© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
12.3.2007
Hoàng Ngọc-Tuấn
Vài suy nghĩ về “cây thơ” Thanh Tâm Tuyền trên sân Văn Miếu
 
Đọc bài "Những cây thơ ở sân thơ trẻ, Văn Miếu, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ V" (talawas.org, 5.3.2007), óc tò mò của tôi được khêu gợi bởi những lời giới thiệu của talawas:

Năm nay, ý tưởng "cây thơ" được phát triển hoành tráng và hoàn chỉnh, tạo thành một cảnh tượng thu hút đông đảo người đến dự Ngày Thơ Việt Nam lần V [...]. Khá nhiều bất ngờ ở vẻ "ít chính thống" của những gương mặt được chọn (trong đó có cả Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ Sài Gòn trước 1975, người không thể nào lọt vào các tuyển tập thơ Việt Nam trong nước, ngay cả tuyển mới nhất vừa công bố trong Đêm Thơ Nguyên tiêu là tuyển 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hoá Doanh nhân chủ trương, NXB Giáo dục ấn hành), hay trong lời lẽ của người viết giới thiệu.

Tôi bấm vào “Cây thơ” Thanh Tâm Tuyền, đọc, và phát hiện một vài điều mà tôi nghĩ tôi cần phải nêu ra đây để mọi người cùng xem xét và suy gẫm.


*


“Cây thơ” Thanh Tâm Tuyền do Phan Huyền Thư viết, và cô đã ký tên đến 2 lần trên bài viết (1 lần ở đầu bài, 1 lần ở cuối bài). Dưới cái nhan đề THANH TÂM TUYỀN – “Ta hai mươi tuổi như nhân loại”, trước hết là một vài đoạn văn ngắn giới thiệu tiểu sử của Thanh Tâm Tuyền:

Sinh ngày 13.3.1936 tại Vinh, ngay từ 16 tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã đi dạy học tại Hà Đông và viết truyện đăng trên báo Thanh Niên tại Hà Nội.

18 tuổi, ông đã hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội, chủ trương nguyệt san Lửa Việt, rồi vào Nam. Tại Sài Gòn, ông làm cho các báo Dân Chủ, Người Việt và tham gia trong ban biên tập tạp chí Sáng Tạo.

26 tuổi, ông bị động viên vào quân lực Việt Nam Cộng Hòa với công tác huấn luyện văn hóa. Sau 1975 Thanh Tâm Tuyền sang định cư tại Hoa Kỳ.

Tôi phát hiện ngay rằng Phan Huyền Thư đã lược thuật thông tin từ bài "Dòng thơ văn Thanh Tâm Tuyền" do Đặng Tiến viết ngày 1 tháng 4 năm 2006. Cô lược thuật tiểu sử Thanh Tâm Tuyền cho ngắn gọn thì cũng được, nhưng tôi không khỏi nhíu mày khi thấy cô đã cắt bỏ 7 năm Thanh Tâm Tuyền bị bắt đi học tập cải tạo (1975-1982), và xoá mất khoảng thời gian hơn 15 năm Thanh Tâm Tuyền còn ở Việt Nam, từ 1975 đến đầu thập niên 90, trước khi nhà thơ sang định cư tại Mỹ.

Đặng Tiến đã giới thiệu tiểu sử của Thanh Tâm Tuyền như thế này:

Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư văn Tâm, sinh ngày 13 (có nơi ghi 15) tháng 3 năm 1936, tại Vinh, Nghệ An. Học hết trung học tại Hà Nội. Trong bài “Thơ mừng năm tuổi”, làm năm Nhâm Tý 1972, ông đã kể chi tiết tiểu sử. Từ 1952, ông đã đi dạy học, trường Minh Tân, Hà Đông và có truyện đăng báo Thanh Niên, Hà Nội.

1954 vào Nam, hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội di cư, cùng với những người sẽ trở thành bạn văn nghệ về sau: Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, cùng chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Tại Sài Gòn, 1955, ông viết cho các tuần báo Hoà Bình, Dân Chủ, Người Việt và nổi tiếng từ những tác phẩm đầu tay, tập thơ Tôi không còn cô độc, 1956, và truyện Bếp lửa, 1957. Thời điểm này, ông tích cực tham gia biên tập báo Sáng Tạo (1956-1959) do Mai Thảo đứng tên, và ông thường được xếp vào “nhóm” Sáng Tạo, có ảnh hưởng lớn trên văn học miền Nam suốt một thập niên. Ngoài nhật báo Tiền Tuyến của quân đội, ông viêt thường xuyên cho nhiều tạp chí văn học, như Văn, Bách Khoa, Vấn Đề.

