn ai dám nói gì đến mụ. Người ta sốt ruột về những cử chỉ lì lợm của gã con trai.

Quả nhiên đến quá trưa hắn trở về. Mặt hắn đỏ nhừ và hơi thở sặc sụa men rượu. Bên nách hắn còn ôm thêm hai chai nữa. Hắn đi lảo đảo. Mặt hắn ngửa lên trời, môi hắn mím sít lại, cặp lông mày đen và rậm díu vào nhau. Mắt hắn quắc lên dữ dội. Đến cửa nhà, hắn dừng lại, trân tráo nhìn bà cụ, rồi bất thần hắn túm lấy hai vai bà cụ lắc lấy lắc để. Mồm hắn la lên:

"Cay nghiệt! Làm sao bà đem cho con tôi đi!"

Mụ nhìn hắn sợ hãi. Hai tay mụ gỡ bàn tay nắm cứng của hắn. Chân mụ lết ra đằng sau, cặp mắt của mụ nhìn hắn như van lơn, mồm mụ há hốc đầy dãi rớt. Một lát mụ vùng lên chạy. Vừa chạy mụ vừa la:

"Chó đẻ mày đánh tao, chó đẻ mày đánh tao. Thằng Năm về nó bắn chết cha mày!"

Năm Trà co chân chạy theo. Hắn hớt hải:

"Má ơi... Con đây... Năm đây..."

Hắn túm được mụ ở đầu rãnh. Mụ chắp tay lên đầu vái hắn lia lịa:

"Tui lậy ông... tui lậy ông..."

Năm Trà ôm lấy mẹ khóc lên rưng rức. Nước mắt của hắn ướt đẫm cả chiếc áo có cầu vai. Rồi hắn dìu bà cụ đi, miệng không ngớt nói:

"Má ơi! Năm đây! Năm Trà đây!"

Mắt mụ điên sáng lên mừng rỡ. Mụ quay phắt sang túm lấy ngực áo của hắn. Mụ ngắm nghía Năm Trà từ đầu đến chân, tay mụ sờ lên khuôn mặt đẫm nước mắt của hắn. Một lát mụ run rẩy:

"Năm! Phải Năm không?"

Hắn ôm chầm lấy mụ:

"Con đây!"

Hai mẹ con cùng oà lên khóc. Hắn dẫn bà cụ đi vào trong nhà. Lúc khép cánh cửa lại hắn không quên ném cho những người hàng xóm tò mò một cái nhìn hằn học. Nhưng chỉ một lát sau, mụ điên đã chạy ra, chân mụ nhảy cuống cuồng, mồm mụ la lên:

"Quân chó đẻ! Quân chó đẻ! Con tao nó về nó bắn chết cha mày!"

Nói rồi mụ chạy tuốt ra ngõ. Tay mụ ôm khư khư một quả xoài ngoạm dở. Năm Trà đứng sững ở cánh cửa nhìn theo. Sự uất ức khổ sở đưa đầy lên cổ hắn. Hai tay hắn đấm vào nhau. Rồi hắn quơ lấy chai rượu, đập mạnh cái cổ chai xuống nền xi măng. Tiếng thuỷ tinh vỡ tan tành vang lên sắc và gọn. Hắn ngửa mặt lên, đổ ồng ộc vào mồm. Rượu đổ tràn xuống cổ và ngực áo. Môi hắn rách toác ra, một dòng máu rỉ xuống bên mép. Tu hết chai này hắn đập đến chai khác, tới khi hắn ném cái vỏ cuối cùng xuống mặt đất thì hắn bắt đầu ngất ngư. Hắn chồm lại bên cánh tủ, lấy hết sức đẩy mạnh. Cái tủ nghiêng đi rồi đổ xuống ầm ầm. Mồm hắn la lên:

"Hai đâu?"

"Ba đâu?"

"Út đâu?"

"Ối trời đất ơi là trời!"

