© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
13.3.2007
 
Báo Nhân văn số 5
 1   2 
 
Ý kiến bạn đọc

Lời toà soạn: Ở mục này, chúng tôi sẽ lần lượt đăng ý kiến các bạn đọc xa gần. Có thể có một vài chi tiết chúng tôi không hoàn toàn đồng ý, nhưng chúng tôi đăng nguyên văn, tôn trọng ý kiến các bạn đóng góp cho phong trào mở rộng tự do dân chủ hiện nay.


X. M. và L. N. (cán bộ Liên khu 4)

Lâu nay công tác ở địa phương ít có dịp về thủ đô và cũng thường chỉ đọc báo Nhân dân.

Có dịp về Hà Nội, tôi tìm đọc ba số Nhân văn, tờ Trăm hoa số 2, vài tờ Văn nghệ. Qua việc trao đổi ý kiến với một số đồng chí quen biết, tôi muốn phát biểu một số ý kiến vào vấn đề công tác văn nghệ hiện nay, đó là những vấn đề: việc phê bình báo Nhân văn của báo Nhân dân, một số điểm về quyền tự do dân chủ mà chủ yếu là tự do ngôn luận. Chúng tôi chỉ là những cán bộ làm công tác chính trị nhưng rất yêu và thích văn nghệ, có nhiệt tình với văn nghệ nhưng về trình độ văn học, nghệ thuật còn kém nên không có tham vọng phát biểu về những vấn đề quá lớn mà trình độ chưa đủ nắm chắc.

Trước hết, về nội dung, có một vài điểm trong một số bài chúng tôi chưa đồng ý với báo Nhân văn, nhưng nói chung tôi có cảm tình.

Chúng tôi có cảm tình vì đó là một trong những tiếng nói ở miền Bắc đấu tranh mạnh mẽ với những cái mình cho là sai, biết vận dụng quyền tự do ngôn luận của mình, quyền ăn quyền nói, một trong những quyền thiêng liêng của người dân một nước dân chủ nhân dân.

Thấy cái gì, nói cái đó, biết đến đâu nói đến đó, thắc mắc thế nào cứ nói, nói hết, nói toạc móng heo. Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Nhưng nếu không có những ý kiến đối chọi nhau làm sao có chân lý. Chúng ta không sợ địch lợi dụng xuyên tạc gì cả vì bản chất của chế độ ta là tốt đẹp. Nhưng trong quá trinh tiến lên của chế độ đó có những sai lầm. Cứ vạch những sai lầm đó ra hết để mà khắc phục, để ngày càng trưởng thành, để thể hiện được chế độ ta là tốt đẹp, can gì chưa nói đã sợ “địch lợi dụng”.

Chúng tôi không đồng ý với báo Nhân dân điểm này. Báo Nhân dân là cơ quan của Đảng, là tiếng nói của Đảng có nhiệm vụ phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, hướng dẫn dư luận, nhưng không phải là hướng dẫn theo một công thức chính trị gò bó hẹp hòi mà là hướng dẫn theo đường lối chính trị. Đó là đường lối đấu tranh hoà bình, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xã hội chủ nghĩa (còn về nhiệm vụ giáo dục đảng viên tôi không có ý kiến).

Đáng lẽ lúc có một vấn đề thắc mắc tranh luận trên một số tờ báo, những đồng chí phụ trách báo Nhân dân nên đi sâu nghiên cứu khách quan, nhận rõ ai sai ai đúng, sai ở chỗ nào, trên cơ sở đó hướng dẫn các báo phân tích đấu tranh thống nhất. Báo Nhân văn vừa đăng lên một số bài có thể đúng hoặc chưa đúng, báo Nhân dân đã đăng một loạt bài đả kích lại. Theo tôi đó không phải là một phương pháp giáo dục uốn nắn của Đảng mà những ý kiến phát biểu trên báo đó cũng chưa chắc là ý kiến của Trung ương Đảng của toàn Đảng.

Một tác phẩm hay dở đúng sai do dư luận phân tích phê phán đánh giá. Chúng tôi không đồng ý với đồng chí Nguyễn Chương đã viết một số bài có tính chất đả kích chụp mũ như thế trong cương vị là một đồng chí phụ trách tuyên huấn trên tờ báo Đảng. Nói “trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng” là mỗi người có quyền sáng tác phát minh. Còn đúng sai, giá trị nhiều ít, để dành cho dư luận quần chúng kết luận.

Một vấn đề nữa là quyền tự do báo chí. Đảng và Chính phủ ta đã có những quy định về vấn đề tự do xuất bản, tự do báo chí rất đúng đắn.

Theo chúng tôi tất cả các báo trên quan hệ đối với chính quyền, với Đảng đều bình đẳng. Nhân dân tín nhiệm báo nào, thích đọc báo nào, là quyền của nhân dân, cũng như nhân dân cán bộ và đảng viên (…) [1] vì báo Nhân dân là cơ quan phổ biến chính sách của Đảng của Chính phủ một cách đầy đủ đúng đắn.

Không nên có thái độ phân biệt đối xử như không cung cấp giấy in cho báo này hoặc cung cấp không đầy đủ, vận động nhà in kia không in, đại lý nọ không phát hành. Những điểm đó không có tác dụng gì mà chỉ đưa đến bế tắc thắc mắc, tức bực. Chúng tôi biết rằng đây là chủ trương sai lầm của một vài cơ quan, một số cá nhân mà tuyệt đối không phải chủ trương của Đảng.

Còn về phần các bạn văn nghệ sĩ, kể cả đối với thường vụ Hội Văn nghệ, là những người có nhiệt tình, quan tâm nhiều đến công tác văn nghệ, chúng tôi mong rằng các bạn, các đồng chí cố gắng chân thành hiểu nhau nhiều hơn. Chác là đối với các đồng chí lãnh đạo Hội Văn nghệ, đề nghị các đồng chí nghiêm khắc tiếp thu ý kiến của quần chúng, nhất là quần chúng văn nghệ sĩ, thành khẩn tìm ra sai lầm và nguyên nhân sai lầm, có những biện pháp kịp thời sửa chữa sai lầm, phát huy thành tích Đảng phục vụ nhiều hơn.

Về phần báo Nhân văn, chúng tôi hoan nghênh từ số ba trở đi, bài vở nhiều tinh thần xây dựng hơn và không nên có những cái đả kích quá đáng như tranh vẽ Hoài Thanh số 2.


*


Hàn Phi Tử
Yêu nên tốt, ghét nên xấu [2]

Trước vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Theo phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà ốm nặng, đêm khuya có người đến gọi, Di Tư Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy khen rằng:

“Hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân.”

Lại một hôm Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt, còn một nửa đưa cho vua ăn. Vua nói:

“Trung thật! Của ăn ngon miệng mà biết để nhường ta.”

Về sau Di Tử Hà can vua nhiều lần trực triệt, không được vua yêu như trước nữa. Một hôm sơ suất, vua giận nói rằng:

“Di Tử Hà trước hắn tự tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực là mang tội với ta quá nhiều." Nói xong bắt đem ra xử tội.

Ấy Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau như một. Thế mà trước vua khen, sau vua bắt bẻ, chẳng qua chỉ vì khi yêu khi ghét mà thôi.


*


Quảng cáo

Báo Nhân văn cần thêm nhiều đại lý ở các tỉnh. Xin viết thư về 43 Tràng Tiền, Hà Nội.



*


Châm Văn Biếm
Thi sĩ máy (truyện vui) [3]

"…Với một chiếc máy sửa đổi đôi chút để nó có thêm trí nhớ và có cả mọt chút lý luận, người ta có thể dùng máy để phiên dịch và để viết văn…"

(Trích báo Tổ quốc số 41)


I. Thế nào là công bằng mà nói ở cõi đời này?

Đầu năm 2000… Các báo chí xuất bản đều sổi nổi đăng tin tức quan trọng về máy "viết văn" dưới những đầu đề "giật gân" lớn…

Tờ CÔNG THỨC trong bài xã luận "Nhiệt liệt chào mừng các văn nghệ sĩ máy!" đã giới thiệu như sau:

"Nhờ áp dụng những khả năng mới nhất của khoa học điện tử, máy ‘viết văn’ đã hoàn thành thoả mãn được nhu cầu văn nghệ ngày một tăng của loài người. Những sáng tác phẩm của nó, vừa kịp thời vừa minh hoạ đúng chính sách, sẽ giải quyết được mọi khẩu hiệu phức tạp của cuộc sống.

Mỗi giây đồng hồ máy đó có thể sản xuất được từ 7 đến 8.000 dòng văn thơ. Nếu dùng sức óc và tâm hồn người thì phải hàng ngàn văn nghệ sĩ với một trình độ sách vở rất cao, cặm cụi hàng trăm năm mới làm nổi…

Do tính chất ‘Nhân văn’ của máy nên ta tạo cho nói cái vỏ bọc ngoài, hình dáng một anh chàng: trẻ, khoẻ, đẹp, chỉ khác người ‘thật’ là đứng nguyên một chỗ, không nói, cười, chạy nhẩy, nhất là không yêu đương lãng mạn lôi thôi…"

Báo CÔNG THỨC kết luận:

"Chúng ta, những con người ‘thật’, cần hợp tác nhất trí với các người ‘máy’, cần triệt để dùng họ và đội quân văn nghệ sĩ có thể chuyển sang các ngành công tác khác, tăng cường thêm lực lượng kiến thiết thời đại điện tử của chúng ta."

