© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
23.2.2007
Lê Tất Điều
Bạn giận thù khinh
 
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, tiến sĩ Condoleezza Rice, là bậc thông minh, lỗi lạc. Nhiều người kính phục tài đức của cô đã khuyến khích, thúc đẩy cô ứng cử chức Tổng thống năm 2008. Trước khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao, cô là Cố vấn an ninh của Tổng thống Bush. Bằng cấp cao, thông minh, có kinh nghiệm, cô Rice dư tài, dư sức tạo cho Mỹ một chính sách đối ngoại khéo léo, khôn ngoan, tôi tin thế.

Tôi lại đặt niềm tin không đúng chỗ. Bộ Ngoại giao của cô Rice cũng đem về cho nước Mỹ nhiều tai họa.

Ngày 9-10-2006, Bắc Hàn cho nổ thử bom hạt nhân, thách thức những lời đe dọa của Tổng thống Bush. Chính phủ Mỹ vận động Hội đồng Liên hiệp quốc ban hành các biện pháp trừng phạt. Ngoại trưởng Rice nhận trọng trách đi một vòng thế giới, vận động các quốc gia liên hệ nghiêm chỉnh, triệt để thi hành những biện pháp ấy. Đến Nhật, Nam Hàn, cô nhận được lời hứa hợp tác chặt chẽ. Đến Tàu thì khó hơn vì đây là ông bảo trợ của Bắc Hàn, cô cũng thành công lớn, đến nỗi phải reo lên vì sự tử tế không ngờ của Bắc Kinh: “I cannot conceive of even a short time ago China agreeing to call North Korea’s behavior a threat to international peace and security,” (Chỉ mới đây thôi, tôi còn chưa có thể tưởng tượng được là có chuyện Bắc Kinh lại đồng ý xem hành động của Bắc Hàn là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.)

Rời Bắc Kinh, cô tiến công chinh phục mục tiêu chót: Mạc Tư Khoa. Phấn khởi vì thành công lớn và dễ dàng ở Tàu, cô thừa thắng xông lên, quyết định sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo Nga hỗ trợ Mỹ trong việc trừng phạt cả Bắc Hàn và Iran.

Bắc Hàn dễ, Nga không dính dáng nhiều với anh này. Iran khó hơn vì đang là khách sộp của kỹ nghệ lập lò năng lượng nguyên tử của Nga. Quyền lợi kinh tế, quân sự của hai bên gắn bó mật thiết với nhau.

Giao tình thân thiết Nga - Iran là trở ngại lớn, giao tình hơi lạnh lẽo Nga - Mỹ cũng là một khó khăn. Lâu nay, Nga rất khó chịu về những hành động hung hãn, tác phong kiêu căng của Mỹ. Đã thế, Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ thỉnh thoảng lại lớn tiếng kết tội Tổng thống Nga Vladimir Putin đang âm mưu trở thành nhà lãnh đạo độc tài. Có lần, đứng cạnh ông Putin trong cuộc họp báo, ông Bush bị cái lý tưởng gieo rắc dân chủ kích thích quá, đã khơi khơi dạy dỗ ông Putin về tự do, nhân quyền, khiến ông này sùng lên quạt lại một câu rất đau: “Thưa ngài Tổng thống, tôi tin là nhân dân Nga không bao giờ muốn có một nền dân chủ giống như cái thứ dân chủ bên Iraq hiện nay của ngài.” Bà con cười rần.

Thảo luận với con người lạnh lùng, sắc bén, đang hầm chính phủ Mỹ ấy không dễ; thuyết phục ông ta đứng về phe mình càng khó hơn. Ở đây, để hỗ trợ Mỹ, Nga phải phản bội Iran, vừa là bạn mới, vừa là khách hàng quý. Ngoại trưởng Mỹ, ngoài tài thuyết phục, còn cần thêm tài năn nỉ ỉ ôi cực kỳ khéo léo. Vội vàng sơ sẩy một chút là hư hết đại sự.

Có vẻ Ngoại trưởng Rice ý thức rõ những khó khăn đang chờ. Cô không vội vàng, cô bay đến Mạc Tư Khoa thật sớm, nhiều giờ trước khi gặp các nhà lãnh đạo điện Cẩm Linh. Có vẻ cô cần thời gian tạo không khí thân thiện, chinh phục cảm tình của chủ nhà. Cô cần dọn đường cho một cuộc họp mặt nồng nàn tình hữu nghị Nga - Mỹ. Khách sẽ được hân hoan chào đón, chủ sẽ hài lòng hả dạ, sẵn sàng tặng khách món quà khách ngỏ ý xin.

Tin vào những điều “có vẻ” ấy, tôi tò mò hết sức, theo dõi từng hành động, lời nói của tiến sĩ Rice ngày 21-10-2006, trong mấy giờ trước khi nhà ngoại giao siêu cường Mỹ gặp mặt Tổng thống đại cường Nga. Cảnh cô Rice vung đũa thần chinh phục ông Putin chắc là ngoạn mục. Chịu khó trố mắt nhìn, có khi học lóm được bài học giao tế tuyệt vời “biến thù thành bạn”, rất cần cho một kẻ đang bị nhiều người thù ghét như mình.

Hành động của cô Rice hôm đó quả thực ngoạn mục nhưng bài học giao tế rút tỉa từ những hành động ấy thì quá rùng rợn, nuốt không vô.

Vừa đến Mạc Tư Khoa, cô tổ chức ngay một cuộc họp báo tại khách sạn, mời Dmitry Muratov, chủ bút tờ Novaya Gazeta, đến để an ủi, khích lệ. Ông này là con của nữ ký giả kỳ cựu vừa bị ám sát Anna Politkovskaya. Cái chết mờ ám của bà đang gây chấn động thế giới và thiên hạ ngờ rằng tên sát nhân làm việc cho điện Cẩm Linh. Người ta nghi chính quyền Nga đã ám sát Anna Politkovskaya vì bà từng viết nhiều bài chỉ trích nặng nề lối hành xử của điện Cẩm Linh trong vụ xung đột với Chechnya.