Kéo xong cái tủ, hắn quay sang đạp đổ cái giường, hai tay hắn múa vung lên những chiếc chân ghế. Hắn đập nát từng thứ đến gẫy tan tành. Hàng xóm đổ xô lại. Hắn mở tung cửa ra, nhăm nhăm cầm mỗi tay một khúc gỗ. Mọi người sợ hãi xô nhau chạy. Hắn chửi theo:

"Chết cha hết tụi bay đi! Chết cha hết tụi bay đi!"

Vừa la hắn vừa thuận chân đá lăn lông lốc những mảnh gỗ ngổn ngang trên mặt đất. Hai mắt hắn đỏ ngầu. Bàn tay nhem nhuốc của hắn rách xoạc ra, rơm rớm máu. Hắn trở vào trong nhà đứng dựa lưng vào vách thở hổn hển. Mồ hôi vã ra thấm ướt cả lưng và ngực áo. Hắn thèm có một con dao sắc bén để đâm chém những kẻ mà hắn mang lòng thù hận. Chợt hắn đứng thẳng dậy, chân hắn đạp nghiêng cái mặt bàn chắn lối vào bếp. Hắn nằm bò xuống trên mặt đất, đầu chui dưới gậm chạn đầy muỗi và màng nhện. Loay hoay một lát hắn lôi ra được một chai dầu. Mắt hắn sáng lên một cách dữ tợn. Tay hắn run run mở nút rồi đưa cái chai lên mũi ngửi. Mùi dầu hôi xông lên làm hắn hả dạ. Môi hắn mím lại, hắn ngước mắt nhìn lên mái nhà thấp. Nghĩ đến bể lửa ngùn ngụt khói lan tràn khắp mọi nơi trong xóm Cỏ, mắt hắn sáng lên. Hắn hắt chai dầu vào những mảng lá khô cong. Sau cùng hắn xòe diêm châm lửa đốt. Đốm lửa trên que diêm đảo lên một vòng rồi lem lém cháy. Trong chốc lát, dưới mắt hắn, mái lá đỏ rực và nóng rát. Cổ họng hắn se lại, nước bọt quyện vào nhau, đùn ở trong hàm, hắn liếm môi rồi trệu trạo nuốt. Một tay hắn quăng chai dầu vào góc bếp, một tay hắn rút khăn ra lau trán và cổ. Mắt hắn bắt đầu hoa lên vì lửa đỏ. Ngọn lửa trên mái bây giờ như một vết dầu loang, liếm lem lép trên nóc bếp. Khói toả mù mịt khắp chỗ hắn đứng. Hắn thấy như cơn giận của mình cũng đang toả ra từ chỗ ấy.

Làn khói bốc từ khoảng trời xanh nhỏ hẹp ngoài sân rồi cuộn lên cao. Gió thổi táp vào khiến ngọn lửa càng bùng lên dữ dội, nhô hẳn ra ngoài những ánh lửa quằn quại thứ nhất.

Phía đằng trước vụt có tiếng hét:

"Cháy nhà! Cháy nhà!"

Tiếng kêu kinh hoàng như xé bên màng tai. Khắp xóm Cỏ chợt nháo lên một cách phi thường. Mọi người đổ xô ra cửa. Tiếng chân chạy, tiếng trẻ con khóc, tiếng la thất thanh truyền nhanh như một luồng điện giật:

"Năm Trà đốt nhà! Năm Trà đốt nhà!"

"Cháy! Cháy!"

Ngọn lửa mỗi lúc một bốc lên cao. Khói và tàn than ngùn ngụt cuộn lên che mờ cả lối đi trong ngõ hẹp. Gió buổi chiều thổi táp lại, xoáy trong đống lửa khơi lên hàng trăm ngàn những đốm đỏ sáng rực bay tứ tung. Tre nứa khô ròn bắt lửa như những ngọn đuốc, nổ toác ra, kêu lốp bốp. Ở khắp mọi nhà người ta bắt đầu quăng ra đường mọi thứ đồ đạc. Lối đi bất chợt nghẽn lại, sóng người xô đẩy ngã sấp lên nhau, tiếng cãi vã chửi rủa, xen lẫn với tiếng khóc la thảm thiết gây nên một khung cảnh hỗn độn kinh hoàng chưa từng có.