Hơn một năm sau cái ngày tin vui đó truyền đi, thì hàng loạt văn sĩ máy, thi sĩ máy, kịch sĩ máy được tung ra thị trường. Một số cán bộ phụ trách về văn chương sính máy móc ở một số ngành, một số cơ quan xí nghiệp nông trường v.v… thi nhau mua về sử dụng. Ở những nơi đó, nền văn nghệ máy được độc quyền tô lục chuốt hồng cuộc sống bình ổn, còn lũ văn nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt thì bị gạt ra ngoài.

Nhạc sĩ Ảo Huyền được cử đi học lớp "nghiên cứu nghề làm nước mắm"; hoạ sĩ Lập Thể được điều sang Mậu dịch; nữ sĩ Trong Trắng ném bút làm nghề đỡ đẻ. Thi sĩ Mây Nước ra Bờ Hồ làm nghề bói Kiều tán róc về thành phần giai cấp cho những người còn đầu óc mê tín dị đoan.

Văn sĩ Đắng Văn Cay phải ra chợ giời làm nghề bán văn kiêm bán săm. Săm lốp vì cần khuyến khích nên được miễn thuế, còn văn của Đắng Văn Cay thì bị liệt vào hàng "vô dụng" và phải chịu thế 4 phần trăm. Rất ít người chịu quẳng tiền ra mua. Đôi ba vị khó tính lại còn rỉa rói: "Văn chương anh thì ra cái đếch gì! Không ích lợi bằng chiếc đế dép cao su của tôi nữa kia!". Nhà đạo diễn Kinh Kha được chuyển sang ngành nuôi cá vàng, mỗi khi luyến tiếc sân khấu thường ngắm cá bơi lội rồi tưởng tượng con cá vẩy bạc óng ả này là Điều Thuyền, con cá đen mặt sắt nọ là Bao Công, cặp cá đuôi cờ lồi mắt kia là đôi nhân vật tiểu tư sản...

Tóm lại có một bộ phận văn nghệ sĩ bị tơi bời rối loạn. Ai cũng thù ghét lũ người máy mới ra đời kia, nhưng ai cũng chịu thua. Vì cứ công bằng mà nói thì "máy móc" quả là kịp thời sự, thông kinh sử, lại đúng khuôn phép, "tốt ăn tốt ở" hơn người thực ở cõi đời này.

II. Vì sao mà "Lăng Quăng" nổi ghen?

Ở nông trường tập thể CON ÉN có nhà thơ trẻ tuổi Linh Quang. Suốt mấy năm liền kể từ ngày nông trường bắt đầu xây dựng, Quang đã làm thơ ca hò vè đủ kiểu, khi duyên dáng, khi nghịch ngợm, khi thiết tha yêu đời để phục vụ nông trường. Một vài bài thơ của anh đã được bà con học thuộc lòng. Nói chung anh làm việc tốt và được cảm tình của nhiều người.

Nhưng có ưu thì cũng phải có khuyết. Cái khuyết của anh ta là hay vi phạm luật lệ. Giữa giờ chính quyền nhiều lần anh bỏ đi chơi. Khi thì đi câu với cụ HAY RƯỢU để tán ma tán mãnh về nhiều cái sự đời. Khi thì lê la tâm sự với vài gã thanh niên, bàn về những chuyện tương lai trên giời dưới đất. Khi thì trò chuyện với một số phụ nữ ở nhóm giữ trẻ, điều tra cái việc sao đàn bà và con nít lại hay khóc như nhau. Đôi khi còn làm thư ký riêng cho vài lão bà muốn viết thư gửi con cháu công tác ở tỉnh xa. Ngoài ra anh còn bừa bãi như giấy tờ sách vở không sắp xếp ngăn nắp, tóc không có đường ngôi, áo mặc chuyên môn không cài khuy cổ, sáng tác thì không có chương trình kế hoạch. Nghiêm trọng nhất là khi yêu cô DUYÊN, cán bộ cơ xưởng của nông trường, anh không hề có báo cáo trước. Tất cả những điều trên đây là làm cho trưởng ban nội quy NGHIÊM VĂN TÚC, con người rất mực khuôn vàng thước ngọc, phải lấy làm bực mình và chướng tai gai mắt. Túc thường bắt bẻ anh và gọi riễu anh là LĂNG QUĂNG. Cả nông trường về sau cũng quen gọi anh bằng cái tên bị Túc xuyên tạc ấy.

Ông chủ tịch nông trường vốn người từng trải, hiểu rõ câu "nhân vô thập toàn", lại biết mến tài nên đối xử với Lăng Quăng rộng lượng. Cũng vì vậy mà trong khi có một số nơi đã mua sắm văn nghệ sĩ "máy", ông vẫn viện hết lý do này lý do khác để không chịu dùng cái thứ "máy móc" đó. Ông nói: "Còn khối nơi người ta không có người máy mà phong trào văn nghệ của người ta vẫn lên rầm rầm". Có lúc ông lại phát biểu: "Đồng chí Lăng Quăng vẫn đủ khả năng phục vụ nông trường" hoặc "Văn thơ máy thì hay làm sao bằng văn thơ người được". Nghiêm văn Túc luôn luôn đối lập với những ý kiến đó, luôn luôn đòi nông trường CON ÉN phải có một thi sĩ máy. Túc thì chẳng hiểu văn nghệ, văn nghiếc là cái quái gì, nhưng chỉ nghĩ một cách sơ lược là: được cái gã "tốt ăn tốt ở" ấy về thì đỡ phải lao tâm tổn trí đối phó như đối với Lăng Quăng. Phần nội quy ở nông trường tất nhiên sẽ được bảo đảm.

Túc đòi hỏi nhiều lần mà cứ bị gạt đi, bèn mưu mô vận động một số anh em cùng cánh làm kiến nghị phê bình ông chủ tịch là cảm tình cá nhân, có tư tưởng bao che hữu khuynh với Lăng Quăng, không có tinh thần cải tiến nông trường, thiếu tin tưởng ở kỹ thuật hiện đại. Bản kiến nghị yêu cầu ông chủ tịch phải cho nông trường sắm ngay một người máy về thay thế Lăng Quăng, nếu không sẽ kiện lên trên. Ông chủ tịch bị dồn vào cái nước không đồng ý không được nên đã quyết định tán thành, nhưng đồng thời ra chỉ thị vẫn để Lăng Quăng làm thơ như trước, chiếu cố đến thành tích của anh ta.

Thế là chỉ mươi ngày sau, Nghiêm Văn Túc lên bách hoá tỉnh chọn lọc, đã mua về đuợc một thi sĩ máy, cổ đeo biển đăng ký số 111.

Đêm ra mắt của thi sĩ 111 được tổ chức trọng thể. Câu lạc bộ treo đèn kết hoa rực rỡ như những ngày hội mùa. Nam nữ đều ăn mặc đẹp. Trước khi vào bàn tiệc, người ta thì thào bàn tán rất nhiều về "anh ta", nhất là trong đám đàn bà con gái. Một nữ công nhân lái máy cày khoe khoang: "Các bà chị ạ! Em được xem mặt anh ta hôm mới khiêng về rồi. Sao người giả mà đẹp thế, đẹp hơn người thật chúng mình nhiều. Đôi mắt anh ta lại cứ nhìn em chằm chằm làm em ngượng đỏ cả mặt". Cô Duyên (người yêu của Lăng Quăng) cũng ở trong đám ấy. Muốn tỏ cho mọi người biết trình độ học rộng của mình, cô bèn vanh vách thuật lại những điều đọc được về người máy đăng trong tờ CÔNG THỨC.

Không mộ ai thèm đẻ ý đến Lăng Quăng nữa, Anh thất thểu đi giữa đám đông, chẳng bắt chuyện với ai mà cũng chẳng ai buồn bắt chuyện với. Càng nghe những lời tán tụng thi sĩ máy, lòng anh càng nặng trĩu buồn phiền.