Ký giả Glenn Kessier của The Washington Post, trong bài “Rice lends support to Russian press” (Ngoại trưởng Rice ủng hộ báo giới Nga), kể rằng: Gặp mặt Dmitry Muratov, Ngoại trưởng Rice xổ ngay một tràng tiếng Nga để tự giới thiệu, làm bà con phục lăn. Sau đó, cô dõng dạc nói cho bọn ngồi trong điện Cẩm Linh biết: “the fate of journalists in Russia is a major concern” (Số phận các nhà báo Nga là mối quan tâm chính [của cô và quốc gia cô đại diện]) rồi chê huỵch toẹt là ở Nga hiện nay, chỉ có báo chí và một số đài phát thanh giữ được tư cách độc lập, còn ngành truyền hình thì, rủi thay, chuyện độc lập tự do chả còn được mấy tí. “Unfortunately, there is not much left of independent television in Russia.”

Ngôn ngữ ngoại giao vốn văn hoa, khéo léo, cô Rice chê quyền tự do ngôn luận ở Nga như thế là lên án chính phủ Nga nặng lắm. Diễn dịch ra hành động, ngôn ngữ bình dân thì ta có thể hình dung cảnh này: Cô Rice chồm tới tát ông Putin một phát nổ đom đóm mắt và mắng chửi thật lớn cho cả thế giới nghe rằng: “Anh là thằng Tổng thống gian ác, đang khuynh loát xiết cổ truyền thông, báo chí Nga, tiêu diệt quyền tự do ngôn luận của nhân dân Nga. Anh đang mưu đồ đưa nước Nga vào chế độ độc tài, để trở thành bạo chúa. Anh rất đáng nghi, có thể tay anh đã dính máu nữ ký giả Anna Politkovskaya. Nước Mỹ và tôi rất quan tâm đến số phận của các nhà báo Nga đấy, anh liệu hồn!”

Diễn dịch hành động, lời nói của cô Rice là “tát vào mặt” ông Putin, tôi hơi áy náy, sợ mình phóng đại quá đáng. Nhưng nghe chính sự diễn dịch của ngôn ngữ ngoại giao, mới biết chọn lựa của mình tầm thường, hiền khô. Một phụ tá của cô Rice đưa ra hình ảnh hung bạo hơn: “chọc mắt”. “It was not a poke in the eye but the right thing to do” , đó là câu nói của vị này bào chữa cho hành động của sếp lớn Ngoại trưởng: thấy việc phải thì cô ấy làm chứ không (chủ tâm) chọc lòi con mắt ai đâu.

Tóm lại, chiến thuật ngoại giao của cô Rice thế này: Trước hết bạt tai, hoặc theo lời mô tả của vị phụ tá, chọc vào mắt Tổng thống Nga một phát, vừa đánh vừa chửi, cực lực lên án những hành động xấu xa, tội lỗi của ông Putin và bè lũ ở điện Cẩm Linh. Đánh chửi đã đời xong, lập tức cười ngỏn ngoẻn xin ông ta ban cho mình một ân huệ!

Cô Rice đang là Ngoại trưởng. Nhiều người Mỹ thấy tài đức cô xứng đáng cho một chức vụ cao hơn: Tổng thống Hoa Kỳ. Cô có những bí quyết hay ho nào để lãnh đạo Bộ Ngoại giao - hay mai mốt có thể cai trị cả nước Mỹ - thì tôi không biết, nhưng với nghệ thuật giao tế cô biểu diễn ở Mạc Tư Khoa, nếu cô đi xin việc bán hàng, tôi sợ chẳng ai dám mướn.

Cô bán hàng vừa bước chân qua ngưỡng cửa đã mở máy chửi chủ nhà một trận tơi bời hoa lá. Chửi xong, cô mới nở nụ cười duyên dáng, thân thiện, thỏ thẻ cất tiếng mời chào. Mức thành công của phương pháp bán hàng này chắc thấp.

Ông Putin, như nhiều nhà lãnh đạo khác, là bậc phi thường, nhưng ông vẫn kẹt cái xác phàm có đeo lỉnh kỉnh mấy món hỉ, nộ, ái, ố. Ông không là Chúa để bị cô Rice chọc mắt trái thì đưa mắt phải ra cho cô chọc thêm thành mù luôn. Ông cũng chẳng là Phật để bị cô bợp tai, đá đít, chửi mắng túi bụi, vẫn từ bi hỉ xả, tha thứ hết, vẫn dịu dàng hỏi: Con cần gì nói đi để Bụt giúp cho?

Thế nên, kết quả cuộc du thuyết ở Nga tốt xấu thế nào, cô Rice… không nói. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng im thin thít. Sau khi bị đánh chửi te tua, Tổng thống Nga đã nói gì với Ngoại trưởng Mỹ, có sốt sắng nhận lời tiếp tay Mỹ trừng phạt Bắc Hàn và Iran không? Buổi họp mặt trong điện Cẩm Linh hôm đó vui nhộn hay buồn thảm? Hay là cuộc họp mặt không còn diễn ra nữa vì Tổng thống Nga má bị sưng vù và hơi đau mắt, dung nhan rất tiều tụy, cần nghỉ ngơi để… dưỡng thương, không tiện tiếp khách?

Đi du thuyết nước Nga đã ngộ nghĩnh thế, lúc ra tay giải phóng Iran, cô Rice còn biểu diễn nhiều thế võ dễ sợ hơn.

Lâu nay, “trục ác quỷ” Iran quá lộng hành, rất đáng được Mỹ giải phóng. Nhưng quân lực Mỹ đang bận gieo rắc dân chủ tự do, ngày đêm lo thuốc thang chữa chạy cho Iraq, không còn hơi sức đâu lãnh thêm bệnh nhân mới, chính phủ Mỹ tha cho Bộ Quốc phòng, chuyển nghĩa vụ quốc tế ấy sang Bộ Ngoại giao.

