© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
12.3.2007
 
Báo Nhân văn số 5
 1   2 
 
Báo văn hoá, xã hội - Chủ nhiệm: Phan Khôi - Thư ký toà soạn: Trần Duy - Trụ sở: 43 Tràng Tiền, G.N. (Giây nói 21.17) - Khổ 38 x 55, 6 trang - Số 5, ra ngày 20-11-1956. In tại nhà in Xuân Thu. Mỗi số: 300 đ.


Mục lục






Nguyễn Hữu Đang
Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? [1]

Hiến pháp 1946 của ta, sau khi được Quốc hội thông qua liền bị hoãn thi hành vì tình hình trong nước nghiêm trọng. Nhưng từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tình hình miền Bắc, mặc dầu còn có nhiều khó khăn kinh tế và cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất gay go phức tạp, cũng phải coi là đã trở lại bình thường rồi. Vậy chúng ta có thể đề ra hoặc việc thi hành Hiến pháp 1956 sửa đổi lại, hoặc việc đặt một Hiến pháp mới.

Có những người nói: „Ta hãy chờ thống nhất xong đất nước, khi đó sẽ có Quốc hội mới, Hiến pháp mới. Miền Nam đã đặt Hiến pháp riêng, nếu miền Bắc cũng lại ban bố Hiến pháp riêng nữa thì công cuộc thống nhất đất nước càng khó khăn“.

Tôi không biết những người nói thế thành thực tới mức nào. Tôi chỉ biết Đảng, Chính phủ và toàn dân miền Bắc đã đồng ý với nhau nhận định là cuộc đấu tranh thống nhất sẽ lâu dài. Nếu trong thời gian lâu dài đó mà miền Bắc không ban bố một Hiến pháp tạm thời nghĩa là không có một nền tảng cho cái lâu đài pháp trị xây dựng lên trên thì mọi việc còn xộc xệch. Như thế thì củng cố làm sao được miền Bắc để tranh thủ miền Nam?

Nhất định phải ban bố Hiến pháp.

Toàn bộ một Hiến pháp thích hợp với hoàn cảnh miền Bắc ngày nay phải thế nào, tôi không bàn trong bài này. Ở đây tôi chỉ muốn cả quyết một điều là dù Hiến pháp sẽ được ban bố có nội dung thế nào đi nữa, cái phần bảo đảm tự do dân chủ của nó về căn bản vẫn không thể thay đổi so với Hiến pháp 1946. Vì đó là một điều kiện „không có không được“ của một chính thể dân chủ.

Hiến pháp 1946 ghi:

ĐIỀU THỨ 10: Công dân Việt Nam có quyền:


ĐIỀU THỨ 11: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư từ của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.

Hôm nay tôi nhắc lại vài điều của Hiến pháp 1946 hẳn có bạn nghĩ: Hiến pháp 1946 là cả một sự nhân nhượng chiến thuật với bọn Quốc dân Đảng Việt Nam được quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa giúp đỡ và những tầng lớp nhân dân mà đại bộ phận lúc ấy chưa ngả theo cách mạng. Mức độ của nó so với ngay hoàn cảnh nước ta năm 1946 cũng chưa đủ, huống nữa là so với hoàn cảnh nước ta ngày nay chính quyền nhân dân đã tiến những bước khổng lồ. Ngày nay lực lượng công, nông đã lớn mạnh, lẽ tất nhiên phải chuyên chính hơn chứ không thể lui lại trình độ gần với dân chủ tư sản như năm 1946.

Thật không còn tư tưởng nào phản dân chủ hơn tư tưởng đó. Và nguy hiểm nhất là nó lại khoác áo “lập trường cách mạng”, lớn tiếng “vì công nông”.

Nghĩ như thế là không nắm vững cái kim chỉ nam trong mọi vấn đề chính sách và pháp trị là: dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ địch.

Nắm vững phương châm đó, ta thấy rằng những tự do dân chủ là ban bố cho các tầng lớp nhân dân (gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc) thì càng ngày càng phải được tăng cường, mở rộng theo sát bước tiến của cách mạng.

Hãy lấy trình độ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa làm mức sẽ tiến tới của chúng ta. Có phải trình độ cách mạng ở Trung Hoa năm 1954 cao hơn trình độ cách mạng ở Việt Nam 1946 thì quyền tự do dân chủ trong Hiến pháp Trung Hoa 1954 thu hẹp hơn trong Hiến pháp Việt Nam 1946 không?

Không!

Hiến pháp Trung Hoa 1954 ghi:

ĐIỀU 87: Công dân nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đều có quyền tự do ngôn luận, xuất bản, hội họp, tổ chức tuần hành thị uy. Nhà nước cung cấp những điều kiện vật chất thuận lợi cần thiết và đảm bảo cho công dân hưởng thụ những quyền kể trên.

ĐIỀU 89: Thân thể người công dân Trung Hoa là bất khả xâm phạm. Bất luận công dân nào, nếu không có quyết định của Pháp viện Nhân dân và phê chuẩn của Viện kiểm soát Nhân dân, thì không thể bị ai bắt giam được.

ĐIỀU 90: Công dân nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được pháp luận bảo đảm nhà cửa không bị xâm phạm, thư từ được giữ bí mật. Công dân nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có quyền được tự do cư trú và đi lại.

Đọc đoạn trên này ta thấy Hiến pháp Trung Hoa 1954 buộc Nhà nước phải cung cấp những điều kiện vật chất cần thiết để đảm bảo cho công dân hưởng thụ đầy đủ những quyền tự do dân chủ. Như thế là vừa rộng rãi hơn vừa thiết thực hơn Hiến pháp Việt Nam 1946. Điều đó chứng tỏ chế độ càng tiến bộ, dân chủ càng mở rộng.

Liên hệ những điều bảo đảm tự do dân chủ trong Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa 1954 với thực tế miền Bắc bây giờ chúng ta thấy gì?

Chúng ta thấy các quyền tự do dân chủ bị hạn chế quá nhiều. Và chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh nghị quyết của hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng Lao động đã nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng tự do dân chủ.

Nhưng tại sao việc đó mới đề ra chứ chưa thực hiện được phần nào mà đã lại có ngay một luồng dư luận chống đối, hình như muốn chuyên chính hơn nữa? Sự thay đổi đột ngột ấy làm cho quần chúng hoang mang, lo ngại.

Chuyên chính với địch thì bao nhiêu cũng chưa đủ và từ trước tới nay có phút nào chúng ta buông lỏng đâu mà phải hô hào? Còn chuyên chính với nhân dân thì cần xét kỹ. Nếu không, hậu quả sẽ tai hại lớn. Nguyên nhân sâu xa của những biến cố ở Ba-lan và Hung-ga-ri là vì thiếu dân chủ, tại sao lại hiểu ra là vì thiếu chuyên chính?

Nhưng dù biện luận thế nào đi nữa thì cũng không thể vứt bỏ được cái nguyên tắc mà ông Lưu Thiếu Kỳ đã nêu ra trong bản Báo cáo về Hiến pháp đọc tại phiên họp đầu khoá thứ nhất của Quốc hội Trung Hoa ngày 15-9-1954:

Chế độ chính trị của chúng ta tập trung đến cao độ nhưng sự tập trung cao độ ấy căn cứ trên một nền dân chủ cao độ”.

Nói chi dân chủ cao độ, ngay dân chủ trung bình ta cũng còn phải bồi bổ thềm nhiều, thế mà lại muốn chuyên chính hơn nữa thì không có lợi.