Bước vào tiệc rượu. Nghiêm Văn Túc đạo mạo đọc diễn văn khai mạc với những câu văn vẻ hùng hồn như sau: "Chúng ta hoan nghênh người bạn mới của nông trường và tin tưởng tâm hồn điện tử của anh sẽ truyền hơi sống vào thi ca, ngõ hầu thúc đẩy chúng ta tiến mau trên đường sự nghiệp..." Tán đến con số đăng ký 111, Túc nói: "Nếu đem chiết tự con số đó, chúng ta sẽ được ba con mắt ‘nhất’, nó biểu hiện anh bạn chúng ta có ba điệu trội nhất, ấy là: nhanh nhất, đúng nhất và kỷ luật nhất. Tôi trân trọng đề nghị từ này sẽ gọi tên anh là BA CON NHẤT cho nó… mỹ thuật". Quay sang phía Lăng Quăng, Túc cười đắc chí, kêu gọi Lăng Quăng nên cố gắng noi gương thi sĩ Ba Con Nhất về mọi mặt, nhất là về mặt tôn trọng nội quy. Đọc xong diễn văn, Túc chắp hai tay lên ngực, nghiêm chỉnh ngồi xuống, đảo mắt liếc trộm đám phụ nữ, y thầm nghĩ: mấy cũng có vài cô ả cảm phục cái oai phong lẫm liệt của mình.

Tiếp đó, theo đúng nghi lễ, người ta mở tấm vải choàng phủ mặt để Ba Con Nhất xuất đầu lộ diện. Toàn phòng đứng dậy vỗ tay, nâng cốc, chạm cốc, hoan hô ầm ầm và xuýt xoa khen bộ mặt phỗng của Ba Con Nhất quá là trẻ đẹp. Người ta vặn những nút chữ sau lưng hắn, máy chạy sè sè trong bụng hắn. Đôi mắt hắn lúc sáng lúc tắt, trông tưởng như nhấp nháy, chỉ độ phần mười một giây hắn đã nhả ra ở khe hở con sau gáy một tờ giấy in bài thơ dài đáp từ. Lăng Quăng được chỉ định lên ngâm bài thơ đó. Tiếng ngâm vừa dứt thì tiếng hoan hô lại ran như sấm, nhiều cô gái nhảy cẫng lên. Một bà mẹ quá xúc động chạy đến chỗ Ba Con Nhất đứng dịu dàng hôn trán hắn. Một thanh niên gỉ tai Lăng Quăng van vỉ mượn bài thơ đáp từ đó để về chép và học.

Trong một tiệc rượu, người ta vừa ăn vừa nắc nỏm khen từng chữ từng câu của bài thơ. Mấy cụ ông râu dài trầm giọng láy đi láy lại những câu mà các cụ cho là lý thú nhất như:

Thời đại tươi vui đẹp nắng vàng
Rập rờn cờ đỏ trống khua vang
Bao tay lao động xây tươi đẹp
Phấn khởi nông trường, tiến tiến hăng..

Rồi các cụ ho sù sụ làm cho các cụ bà mủm mỉm cười nửa tình tứ nửa thương hại. Trong khi ấy Nghiêm Văn Túc thỉnh thoảng lại trang trọng gật gật cái đầu, tỏ vẻ hài lòng và hả hê đảo mắt liếc phụ nữ…

Lăng Quăng thì im như cá chép, đau khổ ngồi thu nhỏ mình lại trong bàn tiệc, cảm thấy mình bé bỏng quá, tồi tàn quá. Mọi khi trong các buổi hiếu hỉ, anh là cái "đinh". Mọi người tha thiết nài ép anh ngâm thơ. Mọi vỗ tay đều dành tặng cho những vần điệu du dương hay bốc lửa của anh. Mọi con mắt đều đăm đắm rót nhìn vào anh. Mọi đôi môi đều kín đáo trao cười. Than ôi! Thời oanh liệt đó từ nay còn đâu nữa!!! Nhưng ai oán nhất cho Lăng Quăng là cô Duyên xem chừng khác ý, suốt tiệc rượu cứ nhìn dán vào mặt Ba Con Nhất, dáng điệu mê mệt, nhiều lần đánh rơi đũa, thìa, cốc hoặc gắp nhầm thức ăn ở đĩa người ngồi cạnh. Lăng Quăng nổi ghen một cách thực thà và choáng váng.

III. Tâm hồn điện tử của Ba Con Nhất

Hàng ngày… hàng ngày vào hai buổi sáng chiều, những bài thơ rút từ sau gáy Ba Con Nhất đều được Nghiêm Văn Túc cho ngâm trước máy phóng thanh. Hết ca tụng "Máy gặt về", "Điện về", "Nước về" lại tả cảnh "Chuồng thỏ mùa xuân", "Cánh đồng mùa hạ", "Hợp tác xã mùa thu". Bài nào cũng mở đầu bằng "Thời đại tươi vui…" Đoạn giữa thế nào cũng có "Cờ đỏ trống khua tay lao động..." Đoạn kết bao giờ cũng có mấy lời kêu gọi "Phấn khởi... tiến hăng..."

Nói đến nhiệm vụ thì sao cũng nhắc nhở "Bỏ ăn bỏ uống một ngày, nhưng không bỏ được máy càng vinh quang". Yêu nhau thì phát triển mãi cái tứ duy nhất là "Yêu nhau dù trọn một đời… Xin đừng đắm đuối mà rơi lập trường".

Tâm hồn điện tử của Ba Con Nhất cứ một điệu như vậy, nhạt nhẽo truyền hơi sống vào thi ca, bao trùm mọi câu chuyện, mọi tâm tình, mọi cảm nghĩ của cả nông trường… Mọi em bé chăn bò học đòi Ba Con Nhất cũng ông ổng ngâm nga: "Bỏ ăn bỏ uống một ngày..." Một chiều chủ nhật, Lăng Quăng đi chơi rừng với Duyên.

Có bàn chuyện cưới xin thì bị Duyên chỉnh luôn: "Xem ra đắm đuối lả lơi... Coi chừng kẻo lại đánh rơi lập trường!..." làm cho Lăng Quăng thở dài sườn sượt.

Thấm thoát tới hội mùa. Nông trường CON ÉN thu hoạch tốt có tổ chức mít tinh ăn mừng thắng lợi. Chỉ trong nháy mắt Ba Con Nhất đã sản xuất được "Bài ca vụ mùa thắng lợi" ngàn rưởi câu. Nội dung vẫn giống các bài cùng loại này do Ba Con Nhất sản xuất như "Ca làm cỏ thắng lợi", "Ca đi săn thắng lợi", "Ca phát huy sáng kiến thắng lợi", nghĩa là lại vẫn: "Tươi vui… lúa vàng... cờ đỏ hát ca vang... tay lao động... bỏ ăn bỏ ngủ quên sao vụ mùa... phấn khởi tiến hăng… công nông trí kết đoàn v.v…"

Nghe xong mọi người lại vô tay một cách hợp thời trang. Mấy cụ râu dài quen lệ lại láy vài câu để các cụ bà mỉm cười.

Lăng Quăng lại thấy bực bội trong người, bật dậy như chiếc lò xo, đầu ngẩng rất cao, phát biểu: "Sáo đến thế! Nhạt như nước ốc đến thế mà bà con cũng thích được à!…"

Nghiêm Văn Túc bèn nổi giận như Chúa thấy quỷ Sa Tăng đả kích vào con chiên của mình, hội ý cấp tốc với một số cán bộ trung kiên để phê phán Lăng Quăng. Một người nói: "Đồng chí Lăng Quăng nặng đầu óc địa vị… thấy thơ của thi sĩ Ba Con Nhất được mọi người yêu thích thì sinh ra ghen tuông bất mãn…" Một người phân tích: "Đồng chí Lăng Quăng nói xấu bạn… phê bình thiếu xây dựng, kiêu căng không chịu học hỏi… như thế là tư tưởng phá hoại". Nghiêm Văn Túc quên cả chắp tay lên ngực trân trọng như mọi lần, vội vã lên diễn đàn vận động lý luận kết tội Lăng Quăng coi thường sự thưởng thức văn nghệ của quần chúng và phạm vào chính sách đoàn kết giữa người "máy" và người "thật". Túc đề ra ý kiến tổ chức một cuộc đọ tài văn thơ giữa Lăng Quăng và Ba Con Nhất. Nhiều người giơ tay ủng hộ Túc. Túc nắm chắc phần thất bại nhục nhã của Lăng Quăng và như thế là có cớ để dập vùi anh. Cô Duyên lên diễn đàn xin có ý kiến. Lăng Quăng hồi hộp đợi, tin tưởng ít nhất người yêu của mình cũng sẽ bênh mình. Nhưng không! Bằng giọng cả quyết, cô nói: "Nếu đồng chí Lăng Quăng thua, tôi kiên quyết sẽ cắt đường luyến ái… vì tôi không muốn lấy chồng tồi, không tiến bộ…"

Lăng Quăng mỉm cười chua chát Anh ngẩng cao đầu nhận đọ tài với tên người "giả" đang được mù quáng tôn sùng kia.

Ngay sáng hôm sau, toàn thể nông trường nghỉ buổi làm, tới câu lạc bộ chứng kiến một cuộc thi tài văn nghệ "không tiền khoáng hậu".