Ở cửa nhà bác Nhan, mọi người cũng đang dồn cứng lại. Bác Nhan gái mặt cắt không còn hột máu, một tay xốc cái Hơn bên nách, một tay nhét vội những mớ quần áo vào tay nải. Bác Nhan trai cuống cuồng chạy lên chạy xuống. Vật nào bác cũng muốn vơ, mà vật nào cũng chẳng có cách gì mang đi được. Hai tay bác lay thử cái giường ọp ẹp. Mặt ván nhúc nhích một tí rồi lại nằm ì trên mễ gỗ. Mồ hôi bác vã ra, hơi thở phì phò đùn dốc ra ở mũi. Bác bỏ cái giường ra vần chiếc bàn thờ. Mấy cái chân nến đảo lên rồi đổ nghiêng ngả. Cái bát hương nghiêng đi, lăn xuống mặt phản vỡ tan tành. Có tiếng bác gái rít lên:

"Ăn hại! Đồ ăn hại! Trời đất ơi, chồng với con!"

Bác Nhan trai tức mình đứng phắt đậy, trừng mắt nhìn vợ:

"Ăn hại cái gì? Đừng có lắm chuyện! Sốt tiết lắm nữa!"

Tiếng hai vợ chồng chợt chìm đi vì tiếng la ồn ào:

"Cháy sang nhà Tốn rồi! Cháy sang nhà Tốn rồi!"

Hai vợ chồng hốt hoảng chạy ra ngó bên ngoài. Phía trước mặt là một biển lửa đỏ rực mù mịt tàn than. Những mái lá đang sụm xuống, đổ nghiêng đi, rui kèo bửa ra rơi lả tả.

Ngọn lửa càng ngày càng mạnh, mỗi lần gió thổi tốc đến, những mảnh than hồng sáng chói lại bốc lên, văng ra bốn phía bắt vào lá khô ở mái bên cạnh, cháy lem lém. Ngoài đường cái, tiếng còi xe cấp cứu chợt rú lên thê thảm. Sóng người trên lối đi lại một phen bị dồn ép. Bây giờ thì không còn ai lo lắng đến đồ đạc nhà mình nữa. Tiếng con gọi mẹ, vợ gọi chồng, tiếng người xéo giẫm lên nhau kêu gào khóc lóc gây hỗn loạn cả một góc trời.

Tới lúc này, Hai Hào mới nghe tin và chạy bổ về. Gã quăng xe ở ngoài đường cái. Mặt gã tái mét, gã vừa len qua những đống đồ đạc ngổn ngang trên mặt đất, vừa la hốt hoảng:

"Mình ơi! Chèng đéc ơi!"

Gã lao vào đám đông. Cụm người nêm cứng lại. Ngực gã vướng phải một người đàn bà hai tay còn nắm khư khư lấy miệng túi áo. Mụ ta tru tréo:

"Coi chừng tao... quân ăn cướp..."

Cánh tay mụ chợt bị hất mạnh. Một cuộn tiền rơi ra vung vãi, mấy cúc áo của mụ xổ tung, vạt áo xoạc ra từng mảnh. Mụ la lớn:

"Ối làng nước ơi! Nó cướp của tôi!"

Lớp người lại xô đến. Lần này thì người ta vít mụ xuống, hàng mấy chục bàn tay thi nhau khoắng lấy những đồng bạc rơi lả tả trên mặt đường. Tiếng kêu của mụ bị át đi. Người mụ chúi về đằng trước, bộ ngực vướng phải những bắp thịt cuồn cuộn của Hai Hào, khiến hắn dẫy nẩy như người phải bỏng:

"Ý chèng đéc ơi! Xê tôi ra..."

Tiếng của gã cũng bị át đi. Những người đằng trước xô gã lại, những người đằng sau đẩy gã lên. Người đàn bà tóc xổ tung gần ngất đi trong cánh tay của gã. Gã càng thêm cuống quít:

"Ý chèng đéc ơi! Xê tôi ra..."

Gã cố gắng dìu mụ lại gần một đống gỗ. Khuôn mặt mụ nhợt nhạt, cặp mắt đờ hẳn đi, miệng mụ không ngớt kêu lải nhải:

"Tiền hàng của tôi! Tiền hàng của tôi! Ối giời ơi là giời!"

