© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
17.3.2007
Lewis Mumford
Phép mầu của ngôn ngữ
Cao Hùng Lynh dịch
 
Tiến trình phát triển của mục tiêu nhận thức và sự độc lập cá nhân – tất cả những gì được bao hàm trong các khái niệm lịch sử về tâm hồn và thể xác – được hình thành thông qua kỹ năng đặc biệt của con người trong việc diễn giải bản chất và biến các sự kiện trải nghiệm của mình thành một tổng thể có giá trị và đầy ý nghĩa, để trên đó, con người có thể lựa chọn cho các hành vi và hoạt động tương lai. Kỹ năng đó dựa vào một khả năng đặc biệt gắn liền với chính chức năng sinh lý của con người: khả năng hình thành và truyền đạt tín hiệu. Đặc điểm xã hội của con người, sự sở hữu một môi trường ngoại cơ thể [1] và một bản chất siêu hữu cơ [2] (con người có thể truyền đạt thông tin từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không cần phải dùng đến cơ chế di truyền của sinh vật học), tùy thuộc vào khả năng làm chủ ngôn từ của anh ta.

Trong thế kỷ vừa qua, vấn đề thiết yếu về bản chất con người này đã bị che đậy bởi giả định sai lầm rằng con người trước hết là một “sinh vật biết sử dụng công cụ lao động”. Carlyle gọi như thế từ rất lâu, trước khi Bergson đề nghị nên thay thế danh từ Homo Sapiens (con người thông minh) bằng Homo Faber, con người sáng tạo. Tuy nhiên, con người không nhất thiết phải được phân biệt với con vật bằng sự kiện anh ta sống bầy đàn và biết dùng công cụ lao động. Con người, trước tiên và trên hết, là một loài vật biết tự sản xuất: sinh linh duy nhất không bằng lòng với thể dạng sinh vật hoặc với sự lập lại câm lặng vai trò con vật của mình. Cội nguồn của hình thức sáng tạo đặc biệt này không phải là lửa, dụng cụ lao động, vũ khí hay máy móc gì cả, mà chính là hai công cụ chủ quan: ước mơ và ngôn từ.

Không nhấn mạnh vào chức năng của ký hiệu, người ta không thể tiến hành mô tả bản chất con người hoặc thâm nhập vào căn nguyên sâu xa nhất của sự sáng tạo. Đó là lý do tại sao tôi bỏ qua nhiều thuộc tính khác nhau để tập trung vào vai-trò-kẻ-diễn-dịch của con người. Ngôn ngữ, phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, là yếu tố thiết yếu đối với con người đích thực. Khi không đủ ngôn từ để diễn đạt, như ta đã nhận thấy qua một số ít trường hợp được xác thực về những đứa trẻ được nuôi dưỡng như thú hoang, tách rời khỏi xã hội con người, con người chỉ là một con vật không có một trù định riêng biệt nào cho đời sống, phải bắt chước thói quen tàn bạo của loài vật đã nuôi dưỡng mình.

Dĩ nhiên, người ta có thể chỉ lưu tâm nghiên cứu phương cách mà con người đã làm ra và hoàn thiện nhiều công cụ ký hiệu khác nhau. Nhưng đối với trường hợp sự nói, lời nói lại được hình thành do sự biến đổi của các cơ quan phát âm như thanh quản, lưỡi, răng, và đặc biệt là đôi môi: trong những hộp xương sọ xa xưa nhất được phát hiện, các nhà giải phẫu học phát hiện rằng các tế bào thần kinh chi phối chức năng nói đã có sự phát triển tương đối hoàn chỉnh. Sự khuếch trương khả năng con người, qua hình ảnh năng lực học hỏi ngày càng tốt hơn nhờ vào sự thử nghiệm và điều chỉnh, đòi hỏi một công cụ đặc biệt để xử lý vô số cảm giác và ý nghĩa có tác động đến đời sống con người. Mọi cảm giác, như Adelbert Ames đã từng minh hoạ bằng các cuộc thí nghiệm, là một huấn thị có tính cách tiên lượng đối với hành động: thế cho nên, ngay cả tác nhân kích thích giản đơn nhất cũng phải được diễn giải, bởi vì việc chúng ta có chấp nhận hay phản đối tác nhân ấy tùy thuộc không chỉ vào chính bản chất của nó, mà còn vào mục đích, khuynh hướng và dự định của chúng ta. Thậm chí cảm giác rõ ràng nhất cũng cần phải được diễn dịch và tái sắp đặt, trước khi cơ thể nhận ra, nghe thấy hoặc phản ứng lại với nó. Trong sự phản ứng đó, toàn bộ cơ thể hợp tác với nhau; và điều mà nó thực sự trông thấy, nghe thấy hoặc cảm thấy chỉ là điều có ý nghĩa liên quan đến mục đích tức thời của cơ thể, hoặc đến những trù định phát triển trước đó của nó.