*



Người quan sát
Bài học Ba Lan và Hung-ga-ri [2]

Tình hình Ba Lan và Hung-ga-ri như thế nào các báo đã nói nhiều, trong bài này chúng ta chỉ muốn nêu lên một số bài học để chúng ta cùng suy nghĩ, bàn bạc.

Bài học thứ nhất: Phải cương quyết và mạnh bạo sửa chữa những sai lầm kịp thời và đúng mức, cụ thể là nâng cao đời sống của nhân dân, mở rộng tự do dân chủ.

Có bạn nói: ở Ba Lan bà Hung-ga-ri xây dựng chế độ dân chủ nhân dân đã hơn 10 năm, sao lại còn có thể xảy ra những chuyện đáng tiếc như thế?

Có bạn còn đi xa hơn đến chỗ nghi ngờ cả bản chất của chế độ dân chủ trong một số nước thuộc phe ta.

Sự thực như thế nào?

Sự thực là bản chất của chế độ dân chủ, vẫn đúng với bản chất của chủ nghĩa Mác, nhưng trong một thời gian khá dài sự tôn sùng Sta-lin, và những sai lầm của Sta-lin ảnh hưởng sâu xa đến một số đông những đảng cộng sản và công nhân trên thế giới, đã vi phạm nghiêm trọng đến đời sốngquyền tự do của con người.

Chủ trương hộc tiến lên xã hội chủ nghĩa quá chú trọng phát triển công nghiệp nặng, ép buộc việc thi đua cơ khí hoá nông nghiệp, quá coi nhẹ về bồi dưỡng đời sống của nhân dân lao động và các tầng lớp đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của quần chúng. Do đó quần chúng bất mãn mỗi ngày một nặng.

Lý luận sai lầm cho rằng càng tiến tới chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giai cấp càng quyết liệt đã dẫn đến những kết quả tai hại: cảnh giác quá trớn, chuyên chính với cả đảng viên và quần chúng, vi phạm trầm trọng vào nên pháp trị xã hội chủ nghĩa. Nhiều đảng viên ưu tú bị gạt ra khỏi Đảng, thậm chí bị giết, nhiều quần chúng vô tội bị bắt oan. Tự do dân chủ bị hạn chế, chuyên chính bừa bãi là một hiện tượng phổ biến. Do đó gây một tình trạng căng thẳng "làm giảm bớt sự hấp dẫn của chủ nghĩa của Đảng" (Lời tự phê bình của Ra-ko-si) thậm chí gây công phẫn trong quần chúng. Trong bài diễn văn đọc tại cuộc mít tinh ngày 25-10-1956 ở Vác-sô-vi để chào mừng Ban Chấp hành Trung ương mới và hoan nghênh những nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đồng chí Gô-mun-ca đã vạch rõ những sai lầm đó như sau:

"Rất nhiều tệ xấu xa, bất công, chán nản đã chồng chất trong những năm vừa qua. Tư tưởng của chủ nghĩa xã hội tôn trọng tinh thần tự do của con người, tôn trọng những quyền của người công dân trên thực tế đã bị vi phạm nghiêm trọng, lời nói không đi đôi với việc làm."

Đời sống nhân dân không được cải thiện đúng mức, tụ do dân chủ bị vi phạm trầm trọng, đó là những khuyết điểm chính của hai Đảng Ba Lan và Hung-ga-ri những năm vừa qua, và đồng thời cũng là nguyên nhân sâu xa của những vụ biến động đáng tiếc trong vòng mấy tháng nay.

Từ sau Đại hội thứ XX những sai lầm đó được phơi bầy ra ánh sáng.

Ra-kô-si lãnh tụ đảng Hung phải từ chức. Gô-mun-ca và một số đảng viên khác ở Ba Lan được phục hồi, những sai lầm trong công tác thành thị và nông thôn bắt đầu được sửa chữa.

Nhưng tốc độ và mức độ sửa chữa không kịp với đòi hỏi của tình thế và yêu cầu của quần chúng nên càng thúc đẩy sự công phẫn và phong trào đấu tranh tự phát của quần chúng. Thái độ thiếu mạnh bạo và thiếu kiên quyết trong việc sửa chữa sai lầm của những người lãnh đạo đã tạo một miếng đất tốt cho những phần tử khiêu khích, và những phần tử địch lợi dụng phá hoại.

Cho nên muốn ngăn ngừa phong trào đấu tranh tự phát của quần chúng và chặt đứt bàn tay bẩn thỉu của địch, trước hết phải cương quyết và mạnh bạo sửa chữa những sai lầm kịp thời và đúng mức, cụ thể là nâng cao đời sống của nhân dân và thực sử mở rộng tự do dân chủ.

Bài học thứ hai: Dân chủ phải đi đôi với chuyên chính nhưng không thực sự mở rộng dân chủ thì không thể chuyên chính đúng và tốt được.

Có bạn nói: Sở dĩ có những vụ biến động như ở Hung-ga-ri là vì quá mở rộng dân chủ, nặng dân chủ, nhẹ chuyên chính.

Ai cũng biết một trong những khuyết điểm lớn của những người lãnh đạo Hung-ga-ri những ngày vừa qua là không kịp thời trấn áp kiên quyết những phần tử phản cách mạng.

Nhưng vấn đề không phải giản đơn là quá nặng nề về dân chủ, quá nhẹ về chuyên chính. Lý luận giản đơn như thế rất có thể dẫn đến những hành động sai lầm.

Vấn đề phải suy xét cho kỹ lưỡng hơn. Tình hình cụ thể là như thế nào?

Như trên chúng tôi đã trình bày cũng như qua các báo các bạn đã thấy rõ tình hình trong những năm vừa qua là dân chủ bị vi phạm trầm trọng và chuyên chính được phát triển bừa bãi.

Mở rộng dân chủ là một yêu cầu bức thiết đề quần chúng có thể tham gia vào việc sửa chữa sai lầm và kiểm soát những cơ quan của Nhà nước.

Đáng tiếc là việc mở rộng dân chủ không kịp thời đã dẫn đến tình trạng lộn xộn đấu tranh tự phát của quần chúng. Trong tình trạng đó kẻ địch rất dễ lợi dụng để che giấu bộ mặt phản động của chúng. Không vạch mặt được kẻ địch thì khó lòng mà sử dụng được hết lực lượng của toàn dân dốc vào việc trấn áp phản cách mạng. Muốn chuyên chính với địch phải cô lập địch, muốn cô lập địch không thể không mở rộng dân chủ, thoả mãn những yêu cầu của quần chúng.

Cho nên vấn đề không phải đơn thuần là nhẹ về chuyên chính mà còn là không chủ động mở rộng và lãnh đạo phong trào dân chủ của quần chúng, lâm vào tình trạng bị động, đẻ ra rất nhiều khó khăn trong việc chuyên chính đối với địch. Đến đây, chúng tôi xin phép mở một dấu ngoặc để nói rõ thêm về vấn đề dân chủ và chuyên chính vì đó là một vấn đề cực kỳ quan trọng.

Có người nói: một mặt đưa ra tự do dân chủ, một mặt lại đưa ra chuyên chính, thật khó hiểu.

Như thế thì còn gì là dân chủ nữa hay không? Nói cái gì thì nói dứt khoát một thứ chứ!

Xin trả lời, dân chủ và chuyên chính là hai mặt không thể tách của một vấn đề, và là một trong những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác.

Vấn đề không phải là bỏ chuyên chính hay là để. Vấn đề đặt ra là hiểu và thực hiện chuyên chính như thế nào.

Trong một thời gian khá dài, một số người đã hiểu vấn đề chuyên chính một cách không đúng.