Nhận trọng trách, Ngoại trưởng Mỹ lập tức tung ra chiến lược mới. Cô Rice quyết định “thay đổi chế độ”, “giải phóng” Iran bằng tiền. Những chiêu thức xâm lăng, chiếm đóng, tốn hàng trăm tỉ, chết ba ngàn quân, v.v… của Bộ Quốc phòng, cô dẹp bỏ hết, thay thế bằng đạo quân 85 triệu đô la.

Steven R. Weisman mô tả rõ chiến lược của cô trong bài “Rice is seeking millions to prod changes in Iran” (Ngoại trưởng Rice đang cố kiếm hàng triệu đô la để thúc đẩy những thay đổi ở Iran) trên The New York Times:

“The Bush administration, frustrated by Iranian defiance over its nuclear program, proposed Wednesday to spend $85 million to promote political change inside Iran by subsidizing dissident groups, union, student fellowships and television and radio broadcasts.

Secretary of State Condoleezza Rice, announcing a request for the money at a Senate hearing, said the administration had worked out a way to circumvent American laws barring financial relations with Iran to allow some money to go directly to group promoting change inside the country. “We are going to begin a new effort to support the aspirations of the Iranian people,” Ms. Rice said at the Senate Foreign Relations Committee. “We will use this money to develop support networks for Iranian reformers, political and human rights activists.”

(Bưc bội trước thái độ thách thức của Iran về chương trình năng lượng nguyên tử [bị nghi là sản xuất vũ khí hạt nhân] của quốc gia này, hôm thứ tư, chính phủ của tổng thống Bush đã đề nghi chi ra 85 triệu đô la để thúc đẩy những thay đổi chính trị từ bên trong Iran bằng việc hỗ trợ cho các nhóm bất đồng chính kiến, các nghiệp đoàn, hội sinh viên, các đài phát thanh, truyền hình.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, trong một phiên nghị sự tại Thượng viện, đã yêu cầu được cấp ngân khoản này. Bà nói rằng chính phủ đã tìm ra cách qua mặt luật ngăn cấm những giao dịch tài chính giữa Mỹ và Iran, để có thể chuyển trực tiếp một số tiền đến các nhóm nhằm thúc đẩy những thay đổi nội tình Iran. “Chúng tôi sắp bắt đầu một nỗ lực mới để ủng hộ những khát vọng của người dân Iran”, bà Rice đã tuyên bố như vậy trước Ủy ban Ngoại giao của Thượng viện. “Chúng tôi sẽ sử dụng khoản tiền này để phát triển một mạng lưới hỗ trợ cho những nhà cải cách Iran, những nhà hoạt động chính trị và nhân quyền”)


Mười ngày sau khi tiến sĩ Rice công bố sẽ thống lĩnh đạo binh xanh đi giải phóng Iran, Michael McFaul và Abbas Milani, giám đốc “Dự án Dân chủ cho Iran” (the Iranian Democracy Project) đưa ra những nhận xét không mấy lạc quan:

“Whether this new policy initiative will actually foster democracy in Iran is hard to say. Outsiders find it easy to support democracy rhetorically; it is much harder to support democracy’s advance concretely and effectively. All around the world, democracy-promotion is hard.” (“A checking account for Democracy” – Wall Street Journal)

(Khó có thể nói được liệu chính sách mới này có thật sự thúc đẩy dân chủ ở Iran hay không. Đối với người ngoài cuộc, nói ủng hộ dân chủ một cách văn hoa đâu khó gì nhưng ủng hộ tiến trình dân chủ một cách cụ thể và hiệu quả thì khó hơn nhiều. Ở đâu cũng thế thôi, thúc đẩy dân chủ luôn là một việc khó khăn.)

Không cần hai chuyên gia dân chủ nói, bà con đã dư biết chuyện gieo rắc dân chủ rất khó. Ngoài xương máu, bom đạn, đạo binh đô la đi giải phóng Iraq, nhỏ hơn Iran, đã đông gấp ngàn lần quân số của Ngoại trưởng Rice bây giờ, thế mà chưa làm nên cơm cháo gì. Ngày chiến thắng vinh quang khi cô Rice có thể phất ngọn cờ Dân Chủ trên thủ đô Iran chắc còn xa xôi lắm.

Dân chủ tự do còn lâu mới đến, nhưng tai họa thì đến rất nhanh.

Ngay trong những giờ phút Ngoại trưởng Rice tường trình kế hoạch giải phóng Iran bằng tiền trước Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, cô đã đồng thời tròng vào cổ những nhà dân chủ, những chiến sĩ chống đối ở Iran nhiều bản án: nhẹ thì tù mút mùa, nặng thì tử hình. Hai chuyên gia dân chủ McFaul và Milani viết (trong cùng bài đã trích dẫn): “Any one who takes American money will be labeled a traitor.” (Ai nhận tiền của Mỹ thì sẽ bị gắn nhãn là kẻ phản bội)

Đang sống trong “trục ác quỷ” mà phản bội tổ quốc, nhận tiền của Satan Mỹ để chống phá Cách mạng và nhà nước thì chỉ có thác thôi! Cô Rice đã đem 85 triệu tiền dân Mỹ đóng thuế biến thành con dao đồ tể cho bạo quyền Iran kề vào cổ tất cả những công dân Iran đang nỗ lực chiến đấu cho tự do, dân chủ.

Ngoại trưởng Rice tung ra cái chiến lược tai hại chết người như thế vì dốt hay vì đầu óc quá tối tăm?

Chắc không có chuyện dốt. Kiến thức của cô Rice về đời sống của đám nhân loại ngoài nước Mỹ có thể rất hạn hẹp, cô không biết tí gì về những khó khăn của các nhà dân chủ, nhân quyền và những phương pháp đàn áp độc địa của bạo quyền, bạo chúa. Nhưng cô vẫn có những chuyện đang xảy ra trên nước Mỹ để quan sát, học tập. Mỹ cũng có những bản án nặng dành cho tội “phản quốc”, tội “liên kết với kẻ thù” mà.