Nghiêm Văn Túc được chỉ định làm trưởng ban giám khảo, ngồi giữa phòng, hai bàn tay chắp lại đặt giữa ngực, rõ ra dáng nhân vật quan trọng. Bên tả là Ba Con Nhất đứng, ngó bộ kênh kiệu. Bên hữu là Lăng Quăng ngồi thiểu não. Đầu bài thi như sau: "Tả cảnh trời xuân…" Túc đánh kẻnh báo hiệu bắt đầu. Phòng họp trở nên im lặng. Chỉ còn nghe thấy tiếng ruồi bay vo vo, tiếng máy chạy sè sè và tiếng ngòi bút kêu soàn soạt.

Khốn nạn Lăng Quăng cắn bút mãi mới được chưa đầy dăm câu thơ mà Ba Con Nhất đã tuôn ngay một bài thơ 3000 câu. Thế là cuộc thi chấm dứt. Lăng Quăng thua hẳn hoi. Mồ hôi anh vã ra, nét mặt răn rúm lại. Anh được chỉ định ngâm hộ Ba Con Nhất. Giọng anh đau đớn xót xa (giọng của người thất bại chua cay) khiến bà con lầm tưởng anh muốn làm nổi bật lên tâm hồn điện tử thiết tha của Ba Con Nhất và người ta càng vỗ tay ầm ĩ.

Bài thơ cũng vẫn quanh đi quẩn lại những câu như:

Rực rỡ vườn xuân, cúc nở vàng
Hoa đào tươi nở báo Xuân sang
Dựng xây nhân loại, tay lao động
No ấm từ đây mãi vẻ vang
Nhà máy khói vờn, đà thắng lợi
Công nông trí thức thấy vinh quang
Xuân sang phấn khởi ta đều hứa
Kiến thiết nông trường, tiến tiến hăng!…

hay

Quên ăn, quên ngủ, chớ quên đời
Chớ quên đất nước, mây trời mùa xuân

Vài cụ râu dài lại làm cái việc thường lệ là nhại lại vài câu lý thú, không quên ho sù sụ để các cụ bà thương hại. Nghiêm Văn Túc đủng đỉnh đứng dậy, ra lệnh bế mạc, rồi rời phòng thi, mắt không quên liếc ngược đảo xuôi, chắc mẩm thế nào cái dáng điệu quan trọng của mình cũng lọt vào đôi mắt xanh nào đấy…

IIII. Ba điều đáng chết và ba điều hèn

Từ sau cái bữa hỏng thi, Lăng Quăng đã không được Duyên đoái hoài đến nữa.

Càng ngày cái vị trí của anh càng bị xuống. Nghiêm Văn Túc lại quất những làn roi phê bình tàn bạo vào những sáng tác phẩm của anh, gây thành dư luận rộng rãi khiến cho cả nông trường thành kiến với thơ anh đến độ thơ anh làm ra ngâm lên chỉ độ vài khúc là người ta đã nhao nhao kêu tồi, kêu đồi bại, kêu lãng mạn. Có người lại chụp lên dăm cái mũ phong kiến tư sản, tiểu tư sản v.v…

Một bữa, muốn đo lòng người, anh đã là một việc gian dối là ký láo tên Ba Con Nhất xuống một bài thơ mới của anh rồi đem ngâm. Nghe xong, lập tức Túc đứng ra lảm nhảm phân tích làm cho cả nông trường nắc nỏm khen hay. Anh liền nói rõ sự thật là bài ấy chính anh làm thì một số không tin, cho là anh khuếch khoác, một số khác (trong đó có cả Duyên) thì lại nói: "Thảo nào, bọn mình nghe xong cũng ngờ ngợ, cảm thấy bài thơ tồi quá…" Riêng Nghiêm Văn Túc thì đao to búa lớn phê phán anh về cái tội lợi dụng tên tuổi của Ba Con Nhất để được tiếng khen, xúc phạm đến uy tín của lớp người "máy".

Lăng Quăng bị chăng chói giữa cuộc sống đầy rẫy thành kiến, bị chung quanh không hiểu mình, bỏ rơi và lạnh nhạt Mà tất cả chỉ tại cái "máy người". Nghiêm Văn Túc và cái người "máy" Ba Con Nhất vô tư vô giác kia, sừng sững yêu quái ở giữa cái nông trường tươi đẹp này. Anh căm phẫn cao độ.

Một buổi chiều thoáng thấy bóng Duyên tiến về phía Câu lạc bộ, anh liền theo sau. Duyên vào buồng đặt Ba Con Nhất, bàn tay còn đầy dầu máy chứng tỏ cô ả vừa ở cơ xưởng về là vào thẳng đây. Anh đứng nấp sau rem cửa nhìn vào, bỗng thấy Duyên ngoan ngoãn quỳ xuống trước Ba Con Nhất thầm thì xin một bản tình ca. Duyên vặn nút chữ. Tiếng máy sè sè chừng một tích tắc. Ba Con Nhất nhả ra sau gáy một cuộn giấy. Duyên giở ra ngâm nga khe khẽ:

Nghe em! Đừng quên nhiệm vụ
Chớ mất lập trường
Trọn đời anh sẽ yêu em v.v…

Ngâm xong, Duyên áp bài thơ tình đó vào ngực và ngước mắt đắm đuối nhìn vào đôi mắt nẩy lửa của Ba Con Nhất.

Lăng Quăng thấy sôi sục trong tim. Ý nghĩ rùng rợn nẩy ra. Nhất định phải cho vài nhát dao. Anh thò tay vào túi lấy ra con dao nhíp, mở cả hai lưỡi loang loáng sáng… và anh tiến vào. Duyên giật mình quay lại, hơi mỉm cười làm anh bối rối. Để lấy can đảm, anh bèn dõng dạc tuyên án: “Cô có 3 điều đáng tội chết. Điều thứ nhất là cô cám dỗ máy làm tổn thương đến đạo đức của máy. Điều thứ hai là cô ăn ở bạc tình vô chung vô thuỷ, ấy là tội phản bội. Điều thứ ba là cô giết chết một thiên tài là tôi, phương hại đến cái vốn quý nhất của xã hội là con người.”

Duyên bình tĩnh đáp lại: “Tôi chết không đáng tiếc, chỉ tiếc là chết bởi tay người hèn. Anh có 3 điều hèn không đáng sống. Điều hèn thứ nhất là anh mang tiếng làm người mà thi văn thơ phải chịu thua máy, điều hèn thứ hai là anh đã ăn cắp cái tên của máy để được tiếng khen, còn điều hèn thứ ba là anh định dùng dao hại người tay không, mà người đó lại là người đàn bà con gái…”

Lăng Quăng ôm mặt khóc rưng rức và bỏ ra về. Án mạng không xảy ra, chỉ có lòng anh rớm máu đau thương. (Thực sự Duyên vẫn yêu anh nhưng vẫn phải làm thế nào để giáo dục người yêu.)

Mấy hôm sau Lăng Quăng gặp ông chủ tịch, xin rút lui nghề làm thơ, xin được chuyển công tác khác. Nông trường đang thiếu chân quét chuồng ngựa. Ông chủ tịch đã sắp xếp anh vào chân đó, đồng thời cố an ủi khuyến khích anh. Anh làm việc cần cù nhưng đêm đêm vẫn thức khuya tiếp tục làm thơ, những vần thơ ngậm ngùi nói lên:

Những xót xa, những nước mắt khôn nguôi
Những tiếng hát muôn chim,
Những phút trái tim cười
Tôi chắp nỗi buồn vui mãi mãi
(Dù em chẳng nghe tôi)
Tôi vẫn ca
Lanh lảnh chuyện đời
Lòng hằng tin: Người sẽ hiểu lòng tôi.

V. Đoạn kết rất công thức nhưng cần thiết

Số là… dù sao đi nữa thì máy vẫn chỉ là máy. Khả năng của máy chỉ có hạn. Tâm hồn điện tử của Ba Con Nhất dù được Nghiêm Văn Túc nâng niu đến mấy đi nữa cũng trở nên tầm thường khô cạn và nhạt nhẽo. Nông trường CON ÉN đã bắt đầu ngấy những vần điệu nhai đi nhai lại mãi.

Những bài về thời sự chính sách của thi sĩ máy từ bài thứ vài nghìn trở đi được phóng thanh sáng sáng chiều chiều đã làm các bà già buồn ngủ, các ông già bực dọc bứt tóc vặt râu, các con trai bịt lỗ tai, các cô gái thanh xuân thì nguyền rủa: “Khổ lắm biết rồi, cũ lắm rồi”. Còn cụ Hay Rượu thì chếch choáng vài ba tợp rượu xông lại trước mặt Ba Con Nhất mà cà khịa. Nghiêm Văn Túc thì giở một quyển luật về “chống đánh nhau” ra can.

Cuối cùng cả nông trường kiến nghị lên ông chủ tịch đòi quẳng Ba Con Nhất vào kho chứa đồ đồng nát. Túc cố kể thành tích của Ba Con Nhất hòng cứu vãn quyền uy của máy. Cả nông trường phản đối Túc quyết liệt, lại còn đòi quẳng cả cái tủ sách vở chứa trong bụng Túc đi nhân thể. Túc lấy làm sợ hãi, vội vàng chắp hai tay lên ngực, rồi khóc, trang trọng y hệt bậc chân tu thấy mọi gười không hiểu nổi chánh đạo của mình.