Họ không hiểu rằng chuyên chính chỉ là một phương pháp để bảo đảm dân chủ, và chuyên chính là chuyên chính với địch, không cho phá hoại để củng cố và phát triển dân chủ, chứ chuyên chính không bao giờ nhằm hạn chế tự do dân chủ của nhân dân, vi phạm đến luật lệ của Nhà nước.

Chúng tôi nhắc lại, chuyên chính là chuyên chính với địch, tuyệt đối không chuyên chính với nhân dân. Đối với những sai lầm, lệch lạc của nhân dân chỉ có đấu tranh và giáo dục và đó là vấn đề nội bộ.

Nếu không hiểu như thế rất dễ lại rơi vào những sai lầm đau xót, vi phạm tự do dân chủ, vi phạm sinh mệnh con người như trong thời đại Sta-lin trước.

Cho nên, chỉ buông thõng một câu "tăng cường chuyên chính" không thôi có thể rất nguy hiểm, nhất là đối với hoàn cảnh nước ta, vì hoàn cảnh Hung-ga-ri và hoàn cảnh nước ta có những điểm khác nhau. Cơ sở của Đảng Lao động Việt Nam trong quần chúng qua hơn 20 năm đấu tranh cách mạng trong đó có 10 năm kháng chiến có thể là vững chãi hơn cơ sở của Đảng Lao động Hung-ga-ri.

Lực lượng địch ở miền Bắc Việt Nam không thể máy móc đem so sánh với lực lượng địch ở Hung-ga-ri v.v... Ý thức tự do dân chủ của quần chúng Việt Nam qua bao nhiêu năm đô hộ và ảnh hưởng sâu xa của phong kiến chắc chắn là không thể bằng một nước đã có tư bản và công nghiệp như Hung-ga-ri. Cho nên áp dụng máy móc kinh nghiệm Hung-ga-ri, đánh giá quá cao một vài lệch lạc của quần chúng, nhìn nhận địch không đúng có thể dẫn đến những kết quả khốc hại. Trong khi áp dụng kinh nghiệm Ba Lan, Hung-ga-ri, không thể quên những kinh nghiêm đau xót của Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.

Vấn đề đặt ra bây giờ theo chúng tôi nghĩ là phải hết sức đảm bảo mở rộng dân chủ, hạn chế chuyên chính bừa bãi, tập trung chuyên chính vào địch. Luật pháp dân chủ nhân dân cần phải được cải tiến và áp dụng triệt để. [3]

Bài học thứ ba: Đấu tranh củng cố và mở rộng tự do dân chủ theo đúng tinh thần chủ nghĩa Mác là một cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ nhưng tất thắng, đánh tan mọi tệ lậu xã hội và mọi âm mưu phá hoại của địch.

Từ sau khi phát hiện ra tập đoàn phản động Be-ri-a và những sai lầm của Sta-lin, Hung-ga-ri, Ba Lan đều bắt đầu có sửa chữa. Một phong trào chống sùng bái cá nhân, chống vi phạm nền pháp trị xã hội chủ nghĩa, đòi mở rộng tự do dân chủ lan tràn khắp nơi. Nhưng phong trào vấp phải sức bảo thủ của những “lãnh tụ bất lực, phạm những sai lầm nghiêm trọng và không làm tròn nhiệm vụ" (Gô-mun-ca).
Cuộc đấu tranh chống tập đoàn Rakosi ở Hung là một quá trình lâu dài và gian khổ. Cuộc đấu tranh của Gô-mun-ca ở Ba Lan cũng vậy.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ ấy bọn đế quốc hí hửng chắc chắn sẽ phá vỡ được chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta.

Lợi dụng một số sai lầm của những người lãng đạo Ba Lan chúng đã len bàn tay khốn nạn vào vụ Pô-dơ-nan.

Lợi dụng một số sai lầm của Liên Xô đối với Ba Lan, chúng đã cố tìm cách khoét sâu mâu thuẫn để chia rẽ Ba Lan và Liên Xô.

Lợi dụng những sai lầm nghiêm trọng của tập đoàn Ra-kô-vi và một số sai lầm cả Liên Xô ở Hung-ga-ri chúng đã tìm cách gây thành những vụ bạo động, âm mưu bóp chết nền dân chủ ở Hung-ga-ri và phá vỡ tình hữu nghị không gì lay chuyển nổi của phe xã hội chủ nghĩa.

Nhưng chúng đã thất bại thảm hại. Anh em công nhân tham gia cuộc biểu tình ở Pô-dơ-nan đã vạch mặt lũ khiêu khích và phản động.

Sự đoàn kết giữa Ba Lan và Liên Xô trên cơ sở bình đẳng và chủ quyền độc lập, uốn nắn những sai lầm của tư tưởng dân tộc lớn càng vững chắc hơn trước.

Bọn phản động ở Hung-ga-ri đã bị nhân dân Hung-ga-ri tiêu diệt với sự giúp đỡ của Hồng quân Liên Xô. Sự tương trợ nồng nhiệt của các nước anh em với Hung-ga-ri là một cái tát mạnh vào mặt Ai- xen-hao và bè lũ.

Những hiện tượng trên cho chúng ta ta một bài học lớn:

Công cuộc đấu tranh dân chủ hoá xã hội chủ nghĩa là một cuộc đấu tranh lâu dài và gay go chống những tư tưởng lạc hậu bảo thủ của nếp lãnh đạo cũ và chống những âm mưu phá hoại của địch nhưng nhất định là thành công, nhất định là xây dựng được một chế độ tốt đẹp thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.

Qua cơn sốt vỡ da, chủ nghĩa cộng sản lớn mạnh, hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ lớn mạnh.

Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng và phần khởi đem hết khả năng giúp Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đấu tranh chống mọi tệ lậu của xã hội, mọi âm mưu phá hoại, sửa chữa sai lầm, xây dựng một miền Bắc thực sự dân chủ và vững mạnh làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Lịch sử đương viết những trang lớn.



*


Trần Duy
Góp ý kiến về phần tự do dân chủ trong Nghị quyết T. Ư lần thứ mười [4]

(…) [5] đã họp Hội nghị lần thứ X và quyết định trong thời gian trước mắt nhiệm vụ của toàn Đảng là kiên quyết sửa chữa sai lầm trong Cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, đồng thời có đề cập, thảo luận đến ba vấn đề quan trọng:


Thông cáo của Hội nghị lần thứ 10 một lần nữa chứng tỏ rằng Đảng và Chính phủ ta quan tâm đến đời sống của nhân dân, chính quyền ta là một chính quyền của dân, chế độ ta là một chế độ thực sự dân chủ.

Chúng ta phải khẳng định rằng ngoài Đảng Lao động Việt Nam và chủ nghĩa Mác-Lê không còn có một tổ chức đảng phái và một lý luận tiền phong nào có thể lãnh đạo dân ta kháng chiến thắng lợi, tiến hành cách mạng dân tộc, hoàn thành độc lập được.

Do đó chúng ta, những phần tử yêu nước, tha thiết với hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, không có một lý do nào không triệt để ủng hộ Đảng, xây dựng chế độ.

Khi đã xem Đảng là Đảng của chúng ta, chế độ do chúng ta xây dựng, chúng ta là chủ nhân ông của đất nước, thì việc đóng góp cũng như việc đấu tranh để sửa chữa những sai lầm, bổ khuyết những thiếu sót của lãnh đạo, cũng là một trách nhiệm của chúng ta.

Việc mở rộng dân chủ đã đề ra trong thông cáo là một sự kiện đáng để cho chúng ta hoan nghênh phấn khởI, tin tưởng.

