© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ý kiến ngắn
18.3.2007
Nguyễn Kim Bình
thu 1625
 
Khác với ý kiến của một số vị đã kết án khá nặng nề Phan Huyền Thư, có vị vẫn không tha thứ cho nhà thơ sau lá thư tạ lỗi chí tình, tôi lại thấy cảm thông và muốn cảm ơn cô. Cảm ơn cô đã thay mặt nhiều người làm một chuyện hữu ích.

Nhờ có cô mà có thêm nhiều người dân miền Bắc biết đến tên tuổi nhà thơ lớn Thanh Tâm Tuyền của miền Nam tự do. Nhờ có cô mà họ thấy được trên tấm poster những hình ảnh hiếm hoi ở trong nước, một Sài Gòn tươi đẹp, sung túc, thanh lịch, văn minh, vào những 40-45 năm trước.

Không thể phủ nhận rằng Phan Huyền Thư đã có những sai phạm trầm trọng như ông Hoàng Ngọc-Tuấn, hết sức chính xác chỉ ra, nhất là về phần trích lại từ các tác giả khác. Và cô đã nhận hết lỗi lầm, không một lời bào chữa. Nhưng nếu Phan Huyền Thư buộc phải ghi ra trên poster tất cả các chi tiết thiếu sót về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (chứ không về phần trích lại) như đề cập, thì tôi chắc chắn tên nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã không thể xuất hiện trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ V vừa qua.

Chúng ta nên biết (hay không nên quên) rằng cách nay chỉ khoảng 6 tháng thôi, trên tờ Người Hà Nội trong nước có bài viết về Thanh Tâm Tuyền, mà talawas có đăng lại, với các đoạn như: “Đối với độc giả miền Bắc, cái tên Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn xa lạ… phục vụ cho chính quyền ngụy.” Và: “Tư tưởng chống cộng đương nhiên thấm đẫm… sự nghiệp thơ Thanh Tâm Tuyền.”

Một kiểu qui chụp “tên biệt kích văn nghệ” lạnh người cho nhà thơ như thế thì sao khỏi làm cho Ban Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam phải e dè, khắt khe, khi đối diện với cái tên Thanh Tâm Tuyền lúc tuyển chọn? Tôi cho rằng Phan Huyền Thư đã thật sự yêu quí Thanh Tâm Tuyền, “một nhà thơ mình vốn ngưỡng mộ”, và thành tâm muốn đưa tên tuổi ông đến với quần chúng. Trong một không khí dư luận ít nhiều bị ô nhiễm bởi những cáo buộc nặng nề như trên, chuyện không đơn giản. Muốn qua cửa ải, đạt mục đích, cô không có cách nào khác hơn là phải gọt giũa, cắt xén lời giới thiệu về nhà thơ này. Tôi cho đó là những lý do mà Phan Huyền Thư đã thú nhận “rất khó có thể giải thích ‘tại sao’ trong hoàn cảnh riêng của mình.”

Tôi nhìn hành động của Phan Huyền Thư qua lăng kính tích cực như thế. Cái mà chúng ta nên lên án là hệ thống kiểm duyệt văn hóa tư tưởng của chế độ vẫn còn buộc một số nhà thơ, nhà văn, vì niềm đam mê văn chương, thi ca, đã phải đành lòng che khuất đi một phần sự thật. Những sự thật mà ở trong nước, và chúng ta ở hải ngoại đều biết, có khi phải đánh đổi bằng nhà tù.