“Nhận tiền, làm tay sai cho các lực lượng thù địch để chống phá Mỹ” tội nặng đã đành, chỉ “gửi tiền yểm trợ bọn khủng bố” cũng tù mọt gông. Ở trong nước, bị FBI đến còng còn đỡ, tệ lắm là bị đàn em Phó tổng thống Dick Cheney cho lên water-boarding [1] . Bị CIA túm cổ ngoài nước thì có phần chắc là sẽ được gửi tới những quốc gia còn thạo nghề tra tấn dã man do các sư tổ từ thời Trung cổ truyền lại. Chẳng lẽ cô Rice và Bộ Ngoại giao của cô không thấy, không biết những chuyện ấy?

Họ có thấy, có biết. Steven R. Weisman viết:

“Senior State Department officials said they did not intend to publicize recipients of the money in the future, for fear that they could be jailed or even killed.” (bđd) (Giới chúc cao cấp Bộ Ngoại giao nói rằng họ không có ý định công bố tên những người nhận tiền trong tương lai vì sợ các vị này có thể bị tống giam, thậm chí bị giết).

Các viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao cũng nhìn ra chuyện những chiến sĩ dân chủ, tự do của Iran nhận tiền Mỹ để hoạt động có nguy cơ bị tù, bị giết. Nhưng họ chu đáo lắm. Họ đã có biện pháp bảo vệ tất cả. Họ giữ bí mật tuyệt đối cho các chiến sĩ bằng cách dự tính mai mốt sẽ không công bố khắp thế giới… danh sách những người nhận tiền. Thế thì kín đáo, bí mật quá trời. Công an, cảnh sát, thám tử, điệp viên, mật vụ, tình báo Iran phen này sẽ bó tay, mù tịt, không còn manh mối nào tìm ra tên tuổi bọn nội thù.

Đại tướng Condoleezza Rice hành quân giải phóng Iran với những biện pháp bảo mật tối tân, kinh khủng như thế thì chính phủ Iran có kháng cự nổi không?

Tôi sợ Iran sẽ áp dụng vài biện pháp, không đòi hỏi những chiến thuật, chiến lược cao siêu, để chống đỡ:

Nếu muốn khoe khoang nước mình cũng tôn trọng dân quyền, nhân quyền như Mỹ, Tổng thống Iran sẽ làm như Tổng thống Bush, ra lệnh cho nhân viên công lực tha hồ nghe lén, kiểm soát trương mục ngân hàng, tình trạng tài chính v.v… của nhân dân mà khỏi xin án lệnh. Tay sai khủng bố ở Mỹ còn không thoát, tay sai Mỹ ở Iran làm sao mà trốn được phương pháp điều tra tối tân này. Nhưng những trò nặng phần trình diễn ấy chỉ cần thiết nếu Iran là đồng minh nhược tiểu của Mỹ, suốt ngày bị báo chí Mỹ chửi là độc tài, tham nhũng và chính phủ Mỹ dậy dỗ phải thượng tôn Hiến Pháp, tôn trọng nhân quyền, v.v… Iran đang là kẻ thù của Mỹ, khỏi cần bày đặt chuyện thượng tôn pháp luật, hoa hòe hoa sói, mất thì giờ như thế.

Nếu nông nổi, ngây thơ và nóng tính, chính phủ Iran có thể cho công an Iran bắt tay ngay vào việc bố ráp, khám xét và tóm cổ những kẻ tình nghi đem về trụ sở “làm việc”. Danh sách những người nhận tiền tuy bị bộ Ngoại giao Mỹ cẩn thận giấu kỹ nhưng danh sách Ngoại trưởng Rice công bố ở Thượng viện cũng đã quá rõ ràng: “Iranian reformers, political dissidents, human rights activists, dissident groups, unions, student fellowships and television and radio broadcasts.” Thật là đầy đủ chi tiết về bọn “nằm vùng”, chúng đang làm gì, hoạt động trong những nhóm, tổ chức, cơ quan nào.

Nếu Iran nông nổi, mở cuộc bố ráp bắt bớ ngay thì thật là may cho dân Mỹ. Cô Rice mất chỗ gửi tiền giải phóng, đành thâu quân về, chính phủ Mỹ có thể hào phóng đem 85 triệu đô “cứu” hụt Iran đó đi cứu nạn nhân thiên tai bão lụt Katrina, giúp người nghèo mua bảo hiểm sức khỏe, cho sinh viên nghèo vay đóng học phí, v.v… Tổng thống Bush sẽ hưởng thêm phúc đức.

Nhưng giới lãnh đạo Iran không nông nổi, ngây thơ. Họ sẽ chờ cho cô Rice tung hết đạo quân xâm lăng, chiếm đóng, vào nội địa Iran rồi mới ra tay mở cuộc hành quân tóm gọn “cả người lẫn của”.

Song song với kế hoạch bắt sống lũ tù binh gần trăm triệu tiền tươi của Mỹ, Iran sẽ tiến hành một kế hoạch vồ tiền Mỹ dài dài. Họ tổ chức những nhóm “đổi mới” dỏm, “tranh đấu nhân quyền” cò mồi, “kháng chiến” giả, “đối lập” cuội, những “nghiệp đoàn quốc doanh”, v.v… để dàn hàng ngang nồng nhiệt chào mừng đoàn quân giải phóng, ôm hôn thắm thiết, rồi nhét các chiến sĩ Mỹ xanh lè vào… túi. Và từ nay, Ngoại trưởng Rice sẽ chi tiền mệt nghỉ!

Những tổ chức tranh đấu, kháng chiến dỏm ở các nơi khác thỉnh thoảng phải tổ chức một cuộc bạo động, cho nó có vẻ “thiệt”, làm ông anh chi tiền hài lòng. Nhưng ở Iran, những trò ấy cũng được miễn luôn. Đây là lời hai chuyên gia McFaul và Milani dạy dỗ cô Ngoại trưởng Mỹ:

“Above all else, the U.S. cannot support terrorist organizations or advocates of violent regime change… If the strategy for democracy promotion is to have any chance, it must avoid violence.”

(Điều quan trọng hơn hết là Mỹ không thể ủng hộ cho các tổ chức khủng bố hay bênh vực cho những mưu đồ dùng bao lực để thay đổi thể chế… Nếu chiến lược thúc đẩy dân chủ có một cơ may nào đó thì nó phải tránh con đường bạo lực.)

