© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
5.3.2007
Xuân Diệu
Những biến hoá của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt
 
Nhà thơ Pháp A-ra-gông (Aragon) có lúc (1943) đã phải cay đắng thốt ra rằng: sao mình lại phải lấy những vần thơ tiếng Pháp để mà nói những cái trại tù đầy của Quốc xã Đức! Tôi xin thú thật rằng: phải mấy lần viết về cái gọi là văn thơ của nhóm phá hoại Nhân văn–Giai phẩm, tôi chẳng lý thú gì; tôi thích dùng tiếng mẹ đẻ để ca hát, nói nỗi lòng tôi rung động với Tổ Quốc, với nhân dân, hơn là để xâu lại một chuỗi dài dơ dáng những thứ thơ xấu xa phản trắc. Nhưng, những Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt… đã cố ý làm xú độc cái không khí văn thơ của ta, nên chúng ta phải quét cho sạch, phải tẩy độc; thực ra, người không thể yên ổn mà làm việc tốt được, khi ma quỷ hãy còn lẩn với người. Nhóm Nhân văn–Giai phẩm có cả một kế hoạch dùng ngòi bút phá hoại ta; chúng ta đã vạch cái chân tướng phản động về chính trị của họ; tuy nhiên, có người còn có thể lầm, cho rằng “sáng tác” của bọn họ còn có cái hay. Tôi hãy lấy thơ Lê Đạt làm một ví dụ để vạch ra cả một hệ thống nghệ thuật thoái hoá, suy đồi, vạch cái cờ gian bạc bịp đã lừa được một số nhỏ người nhẹ dạ trong ba năm nay; thơ Lê Đạt là một hệ thống khá tiêu biểu trong thứ “văn nghệ” Nhân văn–Giai phẩm.

Một cuộc tàng hình

Những kẻ ăn cướp lại cứ muốn đánh trống la làng lên trước; chúng tung khói giả ra làm sương mù, để dễ bề làm ăn. Nhóm phá hoại Nhân văn–Giai phẩm muốn “cao tay”; trong cuộc tranh luận về tập thơ Việt Bắc (1955), họ làm ra bộ rất cách mạng; Hoàng Cầm khinh thơ Tố Hữu là “ít chất sống thực tế”, là “đao to búa lớn”, là “trống rỗng”, là “hồn thơ yếu ớt, chênh vênh”; Lê Đạt lấy tính chất của giai cấp công nhân ra để chê trách thơ Tố Hữu; bọn họ làm như là mình cứng cáp, vững vàng lắm, mới nghe nói Hắt hiu lau xám, Bâng khuâng trong dạ, Bồn chồn bước đi trong bài thơ “Việt Bắc”, đã buộc cho Tố Hữu là gieo rắc cái bùi ngùi, cái buồn! Nhưng trong thực tế ba năm qua, chính họ đã rơi thảm hại vào những điều mà họ nói vu cho người khác! Lê Đạt phất ngọn cờ “Học tập Mai-a-kốp-ski phát huy sức sống mới của thơ ca Việt Nam” [1] đã dám lấy cái giọng của chính nghĩa, hô to: “Chúng ta chưa vạch được bộ mặt đểu cáng của kẻ thù bên trong, chưa lột mặt nạ được những tư tưởng lạc hậu đội lốt cách mạng, chưa lên án chúng”. Vâng, câu này đúng lắm, nhưng nó chỉ đúng cho chúng ta, những nhà văn chân chính và quần chúng cách mạng, trước đợt đấu tranh này, trong những năm 1955, 56 và 57, còn quá đoàn kết một chiều, nhượng bộ hữu khuynh với bọn chống chế độ, là bọn Nhân văn–Giai phẩm, trong đó Lê Đạt là một tay quan trọng. Ấy thế mà Lê Đạt lại dám đánh trống lên! Rõ đúng là: cần phải xem món hàng thật giả thế nào, chứ đừng có nghe chiêu bài quảng cáo!

Tục ngữ nói: Thức lâu mới biết đêm dài… Lấy một Lê Đạt làm ví dụ, theo dõi hành tung trên một chặng dài, ta thấy hiện rõ quá trình của một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn một.

Trong kháng chiến, Lê Đạt cũng công tác, cũng làm thơ, lúc mới Hoà bình, cũng ra tập thơ Thế giới này là của chúng ta gồm những bài thơ làm từ 1950 đến 1955, với nhiều lời ca ngợi chế độ. Những người tinh một chút, xem tập thơ này (12-1955), đã thấy ngờ ngợ và khó chịu: sao mà thơ cứ phều phào, vội vã, làm bằng trí khôn chứ không phải làm bằng tình cảm; - trên đời này, ai còn nhầm được những lời yêu đương chân thực với những lời hẹn thề xoen xoét!

Lớp trước lớp sau
Mồ mả ông cha còn đấy
Từng ngọn cỏ hôm nay nóng rẫy
Những lời gửi gắm hôm qua
Nước chúng ta
Dân chúng ta bất diệt
Sông núi mấy nghìn năm tha thiết
Vẫn thầm thì hai tiếng Việt Nam

Những xóm những làng
Những cây đa cổ thụ
Những bờ tre gốc lúa
Những giếng nước dòng sông
Những câu dân ca như chảy máu lòng…

Kể ra, những lời thơ như trên này, - vào hạng tốt nhất của tập thơ – cũng khó mà bắt bẻ được; nó có đủ cả, đưa cả mồ mả cha ông, người chết người sống, sông núi, tên của Tổ quốc v.v…; nhưng sao nó nói nhanh thế! Nó nói nhiều thế! Vanh vách kể đủ thứ, đưa ra cả một ít máu chảy ở lòng! “Tinh hoa phát tiết ra ngoài”, cái lối chàng Sở Khanh đấm ngực: “Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng!”, lộ liễu phanh phui trên tập thơ. Người ta để ý hơn cả, là Lê Đạt nói rất nhiều đến Đảng; dễ chưa người làm thơ nào lại viết nhiều về Đảng bằng Lê Đạt trong tập thơ này; không phải những người làm thơ khác kém yêu Đảng, nhưng người ta muốn tình nhiều lời ít, nói một cái gì cho thấm, sắc, chân thực, vì Đảng không phải chuyện đưa ra bô bô. Trong bài thơ: “Đảng cứu sống chúng ta”, Lê Đạt reo:

Việt Minh về đây rồi!
Việt Minh về đây rồi…
… Chi bộ kết nạp anh vào Đảng

Trong bài “Người đảng viên”, Lê Đạt nhắc:

Anh im lặng cúi đầu
Anh nhớ ngày vào Đảng…

Và Lê Đạt phất “Ngọn cờ Đảng bay trên đầu phơi phới – Lời thề còn vẳng bên tai”; và Lê Đạt “Mang đất nước trong lòng – Miệng hát bài ca cộng sản”, Lê Đạt “Vần trái đất theo đường đi của Đảng”; và Lê Đạt hùng dũng: “Tuổi trẻ chúng ta – Sống chết đi trên đường cộng sản – đứng đầu ghềnh Cách mạng – hộ vệ cho cuộc đời”; Lê Đạt làm ồn nhiều quá! Mời mọi người“Cùng với chúng tôi – Phất mạnh ngọn cờ của Đảng”, v.v…

Người đọc, ngay cuối năm 1995, đã bắt mạch thơ Lê Đạt và nghi hoặc tự hỏi: - Sao anh này nói nhiều thế? Một bạn thơ, đọc xong tập Thế giới này là của chúng ta, ngay lúc đó đã bảo với tôi: - “Người ta thì khéo tay, còn Lê Đạt thì khéo óc.” Chúng tôi đã cùng nhau cảm thấy một cái gì không thật, một cái gì xoen xoét; và mặc dầu Lê Đạt nói đủ cả, làm thơ về những anh công nhân kháng chiến mùa đông đứng bên máy tiện, về vợ chồng anh làm thuốc đen, mặc dầu Lê Đạt làm thơ về nông dân nhận trâu, nhận ruộng, làm thơ đón bộ đội miền Nam ra tập kết, mặc dầu trong thơ Lê Đạt cũng có những người khóc, những người chết, chúng tôi vẫn không tin. Khi Lê Đạt viết bài: “Chống hoà bình chủ nghĩa”, tôi lại càng ngờ vực. Sao lại huênh hoang đến thế, hình ảnh gì mà lại lố như vậy:

Đường cách mạng còn dài
Nhiều ngã ba, ngã bảy
Không chúng ta đứng đấy
Ai chỉ đường
Cho trái đất quay?…
…Trái đất
Không chúng ta
Ngơ ngác trước mù loà
Chống gậy
bước đi loạng choạng

Chẳng bao lâu, cái thắc mắc của người đọc đã được trả lời. Thế giới này là của chúng ta phát hành tháng 12-1955, thì chỉ hai tháng sau Giai phẩm mùa Xuân ra đời (tháng 2-1956). Đã rõ rệt như ban ngày, tập Giai phẩm mùa Xuân 1956 phất lá cờ đầu tiên chống Đảng, chống chế độ, và Lê Đạt là nhà lý luận trong đó. Lê Đạt mở đầu Giai phẩm với cái tuyên ngôn: “Trích Thơ gửi người yêu”, thì chính Lê Đạt đã in một đoạn “Trích Thơ gửi người yêu” ngay đầu tập Thế giới này là của chúng ta: một cái tuyên ngôn mà dùng chung cho một tập “ca ngợi” chế độ và một tập chống chế độ! Trong “Thơ gửi người yêu” đó, đã lộ mặt cái anh hùng chủ nghĩa đáng tức cười của Lê Đạt:

Một người lực sĩ
Chỉ mang nổi ngàn cân
Anh suốt tháng suốt năm
Mang quả địa cầu trong óc,

đã lộ ra cái khinh người vô căn cứ, tự cho mình là đẻ ra cái thai to quá: “Ăn nằm với cuộc đời – thai nghén đất trời – sinh ra sự sống”, lộ rõ cái nói dóc trắng trợn, rẻ tiền.

Và với bài thơ tuyên ngôn thứ hai: “Mới”, đăng trong Giai phẩm, Lê Đạt đã nhanh như cắt, tự lột toạc vứt xuống đất cái mặt dối trá của mình đã đeo từ trong kháng chiến; Lê Đạt không cần mai phục nữa, tự vạch cái giả vờ của tập thơ cơ hội Thế giới này là của chúng ta, xé nát nó ra, đứng lên trên nó mà giày xéo một cách căm giận:

Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm hại
Khôn ngoan không dám làm người
Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi
Tim chết cứng trong lề thói
Những đêm trắng tấy lên trong dữ dội
Không muốn nhìn mặt mình

Thật là rõ quá! Mấy câu này đã cắt nghĩa cho người đọc hiểu tại sao mà thơ Lê Đạt trước kia cứ nói nhiều đến Đảng, mà lại cứ như nước đổ lá môn, trôi tuột đi! Thôi, từ những bài thơ Giai phẩm này trở đi, Lê Đạt sẽ được là Lê Đạt, sẽ “thành thật” là mình, sẽ sang một chặng đường khác, sẽ đến một chân trời “mới”, say sưa cầm một cán cờ khác, nhất quyết dương lá cờ “mới” đó lên!