Sau đó Nguyễn Linh Quang được trả về chức vụ thi sĩ của của mình. Nông trường giao cho cô Duyên xuống chuồng ngựa đón. Cuộc tái hợp diễn ra bao nhiêu mừng mừng tủi tủi.

Nông trường trở lại đời sống thực của con người. Bà con lại học thuộc thơ Lăng Quăng, những bài thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, rất “người”, ca tụng tình yêu lao động, sáng tạo yêu đất nước và yêu cuộc sống vĩ đại muôn màu muôn vẻ

Tin sau cùng: Những sự việc xảy ra ở nông trường CON ÉN đã tương tự xảy ra ở một số nơi khác (từng sử dụng sai lầm người “máy”) và cùng đi đến một kết luận công thức nhưng rất cần thiết như đã kể lại ở trên đây.

1956


*


Trần Dần
Tôi đứng mênh mông chỉ mặt "ngài" Ngô [4]

(Đoạn thơ này trích trong bài thơ dài "Cách mạng tháng Tám" của Trần Dần, in trong tập thơ Cửa biển của 4 người Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, nhà xuất bản Văn nghệ mới phát hành.)

Tôi công dân nước cộng hoà mười một tuổi.
Tôi đứng mênh mông
chỉ mặt
Ngài Ngô,
Ngài nói: được lòng dân, thắng lợi.
Tự do, tự diếc, gì gì…
Nhưng thưa Ngài -
Sai Ngài phải rúc vào bóng tối suối A-chê,
Ngài moi ruột từng người phụ nữ
từng em bé dại, tay không –
mà tội ác Ngài vẫn phơi ra ánh sáng?
Sao ảnh Ngài in giấy Mỹ trắng thơm,
người dân lại phơi ngài
ra cửa liếp
cho một phên gậm nát, nắng mưa thui?
Tại sao những em bé chăn trâu
lại đánh rớt ngài
trên đống cứt?

Ngài hãy hỏi mỗi con đường, góc phố
đã xấu hổ ra sao
vì sống dưới quyền Ngài?
Những tờ báo
ngợi ca Ngài sao nhỉ
Ngài phải giở trò du côn đánh đập người ta?
Những gánh hát
chắc hát Ngài hay lắm
Ngài phát run lên
khoá miệng cả lời ca!
Ngài thắng lợi: bao nhiêu đồng cỏ dại!
cánh tay nông dân
ôm ghì đất mẹ ra sao?
Tố cộng -
Ngài bắt được những hai người
ở Gia Định cơ à?
Nhưng -
sao Tổng thống mặt xanh như chàm đổ
khi chân chị Diệu
bước về thành?
Sao ở vùng Cái Nước, Bạc Liêu
Ngài uất ức, thổ ra từng chậu máu
lùng vây: -
không bắt được người nào?
Ngài hãy hỏi
những thùng phiếu giả
chúng chửi Ngài mấy cót mấy nia?
Ngài đã thắng bốn vị Thần Khoái Lạc.
Nhưng -
gia quyền Ngài
mở mấy tiệm, mấy sòng thêm?
Sao những R.O.
Phun loạn khói Sài Gòn?
Sao những tấn mủ
hàng tấn lim la
vẫn khệnh khạng
ra vào dinh Tổng Thống?
Và các vị Mỹ làm sao
say bí tỉ
ôm đàn bà cởi truồng
nhẩy trước mặt Ngài xem?
Cả tư sản cũng đòi ngao du miền Bắc.
Sao Ngài run lên
khi nghe: quan hệ bình thường?
Ngài lo sợ điều bình thường ấy
sẽ đưa Ngài xuống vực bất thường ư?

Ngài lắm súng - lại sẵn lòng tàn bạo.
Không bao giờ
Ngài từ chối
máu dân ta.
Nhưng -
Chợ Lớn
sao Ngài không dám bắn
300 công nhân khai hội chửi Ngài
Và khắp miền Nam
dưới mũi lê Ngài
sao nẩy nở lắm ca dao hay thế?
Khen ngài là –
bán nước
Tặng Ngài tên -
con chó gặm xương?
Thôi, khoan nói: nhân tâm, thắng lợi
Hãy đếm những cục-xương-đô-la
chủ Mỹ quăng cho
Và tốt nhất -
hãy bàn cách chết!
Số phận Ngài là:
sẽ chết treo.
Dây thòng-lọng-thời-gian
xám xịt
đã bắt đầu thấy nhục
phải xiết trên cái cổ thối tha Ngài!


*


Hoàng Tố Nguyên
Tiếng hát quê hương

Lời toà soạn: Hoàng Tố Nguyên là một trong những nhà thơ xuất sắc miền Nam. Thơ của anh trong kháng chiến đã có tác dụng khá sâu trong nhân dân Nam bộ. Từ ngày tập kết, Hoàng Tố Nguyên sáng tác nhiều, có một số bài trội như “Gò me”, “Gửi Hương và con”, “Bài thơ bên gối cưới”. Lần này chúng tôi giới thiệu bài “Tiếng hát quê hương” của anh vừa sáng tác, trong đó bao hàm tình yêu Nam bộ thắm thiết của anh.


Mẹ sinh con
vò rơm bện ổ
Mẹ ru con
tiếng võng chiều quê:
Ầu ơ… Vàng cầm kể cũng bỏ đi
Chồng xung lính tập mấy khi trở về!...
Con lớn lên giữa bốn bờ tre
Lần vách nát tập bước đầu chập chững
Hàng so đũa mây mùa lá rụng
Ao bèo khô, bùn vẩn chân cầu
Võng sờn bẹ chuối (…) [5] tao
Máu tươm vú mẹ hôm nào thiếu cơm
Cầm canh tiếng cú vọng buồn
Nựng con, rứt vú, bồn chồn mẹ đi
Tù và gọi thợ cấy thuê
Tưởng chừng cắt ruột những khuya mưa dầm
Bà con nhắm mắt trời rằng
Xót nàng dâu trẻ, thương thằng cháu thơ:
“Chồng con đất lạ gửi mồ
Ba năm đã trọn, đợi chờ chi con!”
Con lớn con khôn
Biết lượm trấu, quờ rơm giúp mẹ
Nghe xóm chòm xưa kể
Thuở mẹ mười lăm
Tóc xoã tầm lưng, tiếng hát trong ngần
Chỉ ngũ sắc bay tua đôi nọc cấy [6]
Mẹ trỗi giọng
cu cười lặng gáy
Mạ cầm tay, trai trẻ ngây nhìn
mai mối đi về... cỏ lấp đường quen
Người ta sợ nàng dâu tài sớm yểu!
Đêm đêm con nũng nịu
Mân mê vú mẹ, nằn nì
“Mẹ ơi, mẹ hát con nghe
Mẹ cứ hát như hồi còn con gái!”
Nước mắt mẹ rơi (...) [7]
Giật mình con cũng khóc theo
Lược cưới dần thưa
- tóc mẹ rụng nhiều
Con vẫn chưa bao giờ nghe hát!

Đời cách mạng dạy con biết khóc
Biết yêu
- đứng thẳng người
Lao vào dĩ vãng xa xưa
Nhận mặt kẻ thù đã đẩy cha con đi chết
Những trưa nắng hành quân
qua thôn làng cháy khét
Trong chiến tranh con tìm nghĩa chiến tranh
Đêm sao lu, nhìn bốt giặc nép mình
Nóc ngơ ngác lá cờ tam sắc
Con như thấy: thuở nào trên đất Pháp
Bóng cha con tì súng nhớ quê hương
Máu dân nghèo thuộc địa Đông Dương
Đã đổ cho ai
trong chiến tranh thứ nhất?!
Con càng hiểu vì đâu mẹ không thể hát
Như ngày xưa: tóc mẹ xanh xanh

Chiều nay
Trên sóng điện phát thanh
Điệu hò cấy Gò Công rì rầm giọng biển
Như tiếng chim cu trưa hè âu yếm
Chơi vơi
sực nước hương đồng!...
Tiéng hát xưa mẹ nhốt chặt trong lòng
Ép thành sữa nuôi con côi cút
Tiếng hát đã mười năm nín bặt
Trong thép gai, đai lửa quê nhà
Giờ đây cất cánh bay xa
Từ lòng Hà Nội thiết tha hoà bình
Vang lên ý chí tâm tình
Tưởng như lời mẹ riêng mình gửi con!
Nghe tiếng hát quê hương thương nhớ
Tâm hồn con cháy đỏ: Một ngày…
Mẹ dù tóc bạc gió bay
Còn đâu giọng hát như ngày xa xưa
Dù quê ta đồng khô, bếp lạnh
Mỹ Diệm đang bắt lính dồn làng
Máu dân nghèo khổ miền Nam
Quyết không vì cuộc tương tàn chiến tranh
Để tiếng hát trong lành phải tắt
Như ngày xưa mẹ mất cha con
Mẹ ơi!
Khi sóng nước Cửu Long giang
toả sáng ngày vui Thống Nhất
Con mẹ trở về
Giữa bốn bờ tre
Con sẽ hát những lời mẹ hát
Con sẽ ca những điệu mẹ ca
Con sẽ làm thơ ca ngợi ngày mùa
Cho mãi mãi quê ta:
Không còn những đêm dài nước mắt
Những em bé không như con côi cút
Những tóc xanh không sớm chít tang chồng
Chân đê… bãi mía… cánh đồng
Có muôn thiếu nữ tung lòng bay cao!...