Cấm vùng lên lật đổ chính quyền Iran bằng bạo lực (không được nhất trí với chiến thuật ông Bush giải phóng Iraq đâu nhé!). Anh em chỉ cần tranh đấu bằng mồm, chống chế độ độc tài bằng “lý tưởng tự do”, khỏi trình diễn những trò bạo động lỉnh kỉnh. Thế thì khỏe ru!

Nhưng moi tiền một cô Ngoại trưởng Mỹ ngớ ngẩn, ngây ngô là chuyện tầm thường, xoàng xĩnh, không phải mục tiêu chính của giới chức an ninh, tình báo Iran. Có những tổ chức kháng chiến giả, đối lập cuội, những nghiệp đoàn quốc doanh v.v… là họ có nhiều cái bẫy để bắt những chiến sĩ, những anh hùng chống đối thứ thiệt. Những bẫy, những lưới ấy cũng sẽ thu hút đám người trẻ có tinh thần cách mạng vào trong tầm kiểm soát để theo dõi và tiêu diệt, nếu cần.

Tóm lại, nhờ chiến thuật giải phóng của cô Rice, bạo quyền Iran được cung cấp một đống bản án “phản quốc, nhận tiền làm tay sai cho Satan Mỹ” để cô lập, bôi bẩn hoặc “jailed or even killed” tất cả những địch thủ nguy hiểm của chế độ. Cũng nhờ cô, công an, cảnh sát có ngân khoản để tuyển thêm nhân viên, tăng cường bộ máy đàn áp, đồng thời giăng bẫy, bắt giữ, tiêu diệt những mầm mống chống đối trong tương lai.

Chắc Ngoại trưởng Rice đã làm giới lãnh đạo Iran cười lăn ra. Có thể họ thầm cảm ơn cô vì cô đã hồn nhiên viện trợ một ngân khoản lớn cho ngành an ninh, tình báo Iran. Và cũng vì cô đã cho họ được thấy rõ, được dịp khinh bỉ vô cùng cái tài truyền bá dân chủ của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.


*


Bị thù khinh không tai hại bằng bị bạn giận. Nước Mỹ đang lãnh nhiều cú đấm phục thù của đồng minh Ý, vì triều đình ông Bush đã phạm những lầm lỗi ngoại giao hết sức dị kỳ.

Cũng như Anh, Ý là đồng minh cật ruột của Mỹ. Thủ tướng Ý đã trái ý 70% dân chúng, gửi 3000 quân qua Iraq để chia sẻ gánh nặng chiến tranh với Mỹ.

Ngày 4 tháng 3/2005, binh sĩ Mỹ ở Iraq bắn chết một vị anh hùng của dân tộc Ý: Điệp viên Nicola Calipari, Thiếu tướng quân báo, là nhân vật số 2 ngành tình báo. Ông này có trọng trách giải cứu những công dân Ý bị quân phiến loạn ở Iraq bắt cóc. Tháng chín năm 2004, ông đã cứu được hai cô Simona Toretta và Simona Pari. Trong công tác cuối cùng: giải cứu ký giả Giuliana Sgrena, bị bắt cóc ngày 4 tháng 2, ông cũng hoàn toàn thành công. Nhưng trên đường đưa bà này ra phi trường Baghdad để trở về Ý, ông bị lính Mỹ gác đường bắn vào xe. Ký giả Giuliana Sgrena bị thương. Nicola Calipari lấy thân mình che cho bà, lãnh một viên đạn vào đầu, chết tức khắc.

Anh lính nổ súng khai với điều tra viên: Xe chở Calipari chạy quá nhanh, anh ra hiệu ngừng, nó không ngừng, nên anh bắn vào đầu máy xe cho nó hết chạy. Chẳng may không trúng máy, mà trúng cả ba người ngồi trong xe, làm một chết, hai bị thương.

Quan tài Nicola Calipari về tới Roma được Tổng thống và Thủ tướng Ý đích thân đón đợi. Tổng thống Ý Azeglio Ciampi, đặt tay lên chiếc quan tài phủ quốc kỳ, đứng lặng người hai phút, rồi nói rằng hành động hy sinh quả cảm của con người này xứng đáng với một huy chương vàng cao quí nhất nước. Đức Giáo hoàng gửi lời chia buồn và cũng tặng Nicola Calipari tước hiệu “anh hùng”. Trong tất cả các cầu trường khắp nước Ý, cầu thủ lập tức ngừng chơi, khán giả lập tức ngưng reo hò... những âm thanh ồn ào nhất nước Ý ấy đồng loạt biến mất để dành cho phút mặc niệm tạo sự tĩnh lặng thiêng liêng trên khắp quê hương của người vừa nằm xuống.

Tổng thống Bush hứa với Tổng thống và Thủ tướng Ý sẽ cấp tốc cho điều tra nội vụ. Ý gửi một toán điều tra viên qua Baghdad tăng cường. Sau đó, Ý kết luận: Xe Calipari chạy chậm, khoảng từ 20 đến 30m/h, đường không có bảng quy định tốc độ, và tài xế cũng không thấy hiệu lệnh rõ ràng nào. Anh lính Mỹ đã bắn bậy vì thiếu kinh nghiệm và vì đầu óc quá căng thẳng.

Mỹ kết luận khác hẳn: Xe chạy 50m/h, lính Mỹ ra lệnh ngừng không chịu ngừng. Hành động nổ súng của anh lính hoàn toàn hợp pháp.

Lời kết tội của phái đoàn điều tra Ý thật nhẹ nhàng và giống như lời bào chữa, chỉ đòi hỏi một biện pháp trừng phạt tầm thường như huấn luyện lại cho có thêm kinh nghiệm, bắt anh ta nằm thư giãn ít ngày cho tinh thần bớt căng thẳng, hoảng loạn. Nhưng cấp chỉ huy của anh lính Mỹ vẫn không chịu. Họ nhất định kết luận anh ta chẳng có lỗi gì, không phải chịu một biện pháp kỷ luật nào, hít đất vài chục cái cũng không, cũng khỏi tập bắn lại, bắn đầu máy xe mà trúng tất cả người ngồi trong xe là tác xạ chính xác quá xá rồi.