1962, bị động viên vào Trường Sĩ quan Thủ Đức, được giải ngũ, rồi tái ngũ trong Quân lực Việt Nam Cộng hoà, phụ trách chủ yếu việc huấn luyện văn hoá, và làm báo quân đội, “tám năm quân ngũ chưa nổ một phát súng với địch” (1972), cấp bực cuối cùng là đại uý. Sau 1975, bị bắt đi học tập, trong 7 năm, tại nhiều trại cải tạo từ miền Nam ra miền Bắc. Cuổi cùng sang định cư tại Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1990. Ông qua đời vì ung thư phổi, tại nơi cư ngụ.



*


Sau phần giới thiệu tiểu sử của Thanh Tâm Tuyền, Phan Huyền Thư bắt đầu đưa ra những câu nhận định của cô về nhà thơ. Tuy nhiên, tất cả những câu nhận định ấy hầu như hoàn toàn giống từng chữ với những câu nhận định của Đặng Tiến. Tôi xin xếp song song từng đoạn văn để độc giả tiện đối chiếu:

Đặng Tiến:

Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học miền Nam, trước 1975, và góp phần tạo nên một khúc quành cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20. Ông đã làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam. Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp lửa.

Phan Huyền Thư:

Từ những năm 20-30 tuổi, ông đã là một tác gia làm mới nền văn học miền Nam trước 1975, và các tác phẩm của ông đã tạo nên một lối rẽ cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ XX, bằng cách làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam.

(Phan Huyền Thư chép nguyên văn, nhưng bỏ bớt việc làm mới văn xuôi của Thanh Tâm Tuyền.)


*


Đặng Tiến:

Ông du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn nhà thơ lúc trước. Ảnh hưởng phương Tây do đó có tính cách trực tiếp, tự do và sáng tạo. Ngược lại, ông có khả năng thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật: Thơ, Văn, Nhạc, Hoạ, như ở các nước phương Tây.

Phan Huyền Thư:

Thanh Tâm Tuyền du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn nhà thơ lúc trước. Ảnh hưởng đó có tính cách trực tiếp, tự do và sáng tạo, thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật: Thơ, Văn, Nhạc, Hoạ, như ở các nước phương Tây.

(Phan Huyền Thư chép nguyên văn.)


*


Đặng Tiến:

Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật. Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo.

Trong bài "Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền qua đời", Đặng Tiến cũng đã viết:

Ông là một gương mẫu của trí thức giữa một thời đại nghiệt ngã, đầy những biến động tàn nhẫn.

Phan Huyền Thư:

Chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật. Thanh Tâm Tuyền có sự sâu sắc, tài hoa và nghiêm túc của trí thức - nhất là trí thức trẻ - giữa một thời đại nghiệt ngã, đầy những biến động tàn nhẫn.

(Phan Huyền Thư chép nguyên văn, nhưng xoá đi sự uyên bác, tư cách và tiết tháo của Thanh Tâm Tuyền.)


*


Sau đó, để kết luận bài giới thiệu Thanh Tâm Tuyền, Phan Huyền Thư viết:

Từ khi sang Mỹ, ông không làm thơ nữa. Ông làm đúng như một câu ông nói năm 1975: tôi là người làm thơ Việt Nam, tôi ở với xứ sở của tôi.

Tiếc thay, câu này lại là câu của Bùi Bảo Trúc. Trong bài tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền, Bùi Bảo Trúc viết:

Từ khi sang Mỹ, ông không làm thơ nữa. Ông làm đúng như một câu ông nói năm 1975: tôi là người làm thơ Việt Nam, tôi ở với xứ sở của tôi.

Ông ở lại, trải qua nhiều năm tù, bị bắt giam nhiều lần. Khi không còn ở được với cái xứ sở ấy, ông không viết nữa.

Sự từ bỏ thơ của ông rất là thi sĩ, cũng hệt như khi ông đến với thơ lần đầu...

...Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời...

Tôi không biết Bùi Bảo Trúc dựa trên tài liệu nào để ghi lại câu nói này của Thanh Tâm Tuyền. Tôi thắc mắc liệu có thật rằng Thanh Tâm Tuyền đã nói riêng với Bùi Bảo Trúc điều ấy trong những ngày Sài Gòn sắp thất thủ và nhiều người đang băn khoăn với câu hỏi “có nên bỏ xứ sở ra đi hay không?”.Thế nhưng, trong cuốn Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà (Montréal: Tủ sách Nghiên Cứu Sử Địa, 1979), Nguyễn Khắc Ngữ có ghi rằng Bùi Bảo Trúc, với chức vụ Trưởng Cơ Quan Thông Tin Quốc Ngoại, đã đi công tác ở nước ngoài trước khi bộ đội Bắc Việt bắt đầu tấn công vào miền Nam. Và trong những ngày Sài Gòn sắp thất thủ, Bùi Bảo Trúc đã chạy sang Canada, chứ không hề trở lại Việt Nam!