Hà Nội, 10-1956


*


Quảng cáo [8]

Chúng tôi vừa nhận được tập thơ Cửa biển của bốn tác giả gửi tặng, nhà xuất bản Văn nghệ phát hành. Tập thơ dày 114 trang in đẹp gồm có:
Tiếng hát quan họcủaHoàng cầm
Bốn bài thơcủaLê Đạt
Những người trên cửa biểncủaVăn Cao
Cách mạng tháng TámcủaTrần Dần

Xin cảm ơn bốn tác giả và trân trọng giới thiệu tập thơ Cửa biển với bạn đọc.

Nhân văn


*


Quảng cáo [9]

Nhân văn số 6 sẽ đăng thơ Hữu Loan, thơ Yến Lan và một chuyện ngắn của Mai Hanh: “Xuống trần”.

Nhân văn số 6 sẽ đăng nhiều tài liệu quan trọng về Ba Lan. [10]


*

Quảng cáo [11]

Sáng tạo, báo sân khấu điện ảnh. Số 2 sẽ ra ngày 20-11-1956 có nhiều bài quan trọng về phim Liên Xô, về sân khấu Việt Nam. Nhiều tranh ảnh đẹp – giá 300 đ.



*


Trần Duy
Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ [12] (tiếp theo kỳ trước)

Hoàng Đạo tìm đến một anh bạn muốn góp tiền vào Nhân văn để đe doạ làm cho anh sợ phải rút lui. Hoàng Đạo lại tìm đến các nhà in dèm pha xui giục làm cho chủ e ngại, thợ hoang mang, đình đốn cả công việc in Nhân văn.

Anh em công nhân nhà in X.T. cũng thắc mắc không biết tờ Nhân văn phản động ở chỗ nào và tại sao phản động mà chính phủ không cấm nó, lại phải để cho những kẻ đội lốt danh nghĩa công đoàn vận động phá hoại nó?

Chúng tôi tự hỏi: Hoàng Đạo dựa vào một thế lực nào để dám trắng trợn vi phạm đến tự do báo chí, tự do tư tưởng như vậy?

Số một ra đời. Rồi tiếp số hai và ba. Kiểm điểm qua các số báo:

Nhân văn chỉ nêu lên những khuyết điểm mà cán bộ vì quan liêu, hẹp hòi, bè phái, máy móc đã gây nên tác hại, chứ tuyệt đối không đả động đến những nhược điểm xã hội mà hiện nay vì điều kiện kinh tế, tài chính, tổ chức chúng ta chưa có khả năng khắc phục được.

Ý muốn của Nhân văn là vậy. Thế mà tờ báo Nhân dân, là tiếng nói của Đảng, đối với Nhân văn như thế nào?

Việc đáng chú ý đầu tiên là bài phê bình đăng trên báo Nhân dân ra ngày 25-09-56. Bài ấy buộc lỗi chính tôi đã dụng ý nói xấu chế độ ta, buộc lỗi bằng một luận điệu vu vơ, xuyên tạc mà chúng tôi đã vạch rõ trong bài trả lời đăng trên báo Nhân văn số 2.

Trong bài trả lời, chúng tôi đặt trách nhiệm chính vào bạn Nguyễn Chương và trách nhiệm phụ vào bộ biên tập báo Nhân dân. Chúng tôi không đặt vấn đề trách nhiệm với Đảng Lao động. Vì chúng tôi cho rằng việc làm của bạn Nguyễn Chương là manh động và việc làm của bộ biên tập báo Nhân dân là sơ suất.

Nhưng báo Nhân dân ra ngày 13-10-56 lại đăng một bài nữa của bạn Nguyễn Chương xác nhận bài trước là hoàn toàn đúng.

Rồi tiếp theo đó báo Nhân dân lại cho đăng bài của Hoàng Xuân Nhị, luận điệu buộc tội vu cáo vẫn là một, nhưng ẩn dưới một hình thức trí thức sách vở hơn.

Như vậy là có chủ trương hẳn hòi chứ chẳng phải là chuyện cá nhân manh động hay sơ suất. Vấn đề không còn lài bào báo đúng hay sai; vấn đề là công tác lãnh đạo tốt xay xấu.

Và do đó chúng tôi đặt vấn đề với Đảng mặc dầu đấy mới là thái độ của những bộ phận lưng chừng của Đảng, chưa phải là của Trung ương, lại càng chưa phải là của toàn Đảng.

Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có hai trường hợp để chọn lấy một:
  1. Chúng tôi bị coi là địch thì giải pháp là tiêu diệt.

  2. Chúng tôi được coi là quần chúng thì giải pháp là lãnh đạo.

Chúng tôi đánh giá Đảng rất cao.

Chúng tôi không thể nào nghi ngờ Đảng lại sai lầm đến nỗi coi chúng tôi là địch.

Vậy chỉ có một con đường là những bộ phận lưng chừng của Đảng phải coi chúng tôi là quần chúng và lãnh đạo chúng tôi.

Về phía chúng tôi, chúng tôi đã không ngồi chờ Đảng phải tìm đến chúng tôi mà lãnh đạo. Chính chúng tôi đã tìm đến Đảng để yêu cầu được lãnh đạo, để cố tranh thủ sự lãnh đạo. Xin kể sơ qua vài sự việc chính:
  1. Trước khi Nhân văn ra số 1 chúng tôi đã viết thư cho ông Tố Hữu là người phụ trách Tuyên huấn Trung ương, đề nghị ông hướng dẫn và giúp đỡ. Sau đó chúng tôi lại yêu cầu được gặp ông; đôi bên đã gặp nhau và chúng tôi ngỏ ý mong được giúp đỡ về tinh thần là chính.

  2. Nhân văn số 1 ra đời có lời tuyên bố tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.


  3. Sau khi Nhân văn ra số 1, có thư gửi các ông Thủ tướng, Tổng Bí thư Đảng Lao động, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Văn hoá (của Chính phủ) Bộ trưởng Tuyên huấn của Đảng, Chủ tịch U.B.H.C Hà Nội, Bí thư Đảng bộ Lao động Hà Nội và Thường trực Hội Văn nghệ, yêu cầu luôn phê bình chỉ bảo.

  4. Trong hầu hết các bài từ số 1 đến số 3 đều nêu cao lòng tin tưởng của chúng tôi đối với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng.
Đến thế mà thái độ cơ quan ngôn luận của trung ương của Đảng vẫn tạo ra tình thế đối lập thì quả là cố tình. Báo Nhân dân có quyền không đồng ý với một số bài của báo Nhân văn, có quyền phê bình tranh luận. Nhưng không thể sử dụng cái uy thế của Đảng để buộc tội, gán ghép cho Nhân văn những danh từ nguy hiểm về chính trị, rồi in thành giấy trắng mực đen trên hàng chục vạn số báo gửi đi khắp nơi, gây cho nhân dân các tỉnh một nhận định sai lầm tai hại về chính trị với nhóm Nhân văn.

Đó là dùng phương pháp hành chính để tiêu diệt địch chứ không phải là phương pháp phê bình để đấu tranh văn học đối với bạn.

Thật là lạm dụng quyền hạn và những phương tiện tuyên truyền mà nhân dân và Đảng đã trao cho. Những hành động ấy của báo Nhân dân không phải là lãnh đạo theo nguyên tắc của Đảng.

Báo Nhân văn ra đời bị nhìn bằng con mắt lệch lạc ác độc.

Nó bị một số người lãnh đạo đối xử như thù địch:
Tình trạng trên tuy có nguy hại, nhưng không nguy hại bằng biện pháp sau đây: một số người lợi dụng tình hình thống nhất Bắc Nam, gặp bước khó khăn, nhiệt tình đòi hiệp thương của đồng bào, cán bộ miền Nam.

Họ đổ cho Nhân văn đã gây khó dễ cho Đảng trong việc thống nhất Bắc Nam, Nhân văn làm chậm hiệp thương, Nhân văn có tội với miền Nam. Có người lại ký tên trá hình mượn tiếng nói của miền Nam đăng ở một tờ báo hàng ngày, vận dụng tình cảm để tranh thủ quần chúng và đẩy quần chúng đối lập với Nhân văn.

Nếu xảy ra tình trạng hai hàm răng cắn phải lưỡi thì tội ấy không phải do Nhân văn gây ra, càng không phải của cán bộ miền Nam, mà tội ấy là tội của những người lạm dụng chính nghĩa, đội lốt cách mạng để là những việc phi nghĩa, phi cách mạng.