Những biến hoá của chủ nghĩa cá nhân tư sản

Lê Đạt đã rít lên tiếng nói từ thâm tâm, từ bản chất của mình ra, nó đích là tiếng đòi “tự do” của chủ nghĩa cá nhân tư sản, nó là ý muốn của tồn tại và phát triển của hệ thống tư tưởng tư sản! Nó không chịu nổi sự chuyên chính của tư tưởng vô sản yêu cầu chủ nghĩa cá nhân phải tự nguyện phục tùng lợi ích của tập thể, phục tùng kỷ luật cách mạng. Nhưng chủ nghĩa cá nhân tư sản ranh mãnh lắm; nó quyết kéo lẽ phải về nó; nó tự xưng nó là đại diện cho “con người”, ai dồn ép nó, tức là xúc phạm con người: Lê Đạt mị dân, kêu to lên: “tôi mới hai mươi lăm tuổi” (1956), hòng tập hợp thanh niên quanh mình, kích những “tuổi hai mươi” lên, nói khích họ, gãi vào cái máu anh hùng chủ nghĩa của tiểu tư sản, cái tính ham mới chuộng lạ của thanh niên. Lê Đạt đưa ra cái tà thuyết rạch đôi các sự vật ra làm hai: hễ cái gì “mới” là cách mạng, hễ cái gì “cũ” là đeo kính vào viện hàn lâm, là mệt mỏi, lối mòn, vết già nua, lề đường han rỉ… Nhưng chúng ta thì đặt tiêu chuẩn một cách khác; có một cái mới căn bản trong thời đại chúng ta: là giai cấp vô sản chiến thắng, là cách mạng xã hội chủ nghĩa; ngoài ra, những sự vật khác, thì chúng ta rạch ra làm hai: những cái gì có lợi cho giai cấp vô sản và chủ nghĩa xã hội là tốt, những cái gì chống lại, là xấu, bậy, phản động. Chứ chúng ta không câu nệ trong vấn đề mới, cũ. Khi chế độ phong kiến và chủ nghĩa đế quốc còn canh ty nhau trị vì trên đất nước ta, thì đi ngược chiều đó, là mới, và cái mới này là tốt. Nhưng khi, trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đời sống dân chủ nhân dân vững mạnh được mười ba, mười bốn năm, và đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà nhóm phá hoại Nhân văn–Giai phẩm lại cho mười ba, mười bốn năm không thay chiều đổi hướng, tức là cũ, là “công thức xỏ dây vào mũi”, thì ta không để yên cho họ đi tìm cái “mới” khác đâu! Chúng ta quyết bảo vệ cái “một chiều xã hội chủ nghĩa” này, và quét tất cả những thứ “mới” của họ vào hố rác!

Lê Đạt, “những đêm trắng tấy lên dữ dội”, đã đẻ ra một quái thai: chủ nghĩa cá nhân phát cuồng, tự phải lòng mình quá đáng, và tự nói phét về mình không chút ngượng mồm. Lê Đạt là một anh hùng quân đội chăng? Một anh hùng lao động chăng? Một thi sĩ đại tài chăng? Anh ta làm một số bài thơ xoàng ca ngợi chế độ, thì anh ta đã lại phủ nhận tất cả rồi. Nhưng Lê Đạt cứ vênh váo, lấy dáng điệu vĩ nhân, thấy bóng đầu mình lù lù quá to trên trang sách nhỏ, “đất nước đêm nay chĩa đầu ngòi bút”, mà ngòi bút thì nặng hàng vạn vần thơ. Ai muốn tìm cảm giác lạ, thì hãy đến xem! Lê Đạt ban ơn ban phước cho đời sống cách mạng này, “moi óc làm thơ, moi tim làm thơ” đến nỗi “từng từng giọt mồ hôi đẫm bản đồ chính sách”, trong khi đó thì đùng một cái, Lê Đạt bất ngờ nổ súng “vào đầu dĩ vãng” làm cho thiên hạ giật mình!

Trong bài “Mỗi ngày mỗi lớn - Gửi Kế hoạch Nhà nước 1956” người ta thấy Lê Đạt gợi lại cái dáng điệu đánh cối xay gió của anh chàng Đông Ky-sốt, nhưng lại không có cái đáng mến của Đông Ky-sốt:

Ta nắm cổ thời gian
Quất cho phi nước đại
Kéo ngày mai gần lại
Thúc vào lưng cuộc đời
Mở máy đến chân trời cộng sản

Chúng ta cũng thấy rõ cái “tôi”, khi nó tự thổi phồng mình, đã hoá ra buồn cười như thế nào, Nhưng, còn hơn thế nữa. Lê Đạt thấy người chung quanh không tin anh ta khi anh ta huếch hoác, thì Lê Đạt chuyển ngay giọng vênh váo ra giọng đau khổ. Làm anh hùng không đắt, Lê Đạt bèn chuyển sang làm tử-vì-đạo trong bài “Cửa hàng Lê Đạt”. Phương pháp nào cũng tốt, miễn là tự đề cao được mình, làm cho thiên hạ chú mắt vào ta! Qua cửa miệng Lê Đạt, cái chủ nghĩa cá nhân tử sản bị dồn ép, cất lên những lời thảm thương, hấp hối; nó tự làm ra vẻ đang bị thương, máu me lênh láng, và nó đau, tức là cả nhân loại đau; nhưng ở miền Bắc này, nó muốn có người nghe, thì nó vẫn cứ phải nói là nó yêu chế độ:

Có những ngày
tôi chỉ còn muốn chết
Nhưng yêu vợ,
yêu thơ,
yêu chế độ
Tôi không thể đi
Và cho dù có nằm sâu dưới mộ
Bất công đè nặng trên đầu
Tôi vẫn gào lên…

Lê Đạt cho mình là người chủ chốt của báo Nhân văn, tham mưu cho cả báo, tự tay sửa chữa nhiều bài đả kích chế độ ta rất cay độc, chính mình vu khống thiên hạ, thế mà lại đập đầu ăn vạ kêu rằng thiên hạ bất công với mình. Cứ một đà ấy, Lê Đạt tự khóc mình rất lâm ly, cho rằng sở dĩ mình khổ đau, là vì mình ôm lấy nghĩa lớn, sự vờ khóc này là một cách rất tinh vi buộc tội vào cho chế độ ta:

Tôi đã sống những ngày dầu dãi
Quên ngủ, quên ăn
Mắt lõm sâu
như huyệt chôn người chết
Tôi đã chịu đau thương
bất công nhọc mệt
Tuổi thơ
làm hại tuổi giời
Mà nhiệm vụ
tôi vẫn làm chưa trọn…

Càng nói càng tự say lấy lời nói của mình, Lê Đạt không chịu đứng dừng ở cái cương vị tử-vì-đạo, mà tham vọng hơn. Cái “bệnh vĩ đại” [2] đang lên cơn sốt cao độ, Lê Đạt thấy như mình là một đấng cứu thế nào đây, tự căng mình lên cái mức vũ trụ:

Vũ trụ ơi
tha cho tôi
Tất cả những gì
thơ tôi chưa làm được
Khi tắt thở
mắt tôi đừng ai vuốt
Còn gì buồn hơn
không được thấy cuộc đời
Bác sĩ ơi
hãy khoét mắt tôi
lắp cho những người cần nó
Để chết rồi
mắt tôi vẫn mở
Vẫn tham gia phục vụ
loài người

Người nào hay mủi lòng và mất cảnh giác thì rất dễ bị lừa với những cách nói “tha thiết” như trên đây. Dưới các chế độ áp bức bóc lột trước, trong văn học và trong cuộc đời, đã có những người mang một thành tâm muốn lấy tất cả nước mắt mình, và nếu cần, lấy tất cả máu mình tưới cho tắt bớt cái ngọn lửa khổ đau đốt thiêu nhân loại; ta rất cảm kích những nỗi chân thành đó, vì trước khi có Đảng của giai cấp vô sản, họ không cầm được một vũ khí nào thực sự có hiệu quả đầy đủ. Một vĩ nhân như Nguyễn Trãi:

Tuổi già, tóc bạc, cái râu bạc,
Nhà ngặt, [3] đèn xanh, con mắt xanh,

âu lo cho cả cuộc đời dưới chế độ phong kiến; Nguyễn Du muốn khóc liền cho ba trăm năm; chúng ta kính cẩn nâng nhận các tấm lòng cứu nhân độ thế như vậy. Nhưng Lê Đạt?

Cuộc đấu tranh hiện nay đã vạch rõ cái mặt dạn dày của Lê Đạt trong nhóm Nhân văn–Giai phẩm, có chủ trương, có kế hoạch phá hoại chế độ ta, trước hết là trên mặt trận tinh thần; chân tướng chính trị của Lê Đạt xấu xa như vậy, mà Lê Đạt cứ ba hoa, khóc lóc đòi cứu thế, thì ai mà không bật cười cho được? Ai mà không tức giận?

Từ mười ba, mười bốn năm nay, tiếp theo Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã công khai lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi vĩ đại, cuộc xây dựng đất nước còn nhiều thành tích lớn, có phải là ở dưới thời Pháp thuộc, còn có người chưa biết Đảng nữa đâu; tại sao Lê Đạt bây giờ còn rướn người lên như Lê Đạt đây dẫn dắt cuộc đời? Tại sao nhân dân quần chúng đã nắm lấy chính quyền của mình qua sự lãnh đạo của Đảng, mà Lê Đạt vẫn không chịu tích cực và cụ thể làm việc, lại cứ rên siết ăn vạ, nếu chẳng phải là Lê Đạt không chịu công nhận cuộc đời mới này mà chúng ta đang xây dựng? Gần đây, Lê Đạt đã thú nhận rằng Lê Đạt đã tự cho chính mình là lương tâm của thời đại, chính mình thông minh hơn Đảng. Trước khi con ễnh ương vỡ bụng, thì đã có lúc nó kêu to ì ộp!

Cùng với Trần Dần, Lê Đạt đã mở sách ra đọc, học đòi Mai-a-kốp-ski một cách lố bịch. Mai-a-kốp-ski là một nhà thơ lớn, cần phải học cái nhiệt tình yêu Đảng, bảo vệ chế độ Xô Viết của ông; mặt khác, theo tôi nghĩ, chúng ta sống sau Mai-a-kốp-ski ba mươi năm, chủ nghĩa cộng sản và những tác phong cách mạng đã có những bước tiến bộ mới; sao cứ nhại cho được “cá tính” của Mai-a-kốp-ski? Mai-a phải đâu là không có những nhược điểm mà chúng ta không nên học? Chẳng qua là Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm lợi dụng Mai-a một cách tội lỗi; Lê Đạt đã xoen xoét ca ngợi được Đảng để rồi phản bội, thì họ có từ một cái gì! “Bệnh vĩ đại” của Lê Đạt quả là to! Sau khi nói đến Mai-a-kốp-ski và Beethoven, Lê Đạt tự vỗ vào ngực: “Thật là an ủi và sung sướng được làm người cùng với những con người như thế”. Chúng ta nói: “Những người như thế làm vinh dự cho con người” [4] . Nhưng Lê Đạt thì lại chỉ muốn làm người cùng với những cỡ như Mai-a và Beethoven thôi, chứ còn với quần chúng bình thường vô danh, thì Lê Đạt không muốn cùng làm người. Bây giờ chúng ta có thể tạm đếm lại những thứ áo mà chủ nghĩa cá nhân ở Lê Đạt đã vơ lấy đắp vào thân: áo chiến sĩ, áo đảng viên, áo anh hùng, áo cứu thế, áo thiên tài…


Còn nhiều biến hoá

Ở đây, tôi không nói lại nữa về trường hợp bài thơ vu khống chế độ ta: bài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” nằm to tướng trên số 1 báo Nhân văn; một bài thơ chính trị phừng phừng một căm thù giai cấp đối với chế độ, mà nhiều người đã vạch ra rồi.