Nhưng theo ý chúng tôi, một vấn đề rộng lớn, then chốt của chế độ, một nguyên tắc căn bản của cách mạng, như việc mở rộng tự do dân chủ cần phải được xem là quan trọng cấp thiết bậc nhất trong lúc này và cần được bàn đến một cách rộng rãi đầy đủ hơn nữa.

Trong thời gian vừa qua chúng ta đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là vì thiếu tự do dân chủ. Do thiếu tự do dân chủ nên nhân dân không dám mạnh dạn phê bình xây dựng lãnh đạo, kiểm tra công tác của Chính phủ và của Đảng, kịp thời phát hiện và uốn nắn những lệch lạc sai lầm. Do đó mức độ sai lầm kéo dài và thành trầm trọng.

Chúng ta không thể phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong việc mở rộng tự do dân chủ.

Chúng ta càng phải công nhận sự chuyên chính để bảo vệ thành quả của cách mạng do toàn thể nhân dân xây dựng.

Nhưng trong lúc tình hình thiếu dân chủ là một tình hình phổ biến, chưa nói đến mở rộng dân chủ mà đã vội quá nhấn mạnh vào vấn đề chuyên chính là một điều không nên vì nó có thể gây những hiểu lầm tai hại trong quần chúng, và mở cho những tệ quan liêu, bảo thủ phát triển, ảnh hưởng không tốt đến công tác sửa sai của Đảng và Chính phủ.

Gần đây có những ý kiến cho rằng không những chuyên chính với địch, mà còn phải chuyên chính với những tư tưởng lạc hậu của nhân dân. Đó là một lầm lẫn nguy hiểm. Trước hết nó lầm lẫn ở chỗ chĩa mũi dùi chuyên chính vào cả hàng ngũ nhân dân.

Sau nữa nó lầm lẫn ở chỗ muốn giải quyết vấn đề tư tưởng bằng biện pháp hành chính thô bạo.

Trong bản báo cáo về “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” đồng chí Lục Định Nhất viết:

“Đối với tư tưởng duy tâm lạc hậu trong nội bộ nhân dân cần phải đấu tranh, sự đấu tranh này cũng sâu sắc nhưng nó xuất xuất phát từ đoàn kết, nhằm khắc phục lạc hậu, tăng cường đoàn kết, đối với vấn đề tư tưởng nếu muốn dùng biện pháp mệnh lệnh hành chính để giải quyết thì không có hiệu quả” (đăng trong Nhân dân ngày 30-09-1956).

Nói chuyên chính là nói dùng pháp lý và hành chính để đàn áp quân thù chống phá cách mạng. Còn việc đấu tranh tư tưởng không thể gọi và dùng chuyên chính được.

Việc tuyệt đối tin tưởng ở chủ nghĩa Mác–Lê là đúng, nhưng chuyên chính bằng cách dùng hành chính và pháp lý bắt mọi người phải nghĩ một chiều, không công nhận một phương pháp tư tưởng nào khác, lại là một việc trái với nguyên tắc chủ nghĩa Mác–Lê, là độc đoán trong lĩnh vực tư tưởng.

Dù chúng ta bất đồng với nhau về xu hướng nghệ thuật, phương pháp tư tưởng, mà chỉ dùng báo chí sách vở đấu tranh hợp pháp thì không thể nào dùng chuyên chính nghĩa là dùng pháp lý và hành chính để ngăn cấm hay đàn áp những xu hướng khác nhau ấy được.

Không có một hiến pháp dân chủ nhân dân hay xã hội chủ nghĩa nào lại cho phép một tổ chức hay một cá nhân nào có quyền quyết định theo chủ quan của mình rằng tư tưởng này là đúng, là chính thống, tư tưởng kia là sai, là đồi truỵ, khi chưa có sự bàn cãi tranh luận rõ ràng, và dùng biện pháp hành chính pháp lý để ngăn cản đàn áp.

Việc tiến hành Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức vừa qua đã cho chúng ta một bài học đau xót. Tuyệt đối không nói đến chuyên chính với địch đi đến chỗ sơ hở mất cảnh giác là nguy hiểm, nhưng nói đến chuyên chính mà vô tình hay cố ý dẫn đến kết quả hạn chế tự do dân chủ của nhân dân, cảnh giác quá trớn, đẩy bạn sang thù lại là một việc nguy hiểm hơn.

Không có một người nào trong chúng ta yêu cầu tự do dân chủ đề muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, làm tổn thất đến quyền lợi của chế độ, đến hạnh phúc của nhân dân, chính là của mình, của vợ con mình!

Không có một người nào trong chúng ta yêu cầu tự do dân chủ để truyền bá những tư tưởng phản động truỵ lạc và đồi bại là những tư tưởng đã từng đầu độc và làm tê liệt cuộc sống con người chúng ta. Chúng ta theo Đảng làm cách mạng, chính là để cùng Đảng tiêu diệt những tư tưởng ấy. Chúng ta đòi tự do dân chủ cũng là để xây dựng con người, khôi phục quyền sống và phẩm giá của con người trong xã hội.

Trong thông cáo của Nghị quyết lần thứ X có đề ra nhiệm vụ của toàn Đảng là “Kiên quyết sửa chữa sai lầm”.

Khi nói đến kiên quyết sửa chữa sai lầm, thì cũng phải nhắc đến việc mạnh dạn và dũng cảm lắng nghe tất cả những tiếng nói phát hiện ra những sai lầm.

Do đó trong công tác sửa sai, việc mở rộng dân chủ là cần thiết tuyệt đối. Nếu sự lãnh đạo của Đảng về tự do dân chủ không sát với yêu cầu thực tế thì công tác sửa sai ít kết quả.

Tiến hành việc sửa sai sẽ có hiệu quả, không gì bằng dựa vào lực lượng quần chúng, không gì bằng để quần chúng tự do bàn bạc tham gia ý kiến, kiểm soát xây dựng chính sách và chủ trương của Chính phủ và Đảng.

Trong thông cáo có viết: “Đảng phải lãnh đạo việc mở rộng tự do dân chủ mộtt cách đúng mức”.

Đó là một việc rất cần. Nhưng vì trong thông cáo chưa giải thích rõ thể nào là đúng mức nên có một số người hiểu lầm, vô tình hay cố ý dựa vào đó để hạn chế việc mở rộng dân chủ của quần chúng.

Họ thổi phồng “mức tự do quá trớn của quần chúng” và bỏ qua không nói tới “mức tệ lậu nặng nề của tư tưởng bảo thủ lạc hậu” đương kìm hãm sự phát triển của chế độ ta.

Nói đến chuyên chính với địch mà quên không bàn kỹ đến vấn đề mở rộng tự do dân chủ, phân tích đánh giá đúng mức những tệ lậu quan liêu, bảo thủ, là chỉ nhìn một chiều và có thể dẫn đến những kết quả nguy hiểm.

Chúng tôi đề nghị với Trung ương Đảng và Chính phủ công bố những tài liệu bổ sung, phân tích kỹ hơn về vấn đề dân chủ và chuyên chính trong hoàn cảnh nước ta, đề ra những quy định cụ thể bảo đảm được việc chuyên chính với địch đồng thời hạn chế được việc chuyên chính bừa bãi tràn lan và đặc biệt là bảo đảm triệt để và thực sự mở rộng tự do dân chủ của nhân dân, chống những tệ quan liêu và bảo thủ. Một số điều khoản pháp trị hợp lý cần được khởi thảo và ban bố.