Nhưng đó là những chuyện đã qua. Mong rằng những cái đã qua sẽ không tiếp tục.

Các bạn,

Chúng ta có thể hiểu nhau được lắm. Chỉ cần một chút thành tâm và cố gắng gần gụi nhau.

“Đất nước thịnh hay suy, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm”, chúng tôi sẽ không sợ dối lòng mình, hổ thẹn với lương tâm khi chúng tôi nói: chúng tôi làm như vậy là vì chúng tôi yêu nuớc, yêu chế độ. Chắc các bạn không lạ gì trên đất nước tươi đẹp của chúng ta còn rớt nhiều tệ lậu đương kìm hãm bước đi của dân tộc, đương xâm phạm đến uy tín và sự nghiệp của Đảng, đến đời sống của dân.

Chế độ ta sẽ hấp dẫn biết bao, lớn mạnh biết bao nếu thanh toán được những tệ lậu đó. Chúng tôi muốn đóng góp phần của chúng tôi với Đảng với dân, giúp Đảng, giúp dân trong phong trào mở rộng dân chủ, sửa chữa sai lầm, xây dựng miền Bắc tốt đẹp, đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho thống nhất.

Mục đích của chúng tôi và của các bạn chắc cũng chỉ là một. Nhưng phương pháp, ý kiến có đôi chỗ khác nhau. Chúng tôi không yêu cầu các bạn tán thành tất cả mọi ý kiến của chúng tôi. Chúng tôi chỉ đề nghị các bạn bình tĩnh và thẳng thắn đấu tranh, bàn bạc thiệt hơn với nhau, cái gì có lợi cho dân cho nước thì làm, không nên thủ đoạn đối phó, gây ra cảnh anh em trong nhà đánh lẫn nhau.

Đất nước đương gặp khó khăn. Việc mở rộng dân chủ, vận dụng tất cả mọi khả năng sáng kiến của quần chúng vào việc sửa sai dựng nước là vô cùng cần thiết.

Chúng ta phải thành thật tìm hiểu nhau hơn.

Chúng tôi tin ở sự sáng suốt lãnh đạo và giúp đỡ của Trung ương Đảng.

Chúng tôi tin ở sức mạnh của chân lý, sự giám sát và xây dựng nhiệt tình của quần chúng.

Chúng tôi tin ở sự cố gắng tìm hiểu nhau của tất cả chúng ta.

Lịch sử đang đi những bước lớn. Những cái gì cản trở phong trào tự do dân chủ, cản trở bước đi lên của dân tộc nhất định sẽ bị gạt ra ngoài.


*


Cao Nhị
Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô: Mấy bộ phim dở [13]

Trong báo Văn nghệ số 145, khi giới thiệu nửa tháng liên hoan phim Liên Xô và khen những phim Ô-ten-lô v.v… tôi có nhắc qua tới những bộ phim khác như Ngai vàng sụp đổ, Hai sĩ quan và chê nó là dở.

Có người trách “dở như thế nào, phải phân tích cho có lý lẽ, không được hạ bút nói vô trách nhiệm như thế, ảnh hưởng xấu đến nửa tháng phim của người ta”. Vậy tôi xin trở lại góp ý kiến về mấy bộ phim đó. Và vẫn giữ nguyên ý kiến cũ của tôi: phim dở!

Một chứng cớ hiển nhiên và khá hùng hồn, là bây giờ ngồi viết bài này, ôn lại trong đầu những hình ảnh diễn biến của hai bộ Ngai vàng sụp đổHai sĩ quan, đầu tôi bỗng mờ mịt hẳn đi, không còn nhớ lại được gì. Cái đầu quên, mà thực cả tấm lòng lưu luyến, vấn vương với người trong phim cũng không có nữa. “Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời.” Không phải xem đến hai lần hay cần phải có trí nhớ cao, tôi nhớ mãi nét mặt đau khổ hãi hùng cua bà mẹ Pê-la-ghê trong phim Người mẹ, tôi thương mãi cái chết oan khiên của Đét-đê-môn trong Ô-ten-lô, từng lời từng lời của Ô-ten-lô vang bên tai tôi, có sức cuốn hút lạ thường, thông cảm vô cùng với con người vừa dũng mãnh vừa yếu đuối, con người say mê điên dại Ô-ten-lô!

Thế mà đến Ngai vàng sụp đổ hay Hai sĩ quan dư âm còn để lại cái gì? Không có gì cả, của đáng tội, trong Ngai vàng sụp đổ có chuyện đôi bạn tình Sê-ra-li và Ôi gun cũng khá là kỳ thú. Anh đi dẹp giặc, chị ở nhà đợi anh, trong cơn binh lửa, chị mắc tai ương; nhưng đến khi giặc tan, anh chị lại gặp nhau, gia đình đoàn tụ, vui vẻ cả. Nhưng ác một điều, câu chuyện tình đó đã lồng vào nhiều câu chuyện khác: âm mưu thắng đế quốc, dũng khí của nhân dân, tài đánh nhau của bộ đội, lại cả bộ mặt nham hiến gớm ghiếc thằng địa chủ đi ăn cướp ái tình. Người xem rất kêu về cái đoạn kết dựng lên cái ngai vua rồi đạp nó gục xuống, tượng trưng cho ngai vàng sụp đổ. Nhưng tôi không nói tới diễn xuất hay những màn bố trí giả tạo. Điều quan trọng hơn, là công chúng xem phim rất không hài lòng về cái lối xây dựng phim, xây dựng con người rất vá víu, chắp nối ấy, nó không tài nào đi sâu và thể hiện được đúng hình dáng con người thật. Kinh nghiệm trong các tác phẩm văn nghệ Việt Nam mấy năm nay, kịch hay chuyện nói đến một trăm thứ và đều đá thêm một tí tình cho nó có “yêu đương”. Đó là lối xây dựng công thức không thế làm thoả mãn người xem. Cho nên phim Ngai vàng sụp đổ dù đã có được một số hình ảnh khá sắc sảo, cảnh đồng chí Pho-Rum-Dê chỉ huy chiến đấu, cảnh nhường nhau bi đông nước, cuối cùng đổ nưới tưới cho súng… vẫn không để lại cho người xem một chút cảm giác nào dễ chịu cả. Đến nỗi có anh cán bộ nọ ở Thông tấn xã phát biểu “xem xong Ngai vàng sụp đổ thì lòng ưa thích của tôi cũng sụp đổ theo”.

Sang đến Hai sĩ quan; cách xây dựng câu chuyện lại càng tham lam, chắp nối: hoàn toàn một món “tạp pí lù” rất dở. Tôi đã không hài lòng về việc ban tổ chứ xếp phim Ngai vàng sụp đổ để khai mạc nửa tháng phim, đơn thuần bộ phim đó nói lên cuộc cách mạng chống Nga hoàng, phù hợp với việc kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga.

Đến Hai sĩ quan thì tôi hoàn toàn bất mãn, nó còn thua xa những bộ phim thông thường khác. (Một gia đình lớn, Thử thách lòng chung thủy...). Tại sao lại xếp nó vào chương trình của nửa tháng phim?

Chúng ta biết rằng Hai sĩ quan là bộ phim màu sản xuất năm 55 (cũng như Ngai vàng sụp đổ). Tài tử trong phim đều gồm những diễn viên trẻ tuổi rất có triển vọng. Vậy mà, phim chiếu lên, qua bao nhiều hình ảnh, tình tiết, không đem lại được một tiếng vang nào cả. Người ta rất khó theo dõi cái câu chuyện đời và câu chuyện lòng của anh đại uý trẻ tuổi vai chính trong phim. Anh hỳ hục đi điều tra cái vụ án ví mật đã giết đại uý Ta-ta-ri-nốp bỏ xác trên Bắc cực. Chính Têma-ta đã giết hại ông để chiếm đoạt chị dâu và cái danh vọng của anh giai mình. Tên giáo sư khốn khiếp ấy bị lột mặt nạ. Thế rồi anh đại uý trẻ tuổi nọ lấy con gái đại uý Ta-ta; anh lại kế tiếp sự nghiệp bố vợ, lái máy bay đi thám hiểm trên Bắc cực…

Tôi tóm tắt câu chuyện phim trong hai dòng. Thực ra, rất nhiều đồng bào, sau khi xem xong Hai sĩ quan đều lắc đầu phàn nàn “chả hiểu các ông ấy nói gì!”. Bởi đạo diễn đã lan man dẫn ta đi hết cảnh này sang cảnh khác, từ lúc anh đại uý còn là chú bé con, vớt được ở dưới hồ cái ba lô thư bí mật, qua đại diện anh trở thành chàng thanh niên dũng cảm. Người xem có thể nhìn thấy bộ mặt bỉ ổi của tên giáo sư đã giết anh mình, cả bộ mặt bỉ ổi của nhân viên giúp việc lão ta, suýt giết cả bạn ngoài mặt trận để cướp vợ bạn… Tịnh không bắt gặp con người thực, một anh đại uý có thực, tên là Sa-ni-a yêu một người con gái tên là Ca-chi-a bảo bệ đến cùng tình yêu ấy, chống lại lão già nham hiểm Ni-cô-lai. Mặc dầu báo điện ảnh Liên Xô khen: “Hai sĩ quan nói lên một cuộc tình son sắt và dũng cảm…”, tôi chỉ thấy tình yêu đó là giả tạo, vì lẽ giản dị cặp tình nhân đó phải lao vào nhiều tình huống ly kỳ, lằng nhằng, nghĩa là cũng giả tạo nốt. Tôi không hiểu thâm ý của đạo diễn Văng-ghê-Rốp khi muốn xây dựng một câu chuyện tình dũng cảm, sao lại phải mở đầu bộ phim một cách khêu gợi bí mật thế? Và tạo nên làm gì một bộ mặt bỉ ổi như tên phản bộ Ni-cô-lai nó chi phối cả câu chuyện phim, và làm lạc mất chủ đề tình yêu? Khiến người xem cứ lầm theo rõi mãi một cuộc điều tra bí mật kẻ đã ám hại đại uý Ta-ta-ri-nốp.