Tóm lại, theo điều tra viên Mỹ, nước Ý phải hiểu là các nạn nhân chết hay bị thương rất đáng đời, vì không tuân theo luật pháp của quân đội Mỹ ở Iraq.

Luật lưu thông Mỹ đang áp dụng ở Iraq, có vài điều khoản đặc biệt này:

“Di chuyển trên đường phố Iraq mà chạy “quá gần” đoàn xe Mỹ: tử hình cả xe. Thế nào là “quá gần” thì tùy anh lính có “ ngón tay khoái bóp cò” trong đoàn xe Mỹ quyết định.

Chạy nhanh, vượt quá tốc độ hạn định: tử hình cả xe. Hạn định tốc độ không được ghi trên bảng cắm bên đường mà vô hình, nằm sâu trong bộ não của binh sĩ Mỹ ở các trạm kiểm soát. Họ sẽ tùy nghi quyết định ai phạm tội “speeding” và tức khắc thi hành lệnh hành quyết.

Lính Mỹ ra hiệu ngừng mà không ngừng: tử hình cả xe.

Lính Mỹ ra hiệu ngừng, nhưng không thấy nên không ngừng: tử hình cả xe.

Lính Mỹ quên ra hiệu ngừng, sau đó khai đại với điều tra viên là có ra hiệu mà tài xế không ngừng: tử hình cả xe. (Muốn tham khảo để hiểu rõ những điều luật này có thể nghiên cứu thêm bản án dành cho tử tội Nicola Calipari và các đồng lõa.)”

Bộ luật giao thông do Paul Bremer sáng tác, khi đang là quan toàn quyền Iraq, không có những điều này. Các tướng chỉ huy quân đội Mỹ cũng không ban hành, phổ biến, chắc cần giữ riêng làm bí mật quốc phòng. Muốn biết luật lưu thông mới của Iraq mà quân đội Mỹ bắt mọi người phải hiểu ngầm, chỉ có cách quan sát kỹ những vụ xe thường dân Iraq bị lính Mỹ bắn để tìm hiểu, học tập.

Học tập kỹ sẽ thấy luật lưu thông của Mỹ ở Iraq có vài chỗ khác luật lưu thông trong nội địa Hoa kỳ. Ở Mỹ, người bị phạt tội “speeding” có quyền ra tòa kêu oan, xin giảm tiền phạt. “Speeding” ở Iraq không có chuyện ra tòa, và phải “nộp phạt” ngay tại chỗ. Ở Mỹ, trẻ vị thành niên không bị án tử hình. Ở Iraq, con nít hai ba tuổi, hay sơ sinh còn đỏ hỏn mà dại dột nằm, ngồi trong chiếc xe vi phạm luật lưu thông cũng bị xử tử như người lớn.

Điệp viên Calipari thuê lầm anh tài xế không rành luật lưu thông, đã phạm pháp, tất nhiên phải “nộp phạt” như rất nhiều người dân Iraq. Anh lính bắn chết ông ta đã thi hành luật, như ông cảnh sát Mỹ biên giấy phạt vậy thôi. Tướng lãnh Mỹ không gắn huy chương, ban khen anh ta có công tiêu diệt bọn phạm pháp là đã tỏ ra tế nhị, khéo léo quá rồi. Quân đội Mỹ không thể trừng phạt anh ta để chiều theo ý muốn ngang ngược, khó nghe của chính phủ Ý!

Để xát thêm muối ớt vào vết thương của dân tộc Ý, giới chức cao cấp quân đội Mỹ cấm phái đoàn điều tra Ý đi quan sát phạm trường, và yêu cầu họ ký tên vào bản kết quả cuộc điều tra do… Mỹ soạn thảo, nhất trí xác nhận rằng thủ phạm bắn chết Calipari hoàn toàn vô tội.

Đã xót vì mất một sĩ quan ưu tú, lại đau vì đồng minh Mỹ thản nhiên tiếp tục tiểu - đại tiện lên mặt mình, phái đoàn Ý từ chối ký, giận dữ bỏ về.

Tôi nhớ lại vụ Rodney King. Ngày 3-3-1991, anh này lái xe phạm luật, bị cảnh sát Los Angeles đuổi bắt, dùng dùi cui đánh đập tàn nhẫn. Khách qua đường George Holliday thâu hình cảnh ấy, và cả thế giới được coi đi coi lại hàng tháng trời. Nội vụ ra tòa, bồi thẩm đoàn kết luận 4 ông cảnh sát vô tội, tha bổng. Lập tức người da đen trong vùng nổi loạn suốt bốn ngày, để đòi công lý cho Rodney King. Thủy quân lục chiến và Vệ binh quốc gia phải tới tăng cường cho cảnh sát dẹp loạn. Hậu quả của bản án bất công là 55 người chết, hơn hai ngàn bị thương, thiệt hại tài sản khoảng một tỷ đô.

Người ngồi trong Bạch Cung lúc đó là ông Bush bố, một vị Tổng thống không lỗi lạc nhưng nhân ái và khôn ngoan. Lập tức, công tố viên Liên bang được lệnh đem nội vụ ra Tòa án Liên bang xử lại, với tội danh mới cho bốn ông cò: “vi phạm nhân quyền của Rodney King”. Hai cảnh sát viên lãnh án tù. Rodney King sau đó cũng được bồi thường 3.8 triệu. Thế là êm.

Bây giờ dân Ý gặp chuyện oan ức hơn Rodney King, muốn đòi công lý cho vị anh hùng của họ, hướng về tòa Bạch Ốc mong đợi một sự phân xử hợp lý hợp tình, sẽ chỉ gặp hai bộ mặt lạnh lùng, vô cảm của Tổng thống Bush và Ngoại trưởng Rice.