*


Chu Ngọc
Nguyễn Sơn, người đi đầu trong đuờng lối văn nghệ rộng rãi [6]

Nói đến anh Nguyễn Sơn tôi sợ ngòi bút của tôi không đủ phong phú để viết về anh – Anh đã tham gia cách mạng từ thuở nhỏ. Anh đã sang Trung Quốc và dự cuộc Vạn lý Trường chinh. Anh là một đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nước nhà giành được độc lập, anh về nước cản đường Pháp tiến từ Nam ra Bắc ở miền Nam Trung Bộ. Đến kháng chiến toàn quốc anh lãnh trách nhiệm Tư lệnh trưởng chiến khu 4.

Tôi đã sống với người cộng sản này một vài năm. Anh có một chút khuyết điểm với tôi. Và tôi cũng có khuyết điểm là lúc đầu chưa hiểu nổi Nguyễn Sơn.

Nhưng sau thêm một lần tôi lại nhập bộ đội, và cũng ở trong một đơn vị của anh. Tôi hiểu anh hơn. Tôi thấy nhiều cái thú vị chung đúc ở anh. Anh có cái gì thực rộng rãi về suy nghĩ, tôi thấy như hơi hướng của Mao Chủ tịch. Có một lúc tôi lại thấy anh hiền hậu và tế nhị như tôi thường nghĩ về Hồ Chủ tịch. Thường thường tôi lại thấy anh là một nhân vật của Thuỷ hử sống lại. Rồi trong lúc hành quân của Liên khu bộ 4 có đoàn văn nghệ, râu ria, gươm giáo gỗ đi len vào giữa những khẩu Ba-dô-ka, tôi thấy anh là hình ảnh Từ Hải của Nguyễn Du…

Tôi đã sống nhiều với tiểu thuyết cổ của nước nhà và Trung Quốc, tôi rất thú vị thấy cuộc cách mạng của nước nhà có một nhà tướng phóng khoáng như Nguyễn Sơn. Cái tác phong quần chúng của anh giúp tôi suy nghĩ nhiều về con người cách mạng. Là một thiếu tướng tư lệnh trưởng của một quân khu rộng lớn, đáng lẽ phải cảnh giác với địch, tôi ngỡ là đi đâu cũng phải tiền hô, hậu ủng, nghĩa là phải bảo vệ như mắc vải ở cánh cửa chiếc ô-tô hòm. Nhưng Nguyễn Sơn thì bất cứ ở đâu cũng thấy: đi chợ Rừng Thông, đi chợ Đô Lương. Chiều vào bãi đá bóng, tối lững thững ở Cầu Bô. Vận quần đùi chạy thi với anh em bộ đội. Vào nhà nông dân lăn ra ngủ. Đánh cờ uống cà phê. Dự những buổi tập kịch. Rồi trịnh trọng lên lớp những lớp huấn luyện chính trị, quân sự và văn nghệ.

Tôi thấy anh xông xáo như thế tôi thường lo: ngộ nhỡ ra thì sao? Nhưng cho đến nay anh không chét vì địch mà lại chết vì bệnh ung thư... [7] mới biết rằng cái đức tin quần chúng, tin nhân dân của Nguyễn Sơn quả là lớn và hiếm có.

Không phải chỉ vì thế mà hình ảnh Nguyễn Sơn đã in sâu vào tình cảm của tôi.

Người cán bộ quân sự ấy bảo vệ đất nước không phải chỉ thuần tuý ở mặt súng đạn. Anh đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao tâm hồn con người Việt Nam để say sưa yêu đất nước, yêu con người, yêu ngôn ngữ, yêu giọng nói điệu múa, yêu thơ, yêu hoạ. Anh đã cùng anh Đặng Thai Mai khơi lên một mùa văn nghệ sáng sủa của buổi đầu kháng chiến ở khu 4.

Những đoàn kịch được thành lập.

Những tờ báo được xuất bản.

Những lớp huấn luyện văn nghệ được liên tục mở và do đó đã đào tạo được một số lớn văn nghệ sĩ trẻ tuổi.

Đề cao và sử dụng vốn dân tộc, đón cụ Nguyễn Đình Nghị lập đoàn tuồng, đoàn chèo ở liên khu bộ. Mạnh dạn cho diễn những tích cũ.

Tạo phương tiện để anh chị em văn nghệ tham gia các chiến dịch và thâm nhập vào quảng đại quần chúng.

Khuyến khích sáng tác. Mạnh dạn xuất bản tác phẩm của văn nghệ sĩ trẻ... "Lúa xanh".

Những kịch bản được sử dụng và lưu hành rộng rãi như Cái đèn, Cái võng, Cái loa, Trên nớ, Người nữ cứu thương Trung Hoa...

Triển lãm hội hoạ được tổ chức thường xuyên và hùng hậu. Sơn mài được khuyến khích sử dụng. Tác phẩm nổi tiếng Cái bát của Sỹ Ngọc đẻ ra ở thời kỳ tốt đẹp này.

Những cuộc tranh luận về văn nghệ được thường xuyên tổ chức.

Đặc biệt những gia đình văn nghệ sĩ được giúp đỡ về vật chất để văn nghệ sĩ được toàn tâm toàn ý vào sáng tác vào công tác.

Bỗng Nguyễn Sơn chuyển công tác, Đặng Thai Mai nằm đau một chỗ. Văn nghệ liên khu 4 nằm vào tay ông Lưu Trọng Lư, chuyển từ Thanh Hoá vào Nghệ An, để bắt cái nguồn văn nghệ xuống từ Việt Bắc do ông Tố Hữu lãnh đạo mà kết quả nó bây giờ đây chúng ta đương tổng kết một cách không lấy gì làm phấn khởi cho lắm.

Cho hay một đường lối văn nghệ chỉ vụ vào cái lợi ích nhất thời, làm cho nhỏ, cho nhanh, cho dễ dãi, cho sơ lược, bảo đó là đại chúng thì phải đưa đến kết quả ngày nay.

Anh Nguyễn Sơn nay hai tay đã buông xuôi. Mộ của anh đã bắt đầu lên cỏ. Những lúc nhắc đến anh một số chúng tôi nghĩ rằng trong cái lúc sửa sai này có những người cần phải sửa lại ngay trong lòng mình những nhận định sai lầm về Nguyễn Sơn. Trong số này có cả trường hợp Trương Tửu vừa đây cũng ngộ nhận về Nguyễn Sơn. Sau khi Nguyễn Sơn đi khỏi Khu IV, có người nói về anh là anh hùng cá nhân, thiếu đạo đức…

Riêng tôi tôi chỉ thấy anh đem đến cho tôi hình ảnh một người cách mạng có tâm có trí. Vì anh là một con ngườI, không phải thần, không phải thánh.

Bây giờ mỗi khi nghe lời một đồng chí chuyên gia Trung Quốc nói về văn nghệ, qua một người phiên dịch, tôi nhớ đến anh nhiều. Trước đây có người không nghe anh có phải vì anh là người nhà, là người Việt Nam không? Hay lúc đó anh nói đã quá sớm?

Nhưng sao anh đã đi?!

Và bây giờ anh đã đi mãi mãi.


*


H. L.
Không có lý gì mà không tán thành trăm hoa đua nở [8]

Hãy nhìn thẳng vào thực tế, chỉ cần một chút suy nghĩ cũng đủ thấy rằng cuộc sống muôn vạn vẻ, con người ta "sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật", bao nhiêu người là bằng nấy chiêm bao. Bên cạnh người du duơng mềm mại, có người cứng cỏi táo bạo. Có anh như Bụt, có người như Trương Phi. Con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, hàng triệu triệu người cùng đi, đem theo nhiều mầu sắc tâm hồn, nhiều hy vọng, mơ mộng và suy nghĩ. Công trình sáng tạo xã hội chủ nghĩa là một công trình tập thể của quần chúng đông đảo, muôn vạn sắc mầu.