Trong bài “Cửa hàng Lê Đạt”, cái hằn thù giai cấp đó còn bốc lên ác liệt hơn, tinh vi và toàn diện hơn; chủ nghĩa cá nhân tư sản của Lê Đạt, trong bài này, không phải chỉ thương thân tủi phận, mà chính trong lúc đó nó làm như đang hấp hối rẫy chết, cũng là lúc nó hằn học, xỉa xói, dùng nhiều mánh khóe giảo quyệt chống đối chế độ. Những mánh khóe này không ai còn lạ gì. Cái lưỡi Nhân văn sáng tạo ra quay quắt khá nhiều thứ giọng. Thoạt đầu là giọng thách thức, khiêu khích:

Lê Đạt nào?
Chán thơ thẩn rồi sao
mà lại về mở hiệu
Hay vợ đau con yếu
Làm thơ không đủ tiêu
Hay bị phê bình, kiểm thảo
Giờ như chim phải tên
Động thấy cây cong là sợ
Hay thơ tồi
không người tiêu thụ
Phải bán ki lô

Rồi Lê Đạt chặn họng ngay những người nào sẽ phê bình anh ta, gọi họ là “mác-xít thiên binh”, là lang băm chứ không phải ngành y tế. Trước đây, ở tập Thế giới này là của chúng ta, trong khi Lê Đạt mới về thủ đô, đã vội vàng bán văn cho tên lái Minh Đức, viết ngay một tập sách đứng lên làm lãnh tụ giáo dục thanh niên, và khi bị báo Tiền phong vạch ra, thì Lê Đạt cứ ngang nhiên chửi người khác là hoà bình chủ nghĩa, “chết đuối trong đũng quần đàn bà”. Ở “Cửa hàng Lê Đạt”, Lê Đạt đang lừa đảo người ta, Lê Đạt dõng dạc kêu:

Đồng chí ở sở thuế
Hãy phạt nặng bọn lái văn “Mỹ ký” [5]
Chuyên buôn giả tình người

Mới mở “cửa hàng” ra, Lê Đạt đã theo đúng quy luật tư bản chủ nghĩa, rêu rao cạnh tranh: “Bao nhiêu chỗ ngon người ta cắm trước”; đã dèm pha các “hiệu” cũ hai, ba mươi năm; chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng: “Chưa có tiếng tăm – rồi sẽ có tiếng tăm”; ấy thế mà Lê Đạt lại kêu người ta ghen ghét mình:

Dưới mặt trời
thiếu gì chỗ đứng
Mà phải nguýt lườm
Phải huých lẫn nhau

Thật đúng là bọn Nhân văn, lấy sự gian dối làm khuôn, làm phép! Và Lê Đạt doạ Đảng là mình đây có lực lượng, khoe rằng phe cánh của mình đông, có nhiều “nhân tài”; Lê Đạt ra ở riêng, thì nào “Ôm lấy bóng đèn Văn Cao vẽ một con mắt đỏ”, nào “ngoài cửa hàng Trần Dần treo quả tim đồ sộ”, nào “hôm khai trương Hoàng Cầm giọng oanh vàng đất Bắc sẽ đến ngâm thơ”, nào “Phùng Quán Vượt Côn Đảo về”, v.v… bao nhiêu là kẻ “còn tim đòi rung, còn đầu đòi nghĩ”! Và Lê Đạt mị dân, khêu gợi vào đời sống hiện nay còn eo hẹp của cán bộ, làm như chăm sóc cho họ hơn là Đảng và Chính phủ; Lê Đạt lại ca tụng cửa hàng của mình là rộng rãi phóng khoáng, có đủ thứ vui thú cần dùng, “mới về nhiều thứ thuốc chữa liệt tim”; và bao trùm tất cả, vẫn là cái kiêu ngạo bảo thiên hạ “mang thơ tôi làm gậy chống lên đường”. Tất cả bài thơ là giọng lưỡi của một kẻ khiêu khích, khi bù lu bù loa thảm thiết, khi cười sằng sặc, khi trợn mắt tức giận, khi phồng mồm huênh hoang, có doạ dẫm, có van vỉ, tận dụng cái kỹ thuật “tác động tinh thần”.

Có một điểm hay hay, chứng minh cho quy luật trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa, là trong khi Lê Đạt hươi kiếm múa những loại thơ như trên kia, thì Phan Khôi đứng vỗ tay; ông già tỏ ra thích chơi chống bỏi, làm ra bộ “mới” lắm, gần với thanh niên; Lê Đạt tung, thì Phan Khôi hứng: “Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ này cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt; Những kiếp người sống lâu trăm tuổi, - Ỳ như một cái bình vôi…” [6] Thật là vinh dự cho Lê Đạt, được Phan Khôi che tàn!

Trên đây, tôi vạch những cái đội lốt của Lê Đạt, những phương pháp, mánh khóe của một kẻ cờ gian bạc bịp biến hoá lắm trò. Nhưng tôi cần phải nhắc lại, nhấn mạnh vào cái bản chất tư tưởng tư sản, cái bản chất giai cấp tư sản của Lê Đạt; dù biến hoá thế nào, dù có tung ra nhiều bọt nước miếng để giả làm mây, thậm chí giả làm cầu vồng lắm màu, chủ chốt vẫn là một cái lưỡi cày không thay đổi: lập trường tư sản phản động, trước hết chống đối chế độ ta về chính trị. Câu kết trong nhóm Nhân văn–Giai phẩm, Lê Đạt say sưa chống Đảng ta, bản chất tư tưởng của Lê Đạt không dung hoà, không đội trời chung với giai cấp vô sản. Cho nên khi Lê Đạt làm thơ “ca ngợi” chế độ, thì thật là giả tạo ra khắp các lỗ chân lông; đến khi làm thơ đả kích chế độ ta, thì thật là say sưa xuất phát tự đáy lòng, một cái lòng đen tối, bạc ác. Đứng lên lập nhóm Giai phẩm mùa xuân, cùng với Nguyễn Hữu Đang làm bộ óc của báo Nhân văn, đứng làm “nhà lý luận” của bọn chống chế độ, Lê Đạt là một tay cổ vũ trong bọn đó, bởi “nhiệt tình” chống Đảng sâu sắc của mình. Sau khi báo Nhân văn bị cấm, Lê Đạt liên lạc, câu kết với Thụy An, Lê Đạt đóng vai trò quan trọng trong việc lũng đoạn Hội Nhà văn, Lê Đạt tích cực dùng ngòi bút viết lối văn hai mặt; Lê Đạt luôn luôn giữ một cương vị đứng chủ trường phái; mãi đến trong lớp học văn nghệ lần thứ hai (tháng 3 và 4-1958) vẫn còn tìm cách quay quắt. Cho nên, xét Lê Đạt, ta phải nhìn thấy cho hết, rằng Lê Đạt chống đối ta, phá hoại ta từ trong bản chất giai cấp thù địch.