Cũng có thể Thanh Tâm Tuyền đã nói câu này với một người khác, và Bùi Bảo Trúc được nghe kể lại. Tuy nhiên, cái sai lầm của Bùi Bảo Trúc là ở chỗ ông dám khẳng định rằng từ khi sang Mỹ, Thanh Tâm Tuyền “không làm thơ nữa”. Có lẽ ông không thật sự lưu tâm đến thơ, không tìm đọc, nên không hề biết rằng Thanh Tâm Tuyền từ khi sang Mỹ vẫn làm thơ. Có thể ít hơn trước, nhưng vẫn làm. Trong mười mấy năm qua, thỉnh thoảng tôi lại đọc được một bài thơ mới của Thanh Tâm Tuyền trên những tạp chí văn học Việt Nam xuất bản ở Mỹ. Tôi vừa trao đổi với Nguyễn Hưng Quốc về điều này, thì anh nói rằng anh cũng đã đọc được một số thơ Thanh Tâm Tuyền viết ở Mỹ. Chúng tôi vừa đăng lại vài bài trên trang Tiền Vệ, mời độc giả vào xem.

Tôi đoán có lẽ Bùi Bảo Trúc chỉ muốn lãng mạn hoá hình ảnh Thanh Tâm Tuyền khi nhà thơ vừa qua đời. Thế nhưng, khi câu văn sai sự thật của Bùi Bảo Trúc được “nhặt” vào để làm câu kết luận cho bài giới thiệu Thanh Tâm Tuyền trong Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu (03.03.2007), thì khán giả có thể đọc ra một ý nghĩa khác, rất phù hợp với chiến dịch kiều vận “khúc ruột ngàn dặm”!


*


Ở đây, tôi không muốn đưa ra bất cứ lời phán xét nào về công việc ấy của Phan Huyền Thư. Tôi chỉ ghi lại một loạt câu hỏi lan man nẩy sinh trong óc tôi:

Tại sao Phan Huyền Thư không tự viết ra những suy nghĩ của mình về Thanh Tâm Tuyền, người đã “ảnh hưởng” đến cô, đã “dắt dẫn” cô “đến với văn chương” (như cô đã phát biểu trước báo chí)? Suy nghĩ của cô, dù có thiếu sâu sắc đi nữa, vẫn đáng quý, vì đó là tấm lòng chân thành của cô đối với nhà thơ quá cố, phải thế không? Nếu cô không đủ tự tin để đưa ra lời nhận định của mình về Thanh Tâm Tuyền, thì cô có thể trích lại lời của người khác (dù số lượng văn trích chiếm gần như toàn bài!), nhưng đã làm thế, tại sao cô lại không ghi xuất xứ? Có phải cô không muốn, hay không dám, công khai ghi tên các nhà văn Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc vào cây thơ? Nếu cô ghi “trích Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc”, thì cô có bị ai khiển trách không? Có ai cấm cô ghi ra như thế không? Có phải nhà nước cho phép nhắc đến tên những nhà văn, nhà thơ “Việt kiều” đã chết, và nghiêm cấm việc nhắc đến tên những nhà thơ, nhà văn “Việt kiều” còn đang sống ở nước ngoài? Có phải cô đem Thanh Tâm Tuyền ra làm “cây thơ” là để được tiếng độc đáo? Hay cô dùng Thanh Tâm Tuyền như một chút son phấn để tô điểm cho chính sách “cởi mở” và chiến dịch kiều vận của chính quyền? Tại sao cô phải cắt bỏ những năm tháng tù đày trong tiểu sử của nhà thơ? Cô không dám hay không muốn công nhận sự uyên bác, tư cách và tiết tháo của nhà thơ? Nếu cô giữ nguyên những điều đó trong bài giới thiệu thì cô có bị phiền hà gì không, hay có ai cảm thấy khó chịu không? Cô tự ý làm thế, hay có người đã bảo cô phải làm thế?

“Cây thơ Thanh Tâm Tuyền” có ý nghĩa gì, khi tiểu sử của nhà thơ bị cắt xén, bóp méo? Khi những phẩm tính đẹp đẽ của nhà thơ bị gọt bỏ? Khi người đứng ra giới thiệu nhà thơ lại không nói từ ý nghĩ của chính mình, mà “nhặt” những câu nói từ những người mà chính mình không muốn hay không dám công khai thừa nhận? Khi nhà thơ bị sử dụng như son phấn để trang điểm tạm bợ cho một đường lối chính trị mà suốt đời nhà thơ đã không hề thoả hiệp?

Và, cuối cùng, điều này có ý nghĩa gì: nhà thơ Thanh Tâm Tuyền — một tác gia làm mới nền văn học miền Nam trước 1975, và các tác phẩm của ông đã tạo nên một lối rẽ cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ XX, bằng cách làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam — khi từ trần, cách đây gần đúng một năm (22.03.2006), đã không hề được bất cứ ai và bất cứ một tờ báo nào ở Việt Nam nhắc đến, nay lại được/bị đem ra giới thiệu trên một tấm poster ngoài sân Văn Miếu, qua vài hàng chữ vay mượn theo lối chắp vá và cắt xén như thế, chỉ trong một ngày thôi, rồi bị gỡ xuống, vất đi...?

11.03.2007

© 2007 talawas