Tại mỗi khoảnh khắc tỉnh thức của mình, con người cảm nhận, diễn dịch, dự tính, hành động chỉ trong mỗi một phản ứng hợp nhất: nhưng giữa thời điểm khởi đầu và kết thúc, các hành vi diễn dịch và dự tính trung gian mang tính chất quyết định, bởi vì, tùy thuộc vào giai đoạn này, mà sai lầm và thất bại có thể xảy ra. Nhờ sự phát triển của ngôn ngữ, con người tạo ra một công cụ diễn dịch, đem lại cho mình một phương tiện băng qua phần lớn cánh đồng đời sống. Những gì của vũ trụ mà anh ta nhận được đã bộc tả bản chất anh ta: cái mà anh ta diễn tả về chính mình phần nào đó là bản chất của vũ trụ; chỉ duy nhất trong suy nghĩ, cơ thể và vũ trụ bên ngoài mới có thể bị phân chia.

Các sinh vật khác đáp ứng với các dấu hiệu trước mắt: tiếng gầm gừ của con chó luôn có ý nghĩa đối với con chó khác, chiếc đuôi trắng giơ lên của con hươu mẹ hàm ý “hãy đi theo mẹ!” đối với hươu con. Nhưng con người, tại một thời điểm then chốt trong quá trình phát triển, đã phát minh ra ký hiệu, dưới hình thức lời nói, có thể biểu đạt một sự kiện hoặc trạng huống ngay cả khi họ không hiện diện. Bằng hành động tách biệt và trừu tượng hoá, con người đã đạt được khả năng đề cập đến các sự vật không hiện diện, không trông thấy, các sự vật cách xa và tiềm ẩn; con người không chỉ nói đến các sự vật quanh quẩn nơi chốn trú ngụ hữu hình và đồng loại hiện đang sinh sống cùng thời, mà còn với cả tiền nhân, hậu duệ và các tinh cầu xa xăm; rồi dần dần có thể diễn đạt các ý niệm về sự vĩnh hằng và bất định, về điện tử và vũ trụ. Sau đó, con người cô đọng hoá các sự kiện thành một ký hiệu đơn lẻ có thể định rõ đặc tính phổ quát của tất cả các sự kiện ấy.

Tương tự, bằng cách thức như thế, con người mới có thể định hình và soi rọi thế giới nội tâm, bằng không thì nó vẫn bị che đậy và nằm trong tình trạng kín đáo, riêng tư. Thông qua lời nói, hình ảnh và âm thanh, thế giới ấy trở thành một phần của thế giới “công khai”, và do đó, nghiễm nhiên thành một “đối tượng” được quan tâm. Công cụ tiết kiệm sức lao động này – có khả năng trích thuật, cô đọng và bảo tồn các loại sự kiện phức tạp nhất – có lẽ là một sự biểu lộ khác của năng lực sáng tạo đối với quá trình phát triển đầy sức sống của con người. Sự sở hữu “một nhạc khí” của con người – các cơ quan phát âm đặc biệt, có âm vực rộng, cộng với tính thích bắt chước mà người ta dễ dàng thấy được nơi trẻ thơ – đã mở ra nhiều khả năng tiêu khiển khác nhau. Nếu là một nhà phát minh hoặc nghệ sĩ, đối tượng quan tâm đầu tiên của nhà phát minh hay nghệ sĩ ấy chính là thể xác của anh ta: anh ta lưu tâm đến các bộ phận cơ thể mình trước khi tìm cách thấu hiểu thế giới bên ngoài.