Chính phủ Ý đành tự tay tìm công lý vậy. Ký giả Tracy Wilkinson, trong bài “Italy may charge U.S. soldier” (Nước Ý có thể truy tố anh lính Mỹ) (Los Angeles Time 12.23.05), viết như sau:

“With U.S. officials choosing to take no disciplinary action against the soldiers, Italian prosecutors almost immediately launched a separate investigation. On Thursday, they narrowed their inquiry to the soldier who fired the fatal shots. He was identified in Italian court document as Spc. Mario Lozano of the Army’s New York National Guard.”

(Trước việc giới chức cao cấp Mỹ không đưa ra một biện pháp kỷ luật nào đối với nhóm lính Mỹ, các công tố viên Ý hầu như đã tức khắc tiến hành một cuộc điều tra riêng. Hôm thứ năm, họ đã thu hẹp phạm vi điều tra, tập trung vào anh lính đã nổ phát súng gây án mạng. Trong hồ sơ của tòa án Ý, anh lính được xác nhận tên là Mario Lozano, thuộc lực lượng vệ quốc quân của tiểu bang Nữu Ước.)

Hóa ra chú lính nổ súng bậy không phải thủy quân lục chiến, không phải lính chính quy, chỉ là một vệ quốc quân của bang Nữu Ước. Chú cũng mới qua Iraq được mấy ngày. Điều tra viên Ý nhận xét chú thiếu kinh nghiệm, đầu óc hốt hoảng, căng thẳng, không oan gì. Tướng tá Mỹ nhất định bảo vệ hành động sát nhân của chú có thể vì đã quá quen thuộc với chuyện lính Mỹ nổ súng vào xe cộ, giết thường dân Iraq. Biết bao nhiêu chú lính đã làm thế, có chú nào bị phạt đâu.

Nhưng Ngoại trưởng Rice không được quyền xử sự như tướng tá Mỹ. Một trong những nhiệm vụ của cô là bảo vệ tình hữu nghị với quốc gia đồng minh thân thiết đang gửi dân con qua Iraq chiến đấu hy sinh cho cuộc chiến Mỹ phát khởi. Cô biết chuyện gì đang xảy ra ở Iraq. Chính vì đoàn quân chiếm đóng thất bại trong việc giữ an ninh cho đường phố mà dân Iraq đang phải chịu một cái luật lưu thông quái đản, rùng rợn: lỡ đi gần xe Mỹ bị tử hình, mà vượt tốc độ cũng là tội chết. Cô biết rằng mấy năm nay lính Mỹ không bảo vệ nổi con đường từ Baghdad ra phi trường nên xe cộ di chuyển trên đó phải tăng tốc độ, chạy như ma đuổi, để tránh đạn phục kích. (Quân xa Mỹ qua đó cũng chạy nhanh lắm, đã có binh sĩ chết vì xe lật.) Tài xế xe điệp viên Calipari lỡ có chạy 50 hay 60 dặm một giờ cũng không là chuyện bất thường.

Nhưng tối hôm đó trời mưa, đường trơn, khó chạy nhanh. Trên một trục lộ nguy hiểm như thế, mấy anh lính Mỹ thình lình dựng lên một trạm kiểm soát, trời tối thui, tài xế của Calipari khó thấy, mà thấy thì làm sao biết đám binh sĩ ấy là lính Mỹ hay là loạn quân phục kích để mà tuân lệnh! Chỉ riêng một điều đó thôi, Calipari và gia đình, đất nước ông ta đáng nhận được những lời chia buồn, tạ lỗi từ vị Ngoại trưởng Mỹ.

Nhưng khi nhà báo hỏi ý kiến Bộ Ngoại giao về chuyện Ý truy tố chú lính Mario Lozano, phát ngôn viên của bộ, Sean McCormach, lạnh lùng trả lời: “This was a tragic situation, but as far as we are concerned, the matter is closed.” Vụ ấy bi thảm, nhưng chúng tôi coi như xong, đóng hồ sơ rồi, không quan tâm tới nữa.

Thế là Bộ Ngoại giao theo chân Bộ Quốc phòng, lại tát cho dân tộc Ý thêm một phát. Nghệ thuật giao tế dị thường của cô Rice, trong chớp mắt, đã biến cái tội nhỏ của anh lính Lozano thành một lỗi lớn của chính phủ Hoa Kỳ.

Để bảo vệ danh dự quốc gia, Ý phải tát lại.

Thủ tướng Ý tuyên bố sẽ rút quân. Đầu tháng 2/2007, một vị chánh án Ý ra án lệnh truy tố Mario Lozano về tội sát nhân. Biện lý Franco Ionta cho biết phiên tòa định vào ngày 17 tháng 4/2007 sẽ xử khiếm diện bị can và công tố viện cũng không đòi Mỹ cho dẫn độ anh ta qua Ý hầu tòa.

Nghĩa là phiên tòa có tính cách tượng trưng, chỉ để gián tiếp xét xử sự thiếu lương thiện, bất nhân và kiêu căng vô lối của chính phủ Mỹ.

Nó tố cáo trước thế giới rằng quân đội Mỹ vô kỷ luật, đang bắn giết bừa bãi ở Iraq, cấp chỉ huy quân đội và chính quyền Mỹ đang dung túng, bao che cho những hành động giết người. Nó xác định một chuyện thiên hạ đã ngờ: dân Iraq thường “chết ráng chịu”, không hòng gì được hưởng công lý từ đạo binh chiếm đóng Mỹ. Sĩ quan quân đội đồng minh còn bị giết “vô tội vạ” kia mà.

Cái tát này nhẹ. Cú đấm nặng ngàn cân đến từ lệnh truy nã 22 nhân viên CIA đang hoạt động trên đất Ý, kể cả Robert Seldon Lady, chỉ huy trưởng văn phòng tình báo ở Milan. (Tháng 6 -2006, danh sách tăng thêm 3 nhân viên CIA nữa và một trung tá không quân.)