Rơi trên ghế đá

Trong thời gian qua, Nhân văn–Giai phẩm tung ra một tập tục mà một số bạn trẻ nhẹ dạ cũng bắt chước, là: làm thơ về sự làm thơ, tự tán dương mình là thi sĩ thế này thế nọ, một cuộc “tự cho mình đi tàu bay”! Hồ Chủ tịch, trong Đại hội Văn nghệ lần thứ hai, có khuyên văn nghệ sĩ lấy đức tính khiêm tốn làm đầu. Nhóm Nhân văn–Giai phẩm thì thực hiện một cái đạo đức hoàn toàn ngược lại: nói khoác, kiêu ngạo càng nhiều càng hay! Lê Đạt cùng với Trần Dần, là hai người dùng ngực mình làm phèng phèng hăng nhất: theo sau, Phùng Quán cũng tự thổi kèn về mình. Họ thuyết rất nhiều về bản thân thi sĩ siêu nhân của họ, về thơ của họ làm lớn con người. Trần Dần nói: “Tôi đứng mênh mông chỉ mặt ngài Ngô”, nhưng thực chất, Trần Dần có chỉ mặt ngài Ngô đâu! Chỉ thấy anh ta “đứng mênh mông” như một cái bong bóng to bằng quả đất. Lê Đạt đòi Đảng điều động anh “vào bộ tâm hồn quần chúng”, trong khi Lê Đạt thực tế làm y hệt những công việc “tác động tinh thần”. Cái núi giả chuyển bụng ầm ỹ và đẻ ra một con chuột chù.

Nếu Bài thơ trên ghế đá chỉ là một tâm trạng bi quan, dao động, thì chúng ta phê bình giúp đỡ, coi như cái bệnh thường mắc phải của người tiểu tư sản sợ thực tế. Nhưng tập thơ này là cả một hệ thống có ý thức phá hoại tinh thần từ đầu chí cuối. Chúng ta thấy, với cái chế độ chính nghĩa, nhân đạo của ta, biết bao nhiêu người xưa kia trộm cướp đã bỏ tà qui chính, những gái điếm cũng kiếm nghề lao động, những kẻ trước đây cờ gian bạc lận cũng tự mình làm ăn lương thiện: sống trong chế độ ta, họ không chịu giở những ngón lừa dối mà họ đã dùng với chế độ cũ. Lê Đạt thì trái lại; anh ta vẫn cứ “đầu thai nhầm chế độ”; giữa nền văn học cách mạng của ta, cứ làm hệt như dưới thời Pháp thuộc, coi cách mạng chưa hề có, xã hội chưa hề thay đổi; cố tình tiêu tiền chế độ cũ trong chế độ mới của ta: rõ ràng là Lê Đạt ngang nhiên gian lận!

Ví dụ bài “Đu”. Trong thời Pháp thuộc, nếu có đôi trai gái nào đang đánh đu, nghĩ rằng giá hai người bay bổng luôn trên trời, thì đó có thể là một ý ngộ nghĩnh [7] , tìm một giải thoát tiêu cực. Nhưng giữa miền Bắc nước ta hiện nay, Lê Đạt đánh đu bay tuốt như thế, dụng ý gì? Lại còn bảo rằng sẽ hoá hiện thành hai ngôi sao mới không có trong sách thiên văn. Đó là một sự khiêu khích!