“Chúng ta không được quên rằng,” nhà ngôn ngữ học lỗi lạc Jespersen đã từng nhận xét, “cơ quan phát âm... là một trong các món đồ chơi quý báu nhất của nhân loại, và không chỉ trẻ con, mà ngay cả người trưởng thành sống trong các cộng đồng văn minh hay man dại đều cảm thấy thích thú khi để cho chiếc lưỡi, đôi môi và các dây thanh quản rung lên những cung bậc khác nhau.” Xuất phát từ chức năng độc đáo của cơ quan phát âm này, con người tìm cách định hình một thế giới trật tự và có ý nghĩa – một thế giới được nhận diện bằng ngôn ngữ, âm nhạc, thi ca và tư tưởng. Chiếc lưỡi là món quà vĩ đại nhất: nó là khởi nguồn của lời nói.

Sự nói tạo ra sự biến động kỳ diệu trong xã hội con người: bằng phương tiện kỳ diệu này, Prospero [3] đã thuần hoá Caliban và phóng thích Ariel. Sự nói, thoạt tiên có lẽ không tách biệt với cử chỉ hay tiếng kêu rời rạc, phi cấu trúc và thuần cảm xúc, đã đặt nền tảng cho một cơ chế phức tạp hơn dành để diễn đạt các điều trừu tượng: ngôn ngữ; và với ngôn ngữ, văn hoá nhân loại – trong vai trò các hoạt động ngoại cơ thể, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thể xác và bối cảnh thường nhật của thể xác – đã thực sự hiện hữu. Điều này đã phá vỡ các ranh giới về thời gian và không gian mang tính chất trói buộc các mối tương giao.

Thông qua hành vi của trẻ con, chúng ta có thể lần theo giai đoạn chuyển tiếp từ tiếng bập bẹ đến sự thể hiện vô tình của nét mặt, từ tiếng kêu thoả mãn cho đến những đòi hỏi bức thiết mà qua đó, một âm thanh đặc biệt được phát lên để kêu gọi sự đáp ứng nơi người mẹ: cho bú, làm vệ sinh, tháo chiếc kim băng, vỗ về. Phần lớn mối giao cảm mẹ con là sự diễn tả cảm xúc của cả hai phía. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự tiếp nhận và thể hiện cảm xúc là nền tảng cho sự thành tựu trọn vẹn của ngôn ngữ; đây là một quan điểm thường bị sự giải thích thực dụng và duy lý bỏ qua.

Qua các ví dụ về các đứa trẻ được thú rừng nuôi dưỡng, chúng ta có thể thẩm tra cách giải thích này: khả năng tạo thành lời nói dường như hoàn toàn triệt tiêu, khi những thanh âm đầu tiên của trẻ không được khuyến khích bởi các thanh âm tương tự từ phía kẻ dưỡng nuôi. Khi bị mất đi ngôn ngữ, con người cũng đánh mất luôn khả năng hình thành hành vi con người. Mặc dầu một vài cơ quan thuộc cơ thể trở nên bén nhạy như con vật – chẳng hạn có một khướu giác tốt hơn hay cơ bắp khỏe mạnh hơn – nhưng cảm xúc con người đích thực đã không còn nữa. Nhưng trên hết, đứa trẻ hoang dã ấy đã đánh mất khả năng cảm thông hoặc truyền nhận xúc cảm con người, để rồi từ đó, trở nên tự ti, không chỉ đối với người khác, mà còn với cả chó mèo, những con vật được sống chung với người và học được các cử chỉ hoặc thanh âm mà con người dùng để bộc lộ cảm xúc. Theo một phương diện tiêu cực, vẫn còn có một cách khác để hiểu vai trò ngôn ngữ của con người. Các nhà tâm lý học đã khám phá rằng, chứng câm điếc, khi được chống chọi bằng sự điều trị chu đáo, vẫn gặp nhiều trở ngại lớn lao hơn đối với trí thông minh so với bệnh khiếm thị. Sự nói, dẫu đồng hành với chứng mù loà, vẫn mở rộng con đường hợp tác xã hội.