Hai Hào đặt vội mụ ngồi trên một cái chõng xiêu vẹo, đoạn gã trèo lên nhìn vào trong ngõ. Căn nhà của vợ chồng gã lửa đã bén xuống cánh cửa và đang ngùn ngụt lan xuống hàng rào. Ở đằng xa, những vách gỗ của dẫy nhà xóm trong đang xiêu đi và bắt đầu sụp xuống. Than hồng lả tả rụng văng ngập cả lối đi và cống rãnh. Gã chợt nom thấy vợ mình đang ngoi ra từ mấy cái chạn gỗ đổ lổng chổng. Một tay Đào dắt Phó Ngữ, một tay nàng cố níu theo cái tay nải bị đám đông vít lại, trôi ngược về phía sau. Hai Hào sung sướng nhẩy chồm lên, gã vỗ đùi đen đét:

"Ý! Mình ơi! Chèng đéc ơi..."

Gã nhẩy bổ ngay xuống đất và cố sức len vào. Trong đám đông hỗn loạn, mơ hồ gã nom thấy đủ mặt mọi người quen thuộc. Tất cả chen nhau giạt ra xa để tránh những cái rui nhà đổ văng xuống. Lửa nóng dữ dội làm ai nấy đổ mồ hôi, mặt lem luốc đầy tàn than và rát như phải bỏng. Người ta xúm lại kéo đổ những túp lá còn lại. Tre nứa quằn quại cháy, vách đất bửa ra, chum vại thi nhau nứt toác rồi vỡ tan tành gây nên những tiếng nổ chát chúa.

Một lát sau, Hai Hào đón được bàn tay của vợ. Gã sung sướng bế nàng lên hai cánh tay. Miệng gã không ngớt la:

"May thiệt là may. Tôi ngỡ mình chôn luôn trong đó rồi chớ!"

Đào lả đi trên vai gã, nàng nói ấm ức:

"Bố tôi không say thì còn chạy được bao nhiêu là đồ.”

Hai Hào quay lại nhìn. Gã thấy mặt Phó Ngữ đỏ lừ vì men rượu. Đầu lão ngất ngư, mắt lão lim dim, lão túm lấy Hai Hào kè nhè:

"Thôi hỏng! Tao quên mất cái áo sa đen trăm mấy bạc! Hai... Hai Hào quay lại đi!"

Hai Hào tức mình đun lão một cái. Lão ngã ngồi trên đống vữa vụn. Gã đặt Đào xuống, ôm bổng chiếc tay nải lên vai. Vừa len chân lấy chỗ ra, gã vừa càu nhàu:

"Quay! Quay cái nỗ đít! Tôi hãi bỏ bố tôi đi.”

Căn nhà cuối cùng đang bị kéo xuống gây nên tiếng đổ gẫy răng rắc và sau cùng sập xuống nghe đánh rầm như trời long đất lở. Mọi người ùa ra. Một luồng gió thổi mạnh làm làn than bay vung lên, có những đốm lửa cháy đỏ quay cuồng trong không khí. Toàn xóm Cỏ bây giờ chỉ còn là một khung cảnh hoang tàn đang ngùn ngụt cháy. Khói cuộn lên che kín cả một vùng mây. Cả một khoảng trời đỏ rực lên và đầy khói nóng.

Phía ngoài xa, hàng ngàn người chen nhau đứng chật ních trên đường cái và trong các quán chợ. Đồ đạc, quần áo, nồi niêu vớt vát được, người ta quẳng ngổn ngang khắp mọi chỗ. Từ mạn trên phố, đoàn xe cứu thương và cứu hoả không ngớt đổ đến, tiếng còi rít lên từng hồi nghe vừa khẩn cấp vừa thê thảm. Càng về chiều, trời càng nổi gió, ngọn lửa càng cháy mạnh. Mãi đến lúc tối mịt, đám cháy mới hạ dần. Lửa đỏ soi bóng đám người khốn khổ lố nhố trên mặt đường. Trong khoảng tối mờ mịt, lúc này người ta mới đi tìm nhau. Vợ gọi chồng, con gọi mẹ, tiếng than khóc, hỗn độn không kém lúc ngọn lửa mới bắt đầu bốc lên.