Biện lý Armando Spataro cho biết nhóm điệp viên này đã bắt cóc tu sĩ Osama Moustafa Hassan Nasr (có tên khác là Abu Omar) trên đường phố tỉnh Milan, ngày 17 tháng 2 năm 2003, rồi đưa qua Ai Cập, nhờ các chuyên viên thẩm cung Ai Cập tra tấn giùm. CIA nghi tu sĩ này là thành viên một tổ chức khủng bố. Công tố viện Ý kết tội hành động của CIA đã phạm luật và nhất là xâm phạm trầm trọng chủ quyền của nước Ý.

Không còn chuyện tượng trưng nữa. Lệnh truy nã được Bộ Tư pháp Ý gửi cho chính phủ Mỹ yêu cầu bắt giữ và giải giao 26 bị can. Mỹ không đáp ứng, lệnh liền được gửi cho 25 quốc gia trong Cộng đồng Âu châu, rồi Văn phòng Cảnh sát quốc tế, yêu cầu tiếp tay tìm bắt các hung phạm.

Có lẽ nhờ giới tình báo Ý báo động trước, văn phòng CIA di tản kịp thời về Mỹ, không ông bà nào bị vồ. Nhưng từ nay, họ sống đời phạm nhân đào tẩu, chỉ có thể hoạt động quanh quẩn trong nội địa. Thò mặt ra ngoại quốc là bị thộp cổ liền.

Khi bắt cóc Abu Omar, CIA được sự góp sức của ít nhất 9 nhân viên tình báo Ý, trong số đó có hai giới chức cao cấp: Marco Mancini, ông trùm ngành phản gián bên Quân báo, và Nicolo Pollari, nhân vật số 1, sếp “chúa” cục Quân báo. Vụ bắt cóc xảy ra tháng 2-2003, được giữ bí mật hoàn toàn hơn một năm rưỡi.

Chỉ sau khi điệp viên Calipari bị giết, rồi chính phủ Mỹ nhất định bao che cho thủ phạm, đổ hết lỗi cho nạn nhân, công khai bỉ mặt nước Ý, vụ này mới được phơi ra ánh sáng.

Hậu quả nhẹ: Tổng thống Mỹ đành bẽn lẽn thú thực rằng CIA có được lệnh tổ chức những nhà tù bí mật ở Âu châu để giam giữ khủng bố. Ông chối phắt những vụ bắt cóc người, gửi đến các quốc gia bạn, nhờ tra tấn giùm. Nhưng các nạn nhân bổ túc ngay chỗ thiếu sót. Nhật báo Ý Corriere della Sera, đăng trích đoạn lá thư 11 trang Abu Omar lén gửi từ nhà tù ở Cairo ra, khai vanh vách chuyện ông ta bị quay điện, đánh đập. Uy tín nước Mỹ sứt mẻ vì nhà lãnh đạo đang chủ trương cho CIA tiến hành những biện pháp tàn bạo, phi nhân, phi đạo đức, và vi phạm luật của những quốc gia văn minh.

Hậu quả nặng: Hệ thống tình báo Mỹ ở Ý hoàn toàn tê liệt. Những điệp viên ưu tú, giàu kinh nghiệm hoạt động ở Âu Châu đều nằm trong danh sách bị truy nã. Giới tình báo Ý tẩy chay CIA vì ông sếp nhỏ Nicola Calipari bị lính Mỹ giết, sếp lớn Nicolo Pollari có cơ đi tù vì lỡ tiếp tay với hành động tội lỗi của CIA. Hệ thống mật báo viên tan vỡ. Tháng 1-2007, tòa án Ý ra lệnh tịch thu luôn ngôi biệt thự riêng của Robert Lady. Thế là ông cựu trùm Xịa vừa bị săn đuổi vừa mất luôn cả đất cắm dùi trên đất Ý.

Vẫn chưa hết tai họa. Đầu năm nay, tòa án Đức truy tố 13 nhân viên CIA vì một vụ bắt cóc tương tự. Rồi một vị Chánh án tòa Thượng thẩm của Tây Ban Nha cũng ra lệnh cho chính phủ nộp tất cả những tài liệu liên quan đến những vụ phi cơ CIA chở tù nhân, có đáp xuống hai hòn đảo Mallorca và Tenerife của Tây Ban Nha, để ông điều tra những hành động phạm pháp của nhân viên tình báo Mỹ. Thêm Thụy Sĩ cũng vừa nhập cuộc.

Lại thêm vài cơ sở tê liệt. Chỉ ít ngày nữa, những con mắt lớn nhất, quan trọng nhất của Mỹ ở Âu châu sẽ bị chọc mù. Vũ khí tình báo cực kỳ quan trọng trong chiến lược chống khủng bố toàn cầu, thế mà trên mặt trận Âu châu, quân ta đang lâm cảnh mắt mù, tai điếc. Đòn thù của đồng minh Ý khiếp quá. Có tổ chức khủng bố nào đánh Mỹ đau đến thế đâu.

Song song với việc phá tan cơ sở tình báo của Mỹ, Ý cũng đã tiến hành vụ rút quân. Cuối năm 2006, không còn sót một binh sĩ Ý nào ở Iraq.

Ông Bush bố tìm công lý cho anh chàng Rodney King hơi chậm, nước Mỹ mất 55 mạng và một tỉ bạc. Ông Bush con và cô Rice quyết liệt không cho một vị anh hùng của dân Ý hưởng công lý, cái giá nước Mỹ phải trả e rằng sẽ không rẻ.

Đắt rẻ mai mốt mới biết, nhưng việc trả giá thì đã diễn ra rồi. Khoảng trống ba ngàn binh sĩ Ý để lại ở Iraq, lính Mỹ tất nhiên đang phải đem xương máu, tính mạng mình ra mà lấp cho đầy.

2-2007
© 2007 talawas



[1]water- boarding: một hình thức tra tấn tù nhân do cựu giám đốc C.I.A Porter J. Goss đề xuất, theo đó: tù nhân bị trói vào môt tấm ván nghiêng, chân bị kéo nhấc lên còn đầu phải chúc xuống. Mặt của tù nhân bị bịt bởi một lớp giấy bóng cellophane và người ta tạt nước liên tục vào chỗ đó, khiến tù nhân có cảm giác như sắp sặc nước chết đuối.