Trong nỗ lực nhằm liên kết trí thông minh với khả năng đặc biệt trong hình học, cơ học và khoa học vô cơ, Henri Bergson, một cách lạ thường, đã đánh giá không đúng mức hiệu quả của ngôn ngữ và nhấn mạnh thái quá đến vai trò được đóng góp bởi công cụ vật chất và năng khiếu cơ học; đó là vì ông cứ khăng khăng coi sự nói là một tồn thể bị định kiến duy lý của con người đối với vật thể tĩnh làm cho què quặt. Trái lại, ngôn ngữ đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều so với công cụ vật chất; và có lẽ nó là phương tiện đầu tiên dùng để biểu lộ những cảm xúc và quan điểm dễ đổi thay; đây chính là khía cạnh ít mang đặc tính hình học nhất của kinh nghiệm con người. Điều quan trọng nhất mà con người cần biết, từ thời thơ ấu trở đi, là anh ta có được đón nhận hay bị đuổi xua, có được yêu thương, ấp ủ và bảo bọc hay bị căm ghét và sợ hãi; và sự nói năng qua lại, với tất cả mọi âm giọng trầm bổng của nó, sẽ cho thấy lời giải đáp cần thiết cho các hành vi đối lập vừa nêu. Ngôn ngữ không được tạo ra bởi các triết gia, những người đi tìm chân lý, hay bởi các khoa học gia, những người tìm hiểu tiến trình vận động của thế giới tự nhiên, và cũng không được tạo ra bởi các nhà cơ khí, kẻ tìm cách định hình một công cụ xứng đáng, hoặc bởi nhân viên kế toán mẫn cán, người chuyên ghi chép, kiểm kê tài sản của xã hội. Ngôn ngữ là kết quả của nhu cầu đoàn kết của con người. Bởi vì nó là phương tiện chính yếu không chỉ của sự hợp tác xã hội, mà còn của lòng cảm thông, cho nên nó tỏ ra hết sức đắc dụng trong việc kềm chế và hướng dẫn mọi hành vi của con người.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ngôn ngữ đã tận lực đóng góp vai trò của mình vào nhiều mục tiêu đời sống khác nhau, bên cạnh việc chia sẻ tình cảm và xây dựng tình bằng hữu. Đáng kể nhất, ngôn ngữ đã trở thành một phương tiện, nhờ vào đó, các phản ứng chủ quan được thể hiện ra bên ngoài, và sự thật khách quan được suy gẫm. Vì vậy, nó mới có thể tạo điều kiện thích hợp cho mối giao cảm thường trực giữa thế giới bên ngoài và thế giới riêng tư bên trong con người. Khi đó, trong mọi ý nghĩa, sự nói vẫn chính là công cụ chủ yếu của con người để sẻ chia cái thế giới tư riêng của anh ta với đồng loại, và để chuyên chở ngoại cảnh về với bản thân mình, dẫu cho ngôn ngữ đã được bổ sung bằng các ký hiệu và ý nghĩa của nhiều nghệ thuật khác. Bất cứ ai có thể nói, đều có thể được tin cậy: mỗi một từ ngữ đều là một mật ngữ dùng để chỉ bạn hay thù, cùng phe hay khác phe. Chức năng hữu lý và thực tế của ngôn ngữ, mà ngày nay ai cũng thấy là rất quan trọng, lẽ ra phải được xem là điều hiển nhiên từ lâu.

Cấu trúc phức tạp, sự tinh tế về mặt ngữ pháp và luận lý, và sự đa dạng của các ngôn ngữ cổ khiến người ta tin rằng phần lớn hoạt động sáng tạo của con người, có lẽ suốt hàng trăm ngàn năm, có thể hầu như chỉ dành riêng cho sự hoàn thiện cách nói năng dễ hiểu, và cho các nghệ thuật tạo hình, những phương tiện biểu đạt kém quan trọng hơn. Không có cỗ máy nào do con người làm ra trước thế kỷ hai mươi có thể sánh được với một ngôn ngữ giản đơn nhất về phương diện phức tạp và tinh tế. Không có gì ngạc nhiên khi chính cấu trúc siêu hữu cơ này làm thay đổi hoàn toàn các điều kiện phát triển của nhân loại.

Hải ly có thể xây dựng đập nước; ong biết làm tổ; loài chim kém cỏi nhất vẫn có một cơ cấu đáng tin cậy hơn nhiều, mà con người vẫn chưa có được, để bay lên và đáp xuống. Nhưng không sinh vật nào có được nghệ thuật thông tin bằng ký hiệu như con người. Thông qua ngôn ngữ, con người đã tạo ra được một thế giới thứ hai, lâu bền và vững chắc hơn thế giới kinh nghiệm, phong phú về tiềm năng hơn thế giới vật chất của bất cứ sinh vật nào khác. Cũng với ngôn ngữ, con người đã biến sự mênh mông và phức tạp tột cùng của môi trường thành các chiều kích có thể cảm nhận được, đồng thời khái quát hoá cái toàn thể bao la ấy để có thể chi phối và kiểm soát. Đặc tính rất ổn định của từ ngữ tỏ ra đắc dụng trong việc thấu hiểu và điều khiển dòng chảy không ngừng của sự vật; đó chính là vì cấu trúc của ngôn ngữ và luận lý mang tính chất tĩnh (theo Parmenides và Plato), để cho những biến dịch không ngừng của thế giới tự nhiên có thể được diễn giải. Nếu ý nghĩa cứ đổi thay nhanh chóng như sự kiện, thì không có sự kiện nào có được một ý nghĩa.