Lão Hói cũng xuất hiện ở đám người ấy. Lão vẫn say khướt như mọi ngày. Ống chân rún rẩy trên đôi giầy ba ta rách. Cái túi lúc lắc trên vai. Khuôn mặt lão thấp thoáng trong ánh lửa đỏ. Hai tay lão múa lên, giọng lão kè nhè:

"Có ông trời mà... Có ông trời thiệt mà..."

Rồi lão nằm lăn ra bờ cỏ, lục túi lấy chai rượu, ngửa cổ tu từng hơi ừng ực. Hơi men đưa lên nóng bừng bừng. Lão cất giọng ngâm ư ử:

"Ngọc xuất thiên cung thủ quả châu.
Hoàng thiên thương mến quả địa cầu.
Giáng tạo thay đời không tranh đấu.
Thế giới thanh bình khói thuế sâu.

Có trời! Có ông trời thiệt mà..."

Trước mắt lão, khung cảnh hỗn loạn và vui tươi như một ngày mở hội. Những bóng người chạy thấp thoáng trong ánh hồng rực lên của tàn than. Nền trời cao vút long lanh mấy vì sao. Gió buổi chiều lùa xuống mát rượi. Bên dưới, xóm Cỏ với những nếp nhà xiêu vẹo, mọc chen nhau san sát đã trở thành bình địa. Khói âm ỉ bốc lên từ những thạp gạo và đồ đạc cháy giở. Các lối đi bị lấp kín. Tất cả chỉ còn là một khoảng trống, hầm hập hơi nóng, đưa lên mùi khét lẹt.


Chương cuối

Trời đổ mưa dữ dội. Những giọt mưa đầu mùa sầm sập rơi như thác chảy. Xóm Cỏ chìm trong làn nước trắng xoá mù mịt. Nước xoáy miết vào những đống tàn than và gạch vữa, bào lên từng mảng đất bở, rồi cuốn trôi băng băng theo cùng rác rưởi. Dòng nước đen ngầu sùi bọt, ứ lên từ những chỗ trũng, trào len lỏi qua những chiếc rui cột chỏng chơ rồi đổ ra đường cái. Gió thổi phần phật vào những mái lều dựng tạm thời trên một khoảng đất mới dọn. Những cái cột mỏng manh nghiêng đi, vít từng sợi dây thừng căng ra nghiến ken két vào thớ gỗ. Nước quạt ào ào trên nóc lều, thổi tung từng cánh bạt, hắt xiên vào quá nửa mé bên trong.

Trẻ con túa hết ra ngoài mưa. Chúng nó đuổi nhau, hò hét trong những vũng nước bẩn. Bóng dáng trần truồng của chúng len lỏi qua những cái rui kèo đen thui nằm nghiêng ngửa trên đống gạch vụn. Tiếng hò hét cười đùa xen lẫn tiếng chân lội bì bõm làm tung toé bọt. Cơn mưa đổ xuống bất chợt khiến bầu không khí mát rượi hẳn đi. Sấm chớp thi nhau nổ rền trên một khoảng trời xám đục. Những người chờ đợi cơn mưa từ mấy tháng trời chạy túa ra khỏi lều, ngửa mặt lên cao. Từng đợt nước hắt lên mặt, xối xả chảy từ cổ xuống chân làm những mái tóc ướt rã rượi, rũ hết cả ra phía đằng sau. Người ta bật lên những tiếng khoan khoái:

"Mưa... mưa!"

Cơn mưa vẫn tiếp tục đổ liên miên hầu như không dứt. Than, củi, gỗ nổi lều bều trên mặt nước, xoay tròn, trôi băng băng ra ngoài đường. Những nếp tường đổ, những cái thùng đen xám nằm nghiêng ngửa, những rui kèo sần sùi muội than và những cái thềm trơ trụi hoang tàn trong khoảnh khắc được rửa sạch.