Văn nghệ phản ánh thực tế muôn màu, không lẽ gì nó lại chỉ có một màu thôi! Cuộc đời có nắng có mưa, không lẽ gì vào văn nghệ nó lại chỉ còn có độc là nắng hay độc là mưa. Các kiểu khóc, kiểu cười khi vào văn nghệ chẳng lẽ lại chỉ thành một kiểu khóc nhất định, một kiểu cười nhất định thôi hay sao? Hàng triệu triệu hy vọng, ước mơ, suy nghĩ lại chỉ có quyền vào tác phẩm bằng cách cử đại diện duy nhất chính thức là: một kiểu hy vọng, ước mơ, suy nghĩ nào đó thôi sao? Con người ngoài cuộc sống (kể cả công nhân, cả cán bộ) có đủ quyền mơ mộng, vui buồn, giận dữ, làm việc và hy sinh, chẳng lẽ vào văn nghệ nó lại mất đi nhiều quyền của con người, mà chỉ còn mỗi quyền làm việc và hy sinh theo một cách thức nhất định thôi hay sao? Cả bản thân người văn nghệ sĩ, một nhà văn chẳng hạn, chẳng lẽ khi anh cầm bút viết là anh bị hạn chế quyền công dân, tức là anh không còn được tự do bằng khi anh làm một người công dân hay sao? Chẳng lẽ thế giới văn nghệ khác thế giới thực, thế giới thực bên ngoài thì vạn vẻ muôn hình, vào thế giới văn nghệ thì lại chỉ còn độc một mình một vẻ thôi sao?

Rõ ràng là một sự vô lý. Không! Nhất định văn nghệ phải muôn màu sắc như cuộc sống. Sự sáng tạo nghệ thuật không thể chịu được một khuôn thước công thức nào, dù là một cái khuôn vàng, một cái thước ngọc. Sự sáng tạo đòi hỏi tự do phát triển nhiều khuynh hướng, nhiều dòng, nhiều trường phái. Bản chất văn nghệ đòi hỏi trăm hoa đua nở.

Sự lãnh đạo văn nghệ phải tuân theo bản chất nó mà lãnh đạo nó. Lãnh đạo phải công nhận, phải thích hợp với bản chất trăm hoa của văn nghệ. Phải lãnh đạo làm sao thế giới văn nghệ nó phong phú như thế giới thực, nó phải có nhiều khuynh hướng, trường phái khác nhau. Lãnh đạo làm sao cho người nghệ sĩ cảm thấy cái hạnh phúc được lãnh đạo. Người sáng tạo được đảm bảo: không bị đa số chèn ép - được giữ ý kiến mình dù là thiểu số tuyệt đối - được không bị thành kiến khi mắc sai lầm, được phát biểu qua lại khi thấy là mình bị oan ức, được giúp đỡ cho sáng tác mình được phổ cập và chịu phê bình của nhân dân, được yên tâm rằng tác phẩm mình không bị những vùi dập hành chính… Sự lãnh đạo phải là Thiên đường của Trí tuệ, của Văn học Nghệ thuật…

Chỉ có sự lãnh đạo ấy mới phát huy được sức sáng tạo, khai thác được mọi tài năng, làm cho quang cảnh văn nghệ phồn thịnh; chỉ có thế thì nghệ thuật mới trở thành có nghìn cánh tay lực lưỡng đánh địch, đả phá cái cũ, dựng xây cái mới, trở nên một bộ phận tích cực của chế độ.

Bấy lâu nay sự lãnh đạo không được như thế. Nhiều bệnh tật của lãnh đạo – nguy hại là tệ chủ quan độc đoán – đã gây nên tình trạng mâu thuẫn nặng nề giữa lãnh đạo "một hay vài hoa riêng nở", mâu thuẫn với bản chất "trăm hoa đua nở" của văn nghệ. Tất nhiên hậu quả là kìm hãm tài năng, giảm tác dụng của văn nghệ. Đã chết đi hàng loạt đề tài, ví dụ: tĩnh vật, phong cảnh, tình yêu vân vân. Đã chết đi hàng loạt hình thái nghệ thuật, ví dụ: châm biếm, đả kích, kịch thơ, đến nỗi ngày nay người ta đi đến một định kiến nặng nề và vô lý là cho rằng một người chuyên đả kích thì không yêu nước và không có ích bằng một người chuyên ca ngợi! Quang cảnh văn nghệ thật là nghèo nàn. Nhân dân đã chán chường cái lối "một hoa riêng nở". Đó là cái dấu than chấm hết cho đường lối lãnh đạo "một hay vài hoa riêng nở".

Cho nên không lạ gì mà tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ, từ già đến trẻ, từ hoạ, nhạc kịch đến văn, thơ, ai ai cũng đều đòi hỏi trăm hoa đua nở. Đòi hỏi lãnh đạo có chính sách thích hợp cho trăm hoa đua nở.

Nhưng còn một vấn đề: nước ta có nên để trăm hoa đua nở hay không?

Có bạn cho rằng tình hình Trung Quốc khác bên ta; bên Trung Quốc chế độ đã mạnh về mọi mặt, riêng trong văn nghệ cũng đã mạnh, đã đấu tranh thắng lợi chống Hồ Thích, Hồ Phong thì trăm hoa đua nở được. Còn bên ta thì chưa đủ điều kiện…

Như vậy là cho rằng lý do đề ra chính sách trăm hoa đua nở là ở chỗ chế độ mạnh. Có mạnh thì mới trăm hoa được.

Tôi e rằng đó không phải là lý do căn bản của chính sách trăm hoa. Khi chế độ mạnh mới trăm hoa, khi yếu thì không thể mà chỉ cho một vài hoa gì đấy thôi, vậy khi còn yếu thì ta sẽ dùng những chính sách, những phương pháp gì mà hạn chế trăm hoa, mà ngăn lại những hoa chủ quan ta cho là khó ngửi? E rằng như vậy là mở đường cho những hạn chế, những ngăn lại... tức là hà hơi hồi sinh cho những tệ lậu chủ quan độc đoán đã bị lên án.

Lại hỏi: mạnh mới trăm hoa, yếu thì không trăm hoa được; vậy tức là bảo trăm hoa là xấu, là có hại? Yếu mà trăm hoa thì trăm hoa nó sẽ làm cho yếu thêm! Vậy mạnh mà trăm hoa thì cũng bớt mạnh đi chứ! Thực là vô lý, đời thuở nào ta lại ra một chính sách để làm bớt mạnh ta đi như vậy? E rằng cái lý luận "mạnh mới trăm hoa" nó đã đi vào chỗ hài hước! Lý luận ấy võ đoán gán cho trăm hoa một cái tác dụng phá hoại. Chắc hẳn là do nó sợ chuyện hoa lành hoa độc lẫn lộn vào nhau. Cũng có lý, nhưng mà hiện nay chẳng có độc có lành sao? Cái lối công thức một chiều rất duy tâm, nhắm mắt khen đời là đẹp, mọi sự là hay, che mắt Đảng, che mắt nhân dân, để lỗ hổng quá rộng cho những tệ lậu hoành hành, cái lối ấy công khai huyễn hoặc người ta, nó bảo rằng: “luật mâu thuẫn từ nay nghỉ ngơi rồi!”, như vậy cái hoa ấy có độc hay không? Nhân dân đã chán ghét nó rồi! Vậy mà không trăm hoa để cho người nói thực được nói tức là cứ duy trì mãi cái hoa khó ngửi độc tôn ấy mãi tới chừng nào? Vậy nên trăm hoa lắm chứ, tất nhiên nó sẽ có lành có độc, có thối có thơm - bao giờ chẳng vậy? - nhưng nó sẽ mâu thuẫn với nhau, bổ sung, uốn nắn hay tiêu huỷ nhau đi nữa. Nhân dân sẽ chọn lọc, và rất đủ sức làm nhiệm vụ giám sát ấy. Chứ lành, độc chẳng phải bạn, chẳng phải tôi định ra, chẳng phải do một cấp nào chủ quan quyết định, cũng chẳng phải “một ngày một giờ” mà định được, cũng chẳng phải định ra một lần thế là thành bản án bất di bất dịch. Mà quyết định là ở thẩm quyền của nhân dân, và lịch sử.