Ngôn ngữ vốn có tính chất quan trọng hơn nhiều so với công cụ hoặc máy móc. Thông qua bộ phận não trước rất phát triển và những phản ứng cảm xúc hết sức phong phú, con người đã tiếp cận với một lãnh vực hành động ngày càng mở rộng; và bằng ngôn ngữ, con người đã tìm được một phương cách rất tiết kiệm để đối phó với sự phức tạp, và chuyển mọi trạng thái và hành vi thành ý nghĩa. Ngôn ngữ rất cần thiết cho tính người của con người, là cội nguồn sâu xa của tính sáng tạo, và không ngẫu nhiên chút nào một khi cố hạ thấp phẩm giá để biến người khác thành nô lệ, thì trước tiên người ta hạ thấp và ngược đãi ngôn ngữ. Văn minh, từ giai đoạn cổ xưa đến nay, luôn phát triển theo khuynh hướng liên tục tạo thành một di sản xã hội phổ quát, vượt qua mọi dị biệt chủng tộc, môi sinh và những biến động lịch sử để được sẻ chia trong một phạm vi ngày càng rộng lớn về không gian và thời gian. Di sản ấy, nếu không tính đến những yếu tố vật chất như đường sá, kênh đào hay đô thị, thì phần lớn được để lại thông qua hình thức ký hiệu, mà trong hình thức đó, ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết là một bộ phận vô cùng to lớn. Trái ngược với một câu ngạn ngữ [4] , lời nói tạo ra sự tác động mãnh liệt hơn nhiều so với gậy và đá; chẳng những thế, còn tồn tại lâu bền hơn.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Mọi hoạt động sinh lý của con người đều mang tính thích nghi. Có thể tạm phân chia các hành vi thích nghi thành hai loại: (1) thích nghi nội cơ thể (intra-organic adaption) và (2) thích nghi ngoại cơ thể (extra-organic adaption). Thích nghi nội cơ thể quyết định mối tương giao giữa các cơ quan bên trong cơ thể. Nó có vai trò tự sửa chữa các mô và chống chọi với bệnh tật. Tương tự, thích nghi ngoại cơ thể định đoạt mối quan hệ giữa cá nhân với thế giới vật chất, tâm lý và kinh tế bên ngoài. Nó khiến anh ta tồn tại bất chấp những điều kiện khắc nghiệt của môi trường. (ND)
[2]Vật lý và hoá học thuộc về khoa học vô cơ; sinh vật học là đối tượng nghiên cứu của khoa học hữu cơ; và xã hội học, kinh tế học, nhân chủng học và chính trị học nằm trong lãnh vực nghiên cứu của khoa học siêu hữu cơ (super-organic science). Xã hội không chỉ là sự tập hợp của các cá nhân, mà còn hơn thế nữa, là một tập hợp mang tính hệ thống. Ở tầm mức “vô cơ”, thái dương hệ hoặc một động cơ ô-tô là một hệ thống. Ở tầm mức “hữu cơ”, bầy kiến, cái cây, hoặc con vật được xem là một hệ thống. Và ở tầm mức siêu hữu cơ, hay nói cách khác, ở tầm mức văn hoá, một cộng đồng được xem là một hệ thống. (ND)
[3]Cả ba Prospero, vị công tước có nhiều pháp thuật, Ariel, hồn ma nô lệ của Prospero, và Caliban, con yêu tinh, đều là các nhân vật trong vở kịch The Tempest nổi tiếng của William Shakespeare. (ND)
[4]Đó là câu: “sticks and stone may break my bones, but words will never hurt me”(ND).

Nguồn: The Conduct of Life, Lewis Mumford, Harcourt Brace and Co., New York, 1951.