Người ta ai cũng có lúc buồn; buồn mà bao hàm một ý muốn cố vươn lên, thì lại có ý nghĩa giáo dục. Nhưng cái buồn thảm, cái mòn mỏi trong Bài thơ ghế đá là một cuộc đánh tiêu hao vào nghị lực, vào tin tưởng. Chủ nghĩa nhân văn cộng sản của ta là một chủ nghĩa nhân văn cao nhất, bởi nó ca ngợi hàng triệu triệu những con người trung bình, đặt vinh quang vào những công việc vô danh, những phấn đấu hàng ngày; chúng ta rất hiểu cái bếp nước của cuộc đời cách mạng, giải quyết những cái mắm muối nhất, rau dưa nhất, mà không coi thế là tủn mủn. Chúng ta là những người làm ăn rất cụ thể, chúng ta không sợ những đống tã của cuộc sống, của tình yêu, của gia đình! Người nào muốn lớn, thì phải tổ chức được, cải tạo, chiến thắng được những cái nhỏ đó! Nhưng Lê Đạt thì đưa đống tã ra mà doạ thiên hạ: “Chết đuối trong những lo toan nhỏ nhặt”, “Một củ dưa hành một chai nước mắm – Cái soong cái chảo tính cộng trừ - Chắp nối cho vừa khít hai đầu tháng”, “Nhiều dự định sa lầy trong đống tã”, “tình yêu bị những cái hàng ngày bóp cổ”. (Bài “Gia đình”). Nếu không có cái đời sống bình thường hàng ngày, thì hôm nào cũng đẻ ra trái đất như Lê Đạt chăng? Cái vấn đề là phải nâng đời sống hàng ngày ấy lên, bằng tăng hiệu suất lao động, bắng sắp xếp hợp lý những việc trong nhà, bằng giáo dục một phương pháp tư tưởng, một nhân sinh quan độ lượng, phóng khoáng, bằng cách chữa cái tính eo sèo tẹp nhẹp tiểu tư sản, nghĩa là bằng phấn đấu cụ thể hằng ngày; chứ không phải chết khiếp trước củ dưa hành, hay chai nước mắm. Vì những người như nhóm Nhân văn–Giai phẩm thì có con đường bán hồn cho giai cấp tư sản, đi tìm say sưa giải thoát ở các tiệm trà, tiệm rượu, ở quanh bàn đèn thuốc phiện; chứ nhân dân lao động bình thường, bảo họ vứt đời sống thường ngày khiêm tốn của họ, thì họ đi tìm xa hoa, lộng lẫy ở đâu? Đời sống của họ tuy còn eo hẹp, khó khăn, nhưng chính bàn tay họ sẽ dần dần tự cải thiện, còn đẹp đẽ gấp mấy nghìn lần cái máu tham, cái bệnh khát vàng của giai cấp tư sản! Lê Đạt kêu rêu như vậy, dụng ý gì? Những bài thơ xông thẳng vào những cái đau khổ mà nói, mà phấn đấu, chúng ta rất yêu, và đòi hỏi có nhiều thơ thể hiện ở mức cao như vậy. Nhưng Lê Đạt đưa những xót xa đau đớn ra và cho nó thắng trận, bắt chị chỉ huy du kích dũng cảm trong kháng chiến, bây giờ lấy chồng rồi, thì “len lét cúi nhìn xuống đất”, “chồng đánh chửi như cơm bữa”; bắt một chị phụ nữ sau một năm lấy chồng không hợp, không thể nào yêu chồng được nữa, mà không dám ly dị, “mỗi ngày qua là mỗi ngày tự tử - bóng tối trùm lên như nấm mộ - nghe hơi sống trên người lạnh đầu”, dựng lên những người đầu hàng, chết đứng như vậy. Lê Đạt đưa người ta vào con đường tuyệt lộ, tắc tỵ: hai người yêu nhau mà không nói, mỗi người lấy vợ, lấy chồng, có con, Lê Đạt bắt một người chết đi, để cho người kia đến thăm mộ mới nói được mối tình! Chủ nghĩa cá nhân tư sản miệng thì hùng hổ cho mình là ghê gớm, vĩ nhân, óc khỏe hơn tất cả những người lực sĩ mang nặng, khai lối mở đường cho loài người, nhưng trong ruột chỉ có sự trống rỗng, sự nhát hèn, chỉ cần bị một mỗi kim chích cho, là quả bong bóng nằm bẹp dí thảm hại. Lê Đạt đã lộ hết cái cốt yếu hèn của mình, trong thơ chỉ doạ chết với lăm le: “Cổ họng mơ lưỡi dao ngọt sắc”. Hơi tử khí xông lên. Trong bài “Biển với người”, tưởng rằng con người lướt gió cưỡi sóng ra sao, té ra: Biển gặp người trên con tàu, thì cho gọi gió về, và tung sóng lên “bắt người về với biển”:

Xác chết không còn tình
Biển lạnh càng thêm lạnh

Tư tưởng của những giai cấp bóc lột, khi bị quần chúng dồn vào chân tường, thì một là phá hoại điên cuồng, hai là tìm cái chết trong những khoái lạc cuối cùng. Bài thơ trên ghế đá đầy một điệu hưởng lạc, chết lịm trong tình yêu. Cái con người đòi vần trái đất theo con đường cộng sản ấy, đưa ra cái hình ảnh Trình Giảo Kim xưa “mỗi lần ngửi hơi đất mẹ, lại thấy gấp muôn lần khỏe”, tưởng anh ta sẽ ví với người cán bộ mỗi khi hoà mình vào quần chúng, lại thấy sức lực hồi lại nghìn lần; đó là bài học cổ điển của người cộng sản; nhưng không! Cái “đất mẹ” của Lê Đạt không phải là nhân dân mà chỉ là “em”, em tiếp hơi cháy bỏng cho! Lê Đạt đã từng đề ra một châm ngôn [8] : “Ăn như tư sản – Sống như Lão, Trang – Viết như vô sản”. Ăn thật khoái mồm, sống thật bàng quan, và viết thật cách mạng. Đó là tâm lý con buôn trắng trợn, giành lấy phần sướng, phần lợi nhất trong mọi lĩnh vực. Kiểu tìm cái sướng của Lê Đạt là lối hưởng lạc trối già, trối già không phải của tuổi tác, mà trối già của những giai cấp rẫy chết, bị lịch sử lên án. Trong bản thảo đánh máy của Bài thơ trên ghế đá đưa nhà xuất bản Hội Nhà văn, có bài thơ “Trong hầm bí mật” về sau không in vào sách, rất tiêu biểu cho cái triết lý “máu, sướng và chết” của Lê Đạt. Lê Đạt bày ra một cảnh đôi trai gái gặp nhau trong hầm bí mật, trong khi tiếng cuốc của giặc phá hầm rào rào trên đầu. Trước cái nguy cơ đó, đáng lẽ người ta chuẩn bị một mất một còn với giặc; nhưng Lê Đạt thì lại cho hai người ôm ghì lấy nhau, lấy cái chết ở trên đầu làm một cái kích thích bệnh hoạn!