Ngồi trong lều, bác Tốn thủ thằng Giăng vào vạt áo. Nó nằm ngửa trong vòng tay của bác, đôi mắt thao láo phô ra một mầu xanh biếc như hai viên ngọc đang mở to nhìn chăm chăm vào mặt bác. Cái miệng xinh xắn của nó hé ra hai vành môi đỏ hồng nom tươi tắn như nụ hoa. Bàn tay nhỏ xíu bụ bẫm và trắng ngần của nó hoa lên, có lúc quơ được cái vạt áo của bác thì nó níu chặt lấy. Thằng Ích ngồi bên cạnh cố che cái nón ra phía đằng trước để tránh những cơn gió tạt vào. Bác Tốn nghển cổ lên, hàm răng trắng bóng nhe ra như bác đang nhăn nhở cười. Bác nói lớn vào tai thằng Ích:

"Công tử có bị ướt không mày?"

Ích hét to:

"Không ướt một ly.”

"Ngủ hay thức?"

Ích nhìn vào cặp mắt xanh lơ của đứa bé:

"Thức! Mắt thô lố ra thế này này.”

Bác Tốn cúi xuống ôm nó vào sát với mình hơn. Bàn tay của bác quờ quạng và bác rờ được lên một bên má mũm mĩm của nó. Bác ghì nó chặt hơn và ghé môi hôn lên má nó chùn chụt. Một lát bác nói:

"Giá còn cái đàn nhỉ!"

Ích cười:

"Còn giá với rổ gì nữa. Cháy tiêu rồi!"

"Chắc không?"

"Tê đi chứ lại!"

"Ừ nhỉ, tao để nó ở đầu giường. Lúng túng với nhà ông này, quên bố nó mất.”

"Bác tiếc không?"

"Nói như bố chó xồm ấy. Mất đàn mà lại không tiếc.”

Ngừng một lát bác tiếp:

"Mà cũng chả tiếc đâu. Của đi thay người.”

"Nhà bác này ấm ớ thật. Tiếc rồi lại không tiếc.”

"Nhà ông tiếc không?"

"Tiếc chứ!"

"Ừ nhỉ, cũng tiếc thật. Cây đàn bao nhiêu năm đi hát với mình.”

Ích nói:

"Chả cần! Rồi có tiền lại mua.”

"Nhưng giờ mình biết đi hát làm sao đây. Không có đàn kiếm ăn khó chứ chẳng chơi đâu!"

Một lát Ích hỏi:

"Bác biết thổi sáo không?"

Bác Tốn phát đánh đốp vào lưng nó một cái rồi reo lên:

"Có thế mà tao không nghĩ ra. Sáo tao thổi thì phải biết. Đếch chê được!"

Ích múa tay:

"Sáo thì ở chợ thiếu gì!"

Bác Tốn nâng hẳn thằng Giăng lên, áp cả người nó vào một bên vai của mình, mũi của bác hít hít vào cái cổ thơm tho của nó. Rồi bác nói:

"Thế thì tê đi rồi. Còn sợ gì nữa!"

Cả hai bác cháu cùng vui vẻ quay ra ngoài trời. Trên một khoảng nền đất rộng, những mái lều được dựng lên san sát đang nghiêng ngả dưới những đợt mưa. Nước vẫn xoáy tròn, miết vào đống kèo rui cháy dở, làm rác nổi dềnh lên, táp vào những khoảng thềm hoang trơ trụi đất. Gió thổi ào ạt trong lùm cây, lùa qua những ống nứa ngổn ngang trên đống vật liệu xây cất, văng vẳng nghe như có tiếng sáo trỗi lên ở đâu đây...

Sài Gòn tháng 10, 1959 - tháng 4, 1961
Nguồn: Thềm hoang, truyện dài của Nhật Tiến. Đời Nay ấn hành lần thứ nhất ở Sài Gòn năm 1961. Việt Tide tái bản tại California năm 2003 (tác giả có hiệu đính). Tranh bìa: Nguyên Trúc. Trình bày: Nguyên Trúc & Cao Xuân Huy. Bản đăng trên talawas do tác giả cung cấp.