Người ra thường nói: phim Liên Xô nhiều khi non kém về kỹ thuật, nhưng nội dung tư tưởng của nó bao giờ cũng cao!

Theo tôi, - mà vấn đề này cũng cũ rồi - không bao giờ nên tách rời nội dung với kỹ thuật. Một bộ phim mà kỹ thuật kém thì tất nhiên nó không thể hiện được cái nội dung tốt ấy theo ý muốn tác giả.

Thử nhớ lại mà xem: mấy bộ phim Liên Xô khác được hoan nghênh trong năm nay như Nữ tài từ dạy hổ hoặc Người yêu phương xa thì thực chất nó như thế nào? Con người trong phim rất nhạt, tình yêu lại càng nhạt hơn. Và cái lối xây dựng chủ đề tình yêu nhẹ nhàng, công thức gán ghép gợi cười cho người xem bằng những trò hiểu lầm nghộ nghĩnh không thể đáp ứng được với những đòi hỏi của người xem có suy nghĩ.

Ngay như trong Câu chuyện bỏ dở theo tôi cũng là bộ phim khá, cái lối xây dựng nhân vật rất công thức một chiều của tác giả cũng làm công chúng không ưng chút nào. Giữa là một chị bác sĩ đẹp người, đẹp nết, hai thanh niên yêu chị ta: một anh bác sĩ kém tài kém đức, thô bỉ ra mặt; và một kỹ sư què những dĩnh ngộ, tích cực, tài đức kiêm toàn Sự lựa chọn đã quá rõ ràng, anh bác sĩ nọ hoàn toàn bị “chết cháy” ngay từ khi mới xuất đầu lộ diện. Hai phe rõ ràng một cách thô bạo như thế trong việc xây dựng nhân vật thì gây sao được những bất ngờ cần thiết và thú vị cho người xem? Con người thật trong đời có đen trắng dứt khoát như thế bao giờ? Hoạ có là người máy trong tưởng tưởng!

Đồng chí Gờ-rô-sép nhận định về điện ảnh Liên Xô: "Trình độ nghệ thuật điện ảnh của chúng ta còn thấp quá" (báo Người Cộng sản tháng 10-1955). Tôi lại nhớ tới đạo diễn Ghê-ra-xi-mốp đã rất nhiều lần phê phán những mẫu người, nhất là những mẫu tình yêu méo mó, khô cạn "tưởng như trên giời rơi xuống, không gắn bó gì với sinh hoạt con người Xô-viết bình thường". Tôi đơn cử ra hai bộ phim Ngai vàng sụp đổHai sĩ quan, không phải để phân tích sâu xa vì nó dở quá, không biểu hiện được gì, ý tôi muốn để chúng ta cùng rút kinh nghiệm trong việc làm kịch bản phim hiện nay.


*


Không phải chuyện cười [14]

Thanh Tình (sinh viên)
Con số dân chủ

A: Ở nước ta, và nhiều nước khác, đều lấy tên các danh nhân anh hùng cứu quốc để đặt tên trường học. Đó là một cách tỏ lòng biết ơn những người suốt đời tận tuỵ hiến thân cho nền văn minh của nhân loại hay hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Không hiểu sao dạo này nhiều trường mang những số thay tên các vị đó. Vừa khó nhớ, khó tìm lại vô nghĩa.

B: Cậu lạc hậu quá. Đặt tên trường bằng tên các vị danh nhân là phong kiến đế quốc… Bằng những con số mới là dân chủ và tiên tiến.

Chống công nông chủ nghĩa

(Trong giảng đường) Giáo sư: Chúng ta cương quyết chống công nông chủ nghĩa, mọi học sinh, sinh viên, dù xuất thân từ thành phần nào cũng được đối xử như nhau.

(Ngoài sân trường) Sinh viên: Sao các trường đại học năm nay nhận những người có trình độ lớp 7 lớp 8 vào học mà nhiều người tốt nghiệp tú tài và lớp chín bị gạt ra nhỉ?

Bút Chì
Tài liệu để học tập hay để đánh đố?

Ngẫu nhiên tôi được xem một tập tài liệu học tập về kinh tế chính trị của một lớp nghiên cứu chính trị.

Đọc một lượt, tôi giật mình đánh thót. Quái! Tài liệu học tập gì mà lạ lùng thế này? Ý nghĩa thì tối tăm, văn chương thì lủng củng, còn thí dụ thì toàn là sự việc ở bên Trung Quốc!

Trong tài liệu có mấy tiếng “kỹ năng lao động” trích ở cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, không ai hiểu là gì bèn đem so với bản tiếng Pháp thấy dịch là “habitudes de travail” và so với bản tiếng việt do nhà Sự thật xuất bản thấy dịch là “thói quen làm việc”. Gớm! Có thế mà đánh đố nhau mãi.

Thế rồi lại có câu: “Ví như ở nước ta, nếu không quét sạch chế độ kinh tế nửa phong kiến, nửa thuộc địa…” mới đọc ai chẳng tưởng nước ta đây là nước Việt Nam, ai ngờ nước ta đây lại là nước Trung Hoa!

Nhưng như thế cũng chưa đáng ngạc nhiên bằng những đoạn cắt nghĩa rất kỹ, càng kỹ bao nhiêu thì lại càng làm cho nười ta rối trí bấy nhiêu và cuối cùng nếu không phát khùng thì cũng nhức óc. Tôi xin trích một đoạn rất điển hình và cam đoan không sai một chữ hay một dấu chấm câu:

Phương thức sản xuất là gì? Sức sản xuất là quan hệ sản xuất mãi mãi vẫn là hai mặt cần thiết cho nền sản xuất xã hội, nền sản xuất xã hội mãi mãi bất cứ lúc nào cũng thực hiện trong những điều kiện lịch sử nhất định, nghĩa là trong những điều kiện sức sản xuất và quan hệ sản xuất nhất định. Sự thống nhất sức sản xuất và quan hệ sản nhất định đó trong quá trình sản xuất tư liệu vật chất hiện thực là phương thức sản xuất với một tính chất nhất định trong lịch sử. Thế cũng có nghĩa là phương thức sản xuất là thể thống nhất hoặc phương thức kết hợp sức sản xuất nhất định và quan hệ sản xuất nhất định trong quá trình sản xuất tư liệu vật chất.”

Đấy! Tài liệu học tập như thế đấy! Ai không hiểu thì người ấy kém thông minh. Nhưng nói thế thì chỉ được lòng có một mình ban phụ trách lớp nghiên cứu mà mất lòng cả nước Việt Nam.


*


Quảng cáo

Tìm đọc Đất mới tập 1 - Chuyện sinh viên. Minh Đức xuất bản.



[1]Mất vài chữ vì báo thủng, chưa khôi phục được
[2]Mục "Ôn cũ biết mới", trang 2, bên dưới
[3]Toàn bộ trang 3, xem tiếp ở trang 4, kèm 4 minh hoạ
[4]Trang 4
[5]Thiếu một chữ vì báo thủng, chứ khôi phục được
[6]Gò Công đồng sâu bùn lầy, cấy lúa phải dùng một thành gỗ tròn nhọn đầu (nọc cấy) ấn xuống đất thành lỗ, cắm mạ vào. Người hò hay, cấy giỏi được đoàn thợ cấy buộc chỉ vào nọc cấy khen tặng (chú thích trong nguyên bản của Nhân văn).
[7]Thiếu mấy chữ vì báo thủng, chưa khôi phục được
[8]Trang 4
[9]Trang 4
[10]Trang 5
[11]Trang 4
[12]Trang 6 (tiếp theo kỳ trước)
[13]Trang 6, xem tiếp ở trang 5
[14]Trang 6, góc châm biếm, trên cùng, bên phải
Nguồn: Nhân văn số 5, ngày 20.11.1956. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.