Phải nhìn thấy tác dụng xây dựng của chính sách trăm hoa đối với chế độ thế nào. Phải thấy rằng văn nghệ mà thực sự trăm hoa thì xã hội được phản ảnh đầy đủ hơn, những ao ước, hy vọng và trình độ của quần chúng được trình bày đúng thực hơn, lòng yêu chế độ, tinh thần hy sinh của quần chúng đồng thời những khuyết điểm còn tồn tại được miêu tả rõ ràng hơn, sự thực được phô bày chính xác hơn, cái quyền được biết sự thực của Đảng, Chính phủ và nhân dân được thoả mãn hơn, bọn nịnh hót và mọi thứ kẻ cắp của chế độ sẽ bị trấn áp đích đáng hơn, vì vậy uốn nắn bổ sung kíp thời hơn, củng cố miền Bắc càng nhanh, tranh thủ miền Nam càng tốt.

Rõ ràng chính sách trăm hoa đua nở là một chính sách ích quốc lợi dân. Nó làm cho chế độ đã mạnh càng mạnh thêm, và nếu yếu thì cũng càng chóng mạnh.

Như vậy tức là cái lý luận “có mạnh mới trăm hoa được” với cái lý luận “nước ta chưa đủ điều kiện trăm hoa” đều là những lý luận dè bỉu oan uổng chính sách trăm hoa đua nở. Đó là những lý luận đồng minh quân của cái đường lối “một hay vài hoa riêng nở” đã phá sản hẳn hoi rồi.

Có nên để trăm hoa đua nở hay nên ngăn cấm, vấn đề không phải là do ở chỗ chế độ mạnh hay yếu mà ở chỗ: đó là chế độ nào?

Sử cũ có Tần Thuỷ Hoàng đốt sách. Chế độ phong kiến ai nói Khổng Mạnh bị coi là giặc. Chế độ tư sản mồm thì rêu rao tự do nhưng ai cũng biết chính phủ Mỹ sợ cộng sản, sợ từ con chuột của Oan Đích-Nây đến cái cười của Sác-Lô! Những chế độ ấy sợ tự do, sợ trăm hoa đua nở, vì bản chất phi nghĩa của chúng sợ Sự thật, sợ Trí tuệ sợ Chân lý.

Hiện nay ở ta chính quyền Ngô Đình Diệm có thể nói chuyện trăm hoa không? Chúng bàn gì được chuyện ấy! Chúng bàn cách bán Tổ quốc, bán sự thật cho bọn lái buôn Mỹ thì hơn! Chúng bàn cách kìm hãm cuộc sống, bôi nhọ công lý thì đúng với chúng hơn! Chúng bàn cách vu khống cho ai dám nói sự thực, bàn cách đánh phá những toà báo như Tiến thủ, bàn cách khoá miệng từ tiếng hát, từ lời dân ca thì hợp với chúng hơn! Bản chất ngu si và phi nghĩa của chúng mâu thuẫn với Sự thật, với Trí tuệ, với Nghệ thuật.

Chỉ có chế độ ta mới có thể và dám giải quyết đòi hỏi trăm hoa đua nở của văn nghệ. Rất dễ hiểu: bản chất chế độ ra tự do dân chủ, nó phù hợp với bản chất tự do của Trí tuệ, của Sáng tạo, của Nghệ thuật. Có nên lo địch lợ dụng không? Lo thì cũng nên lo lắm, nhưng lo như thế nào chứ chẳng lẽ lo mà đi đến mức cấm đoán trăm hoa, khác gì lo giặc mà hại mình! 5 kỷ luật tuyên truyền có phải đó là biên giới hợp lý của trăm hoa ở bên ta không? Nếu chưa hợp lý thì rất nên sửa, nếu cần nên thêm, và cốt nhất là cần cụ thể hơn.

Quả thực, không có lý gì mà không tán thành trăm hoa đua nở.

11-11-56


*


Tranh châm biếm của T. Duy [9] , vẽ ba toà nhà: Trụ sở quốc hội, trại giam và nhà tù, lời ghi trong tranh:

Tin các báo miền Nam: Ngô Đình Diệm huấn thị cho Quốc hội: Chữ “thành” và chữ “tín” cần phải được thực hiện và tôn trọng trong căn nhà này.

Lời bình luận của tác giả: “Đại biểu Quốc hội miền Nam nói với nhau: Còn đấy là những cảnh ở ngoài căn nhà này!”


*


Việc Sở Báo chí trung ương thi hành kỷ luật báo Nhân văn là bất hợp pháp [10]

Những tài liệu luật pháp về việc lưu chiểu

(Trích sắc lệnh số 18, ký ngày 31-11-1946)

CHƯƠNG THỨ NĂM

Hình phạt

Điều thứ 13 - Nếu nhà in, nhà sản xuất hay nhà xuất bản nào không nộp tác phẩm của mình, hoặc không nộp đủ số bản đã định trong điều thứ 4, 8 và 10, Sở Lưu chiểu Văn hoá phẩm, sau khi đã viết thư bảo đảm đòi mà thấy vô hiệu thì một tháng sau, có quyền mua số văn hoá phẩm không nộp hay là thiếu, phí tổn nhà in, nhà sản xuất hay nhà xuất phải phải chịu.

Sau khi mua và nhận rồi, Sở Lưu chiểu Văn hoá phẩm gửi đơn hàng cho các nhà in, nhà sản xuất hay nhà xuất bản để giả tiền. Nếu họ không chịu giả, giao cho toà án đòi theo pháp luật.


Thể lệ mới về việc lưu chiểu văn hoá phẩm

Hiện nay chưa có một thể lệ nào quy định việc các nhà xuất bản và các báo chí mỗi khi xuất bản phải nộp cho những cơ quan chính quyền có trách nhiệm về việc đó một số sách báo cần thiết (trừ thể lệ Bộ Quốc gia Giáo Dục năm 1956 quy định việc lưu chiểu văn hoá phẩm ở Thư viện T.Ư.). Để bổ khuyết vào tình trạng đó, nay quy định như sau:

1. Mỗi khi các báo chí và các nhà xuất bản (kể cả đoàn thể và tư nhân) xuất bản sách, báo (kể cả hoạ báo, tranh ảnh) phải nộp một số sách báo đó cho các cơ quan chính quyền sau đây cùng với lúc phát hành:


Ngoài ra các báo chí, các nhà xuất bản không phải nộp cho một cơ quan nào khác. Cơ quan nào cần thiết thì phải mua.

2. Việc hướng dẫn giúp đỡ áp dụng luật lệ đối vớic ác nhà xuất bản, báo chí trong toàn quốc này do Sở Báo chí (Bộ Tuyên truyền) đảm nhiệm. Những nơi xa Trung ương, Sở Báo chí có thể đề nghị Bộ Tuyên truyền uỷ cho cơ quan tuyên truyền văn nghệ địa phương đó phụ trách.