Lê Đạt vẽ ra một cán bộ xa vợ lâu ngày, đêm nằm hầm bí mật, nghĩ đến vợ, “Quên mặt, sợ mơ nhầm người khác”. Một câu thơ lộ hết cái mặt gian xảo của Lê Đạt. Những hình ảnh Lê Đạt đưa ra cũng làm người ta ghê rợn; không còn một chút trang trọng tối thiểu đối với cơ thể người phụ nữ: “Con cái sắp hàng dưới vú”, “Gầy guộc vú dài theo kháng chiến”. Đó là tôi chưa nói Lê Đạt lố bịch về phương diện thẩm mỹ, ví dụ:

Như có cô văn công nào
múa nhảy
trong lòng

Khi người ta nói: có một con chim hót ở trong lòng, thì hình ảnh xinh và hợp; trái tim, tấm lòng chỉ vừa đựng một con chim bay bổng nhẹ nhàng. Chứ còn cái tấm lòng của Lê Đạt, mà có cả một cô văn công múa nhảy ở trong, thì có hoạ là sân khấu Nhà hát nhân dân!

Bài thơ trên ghế đá còn có dã tâm gì nữa? Có dã tâm đả kích Đảng. Cho Đảng là phao phí nhân tài (“Con búp bê”, “Tình người”); ví Đảng như một anh thợ cầu già chưa vợ, bắc rất nhiều cầu, xây dựng kinh tế được nhiều đấy, nhưng “chưa bắc qua được một lòng người”. Hàng triệu lòng người đã nhờ Đảng mà tái sinh, yêu Đảng sâu sắc; nhưng cố nhiên lòng của bọn Nhân văn–Giai phẩm thì chỉ có giai cấp tư sản phản động mới bắc được cầu.

Đọc tập thơ này, ta chỉ có thể nói là: y hệt như công việc “tác động tinh thần” của địch. Rơi thảm hại xuống như thế.


Một bài học

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, dưới sự lũng đoạn của Hoàng Cầm, in tập thơ Ghế đá, chúng ta không lạ. Nhưng một luồng thơ xấu như thơ Lê Đạt, bị công chúng căm về nội dung, ghét về hình thức, mà tại sao vẫn còn một nhóm người thưa thớt nào đó ra vẻ ưa thích? Điều này cũng dễ hiểu thôi. Đây là một vấn đề giai cấp xã hội, vấn đề hệ loại tư tưởng. Một anh cán bộ văn hoá đã bộc lộ rằng khi anh đọc thơ Lê Đạt cho một số thanh niên cao bồi ở Hà Nội, thì họ mới nghe thoáng qua, chưa hiểu rõ từng câu, họ đã thích ngay. Cái màu cá nhân anh hùng rẻ tiền, càn quấy ngổ ngáo của cao bồi đã gặp Lê Đạt là phát ngôn nhân của họ. Thơ Lê Đạt rất nhiều “cá tính”, thích đập phá vô chính phủ, bán trời không văn tự, chống đối lập trường và kỷ luật xã hội chủ nghĩa, thì nhất định là được cao bồi, những sản phẩm còn rớt lại của văn hoá Mỹ, đồng thanh tương ứng. Một sinh viên khi kiểm điểm mình đã bị nọc độc Nhân văn, cũng nói: “… Lê Đạt mới thật là ‘nhà thơ của mọi thời đại’. Nhìn anh tôi thấy thích thích. Râu ria tua tủa không thèm biết cái lưỡi dao bào, áo quần xốc xếch như tôi, như tất cả những người còn bận tâm vì lý tưởng, nói ba hoa, cười hơ hớ. Đúng là dáng dấp của một nhà thơ”. Nhưng Lê Đạt và nhóm phá hoại Nhân văn–Giai phẩm không dựa được trên chân lý, trên chính nghĩa; cái cơ sở giai cấp mà họ đưa vào cũng đang phân hoá; những cao bồi đã học tập ba nên hai chống; một số ít sinh viên lầm lạc sau khi học tập cải tạo chính trị, đã tỉnh ngộ; các văn nghệ sĩ vạch chân tướng của bọn phá hoại. Văn nghệ là nơi đòi hỏi sự chân thật hơn ở đâu hết, một chút giả dối nào chóng chầy cũng tòi ra. Những con người như Lê Đạt không thể kiếm chác lâu, lừa bịp lâu được.

Lấy một Lê Đạt ra làm ví dụ của thứ “văn nghệ” Nhân văn–Giai phẩm, chúng ta đã rút một bài học cảnh giác với chủ nghĩa cá nhân tư sản có nhiều biến hoá mưu mánh. Rút kinh nghiệm cuộc đấu tranh này, chúng ta sẽ vạch tính cách giai cấp phản động của nó, bất cứ nó lẩn lút ở đâu; chúng ta cần tiếp tục quét tan chủ nghĩa xét lại và tư tưởng của nhóm phá hoại Nhân văn–Giai phẩm để xây dựng nền văn học cách mạng.

5-58



[1]Tuần báo Văn nghệ số 69 và 70 (tháng 4 và 5-1955)
[2]Tiếng Pháp có chữ délire de grandeur, một thứ bệnh tâm lý thích tự cho mình là lớn lao vĩ đại, ví dụ: tưởng mình là Nã Phá Luân, v.v…
[3]Ngặt: nghèo ngặt.
[4]“Tựa” tập thơ dịch Mai-a-kốp-ski (Nhà xuất bản Hội Nhà văn)
[5]Mỹ ký: là một hiệu ở Hà Nội, làm hàng mạ vàng, mạ bạc rất khéo, y như thật.
[6]Bài “Ông bình vôi” của Phan Khôi (Giai phẩm mùa Thu tập II)
[7]Nguyên văn chính tả: ngộ nhĩnh. Chúng tôi cho rằng văn bản gốc có thể có lỗi in ấn (talawas).
[8]Nguyên văn: trâm ngôn. Chúng tôi cho rằng văn bản gốc có thể có lỗi in ấn (talawas).

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 13, tháng 6 năm 1958, trang 33-45. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.