Ngày 15 tháng 4 năm 1955

Tin sau cùng

Ở chỗ này, chúng tôi đã đặt một bài phân tích rõ giá trị pháp lý của việc Sở Báo chí Trung ương thi hành kỷ luật báo Nhân văn như chúng tôi đã báo trước. Trong bài đó chúng tôi đưa ra đầy đủ lý lẽ và tài liệu để chứng minh rằng:

  1. Thông báo của Sở Báo chí Trung ương nói rằng chúng tôi đã vi phạm Sắc lệnh số 1 ký ngày 31-1-1946 là sai sự thật. Chúng tôi đã làm đúng Sắc lệnh đó là nộp cho Thư viện Trung ương 8 tờ báo số 4 ngay khi phát hành rồi.

  2. Thể lệ bổ sung của Bộ Tuyên truyền ký ngày 15-4-1955 mà chúng tôi đã thi hành sai (nộp chậm 3 tờ báo số 4 cho Sở Báo chí Trung ương) tuyệt đối không có khoản nói nếu nhà báo hay nhà xuất bản làm sai thì phải chịu xử phạt thế nào mà cũng hề cho phép Sở Báo chí Trung ương thi hành kỷ luật cảnh cáo rồi đăng lên báo hoặc bằng bất cứ hình thức nào.

  3. Điểm 2 của thể lệ bổ sung giao cho Sở Báo chí Trung ương trách nhiệm giúp đỡ và hướng dẫn các báo, các nhà xuất bản hay nhà sản xuất, áp dụng thể lệ lưu chiểu nhưng từ ngày báo Nhân văn chuẩn bị ra cho tới nay, Sở Báo chí Trung ương chưa từng làm nhiệm vụ đó một lần nào đối với báo Nhân văn.

  4. Sở Báo chí Trung ương gửi dồn dập trong một buổi sáng ba công văn hoả tốc triệu tập ông Trần Duy (mà chúng tôi đã báo là mắc bận để rồi trách ông có thái độ không đúng mức với cơ quan chính quyền) là có dụng ý không tốt.

  5. Sở Báo chí Trung ương ghi vào biên bản một câu không chính xác: "Ông Trần Duy đã tiếp thu lời cảnh cáo trên và đề nghị cho đăng lên báo để đề cao pháp luật của chính phủ" để sau đó có cớ tự ra một thông cáo quan trọng hoá vấn đề và cho đăng lên tất cả các báo hàng ngày. Đó là hành động không đúng nội dung sự thoả thuận. Sự thực ông Trần Duy chỉ đồng ý (chứ không đề nghị) sẽ tự tay viết bài nhận khuyết điểm (chứ không phải Sở Báo chí Trung ương ra thông cáo) và chỉ đăng trên báo Nhân văn (chứ không trên tất cả các báo hàng ngày).

Ngoài ra chúng tôi cũng đề cập đến nhiều vấn đề nguyên tắc và thủ tục pháp lý mà Sở Báo chí Trung ương đã không biết đến hay không tôn trọng.

Nhưng hồi 16 giờ ngày 21-11-56 Thủ tướng Phủ đã triệu tập ông Trần Duy, quyền chủ nhiệm báo Nhân văn đến để thảo luận giải quyết việc Sở Báo chí Trung ương thi hành kỷ luật báo Nhân văn.

Vị đại diện Thủ tướng Phủ, ông Trần Duy và ông Giám đốc Sở Báo chí Trung ương đã cùng nhận định rằng việc đó thi hành vội vàng nên chưa hợp lý. Trên tinh thần nhân nhượng đoàn kết và thân ái ông Trần Duy đã thay mặt toàn thể anh chị em cộng tác với báo Nhân văn coi việc đó là một khuyết điểm của Sở Báo chí Trung ương đã được Thủ tướng phủ sửa chữa kịp thời và không phản kháng nữa.

Hồi 21 giờ (...) được một tài liệu của Thủ tướng Phủ nói về việc này. Mặc dù (...) sắp lên máy chúng tôi cũng tìm mọi cách thương lượng (...) anh em công nhân để rút bỏ bài báo dài (...) [11] được nội dung việc thi hành kỷ luật bất hợp pháp này để tránh những dư luận sai lầm không có lợi cho Sở Báo chí Trung ương. Chúng tôi chỉ lưu lại hai văn bản chính để các bạn đọc tham khảo.

Dưới đây là nguyên văn tài liệu của Thủ tướng Phủ.

Nhận định của Thủ tướng Phủ

Nhân việc Sở Báo chí Trung ương thi hành kỷ luật báo Nhân văn về vấn đề nộp lưu chiểu

Sau khi nhận được thư của ông Trần Duy, quyền Chủ nhiệm báo Nhân văn gửi lên Thủ tướng Phủ về việc Sở Báo chí Trung ương thi hành kỷ luật báo Nhân văn, ông Phan Mỹ, Chánh văn phòng Thủ tướng Phủ, đã thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ mời ông Trần Duy lên phủ Thủ tướng nói chuyện.

Cùng dự có ông Trần Minh Tước, Giám đốc Sở Báo chí Trung ương.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu và trao đổi ý kiến với ông Trần Duy và ông Trần Minh Tước, Văn phòng Thủ tướng có nhận định như sau:

  1. Trong việc chấp hành luật lệ về lưu chiểu, báo Nhân văn có khuyết điểm.

  2. Đối với các cơ quan ngôn luận, Sở Báo chí, về nội bộ, hướng dẫn phê bình, cảnh cáo để chấp hành đúng luật lệ của Chính phủ là đúng. Nhưng đối với trường hợp này chưa đến mức độ cần thiết, đăng lên báo như vậy không có lợi.

Ông Trần Duy và ông Trần Minh Tước nhận thấy tinh thần của Văn phòng Thủ tưóng Phủ nhận định như vậy là đúng.

Chúng tôi hoan nghênh cố gắng hoà giải của Thủ tướng Phủ và mong nó sẽ được tăng cường để giữ vững mối quan hệ tốt giữa chính quyền và nhân dân.


*


Tin ngắn
Nhiệt liệt chào mừng thủ tướng Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam [12]

Ngày 18-11-1958, ông Chu Ân Lai, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã tới Hà Nội, theo lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Chu Ân Lai. Tình hữu nghĩ vĩ đại Việt Nam–Trung Hoa muôn năm!



[1]Trang 1, vị trí xã luận, góc trên cùng, bên trái, lồng khung, toàn bộ bài in nghiêng, xem tiếp ở trang 2 (các chú thích đều của talwas)
[2]Trang 1, vị trí bài cái, xem tiếp ở trang 5
[3]Về vấn đề Luật pháp xin đọc thêm bài “Cần phải chính quy hơn nữa” của Nguyễn hữu Đang đăng trong Nhân văn số 4 (chú thích trong nguyên bản của Nhân văn).
[4]Trang 1, xem tiếp ở trang 5
[5]Thiếu mấy chữ vì báo rách, chưa khôi phục được
[6]Trang 1, xem tiếp ở trang 5
[7]Đúng như nguyên bản. Có lẽ phần mở đầu câu này bị mất khi bài đăng ở trang 1 được chuyển tiếp sang trang 5.
[8]Trang 1, xem tiếp ở trang 5
[9]Trang 1, dưới cùng
[10]Bài chiếm phần lớn trang 2
[11]Mất một số chữ vì báo thủng, chưa khôi phục được
[12]Trang 2, góc trên cùng, bên phải, lồng khung

Nguồn: Nhân văn số 5, ngày 20.11.1956. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.